Góc nhìn văn hóa

Khi người Việt hoài niệm Xô - Nga?

  

                               

Có những người học, làm việc Xô - Nga tới 25 năm nay không dõi tin về Nga trên TV, nhưng có những người chỉ học trung cấp kỹ thuật xa Mạc Tư khoa lại thấy luôn tìm dịp hát bài Liên Xô “Thời thanh niên sôi nổi”, bên vại bia…

Gần đây mở một videoclip về các bạn gái cùng học cấp III phổ thông[1], tôi hơi giật mình nhận thấy nhạc làm nền cho clip này hầu như là các bài tiếng Nga hoặc bài hát Nga lời Việt?

Trong thế giới Facebook ở VN cũng có không ít những group chia sẻ các cảm tưởng, thường là tôn sùng, về Liên Xô (từ đó, có thể cả Nga), kể cả theo một phong cách luyến tiếc quá khứ, hoài cổ (nostalgia). Những ai đưa ra ý kiến chỉ trích… hoặc những đánh giá cân bằng hơn, chẳng hạn về tình hình Donbass, có thể bị ném đá tơi bời, thậm chí trục xuất khỏi nhóm.

Một số nghịch lý

Trên fb thấy cả sự ngạc nhiên, như những ý kiến, đại ý, mình ở Xô - Nga hai mươi mấy năm nhưng sự sùng bái hầu như không có, trong khi có những vị chỉ ở đó không bao lâu, lại thể hiện tình cảm mãnh liệt với Mạc Tư Khoa.

Về quốc tế, các học giả cho rằng hiện tượng luyến tiếc Liên Xô thường thấy ở những người từng dùng tiếng Nga như ngôn ngữ làm việc (руссист).  Ở Việt Nam, thấy sự bày tỏ nostalgia cả ở những người tiếng Nga “ngắn”, khiến cho kiến thức về văn hóa Nga (một nền văn hóa được xem là dựa vào văn học, và đặc sắc, đa dạng về nghệ thuật, kể cả theo phong cách hàn lâm) của họ chắc khó phong phú, vẫn thấy sự sùng Xô - Nga.

Sự sùng Nga thường mang tính tập thể, nhưng ngoài việc đưa nhau đi thăm lại trường cũ, thành phố cũ, đã không chắc là có những nỗ lực cùng tìm hiểu vị thế nước Nga trong không gian chính trị mới của thể giới một cách khách quan. Tức là năng lực phản tỉnh từng được xem một ưu việt của trí thức Xô - Nga vào giai đoạn trước khi Liên Xô tan rã, là không dễ nhận thấy trong các hội họp “hoài niệm” Xô - Nga, và cả trong các diễn đàn “CCCP”. Cách tổ chức các cuộc gặp của các hội này khiến ta được nghe cả những xét đoán là: mang tính “bầy đàn”, đầy tự phát, vỗ tay nhiệt liệt những thành tựu mà bước đi sau của lịch sử có thể sẽ phơi bày những hệ lụy bi kịch... 

Một giáo sư Việt học Liên Xô về khoa học tự nhiên, hiện hoạt động mạnh trên văn đàn, cho ý kiến, rằng chữ hoài niệm hay nostalgia, theo từ điển tâm lý học tiếng Nga, là một trạng thái bệnh lý trong tâm lý học. Từ nostalgia trong tiếng Nga là ngoại nhập, trong tiếng Nga trước đây chỉ có từ тоска (nỗi nhớ, nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người thân), vị giáo sư này nhấn mạnh.

Nostalgia tiếng Anh, nếu là danh từ, thì đúng là hoài niệm, nếu là động từ, thì hoài niệm là elegise (viết khúc bi thương).

Tìm kiếm (google) tiếng Nga về bệnh lý nostalgia/ностальгия có thể gặp cả những câu hỏi trên diễn đàn như: nostalgia là bệnh lý hay là phương thuốc[2]. Bài cho rằng đã có một thời gian dài nostalgia được xem là bệnh lý, nhưng hiện tại quan niệm về nó trong xã hội đã mang dương tính (tích cực hơn. Wikipedia dẫn một tác giả phương Tây, như sau:

Nostalgia theo hướng này là môt chỗ dựa về tâm lý hoặc về cảm tính, là sự cố gắng thích ứng với hiện tại. Những người Tây Đức khi nói về những người Đông Đức, đã mô tả hiện tượng này (nostalgia những ngày XHCN) như một cơ chế tự vệ hoàn toàn dễ hiểu của những người đã từng sống nửa đời trong trì trệ, nơi mọi thứ do nhà nước quyết hộ hết…[3][4]

Các định nghĩa truyền thống cho rằng nostalgia/ностальгия là nỗi nhớ nhung, luyến tiếc ngôi nhà tuổi thơ, hay quê hương bị ngoại bang xâm chiếm của cá nhân liên quan chôn rau cắt rốn với địa điểm, địa phương đó[5]… Vị giáo sư Việt học Xô về nhấn mạnh rằng Hoài niệm Liên Xô là của một số người nước khác nhưng lại tiếc nuối một vùng lãnh thổ mà mình không có liên quan trực tiếp về máu thịt và phần hồn hay văn hóa bản địa (не родной). 

Còn nhớ bản nhạc Polonaise (Vĩnh biệt quê hương) nổi tiếng của Mikhail Oginsky (1765-1833). Nó ra đời khi tác giả, trong thân phận vong quốc, phải trở thành một chính khách, một nhà ngoại giao của một nước khác, nhớ tiếc Tổ quốc Ba Lan của mình, bị mất về tay các đế quốc Nga và Phổ trong suốt thế kỷ 19.

Học giả Nga nói gì?

Có thể tham khảo trào lưu “hoài Xô” ở Nga, chẳng hạn qua hai mục của Wikipedia là Посткоммунистическаяностальгия(nostalgia hậu chủ nghĩa Cộng sản) và НостальгияпоСССР(nostalgia về Liên Xô).

Theo bài viết Hoài cổ như một hiện tượng xã hội lạ cần nghiên cứu[6] của G. Zborovsky và E. Shirokova, có thể xem “Hoài niệm xô viết” như một dạng hoài cố, tức là các huyền thoại xuất hiện sau (post factum) về các hiện tượng được quy cho là của quá khứ (xô viết), như phong cách sống, các lý tưởng, các giá trị, chế độ xã hội, các quan hệ.Huyền thoại này trở thành một biểu tượng được dùng để nhận biết hiện trạng hàng ngày.

Mihail Chernysh, cán bộ Viện xã hội học Nga, phát biểu:

Ở Nga sự luyến tiếc (nostaligia) Liên Xô không hẳn có nghĩa là người ta muốn quay lại với Liên Xô, nhưng phức cảm này mang lại sự khuây khỏa nào đó. Liên Xô từng là một quốc gia có hiệu quả về đảm bảo xã hội, một cường quốc quân sự, nơi có ít hơn những bất ổn về kinh tế và sự không bình đẳng so với hôm nay. Từ đó sản sinh tâm thái hoài Xô, mà chính quyền có thể tận dụng[7].

Sử gia Nikita Petrov (phái Memorial) cho rằng chính quyền đã chủ ý lý tưởng hóa quá khứ xô viết, cố tạo cho các lãnh tụ xô viết một chân dung đứng đắn và cuốn hút đối với thế hệ hiện nay[8] (qua đó mà tìm cách tái thiết sự chế áp về tư tưởng, kiểm duyệt… như các đặc thù xô viết).

Người viết bài này nghĩ rằng, phải chăng một bộ phận trong xã hội Nga hiện có xu hướng “đứng” (trì trệ), trong đo có thể cả xu thế đi ngược chiều kim đồng hồ, một điều mà mà một số người trên 50 ở VN đang trải qua (quay đầu, tua lại những ký ức cũ) vì đã nhìn thấy một điểm bất định ở phía trước.

Có tác giả phương tây gọi hiện tượng nostalgia quá khứ xô viết là chứng cuồng “hậu đế quốc” (postimperial mania).

Việt Nam

Trong lịch sử, khái niệm “hoài niệm” có thể từng xuất hiện với bài “Trở về Surriento”, của Ý, bài này có lời Việt. Còn bài Nostalgia của Ý thực ra lại đến từ nguyên bản Nga, bài Đôi mắt huyền (Oчи черные). Về nỗi nhớ tiếc quê hương bị dày xéo, người Việt biết bản nhạc Polonaise bất hủ.

 “Hoài niệm Liên Xô” là một phức cảm (complex) mang tính tập thể. Trong tập hợp các group có tới 5 nhóm có liên quan đến khái niệm này. Nguyên nhân của “hoài niệm Liên Xô” ở Việt Nam có thể là:

Vương vấn với một quá khứ về hệ thống đảm bảo xã hội như của Liên Xô. Tức là khi ‘mọi công dân đều có quyền có nhà ở” (Luật pháp Liên Xô, cụ thể là mỗi công dân đều được phân nhà, có gia đình có tới hai căn hộ…), vì thế housing problem có thể nói là không hiển thị rõ.

Mỗi công dân đều được phân công công tác, tức là vấn đề về công ăn việc làm không nhức nhối (còn việc công dân có thỏa mãn với công việc được phân công hay không, là một vấn đề khác). (Tuy nhiên cũng nhớ thời bao cấp có những “phó thường dân”. Chẳng hạn, một bạn của chúng ta, tốt, học giỏi nhưng tốt nghiệp xong không có nơi nào dám nhận vì nhà theo Thiên chúa giáo, trong khi các bạn học kém hơn lại có thể được đi nước ngoài (Liên Xô, Đông Âu) sau khi được cộng điểm ưu tiên; đi ăn mỳ “không người lái” mậu dịch, thời đó ăn uống công cộng không có tư nhân… có thể gặp ai đó phải đến đó “vét đĩa” - sau khi tốt nghiệp trung cấp mà không có việc làm, vẫn do “thành phần nặng”).

Ưa chuộng văn hóa xô viết, văn hóa Nga, âm nhạc, điện ảnh Xô - Nga. Cũng có thể còn gồm cả sự thán phục vì được sẻ chia rộng rãi các sản phẩm văn hóa như các bài hát Nga trên youtube, việc dùng “chùa” (không chịu sức ép các vấn đề như bản quyền) các bài viết, công trình có thể khả thi…

Ở chừng mực nhất định, có cả sùng bái mô hình quản trị Liên Xô. Đây còn có thể là một biểu hiện thái độ phản đối kinh tế thị trường (cạnh tranh khốc liệt, bất bình đẳng lộ rõ…), hoặc cho rằng những trả giá của chuyển đổi kinh tế là quá đắt. Dường như có cả những người muốn quay lại với cái bình lặng bao cấp, và không ưa cái nửa sau bắt đầu cả bằng sự chôm chỉa mà không phải ai đã kịp “nhanh tay” gặt hái.

Những người có nửa đời sống bao cấp cho rằng mình đã mất đi sự tự tin, dù là thực hay tự huyễn hoặc đi nữa, trước thực tiễn xoay chong chóng của thị trường tự do.

Biểu hiện nguyện vọng quay ngược kim đồng hồ về nửa đời trước, an toàn, dễ hiểu, đơn giản (thuần phác)[9]. Một kiểu sống bằng quá khứ,

Không phải không có những trào lưu giống như các vị theo Stalinist ở Liên Xô những năm 1980 (chống lại cải tổ), sùng bái các lãnh tụ tay sắt, cho rằng do mềm yếu (như Gorbachov) nên “thua trận”. Và chắc vẫn còn ai đó nghĩ rằng sự phục sinh của Liên Xô không phải là không tưởng.

Không ít nguồn, có thể gặp trên các báo nhưArgument i Facty cho rằng với người Nga (người Á - Âu/Euro - asian) các biểu tượng quá khứ là quan trọng. Nhưng người Việt, một đại diện cho sentimental kiểu phương Đông (“Người phương Đông vốn giàu cảm xúc/the oriental peoples are generally sentimental”, Nguyễn Ái Quốc viết cho cán bộ Quốc tế cộng sản, đồng chí Petrov, 20/5/1924[10]).Họ cũng trải qua chiến tranh đế quốc và nội chiến cách mạng, và thời kỳ bao cấp… nếu chủ nghĩa truyền thống của người Việt hiện đại chắc gần với kiểu Nga (?) Còn tâm thái (mentality) như của Tây Âu thì khác, hiện tại, và nhất các xu hướng của tương lai, là quan trọng[11].

Có thể còn cả sự vay mượn văn hóa (cả do bế tắc về văn hóa trong xã hội truyền thống Khổng, trên bước đường chuyển đổi nền kinh tế sang hướng thị trường hơn, nhưng việc xây dựng thang giá trị văn minh của xã hội dân giàu nước mạnh… vẫn chập chững).

Nghe một số ý kiến cả trong và ngoài nước, cho rằng trong gen người Việt có máu bốc đồng. Có ý kiến cho rằng đây chính là những ảo tưởng, hoang tưởng, có gốc là tâm thái thuộc địa một thời bế tắc, là hai mặt của đồng xu ngu dân, bị chèn ép, chia rẽ, nhưng lại sĩ diện hão: mặt này tuyệt vọng tràn ngập, mặt kia chập mạch…

Vậy các bản nhạc trữ tình, khoáng đạt kiểu tình ca Du mục, các bài ca lãng mạn cách mạng xô viết, và cả những cung bậc của một gam rộng chủ nghĩa vô chính phủ kiểu Nga (nihilist), cộng… một chút rượu hoàn toàn có thể là những xúc tác để ai đó lấy le kiểu “ông Tây An Nam”, để tỏ ra mình không “quậy vô duyên” (завелсянапустомместе), mà đang thể hiện một văn hóa nhóm (subculture).

Hôm nay, đi dự các họp mặt về chủ để liên quan một thời Liên Xô (cả chữ “tri ân” CCCP cũng đang được dùng), có thể gặp một số vị diễn tích “Liên Xô là nhà máy sản xuất các vì sao” (фабриказвезд), nhưng chủ yếu lại để lòe vợ con mình, hoặc người làng cùng fb... Những màn trình diễn bế tắc trong hoang tưởng.

Trữ tình bài hát tuổi xuân

Quay lại với các bạn gái cùng lớp cấp ba phổ thông với tôi, dù vẫn có khoảng gần một nửa không đi Liên Xô hoặc các nước XHCN khác, các bạn ấy, cũng như nhiều người khác từng sống trong kỷ nguyên xô viết, chắc hoài niệm Liên Xô chính là nhớ nhung những năm tháng lãng mạn nhất của đời mình. Kỷ nguyên xô viết trùng với tuổi trẻ của U70 hôm nay, và với nhân loại, tuổi thanh xuân bao giờ cũng đẹp, dù có đoạn bị rơi vào thời chiến.

Nói riêng, thời kỳ Liên Xô, có lần đi xuống miền Kuban giàu có, tôi nhìn thấy qua cửa kính tàu một cậu trai quen đang ôm một cô bạn gái - đôi nam nữ đi xuất khẩu lao động này đang mua hoa. Vì chuyến đi của tôi tới chỗ một người thương cũng chỉ là rỉ tai một thủ trưởng thôi, không báo cáo chi bộ, nên tôi cũng không vẫy cậu ấy. Tất cả những cái ấy đọng lại như khái niệm “tình yêu Liên Xô”, lãng mạn, nhưng “yêu” cũng hết mình luôn.

Khía cạnh vật chất trong hoài niệm Liên Xô?

Với nhiều người, khối Liên Xô từng đồng nghĩa với sự đổi đời. Chỉ cần hai tủ lạnh Saratov, có thể mua một căn hộ nhỏ trong tòa nhà tập thể 5 tầng. Vinh quang này được văn hóa quần chúng ghi lại bằng câu:

Ngang lưng thì thắt may so

Đầu đội áp suất, chân đi bàn là…

Có vị Đội trưởng Lao động khi ở Liên Xô khép nép lấy lòng các mậu dịch viên Nga, mua được nhiêu đồ dùng sinh hoạt, về nước bán đi đủ mua mấy trăm mét đất ở nơi sau thành một trung tâm ở Hà Nội. Một người Nga quen họ ở Liên Xô sau này gặp lại, đã ngạc nhiên nhận thấy bà vợ ông Đội trưởng, thời ở ốp Nga vốn chỉ lủi thủi trong bếp rán hàng trăm cái nem đãi Tây, nay về Hà Nội ăn diện, lên xe xuống ngựa, dáng như mệnh phụ trong bức tranh: Người đàn bà không quen (незнакомка). Văn nghệ quần chúng cũng từng ghi nhận:

Ở Tây thì sống như ta.

Đến khi về nhà lại sống như Tây…

Nay khi Nga chịu áp lực của trừng phạt về kinh tế, sức mua của người dân Nga giảm đồng thời với giá hàng “rẻ” đi so với sức mua của người Việt (và người Trung Quốc) do đồng rúp mất giá gấp đôi so với trước đây, có một số người Việt chắc đã có hưởng lợi. Phần nào điều này chắc cũng thành nhiên liệu thắp sáng thêm “hoài niệm Liên Xô”? 

Nếu tình hình không có gì thay đổi lớn, tức là xu thế phất của một số nền kinh tế (mà các nguồn tài lực được phân phối theo ý chí của thủ lĩnh) bị tan biến… thì hiệu ứng “hoài niệm Liên Xô” chắc khó còn. Nhưng cũng có thể đơn giản hơn, khi thế hệ từng có quá khứ gắn với thời đại xô viết dần khuất bóng, lịch sử giở sang trang khác, và thế hệ tri thiên mệnh ở Việt Nam sẽ có “hoài niệm khác” (?) nếu không xây được những giá trị văn hóa thực sự, và cuốn hút lòng người hơn. Đó là thang giá trị khiến xã hội không chạy theo những con số của chủ nghĩa tư bản dã man hiện đại, như GDP, mà tập hợp được cộng đồng vào guồng chung nhằm cải thiện các chất lượng của cuộc sống. Ở điểm này, Ba Lan và Czech có thể chia sẻ kinh nghiệm.

                                                                                               Lê Thành (thuật)

 


[3]Hoài niệm về chủ nghĩa xã hội ở Đông Đức hôm nay cho thấy tư tưởng Xã hội dân chủ không thể cung cấp một lựa chọn có sức sống về tư tưởng sau 1989  https://www.academia.edu/4104372/Nostalgia_For_Socialism_In_Present Day_Eastern_Europe_Suggests_That_Liberal-Democracy_Has_Failed_To_Provide_A_Viable_Ideological_Alternative_After_1989

[4] Ở đây vị giáo sư Việt học Xô có một liên tưởng đến Giấc Mơ, sự phòng vệ vô thức trời cho mà cha đẻ Phân Tâm học là Zidmund Freud đã viết cả một tác phẩm để phân tích về nó. Nhưng giấc mơ không liên quan đến tâm lý đám đông, bầy đàn, bế tắc, ông giáo sư lưu ý.

[5]Dĩ nhiên không kể trường hợp các руссист nói trên.

[9]Theo wikipedia Dominic Boyer trong From Algos to Autonomos. Nostalgic Eastern Europe as Postimperial mania, cũng có ý này.

[10]Hồ sơ (font) Quốc tế cộng sản tại Trung tâm Nga, Matxcơva, số 495 (QTCS), seri (tiếng Nga - opis) 18, file (tiếng Nga - delo) 282, dẫn theo Sophie - Quinn - Judge, Hồ Chí Minh: các sử liệu vừa tìm được trong lưu trữ của Quốc tế cộng sản đăng trong kỷ yếu Việt Nam - Source et Appoches, Uviversité de Provence 1966.

[11]Nữ danh ca nổi nhất của Liên Xô, là Alla Pugacheva đi dự Eurovision Song Contest 1997 chỉ được xếp thứ 15/25.  Tuy nhiên hôm nay bà vẫn được nhiều người Nga và người Việt cực kỳ ái mộ, bất chấp những scandal về phẩm hạnh mà Đại giáo chủ Nga từng phải có ý kiến.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511900

Hôm nay

2226

Hôm qua

2337

Tuần này

22274

Tháng này

218773

Tháng qua

121356

Tất cả

114511900