Góc nhìn văn hóa
Thử minh họa bản sắc dân tộc Việt Nam qua thơ
“Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê.”
(Hoài Thanh)
*
Hiếm ai nghi ngờ rằng, giữa các lãnh vực văn học - nghệ thuật, thơ là tấm gương soi tỏ nhất bộ mặt văn hóa dân tộc. Bởi Nàng thơ đã biết sử dụng rất hiệu quả và cực vi diệu phương tiện số 1 của văn hóa, đó là ngôn ngữ - cầu giao lưucon người với con người.
Chẳng thế Octavio Paz (1914 - 1998), nhà thơ giải Nobel người Mexico, đã khẳng định: "Đặc điểm xương tủy của thơ là tính chất xã hội: thơ tái thiết nền móng cho cuộc sống chung giữa con người."
Việt Nam là đất nước thi ca, như thi sĩ Nguyễn Bínhtừng viết: "Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ". So với cácngôn ngữ khác tiếng Việt có khá nhiều thanh điệu (6 thanh điệu), như đôi cánh nâng thi ca tung bay đến chân trời tâm hồn.
Xuân mới chúng ta thêm một lần tìm về tư chất và tâm tính của chính mình qua các vần thơ Việt xưa và nay...
*
Từ bao đời Truyện Kiều trở thành cẩm nang trong đời sống tinh thần người Việt.
Đã đem nhau đến cửa công
Ngoài thì là lý nhưng trong là tình.
Như thế đại thi hào Nguyễn Du đã thơ hóa đạo lý ứng xử ở xã hội Việt Namthời xưa. Người mình bây giờ tuy lý tính hơn các cụ rất nhiều, song cái tình vẫn nhẩn nha ra vào chốn công đường, nơi việc chung... Tình nghĩa Việt có suối nguồn là tình làng nghĩa xóm, tình người thân nghĩa láng giềng với cuộc sống nông nghiệp xa xưa - lạc hậu và cô lập. Đã từ khá lâu ởxứ Âu trời Mỹ, luật là luật, pháp là pháp. Không oong đơ toa gì sất! Khi cái lý cầm chịch, nólàm nên xã hội dân sự công nghiệp khiến xã hội dễ phát triển theo quy luật phổ quát. Biết vậy đấy, dù sao mặc lòng, lối sống nặng về tình nghĩa vẫn được mặc định là nét son trong bản sắc dân tộc Việt, ngay cả khi đất nước đang bước sâu vào thời Cách mạng công nghiệp 4.0. Thế hệ teen bây giờ đã biết dung hòa “bên tình bên lý bên nào nặng hơn” trong việc chung điều riêng. Quan niệm về nhân ái xác định rõ bản sắc của một dân tộc.
Vì thế sự tinh tế trong ứng xử là điều dân ta coi trọng. Không chỉ tinh tế trong đại sự, mà cả trong tiểu tiết:
Dịu dàng như thể tay tiên
Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường.
Thưa, đó là dáng vẻ đi đứng của con gái nhà lành thời chàng Nguyễn Bính đang nổi như cồn vì sự đam mê thơ truyền thống trong khi say đắm người đẹp tân thời. “Mép áo” chiếc áo cánh,có thể chẳng bị cơn gió bạo nào, nhưng “tay tiên” vẫn thả nhẹ xuống ra vẻ “giữ hờ” khi người đẹp băng qua đường trước bao ánh mắt người lạ. Có thể nói sự làm duyên là một nét độc đáo và ấn tượngtrong sinh hoạt thường nhật của người phụ nữ Việt Nam. Với người Việt, đẹp xấu chưa biết,trước hết phải duyên. Thì ca dao đã bảo rồi:
Người xấu duyên lặn vào trong
Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài.
Dân mình còn chú trọng sự bao dung, khoan hồng… Về mặt này, văn hóa Việt Nam khác hẳn tư tưởng hủ nho cực đoan phong kiến Trung Quốc. Nguyễn Du thẩm thấu điều đó và thể hiện qua những khúc quanh của cuộc đời Kiều. Đó khi nàng bị trách “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” trước mồ hiu quạnh “sè sè nấm đất bên đàng” của kỹ nữ hèn kém như Đạm Tiên. Đó là khi nàng được quyền xử những kẻ gây oánvới mình, như Hoạn Thư, Sở Khanh, Tú Bà... Khoan dung trong răn đe. Tức, có tình có lý.
Một nhân tính Việt quan trọng là giản dị (và có phần xuề xòa, mà nếu nghiêng theo thái cực âm này thì sẽ chuyển thành nhược điểm lớn như một Việt tính: hời hợt, thực dụng, cơ hội). Giản dị nên trong sáng ở suy tư, nồng nhiệtqua lối sống, đặc biệt là hồ hởi khi yêu đương.
"Không cần gặp Thiên Tào
Đòi một đời hạnh phúc
Chỉ cần cùng nhau khóc
Một giờ trong cao lầu.
Ai là văn tài đã đẩy cây bút tới những con chữ lịm người đó? Chế Lan Viên.Về thi cảnh nào vậy? Một chuyện tình nghiệt ngã, thương nhau mà đến với nhau không đặng.
Thi nhân - triết gia Nguyên Sa còn đã Tây hóa thành thục tam đoạn luận theo lối nghĩ Việt:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
[Cho nên]Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng.
Rất dễ thương và không dễ bắt bẻ.
Tình Việt lạ lắm! Có những gam trầm nhân văn đến quặn thắt. Ấy là khi nghĩ về người đã khất. Dưới đây là một vài diễn ngôn thơ của câu nói nơi cửa miệng dân mình: Nghĩa tử là nghĩa tận.
Một bài thơ ngắn vang danh của thời hậu chiến cho đến tận hôm nay: Lời gọi bên sông, hay còn có tênĐò lên Thạch Hãn:
Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Là nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia, chẳng là nhà thơ chuyên nghiệp, người lính chiến xuất sắc năm xưa Lê Bá Dương đã ứng khẩu những câu thơ mộc mạc mà thê thiết đến dường nào. Ấy là vào ngày 27/7/1987, trong buổi thả hoa tưởng niệm những đồng đội bị mất tích dưới sông tại trận chiến khốc liệt nơi thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972. Đến năm 2007, bài thơ Đò lên Thạch Hãn đã được một quân nhân thời bình,giảng viên Học viên Quân y Trần Bắc Hải phổ nhạc khiến lòng nhân ái, tình đồng đội Việt được lan tỏa đến triệu con tim Việt trong khoảng thời gian rất ngắn. Người nhạc sĩ nghiệp dư họ Trần kể lại: “Đọc bốn câu thơ mà tôi sởn gai ốc.”Vâng, có thế bậc thánh thi Trung Hoa là Đỗ Phủ từng day dứt “Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” (Thơ chưa làm kinh động lòng người, chết chưa yên).
Dịp cuối năm rồi, trong sổ tay thơ của mình, người viết lại có thêm đôi vần thơ chở hồn vía Việt như thế, cũng từ một nhà thơ của hôm nay - Phạm Xuân Trường:
Nào em hãy nhẹ bước thôi
Đừng giẫm lên cỏ cho người dưới đau.
Dân tộc Việt Nam có tín ngưỡng mà không tôn giáo nào được xem là độc tôn. Tôn giáo tại xứ sở mang hình chữ S khá đa dạng. Khi kỳ nhân “Sơn núi” Nguyễn Đức Sơn đã xuống bút
Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
mà cắc cớ gặng hỏi “kinh” nào vậy thưa thi nhân, dám sẽ nhận vềlời đáp gọn lỏn cùng cặp mắt sắc ngó lên trời xanh: kinh Việt!
Đến người thơ Hồ Dzếnh. Bạn đọc đâu cần biết thi sĩ theo đạo nào hoặc vô thần, chỉ nhớ hai tứ thơ giàu nhân ái và đặc Việt tính của một người con gốc Hoa:
Chân đi đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở về
và
Đêm Giáng sinh này em ở đâu
Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu.
Mấy ngàn năm, cộng đồng Việthình thành và phát triển từ liên kết của bốn thành phần Cá nhân - Gia đình - Làng xóm - Tổ quốc. Lật bất cứ tập thơ của một tác giả Việt nào đó không nệ tên tuổi hay chưa, ta đều gặp bản sắc văn hóa quan trọng này.
Đồng Đức Bốn ghi danh vào làngthơ Việt Nam đương đại từ những lời thống thiết tình mẫu tử, nghĩa phụ tử ở đề tài không dễ viết - về phần mộ của người nằm xuống:
Ối mẹ ơi vỡ đê rồi
Mộ cha liệu có lên trời được không?
Hỡi ai đọc xong ngần ấy chữ nghĩa, không rùng mình: chưa từng làm con thì chẳng lẽ không làm người?!
Còn thiền sư - thi sĩ Tuệ Sỹ lại khắc họa tình bằnghữu như thế này:
Khi về anh nhớ cài quai nón
Mưa lạnh đèo cao không cõi người.
Nghĩa láng giềng luôn là điều canh cánh bên lòng người Việt Nam, sau tình gia đình. Vẫn Nguyễn Bính khi viết thơ tình đôi lứa theo bản lề của phép ứng xử bà con lối xóm:
Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo.
Ôi, một cái chữ "teo"!
Thi - nhân - chân - quê của chúng ta sẽ còn sống mãi trongtâm hồnViệt, dù xã hội Việt Nam đô thị hóa cỡ nào, dù người Việt rờixa quê cũ tớichân trời góc biển nào. Vì ông đã rải rắc các nốt thơ xuống mọi cung bậc tình cảm của người - nhà - quê ẩn hiện trong mỗi con dân Việt:
Thầy ơi! Đừng bán vườn chè
Mẹ ơi! Đừng chặt cây lê con trồng.
Hai điệp từ "ơi", "đừng" - âm bằng nhẹ, lễ phép mà dồn dập, khẩn khoản. Là để níu lại hai âm trắc nặng, mạnh "bán", "chặt" - hai hành vi dứt khoát, đành lòng từ người trên. Tình cảm với quê nhà, thiên nhiên của phận làm con nhiều khi phải đối trọng với tình cha mẹ. Một công án trong đời sống tâm tính Việt, nhất là vào cái thời tân kỳ này?
Và không thể nào quên câu thơ bảng hiệu made by Nguyễn Bính:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Chừng nào còn tiếng Việt, còn thi ca Việt, chừng đó sẽ còn tình yêu trai gái được che chở trong tình gia đình, được bảo toàn trong tình quê hương, xứ sở. Với các lời thơ như thế... Và tương tự như thế... Cho dù đó là tình ái tuổi teen gửi lời yêu qua iPhone! Cho dù "hoa chanh", "vườn chanh" chỉ có thể tìm thấy trên sân thượng lầu cao! Cho dù "thầy u" được gọi thành daddy ở California, thành mama ở Moskva... Chúng ta hằng tin, tính chất "chân quê" Việt sẽ được bảo lưu khi biến hóa diệu kỳ trong dòng máu Việt nơi mỗi con người Việt. Hằng số tâm - sinh lý có một không hai đó sẽ bảo đảm người Việt không bị đồng hóa trong xã hội ngày càng toàn cầu hóa.
Nằm trong tình yêu đất nước nồng nàn và cao cả, ai cũng biết rõ một điều: Tình cảm với quê hương bản quán được coi là chỉ số căn cước đầu tiên ở người Việt.
Mới nghe như ngô nghê, câu thơ thần thái của Trung niên thi sĩ Bùi Giáng
Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
cứ thế đang vang vọng cùng tiếng Việt, cùng người Việt...
Hai câu thơ, một công án. Ở đây xin được hiểu sát ngữ nghĩa cận nhân tình: Với kẻ lang bạt kỳ hồ đâu cũng là nhà đâu cũng là "quê", dưng mà "quê nhà" mới là nơi ở lâu hơn tất cả. Có thể đã ở lâu tại chính quê nhà. Có thể chỉ từng ở quê nhà lâu trong tâm trí. Quê của mỗi người Việt ly hương không có danh từ riêng; cùng gọi chung là quê - nhà.
*
Chân dung người Việt là do các nhà thơ tạo tạc!
Thì vẫn, như bên trời phương Tây triết gia hiện sinh người Đức Martin Heidegger (1889-1976), ở mức độ khác cũng từng thi vị hóa điều đó, qua lời dịch của giáo sư triết học Nguyễn Quỳnh:
Những gì còn ở trên đời
Đều tưng bừng nở trong lời thi nhân.
Vancouver (Xuân Canh Tý 2020)
Đỗ Quyên
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511629
2292
2336
22003
218502
121356
114511629