Những góc nhìn Văn hoá

Kafka

R.Garaudy sinh năm 1913 tại Marseille, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp năm 1945. Từ 1945 đến 1958 là nghị sĩ, từ 1959 đến 1962 là thượng nghị sĩ. Ông được biết tới với tư cách là nhà phê bình văn học, nhà hoạt động chính trị của Pháp.

R.Garaudy đã từng nghiên cứu ở Viện Triết, Viện Hàn Lâm Xô Viết. Là giáo sư ở Đại học Poitiers, từ 1959, ông phụ trách Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa Marx của Đảng cộng sản Pháp. Với tư cách nhà lý luận, ông viết nhiều tác phẩm đề cập đến các vấn đề khác nhau của chủ nghĩa Marx như: về chủ nghĩa xã hội ở Pháp, nhận thức luận của chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa nhân đạo mác xít, đạo đức mác xít, chủ nghĩa Marx thế kỷ XX v.v...

Về mặt lý luận - phê bình văn học, Garaudy viết không nhiều, quan trọng nhất và nổi bật nhất trong số đó là tác phẩm Về một chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến (Dun réalisme sans rigages) xuất bản năm 1963. Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng và gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi.

Trong cuốn sách này, Garaudy đã đề cập ba tác gia của ba lĩnh vực khác nhau: họa sĩ P.Picasso, nhà thơ, nhà ngoại giao St.J.Perse và đặc biệt là nhà tiểu thuyết Kafka, một nhân vật phức tạp, “khó hiểu” bậc nhất trong lịch sử văn học thế giới hiện đại. Viết về Kafka, Garaudy đã giúp chúng ta có cách nhìn nhận mới về “hiện thực” và tác phẩm: “Kafka không phải là một kẻ thất vọng. Đó là một nhân chứng, Kafka không phải là người cách mạng. Đó là người đánh thức. Tác phẩm của ông thể hiện thái độ của ông đối với thế giới. Nó không phải là một bản sao chép của thế giới, cũng không phải là cái gì đó không tưởng. Nó không có ý định giải thích hoặc biến đổi thế giới. Nó gợi ra sự chưa toàn vẹn của thế giới và kêu gọi sự vượt qua”.

Sự vượt qua đó được Picasso thể hiện rõ trong hội họa và Garaudy cho rằng những tác phẩm nghệ thuật trong quá khứ chỉ là một kiểu của chủ nghĩa hiện thực. Sự sáng tạo có tính chất lật đổ của Picasso đã khiến Garaudy nghĩ đến những cách nhìn nhận khác: “Mỗi một tác phẩm nghệ thuật giúp chúng ta cảm nhận được những chiều kích mới của hiện thực”.

Các tác phẩm chính của R.Garaudy: Nhà thờ, chủ nghĩa cộng sản và những người theo đạo Cơ Đốc (1949), Những nguồn gốc Pháp của chủ nghĩa xã hội (1949), Học thuyết duy vật về nhận thức (1953), Chủ nghĩa nhân văn mác xít (1957), Từ chủ nghĩa siêu thực đến thế giới siêu thực: Hành trình của Aragon (1961), Thượng đế đã chết (Nghiên cứu về Hégel, 1962), Đạo đức mác xít là gì (1963), Từ lên án đến đối thoại (1965), Chủ nghĩa mác xít ở thế kỷ XX (1966), Lénine (1968), Vì một cuộc đối thoại của các nền văn minh (1977), Những nhà hùng biện của cách mạng Pháp (1991), Đạo Hồi ở phương Tây (2000), Chủ nghĩa khủng bố ở phương Tây (2004),…

                                                                                Lộc Phương Thủy giới thiệu

KAFKA

Đối với thế giới của chúng ta, thế giới của Kafka là duy nhất, thế giới ông đã trải qua và đã xây dựng nên là duy nhất. Một thế giới ngột thở, một thế giới mất nhân tính, thế giới của tha hóa, nhưng có ý thức sâu sắc về sự tha hóa, và một niềm hy vọng bất diệt làm cho chúng ta thấy được ánh sáng, có thể là một lối ra qua những kẽ rạn nứt của thế giới đó, nó đang được phân tách ra nhờ vào sự tuyệt diệu và sự hài hước. Để cảm thấy sự thống nhất sâu sắc và sống động này, chỉ cần đừng lạc lối trong trò may rủi của các lời giải thích nhằm để đưa tác phẩm vào chiếc giường Procuste bằng một hệ thống đã định trước và chỉ nhằm tìm kiếm trong tác phẩm sự dàn cảnh tiểu thuyết từ một luận đề.Các nhà lý luận thần học đã đem lại một ví dụ lời chú giải kiểu này: tin rằng tìm thấy trong Kafka lời tiên tri cuối cùng của Israël, khẳng định ở ông có “những cuộc tranh luận của một tâm hồn đang bị giày vò xin tha thứ”, họ đã muốn đưa tâm hồn đó đến lễ rửa tội, có những người đã muốn biến ông thành một đồ đệ của Karl Barth, những người đồng nhất tác phẩm của ông với tác phẩm của thần học tiêu cực.

Ở một cực khác, đó là cách giải thích của những kẻ ngụy mác xít coi Kafka lúc thì như một kẻ tiểu tư sản suy đồi theo kiểu bi quan sâu sắc, lúc thì như một người nổi loạn của chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa hiện sinh cũng gắn Kafka vào công việc phi lý của Sisyphe hoặc nỗi âu lo của Heidegger. Các nhà phân tâm học, cũng bị hấp dẫn bởi Bức thư gửi cha, đã tin là phát hiện trong Kafka sự thể hiện tiêu biểu của mặc cảm Œdipe. Ngành y học cũng để ý đến và người ta không do dự tìm kiếm trong bệnh lao phổi được tuyên bố năm 1917 sự giải thích không tranh cãi được của Hóa thân hoặc Vụ án, viết năm 1913 và 1914! Các giải thích nhiều đến nỗi sự vĩ đại của sự nghiệp Kafka trở nên hiển nhiên.

Đến nỗi ngày nay khi người ta đề cập đến Kafka, người ta có cảm giác về nhân vật từ một trong các truyện ngắn của ông Bụi cây rực cháy: “Tôi bị ngã vào một bụi cây chằng chịt... . tôi lặng lẽ mải mê trong suy nghĩ của mình, và bỗng nhiên, tôi đây rồi. Cứ như là bụi cây xô đẩy quanh tôi. Tôi không ra khỏi được nữa, tôi rối trí!

- Này cháu! Người gác gọi. Cháu đi vào con đường cấm, cháu lạc vào bụi cây khủng khiếp đó và rồi cháu than vãn... Thế nhưng cháu không phải đang lạc trong rừng nguyên thủy! Đây là vườn hoa công cộng. Người ta sẽ đưa cháu ra... nhưng cháu phải kiên trì một chút, trước tiên, tôi phải đi tìm công nhân để mở một con đường và trước hết, tôi phải xin phép ông Giám đốc”.

Đặc điểm chung của những lời giải thích này, ngay cả trong trường hợp đối lập nhất, là làm cho các tác phẩm của Kafka thành các tiểu thuyết “ám chỉ” mà chìa khóa của chúng hoặc là một thuyết thuộc thần học, hoặc là một vô thức thuộc xã hội học hoặc tâm lý học, một chương trình cách mạng hoặc một triệu chứng bệnh lý.

Không loại trừ là mỗi một cách giải thích chỉ khai thác một phần sự thực, nhưng ngay lập tức nó trở thành sai lầm khi trở thành cái gì đó còn hơn cả một công trình tiếp cận, một hệ thống giải thích có tính chất tổng quát.

Cho rằng trong tác phẩm của Kafka có sắc thái của tôn giáo, đó là điều không tranh cãi được, cho rằng vị thế giai cấp đã hạn chế tầm của ông, điều đó không còn nghi ngờ gì; rằng suy nghĩ của ông về tồn tại không giống với suy nghĩ của Kierkegaard và những người nối nghiệp Kierkegaard, điều đó là chắc chắn.

Nhưng tác phẩm không thể bị thu hẹp bởi việc thể hiện một trong những vấn đề trên: một tiểu thuyết hay tác phẩm sử thi, đó không phải một tư tưởng trừu tượng nhố nhăng đầy ẩn dụ.

Đó là một huyền thoại có tính phát hiện.

Một hình ảnh của cuộc sống nơi mà mặt đất và bầu trời chỉ tạo thành một thế giới. Hình ảnh của cuộc sống với tất cả các chiều kích của nó: gia đình và nghề nghiệp, hôn nhân và tôn giáo, thành phố với mê cung vô tận của nó với những máy móc và các văn phòng của nó, sự hão huyền và điều bất diệt, điều huyền diệu và cái thường ngày.

Thế giới của Kafka được xây dựng nên bởi chính cuộc đời của ông: “Đó không phải là tiểu sử, mà là sự tìm tòi và sự phát hiện những thành tố được rút gọn nhất trong chừng mực có thể. Chính là ở đó tôi dựng xây nên tất cả, như một người đang có ngôi nhà sập sệ muốn dựng một ngôi nhà chắc chắn ở bên cạnh, bằng các vật liệu đã cũ. Điều đáng tiếc là anh ta thiếu sức mạnh ngay giữa lúc xây dựng và đáng lẽ có một ngôi nhà tuy sập sệ nhưng còn nguyên vẹn, giờ đây anh ta có một nửa ngôi nhà bị phá hủy và một nửa kia đã xây xong, có nghĩa là chẳng có gì. Điều xảy ra tiếp theo là điên rồ hoàn toàn, có nghĩa là cái gì đó như một điệu nhảy cô dắc giữa hai cái nhà, anh chàng cô dắc dùng gót ủng của mình cào và cậy đất lâu tới mức đủ để đào được ngay dưới chân một ngôi mộ dành cho anh ta”.

Những vật liệu của tác phẩm và cuộc sống là như nhau, đó là một điều hiển nhiên; sự xuất hiện đầy quyến rũ của Prague trong Miêu tả một trận đánh, những quan hệ thầm kín giữa Bức thư gửi cha và bầu không khí trong Vụ ánHóa thân, giữa kinh nghiệm công chức của ông và bệnh quan liêu ở khắp nơi trong Vụ án, giữa Lâu đài Những bức thư gửi Miléna. Khắp nơi trong thế giới ấy, con người bị chìm ngập trong sự vô nhân tính, bị vật hóa, bị mắc vào mớ chằng chịt của một hệ thống trong đó tất cả đều được tính toán và được hợp lý hóa.

Trong cái xã hội nhạt nhẽo và phân hóa theo đẳng cấp ấy con người bị tước bỏ bản sắc cá nhân, trở thành một đồ vật, một đồ vật vô danh và dị thường đến tội nghiệp.

Đó là thế giới tư bản mà sự dã man bất nhân còn thể hiện rõ hơn trong các cấu trúc lỗi thời và nặng nề của đế chế Áo - Hung đang hấp hối.

Nhưng sự thống nhất giữa sáng tạo nghệ thuật và cuộc sống không chỉ nảy sinh từ những gì được làm nên từ cùng một vật liệu, mà từ những gì sinh ra và thể hiện sự phản ứng. Trong cuộc đấu tranh có tính hoài nghi, cá nhân chạm trán với một xã hội mà ở đó vấn đề giữa cái riêng và cái chung được đặt ra một cách đau đớn. Kafka cố gắng đặt mình trong thế giới ấy, nắm bắt nó trong cái toàn thể đồng ý nghĩa của nó, phát hiện ra ý nghĩa của cuộc đời mình và vai trò của mình là sứ giả gánh “một sự ủy nhiệm mà không ai chịu”. Thời điểm của nổi loạn và của lòng tin, thời điểm của chấp nhận và của nỗi lo âu, thời điểm của khước từ và của nỗi sầu muộn, thời điểm của sự mỉa mai và của nghi vấn đều xếp liền kề nhau, đan xen nhau và va chạm nhau như vậy.

Thế giới của Kafka, thế giới vây quanh ông và thế giới nội tâm của ông là duy nhất. Khi Kafka nói với chúng ta về một thế giới khác, ông đồng thời để chúng ta hiểu rằng thế giới khác là nằm trong thế giới ta vừa nói, thế giới khác chính là thế giới đó. Bởi vì thế giới của con người cũng là tất cả những gì còn thiếu hụt ở trên đời, tất cả những gì khiến anh ta hoài nghi.

Sự phủ nhận là một trong những thời điểm của ông. Kafka là một trong các thời điểm của ông. “Tôi hoàn toàn đảm nhận việc phủ nhận thời đại của mình, nó rất gần gũi với tôi, tôi không có quyền tranh đấu, nhưng trong chừng mực nào đó, tôi có quyền giới thiệu nó. Tôi không có phần thừa kế, không khẳng định yếu ớt cũng như không phủ định cực đoan chống lại sự khẳng định. Tôi là sự kết thúc, hoặc một sự bắt đầu”.

Kafka không phải một kẻ thất vọng. Đó là một nhân chứng.

Kafka không phải người cách mạng. Đó là người đánh thức.

Tác phẩm của ông thể hiện thái độ của ông đối với thế giới. Nó không phải là một bản sao chép của thế giới, cũng không phải là cái gì đó không tưởng. Nó không có ý định giải thích hoặc biến đổi thế giới. Nó gợi ra sự chưa toàn vẹn của thế giới và kêu gọi sự vượt qua.

Giữa Kafka và độc giả của ông đã có cuộc đối thoại từ trong các sổ ghi chép của ông:

“ - Tính chất cơ bản của thế giới này là tính lỗi thời... Nếu tôi muốn đấu tranh chống thế giới này, tôi phải tấn công nó trong đặc tính cơ bản của nó, tức là tính lỗi thời. Liệu tôi có thể làm được điều đó trong cuộc đời này, liệu tôi có thể làm việc đó một cách thực sự và không chỉ với vũ khí của đức tin và lòng hy vọng?

- Vậy anh muốn đấu tranh chống thế giới này, và làm việc đó với những vũ khí thực tế hơn là đức tin và lòng hy vọng? Chắc là có những vũ khí như thế, nhưng chúng chỉ có thể được nhận ra và được sử dụng trong một số điều kiện; trước hết tôi muốn biết anh có những điều kiện này không.

- Nếu như tôi không có, tôi có thể tìm cách để có được không?

- Có thể, nhưng tôi không thể giúp đỡ anh về việc đó.

- ...Nếu việc là như vậy, tại sao anh lại muốn thử thách tôi?

- Để chỉ cho anh không phải việc anh còn khiếm khuyết mà là chỉ ra rằng anh còn thiếu cái gì”

Để hoàn thành nhiệm vụ này Kafka đã sáng tạo ra một thế giới khác, là hiện thực của thế giới đó, bởi vì nó mang trong mình sự phủ định của chính nó, sự phát lộ bí ẩn và ám ảnh về sự vô nhân đạo ghê gớm của nó.

Đó là cuộc đấu tranh chống lại sự tha hóa bên trong sự tha hóa. Hoặc là để giải thích Spinoza, đó là ý thức về sự tha hóa kết hợp với sự không biết về những nguyên nhân của nó và các phương sách để vượt lên nó.

Để đề cập vấn đề trọng tâm, vấn đề về các mối quan hệ giữa tác phẩm và cuộc sống, chúng ta sẽ dõi theo mối quan hệ biện chứng của sự nghiệp và cuộc đời của Kafka.

Chúng ta bắt đầu từ sự thống nhất giữa thế giới của Kafka và thế giới hiện thực. Đó là cuộc sống thực của ông, thế giới đã trải nghiệm và các mâu thuẫn của nó, chúng ta sẽ tham dự vào sự lưỡng phân một cách biện chứng của thế giới tha hóa và thế giới của ý thức về sự tha hóa. Thế giới của sở hữu và thế giới của hữu thể, thế giới của những con người kép. Kafka cũng như nhân vật của Vụ án, là “người được ủy quyền” và “kẻ bị buộc tội”. “Ông và những gì thuộc về ông không phải là một, mà là hai, và người nào phá bỏ điều khiến chúng liên kết với nhau sẽ đồng thời phá hủy chính mình”.

Mâu thuẫn đối lập đầu tiên này sẽ tăng lên bởi sự khước từ đầu tiên, sự phủ định đầu tiên, qua đó hữu thể được nắm bắt trong hoạt động của chính nó, đối diện với những trạng thái thụ động của thế giới sở hữu. Nhưng chủ thể, cũng được nắm bắt như thế trong sự thống nhất của nó, cũng như của thế giới bên trong xảy ra sự phân đôi mới của sự duy nhất. Ý thức về sự tha hóa và tình trạng căng thẳng ghê gớm nảy sinh giữa chủ thể và khách thể, giữa hữu thể và sở hữu là nhập nhằng ở trong ý nghĩa của nó: nó là tôn giáo hay là sự nổi loạn?

Mâu thuẫn đối lập thứ hai sẽ tăng lên trong dự định vượt qua sự tương phản tất yếu giữa sự nổi loạn và tôn giáo: đó là sự khách quan của mối xung đột trong sáng tạo nghệ thuật, vừa là kinh nghiệm đã trải qua có ý nghĩa của thế giới và sự chưa hoàn thiện của nó như là tôn giáo và lời kêu gọi hướng tới sự vượt qua, như là sự nổi loạn. Ở thế giới đang xây dựng này đã lộ ra mâu thuẫn tự bên trong: mâu thuẫn của ngôn ngữ và của huyền thoại mà sự thống nhất và đối lập của nó đem lại sự vận động và cuộc sống của tác phẩm. Nhiệm vụ cuối cùng của Kafka: chỉ ra sự siêu việt, bắt buộc ông phải tuân theo một sứ mệnh không thể “Tôi luôn luôn tìm cách truyền đạt cái không thể truyền đạt, giải thích điều không thể giải thích…”

Mâu thuẫn không giải quyết được này, được Kafka truyền lại, là mâu thuẫn của số phận ông, mâu thuẫn của sứ mệnh của ông: “Cuộc truy đuổi này đi theo con đường xuất phát từ con người... Bất cứ nền văn học nào cũng là cuộc đấu tranh chống lại các giới hạn…”

 

I

 

THẾ GIỚI ĐÃ SỐNG VÀ NHỮNG CUỘC XUNG ĐỘT CỦA NÓ

Trong cuộc kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống, sự trải nghiệm căn bản của Kafka là việc trở thành xa lạ và có nhu cầu được phép lưu lại trong hữu thể. Ông viết trong Nhật ký: “Tôi sống xa lạ hơn cả một người ngoại quốc”.

Hoàn cảnh của ông, một người Do Thái, nói tiếng Đức, sống ở Tiệp, dưới sự thống trị Áo - Hung càng làm tăng thêm tình cảm cô độc và tha hương. Kafka mười bốn tuổi khi xảy ra cuộc bạo loạn năm 1897, cuộc chống lại sự thống trị của Vienne càng dữ dội hơn bởi cuộc tàn sát bài Do Thái, và trong suốt thời trẻ của mình, Kafka đã chứng kiến cuộc chiến tranh chủng tộc của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tồn tại dai dẳng trong đám học trò khi người ta coi nhóm trò Do Thái như “bọn chó ghẻ”, như ông đã nhắc lại điều đó trong Những bức thư gửi Miléna. Ông bị chia rẽ khỏi dân Tiệp bởi ngôn ngữ Đức. Thế nhưng ông tự cho mình là khách của ngôn ngữ Đức. Ở Prague, trong thành phố quê hương, ông cảm thấy mình xa lạ. Với tư cách là người Do Thái, ông bị tách riêng khỏi dân nói tiếng Đức. Là con trai của một nhà buôn lớn, ông đứng ngoài dân chúng. Trại tập trung Do Thái ở Prague đã bị phá, nhưng trại Do Thái tinh thần vẫn tồn tại. “Thành phố Do Thái bẩn thỉu xưa kia vẫn tồn tại trong chúng ta rõ hơn là thành phố mới vệ sinh sạch sẽ đang ở trước mắt. Hoàn toàn thức tỉnh chúng ta đang bước đi trong một giấc mơ: bản thân chúng ta chỉ là những bóng ma của quá khứ”. Về mặt xã hội ông không thể hòa nhập, về mặt tinh thần là người cô độc, ông cảm thấy là người ngoại đạo đối với bất cứ cộng đồng lịch sử nào.

Ngoại đạo và xa lạ với bất cứ cộng đồng trí tuệ nào. Chúa trời duy nhất mà ông cảm nhận thấy là Chúa trời khủng khiếp của đạo Do Thái truyền thống Jéhova mà luật của ngài là định mệnh. Có một chúa trời xa xôi, ở ranh giới của sự vắng mặt: người ta không bao giờ thấy mặt Hoàng đế Trung Hoa, Quan Chánh án, người chủ của Lâu đài. Đối với ông, lịch sử Israël là hình ảnh của những mối quan hệ giữa con người với Chúa Trời: dân tộc của ông là dân tộc được lựa chọn, nhưng cũng là dân tộc cứng đầu cứng cổ mang trên mình lời nguyền của Chúa. “Cho dù có những điều khác biệt mà tôi đã thừa nhận, tôi không hề phản bội chủng tộc của mình... Chỉ có tính khí của tôi khá là lạ lùng, nhưng chúng ta đừng quên là tính đó có thể được giải thích bằng những đặc điểm đặc biệt của dân tộc tôi”1.

Kafka là người Do Thái chính gốc, nhưng đồng thời là người Do Thái đã cắt đứt quan hệ với cộng đồng Do Thái. Việc ông phê bình tôn giáo Do Thái là rất quyết liệt. Trong truyện ngắn Trong Synagogue của chúng tôi, ông miêu tả cộng đồng Do Thái như những kẻ nô lệ, không hiểu những tín ngưỡng và lễ nghi mà ý nghĩa của chúng ông không nhận thấy. Con vật huyền bí và khiến người ta lo sợ đã ám ảnh đạo Do Thái của Traumühl tượng trưng cho mục đích khó hiểu, không giải mã nổi mà những lời cầu nguyện của các tín đồ tiếp tục hướng tới một cách mù quáng.

Thái độ của Kafka ở đây có tính chất lưỡng phân. Tính chất lưỡng phân càng rõ rệt khi mà Đạo Do Thái vừa thuộc về một cộng đồng xã hội vừa thuộc tôn giáo. Đạo Do Thái không chỉ là việc của lòng tin, mà trước hết nó là kinh nghiệm sống của một cộng đồng phụ thuộc vào lòng tin.

Tách rời khỏi Đạo Do Thái, Kafka đồng thời đánh mất cả bầu trời và mặt đất, đánh mất những mối quan hệ với Chúa trời và các quan hệ với con người. Là người Do Thái bị tách lìa khỏi cộng đồng, người Do Thái giữ gìn nỗi buồn nhớ về cộng đồng của dân tộc mình, luôn luôn bị giằng xé giữa đức tin và sự khước từ nó, ông cảm thấy sự cô đơn đau đớn nhất với một tính cách đặc biệt không thay đổi được ở ông. Ông bị tước bỏ khỏi mọi cội rễ: ông đau khổ vì “sự thiếu vắng của quê hương, bầu không khí của đạo luật”. Tôi phải sáng tạo những cái đó, đấy chính là nhiệm vụ của tôi. Thậm chí đó là nhiệm vụ mang tính chất tổ tông nguyên thủy”. Tổ quốc xa xưa vẫn không ngừng đổi mới khi chúng ta sống một cách có ý thức, ý thức rõ ràng về các mối quan hệ và các nghĩa vụ của nó đối với mọi người. Trong thực tế, con người chỉ tự giải phóng bởi các mối quan hệ. Và điều đó chính là điều cao cả nhất trên đời này.

Kafka không phải chỉ là nhà văn trừu tượng: con người này dường như không phải đến từ nơi nào đó, không phụ thuộc vào cái gì, thậm chí không đưa lại cái gì, chỉ mong muốn một cách cháy bỏng cắm rễ vào mảnh đất của con người. Tất cả những gì không gắn với ước nguyện thiết tha này đối với ông đều không có ý nghĩa.

Kafka không phải là một nhà văn “đen tối”. Người ta thường xuyên miêu tả ông như một kẻ thất vọng và cô đơn, còn ông là người khát khao tất cả những gì là bình thường, lành mạnh và hòa nhập hạnh phúc với mọi người. “Tất cả các luật lệ và tất cả các thể chế chính trị của chúng ta... đều mong muốn niềm hạnh phúc lớn lao mà chúng ta có thể nhận thấy: người này hăng hái chống lại người kia”. Niềm nuối tiếc này được thể hiện thường xuyên: “Tôi sẽ được đón tiếp một cách rất trọng thể, tôi, tự đáy lòng mình, bao giờ cũng cảm thấy mình là người ngoài luật lệ, một kiểu người tấn công một cách man rợ những bức tường thành. Tôi đắm chìm trong nỗi thèm muốn cuồng nhiệt của đàn chó đang bao vây quanh tôi.”

Cảm giác thấy mình xa lạ trên mặt đất cũng như dưới bầu trời và nhu cầu cháy bỏng muốn chinh phục được một cơ thể, một quê hương, một niềm tin và cội rễ có nguồn gốc như sau:

“Tôi có tính đặc biệt khiến tôi rất khác với mọi người mà tôi đã từng biết. Cả hai chúng tôi đều biết rất nhiều những ví dụ điển hình của người Do Thái phương Tây; trong tất cả những người mà tôi từng biết, tôi là kiểu người điển hình nhất; có nghĩa là nói một cách cường điệu, tôi không có một phút giây yên bình, chẳng có gì đem lại cho tôi, nhưng tôi cần phải có tất cả, không chỉ hiện tại và tương lai, mà còn cả quá khứ, có được những gì mà bất kỳ người nào cũng vừa được nhận một cách vô tư, đồng thời phải chia sẻ, điều đó tôi cũng cần phải đạt được, có thể đó là công việc khó khăn nhất.”

*

Kafka trải qua những mối quan hệ xã hội và vị thế của một người Do Thái với sự căng thẳng đặc biệt trong gia đình. Các mối quan hệ của ông với người cha, một người hoàn toàn bình thường, về mặt nào đấy đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng giữa ông và cộng đồng Do Thái, cả về mặt tôn giáo cũng như xã hội.

Cuộc xung đột đối với người cha, không phải sự biểu hiện của các vấn đề phân tâm học, mà hoàn toàn trái lại: đối với các nhà phân tâm học tất cả các cuộc xung đột về sau này đã được báo trước từ trong cuộc xung đột đầu tiên với người cha, cuộc xung đột với người cha là hình ảnh thu nhỏ và làm gia tăng các mối quan hệ căng thẳng trong xã hội.

Trong gia đình Do Thái truyền thống người cha có một uy quyền thiêng liêng. Không phải không biết sự thể hiện của Chúa trời có nguồn gốc từ mối quan hệ đối với cha, Kafka gán cho người cha hình ảnh truyền thống của những mối quan hệ với Chúa trời đáng sợ của Kinh Thánh. Còn hơn thế bởi người cha của Kafka là một người Do Thái cực kỳ chính thống đòi hỏi từ con trai mình những lễ nghi khiến ông suy kiệt bởi bất kỳ trạng thái nội tâm nào và bất kỳ ý nghĩa nào. Bản thân Kafka chỉ nhận thấy trong phân tâm học “một khuyết điểm tuyệt vọng. Tất cả những bệnh tật mạo xưng này... đều là những thực tế của niềm tin, sự gắn chặt con người một cách tuyệt vọng trên mảnh đất quê hương; cũng như vậy, khi phân tâm học tìm kiếm cơ sở gốc rễ của các tôn giáo, nó chẳng tìm thấy gì khác ngoài cái đã gây nên bệnh tật của con người”.

Trên bình diện xã hội, cuộc xung đột giữa Kafka và người cha là cuộc xung đột giữa con người kinh doanh, một người tự lập với con trai là một nhà thơ. Kafka coi cha mình như kiểu người siêu nhân nhưng ông không muốn và không thể trở thành. Trong công việc làm ăn của người cha, Kafka đã nhận thấy những thể nghiệm đầu tiên về quan hệ xã hội giữa người bóc lột và người bị bóc lột: “Chính cửa hàng đã mang lại cho con tâm trạng nặng nề... Đặc biệt con suy nghĩ về cung cách đối xử với con người... . Cha gọi những người làm công của cha là “những kẻ thù địch được trả lương”, thì đúng họ là như vậy, nhưng trước khi họ trở thành như thế, con có cảm giác cha là “kẻ thù địch phải trả lương” của họ... Điều đó khiến con thấy cửa hàng thật không chịu nổi, nó khiến con gợi nhắc đến tình trạng của con đối với cha... Chính vì thế về cơ bản con sẽ thuộc về nhóm có chung quan điểm về con người.”

Đối với Kafka, người cha là hình ảnh được nhìn một cách quá phóng đại, của một xã hội bị áp bức, bị tha hóa, bóp nghẹt nét riêng biệt của cá nhân. Ông trải nghiệm sự tha hóa, thành quả có tính chất toàn thể của các quan hệ xã hội, trước hết, dưới hình thức của các quan hệ với cha mình: “Ở trường học cũng như ở nhà, trong chừng mực mà tôi đã trải nghiệm, người ta làm mọi cách để xóa nhòa tính riêng biệt... Người ta không công nhận cá tính của tôi. Kết quả của cá tính ấy, hoặc là tôi thù ghét người bóc lột, hoặc là tôi coi cá tính ấy không tồn tại... Nhưng có lẽ tôi sẽ chẳng để ý đến cá tính của tôi, vậy thì kết quả sẽ là tôi tự ghét mình, bản thân tôi và số phận của tôi mà tôi tự coi mình là kẻ đáng nguyền rủa hay kẻ bị kết án”. Liên quan đến người cha và giải thích tại sao người cha đẩy ông đến “một cuộc sống hai mặt khủng khiếp”, Kafka bổ sung: “Tại sao tôi muốn đi khỏi thế giới này? Bởi vì ông không để cho tôi sống ở trên đời này, trong thế giới của ông. Ngay từ bây giờ tôi đã là công dân của một thế giới khác... Chanaan tất yếu cần phải hiện ra trước mắt tôi như một miền đất hy vọng duy nhất, bởi vì không có vùng đất thứ ba dành cho con người.”

Kafka thổ lộ với Brod dự kiến đặt tên cho toàn bộ tác phẩm của mình: “Mong muốn giải phóng khỏi “bóng của người cha”. Nhưng sẽ là phi lý nếu coi các tác phẩm ấy như tư liệu của phân tâm học, trước hết bởi vì trái với mặc cảm Œudipe, ở đây tất cả đều xảy ra một cách có ý nghĩa sáng rõ, sau đó bởi vì “bóng của người cha” thể hiện cái cách mà Kafka đã trải nghiệm từ lâu những quan hệ xã hội tha hóa và những quan hệ tôn giáo.

Các quan hệ của ông đối với người cha có cùng sự lưỡng phân như quan hệ của ông đối với xã hội và đối với tôn giáo: chúng được tạo ra từ tình yêu và nỗi sợ hãi, tinh thần nổi loạn và nỗi sầu muộn.

 

*

 

Nghề nghiệp, gắn chặt Kafka hơn vào cuộc sống xã hội, đã làm nặng nề hơn tình trạng tha hóa, làm trầm trọng hơn tính chất lưỡng phân. Từ năm 1908, ông là nhân viên của “Cơ quan bảo hiểm công nhân chống tai nạn ở vùng Boheme”.

Cuộc sống “hai mặt” của ông được tổ chức theo nhiệm vụ công việc nghề nghiệp của ông và trong mâu thuẫn đầy thất vọng với nghề nghiệp đó với tư cách một nhân viên trong bộ máy quan liêu, nó như một bánh xe định mệnh nghiền nát con người và bóp nghẹt cá tính. Trong công việc của mình, công việc vừa nuôi sống vừa giết chết ông hàng ngày một cách từ từ. Ông là công cụ của tình trạng tha hóa. Ông tham gia vào bộ máy vô danh và đẳng cấp từ trong lòng nó, tham gia vào chức năng máy móc, phi lý, vô trách nhiệm của nó, bộ máy đó nghiền nát con người nhân danh các luật lệ trừu tượng, vô nhân đạo. Ngay việc học luật đối với ông đã là một nhục hình khổ sở: “Con học luật. Có nghĩa là thần kinh con bị kiệt sức khủng khiếp trong hàng nhiều tháng trước các kỳ thi, về mặt tinh thần, con bị nhồi nhét một loại mạt cưa mà để nhét đầy hàng nghìn cái miệng đã nhai trước cho con”.

Pháp luật đó xa lạ với con người và với Kafka, tình trạng tha hóa đó không chỉ thể hiện mâu thuẫn giữa cái chung và cái riêng, mà còn là sự đối kháng giữa hai giai cấp. Kafka có ý thức về điều đó. Ông đã giải thích cho Janouch cơ chế của tình trạng tha hóa của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tư bản không tạo ra con người, mà chỉ tạo ra chính chế độ ấy: “Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống của các quan hệ phụ thuộc, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao. Tất cả đều sắp xếp theo đẳng cấp, tất cả đều trong xiềng xích. Chủ nghĩa tư bản là một trạng thái của thế giới và một trạng thái của con người “.

Kafka, nhân viên bàn giấy của bộ máy bóc lột ấy, luôn đau khổ vì việc phải nói dối thường xuyên về tình trạng của mình.

Trong bộ máy quan liêu mà đối với ông là hình ảnh thu nhỏ của tất cả tình trạng tha hóa của xã hội, ông thường xuyên bị đẩy đến chỗ hành động trái với ý thức của mình: khi thì viết một bản báo cáo, hoặc một bài báo phải chiều lòng một cơ quan mà ông ghét, khi thì hủy bỏ hoặc tránh khéo những điều tra mà ông biết rất rõ là hoàn toàn có căn cứ. Ông được phân công làm ở bộ phận phòng ngừa tai nạn và ở mỗi một hồ sơ, ông được chứng kiến tấm thảm kịch của các công nhân bị nghiền nát trong các khớp răng của máy móc và các đạo luật: tai nạn nghề nghiệp, thương tật, cái chết, sự góa bụa, mê cung của các văn phòng mà nạn nhân kiệt sức trong cuộc đi tìm những người có trách nhiệm không thể tìm thấy một cách khó hiểu trong một xã hội bị áp bức, mất hết tính người, ở đó tất cả đều bí ẩn khó hiểu, trong các mối quan hệ giữa các nhân viên và các văn phòng, giữa người bị kết án và người xử án, giữa thực tế và luật pháp, và cuối cùng, giữa người lao động và tư bản.

Kafka đã nhìn thấy, nghìn và nghìn lần hơn mối quan hệ sâu sắc mà ông đã thấy trước từ trong nhà máy của cha mình. Lại một lần nữa, ông là người của những người làm công. “Những người công nhân này mới quỵ lụy làm sao! Ông nói với Brod. Họ đến cầu xin chúng tôi. Đáng lẽ họ phải tấn công chiếm nhà và lấy của cải thì họ lại đến để cầu xin chúng tôi”.

Sự phản ứng của ông đến mức nổi loại, sự nổi loạn dẫn ông thường xuyên đến các cuộc bạo loạn vô chính phủ ở Tiệp và nhất là đến chỗ thủ lĩnh của các cuộc đó: Kacha. Đó cũng là sự phản ứng có tính chất đạo đức và tôn giáo làm tăng thêm trong ông cảm giác phạm tội: “Các anh muốn gì vậy, tôi là người của pháp luật. Chính vì thế tôi không thể giải phóng tôi khỏi điều ác”.

Trong văn học, ông quan tâm đặc biệt đến những tác giả đề cập đến những người lao động bị nghiền nát vì máy móc và bị hành hạ bởi luật pháp. Ông đọc Herzen, Kropotkine, Dostoïevsky, Tolstoi, Gorki.

Nhưng sự nổi loạn vô chính phủ hoặc ý nghĩa siêu hình về tội lỗi chỉ đưa ông đến ước mơ thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn đáng nguyền rủa. Đôi khi ông nghĩ đến việc cắm rễ vào thế giới hiện thực, trong tình nghĩa hữu ái giữa con người và con người, với một công việc chân tay: “Công việc trí óc kéo con người ra khỏi cộng đồng, - ông tâm sự với Janouch năm 1921, trái lại, nghề nghiệp lao động chân tay dẫn con người đến với con người. Thật tiếc là tôi không thể làm việc ở một công xưởng hay ở trong vườn.

- Ông không muốn rời bỏ công việc mà ông đang làm ở đây sao?

- Tại sao lại không? Tôi đã mong muốn ra đi, như một người nông dân hay thợ thủ công ở Palestine.

- Và ông sẽ rời bỏ tất cả ở đây?

- Tất cả để tìm thấy một cuộc sống đầy ý nghĩa trong an toàn và tốt đẹp”.

Ở một giai đoạn khác trong cuộc đời của ông, vào khoảng năm 1911, Kafka đã tìm thấy một kiểu cuộc sống đích thực trong tình bạn bè với Löwy, giám đốc một nhà hát Do Thái: đối với ông, hoạt động của các nghệ sĩ tuy sống trong nghèo khổ, nhưng gắn bó chặt chẽ duy nhất với nghệ thuật của họ là hoàn cảnh thuần khiết mà ông đang truy tìm một cách nhiệt thành: một cuộc sống cắm rễ trong một cộng đồng xã hội và tinh thần, thật thiêng liêng bởi sự dâng hiến hoàn toàn bản thân mình cho việc phục vụ nghệ thuật. Đáng chú ý là chỉ trong một cuốn duy nhất trong số tiểu thuyết của ông có một kết cục tươi sáng, trong Nước Mỹ, cuộc phiêu lưu của nhân vật Karl Rosman kết thúc bằng việc được tuyển vào đoàn xiếc Oklahoma, nơi anh ta sẽ tìm thấy những người giống mình, những “con người thấp hèn” và những “người bị xúc phạm” của Dostoïevsky, như trong một thiên đường mang tính mỹ học ở đó mỗi người được đóng một vai trò mà cuộc đời cấm anh ta đảm nhận.

Kafka kiệt sức trong cuộc đấu tranh dai dẳng chống lại sự tha hóa ngay trong lòng tình trạng tha hóa.

Thơ ca là điều trái ngược lại với thế giới mà ông đang bị tù hãm. Sự sáng tạo là điều trái ngược với tình trạng tha hóa.

Chúng ta hãy dở các trang của quyển nhật ký bi thảm của con người kép, luôn bị chia xé, giằng co:

“Tình trạng của tôi thật không chịu nổi bởi vì nó gây mâu thuẫn giữa mong muốn duy nhất của tôi và thiên hướng duy nhất của tôi là văn học. Bởi vì tôi chỉ là người của văn chương và tôi không thể và cũng không muốn trở thành người khác, tình trạng của tôi không bao giờ có thể hấp dẫn lôi cuốn tôi, trái lại, nó chỉ có thể hủy hoại tôi hoàn toàn” (21 - 8 - 1913).

“Thật đáng sợ khi tất cả đã sẵn sàng trong tôi cho một công việc sáng tạo vĩ đại và đối với tôi, một công việc như thế sẽ là một sự chấm dứt thiêng liêng và sự lên ngôi có thực của cuộc sống, trong khi đó thì ở văn phòng, tôi cần phải dứt từng miếng thịt ở cái cơ thể tạo ra niềm hạnh phúc như vậy cho bệnh giấy tờ quan liêu khốn nạn” (4 - 10 - 1911).

“Không thể chịu nổi cuộc sống, hay nói chính xác hơn không thể tiếp tục sống. Các loại đồng hồ chạy không khớp nhau, đồng hồ nội tâm chạy theo kiểu của quỷ, bị quỷ ám, không bình thường, đồng hồ bên ngoài thì theo kiểu đứt quãng, chạy bình thường. Liệu có chuyện gì xảy ra, nếu không hai thế giới khác nhau sẽ phải tách nhau ra hoặc là ít nhất chúng sẽ va chạm nhau một cách khủng khiếp” (16 - 01 - 1922).

“Đối với tôi đó là một kiếp sống kép vô cùng kinh khủng mà dường như chỉ có một lối thoát là phát điên” (19 - 02 - 1911).

Kafka, với tư cách là một người Do Thái, thuộc về một dân tộc được lựa chọn nhưng bị hắt hủi và phân tán khắp nơi, đối với cha mình, ông có cảm giác “là một đứa con bị bạc đãi “và bị cha đuổi khỏi thế giới này, ẩn náu vào nội tâm càng ngày càng trở thành xứ sở đích thực của riêng mình; ông bị giằng xé giữa nghề nghiệp hàng ngày biến ông thành cái gì đó phục vụ cho bộ máy mù quáng và tàn ác và thiên hướng của những đêm mất ngủ mê sảng và có ý thức về cơn mê sảng của mình và từ đó ông sáng tạo ra tác phẩm của mình, lấy tư liệu từ tất cả những cơn ác mộng ban ngày. Kafka cuồng nhiệt tìm cách cắm rễ vào cuộc đời, trong một cộng đồng xã hội và tinh thần ở đó nỗi sầu muộn luôn đeo đẳng theo ông: “Hạnh phúc được ở giữa mọi người”. Ông kêu gọi “khả năng phục vụ hết mình” từ tất cả sức lực nơi ông.

Kẻ bị đi đày không ở đâu cả và xa lạ ở khắp nơi ấy khao khát được hưởng phần của mình.

Tình yêu là cầu nối và là nhân vật trung gian.

Trước hết là sự giúp sức của bà mẹ mà Kafka đã cảm nhận được: “Tôi cảm thấy là bà đã cố gắng đến như thế nào để bù đắp sự thiếu hụt của tôi trong quan hệ với cuộc đời” (30 - 01 - 1922).

“Sự thiếu hụt của tôi trong quan hệ với cuộc đời” sẽ là căn bệnh chết người của Kafka, ông ước mong sẽ bù đắp nó bằng tình yêu.

“Chẳng có ai ở đây để hiểu tôi một cách toàn diện. Có một ai đó, một người phụ nữ chẳng hạn, có thể làm điều đó, đó sẽ như là có Chúa, hiểu thấu mọi điều” (Sổ ghi chép 1915). Niềm hạnh phúc mà ông chỉ đạt được vào những năm cuối đời với Dora Dymat, sự tham gia vào cuộc sống một cách toàn thể như thế đã mang đến cho tình yêu và hôn nhân một ý nghĩa vũ trụ.

“Người phụ nữ, hay nói một cách chặt chẽ hơn, hôn nhân, là người đại diện cho cuộc sống mà cùng với việc đó anh cần phải tự giác giải thích cho mình”.

Trong sự thống nhất có được ở cuộc đời, tình yêu là một thành tố nhân văn và là thành tố tôn giáo. Các thành tố đó chỉ tạo thành một thể thống nhất bởi điều thiêng liêng là cộng đồng, không thể chia cắt tính trần thế và thánh thần. “Tình yêu xác thịt làm lu mờ tình yêu thần thánh: bản thân nó không thể làm được điều đó, mà bởi vì bản thân nó có cả tình yêu thần thánh nó một cách vô thức, nên nó đã đạt được”.

Trong tư duy đầy tính bi kịch thuộc cuộc sống nội tâm của Kafka, tình yêu thể hiện rõ tính lưỡng phân: nó vừa tiến gần đến chân lý, vừa cách xa nó; vừa là điều kiện, vừa là cái cản trở vào việc tham gia; nó là sự khát khao làm đổi hướng mục đích và phương tiện để đạt được mục đích.

Rất nhiều lần, trong Nhật kýCác sổ ghi chép của mình, Kafka đã cân nhắc các lý do giữa lấy vợ và khước từ hôn nhân. Trung tâm của những suy nghĩ đó bao giờ cũng là vấn đề liên quan đến tình yêu.

Việc theo đuổi điều chủ yếu đòi hỏi sự đơn độc, sự tập trung tất cả sức lực: “Tôi rất cần được ngồi một mình, tất cả những gì tôi đạt được chỉ là kết quả của tình trạng đơn độc. Sợ phải gắn kết với ai đó, sợ đánh mất mình trong quan hệ với người khác. Vậy mà tôi sẽ không bao giờ được là một mình nữa” (21-7-1913).

Niềm hy vọng cuồng nhiệt được cắm rễ đi liền với nỗi âu lo bị đánh mất mình: “Liều lĩnh, phiêu lưu, mạnh mẽ, xúc động một cách đáng ngạc nhiên như theo thói thường, tôi chỉ là như thế khi được viết. Giá như nhờ phụ nữ, tôi có thể là một người như thế trước tất cả mọi người!.”. .

Ba năm sau, cũng vẫn độc thoại nội tâm và sự dao động như vậy: Một mình “tôi tập trung hết tất cả sức mình. Lấy vợ, anh sẽ phải đứng ngoài mọi việc, anh sẽ phát điên, anh sẽ bị tan tác ra tứ phía...” (20-8-1916).

Phụ nữ là mối liên hệ chặt chẽ nhất với điều chủ yếu, phụ nữ cũng là niềm cám dỗ khiến phải rời xa việc đó. Dưới hình thức tượng trưng của tiểu thuyết, các nhân vật của Kafka đối với phụ nữ đều có thái độ lưỡng phân kép như vậy; trong Vụ án, Josep K... đợi chờ sự tiết lộ bí mật về quan tòa từ những mối quan hệ với Léni, người đầy tớ gái của luật sư, cô Hild. Nhưng ngay khi anh này hôn tượng trưng vào bàn tay yếu ớt nhưng giống như những cái móng của con chim săn mồi, Léni đã nói với anh: “Từ bây giờ anh đã thuộc về em”. Trong Lâu đài, người đạc điền hy vọng qua tình yêu với Frieda sẽ đến được các quý ngài ở lâu đài, nhưng sự thất bại cuối cùng của anh đã gạt bỏ cô ra.

Cũng có thể, trong thái độ kép đối với tình yêu thể hiện sự chạm trán giữa hai cách ứng xử quan trọng của Kafka đối với cuộc sống và niềm tin.

Kierkegaard hay Hegel?

Hoặc là những cố gắng nỗ lực của con người, không có gì chung với Chúa, không có giá trị gì, tất cả sự gắn bó máu thịt chỉ là sự cười nhạo, một sự “giải trí tiêu khiển” đối với cuộc đối thoại quan trọng giữa chủ thể cô đơn và sự siêu nghiệm. Và Kafka đã chia tay với vị hôn thê Félice cũng như Kierkegaard đã làm với Régine.

Hoặc là tình yêu của con người là tình yêu của Chúa trời (cũng như bất kỳ hành động nào của con người) cái hữu hạn là vô hạn. Vậy là cái hữu hạn chắc chắn là mối nguy hiểm: chúng ta có thể mắc bẫy trong đó và bị biến mất. Nhưng cái vô hạn bao giờ cũng chỉ được thực hiện trong cái hữu hạn và sự hoàn thiện của cái hữu hạn là con đường duy nhất để đạt được cái toàn thể. Và Kafka, qua tình yêu của Félice, trong niềm hy vọng lớn lao của Miléna, trong niềm hạnh phúc cuối cùng đã tìm thấy bên cạnh Dora, đã chứng tỏ khả năng của sự hiện hữu hoàn toàn và sự hòa nhập.

Sự siêu nghiệm hay tính nội tại? Đó không phải là sự chạm trán giữa hai luận đề thần học hay triết học ở Kafka, mà là một tấm bi kịch đã được trải nghiệm trong suốt cuộc đời ông.

Khi thì ông có thể nói với Janouch: “Cuộc sống tình cảm đã chuyển hướng sự quan tâm ý nghĩa của chúng ta”.

Khi thì ông viết cho Miléna: “Không phải là anh yêu em, nói đúng hơn, chính là anh yêu sự tồn tại của anh: nó đã được thể hiện qua em”.

Trong cuộc truy tìm một cuộc sống đích thực, tình yêu và hôn nhân là một thử thách nhất thiết phải vượt qua: niềm vui sướng là một thời điểm phải vượt qua không được dừng lại.

Tình yêu và hôn nhân có thể trở thành mối quan hệ với cuộc sống đích thực. Đó là điều mâu thuẫn với cách giải thích có tính hiện sinh của Kafka: tự do trong mối quan hệ mà không phải trong sự cắt đứt.

Kafka tự định nghĩa về bản thân mình: “Không tổ tiên, không phụ nữ, không con cháu, với niềm mong muốn cháy bỏng về tổ tiên, về cuộc sống vợ chồng và con cháu” (21-1-1922).

Trong ông gắn bó chặt chẽ hai mặt của một thực tế, ý thức về sự đơn độc và mong muốn cắm rễ vào cuộc sống của cộng đồng chung! “Lấy vợ, xây dựng một gia đình, chấp thuận để có con, cho chúng sinh sống ở một thế giới không có gì chắc chắn, và thậm chí, nếu có thể, hướng dẫn chúng chút ít, con tin chắc chắn rằng đó là những gì vượt quá mức mà con người có thể đạt được”. Truyện ngắn Mười một người con thể hiện nỗi lo lắng về một gia đình theo chế độ phụ quyền.

Nếu như Kafka không thể hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này chính là bởi ông cho rằng việc hòa nhập vào cuộc sống đem lại khả năng xây dựng gia đình là không thể. “Xây dựng gia đình đòi hỏi người ta phải tin chắc vào điều đó”, đó là chưa kể “thêm cô đơn vào cái cô đơn không bao giờ có thể tao ra một tổ ấm mà trái lại, chỉ là nhà tù khổ sai”.

Việc đoạn tuyệt với vợ chưa cưới cũng có một ý nghĩa đặc biệt. Nó ngược với việc đoạn tuyệt của Bérénice. Trong Nhật ký Kafka viết: “Tôi đang yêu một cô gái; cô cũng yêu tôi. Thế nhưng tôi cần phải rời bỏ cô”. Về mặt hình thức, đó là điều gợi nhớ tới công thức của Tacite và bi kịch của Racine. Trong thực tế, chính là sức nặng của đời sống xã hội, sự gắn kết keo sơn của con người vào cuộc sống xã hội trong những giá trị không thể xâm phạm của nó đã phân rẽ Titus khỏi Bérénice. Trái lại, chính là việc cảm thấy mình phân vân do dự trong trạng thái trống rỗng, bị cắt khỏi gốc rễ, đối mặt với hư vô đã khiến Kafka rời bỏ vợ chưa cưới của mình. Ông chỉ có thể tìm thấy sức mạnh cần thiết để xây dựng tình yêu trong việc hòa nhập với cộng đồng. Nhưng trước hết đó lại là điều không có ở ông: “Mối quan hệ với đồng loại là mối quan hệ của cầu xin, quan hệ với chính bản thân mình, quan hệ của sự cố gắng: chính là trong sự cầu xin mà có được sức mạnh cố gắng”.

Bi kịch biện chứng giữa sự cô đơn và tình yêu làm sâu sắc thêm điểm yếu đã bị khoét sâu ở giữa cuộc đời Kafka bởi các mâu thuẫn của vị thế xã hội và tôn giáo của ông, bởi cuộc xung đột với cha của ông, bởi sự xa cách giữa nghề nghiệp và thiên hướng văn chương của ông.

 

*

 

Về mặt văn học, tấn thảm kịch này sẽ hình thành, đồng thời đưa Kafka đến bệnh tật và cái chết: “Tôi cảm thấy mình bị giằng xé... Cuộc sống - Félice là người đại diện của nó - và tôi bị cuốn vào cuộc xung đột không thể giải quyết nổi, tất cả đang xé nát con người tôi”.

Những vị hôn thê của ông chỉ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột chết người. Kafka có ý thức rõ điều đó: ngay từ những cơn đau đầu tiên, ngày 15 tháng 9 năm 1917, ông viết “Chỗ đau ở phổi chỉ là tượng trưng của một vết thương mà cơn sưng tấy có tên là Félice và sự trầm trọng của nó là có thực”.

Sau đó, ông viết cho Miléna: “Chỗ đau ở phổi chỉ là sự thể hiện của nỗi đau tinh thần. Tôi bị ốm đã từ bốn hoặc năm năm nay, từ hai vị hôn thê đầu tiên của tôi”.

Kafka sống căng thẳng thường xuyên trong nỗi lo âu và sợ hãi. Nỗi sợ tấn công ông đến tận gốc rễ cuộc sống của ông. Ông có ý thức về một trách nhiệm nặng nề: phát hiện ý nghĩa của cuộc đời, nói ra sự thật, trở thành sự thật và không thể hoàn thành sứ mệnh ấy. “Phần lớn mọi người sống không có ý thức về trách nhiệm cá nhân, tôi cảm thấy, đó chính là cốt lõi của các nỗi thống khổ của chúng ta... Tội lỗi chính là bước lùi trước sứ mệnh của mình. Sự không hiểu biết, sự thiếu kiên trì, sự trễ nải; đó chính là tội lỗi. Sứ mệnh của nhà văn là dẫn dắt những gì đang tách biệt và chán ngắt đến một cuộc sống vô tận, chuyển đổi những gì là ngẫu nhiên thành cái tuân theo luật lệ. Sứ mệnh của nhà văn là nhà tiên tri”.

Kafka có ý thức rất sâu sắc về trách nhiệm của mình. Ông tự coi mình là người được trao cho sứ mệnh tiên tri nhưng ông là nhà tiên tri bất lực, có nghĩa là có tội.

“Đó là môt sự ủy thác. Tôi không thể đảm nhiệm việc đó bởi bản tính của tôi, một cái gì đó khác với sự ủy thác mà không ai đem lại cho tôi. Tôi chỉ có thể sống trong các mâu thuẫn ấy và luôn luôn chỉ trong mâu thuẫn ấy. Có lẽ là như mọi người, bởi vì người ta chết trong khi đang sống “.

Sứ mệnh của người tiên tri là phán lời của luật và Kafka chỉ là Chúa cứu thế phủ định, người phát hiện sự lộn xộn từ bên trong và sự phi lý của một thế giới không thể chỉ ra miền đất hứa. Ông cảm thấy sức trĩu nặng của thế giới mà ông bị thải loại. Ông không thể chỉ ra con đường thoát khỏi cõi hỗn mang. Sự hiện diện của cõi hỗn mang này lên án và buộc tội ông: “Nhân loại chỉ trở thành một khối xám xịt, không hình dạng, do đó, không tên, nếu nó tách rời khỏi luật lệ mang lại các hình thức. Nhưng vậy thì chẳng tồn tại nữa, từ cao tới thấp. Cuộc sống hạ thấp đến mức chỉ còn là sự sinh tồn đơn giản; chẳng còn nữa tấn bi kịch, cuộc đấu tranh mà đơn giản chỉ là sự sờn mòn của vật liệu, sự sa sút”.

Thế giới bị phế bỏ ấy đi dần đến cái chết.

Kafka nói thêm: “Đó chẳng phải là thế giới của Kinh Thánh cũng chẳng phải của Đạo Do Thái”. Nhưng Chúa trời cũng không thể chỉ rõ điều đó, mặc dù Người đã làm đảo ngược sự vận hành đó, làm cho nó đi theo hướng đi lên.

Giấc ngủ của mọi người chỉ bình thản bởi họ quên đi các nhiệm vụ của mình: “Ai biết chính xác các nhiệm vụ của mình? Chẳng ai cả. Bởi vậy tất cả chúng ta chẳng có ý thức gì và chúng ta cố gắng lảng tránh bằng cách quên đi càng nhanh càng tốt... Có thể những cơn mất ngủ của tôi chỉ là một kiểu sợ hãi người đến thăm vốn là chủ nợ của đời tôi... Cũng có thể nỗi sợ hãi cái chết đã ẩn mình sau những cơn mất ngủ ấy. Có thể tôi sợ rằng tâm hồn tôi - rời bỏ tôi khi tôi ngủ - không thể trở về nữa. Cũng có thể cơn mất ngủ chỉ là ý thức căng thẳng về tội lỗi, nỗi sợ trước khả năng bỗng nhiên bị phán xét. Có thể bản thân cơn mất ngủ cũng là tội lỗi. Có thể nó là sự nổi loạn chống lại tự nhiên... Tội lỗi là căn nguyên của mọi bệnh tật. Vì nó mà chúng ta phải chết”.

Nhờ vào sự hủy hoại bản thân mình một cách thường xuyên, Kafka mất ngủ trở thành Người gác đêm và Người đánh thức. Ông đã đối lập những giấc mơ không ngủ của mình với giấc ngủ không mơ mộng của tình trạng tha hóa. Cho đến khi chết, bị giết hại bởi sự vắng mặt của Chúa.

 

*

 

Những mâu thuẫn trong thế giới của Kafka, những mâu thuẫn trong cuộc đời ông, dẫn ông đến cái chết, là như vậy.

Đây có phải là trường hợp cá biệt mà sự thể hiện của nó chỉ có ý nghĩa cá nhân? Sự nghiệp này phải chăng chỉ là phản ánh của tình trạng tinh thần của những tầng lớp xã hội đang suy tàn, đặc biệt là trạng thái bất ổn của giai cấp tiểu tư sản đang bị đe doạ xã trong tình thế hiện tại cũng như trong tương lai đã cho nỗi lo âu của mình thành điều siêu hình tuyệt đối?

Chắc chắn Kafka là một trường hợp đặc biệt. Nhưng có thể hiểu theo nghĩa là “nhà thơ bao giờ cũng nhỏ bé và yếu ớt hơn người bình thường trong xã hội. Chính vì thế anh ta cảm thấy sự hiện hữu nặng nề của mình ở trên đời một cách mãnh liệt hơn, dữ dội hơn những người khác”.

Cũng chắc chắn là quan niệm của Kafka về thế giới chịu ảnh hưởng bởi những điều kiện của giai cấp của ông, bị hạn chế bởi tầm của giai cấp đó, đầy những mâu thuẫn và dao động không ngừng. Tình trạng đó đã ngăn cản Kafka đấu tranh với sự tha hóa, tấn công vào những nguyên nhân của nó. Nó chỉ cho phép ông đấu tranh “như trong giấc ngủ, người ta cử động bàn tay trong khi mơ để tóm bắt hình ảnh”. Nhưng ông đã gợi nên một cách sâu sắc cơn ác mộng của thế giới tha hóa, ông gạt ra một cách rõ ràng những khối tảng ngột ngạt nặng nề của thế giới bị tha hóa này, như qua ánh sáng của cơn dông, ông làm cho chúng ta thấy khả năng về một thế giới khác và từ đó ông truyền cho chúng ta một đòi hỏi vô cùng cấp bách. Tất cả những cái đó có ý nghĩa vượt qua cá nhân và giai cấp của ông và tạo nên, thậm chí dưới hình thức bị tha hóa, ý thức về một luật lệ sâu sắc của thời đại chúng ta.

Câu hỏi lớn về thân phận con người được nêu lên qua sự nghiệp của ông có giá trị như lời thú tội của đứa con thế kỷ.

“Liệu tôi có thực sự đơn độc trong các cuộc kiếm tìm?” nhân vật trong Kiếm tìm một con chó đã hỏi như vậy. “Ở đây tôi không nói cho tôi mà cho họ”, đó là lời của nhân vật trong Vụ án. “Tôi nói nhân danh của nhiều người”, nhân vật trong Vạn lý trường thành khẳng định, người nhân viên đạc điền trong Lâu đài, mặc dù gây ra nỗi sợ và sự ngờ vực, lại là người mang tới các yêu sách đòi hỏi mà mọi người trong làng nhận ra và hy vọng. Ở trang cuối cùng của Vụ án, vào lúc hành hình Joseph K... khi một cánh cửa sổ mở ra “như ánh sáng ùa vào”, có người đã ra hiệu cho kẻ bị kết án và Kafka hỏi: “Ai vậy? Người nào muốn giúp đỡ anh ta vậy? Anh ta chỉ có một mình? Hay là tất cả?”.

Đó là con người khước từ luật lệ của một cái gì đó mà vì thế ta bị sự tha hóa kết án. Anh ta khước từ như Odradek, một người máy cơ học và phi lý. Anh ta đòi hỏi tất cả các chiều kích nhân văn của cuộc đời.

Đó là con người, như Joseph K... trong Vụ án hay nhân viên đạc điền trong Lâu đài, không nản lòng trước các chướng ngại nhiều đến vô tận.

Đó là con người đòi hỏi “làm sáng tỏ những mục đích cuối cùng”, nhất là không chấp nhận việc đánh giá con người, các thể chế, các hành động của con người theo chuẩn mực thông thường, cũ kỹ, đó là con người đòi hỏi đương đầu đến những mục đích cuối cùng.

Đó là con người không chịu bỏ cuộc, đối với anh sự thất vọng của hiện tại không bao giờ có nghĩa là bỏ cuộc. Anh truy tìm ý nghĩa ở bất kỳ sự việc nào với một lòng tin chắc chắn vào khả năng của một cuộc sống công bằng và trong sáng, tuân theo quy luật vĩ đại của con người và luôn luôn với tình yêu sự lành mạnh, cao thượng và yêu cuộc sống.

Kafka, người yêu thể thao, bơi lội, chèo thuyền, cưỡi ngựa, không tìm đến mặt đen tối của cuộc đời và đối với những người đang sống giữa cuộc đời, “những công dân đích thực của trái đất này”, những người khiến ông ngưỡng mộ, ông nhắn nhủ trong Các sổ ghi chép: “Đừng thất vọng thậm chí bởi việc bạn đã không thất vọng. Bạn hãy tin vào mình, vào những khả năng của mình và vậy là những sức mạnh mới sẽ xuất hiện. Đó chính là cuộc sống...

Hãy hiến mình cho mưa rơi, hãy để những mũi tên thép của nó xuyên qua người... và mặc cho tất cả, hãy đứng lại, hãy chờ đợi, mặt trời sẽ bất ngờ tràn ngập trước mắt bạn và mãi mãi”.

Bên cạnh những mâu thuẫn khủng khiếp từ trong thế giới và cuộc đời của Kafka, mặt trời mà ông đã biết trước là loại nào vậy?

 

II

 

 THẾ GIỚI NỘI TÂM VÀ SỰ PHỨC TẠP CỦA NÓ

Thế giới đã trải nghiệm của Kafka là thế giới của sự tha hóa. Thế giới của xung đột. Thế giới của con người kép. Cũng là thế giới ở đó người ta đánh mất ý thức về trạng thái lưỡng phân, người ta buông mình vào giấc ngủ. Thế giới nội tâm của Kafka được hình thành từ cảm giác phụ thuộc vào thế giới tha hóa ấy, chìm đắm trong đó và từ mong muốn cháy bỏng đánh thức những người đang ngủ hướng tới một cuộc sống đích thực.

Một đoạn tác phẩm có tên là Ban đêm đã nhắc tới sứ mệnh này: “Chìm đắm trong đêm…xung quanh mọi người đang ngủ. Một vở kịch nho nhỏ, một sự tưởng tượng về những người đang ngủ trên những chiếc giường chắc chắn, dưới những mái nhà chắc chắn, người co kẻ duỗi trên đệm, ga rải giường, dưới những tấm chăn! Trong thực tế, họ tập trung lại như trước kia cũng như về sau này, trong sa mạc, giữa trời đầy gió, một đám người không đếm được, một đội quân, một đám đông dưới bầu trời lạnh lẽo, trên mặt đất rắn đanh… Còn anh, anh đang thức, anh là một trong những người đang thức, anh nhận thấy mình gần hơn ánh sáng của ngọn đuốc mà anh đã vung cao khỏi đống lửa đang cháy gần chân anh. Tại sao anh thức? Cần phải có người thức, người ta nói thế! Cần phải có một người “

Ông thử tìm cách vượt qua tình trạng lưỡng phân khách quan này bằng cách thống nhất các đòi hỏi.

Nhiệm vụ con người của ông là lên án những ảo tưởng, thức tỉnh trật tự đã an bài, đánh thức ở mỗi người mong muốn về một luật lệ sống động.

Và trước hết phải có ý thức sáng rõ về tình trạng lưỡng phân của con người và tình trạng trì trệ đáng sợ vốn đối lập với trạng thái được đánh thức.

Nhân vật của Vụ án, Joseph K…là kiểu người lưỡng phân kép này. Về mặt xã hội, anh ta được xác định bởi chức năng của anh ta. Anh ta là “người được ủy quyền”, và, tất cả như trật tự xã hội chỉ là bức biếm họa mất giá và dối trá của một trật tự khác, hoàn toàn mang tính nhân văn, thuộc vũ trụ hay của thánh thần, chức năng và nghề nghiệp ở đây có một ý nghĩa kép: trong thế giới giả dối và tha hóa, anh ta là người sở hữu một quyền lực nào đấy, anh ta là bánh xe của bộ máy quan liêu định mệnh đè nặng lên con người, như người công chức Kafka trong bộ máy Bảo hiểm Nhà nước. Nhưng đồng thời, trong thế giới thực, anh ta cũng là người sở hữu như Kafka là người nhận sự ủy nhiệm, nhưng ông không hề có quyền thực tế nào. Là sứ giả không có khả năng chính thức hóa sứ mệnh được ủy thác của mình, anh ta là kẻ có tội, anh ta bị lên án. Cảm giác tội lỗi này ở giữa cuộc đời đích thực của anh ta từ nay sẽ chi phối các công việc và thời gian của anh ta. Anh ta sẽ chưa ngừng khi anh chưa tìm thấy quan tòa của mình, khi chưa bào chữa cho cuộc đời mình.

Về mặt xã hội, ông là người không chê vào đâu được: ông là một viên chức mẫn cán, một nhà tư sản đáng kính trọng. Dường như ông có được sự yên ổn tuyệt đối trong thế giới của một trật tự đã được thiết lập ổn định.

Nhưng rồi có một ngày, trong cuộc sống yên bình của những gì đã quen thuộc, ông đặt câu hỏi nghi vấn về sự hợp pháp của sự tồn tại của mình, về những đích cuối cùng đã minh chứng cho sự tồn tại ấy. Một vết rạn nứt đã xuất hiện trong cuộc sinh tồn ấy: nó không ngừng to rộng thêm đến mức biến thành miệng vực, đến mức mà tất cả hiện thực sẽ bị xem xét lại.

Ông trở thành người bị kết án trong thế giới mà chỉ cần nhận ra một chiều kích bổ sung, thuộc về con người hoặc thần thánh là đủ để các luật lệ và cả những đạo đức truyền thống mất giá trị. Bất kì sự công bằng nào, trần thế hay của thánh thần, cũng đều lảo đảo xiêu vẹo. Tất cả đều có vẻ gớm ghiếc, bẩn thỉu: như dưới tác dụng của chiếc đũa thần: các phòng xử án trở thành các nhà ổ chuột, các tòa án kì quái, các bản tuyên án mờ ám được vang lên ở các tầng thượng bởi những quan tòa vô hình và không bao giờ đến tai người bị xét xử.

Tất cả những cảnh trí ngụy tạo của Tòa án, những chiếc áo choàng màu đỏ tía dường như chỉ xuất hiện trong các bức chân dung tưởng tượng của họa sĩ Titorelli nơi mà chính toàn án cũng được vẽ tượng trưng như cuộc săn đuổi con người, tất cả những cái đó sẽ biến mất khi con người thức dậy.

Người đạc điền trong Lâu đài làm mất sự hấp dẫn không có thực. Anh là người đạc điền, có nghĩa là người đo đất đai, nhưng là người đạc điền của một thế giới không muốn nói chuyện đến đo đạc. Người đạc điền của thế giới không đo đạc. Chính vì vậy, phẩm chất của người đo đạc chẳng ai cần biết đến. Trưởng thôn nói với anh ta: “chúng tôi không cần nhân viên đạc điền. Anh ta chẳng có việc gì làm ở đây cho chúng tôi. Các mốc giới đều đã được đo, tất cả đều đã được đăng ký ở phòng địa chính một cách rất thường xuyên. Không hề có sự thay đổi về quyền sở hữu; còn về những cuộc cãi vã nhỏ liên quan đến ranh giới, chúng tôi giải quyết lấy. Trong những hoàn cảnh thế này, chúng tôi cần gì đến nhân viên đạc điền. “

Trong thế giới của quyền sở hữu này, tất cả đều đã được đăng ký ở sổ địa bạ, nơi mà mỗi người đã được đóng khung mãi mãi trong những giới hạn riêng của mình, dù cho anh ta là ông chủ, nông nô hay công chức, bất kì mưu toan thay đổi nào cũng là một hành động lật đổ dẫn đến thái độ nghi ngờ hay tức giận. Trong thế giới đóng băng ấy kẻ nào có thiên hướng giống như người đạc điền thì sẽ bị biệt xứ khỏi làng. Thế giới của sở hữu khước từ sự đo đạc. Thế giới hiện hữu là thế giới không đo đạc. Thế nhưng người đạc điền lại có sự hấp dẫn kỳ lạ: tất cả như trong Vụ án, người giúp việc của luật sư, cô Léni cho rằng: “tất cả những người phạm tội đều đẹp trai”, người đạc điền, bị đặt ra ngoài luật lệ của lâu đàivà của làng, đã kết tinh trong anh niềm hi vọng của hàng nghìn người đang sống. Anh gợi lên mối ngờ vực, sự sợ hãi, đồng thời, trong số những người chấp thuận và say ngủ, anh như người thông báo về một cuộc đời mới, được bao quanh bởi vầng ánh sáng và những điều bí ẩn.

Cái nhìn của nhân vật này tự nó có thể đưa mọi vật trở về chỗ của chúng. Khi anh ta xuất hiện, tấm màn che bị xé rách, ở sau bề ngoài đẹp đẽ và huyền thoại, sự thật đáng cười nhạo hiện ra trước mắt: “K... tiếp tục đi, không rời mắt khỏi lâu đài... nhưng khi đến gần, anh ta thất vọng ; cái lâu đàinày thật ra chỉ là một thị trấn khốn khổ, một mớ tạp nham những túp lều không có gì đáng để ý ...”. Lâu đàinày thậm chí không thể so sánh được với tháp chuông khiêm tốn ở làng quê của anh ta: “Tháp chuông vươn thẳng một cách ngạo nghễ... Chắc chắn đó là một công trình trần thế - chúng ta liệu có thể xây dựng khác hơn – nhưng có mục đích cao hơn những ngôi nhà thấp bé tạp nham và có dáng vẻ sáng sủa vượt lên những ngày buồn thảm và công việc hàng ngày. Tháp chuông ở đây....có một cái gì đó ngớ ngẩn và nó được tạo thành bởi những hình trang trí lờ mờ, lộn xộn, rời rạc hiện lên giữa trời xanh giống như chúng được khắc lên đó bởi bàn tay run rẩy, cẩu thả của trẻ con. Người ta có thể liên tưởng đến một kẻ sống buồn bã, xa lạ với cuộc sống, thu mình trong căn phòng cuối cùng của ngôi nhà, bỗng phá mái và đứng cao lên cho mọi người thấy”.

          Kafka hoàn toàn trái ngược với người làm phép lạ: ông không biến túp lều tranh thành lâu đài, giẻ rách thành váy áo công chúa. Ông thực hiện sự biến đổi theo hướng ngược lại và khi những ảo tưởng đẹp đẽ bị buộc phải biện giải sự tồn tại của chúng bằng những mục đích cuối cùng, chúng rạn nứt, sụp đổ và cho thấy hiện thực trần trụi, khốn khổ và đáng lo ngại.

          Thế giới mà người ta tưởng là có thật lúc đó trở nên huyền ảo. Kafka nói rằng “Vụ án là bóng ma của một đêm... Đó chỉ là sự có ý thức về chiến thắng bóng ma đó, và như vậy, là sự khẳng định chiến thắng đó”.

          Trong trò chơi không tên của sự tha hóa này con người, ngay cả khi họ có những chức vụ quan trọng nhất, từ thẩm phán đến đao phủ, đều chỉ còn là những con rối hoặc diễn viên rởm mà thôi. Về hai nhân vật chịu trách nhiệm xử án được Kafka tả với những nét của các nhân vật hề trên sân khấu nhà hát ở Prague, Joseph K. nghĩ: “Đó là những người diễn viên hạng hai người ta gửi tới cho tôi. Người ta tìm cách kết thúc mọi việc với tôi với giá rẻ”. Anh ta hỏi hai người:

“Các anh diễn ở nhà hát nào? “

“Nhà hát ư? “– một trong hai người đưa mắt hỏi người kia.

“Người kia xử sự như một người câm phản đối lại bộ máy phản nghịch của mình.

“Họ không được chuẩn bị cho những câu hỏi”, K. tự nhủ.

          Sự hợp nhất tuyệt vời của ý nghĩa, của sự thật con người và nội dung, thể hiện trong sự trọn vẹn của huyền thoại, thế giới quan của Kafka: những nhân viên được giao thực hiện quyết định của Người không thể hủy diệt - có nghĩa là Luật vừa là quy luật của một thế giới chính trị và xã hội, vừa là quy luật vũ trụ của thần thánh, luật toàn năng – cho dù những người đó là quan tòa hay cha cố, họ đều là những người được ủy quyền của một quyền lực, hay một tôn giáo mà ý nghĩa sâu sắc, có tính nhân văn hay thần thánh, từ lâu đã bị quên đi, hoặc bị làm biến chất. Nhưng họ vẫn tiếp tục quản lý cái thiêng liêng đã mất hết nội dung một cách bạo chúa và ngu độn.

          Con người cô đơn đi lang thang trong mê cung vắng ngắt của một thế giới nơi diễn ra những sự mô phỏng lố bịch báng bổ của luật pháp. Ngay cả cái chết cũng không trụ lại được như sự sống. Trong Khách mời của những người chết, người khách cuối cùng vẫn chỉ là Người xa lạ, người đi qua mà không thể dừng lại trong một thế giới nơi ngổn ngang các vật và các chức năng không có nghĩa lý gì ; ngược lại, trong Người thợ săn Gracchus, người chết không thể cập bến của người sống và luôn bị thế giới ấy đẩy ra.

          Trên mặt đất cũng như trên trời, sự vô danh ngự trị. Trên cao chỉ còn sự im ắng, trống rỗng ghê gớm sau cái chết của Thượng đế. Và ở dưới trần gian là sự hỗn loạn của những sinh vật không còn là người nữa bởi đã bị cuốn vào những bánh xe của cỗ máy tha hóa.

          Từ con vật kỳ dị trong nhà thờ đạo Hồi ở Traumühl như hình ảnh không nghĩa lý của những đức tin bị quên lãng và những lễ nghi bị bỏ rơi, đến người sĩ quan cai quản nhà tù không có khả năng lý giải chức năng của cỗ máy tra tấn của mình, cho đến người canh đoạn đường sắt không dẫn tới đâu, thế giới của Kafka cho thấy hình ảnh xót xa đầy phi lý của một cuộc đời không ý nghĩa, không mục đích và không luật pháp.

          Luật pháp, nguyên tắc nội tại và sống động có khả năng chi phối cuộc sống đặc trưng của con người, bị che lấp bởi một tổ chức khủng khiếp của xã hội, Nhà nước và tôn giáo. Trong sự khủng khiếp này, cuộc sống mất hoàn toàn ý nghĩa.

Bản anh hùng ca của Kafka là lòng thiết tha mong muốn phát hiện lại ý nghĩa đã bị lãng quên và bị mất đi của cuộc sống từ phía bên kia của trật tự xã hội và tôn giáo đang bắt chước trật tự của con người.

Xã hội và các luật lệ của nó, tôn giáo với những tín điều và lễ nghi của nó chỉ là những đám tro tàn mà cần phải tìm lại ngọn lửa đích thực của nó từ phía bên kia. Cần phải tìm hiểu lại toàn thể sống động mà xuất phát từ đó mỗi một chi tiết sẽ phát hiện ra ý nghĩa và sự sống. Lòng thiết tha mong muốn về một toàn thể sống động và nhân văn thể hiện trong tác phẩm với từng tiếng kêu đau thương mà một hữu thể phân tán, rải rác, đơn độc thu nhỏ lại thành mẩu vụn, cặn bã và cái chết đã gợi cảm hứng nơi Kafka. Đôi khi lòng mong muốn ấy thể hiện dưới hình thức tích cực trong những trang của Nhật ký hoặc Các sổ ghi chép: “Sống có ý nghĩa: ở giữa lòng cuộc sống, nhìn cuộc sống với cái nhìn trong đó tôi đã sáng tạo ra nó. Thế giới chỉ được xem xét như một cái gì đó tốt đẹp ở nơi mà nó được tạo ra”. Đồng thời với việc đem lại một vẻ sang trọng kỳ diệu cho văn phong, nó cũng thể hiện trong những nét chấm phá hiếm hoi từ các tác phẩm của ông, nơi ông gợi lên sự hy vọng sẽ nắm bắt được một bố cục toàn thể. Trong Vạn lý trường thành, ông đã nhắc tới “đám đông đang tìm cách thống nhất lại vì một mục đích duy nhất”, mỗi một người khao khát xác định và thực hiện “một công việc nhỏ mà chúng ta nắm giữ từ bên trong của cái Toàn thể vĩ đại”. Vậy là tất cả cái nhìn và tất cả niềm hi vọng của con người đều hướng về gian Đại Hội đồng: “Nơi mà đám đông sẽ xuất hiện? Và ai sẽ ngồi họp ở đó? Không ai biết điều đó, không ai có thể nói cho tôi biết điều đó! – trong gian phòng này tất cả suy nghĩ, tất cả niềm hy vọng của con người và tất cả mọi sự hoàn thành, mọi mục đích của con người đều hướng tới một tình trạng đảo ngược. Nhưng qua các ô cửa sổ vẻ huy hoàng của thế giới thần thánh đã lộ rõ qua các bàn tay trang nghiêm của những người lãnh đạo Hội đồng tối cao đang vẽ nên các bản đồ”.

          Trong một đoạn khác, Kafka nói đến “niềm vui được cảm thấy sự đồng cảm tuyệt đối với buổi sáng đang rạng”.

          Vào nhiều giai đoạn khác nhau trong đời mình, Kafka đã có thể chọn một trong những con đường đã được mở ra từ trước. Năm 1918, ông viết một dự án về “cộng đồng những người lao động không có sở hữu cá nhân”, trong đó ông đã đưa ra những đặc điểm chung của các cộng đồng lao động, như các nông trường tập thể của nhà nước Israël trong tương lai. Về cuối đời, do ảnh hưởng của Dora Dymant, và vào lúc mà ông nghiên cứu nghiêm túc tiếng Do Thái cổ, ông đã đến với phong trào Thần bí khổ hạnh Do Thái là một phong trào thần bí tuyên truyền cho rằng con người, khi đi sâu vào bản thân, phát hiện ra Thượng đế luôn ở trong mọi vật, và không có gì tồn tại ngoài con người. Ngay từ trong Các sổ ghi chép Kafka đã có phát biểu gần với ý tưởng này: “Không cần phải ra khỏi nhà. Hãy ngồi ở bàn và lắng nghe. Thậm chí cũng không cần lắng nghe, mà chỉ cần chờ đợi mà thôi. Thậm chí cũng không cần chờ đợi, hãy im lặng hoàn toàn và chỉ một mình. Cả thế giới sẽ đến với ta để ta tự bộc lộ mình, không thể nào khác được, cả thế giới sẽ đến, đầy hân hoan và nghiêng mình trước ta.”

          Nhưng cả mong muốn hiện thân có tính xã hội của phong trào Xiôn (nhằm phục hồi nhà nước Do Thái – ND), cả cảm hứng bất thần từ bên trong của trào lưu thần bí khổ hạnh Do Thái cũng không thể ngăn cản sự vận động của Kafka đến với sự bắt rễ thực sự, trên phương diện trần thế cũng như về mặt tinh thần.

          Trong cả hai trường hợp ta đều bị vấp phải vấn đề đặt ra cho người đạc điền trong Lâu đài: hoặc anh ta phải đồng hóa với dân làng, ở lại làm việc ở đó, lấy vợ ở đó và cuối cùng sẽ đánh mất bản thân mình ; hoặc là anh ta sẽ tiếp tục hỏi mà không có câu trả lời cho câu hỏi ban đầu đặt ra cho Lâu đài: Chức năng thực sự của lâu đàilà gì ? Nó phải tuân theo luật định nào ? Cái gì là sự lý giải cuối cùng của sự tồn tại của nó ?

          Giữa trời và đất, giữa lâu đàivà thôn làng, anh ta không biết phải theo đường nào và sẽ bị thua cả ở hai nơi: câu hỏi mà anh ta không ngừng đặt ra cho Lâu đài làm anh ta quên chức năng xã hội và công việc của anh ta; và quan hệ với dân làng ngăn cản anh ta phát hiện ra từ kỳ diệu giúp mở cửa Lâu đài. Giữa một bầu trời trống rỗng và một mặt đất chết chóc, anh ta lưỡng lự và dặt dẹo cho đến lúc chết mà vẫn không xin được giấy phép cư trú trong cuộc đời và giấy chứng nhận chức vụ là nhân viên đo đạc.

          Ngụ ngôn về người di cư tiếp tục phát triển đề tài đó trong Châu Mỹ: đó là sự bắt rễ trong “thế giới mới”, sau cái mà ta có thể gọi là “tổng thể những thất bại của con người” và đó là một “tổng thể” không bao giờ hoàn thiện.

          Vấn đề của Kafka là ông đã phát hiện ra điểm nối giữa cái cá nhân và cái toàn thể, giữa cái riêng trong cái chung, phát hiện ra thiên hướng và chỗ đứng thực sự của mỗi người trong cộng đồng và hành động theo đạo luật mà hoàn cảnh này bắt buộc.

          “Tôi tin rằng, - Người đạc điền nói, có hai vấn đề cần phân biệt: thứ nhất, những gì xảy ra bên trong các cơ quan và về vấn đề nào đó các cơ quan có thể nghĩ điều này điều nọ theo ý họ; thứ hai, con người cá nhân của tôi, con người thực của tôi tồn tại bên ngoài các phòng làm việc. Các phòng làm việc này đe dọa tôi bằng sự vô lý điên rồ đến mức không phải lúc nào tôi cũng tin vào thực tế của mối nguy hiểm này”

          Vượt qua bất kì “bộ máy hành chính” nào, trên trái đất hoặc trên thiên đàng, điều Kafka muốn “cứu rỗi” là đặc tính riêng của mỗi người: “Thượng đế chỉ có thể được đạt tới bằng chính bản thân mình. Mỗi cá thể đều có cuộc sống riêng và Thượng đế của mình. Cũng như có người bào chữa và người buộc tội riêng. Các cha cố và những lễ nghi chỉ là những gậy chống cho tâm hồn đang bị tê liệt”.

          Trong phép biện chứng giữa cái riêng và cái chung, Kafka tuyên truyền cho chủ nghĩa cá nhân triệt để nhất, và Thượng đế chỉ có thể biểu lộ sự hiện diện của mình dưới hình thức cá nhân nhất: “Chúa Cứu thế sẽ đến ngay khi niềm tin cá nhân trở nên không thể ngăn cản nổi, khi không ai có thể ngăn chặn nổi sự kiện này, không ai chịu nổi nữa sự hủy diệt, những ngôi mộ sẽ mở ra. Có lẽ đó là cốt lõi của tư tưởng Cơ đốc giáo, mà ta có thể thấy trong hình mẫu cần phải theo, trong hình mẫu của một cá nhân, cũng như trong sự phục sinh của người Trung gian trong mỗi một con người cụ thể “.

 

*

 

          Liệu cái cá thể có thể được bảo tồn bằng sự thu mình lại hay không? Còn hơn cả bộ ba tiểu thuyết nói về sự cô đơn và được xuất bản sau khi Kafka mất (Xử án, Châu Mỹ, Lâu đài), truyện ngắn mang tên Hang ổ thể hiện nỗi sợ hãi này.

          Con vật sống trong đất trốn vào hang của mình và ban đầu cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải chịu sự tác động của các vật nữa: “Tôi đã thay chỗ ở, tôi giã từ mặt đất, tôi sống dưới hang và tôi nhanh chóng cảm thấy hiệu quả. Đó là một vương quốc mới mang lại sức lực mới, những gì vốn làm tôi mệt mỏi khi còn ở trên mặt đất thì ở đây không còn nữa”.

          Và nó mơ tưởng đến những niềm vui của đời sống nội tại: khi thực tế đã bị xóa bỏ trong hư ảo của tưởng tượng và nhẹ nhõm của tinh thần thuần túy, tất cả đều trở nên hoặc dường như có cảm giác dễ dàng: “Tôi cho rằng tôi hạnh phúc nếu tôi có thể xoa dịu những xung đột ở trong tôi “.

          Khép mình lại trong “cái mình có”, cho dù “cái mình có” đó chỉ là hoàn toàn về mặt tinh thần, tư duy không mấy chắc chắn này là một cách chống đỡ tạm thời trước cuộc sống. Bởi sự lo âu lại trỗi dậy: “Đáng lẽ tôi phải luôn sẵn sàng đối phó với sự kiện này: một ai đó sẽ đến. Sau người đó có lẽ là tất cả những mối hiểm nguy vặt vãnh mà tôi phải mất thì giờ để suy nghĩ? Liệu tôi có thể hy vọng rằng tính sở hữu của hang sẽ giúp tôi có quyền chống lại việc xâm nhập này? Than ôi! Chính bởi vì tôi là kẻ sở hữu cái công trình lớn nhưng lại yếu ớt này mà tôi cảm thấy không bảo vệ được trước bất kỳ cuộc tấn công khá mạnh nào. Niềm hạnh phúc được sở hữu nó đã làm hư hỏng tôi: chiếc hang không vững chắc đã khiến tôi trở nên nhạy cảm và yếu ớt, những vết thương của nó làm tôi đau đớn như chính đó là của tôi…đáng lẽ tôi không nên nghĩ chỉ về sự bảo vệ chính mình… mà phải nghĩ đến việc bảo vệ hang”.

Chỉ với sức mạnh của khái niệm và hệ thống sẽ đương đầu với cuộc sống thế nào đây? Sống một cuộc đời tủn mủn được tổ chức một cách xoàng xĩnh, con thú được nhân cách hóa sẽ hình dung tất cả nỗi lo âu của mình qua khuôn mặt của một kẻ thù duy nhất: “Tôi chỉ còn cách chấp nhận sự xuất hiện của một con vật kỳ lạ, to lớn, nhất là khi nó dường như bỏ qua giả thiết này, không chỉ ra sự không thể hiện hữu, mà đơn giản là chứng tỏ rằng nó là kẻ thù nguy hiểm hơn tất cả những gì mà người ta có thể tưởng tượng được”.

Cảm hứng đầu tiên về truyện ngắn này và về dự định miêu tả một thế giới đóng kín, logic và được bảo vệ đã thể hiện trong một bức thư gửi cho Minéla giải thích rõ ngụ ý: “Rốt cục, con người luôn luôn làm lại những đường hang mới, con người, cái con chuột chũi già ấy”.

Cố gắng chuyển chỗ ở của mình, con người nhầm lẫn trong hệ thống mà anh ta đã làm nên, trong những sự tư biện mà anh ta xây dựng để bịt kín những lỗ hổng bị toác ra bởi sự tồn tại trong tư duy của anh ta.

Lúc đó con người nhận thức được rằng thế giới của anh ta không đóng kín được.

Thế giới không “đóng kín”, đó là sự khác nhau giữa việc xây tháp Babel và xây Vạn lý trường thành. Tháp Babel là sự thể hiện của hoài bão con người muốn cạnh tranh với Thượng đế, như Prométhée xưa kia, muốn lên đến trời xanh bằng cách riêng của mình để chứng tỏ mình cũng ngang với Thượng đế. “Cốt lõi trong việc này là ý tưởng xây dựng một ngọn tháp chọc trời. Tất cả những cái khác đều là phụ. Một khi đã được thể hiện trong thực tế, ý tưởng này sẽ không bao giờ mất đi: chừng nào còn có con người thì còn có mong muốn, một mong muốn tha thiết, hoàn thành sự nghiệp xây dựng ngọn tháp này “.

Ngược lại với tháp Babel, Vạn lý trường thành là một bức thành không thể không tránh khỏi những chỗ rạn nứt, bởi đó bức thành này được xây dựng từng đoạn một, và “đó là vấn đề cốt yếu”. Vạn lý trường thành không phải là sự tấn công của con người lên trời, mà nó “được coi như một phương tiện chống lại những bộ lạc du mục từ phía Bắc” để “bảo vệ Hoàng đế” chống lại các dân du mục bắn “những mũi tên đen”. “Nhưng nếu bức trường thành này không xây dựng tiếp thì liệu nó có giá trị gì ?”

Những đoạn tường thành dở dang này là hình ảnh của cuộc sống, trong đó sự nghi ngờ và phủ nhận là những lỗ hở đen. Con người tìm ý nghĩa cho sự tồn tại bằng cách tham gia vào công việc có tính thần thoại và không ngừng dựng xây tường thành để giam hãm cuộc sống của mình vào trong đó, khép mình lại và trong phạm vi đó, con người mong có thể nắm bắt được toàn thể ý nghĩa của sự nghiệp chung, và đó là điều mang lại ý nghĩa và lý do cho mỗi hành động của mỗi người. Nhưng đó là một mục đích không thể đạt tới được: “Đích thì có, nhưng không có đường đi”. Trong một đoạn khác, Kafka lại đề cập đến đề tài này:

- “Ông đi đâu vậy ?

- Tôi cũng không biết, nhưng đi xa nơi đây ! Đi xa nơi đây và đi xa mãi, đó là cách duy nhất để đạt tới mục tiêu của tôi.

- Anh biết đâu là mục đích của anh à ? người đó hỏi.

- Vâng, tôi trả lời, bởi vì tôi đã bảo anh rồi: đi xa khỏi đây, đó là mục đích của tôi”.

          Có đích nhưng không có đường đi, có đường đi nhưng không có đích. Như vậy con người bị vấp phải cái siêu nghiệm.

          “Trước đây tôi không thể hiểu được tại sao người ta có thể không trả lời cho câu hỏi của tôi, ngày nay tôi không hiểu tại sao tôi đã có thể tin vào sự có thể của câu hỏi. Nhưng thật ra tôi không tin gì cả, tôi chỉ đặt câu hỏi mà thôi “.

          Ở đây Kafka đã hoàn toàn thay đổi: ông không còn là con vật sống trong hang, mà là người rượt đuổi nó.

          Ông không còn là con vật xếp chướng ngại vật, cũng không phải là người dân xây tường thành, mà ông đã trở thành kẻ vô thần bắn những mũi tên đen vào Hoàng đế, người du mục tấn công vào biên giới. Là người nhận trách nhiệm chỉ ra sự phủ nhận thời đại mình.

          Với tư cách ấy, ông tự cảm thấy có tội đã thu mình lại: “Tại sao không hướng tới những gì có thể thống nhất chúng ta lại, chứ không hướng tới những gì luôn kéo ta ra khỏi cộng đồng nhân dân ?... Trong thời gian gần đây, tôi ngày càng suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời của mình. Tôi tìm thấy trong đó tội lỗi nghiêm trọng: nguồn gốc của mọi điều ác, đó là tội mà tôi chg thời nó là chung cho tất cả mọi người; chính vì thế mà có mối dây liên hệ không thể phá vỡ nổi giữa mọi người, và đó là một biểu hiện độc nhất vô nhị”. Nhưng để đạt được đến trạng thái đó, con đường là vô tận và cô đơn trong một thời gian dài, trong sự kinh hoàng trước sự trống rỗng không thể giải thích nổi.

          Ở vào mọi thời điểm ta có cảm giác là sự cô đơn này đưa ta ra khỏi cộng đồng, sự thống nhất mà ta tìm kiếm: “Cuộc đời là một sự chuyển hướng liên tục, sự chuyển hướng thậm chí không cho phép ta có thể biết được chuyển đi đâu”.

          Như vậy, ở Kafka, tất cả đều được xây dựng theo các cặp đối lập: cộng đồng và cô đơn, niềm tin và sự phủ định của niềm tin.

 

*

 

Sự nhận thức sâu sắc về phép biện chứng trong cuộc sống nội tâm của Kafka này đã đưa nhiều nhà nghiên cứu đến việc đặt câu hỏi về quan hệ của tư tưởng của Kafka với “thần học khủng hoảng” do Kierkegaard sáng lập và được tiếp tục bởi Karl Barth.

          Luận điểm chính của thần học khủng hoảng được trình bày như sau: trong quan niệm về quan hệ giữa con người và Thượng đế, công lý của Thượng đế và đạo đức của con người không thể so sánh được với nhau. Con người không thể tự cứu rỗi mình: các giá trị đạo đức hoặc văn hóa không có giá trị gì so với cái tuyệt đối. Tri thức, hành động, hoặc thậm chí cả tình yêu, đều không phải là những con đường hướng tới Thượng đế.

           

          Như vậy, theo cách hiểu này, cuốn tiểu thuyết là một sự diễn giải, dưới dạng phúng dụ cho luận điểm cơ bản của thuyết thần học khủng hoảng: không có sự cố gắng nào của con người có thể đưa đến Thượng đế.

          Người ta cũng sử dụng một luận chứng nữa, trên cơ sở bình luận về biểu tượng Nhà thờ trong Vụ án. “Hãy bỏ những vật không cần thiết này ở đây”, ông cha cố ra lệnh. Và ông giảng điều cốt yếu dưới dạng ngụ ngôn, qua câu chuyện về người lính canh cổng không cho người lạ qua cửa của Đạo luật là nơi không thể ai cũng có quyền vào. Có người đã cho rằng đó là biểu tượng của sự chọn lựa muôn đời của Thượng đế và và sự bất lực của con người không thể tự đạt đến điều đó bằng ý muốn nỗ lực của riêng mình.

          Cuối cùng người ta cũng đã bình luận đoạn Sortini đòi Amalia phải hiến mình cho hắn và sự trừng phạt giáng lên đầu mọi người do sự từ chối của cô gái, như là một sự diễn lại tích hiến tế của Abraham trong Kinh thánh: Thượng đế bắt Abraham phải thực hiện một tội ác thực sự, nghĩa là giết chết con trai mình, để qua đó phán xét sự phục tùng của Abraham, và qua đó thể hiện sự siêu nghiệm tuyệt đối của những lời răn của Thượng đế đối với mọi hành động của con người.

          Theo chúng tôi thì những so sánh đó chỉ dựa trên những chi tiết bên ngoài mà không tính đến cảm hứng sâu xa của thế giới quan của Kafka.

          Trước hết chúng ta có thể tham khảo trực tiếp nhận định của Kafka đối với Kierkegaard mà ít nhất Kafka cũng đã đọc hai cuốn sách quan trọng nhất của ông là Hoặc là ... hoặc là Sự sợ hãi và run rẩy.

          Kafka nhắc đến tên của Kierkegaard lần đầu tiên trong Nhật ký vào ngày 21/7/1913, để nhấn mạnh đến sự khác biệt về tư tưởng trong những trường hợp tương tự: “Hôm nay tôi nhận được tác phẩm của Kierkegaard mang tên Thẩm phán [được dịch sang tiếng Pháp với nhan đề Hoặc là ...hoặc là, R.Garaudy chú thích]. Như tôi đã cảm thấy từ trước, mặc dù giữa chúng tôi có những sự khác biệt sâu sắc, trường hợp của ông giống trường hợp của tôi. Ông động viên tôi như một người bạn”. Trường hợp đó là: quan hệ đối với người cha (nhưng Kierkegaard chấp nhận sự tra tấn tinh thần của ông bố, trong khi Kafka đau khổ chính bởi vì bố của ông hoàn toàn không biết sợ hãi là gì); sự cắt đứt với người yêu đã hứa hôn (nhưng Kierkegaard cắt đứt với Régine như một sự hiến tế theo tích Abraham, trong khi đó thì Kafka từ chối Félice bởi ông thấy đời sống gia đình sẽ là một vật cản cho sự nghiệp và không muốn trao gánh nặng đó cho Félice) ; cuối cùng là sự lo lắng của người luôn dao động giữa niềm tin và sự phủ nhận của nó. Nhưng chính ở điểm cuối cùng này, điểm quan trọng nhất, sự khác biệt giữa hai người là sâu sắc nhất.

          Kafka hoàn toàn không chấp nhận song đề cơ bản trong Hoặc là...hoặc là: “Kierkegaard nêu vấn đề sau: hoặc hưởng thụ một cách mỹ học, hoặc coi đó là một sự thử nghiệm tinh thần. Tôi có cảm giác là vấn đề đó không được đặt ra một cách đúng đắn. Như thế có nghĩa là chia rẽ những gì vốn sinh ra để được gắn chặt với nhau. Song đề này chỉ tồn tại trong đầu của Sören Kierkegaard. Trong thực tế, ta chỉ có thể đạt đến sự hưởng thụ về mỹ học thông qua một thử nghiệm tinh thần và từ bỏ mọi sự kiêu ngạo”.

          Ở đây, Kafka phê bình luận điểm cơ bản của Kierkegaard là hố sâu ngăn cách không thể vượt qua giữa tư tưởng hai người. Trong một bức thư gửi cho Max Brod, Kafka nhấn mạnh đến những khả năng tinh thần và những khả năng hành động tích cực, chứ không phải là sự bất lực của con người. Ông viết: “Khi có người đến và mang theo cái gì đó, khi người đó không nói “Phải chấp nhận thế giới như nó tồn tại...” mà nói “Cứ để thế giới tồn tại như nó muốn, nhưng tôi giữ một tính độc đáo riêng mà tôi không có ý định từ bỏ theo ý muốn của mọi người”, ngay khi thế giới nghe thấy những lời này, sự tồn tại biến đổi. Giống như trong truyện cổ tích, khi lời thần chú được nói ra, khi cánh cửa của Lâu đài bị phù phép từ hàng trăm năm mở ra và tất cả mọi vật trở nên sống động, cuộc đời cũng luôn luôn chăm chú nghe ngóng. Các thiên thần bắt đầu có việc làm và tò mò theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra, và quan tâm đến mọi việc. Ở phía bên kia, những con quỉ hung dữ, từ lâu vốn không có gì làm và chỉ biết gặm móng tay, sẽ nhảy múa và vươn vai vì chúng thấy rằng đây là một cơ hội hay ho...”.

          Rõ ràng là ta không thể coi Vụ án như một phúng dụ của sự bất lực tuyệt đối của con người, như sự phủ định của hiệu quả hành động và nỗ lực của con người.

          Và chúng ta càng không thể coi biểu tượng Nhà thờ như một biểu hiện của thần học Calvin mới. Hiểu như vậy có nghĩa là đã quên những lời của cha cố nói về người gác cổng: “Ta cũng không bị bắt buộc phải tin tất cả những gì ông ta nói là đúng” và kết thúc chương sách bằng một câu thể hiện sự tích cực của hành động con người. Công lý của Thượng đế, cha cố nói, “áp dụng cho anh khi anh đến và từ bỏ anh khi anh đi”.

          Cuối cùng, đối với biểu tượng của việc hiến tế của Abraham và ý nghĩa của nó, thái độ của Kafka hoàn toàn khác với thái độ của Kierkegaard, nếu không phải là ở cực đối lập: thật là độc đoán nếu coi đoạn kể Sortini và Amalia, trong Lâu đài, là sự diễn lại tích Abraham trong Sợ hãi và run rẩy của Kierkegaard, thứ nhất là bởi thực tế, đó là sự tiểu thuyết hóa một “tin vắn” lại thuật chuyện một ông tướng cùng thời Kafka đối với một cô gái ở một trại lính Áo-Hung, thứ hai là không một dòng nào trong Lâu đài có thể cho phép chúng ta diễn giải rằng Kafka có một thái độ bảo thủ biện hộ vô điều kiện cho tham vọng của quyền lực đã yên vị bắt phải thần phục, cũng như không gì có thể cho chúng ta so sánh phản ứng của Kafka và phản ứng của Joseph de Maistre trong “bài biện hộ cho đao phủ “của ông ta. Cuối cùng, Kafka có những bình luận và đánh giá về Abraham hoàn toàn khác với Kierkegaard. Theo ông, sự không thể truyền đạt trong điều ngược đời này không chỉ liên quan đến cái cụ thể (như ở Kierkegaard) mà còn liên quan đến cái tổng quát (“chính cái tổng quát cũng mập mờ, và điều đó được thể hiện, trong trường hợp Iphigénie bị mang lên đàn hiến tế, bởi chi tiết là lời phán truyền không hề rõ ràng”. Tất cả đoạn bình luận của Kafka là một sự phê bình Abraham và “sự nghèo nàn về tinh thần” của nhân vật này.)

          Cuộc tranh luận giữa Kafka và Kierkegaard có chủ đề cụ thể: về sáng kiến của con người. Giữa công lý của Thượng đế và công lý của con người chắc hẳn có một khoảng cách khác biệt rất lớn. Giữa xã hội tha hóa của chúng ta và vương quốc của Thượng đế rõ ràng không có gì giống nhau. Nhưng Kafka quan tâm đến lịch sử nhiều hơn Kierkegaard và ông không đồng nhất trật tự xã hội và lịch sử đang được thực hiện với một trật tự vĩnh cửu. Không thể có một thế giới con người khác: “Chúng ta quá yếu ớt để có thể luôn luôn công nhận trật tự chân chính đó. Nhưng nó vẫn tồn tại. Và khắp nơi chân lý hiển hiện. Chân lý xuyên qua những mắt lưới của cái vẫn được gọi là thực tế. “

          Điều đó, Kafka rút gọn trong câu sau: “Ở gần Chúa” và “sống chân thực”, hai điều đó là một. “

          Cũng cần phải nhấn mạnh rằng khi Kafka nói về Prométhée, ông liệt kê những dị bản của huyền thoại này theo kiểu dạng những trừng phạt khác nhau, nhưng không hề phán xét bản thân hành động của Prométhée.

          Trong Khu nhà tù, khi Kafka nói đến tính siêu nghiệm của sự phán quyết của Thượng đế, dưới hình thức khủng khiếp nhất, khó mà có thể không nhận thấy tiếng thét căm hờn trong tác phẩm này: ở nơi đó, mỗi sự vi phạm luật pháp đều bị trừng phạt một cách tuyệt đối, không bao giờ tính đến các tình huống giảm tội, có nghĩa là con người cụ thể, cái cụ thể. Cỗ máy hành quyết một cách mù quáng bằng cách khắc vào da thịt của người bị tội những chữ bằng máu, những bản phán quyết trừu tượng: “Hãy thần phục người bề trên!”, “Hãy hành động đúng đắn!”.

          Tất nhiên là trong Người thầy thuốc nông thôn, ta có thể tìm thấy ví dụ ngược lại của ngụ ngôn luân lý này: nhượng bộ trước những lời dụ dỗ của trường hợp cụ thể, cho dù để truyền giáo cho tình yêu, cũng có nghĩa là thực hiện một điều ác còn tồi tệ hơn nữa. Khi người thầy thuốc được một xe ngựa kỳ diệu đưa đến bên giường của một người bệnh và thậm chí cuối cùng chấp nhận trao “nụ hôn cho người hủi”, thì ở nhà ông ta, tên coi chuồng ngựa làm chúa tể và hãm hiếp Rosa: “Bị lừa dối ! Bị lừa dối ! Chỉ cần có một lần thôi: tôi đã mù quáng nghe theo tiếng chuông ban đêm... Và thế là không thể nào cứu chữa nổi”.

          Nhưng sự không thể truyền đạt kép này, từ cái chung đến cái riêng, và những hậu quả nghiêm trọng dẫn đến cái chết, không có gì đẩy Kafka đến tuyệt vọng. Tất nhiên là ông cảm thấy cô đơn, trống trải. “Ai có thể giúp ta trong khoảng không trống rỗng của thế giới này?”. Nhưng ngay sau đó Kafka bổ sung thêm rằng sức mạnh duy nhất là ở trong cộng đồng, đó là “mọi tri thức, tổng thể của mọi câu hỏi và mọi câu trả lời... Đừng chỉ đặt câu hỏi, mà hãy đưa ra câu trả lời ! Liệu ai có thể chống lại anh, nếu anh nói lên lời?”. Khi đó toàn bộ xã hội “sẽ đồng thanh cất tiếng cùng anh, như là xã hội chỉ chờ có điều đó mà thôi! Và khi đó anh sẽ có muôn vàn chân lý, ánh sáng, sự thú nhận! Mái nhà của cuộc đời thấp hèn này, cuộc đời mà anh đã nguyền rủa bao lần, sẽ mở tung ra, và tất cả chúng ta sẽ vươn tới tự do tuyệt diệu”.

          Kafka còn nhắc lại trong Các sổ ghi chép rằng vượt lên mọi lời giả dối và các mặt nạ của mỗi người trong chúng ta, “chỉ trong dàn đồng ca mới có thể có một chân lý nào đó”.

          Ở Kafka, lòng tin, đó là hy vọng, sự tin tưởng rằng con người cần phải và có thể vượt qua sự tha hóa của cuộc đời, cho dù anh ta không rõ sự vượt qua đó sẽ đưa anh ta đến đâu. Một sự tồn tại hoàn toàn của con người là có thể, ở bên trên biên giới của sự tha hóa mà toàn bộ tác phẩm của Kafka tấn công.” Tin tưởng có nghĩa là: giải phóng cái không thể hủy diệt trong ta, hoặc đúng hơn là: tự giải phóng, hoặc chính xác hơn là: trở nên không thể hủy diệt, hoặc đúng hơn là: tồn tại.”

          Liệu ta có thể nói rằng đối với Kafka sự giải phóng này, sự tồn tại này vượt lên trên cái chết là sự thể hiện ranh giới giữa thế giới này và một thế giới khác chăng? Không phải cái chết là điều soi sáng niềm hy vọng, mà là mong muốn được chết. Mong muốn này bản thân nó không phải là sự hoàn thành, mà chỉ là biểu hiện đầu tiên của ý chí tự bứt mình ra để tự giải phóng: “Biểu hiện đầu tiên của bước đầu của tri thức là mong muốn được chết. Cuộc đời này trở nên không thể chịu đựng nổi, đó là một cái khác hoàn toàn không thể đạt tới được. Ta không còn xấu hổ vì muốn chết nữa...”.

          Giải nghĩa theo thuyết hậu thế không thể đứng vững được: trong tác phẩm của Kafka, trung tâm vẫn là con người, cuộc sống con người, ngay cả trong mong muốn vượt quá giới hạn. Ngay cả bản thân Thượng đế, mà từ này gần như không xuất hiện trong tác phẩm của Kafka, không thể bị tách khỏi hành động vươn tới của con người đó.

          Điều thánh thiện nhất, đó luôn là nỗ lực của con người, sự tranh đấu. “Cho dù bản chất của tôi có tồi tệ đến thế nào đi chăng nữa... thậm chí có thể nói là tồi tệ nhất thế giới, thế nhưng tôi cũng phải ... tìm cách đạt tới điều tối ưu với những gì tôi có; và thật là hoàn toàn ngụy biện khi nói rằng người ta chỉ có thể, với những cái đó, đạt tới một điều duy nhất... và điều tốt đẹp nhất đó là sự tuyệt vọng”.

          Ở Kafka, sự khẳng định về sự cần thiết tranh đấu đó đôi khi có hơi hướng của Goethe, là nhà văn mà Kafka vô cùng ngưỡng mộ: “Cùng lắm, nếu như sự giải thoát không xảy ra, thì tôi cũng muốn tỏ ra mình luôn xứng đáng”.

Kafka đã nhắc đến người mà ông coi là người thầy của mình một cách hoàn toàn có ý thức: “Tất cả đều là tranh đấu: chỉ có người nào luôn đấu tranh hàng ngày mới có quyền đạt tới tình yêu và cuộc sống ..., như Goethe đã nói..., Goethe đã nói hầu như đến tất cả những gì liên quan đến chúng ta, đến con người “. Sự cảm phục này khó mà đi liền với một quan niệm tuyệt vọng và nhẫn nhục về cuộc sống.

Khi tổng kết những sự hủy diệt trong bản thân ông, trong quá trình “tìm kiếm” điều quan trọng nhất và điều không thể hủy diệt được, Kafka tự hỏi liệu ông có đi nhầm đường hay không: “Tôi đã không học làm những gì có ích và – điều này liên quan chặt chẽ đến điều sau đây – tôi tự hủy hoại cơ thể mình, điều này có thể che giấu một ý muốn nào đó. Tôi đã không muốn bị kéo ra khỏi con đường đã chọn, không muốn bị quyến rũ bởi tình yêu cuộc sống của một người mạnh khỏe và có ích. Dường như bệnh tật và sự tuyệt vọng không có khả năng đó !”.

          Về cuối đời, Kafka ngày càng nhấn mạnh đến điều đó. “Ở trong tôi là dấu vết của bản án của thế hệ này”.

          Vai trò của nhà văn mà ông định nghĩa là “Người đi tìm hạnh phúc”, có nghĩa là phát hiện và biểu lộ, với con mắt nhìn mới mẻ, cái tuyệt diệu của cuộc sống: “Thời vĩnh cửu của tuổi thơ. Lại một tiếng gọi nữa của cuộc sống! Ta hoàn toàn có thể hình dung được là cuộc sống tuyệt vời trải rộng xung quanh mỗi người, luôn trong trạng thái trọn vẹn, nhưng bị một màn che phủ, ở phía xa, rất xa, không thể thấy được. Cuộc sống ở đó, hoàn toàn không thù hằn, không bướng bỉnh trơ ỳ, cũng không điếc. Nếu ta biết gọi nó bằng một từ đúng đắn, bằng tên thật sự của nó, nó sẽ đến với ta. Đó là bản chất của phép mầu, không phải là sáng tạo, mà là một hành động cầu khấn”.

          Thế giới nội tâm của Kafka là như vậy, với tất cả những sự phức tạp của nó. Ông hoàn toàn không phải là người lạc quan, bởi ông không thấy, và không chỉ ra cách có thể thay đổi thế giới bằng việc rứt bỏ những gốc rễ của của sự tha hóa. Nhưng ông cũng hoàn toàn không phải là người bi quan, vì ông không lúc nào chấp nhận sự phi lý và sự xấu xa của thế giới. Ông hoàn toàn không phải là người nhẫn nhục cam chịu. Ông viết trong Nhật ký: “Tôi tranh đấu, không ai biết điều đó cả... Trong lịch sử quân sự, những người như vậy được gọi là chiến binh về bản chất”. Nhân vật trong Vụ án không ngừng đi tìm ông thẩm phán và chỉ buông tay để cho người ta cắt cổ khi đã kiệt sức. Nhân vật trong Lâu đài cũng đấu tranh không mệt mỏi để tìm cách ở trong làng và buộc dân làng phải công nhận mình.

          “Tranh đấu, Kafka viết trong những trang cuối của cuộc đời mình, làm tôi tràn ngập một niềm vui khôn tả, vượt quá giới hạn của khả năng hưởng thụ hoặc tư chất của tôi, và có lẽ là tôi sẽ bỏ cuộc không phải vì mệt mỏi tranh đấu, mà do niềm vui đó”.

          Kafka không phải là một nhà cách mạng. Nếu ông thức tỉnh con người với ý thức về sự tha hóa của họ, nếu tác phẩm của ông khiến ách áp bức trở nên không chịu đựng nổi do có ý thức về sự áp bức đó, ông không hề kêu gọi phải chiến đấu và không chỉ ra triển vọng nào; chính bản thân ông không thấy có lối thoát nào, cho dù trong tưởng tượng. Khi Cách mạng tháng 10 nổ ra năm 1917, ông tuyên bố: “Người ta muốn xây dựng, ở nước Nga, một thế giới hoàn toàn công bằng”. Nhưng sau đó ông thêm ngay: “Đó là một vấn đề tôn giáo”. Khi ở Prague, công nhân xuống đường tranh đấu, ông thể hiện ngay cảm tình của mình với những người biểu tình: “Họ thật là có ý thức về bản thân mình, và thật là vui vẻ ! Họ làm chủ đường phố và tin rằng họ là chủ thế giới”. Nhưng ông cũng lại thêm: “Họ đã nhầm”. Kafka không tin vào sức mạnh của quần chúng và trong tương lai của cuộc tranh đấu của họ, dường như là một điều không thể nào tránh khỏi, ông nhìn thấy sự độc quyền của một Bonaparte và một sự áp bức tất yếu của bộ máy hành chính. Nhưng Kafka cũng không phải là người chống lại cách mạng: ông căm thù sâu sắc nhà cầm quyền áp bức và tham vọng cho rằng quyền lực của họ là do Thượng đế trao cho. Ông nhận thấy những quyền lợi tư bản được che giấu dưới những hình thức hoặc thể chế đạo đức giả: “Tôi cho rằng Hội quốc liên chỉ là mặt nạ che đậy một trường đấu mới mà thôi. Chiến tranh vẫn tiếp tục, nhưng bây giờ người ta sử dụng những vũ khí khác. Người ta thay quân đội bằng những ngân hàng của giới thương mại. Thay vì khả năng chiến đấu của công nghiệp các nước là khả năng tranh chấp của giới tài chính. Hội quốc liên không phải là một tổ chức của các dân tộc, mà chỉ là nơi để các nhóm quyền lợi âm mưu mánh khóe, hoặc biến đổi”. Trong truyện như Những chiếc đèn mới khi muốn thể hiện sự đứt đoạn tuyệt đối giữa thượng giới hạ giới, Kafka đã sử dụng biểu tượng đấu tranh giai cấp giữa đại diện của giới chủ và đại diện của những người thợ mỏ. Bị hỏng mắt do đèn chất lượng kém, những người thợ mỏ lên tiếng phản đối, và khi đó kẻ đại diện cho ban giám đốc vô hình tìm cách đùn đẩy trách nhiệm cho các cấp trung gian đến mức không ai còn có thể chỉ ra kẻ có tội làm hủy diệt cuộc sống trong cỗ máy đàn áp vô danh đó. Tính siêu nghiệm được thể hiện một cách cụ thể thông qua sự đối lập giai cấp, và đó là hình ảnh có tính khơi gợi và sinh động nhất. Đứng trước hệ thống sát nhân đó, Kafka phản ứng và lột trần bản chất vô nhân đạo của nó bằng việc xây dựng nên một huyền thoại. Hacek, người đồng thời và đồng bào của Kafka, trong Người lính dũng cảm Chveik, đã dùng sự ranh mãnh và mưu mẹo để phá tan cái lố bịch và cái quái gở dưới vẻ đẹp đẽ của các thể chế và con người. Trong Thời hiện đại, Charlie Chaplin cũng đã thể hiện sự nổi dậy của con người qua một hình ảnh đầy ám ảnh và có nghĩa. Đó là những phản ứng nghệ thuật khác nhau của con người chống lại thế giới tha hóa.

          Kafka không phải là người vô thần, bởi tính nhạy cảm và tư tưởng của ông, toàn bộ thế giới nội tâm của ông, được hình thành bởi tính tôn giáo Do Thái, cũng như bởi việc đọc thường xuyên các tác phẩm của Pascal, Dostoïevsky, Léon Blov, Kierkegaard, và nhất là Kinh Thánh. Việc ông học tiếng Do Thái, nghiên cứu các tác phẩm Do Thái cổ trong tập kinh Talmud, và việc ông say mê sân khấu tôn giáo của người Do Thái, tất cả những điều đó cho thấy ảnh hưởng lớn đối với ông của thế giới của lòng tin, với tư cách là hình thức trải nghiệm một cách bi kịch và cá nhân nhất của đòi hỏi vượt quá giới hạn con người. Nhưng Kafka cũng không phải là người thần bí: thế giới Bên kia không bao giờ có khuôn hình cụ thể. Thượng đế chỉ can thiệp đến đời sống của con người thông qua sự vắng mặt: ở Kafka, Thượng đế luôn vắng mặt trong con người, là cảm giác thiếu hụt của thế giới, là sự phủ nhận, là Kẻ đối lập. Là mặt trái của mọi giấc mơ của nhân loại. Cho dù đó là “Các ngài” trong Lâu đài, hay “Các vị Thẩm phán” trong Vụ án, câu hỏi lớn của con người luôn bị vấp phải hai câu trả lời không thỏa mãn: hoặc là Chúa không tồn tại và chính những người tự coi là đầy tớ của Chúa mạo nhận là chúa tể, hoặc là Chúa có tồn tại, nhưng chỉ hiện ra cho ta thấy thông qua những khổ đau do những kẻ đầy tớ gây ra để ta không bao giờ có thể dừng bước. Lòng tin là một con đường không mục đích, hay là một mục đích không có đường đi tới đó ?

          “Có một mục đích, nhưng không có đường đi tới đó; cái mà chúng ta gọi là đường đi chính là sự lưỡng lự”.

          Chính trong sáng tạo nghệ thuật, trong việc xây dựng huyền thoại mà Kafka thử tìm cách tự giải phóng ra khỏi những điều mập mờ của thế giới này.

          Sáng tác văn học liệu có phải là kỹ thuật chống tha hóa cho phép Kafka vượt qua xung đột của sự tồn tại? Liệu đó có phải là con đường đưa ra khỏi thế giới loài người? Liệu nghệ thuật có phải thuộc về lĩnh vực của lòng tin? Liệu nó có thực hiện lời sấm truyền của cuộc sống không? Kafka đã cá cược điều đó chống lại cái chết. “Dù thế nào tôi cũng sẽ viết, bằng mọi giá. Đó là cuộc chiến của tôi để giành sự sống”.

 

 Lộc Phương Thủy dịch

từ bản tiếng Pháp: R. Garaudy, Về một chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến

 (D’un réalisme sans rivages),Plon,1963.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513196

Hôm nay

2297

Hôm qua

2436

Tuần này

21133

Tháng này

220069

Tháng qua

121356

Tất cả

114513196