Diễn đàn

Tăng tuổi nghỉ hưu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua kế hoạch tăng tuổi hưu, theo đó kể từ năm 2021, mỗi năm tăng 3 tháng đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Để thông qua quyết định này, BTVQH căn cứ vào thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người Việt Nam và tham khảo cách làm của một số nước khác. Như vậy, lao động nam sinh 1966 sẽ nghỉ sẽ về hưu ở tuổi 62, nữ sinh năm 1975 về hưu ở tuổi 58. Ta có thể bàn luận về việc làm của các cụ bề trên một chút.

Thứ nhất, căn cứ vào thể trạng sức khỏe của người Việt Nam. Trước năm 1990, việc đủ gạo ăn đã là khó, nói chi đến thịt, cá. Những cháu bé sinh khoảng thời gian ấy đều trong tình trạng thiếu chất, không ít cháu bị còi xương và suy dinh dưỡng, từ nhỏ đã phải lao động cùng gia đình kiếm cái ăn, cái mặc. Họ phải lao động cật lực với cơ thể luôn trong tình trạng thiếu chất cho nên quá trình lão hóa cơ thể diễn ra nhanh hơn. Từ 1990 tới nay, kinh tế xã hội khá hơn, cái ăn đã dễ tìm và đó là cơ hội để họ bù đắp lại sự đói khát từ trước. Quy trình chuyển hóa của họ vốn chỉ quen với tinh bột và chất xơ, nay tiếp nhận một lượng lớn thịt, cá (cả phủ tạng động vật) nên các bệnh Gút, tiểu đường xuất hiện sớm hơn tuổi và biến chứng của bệnh cũng nhanh hơn và nặng nề hơn. Những cơ thể nhìn bề ngoài béo tốt như thế nhưng bên trong ẩn chứa nhiều bệnh tật như tim mạch, xương khớp, rối loạn chuyển hóa v.v… Tuổi thọ người Việt Nam tăng nhưng chất lượng cuộc sống (sức khỏe) liệu có tăng theo? Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào về sức lao động của người Việt Nam từ 60 đối với nam, từ 55 đối với nữ giới nên chỉ căn cứ tuổi thọ để tăng tuổi hưu chừng như chưa ổn.

Thứ hai, tham khảo cách làm của các nước, đó là những nước nào? Muốn so sánh phải tìm nước tương đồng với VN về các mặt như nhân chủng, dinh dưỡng, điều kiện làm việc và xã hội học. Sức bền của chúng ta không thể so sánh với các nước Châu Âu, Hàn Quốc hay Nhật Bản bởi vì họ đủ chất từ nhỏ, điều kiện làm việc khá hơn, hầu hết được cơ giới hóa nên tiêu hao sức lực trong quá trình lao động ít hơn dẫn tới việc kéo dài tuổi lao động của họ tốt hơn ta. Điều dáng nói nữa là lực lượng lao động trẻ của ta đang rất dồi dào và nhiều người thất nghiệp.

Vậy, tăng tuổi hưu có những hệ lụy gì? Đó là việc giữ lại đội ngũ lao động già nua, thiếu sáng tạo, trình độ công nghệ hạn chế dẫn tới năng suất giảm, giá thành sản phẩm cao, hàng hóa ta làm ra khó cạnh tranh với các nước khác.

Và điều đáng nói là đã không tạo cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trẻ dẫn tới an sinh xã hội mất bền vững.

Thiết nghĩ trước khi đưa ra quyết định tăng tuổi hưu nên làm những việc sau:

- Nghiên cứu về thể lực người Việt Nam độ tuổi 60 (đối với nam giới) và 55 (đối với nữ giới), từ đó có căn cứ khoa học để quyết định.

- Mở một điều tra xã hội học về nguyện vọng của người lao động trên toàn quốc thay vì các cụ ngồi bàn suông với nhau.

Nếu chỉ vì lo vỡ quỹ bảo hiểm mà tăng tuổi hưu thì đó là việc làm rất đoản hơi chẳng khác nào “giật gấu vá vai” như cha ông thường nói.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512006

Hôm nay

2332

Hôm qua

2337

Tuần này

22380

Tháng này

218879

Tháng qua

121356

Tất cả

114512006