Diễn đàn

Để giáo dục “dạy người” không trở thành công cốc

Tư duy ngành Giáo dục năm nay có một luồng gió mới là ưu tiên "dạy người" hơn là "dạy chữ". Tức là chú trọng dạy phẩm chất đạo đức cho các em hơn là dạy kiến thức chuyên môn, sau khi đã có quá nhiều "quả bom" scandal nổ ra ở chốn học đường.

Trao đổi với Báo Tuổi trẻ Việt Nam trước thềm năm học mới 2019-2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, quan điểm giáo dục toàn diện có tính xuyên suốt từ truyền thống tới hiện đại trong nền giáo dục của Việt Nam. Thầy cô nào, trường lớp nào, ông bà, cha mẹ nào cũng đều mong muốn giáo dục học sinh, con em mình vừa giỏi, vừa ngoan, vừa "hồng", vừa "chuyên". Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, gây ra một số vụ việc khiến xã hội lo ngại, bức xúc. Nguyên nhân của thực trạng này cũng đã được Bộ trưởng chỉ ra: “…môi trường học đường bị lây nhiễm bởi tệ nạn xã hội, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý sa sút đạo đức nhà giáo, thiếu sát sao tư vấn tâm lý cho học sinh. Các thầy cô còn coi nặng về “dạy chữ” mà chưa quan tâm đúng mức đến “dạy người”. Nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học môn đạo đức còn nặng lý thuyết, thiếu tính nêu gương”.

 (https://tuoitre.vn/bo-truong-gd-dt-nam-hoc-moi-uu-tien-day-nguoi-20190903215410621.htm)

Nghe thấy "dạy người" thì có vẻ yên tâm phấn khởi. Thế nhưng xem ra không dễ chút nào, không cẩn thận lại thành câu nói suông, hô hào phong trào xong ... đâu lại vào đấy!

Bởi cho dù ngành Giáo dục có ưu tiên “dạy người” cho các em đến mấy, mà rồi sau đó lại vẫn có những tấm gương gian lận chạy điểm thi như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình của người lớn nêu gương xấu cho các em như vừa qua, thì hỡi ôi, công cuộc “dạy người” của Bộ Giáo dục lại trở thành ... công cốc! Chưa kể sau này, tình trạng người lớn vi phạm pháp luật, tham ô tham nhũng, hủ hóa suy đồi đạo đức liên tiếp “dạy con”, thì công “dạy người” của Bộ Giáo dục rồi cũng sẽ lại sớm trở thành công dã tràng!

Chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp cũng vẫn những con người ấy, khi còn bé thì rất ngoan, nhưng khi thành người lớn thì có khi lại rất hư hỏng, và tùy người có người thì hư sớm có người thì hư muộn, có người mãi đến già rồi mới hư hỏng.

Ấy là bởi tuy học làm người trên ghế nhà trường rồi nhưng về sau cuộc sống lại dạy người ta làm người theo kiểu khác, theo kiểu vi phạm pháp luật, tham ô tham nhũng, hủ hóa suy đồi đạo đức. Và do nó được diễn ra như thế nên làm cho người ta ngộ nhận, thấy kiểu làm người như thế mới là khôn, còn cái kiểu làm người như hồi còn học trên ghế nhà trường đó là dại, là lý thuyết suông mà thôi.

Cho nên việc Bộ Giáo “dạy người” cho các em thì dễ, nhưng để việc dạy người không bị những tấm gương xấu của người lớn kia phản bác, đè bẹp, trở lại "dạy con" cho các em, thì lại thật vô cùng nan giải.

Như vậy có nghĩa là ở đây, việc học làm người là liên tục suốt đời. Tức là, cứ khi nào chúng ta còn nghe thấy, nhìn thấy, thì chúng ta còn tiếp thu được thế giới quan vào đầu, nghĩa là chúng ta vẫn còn học trên thực tế. Do đó việc học làm người là liên tục, suốt đời, do môi trường sống dạy chúng ta mà chúng ta không nhận ra, chứ đâu phải là chỉ học làm người ở tuổi học sinh trên ghế nhà trường.

Và như vậy thì chúng ta nhận thấy là việc “dạy người” không thể một mình Bộ Giáo dục làm mà được. Cần lắm sự chung tay của toàn xã hội, từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cho đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, báo chí tuyên truyền, các cơ quan đảng đoàn, qua công tác bảo vệ pháp luật, tuyên truyền định hướng, dân vận, nêu gương ...

Tuy nhiên trước hết vẫn là bàn về trách nhiệm “dạy người” của Bộ Giáo dục. Thì ở đây, việc “dạy người” sẽ vẫn còn thiếu và do đó có thể trở nên công cốc, nếu Bộ Giáo dục không dạy cho các em khả năng đề kháng tốt với cái xấu, để chống lại cái xấu tiêm nhiễm vào đầu mà làm hỏng kiến thức học làm người các em đã được học.

Tức là, phải dạy các em cái việc đấu tranh không khoan nhượng chống cái xấu của bất kỳ ai, mà không có sự nể nang nào hết. Có như vậy các em sau khi được học làm người rồi mới có khả năng miễn nhiễm với cái xấu tác động trở lại, để bảo vệ được những cái học làm người đã được học trong con người mình, giữ được kiến thức làm người cho đến suốt đời.

                     

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512040

Hôm nay

2366

Hôm qua

2337

Tuần này

22414

Tháng này

218913

Tháng qua

121356

Tất cả

114512040