Diễn đàn

Chi tiền tỉ ngân sách lắp camera nhà riêng lãnh đạo, không thể thu hồi quyết định là xong!

Camera được lắp tại nhà một đồng chí lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Nguồn THANHNIEN

Sau nhiều ngày bị báo chí và dư luận lên tiếng phản bác về việc dùng tiền ngân sách lắp đặt hệ thống camera an ninh tại nhà riêng của 16 vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chiều 30/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ra Thông cáo báo chí hủy quyết định số 1542/QĐ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự án vô tiền khoáng hậu này.

Dư luận nhìn chung tỏ thái độ hoan nghênh động thái của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Tuy nhiên, phản ứng của dư luận chưa thể lắng xuống bởi nhiều vấn đề được đặt ra xung quanh vụ việc này, do đó việc Tỉnh ủy Sóc Trăng thu hồi quyết định số 1542/QĐ/TU mới chỉ là một bước trong quá trình sửa sai của mình.

Trước hết, điều đáng quan tâm ở đây là dự án này xuất phát từ đề xuất của công an tỉnh Sóc Trăng với lí do cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy là mục tiêu bảo vệ của cơ quan công an.

Tại sao lãnh đạo Công an tỉnh lại có “tham mưu” lạ đời như vậy?

Lẽ nào các vị không biết trong Nghị định số 37/2009/NĐ-CP quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội do lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo vệ không hề có nhà riêng cán bộ cấp Thường vụ Tỉnh ủy?

Lẽ nào các vị không biết Thông tư số 01/2011/TT-BCA của Bộ Công an quy định về hoạt động vũ trang canh gác, bảo vệ mục tiêu của lực lượng cảnh sát cũng không có đối tượng cần bảo vệ là nhà riêng của lãnh đạo Thường vụ Tỉnh ủy? Và khoản 4 Điều 3 và Điều 10 Luật Cảnh vệ năm 2017 cũng quy định, cán bộ cấp tỉnh không thuộc đối tượng cảnh vệ?

Thứ hai là việc sử dụng ngân sách sai quy định, sai đối tượng, gây lãng phí, thất thoát. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu khẳng định, "Cái này là lấy của công làm việc tư. Hồi tôi còn làm đâu có chuyện đó. Nếu nói nhà của lãnh đạo tỉnh là mục tiêu cần bảo vệ của công an thì công an lắp camera chứ tại sao lại lấy kinh phí của Đảng”.

Dự án này ngốn tiền dân gần 1 tỷ (ngân sách dự phòng của Đảng cũng là từ ngân sách nhà nước - tiền thuế của dân - chuyển qua). Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thành Hiệp nói: "Tôi nghỉ hưu 10 năm rồi, lúc đó không có chuyện lắp camera nhà lãnh đạo. Nhà tôi thì tôi tự lắp vì camera bây giờ rẻ, một cái chỉ mấy trăm nghìn đồng".

Một dự án biết sai - sai đối tượng, sai mục tiêu, trái quy định của Đảng và Nhà nước, gây lãng phí, thất thoát công quỹ - mà vẫn cố làm thì đích thị là biểu hiện của đặc quyền đặc lợi.

Do đó, nếu không nhìn thẳng vào bản chất vụ việc thì không thể đánh giá đúng tính chất, mức độ của sai lầm.

Điều này đã thấy rõ trong Thông cáo báo chí ngày 30/9/2019 của Tỉnh ủy Sóc Trăng khi họ chỉ thừa nhận cái vỏ bên ngoài: “khi triển khai thực hiện là sai về quy mô, số lượng, nguồn kinh phí lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy”.

Xin thông tin thêm, ngoài nguồn dự phòng của Tỉnh ủy gần 1 tỷ đồng được sử dụng để lắp camera nhà riêng các lãnh đạo, ngày 17/5/2019, UBND tỉnh Sóc Trăng còn ban hành quyết định phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 164 tỷ đồng.

Do đó, không chỉ xem xét chuyện lắp đặt camera tại nhà riêng các ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy để xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc, minh bạch các cá nhân và tập thể đã vẽ lên dự án này mà Sóc Trăng cũng cần phải rà soát lại dự án 164 tỷ nói trên để tiền thuế của dân - ngân sách nhà nước - không bị lợi dụng chảy vào túi nhóm đặc quyền đặc lợi.

Nhưng ai dám lấy đá ghè chân mình? Điểm 3 trong thông cáo báo chí viết: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cá nhân liên quan…”.

Trong số 16 vị Thường vụ Tỉnh ủy, có Bí thư và các Phó Bí thư, đặc biệt có ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng. Các vị là “hiền tài” đất nước, ham chi mấy cái camera mà tự đánh mất mình? Chẳng hay trong số các vị, những ai đang thuộc diện quy hoạch để tiếp tục là “rường cột” của địa phương trong nhiệm kỳ tới?

Ngẫm lại việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng kết luận vụ bà Hồ Thị Cẩm Đào, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (cũng nằm trong số cán bộ được lắp đặt camera tại nhà riêng) tổ chức đám cưới cho con rình rang là “việc làm bình thường theo phong tục, tập quán của người dân Nam Bộ, không biểu hiện vụ lợi” thì dư luận cũng không khó để đoán trước “đáp án” cuộc kiểm điểm trách nhiệm Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng trong vụ lắp đặt camera này. Lại “hồi hộp” chờ đợi dàn “đồng ca” của tỉnh nhịp nhàng cất lên điệp khúc quen thuộc “nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Xem ra, chuyện “tập thể đồng thuận”, “đúng quy trình” đang được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng “vận hành” trơn tru để làm điều trái với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên: “Phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512005

Hôm nay

2331

Hôm qua

2337

Tuần này

22379

Tháng này

218878

Tháng qua

121356

Tất cả

114512005