Những góc nhìn Văn hoá

Phan Thị Bạch Vân và con đường khai trí độc đáo ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX

I. Cuộc đời và sự nghiệp thăng trầm của một nữ trí thức lớn

Lai lịch của nhà hoạt động văn hóa văn học nổi tiếng Phan Thị Bạch Vân trước đây chỉ là một khoảng trống lớn về tiểu sử. Cho đến khi Hội thảo Văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX- 1945 được tổ chức vào tháng 5-2006 tại Khoa Ngữ văn và Báo chí, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, những băn khoăn về bà mới được giải đáp.

 

 

Trong bài viết mới nhất về nữ tác giả này[1], Võ Văn Nhơn cho biết: bà Phan Thị Bạch Vân tên thật là Phan Thị Mai, là con thứ năm trong một gia đình nghèo ở thành phố Biên Hòa, trước đây là làng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hòa. Cha bà làm đến chức tri huyện, song mất sớm nên gia cảnh càng trở nên cơ cực hơn. Mẹ bà cùng bảy người con phải bươn chải trong nghèo khó. Năm 17 tuổi, bà lấy chồng. Cuộc hôn nhân với người chồng phụ bạc nhanh chóng đi đến tan vỡ. Để vượt qua thời khắc khó khăn của đời mình, bà chuyển sang viết văn, chủ yếu trên tờ Đông Pháp thời báo và sau này là Phụ nữ Tân văn. Nhờ duyên văn chương, bà gặp được ông Võ Đình Dần, chủ một nhà thuốc gia truyền - thương hiệu nổi tiếng ở miền Nam từ 1921. Đến năm 1928, bà cùng ông Dần kết duyên vợ chồng; cùng năm đó, bà theo chồng về Gò Công và bắt đầu sự nghiệp hoạt động văn hóa văn học của mình. Bà được sự hỗ trợ tuyệt vời của người chồng vừa là nhà tổ chức giỏi, vừa tài hoa. Tên tuổi bà gắn với sự xuất hiện của Nữ lưu thư quán, trụ sở đặt tại số 24-26, đường Chủ Phước, Gò Công. Bà được xem là người hoạt động văn hóa danh tiếng, công khai truyền bá tư tưởng tiến bộ như bình đẳng giới, yêu nước chống thực dân. Ngày 10-2-1930, thực dân Pháp giải bà ra tòa với cái án “phá rối cuộc trị an trong xứ bằng văn chương tư tưởng”. Khi đó, bà đang có mang. Theo cô Võ Thị Lan, con gái bà kể lại, một quan tòa người Pháp do có cảm tình với bà nên đã biện hộ cho bà thoát khỏi tù đày.

Về cuối đời, Phan Thị Bạch Vân sống trong cảnh mù lòa. Ngày 2-8-1980, bà qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh, nhằm ngày 22-8 năm Canh Thân. Di cốt bà hiện được gửi ở chùa Giác Ngộ, đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong suốt cuộc đời chìm nổi của mình, bà đã để lại một di sản tinh thần quí giá cho sự phát triển của nền văn học Nam Bộ còn non trẻ đầu thế kỷ XX. Bà được biết đến với tư cách là trợ bút cho Đông pháp thời báo, chuyên phụ trách mục Phụ trương phụ nữ và nhi đồng, viết xã thuyết, tiểu thuyết, thơ… Tuy xuất hiện ngắn ngủi trên văn đàn, bà cũng đã được trân trọng đánh giá: “Một điều gần như chắc chắn, bà là người phụ nữ đầu tiên trong thể kỷ XX ở Nam bộ nói riêng và trong cả nước nói chung biết kết hợp song song những hoạt động thương mại và hoạt động truyền bá văn hóa, văn học một cách tài tình và hiệu quả”[2].

Dựa vào các tư liệu ít ỏi được tìm thấy và được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu văn hóa văn học Nam bộ, có thể tạm đưa ra danh mục tác phẩm đã xuất bản của Phan Thị Bạch Vân như sau:

1. Gương nữ kiệt, Nữ lưu thư quán Gò Công, 1928.

2. Giám hồ nữ hiệp (bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa) Nữ lưu thơ quán Gò Công, 1928.

3. Nữ anh tài (bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa), Cảnh thế tiểu thuyết, Nữ lưu thơ quán Gò Công, 1928.

4. Lâm Kiều Loan, Tiểu thuyết ẩn tình xã hội Nam kỳ, cuốn 1 (trọn bộ 10 cuốn), Imp. Trần Trọng Canh, Sài Gòn, 1932.

5. Kiếp hoa thảm sử (bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa), Xã hội tiểu thuyết, trích đăng nhiều kỳ trong Tinh thần phụ nữ (từ số 6 trở đi là Sách Nữ Lưu), Nữ lưu thơ quán Gò Công, 1928-1929.

6. Phụ nghĩa tào khang, Đoản thiên tiểu thuyết, Đông Pháp thời báo, số 669, ngày 21.1.1928.

7. Vần quốc ngữ “Nữ lưu”, Nữ lưu thư quán Gò Công xuất bản (không tìm thấy)

8. Nam Kỳ cần phải có trường nữ công, Đông Pháp thời báo, số 695, ngày 15.3.1928.

9. Trường thương mãi cho Nữ lưu Việt Nam, Đông Pháp thời báo, số 698, ngày 22.3.1928.

10. Vài điều cần ích cho chị em bạn gái, Đông Pháp thời báo, số 704, ngày 5.4.1928.

11. Mưu trừ tuyệt nghề kéo xe, Đông Pháp thời báo, số 704, ngày 5.4.1928.

12. Kính gửi các nhà văn sĩ, Đông Pháp thời báo, số 709, 1928.

13. Gian nhà rách, Đông Pháp thời báo, số 640, 27.10.1927.

14. Đồng bạc Tây và đồng bạc Pháp, Đông Pháp thời báo, số 642, 1927.

15. Phụ nữ Việt Nam ta thử lập vài cái học bổng, Đông Pháp thời báo, số 650, 1927.

16. Chị em ta nên vào hội khuyến học, Đông Pháp thời báo, số 695, ngày 15/3/1928.

Về trường hợp hai cuốn Nữ anh tài Giám hồ nữ hiệp gắn với bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa, theo quan điểm một số công trình văn học sử về văn học Nam Bộ thì Phan Thị Bạch Vân và Hoàng Thị Tuyết Hoa là hai tác giả nữ được liệt kê song song nhau. Tuy nhiên, đọc lại cuốn Nữ anh tài, chúng tôi tìm được một thông tin liên quan đến việc chỉ ra Phan Thị Bạch Vân chính là Hoàng Thị Tuyết Hoa:

“Cùng chư độc giả yêu quí,

Bộ tiểu thuyết Nữ anh tài đến đây thì dứt (…) Tóm tắt câu chuyện về bộ ấy, thì toàn là chuyện về mặt phụ nữ với chức nghiệp. Vai chủ động ấy dẫu là vì cảnh thế éo le, nhưng thế nào cũng chẳng quên cái phận sự của mình đối với quốc gia, sao cho đáng một bực Nữ lưu tân tiến (…) Con người có ái tình mà gặp cảnh thế xã hội bất ưng ý, rồi đem cái ái tình ấy mà làm tình yêu nước, tình yêu dân, thì ôi thôi, đáng khen biết bao, đáng kính biết bao!...

(…)

Soạn giả PHAN –THỊ - BẠCH - VÂN

Biệt hiệu: HOÀNG - THỊ - TUYẾT - HOA

Kính bút,”

Đoạn văn nằm ở trang 25-26, cuốn thứ 6 bộ tiểu thuyết Nữ anh tài. Phần tên tác giả được in hoa. Chứng cứ này đã nối dài thêm danh sách các tiểu thuyết của Phan Thị Bạch Vân. Điều đáng nói nữa là các tiểu thuyết của bà (theo tư liệu hiện có) đều được tự tác giả phân định bằng cách tên gọi khác nhau: Cảnh thế tiểu thuyết (Nữ anh tài), Tiểu thuyết ẩn tình xã hội Nam kỳ(Lâm Kiều Loan), xã hội tiểu thuyết (Kiếp hoa thảm sử). Cũng trong cuốn thứ 6 của tiểu thuyết Nữ anh tài, bà ghi thêm dòng tái bút: “Kỳ tới sẽ hiến cho các bạn độc giả bộ Kiếp hoa thảm sử, tiểu thuyết về xã hội hiện thời. So với bộ Nữ anh tài, thì bộ này chuyên về một mặt khác, hành văn cũng tuân theo một lối khác, mời chư độc giả dượt xem” (trang 26). Như vậy, ít nhất từ sự định danh của tác giả, chúng ta có câu hỏi: xã hội tiểu thuyết (hay tiểu thuyết xã hội) thì khác thế nào với tiểu thuyết ẩn tình xã hội? Với cảnh thế tiểu thuyết? Ở đây, tác giả có ý nói rằng Nữ anh tài  phân biệt với Kiếp hoa thảm sử  về “mặt khác” và “hành văn khác”. Yếu tố “xã hội” và “cảnh thế” có thể là hai trọng điểm cảm hứng và quan niệm của tác giả về vấn đề phụ nữ chăng? Ý thức về sự “hành văn” khác, và cách đặt tiêu đề phụ dưới mỗi tiểu thuyết, theo chúng tôi, là những tín hiệu cho thấy nỗ lực sáng tạo của Phan Thị Bạch Vân gắn rất chặt với tinh thần cách tân không mệt mỏi và đầy tiềm lực của bà.

II. Phan Thị Bạch Vân và Nữ lưu thư quán Gò Công

Trong bài Xét về sự sinh hoạt của phụ nữ nước ta trên báo Phụ nữ Tân Văn  (PNTV) số 5 - 1929, Phan Khôi có viết một câu như sau: “Mới vài ba năm nay, trong xã hội ta, nhứt là trong làng ngôn luận, có nứt ra một danh từ mới mà nhiều người lấy làm chú ý, ấy là “vấn đề phụ nữ””.

Cách dùng “nứt ra một danh từ mới” rất ngộ nghĩnh của Phan Khôi cho thấy ấn tượng về sự khai sinh “vấn đề phụ nữ” vào những năm đầu thế kỷ XX. Với sự khai sinh này, lần đầu tiên, tinh thần phụ nữ từ chỗ là phát hiện của một trào lưu xã hội đến chỗ hình thành nền văn hóa tri thức mới với “thế lực phụ nữ”[3].

 Loạt bài viết của Phan Khôi về mối quan hệ giữa phụ nữ với văn chương đăng trên PNTV đã phản ánh một sự “thức tỉnh” bền bỉ và chắc chắn của giới nữ Nam kỳ. Sự xuất hiện của các tờ báo do phụ nữ viết và viết về phụ nữ (Nữ giới chung, Phụ Nữ Tân Văn, Phụ trương Phụ nữ và nhi đồng của Đông Pháp thời báo…), sự xuất hiện đội ngũ sáng tác và dịch thuật là các nữ lưu ở nhiều nơi trên xứ Nam kỳ, sự nở rộ các hình thức “hội”, “viện”, “thư quán”, “học xá”… cho thấy xu hướng hợp tác vì tri thức và tiến bộ  tràn ngập trong mặt bằng học thuật và văn hóa thời bấy giờ.

Trong bối cảnh đó, Nữ lưu thư quán Gò Công do Phan Thị Bạch Vân phụ trách ra đời vào năm 1928. Tư liệu ghi được trên Đông Pháp thời báo số 709, 1928 còn lưu lại một mẫu tin rất thú vị của Phan Thị Bạch Vân về dự định của mình:

“Tôi đang trù liệu để dựng nên một cái thơ quán ở Gò Công đề hiệu là: Nữ-lưu-thơ-quán chuyên bán các thứ truyện sách, tạp chí hoặc xuất bản trong xứ hoặc ở bên Pháp gởi sang, không có phần hại cho đường tinh thần của chị em bạn gái.

Vậy trong Tam Kỳ chư văn gia ai có xuất bản những sách hay truyện lạ đáng bổ ích cho tinh thần phụ nữ nước nhà, muốn được bán giúp thì hãy viết thơ hoặc gửi nguyên bản đến thương lượng - những quyển nào thật hẳn có giá trị sẽ được mua nhiều và được tiêu thụ rất nhanh chóng trong Đông Pháp.

Nữ-lưu-thơ-quán không bao giờ nhận những sách nhảm nhí để bán. Xin các ngài biết cho”.

Sự hình thành một “tinh thần phụ nữ” có màu sắc riêng như vậy của thư quán Gò Công nằm trong chuỗi hình thành tinh thần thời đại mà giới trí thức Việt Nam lúc bấy giờ đang nỗ lực xây dựng cách này hay cách khác; trong đó nổi lên hai vấn đề lớn là luân lý và quốc học.

Cần thấy tổ chức “thư quán” có sự gắn bó sâu sắc với các loại hình “hội”, “viện” như Hội Dục Anh, Nữ lưu học hội, Nữ công triển lãm hội trong thập kỷ 20… Trong nhiều bài phóng sự của Nguyễn Thị Kiêm (tức nữ sĩ Manh Manh) trên Phụ Nữ Tân Văn, chúng ta biết có cả Hội Phụ nữ Cái Vồn (chủ yếu tập trung vào việc tổ chức thể dục thể thao cho phụ nữ), Hội Cựu học sanh trường Nữ học đường, Hội Dục Anh xuất thân từ Viện Dục Anh do “các bà đầm” bên Tây “động lòng thương con nít Annam , cho nên mới rủ nhau tổ chức ra cơ quan kia, mục đích là sẽ lập những nhà nuôi con nít”[4]… Các “hội”, “viện” như thế dường như bộc lộ tính chất hoạt động xã hội của phụ nữ lẫn mục tiêu canh tân của họ. Và tất nhiên, từng “hội”, “viện” như vậy đều có những mục tiêu riêng.

Tinh thần quốc học theo Lê Dư[5] bao gồm cả quốc văn, quốc sử và quốc túy. Việc giới thiệu sử truyện và học thuyết dân chủ, khoa học của người Pháp trong hoạt động của thư quán chứng tỏ người chủ nhiệm thư quán ý thức rất rõ con đường quốc sử và quốc túy thông qua quốc văn – dùng chữ quốc ngữ để dịch và giới thiệu các tư tưởng mới. Sự thu hút rất hiệu quả các cây bút sáng tác có tiếng lúc bấy giờ vào hoạt động chung của thư quán cũng là một đóng góp lớn của Phan Thị Bạch Vân trong việc tạo ra một hiệu ứng tinh thần quốc học từ các cây bút nữ lưu Nam và Trung kỳ.

Trong cuốn Văn học quốc ngữ Nam Kỳ 1865 -1930, Bằng Giang đã ghi nhận sự xuất hiện của Nữ lưu thư quán trong tiến trình cải cách tư tưởng người dân Nam kỳ: “…nội dung sách luân lý từ cuối thế kỷ XIX (chủ yếu là sách dịch) đến đầu thế kỷ XX lần hồi cũng có thay đổi (sách biên soạn) tuy chậm. Mãi đến gần cuối thập kỷ 20 mới thấy hai tác phẩm ngay ở tên sách đã như là một tiếng trống báo hiệu một giai đoạn mới đã chín muồi trong tiến trình xã hội và văn học: Nam nữ bình quyền (1928) và Phụ nữ dự gia đình (1929), cuốn 12 của Nữ lưu thư quán) ra đời cùng một năm với Phụ Nữ Tân Văn …” (trang 293). Đoạn văn này nằm trong mục viết về sự suy thoái đạo đức của người Annam do quá trình giáo dục ráo riết dạy quốc ngữ của nước Đại Pháp vì mục tiêu “đọc thông tri, cáo thị của nhà cầm quyền thuộc địa để hiểu và làm cho đúng”. Chi tiết duy nhất nhắc đến Nữ lưu thư quán trong công trình nghiên cứu của Bằng Giang lại đặt trọng tâm ở phần tư tưởng. Tác phẩm của Nữ lưu thư quán Gò Công xuất bản và phát hành được nhắc tới bên trên ở một phương diện nào đó đã chạm đến một kiểu luân lý mới – luân lý gắn với sự tự ý thức mạnh mẽ của người phụ nữ trước vận mệnh của chính mình và cộng đồng. Từ cách đặt vấn đề trong sách Văn học quốc ngữ Nam Kỳ 1865 -1930 của Bằng Giang, chúng ta có thể hình dung tư tưởng tiến bộ ở tầm cao của người sáng lập và phụ trách mô hình Nữ lưu thư quán. Ngay chính trong lời đề tựa cho các tập sách do Thư quán thực hiện cũng đã nói lên tinh thần này: “Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thiệt hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở mang tri thức, học vấn thêm cao”[6]. Không những thế, tinh thần “mở mang” mà những người hoạt động trong Thư quán đề xuất còn bao gồm cả “kíp đến cái địa vị quí đẹp chị em phải có”, “tấm lòng vì nòi giống”, “nỗi nước mất dân tàn”, “phong tục đồi tệ”, … , nghĩa là vươn đến những vấn đề sâu sắc và nghiêm trọng hơn đối với một trí thức thời thuộc địa, chứ không phải chỉ là những vấn đề của phụ nữ, cho phụ nữ.

Hiện chúng ta còn giữ được 8 cuốn Tinh thần phụ nữ do Phan Thị Bạch Vân chủ trương biên soạn bao gồm phần dịch thuật, giới thiệu tư tưởng các triết gia phương Tây như Darwin, Montesquieu, Rousseau, các tiểu thuyết của Hoàng Thị Tuyết Hoa (tức Phan Thị Bạch Vân), Nguyễn Bá Hạnh, các vấn đề về vệ sinh phụ nữ, kiến thức thường thức về gia đình… Phần Tự ngôn, Phan Thị Bạch Vân giới thiệu: “Bộ sách “Tinh thần phụ nữ” này dài đến một ngàn năm trăm trương, phân ra nhiều tập, chia ra nhiều thời kỳ, dễ xem dễ đọc cho chị em, vừa vui miệng, vừa mở trí”. Thế nhưng, bắt đầu từ cuốn thứ sáu, mặt bìa trong có một đoạn văn nhỏ như sau:

Cáo lỗi cùng chư độc giả

Bộ “Tinh thần phụ nữ” từ nay xin đổi tên là Sách-Nữ-lưu (Le livre des femmes) cho dễ hiểu cho cả thảy mọi người.

Duyên cớ bởi đâu, nếu nói ra hết càng thêm đau đớn. Thôi nói nó là sách cho chị em bạn gái đọc, thì kêu nó là Sách Nữ Lưu cho xong.

Xin chị em độc giả gần xa hãy hiểu cho như vậy, chúng tôi bây giờ chỉ có vắn tắt mấy lời, hẹn về sau sẽ còn khi thưa rõ”.

Lý do chính xác mà Phan Thị Bạch Vân hẹn sẽ “thưa rõ” chúng ta chẳng bao giờ được biết. Có hai chi tiết trong đoạn văn cáo lỗi trên rất đáng lưu ý. Một là đổi tên từ “Tinh thần phụ nữ” sang “Sách Nữ Lưu” – mất chữ “tinh thần”. Hai là “nếu nói ra hết càng thêm đau đớn”. Đoạn văn mơ hồ này cho thấy sự thất vọng kín đáo của người khởi xướng Nữ lưu thư quán trước sự kiện (bị buộc phải) cất bỏ chữ “tinh thần” trong cuốn sách thường xuyên của thư quán. Vì (bị buộc phải) cất bỏ như thế mới có chuyện “càng thêm đau đớn”. Phải chăng, đây là đòn “nhắc nhở”, “cảnh báo” trước của chính quyền thực dân trước khi quyết định đưa Phan Thị Bạch Vân ra trước tòa vì đã dám “phá rối cuộc trị an trong xứ bằng văn chương tư tưởng”. Hoàn toàn có thể nói, vấn đề “tinh thần”, “tư tưởng” là mấu chốt cho hoạt động của thư quán này.

Đọc Lời dẫn đầu cuốn Gương nữ kiệt, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự táo bạo của người chủ nhiệm Nữ lưu thư quán vào thời điểm nhạy cảm lúc đó: “Đương lúc nước mất dân tàn, trông mong vào những bực trượng phu ra tay cứu chữa, mà cũng trông mong vào những trang nhi nữ ghé vai gánh lấy cái trách nhiệm chung; nước nào nam giới nữ giới đều có thì nước ấy hẳn không đến nỗi để cho người ngoài giày xéo. Chúng ta đọc truyện bà Rô-lăng nước Pháp, sao được không nhớ đến bà Trưng bà Triệu là những bà mẹ yêu quí của chúng ta, rồi lại nghĩ đến cái bổn phận , cái cảnh ngộ của chúng ta ngày nay mà ngậm ngùi đau đớn…”. Không có gì lạ khi cuốn sách bị chính quyền thực dân xếp vào danh mục cấm lưu hành. Cũng trong cảm hứng về chân dung nữ kiệt, Phan Thị Bạch Vân còn viết một tác phẩm nữa là Giám hồ nữ hiệp với bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa. Tác phẩm viết về Thu Cận, được chú thích là “nữ hiệp nước Tàu”. Hai nhân vật bà Roland và Thu Cận nằm trong tinh thần chủ đạo của Phan Thị Bạch Vân là truyền bá hình ảnh người phụ nữ mới: ý thức sự trỗi dậy của giới tính, dám làm việc lớn, và dám chịu chết cho lý tưởng. Bên cạnh đó là ý thức lập hội, tự làm kinh tế để duy trì sự nghiệp chính trị hoặc văn hóa. Giám hồ nữ hiệp có những câu viết “nguy hiểm”: “Cách mạng có cứ gì con trai con gái”, “hai tiếng nô lệ ở trong thiên hạ này còn có dân tộc nào mà chịu mang không”…

Trên thực tế, nguồn sách của thư quán rất được người đọc yêu mến và khích lệ. Đọc trên Đông Pháp thời báo, chúng ta còn thấy những chia sẻ chân thành và xác đáng như sau: “Trước ngọn đèn hồng, cầm quyển sách bìa xanh, chữ đỏ, xem từ đầu đến cuối làm cho em phấn khởi vô hạn tinh thần như say với tỉnh, như bịnh mới lành, như tuồng có cái ma lực chi ở trong nó làm em khoan khoái hết sức. Em không ngờ Nữ lưu thư quán trong buổi ban đầu mà dọi ra ngọn đèn sáng rực rỡ trong đồng bào chị em như vậy” (Tuyết Nga, Đông Pháp thời báo, số 754, ngày 9/8/1928); hay lời một độc giả nhiệt thành khác: “chị em Gò Công đang tán thành Nữ lưu thư quán là sẽ xuất bản những sách có bổ ích cho đời, cốt giữ nền đạo đức, chấn hưng tinh thần, … Nữ lưu thư quán là một nơi chứa linh dược vậy”(Đông Pháp thời báo, số 754, ngày 9/8/1928)… Từ tiếng chuông tinh thần trong Nữ Giới Chung của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đến chất “linh dược” tinh thần trong hoạt động của Nữ lưu thư quán, chúng ta có thể hình dung được hệ thống xuyên suốt về hoạt động văn hóa văn học của nữ giới Nam bộ trong khoảng 30 năm đầu thế kỷ XX. Sương Nguyệt Anh cũng như Phan Thị Bạch Vân rất xứng đáng được xem là các nhân vật chính kiến tạo nên dòng chảy thức tỉnh tinh thần cho người phụ nữ Nam Bộ với mục tiêu sống còn là ý thức về thân phận, giới tính và vận mệnh quốc gia.

Nữ lưu thư quán Gò Công nhìn chung là một mô hình hoạt động văn hóa với nhiều phương thức:

- Kết hợp thương mại và học thuật

- Phát huy khả năng văn học và báo chí của giới nữ

- Xây dựng quan niệm mới về người nữ trong xã hội tri thức

- Đi thẳng vào tinh thần phụ nữ, qua đó góp phần xây dựng tinh thần thời đại.

Với tôn chỉ và mô hình hoạt động của mình, Nữ lưu thư quán Gò Công trở thành một trong những hiện tượng phụ nữ làm văn hóa độc đáo nhất trong lịch sử văn hóa văn học Nam bộ đầu thế kỷ XX. Từ nội dung luân lý và quốc học như đã nêu, Nữ lưu thư quán Gò Công là sự xuất hiện đột phá của nữ giới Nam kỳ trong tiến trình hiện đại hóa ý thức văn học đầu thế kỷ XX. Với nhãn quan tiến bộ về lịch sử xã hội, với khả năng quản lý kinh tế tốt và tiềm năng học thuật cao, Phan Thị Bạch Vân là trụ cột tinh thần cho Nữ lưu thư quán Gò Công từ 1928 đến 1930 – một trong những hoạt động đầu tiên của phụ nữ Nam kỳ thể hiện bước chuyển mình chín muồi của thời đại đối với các vấn đề canh tân và chống đối ý thức hệ thực dân.

III. Nhà hoạt động văn học và báo chí vì mục tiêu đấu tranh nữ quyền:

Tiểu thuyết Phan Thị Bạch Vân, như chúng ta đã biết, có 4 tác phẩm, trong đó có một đoản thiên tiểu thuyết đăng trên Đông Pháp thời báo.

Truyện Lâm Kiều Loan hiện chỉ còn 1 tập dài 32 trang. Nhân vật Lâm Kiều Loan được xây dựng trước hết ở tình cảnh bi thảm: con gái mất, chồng phản bội, gia đình chồng ác nghiệt. Rời bỏ cuộc hôn nhân bất hạnh, Lâm Kiều Loan đến Biên Hòa lập nghiệp với bạn Nguyễn Ngọc Anh, và lại chứng kiến tiếp một mảnh đời đau khổ của Bích Ngọc, chị của Bích Liên, một người bạn của của cô Ngọc Anh. Bích Ngọc cũng vì bị phản bội mà sinh ra diên dại. Câu chuyện ngưng lại ở đó. Như vậy, 9 tập còn lại hiện bị thất lạc đã không cho người đọc thấy được sâu xa hơn tư tưởng của nhà văn. Dựa vào các trước tác tìm thấy của Phan Thị Bạch Vân, cũng như tôn chỉ của Nữ lưu thư quán, ta có thể đoán định câu chuyện về nàng Lâm Kiều Loan không thể là một tấn bi kịch tuyệt vọng, mà ngược lại, là câu chuyện của ý chí nữ lưu. Sự tương phản về cách giải quyết giữa hai mảnh đời có cùng số phận (Kiều Loan và Bích Ngọc) ở cuốn đầu tiên cho thấy nhà văn có ý định xây dựng quan niệm sống của Kiều Loan dựa trên sự quan sát và suy gẫm về số phận của nhiều người phụ nữ khác, dựa trên sự thông cảm sâu xa đối với những bất hạnh có tính phổ biến của người nữ trong xã hội hiện thời, nghĩa là dựa trên “tinh thần” phụ nữ được cất giấu kỹ lưỡng trong đầu óc hoạt động của bà chủ nhiệm thư quán.

Kiếp hoa thảm sử là bộ tiểu thuyết nhiều kỳ đăng trên Tinh thần phụ nữ. Nhân vật chính Như Hoa không đối diện với bi kịch duyên phận cá nhân, mà với bi kịch của gia đình chung và xã hội. Chứng kiến hai cái chết kỳ lạ của người em ruột là Như Ngọc và em cùng cha khác mẹ là Minh Lang, Như Hoa quyết bỏ mẹ ghẻ ác nghiệt để ra đi tìm đường sống. Trên nẻo đường gian truân, Như Hoa chứng kiến thêm cuộc đời đau khổ của người bạn thân tên Lang. Số phận đẩy đưa cô bạn này đến chỗ chết. Như Hoa lại gặp vợ Tư Hiền, một người phụ nữ bị chồng đánh đến bầm tím cả người. Cách xây dựng cốt truyện và nhân vật của Phan Thị Bạch Vân có vẻ như theo một hệ thống. Nhân vật chính của bà được bao bọc rất kỹ trong ý thức bảo vệ mình và quan sát thời cuộc. Kiều Loan nhìn Bích Ngọc mà nghĩ cảnh mình, Như Hoa nhìn em mất, nhìn bạn chết, mà hiểu đời thêm. Dụng ý nghệ thuật của Phan Thị Bạch Vân gắn chặt với dụng ý về tư tưởng xây dựng từng bước tinh thần phụ nữ trong lòng người đọc, đặc biệt là nữ giới.

Cuốn Nữ anh tài là điểm nhìn lạc quan nhất của Phan Thị Bạch Vân. Nhân vật chính Tú Anh có phần khác những nhân vật đầy bi kịch như Kiều Loan, Như Hoa. Tú Anh có bản lĩnh ngay từ chuyện tình yêu đôi lứa, chuyện hôn nhân, chuyện xử lý sự cố gia đình cho đến khả năng quản lý kinh tế, trau dồi tri thức học tập. Nhân vật Lê Tú Anh không gần gũi với những hình ảnh và số phận những người phụ nữ bình thường, mà có phần phản chiếu bóng dáng một “nữ kiệt, nữ hiệp” của riêng Việt Nam. Trong trường hợp này, gọi Nữ anh tài là tiểu thuyết luận đề, chúng tôi thấy cũng có lý.

Trong danh mục tác phẩm báo chí của Phan Thị Bạch Vân mà chúng tôi sưu tầm, nhặt nhạnh được từ các công trình văn học sử, hiện chỉ sử dụng được một số văn bản từ kho sách hạn chế của thư viện Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Đó là các bài báo: Nam Kỳ cần phải có trường nữ công, Đông Pháp thời báo, số 695, ngày 15.3.1928; Trường thương mãi cho Nữ lưu Việt Nam, Đông Pháp thời báo, số 698, ngày 22.3.1928; Kính gửi các nhà văn sĩ, Đông Pháp thời báo, số 709, 1928; Gian nhà rách, Đông Pháp thời báo, số 640, 27.10.1927; Đồng bạc Tây và đồng bạc Pháp, Đông Pháp thời báo, số 642, 1927; Chị em ta nên vào hội khuyến học, Đông Pháp thời báo, số 695, ngày 15/3/1928. Trong đó, có ba tác phẩm thơ, còn lại là các bài viết dạng xã thuyết và một mẫu tin thành lập thư quán mà chúng tôi đã giới thiệu bên trên.

Ba bài thơ trên Đông Pháp thời báo của Phan Thị Bạch Vân đều được viết theo giọng điệu thơ cổ. Thơ bà dùng nhiều chữ Hán, ý tình xưa cũ, chủ yếu là tâm sự người phụ nữ bạc phận, cô đơn mà người viết không chủ đích viết cho mình. Riêng bài Đồng bạc Tây và đồng bạc Pháp cấu tứ khá lạ, ẩn ý nhiều, xin chép ra đây để độc giả cùng suy gẫm:

Đồng bạc Tây nằm trong đáy tủ

Nhớ quê hương mặt ủ mày chau

Gặp đồng bạc Pháp bên đầu

Lân la câu chuyện đặng hầu cùng vui

Bạc Tây than: xa xôi cố quốc

Biết bao toan cất bước được về

Ngàn trùng thân thế chán chê

Tấm thân mà lại não nề cho thân

Bạc Đông Pháp lần lần phân lại

Gẫm như anh còn trải giang hồ

Đông tây nam bắc được phô

Đủ mùi đạo vị thế đồ khấp trong

Còn thân tôi long đong khốn khổ

Từ ra đời chẳng chỗ nào vui

Bạn cùng lắm kẻ ngược xuôi

Kết thân với bọn chẳng mùi ái ân

Từ xuất thế mấy lần chua chát

Người đem chôn nào khác thây ma

Nhẫn lòng chẳng chút xót xa

Đến khi đào bới tính xa tính gần

Kẻ thì tính đem thân mua chức

Người lại bàn đổi phức mề đay

Khi làm lắm chuyện nghiệt cay

Mượn tôi làm hại kẻ ngay người hiền

Chưa từng thấy đem tiền làm phải

Thân này chưa gần ngãi gần nhơn

Đem tôi cặp với lá đơn

Tụng đình mặc sức rửa hờn vu oan

Dụng làm chuyện trời than đất thở

Dụng làm cho cất cớ lên tai

Dụng mà đổi sắc thay tài

Dụng mà đến chốn mày ngài lầu xanh

Dụng đủ lối hôi tanh trong xứ

Gẫm thân này do dự còn chi

Dứt tình chẳng muốn ra đi

Tấm riêng riêng những thẹn vì nước non

Trăm năm tiếng bạc vẫn còn…

Bài thơ trên của Phan Thị Bạch Vân theo chúng tôi tuy không có những phá cách về thi pháp nhưng nội dung của nó lại rất hiện đại. Câu chuyện ẩn dụ của hai đồng bạc cho thấy tinh thần “tiểu thuyết” mà tác giả muốn gửi gắm qua một bài thơ nhỏ. Trước hết, chữ Tây và Pháp gợi ra cuộc trò chuyện của những kẻ viễn chinh ở xứ thuộc địa An nam (rất có thể như thế). Lớp nghĩa thứ hai hàm ẩn ý nghĩa phê phán xã hội hiện đại với sự khuynh loát của đồng tiền rất rõ. Vẫn còn một lớp nghĩa nữa là triết lý về đồng tiền. Điều đặc biệt ở đây là cách thiết kế bài thơ dựa trên cuộc đối thoại của hai đồng tiền tây - một kiểu cấu tứ rất mới, giàu tính đối thoại và triết học, thoát ly khá xa kiểu thơ ngậm ngùi thế sự từng ngự trị lâu dài trong văn học cổ Việt Nam khởi từ Nguyễn Bỉnh Khiêm cho đến Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà…

Các bài báo của Phan Thị Bạch Vân hầu hết hướng đến công cuộc phát huy học thuật, cải cách tinh thần cho nữ giới một cách thiết thực. Bà động viên “bọn con gái” nên vào trường thương mãi, trường nữ công, hội khuyến học… Những bài viết của bà trên Đông Pháp thời báo có giọng điệu như văn nói, lập luận sắc sảo, chắc chắn, khác hẳn văn phong tiểu thuyết và thơ cũng do bà chấp bút.

Trong bài Trường thương mãi cho nữ lưu Việt Nam, Phan Thị Bạch Vân đã chứng tỏ một tầm nhìn hơn người về việc phát triển khả năng làm kinh tế của phụ nữ dưới ảnh hưởng của nền công nghiệp xứ thuộc địa. Bà viết: “Chợt nhớ nước ta buổi này việc tối cần là công, thương, kỹ nghệ, nền kinh tế tương lai có chắc vững hay không cũng do nơi ở môn ấy nên tưởng rằng đương thời bây giờ, xứ ta lại cũng cần phải có một trường thương mãi và bút toán cho nữ lưu… Gái nghèo khi tốt nghiệp có thể ra giúp nhà buôn hoặc giúp chồng lập nhà thương mãi. Nghèo không vốn, đi vay, trong mình có khiếu buôn bán thì có sợ lỗ đâu”. Bà còn hy vọng trường thương mãi Sài Gòn có thể là “nơi rèn đúc được nữ người tài mà hậu vận nước ta phải trông cậy vào đó hoài được”. So với những vấn đề đặt ra ráo riết trên Phụ nữ Tân Văn một năm sau đó (1929) như “đàn bà cũng nên làm quốc sự”, phụ nữ có thể đạt tới chức vụ nào trong các kỳ tuyển cử, vấn đề nữ lưu giáo dục, … thì những suy tư về thương mại của Phan Thị Bạch Vân vẫn là điểm nhấn rất riêng của một nữ trí thức bản lĩnh và quyết đoán.

Không chỉ quan tâm đến khả năng làm chủ về kinh tế của người phụ nữ, Phan Thị Bạch Vân cũng bao quát môi trường rèn luyện công dung ngôn hạnh cho “đám con gái” Nam kỳ bằng ý tưởng “Nam kỳ cần phải có trường nữ công”. Bà đề xuất: “Nhiều gái lớn lên trước đã có học chữ trường nhưng sau về lại được học trường nữ công thì có chi chẳng trở nên một người vẹn toàn đúng đắn, khi lấy chồng ai cũng kính yêu. Xã hội ta muốn được có hậu vận tốt đẹp thì về cái nữ công cho gái ta cũng chẳng nên bỏ qua… Vấn đề này chị em ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, đã thiệt hành trót một năm nay rồi, các công việc trong hội nữ công, nào cách dạy dỗ, cách sắp đặt đã thấy thi hành cả, chỉ độc một mình Nam Kì ta còn khuyết điểm thôi. Vậy chị em ai có lòng lo đến nẻo đường tương lai thì xin cổ động, hô hào lên đặng lập thành trường nữ công thì cái kết quả sau này cũng như ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ vậy. Mong thay!”. Tinh thần này sẽ còn được nối dài bởi tâm huyết “giúp cho chị em đồng thời có sách hay mà đào dưỡng tính tình, thức tỉnh quốc hồn cho chị em Việt Nam, quét sạch cho xã hội những sách có hại cho nữ lưu trí thức, khuyến khích các văn nhơn ra đời”[7]. Với bài viết Chị em ta nên vào hội khuyến học, bà còn tỏ rõ quan điểm xây dựng nhân cách người nữ trí thức buổi đầu của nền văn học Nam bộ như: “Về học vấn, có thể nào mãi chân tất cho phe nam, còn phụ nữ lại đành bỏ xuống. Hội khuyến học ta từ được thành hành đến giờ, xem lại toàn là hội viên nam, hội viên nữ thì không đâu có. Nghĩ thật đáng tiếc… Chị em đàn bà vô được đông rồi thì sẽ lập riêng một bang phụ nữ, chị em ta sẽ dùng sách vở báo chí ở hội mà chỉ bảo nhau những điều hay… Thỉnh thoảng chị em ta sẽ tập cuộc nói chuyện ở đô hội, tập diễn thuyết…Cãi cọ sẽ sanh lý tưởng hay chớ bấy lâu nay không thường hội hiệp nhau thì luận biện ở báo chương biết ai phải, ai quấy… sẵn hội khuyến học ta xin vào rồi lập toàn một phe riêng ta thi hành gấp các điều xưa nay ta mong muốn thì rất là câu tiện vì không chi lo ngại, chi em ta nghĩ sao?”. Bài báo vận động nữ giới nhập hội khuyến học cho thấy các luận điểm lớn của Phan Thị Bạch Vân gồm:

- Học vấn cũng là quyền lợi chính đáng của người phụ nữ

- Liên hiệp phụ nữ để giành quyền bình đẳng về học thức

- Phụ nữ cần rèn luyện khả năng tranh luận các vấn đề xã hội để có tiếng nói và chủ động nhận thức

Với ba luận điểm nêu trên, chúng tôi nghĩ rằng, Phan Thị Bạch Vân hoàn toàn xứng đáng là một trong những người đứng đầu sóng ngọn gió nơi chiến trường đấu tranh cho quyền được tiến bộ của nữ giới trong 30 năm đầu thế kỷ XX tại Nam bộ.

Tóm lại, với sự nghiệp văn học quốc ngữ khá dày dặn, với thành công đột phá của mô hình Nữ lưu thư quán Gò Công, với khả năng khuấy động nền học thuật nước nhà, với tư tưởng cách tân táo bạo và đích đáng về nữ quyền, Phan Thị Bạch Vân và các tác phẩm của bà đã khẳng định vị trí không thể thay thế của một nữ trí thức giàu nhiệt huyết và tài năng hiếm hoi những năm 20 của thế kỷ XX. Và bức chân dung của bà có lẽ không còn nằm yên ở Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ, mà sẽ còn đồng hành với nhiều lớp trí thức đang khát khao cách tân và tìm kiếm tinh thần cho thời đại mình.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 7 năm 2007

 

 

 

 

 

[1] Võ Văn Nhơn, Một nhà văn Nam bộ tranh đấu cho nữ quyền vào đầu thế kỷ XX, Tài hoa trẻ, 2006.

[2] Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nguyễn Kim Anh chủ biên, NXB Đại học Quốc Gia TPHCM, 2004, trang 604.

[3] Chữ dùng của Phan Khôi trong bài Chữ quốc ngữ ở Nam kỳ với thế lực của phụ nữ – Từ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Trai cho đến Nguyễn Chánh Sắt, Đặng Thúc Liêng, PNTV, số 28, tr. 8.

[4] Xem Mấy người biết tới Viện Dục Anh, Nguyễn Thị Kiêm, PNTV số 31 – 1929.

[5] Bài Vấn đề quốc học, PNTV, số 107 năm 1931, trang 15.

[6] Tôn chỉ của Nữ lưu thư quán trích từ trang đầu cuốn Gương nữ kiệt, Phan Thị Bạch Vân.

[7] Thơng bo ở cuối quyển Kim t cầu, Impr. Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513219

Hôm nay

25

Hôm qua

2315

Tuần này

21156

Tháng này

220092

Tháng qua

121356

Tất cả

114513219