Văn hoá học đường
GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn: Tấm gương sáng nâng tầm tự học
GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn (1926-2017)
GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn (1926-2017), nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là một nhà toán học, nhà giáo dục học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu hình học và nghiên cứu giáo dục học. Dù có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của ông cho nền giáo dục Việt Nam cũng như trong giới nghiên cứu toán học, nhưng có một điều mà nhiều người công nhận và kính ngưỡng khi nói về ông, đó là một tấm gương tự học. Cuộc đời ông là một quá trình tự học từ lúc nhỏ cho đến già. Mỗi nấc thang trong quá trình học tập của ông là một mốc son về tinh thần tự học và nghị lực vươn lên. Không chỉ dừng lại ở hành động, thói quen, Nguyễn Cảnh Toàn còn nâng tự học lên thành quan điểm, tư tưởng để truyền dạy cho học trò.
Nhiều lần được nhảy lớp nhờ tự học
Nguyễn Cảnh Toàn sinh ngày 28/9/1926 tại xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Gia đình ông có nhiều người học cao và đậu đạt. Ngoài Nguyễn Cảnh Toàn là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học về Toán học thì còn có ba người em trai đều là Tiến sĩ và hai trong số ba người này đã được phong Giáo sư là GS.TSKH Nguyễn Cảnh Cầu (Y học), GS.TS Nguyễn Cảnh Cầm (Thủy lợi) và TS Nguyễn Cảnh Hồ (Triết học). Từ lúc nhỏ, Nguyễn Cảnh Toàn được học chữ từ người cha cho đến khi biết đọc, biết viết. Năm 1935, ông được vào học lớp 3 (không qua học lớp 1 và lớp 2, tức là học nhảy 2 lớp) tại trường tiểu học ở thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, Nghệ An. Năm 1938, ông tốt nghiệp tiểu học và thi đậu vào Trường Quốc học Vinh (Colege Vinh). Lúc còn sống, ông đã chia sẻ rằng: “Khi học tiểu học và trung học, tôi chỉ là một học sinh bình thường, chỉ học khá chứ không học giỏi hay xuất sắc như nhiều người khác. Nhưng với trí tò mò nên tôi luôn đặt cho mình những thắc mắc, những câu hỏi và đi tìm người giải thích. Nếu không tìm được ai giải thích thì tự đi tìm cách giải thích của mình. Do vậy trong lớp tôi học không xuất sắc nhưng tôi lại học ở ngoài rất nhiều”. Năm 1942, sau khi tốt nghiệp thành chung tại Colege Vinh, Nguyễn Cảnh Toàn vào Huế thi đậu vào Trường Quốc học Huế. Với sự chăm chỉ học tập và trí tò mò, dành thời gian để theo học với các lớp học trước nên ông được thi nhảy lớp. Năm 1944, Nguyễn Cảnh Toàn tốt nghiệp tú tài toàn phần tại Trường Quốc học Huế. Sau đó, ông thi đậu vào Đại học Khoa học Hà Nội và đậu thủ khoa toán học đại cương tại đây vào năm 1946. Từ năm 1947, ông được gọi về dạy toán tại Trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng đóng ở Hà Tĩnh. Thời điểm này, do sự thiếu thốn các tài liệu để dạy học nên ông đã viết ra các giáo trình dạy học như giáo trình toán học lớp 9 hay giáo trình hình học lớp 5. Dù lúc đó còn thô sơ, nhưng đó là một trong số những cuốn giáo trình dạy toán xuất hiện sớm ở nước ta. Sau 4 năm dạy toán tại Trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, năm 1951, Nguyễn Cảnh Toàn được Bộ Giáo dục cử sang Nam Ninh (Trung Quốc) dạy học tại Khu học xã Trung ương. Năm 1954, khi Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập, ông được gọi về dạy toán học theo yêu cầu của Bộ Giáo dục.
Hai lần bảo vệ luận án bằng tự học, tự nghiên cứu
Nguyễn Cảnh Toàn là người luôn khát khao học tập. Ông tự học, tự nghiên cứu về toán học để chuẩn bị khi có điều kiện sẽ ra nước ngoài bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ. Và thời điểm này, ông tập trung nhiều cho đề tài nghiên cứu về các tính chất mới của các đường và mặt hai trong không gian eliptic. Năm 1957, Nguyễn Cảnh Toàn cùng với 8 người khác được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh. Với sự nung nấu, ý chí học tập và những nghiên cứu ở trong nước, ông đã mạnh dạn mang theo công trình nghiên cứu của mình sang trao đổi với các nhà khoa học bên Liên Xô xem họ đánh giá thế nào. Khi vừa sang đến Liên Xô, nhìn tòa nhà 32 tầng đồ sộ của Đại học Tổng hợp Lomonosov, ông cũng choáng ngợp, có tâm lý tự ty nên không dám đưa công trình nghiên cứu của mình cho thầy giáo xem vì sợ bị chê cười. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, ông quyết định dù có dốt thì cũng phải để người ta chỉ cho chứ không thể dấu dốt được. Ngu dốt mà càng che giấu thì sẽ càng dốt thêm. Thế là ông đưa nghiên cứu của mình cho vị giáo sư trực tiếp hướng dẫn các ông. Công trình nghiên cứu về hình học với đề tài “Các tính chất mới của các đường và mặt hai trong không gian eliptic” được thầy giáo đánh giá cao có thể bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ được nhưng phải hoàn chỉnh lại. Việc ông phải làm tiếp theo là học tiếng Nga và dịch luận án sang tiếng Nga vì khi ở nhà viết bằng tiếng Pháp, đồng thời lập danh mục tài liệu tham khảo. Tháng 6/1958, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ với đề tài trên tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov ở thủ đô Matxcơva, Liên Xô.
Sau khi bảo vệ xong luận án Phó Tiến sĩ, Nguyễn Cảnh Toàn về nước và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi đó, Đại học Sư phạm còn ở số 19 Lê Thánh Tông nên chật hẹp. Trong khi nhu cầu đào tạo giáo viên phổ thông đang cần thiết nên Bộ quyết định cho chuyển lên địa điểm mới ở Cầu Giấy. Khi lên Cầu Giấy, khoa Toán do Nguyễn Cảnh Toàn phụ trách chỉ có 9 giảng viên và 150 sinh viên. Thiếu giảng viên trầm trọng nhưng không có nguồn để bổ sung. Trăn trở của ông lúc đó là làm sao để đào tạo nhanh các sinh viên giỏi có thể dạy đại học được luôn. Đồng thời, mở lớp đào tạo sau đại học cấp 1 để kéo dài thời gian học đại học của sinh viên và bổ sung kiến thức để họ có thể giảng dạy. Muốn vậy phải đề cao vấn đề tự học. Bằng kinh nghiệm của một người tự học thành tài, ông đã khuyến khích và truyền đạt phương pháp tự học cho các học trò. Trong thời gian này, ông không ngừng các nghiên cứu khoa học. Ông tự hoàn thành công trình nghiên cứu về lý thuyết đối hợp bộ n và gửi sang Liên Xô để nhờ đánh giá để bảo vệ luận án Tiến sĩ Toán học. Năm 1963, Nguyễn Cảnh Toàn đi công tác ở Liên Xô trong 3 tháng, và ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài “Lý thuyết đối hợp bộ n”.
Nâng tự học lên thành quan điểm, tư tưởng giáo dục
Trong giai đoạn từ 1967 đến 1989, Nguyễn Cảnh Toàn lần lượt giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Trong quá trình nghiên cứu khoa học và giảng dạy, đào tạo, GS Nguyễn Cảnh Toàn có quan điểm khoa học rõ ràng: Đề cao tinh thần tự học và coi đó là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển của người học trò cũng như nhà nghiên cứu. Coi trọng tinh thần tự học đi đôi với coi trọng sự sáng tạo. Tự học phải sáng tạo và sáng tạo nhờ tự học. Quan điểm tự học đi đôi với sáng tạo được ông thể hiện trong cả nghiên cứu toán học lẫn nghiên cứu giáo dục học. Với quan điểm, Nguyễn Cảnh Toàn đã có những đóng góp nhất định cho khoa học và giáo dục nước nhà. Từ đề cao tinh thần tự học, ông nâng tự học từ phương pháp học tập lên thành tư tưởng giáo dục. Không dừng lại ở chỗ khuyến khích tinh thần tự học của học trò, ông còn nâng tinh thần tụ học lên thành tư tưởng, thành nhân tố quan trong trong xây dựng và phát triển giáo dục. Ông luôn ví tự học như cái niêu cơm Thạch Sanh, sử dụng không bao giờ hết được. Ông là người tiên phong đề cao khẩu hiệu “Tự học, tự nghiên cứu” và bản thân ông luôn là một tấm gương tự học tự nghiên cứu để học trò noi theo. Việc đề cao tinh thần tự học gắn liền với việc tư duy lại vai trò của người thầy giáo. Một người thầy giáo giỏi là người biết khuyến khích được học trò tự học để tự đi tìm những kiến thức mới cho mình chứ không phải nói lại những kiến thức đã có sẵn cho học trò. Ông cũng dạy cho học trò rằng để tự học tốt thì phải có phương pháp học tốt. Tự học suốt đời, học mọi người, học mọi nơi, học mọi lúc, học mọi nội dung và học mọi cách. Chỉ có như vậy mới có thể tự học được. Đồng thời, tự học là luôn tụự đặt ra các câu hỏi cho chính bản thân mình. Không giải thích được các thắc mắc của mình thì phải đi hỏi, đi tìm tư liệu và tìm cách để giải thích được vấn đề. Có như vậy mới có sáng tạo. Trên quan điểm lấy tự học, tự nghiên cứu làm nền tảng, Hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Toàn cũng xây dựng cơ sở và mở đầu cho việc đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo Phó Tiến sĩ trong nước vào năm 1970. Và 3 người bảo vệ Phó Tiến sĩ trong nước đầu tiên là Lê Quang Long, Phan Cự Nhân và Phan Nguyên Hồng sau này đều trở thành những nhà khoa học uy tín của đất nước. Đại học Sư phạm Hà Nội cũng trở thành cái nôi đào tạo sau đại học trong nền giáo dục cách mạng Việt Nam.
Hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Toàn (thứ 3 từ trái sang) thăm một phòng thí nghiệm trong Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (khoảng 1973-1974)
Đánh giá về GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn, cũng có người khen ngợi, ngưỡng mộ, nhưng cũng có những người chê bai. Âu cũng là con người, khó được vẹn toàn, nhất là trong xã hội chúng ta, khi đánh giá một con người thường dựa vào cảm xúc cá nhân hơn là xem xét khách quan. Tuy nhiên, nếu nói về tinh thần tự học và tư tưởng tự học của ông thì ai cũng công nhận và trân trọng. Nguyễn Cảnh Toàn là con người tự học, một đời tự học và tấm gương tự học. Tư tưởng tự học là di sản lớn nhất mà GS Nguyễn Cảnh Toàn để lại cho học trò và cho hậu thế. Như GS.TS Tô Duy Hợp, nhấn mạnh “GS Nguyễn Cảnh Toàn xứng đáng được gọi là “ông vua tự học” và lấy tự học làm nền tảng để nghiên cứu khoa học, để sáng tạo”. Và từ những gì GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn để lại, chúng ta cũng có thể thấy rằng: tự học không bao giờ lạc hậu, nó cần thiết trong mọi nền giáo dục. Thậm chí, nền giáo dục nào khai mở được tinh thần tự học của học trò thì sẽ trở thành yếu tố chủ đạo cho sự thành công của nền giáo dục đó. Đây cũng là một bài học, một di sản lớn mà GS Nguyễn Cảnh Toàn để lại và mong rằng hậu thế sẽ tiếp nhận được nhiều hơn./.
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Vài lời tạm với Hồ Bá Thâm
Thống kê truy cập
114515349
227
2367
2950
213288
121009
114515349