Góc nhìn văn hóa

Thử thách đầu tiên của mối tình Kim - Kiều

Thử thách đầu tiên của mối tình Kim - Kiều diễn ra vào thời điểm chàng Kim nhận được tin cha gọi về hộ tang chú ở Liêu Dương.

xuân đường kíp gọi, gấp rút về thời gian như thế nhưng Kim Trọng vẫn Băng mình lẻn trước đài trang tự tình với người yêu:

Gót đầu mọi nỗi đinh ninh,

Nỗi nhà tang tóc, nỗi mình xa xôi:

“Sự đâu chưa kịp đôi hồi,

Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ,

Trăng thề còn đó trơ trơ,

Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.

Ngoài nghìn dặm chốc ba đông,

Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy!

Gìn vàng giữ ngọc cho hay,

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời!”

Tai nghe ruột rối tơi bời,

Ngập ngừng nàng mới giãi lời trước sau:

“Ông tơ ghét bỏ chi nhau,

Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!

Cùng nhau trót đã nặng lời,

Dẫu thay mái tóc, dám dời lòng tơ!

Quản bao tháng đợi, năm chờ,

Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm.

Đã nguyền hai chữ “đồng tâm”

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.

Còn non, còn nước, còn dài,

Còn về, còn nhớ đến người hôm nay!”

Tình cảm Kim - Kiều được Nguyễn Du diễn tả bằng 18 câu thơ (Kim Trọng 10, Thúy Kiều 12) có tính chất tương xứng: Trăng thề còn đó trơ trơ/Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng - Cùng nhau trót đã nặng lời/Dẫu thay mái tóc, dám dời lòng tơ; Gìn vàng giữ ngọc cho hay/Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời - Đã nguyền hai chữ “đồng tâm”/Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai. Ngoài những câu thơ thấm đượm nghĩa tình ấy, tác giả còn “thiên vị” dành thêm cho Thúy Kiều hai câu nữa: Còn non, còn nước, còn dài/Còn về, còn nhớ đến người hôm nay. Có lẽ phụ nữ thường nặng lòng hơn chăng, hay tác giả có ý đồ gì khác trong cách khẳng định sự sắt son của nàng?

Kim - Kiều chia tay khi tình yêu đang độ lên men Hoa hương càng tỏ thức hồng/ Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu nên sự dùng dằng diễn ra sau đó cũng là điều dễ hiểu. Trong hoàn cảnh khẩn cấp của Kim Trọng, dấu hiệu Vừng đông trông đã đứng ngay trước nhà báo hiệu đã đến lúc đôi tình nhân phải chấp nhận chia tay.

Ở hai phương trời cách biệt, thử thách về không gian, thời gian chính là thước đo tình cảm lứa đôi. Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai của Thúy Kiều - Kim Trọng được Nguyễn Du diễn tả bằng những câu thơ vô cùng tinh tế:

Buồn trông phong cảnh quê người,

Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.

Não người cữ gió, tuần mưa,

Một ngày nặng gánh tương tư một ngày…

Nàng còn đứng tựa hiên tây,

Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.

Trông chừng khói ngất song thưa,

Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng.

Tác giả đã dành tám câu thơ chia đều đặn cho hai người để diễn tả cảm xúc của đôi tình nhân trong cách xa.

 Thể hiện dòng cảm xúc của Kim Trọng, tác giả mở đầu bằng câu thơ Buồn trông phong cảnh quê người thấm đẫm tâm trạng. Cụm từ buồn trông trong câu thơ gợi cho ta cảm nhận về nỗi buồn xa vắng - một khoảng tĩnh lặng trong tâm hồn của nhân vật khi đang hướng tới một đối tượng nào đó. Cách dùng này không chỉ quen thuộc trongTruyện Kiều (Buồn trông cửa bể chiều hôm…), mà còn rất phổ biến trong thơ ca, đặc biệt ở ca dao:

-“Đêm qua ra đứng bờ ao,

Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ.

Buồn trông con nhện giăng tơ,

Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?

Buồn trông chênh chếch sao Mai,

Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?”.

-“Buồn trông trăng đã khuyết rồi

Chia tay nhớ mãi những lời giao ngôn”.

-“Buồn trông ngọn gió vờn mây

Tương tư ai giải cho khuây nỗi buồn”.

-“Buồn trông con nhện giăng tơ

Con mắt vẫn tỉnh mà ngờ chiêm bao”.

Với Kim Trọng, khi chàng Buồn trông phong cảnh quê người cũng là lúc niềm tương tư đang trỗi dậy. Vậy ở thời điểm nào chàng mới thực sự tĩnh tâm trong tâm hồn để buồn trông? Khoảng lặng trong tâm hồn không thể đến trên đường đi, bởi lẽ Kim Trọng lúc ấy rất vội vàng. Chú đang trong tình cảnh Bơ vơ lữ thấn, tha hương đề huề nơi đất khách, nên lúc này hẳn bước chân hiếu nghĩa của chàng đang cuống cuồng mong về cho kịp. Hơn nữa, trên đường từ Bắc Kinh đến Liêu Dương, trong nỗi buồn tang tóc, đã vội, lại thêm sự gian nan cách trở sơn khê thì sao chàng Kim có đủ tĩnh tâm để dành thời gian Buồn trông phong cảnh quê người (dù quê người trỏ đất Liêu Dương hay nơi nào đi chăng nữa)? Dòng tâm trạng này có thể xuất hiện khi Kim Trọng đang lo tang đám hay không? Điều này càng không thể, khi mà tang gia bối rối, chàng Kim làm sao có thời gian tĩnh lặng mà buồn trông được? Vì vậy, rất có thể vào khoảng thời gian sau khi lo xong tang đám ở Liêu Dương, ở chàng Kim mới trỗi dậy cảm xúc riêng tư Buồn trông phong cảnh quê người. Điều này hẳn có lí, vì liên hệ với nguyên bản, ta thấy chi tiết này được tác giả Kim Vân Kiều truyện viết: Kim Trọng theo cha đến Liêu Dương, thu xếp việc tang cho ông chú và tiền vốn trong cửa hàng, quanh quẩn hết bốn tháng trời mới trở về Kinh (Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh dịch, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, năm 2001, trang 244). Thanh Tâm Tài Nhân đã nói đến thời gian Kim Trọng ở Liêu Dương sau tang đám kéo dài bốn tháng trời. Đến Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đề cập:

Từ ngày muôn dặm phù tang

Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà

Từ những liên tưởng có cơ sở như thế, ta thấy việc Kim Trọng lo tang đám xong rồi dành thời gian tĩnh tâm nhớ đến người yêu cũng là lẽ thường. Vậy nên trong mối sầu sẻ nửa ấy, Buồn trông phong cảnh quê người sẽ là dòng tâm trạng của nhân vật Kim Trọng khi đang ở Liêu Dương để hướng về quê người. Và như thế, quê người ở đây sẽ là Bắc Kinh, nơi Kiều đang sinh sống. Hiểu vấn đề như vậy, chúng tôi cho rằng tác giả Phạm Quang Ái (trong Tạp chí Hồng Lĩnh số 158 tháng 10 năm 2019, trang 75 - 80) đã lầm lẫn khi cho rằng quê người dùng trỏ đất Liêu Dương hoặc nói rộng ra còn là bao gồm những vùng đất mà bố con Kim Trọng đi qua trên đường đến Liêu Dương.

Nơi Liêu Dương buồn trông về quê người, không gian nghệ thuật ấy chứa đựng bao hàm ý. Mượn phong cảnh gợi tình, rồi với cách dùng hình ảnh  quê người rất mơ hồ, Nguyễn Du đã khơi lên bao thắc mắc, trăn trở ở người đọc. Một chàng Kim đã từng khao khát cháy lòng trong tình yêu, nay xa cách sẽ ra sao?

Để Kim Trọng suy tư dõi tầm mắt nơi quê người thăm thẳm, tưởng chừng không xác định địa điểm, tác giả tiếp tục gợi mở về trạng thái cảm xúc của chàng qua câu thơ Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa. Câu thơ có hình thức tiểu đối mà mỗi vế lại chia ra hai phần: phần thứ nhất chỉ vị trí (đầu cành/cuối trời), phần thứ hai chỉ hoạt động của đối tượng (quyên nhặt/nhạn thưa). Vậy tác giả muốn nhấn mạnh sự xuất hiện của sự vật quyên, nhạn hay muốn miêu tả tính chất hoạt động của chúng nhặt (quyên), thưa (nhạn)? Ta sẽ phân tích từng trường hợp để hiểu cách sử dụng hình ảnhquyên, nhạn của Nguyễn Du trong câu thơ trên.

Trường hợp thứ nhất, giả định rằng Nguyễn Du muốn nhấn mạnh vào sự xuất hiện của quyên, nhạn. Nếu thế thì khác nào tác giả Truyện Kiều đang sử dụng phép hoán dụ, theo cách chỉ dấu hiệu sự vật theo mùa. Cách mượn hình ảnh loài vật để chỉ sự vận hành của thời gian vẫn thường được sử dụng trong thơ ca. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã dùng rất nhiều lần:

- Lần lần ngày gió đêm trăng

Thưa hồng, rậm lục đã chừng xuân qua

 

- Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.

 

- Sen tàn, cúc lại nở hoa

Sầu dài, ngày ngắn đông đà sang xuân.

Sau này, nhà thơ Tố Hữu cũng có sử dụng cách này:

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đương chín, trái cây ngọt dần.

Lấy hiện tượng thiên nhiên để chỉ thời gian như trên là cách tiền nhân vẫn dùng, thường đơn thuần nói về hiện tượng thời gian chuyển mùa. Nhưng trong bốn câu thơ diễn tả cảm xúc Kim Trọng khi cách xa, tại điểm nhìn Liêu Dương buồn trông về quê người yêu, tác giả không thể để chàng Kim đồng thời, cùng lúc thấy xuất hiện hiện tượng của quyên (mùa hè), nhạn (mùa thu) được. Như thế, hình ảnh quyên, nhạn trong câu thơ 566 sẽ không được Nguyễn Du dùng theo phép hoán dụ như các ví dụ trên. Trên vấn đề này, tác giả Phạm Quang Ái có cách hiểu khác: Chúng tôi không đi vào bàn cãi “quyên” và “nhạn” là loại chim gì mà cứ theo cách hiểu phổ biến xưa nay của các nhà bình giải “Truyện Kiều”, xem “quyên” là chim quốc kêu để báo hiệu mùa hè và “nhạn” là loại chim báo hiệu mùa thu. Nghĩa là câu thơ nói về một khoảng thời gian dài từ đầu mùa hạ cho tới đầu mùa thu, khoảng thời gian đủ để Kim Trọng đi qua hàng ngàn dặm đường và đã đến Liêu Dương lo việc tang cho chú. Ngữ thức này là cách nói ước lệ, dùng yếu tố không gian (quyên kêu, nhạn bay) để chỉ thời gian đồng thời để thể hiện tâm trạng buồn dằng dặc của Kim Trọng. Khi đưa ra cách hiểu ấy, có lẽ Phạm Quang Ái đã dựa vào cách dùng hình ảnh như các ví dụ đã nêu trên và từ chú thích: Chim đỗ quyên, tức chim quốc. Đây tả cảnh cuối hè sang đầu thu. Tiếng quyên kêu còn ra rả (nhặt) đầu cành và bóng nhạn đã thấy bay loáng thoáng (thưa) ở chân trời (Nguyễn Du, “Truyện Kiều”, Vũ Ngọc Khánh, Nhà xuất bản Thanh Hóa, năm 2005, trang 54). Theo ông Ái, hãy cứ tạm cho rằng cách nói ước lệ, dùng yếu tố không gian (quyên kêu, nhạn bay) để chỉ thời gian từ đầu mùa hạ cho tới đầu mùa thu, khoảng thời gian đủ để Kim Trọng đi qua hàng ngàn dặm đường và đã đến Liêu Dương lo việc tang cho chú. Như vậy sẽ mất ba tháng, chưa kể cộng thêm thời gian Đem tin thúc phụ từ đường, thì thử hỏi lúc chú đang bơ vơ lữ thấn (chết mà chưa chôn), liệu có cách nào bảo quản thi hài trong khoảng thời gian ấy hay không(!?). Thiết nghĩ, trong cảnh huống chờ Kim Trọng về hộ tang, chắc rằng Nguyễn Du không mượn quyên, nhạn để chỉ thời gian khi mà sự xuất hiện của sự vật được tính bằng độ dài như thế.

Trường hợp thứ hai, giả định rằng Nguyễn Du quan tâm hơn hết đến việc miêu tả tính chất hoạt động của sự vật: nhặt (quyên), thưa (nhạn). Như thếquyên, nhạn sẽ được hiểu theo nghĩa ẩn dụ, tượng trưng cho nỗi nhớ (qua tiếng kêu, cánh thư), nên nội dung câu thơ đang hướng tới miêu tả tính chất hoạt động của sự vật ở hai vị trí  đầu/ cuối. Trong bốn câu thơ diễn tả cảm xúc Kim Trọng khi xa Kiều, với tâm trạng buồn trông của nhân vật trữ tình đang dõi tầm mắt về quê người, chàng đã đặt trong sự so sánh về cảm xúc. Nơi Liêu Dương chàng đang cồn cào, dồn dập nhớ về nơi ấy (đầu cành quyên nhặt), còn người yêu thì cứ bình lặng, nhàn nhạt (cuối trời nhạn thưa). Liên hệ ở thời điểm chia tay Kiều, ta thấy chàng Kim cũng đã từng lo lắng khi thốt lên Gìn vàng giữ ngọc cho hay/Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời!”, thì giờ cách xa biền biệt, chàng khó lòng gạt được tâm lí đa nghi. Vì thế, trong câu thơ Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa, hình ảnh quyên,nhạn sẽ được hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Điều này cũng không phải là hiện tượng cá biệt trong văn học.“Từ xưa người Việt Nam ta vẫn cho đỗ quyên là chim quốc mà xem chim quốc tượng trưng cho lòng nhớ nước”, có lẽ thế mà Nguyễn Du đã linh hoạt trong việc chuyển nghĩa, lấy quyên tượng trưng cho lòng nhớ nhung (quyên nhặt), nỗi nhớ liên tục, khôn nguôi của Kim Trọng dành cho Kiều trong xa cách. Còn nhạn được dùng để nói việc báo tin, vì lúc này Kiều đang ở cuối trời (Bắc Kinh), Kim Trọng ở Liêu Dương chẳng thể biết tin tức gì về nàng (Theo Lê Mạnh Chiến, trong bài viết “Cớ sao đổi tên chim Én thành chim Nhạn”, www.vanhoanghean.com.vn: “Chim nhạn đã đi vào văn thơ Việt Nam với nghĩa bóng là phái viên đưa thư”). Vì thế, hình ảnh chim nhạn đã xuất hiện nhiều trong văn thơ cổ: “Mây giăng ải bắc trông tin nhạn/Ngày xế non nam bặt tiếng hồng” (“Xúc cảnh” - Nguyễn Đình Chiểu); hay “Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng/ Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền” (“Cung oán ngâm khúc” - Nguyễn Gia Thiều). Với cách dùng hình ảnh “quyên”, “nhạn” mang ý nghĩa tượng trưng như thế, đó chẳng phải tác giả nhằm tạo ra sự đối nghịch “quên nhặt”>< “nhạn thưa” với dụng ý bộc lộ hai thái cực cảm xúc khao khát> (/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/ve-tu-troi-trong-truyen-kieu).

Với cách nghĩ rất mơ hồ: quê Kiều - quê người, cũng như sự so sánh “khập khiễng” Đầu cành quyên nhặt/ cuối trời nhạn thưa, chẳng phải Kim Trọng đang tự trách móc, đặt/ trói mình để tạo nên khoảng cách về tình cảm với người yêu hay sao? Từ trí tưởng tượng “phong phú” ấy, sự dằn vặt tinh thần của chàng Kim ngày càng lớn, đến mức cồn cào dông bão:

Não người cữ gió tuần mưa

Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.

Nguyễn Duđã đặt chàng Kim vào tình huống tâm lí bất an khi xa cách người yêu. Có lẽ ông rất “thấu hiểu” nỗi niềm Kim Trọng đang tự bấu víu vào sự hoài nghi vô cớ nên đã đẩy dòng cảm xúc lên cao trào, đỉnh điểm Não người cữ gió, tuần mưa. Nếu không buồn trông để rồi sinh ra “tật” đa nghi, liệu chàng Kim có lâm vào tình trạng như vậy không? Tác giả đã mượn hiện tượng thiên nhiên cữ gió, tuần mưa để diễn tả cơn dông bão trỗi dậy trong lòng chàng Kim. Chính cách chuyển nghĩa ấy đã giúp ta thấy được nỗi niềm chàng Kim “sóng gió” đến mức nào. Nhìn chàng Kim, ta thấy có gì đấy rất cảm tính, yêu đến mê muội, nhưng thật đáng trân trọng bởi đó là căn bệnh trầm kha trong tình yêu ít ai tránh khỏi (/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/ve-tu-troi-trong-truyen-kieu).  Về câu thơ Não người cữ gió tuần mưa, tác giả Phạm Quang Ái đã lí giải: Theo các nhà biên khảo, một “cữ” là 7 ngày, một tuần là 10 ngày. Trong tính thành ngữ thì “cữ gió, tuần mưa” có nghĩa là chịu đựng “gió mưa” liên tục, nghĩa là chịu gian khổ, cực nhọc kéo dài. “người cữ gió tuần mưa” ở đây không thể là ai khác ngoài Kim Trọng (tỉnh lược vế của câu: người đang trong lúc cữ gió, tuần mưa, đang chịu đựng gian khổ nơi đất khách quê người). Trên đường đi đến nơi đất khách xa xôi Kim vừa nhớ Kiều vừa lạ cảnh, lạ người nên có tâm trạng cô đơn, buồn miên man; còn Kiều thì “đứng tựa hiên Tây” hình dung chặng đường xa xôi Kim phải liên tục chịu cảnh “cữ gió, tuần mưa” mà lo phiền, ray rứt, khắc khoải “Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ”. Cách hiểu này có lẽ không phù hợp với điều Nguyễn Du muốn thể hiện. Thứ nhất, đây là một trong bốn câu thơ diễn tả mạch cảm xúc của chàng Kim khi đang ở Liêu Dương nhớ về Kiều (tác giả diễn tả dòng mạch tương tư rất mạch lạc, không để diễn ra sự chồng lấn giữa chuyện của đối tượng này với chuyện của đối tượng kia). Đã như thế, ý kiến của Phạm Quang Ái cho rằng Kiều hình dung chặng đường xa xôi Kim phải liên tục chịu cảnh “cữ gió, tuần mưa” mà lo phiền, ray rứt, khắc khoải “Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ”, chỉ là sự suy diễn mơ hồ. Thứ hai, nếu câu thơ không nằm trong dòng cảm xúc chàng Kim khi nhớ về Kiều mà đứng độc lập, thì với cách hiểu của mình, ông Phạm Quang Ái đã vô tình cho rằng Nguyễn Du đang diễn đạt phi logic. Bởi, khi chia tay Kim Trọng, Kiều đã giãi bày:

Quản bao tháng đợi, năm chờ,

Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm.

Nếu giờ đây, cữ gió, tuần mưa được hiểu theo cách mà ông Phạm Quang Ái diễn giải, thì ta buộc phải nhận định rằng Nguyễn Du đã rất “vụng” khi dùng hình ảnh trùng lặp.

 Trong bốn câu thơ diễn tả nỗi niềm chàng Kim, nếu như câu đầu tiên Buồn trông phong cảnh quê người đã mở ra dòng tâm trạng buồn nhớ, trống trải thì câu cuối cùng Một ngày nặng gánh tương tư một ngày… mang tính “hệ quả”. Với cách thức thể hiện ấy, tác giả đã giúp người đọc hình dung sự  kết đọng nhớ nhung, yêu thương, dằn vặt của kẻ đang yêu quá mức mà sinh ra hoài nghi vô cớ. Ngẫm mà hay, người được coi làbậc tài danh, kẻ thiên tài,thông minh tính trời, vậy nhưng vì yêu mà thành ra “thơ ngây” quá đỗi. Chàng Kim đã bằng mọi cách để tưởng tượng, suy đoán để rồi tự đày ải, hành hạ mình một cách vu vơ.

Tại Kim Trọng đa nghi, chứ Kiều đâu phải như chàng tưởng tượng. Đọc bốn câu thơ diễn tả tâm trạng Kiều sau khi chia tay người yêu, ta thấy nàng cũng nao lòng lắm chứ. Không phải vô tình Nguyễn Du để cho nhân vật xuất hiện trong trạng thái Nàng còn đứng tựa hiên tây. Thông thường khi diễn đạt những vấn đề mang tính tương ứng, trong cuộc sống cũng như văn chương, người ta thường dùng theo kiểu: bên kia thế ấy, bên này thì thế kia; nó mà như thế, thì mình cũng chẳng thua kém gì … Nếu theo lẽ thường này, đáng lẽ ra Nguyễn Du sẽ dùng từ “thì” thay từ còn (Kim Trọng nhớ như thế này thì Kiều cũng nhớ như thế kia). Nhưng ở góc nhìn của mình, Nguyễn Du không muốn dừng ở việc vẽ ra hiện tượng mà đang muốn khám phá cái bản chất. Theo mức độ diễn biến thời gian tiếp diễn, việc Nàng (còn)đứng tựa hiên tây đã diễn tả một sắc thái tình cảm tư lự, sâu nặng của nàng. Khoảng thời gian khi chia tay chàng Kim đến lúc cha mẹ về, nàng sống bằng nỗi niềm canh cánh, thường trực, không rời mắt khỏi bước chân người yêu. Ở vị trí hiên tây, lòng dạ Kiều Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ, lung bung khó lòng tháo gỡ, bởi nàng trong tình trạngruột chín lần bị đau quặn lại (Nguyễn Du, “Truyện Kiều”, Vũ Ngọc Khánh, Nhà xuất bản Thanh Hóa, năm 2005, trang 54). Nàng quặn thắt tâm can khi hình dung chặng đường Kim Trọng về Liêu Dương xa xôi cách trở, vất vả hộ tang chú nơi đất khách. Bằng cảm xúc nhớ, thương Trông chừng khói ngất song thưa, Kiều muốn qua áng mây, ngọn khói để gửi gắm tâm tư mình đến nơi Liêu Dương vời vợi. Từ tình thương, nỗi nhớ dành cho Kim Trọng, nàng hình dung một ngày mình sẽ như Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng. Kiều muốn gió sẽ đưa theo ngọn khói đến Liêu Dương để người yêu thấu tỏ tình cảnh của nàng lúc này. Nỗi lòng trĩu nặng lo lắng, một niềm thương nhớ  không chút hoài nghi. Xây dựng hình ảnh thơ gợi lên vẻ tiều tụy, suy giảm (Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh àHoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng), tác giả giúp ta nhận thấy người quốc sắc ấy đã vì tình yêu mà sẵn sàng để phó mặc cho sự “bào mòn” thân xác. Thế mới biết, ở thời điểm sau khi chia tay, tình yêu của Kiều đối với Kim Trọng không những không hề “nhẹ” như chàng tưởng tượng, trái lại còn toàn tâm toàn ý dành tình cảm cho người yêu nơi phương xa.

Từ những điều phân tích, ta thấy tác giả đã rất chặt chẽ trong việc xây dựng Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai của đôi tình nhân. Đó là một cảm xúc tương ứng, trọn vẹn trong tình yêu đôi lứa. Có lẽ cùng chung cách hiểu này mà nhiều học giả khi viết về Truyện Kiều đã hữu ý lựa chọn một hình thức trình bày văn bản phù hợp.

1. Văn bản Nguyễn Du, “Truyện Kiều” ( Vũ Ngọc Khánh, Nhà xuất bản Thanh Hóa, năm 2005, trang 54):

Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.

Não người cữ gió, tuần mưa,

Một ngày nặng gánh tương tư một ngày…

Nàng còn đứng tựa hiên tây,

Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.

Trông chừng khói ngất song thưa,

Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng.

Ở văn bản Nguyễn Du, “Truyện Kiều”, kết thúc dòng cảm xúc của Kim Trọng, tác giả đã sử dụng dấu ba chấm (…) để chuyển sang mạch cảm xúc của Kiều.

2. Văn bản Từ điển “Truyện Kiều” (Đào Duy Anh, in lần thứ hai, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1989, trang 539):

Buồn trông phong cảnh quê người,

Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.

Não người cữ gió, tuần mưa,

Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.

 

Nàng còn đứng tựa hiên tây,

Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.

Trông chừng khói ngất song thưa,

Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng.

Ở văn bản Từ điển “Truyện Kiều”, các câu miêu tả cảm xúc của chàng Kim và Kiều được phân cách bằng một khoảng trắng.

3. Văn bản TruyệnThúy Kiều (Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, Nhà xuất bản Thế Giới, năm 2015, trang 90):

Buồn trông phong cảnh quê người,

Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.

Não người cữ gió, tuần mưa,

Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.

              IV

Nàng còn đứng tựa hiên tây,

Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.

Trông chừng khói ngất song thưa,

Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng.

Ở văn bản Truyện Thúy Kiều, cảm xúc của Kim và Kiều đã được người biên soạn phân tách rất rõ ràng theo từng phần (phần III và phần IV).

Qua khảo sát hình thức trình bày các câu thơ thể hiện tình cảm Kim - Kiều sau khi chia tay chỉ ở 3 văn bản đã dẫn, có thể nhận thấy cách lý giải như trên của chúng tôi về một đoạn thơ trong Truyện Kiều là có căn cứ.

Ông Phạm Quang Ái, trong bài viết đã nêu, cho rằng: câu thơ 564được chia thành hai vế tiểu đối “Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai” là để mở ra đoạn thơ tiếp theo nói về tâm trạng của hai nhân vật sau khi đã thật sự xa cách nhau. Hai câu thơ “Buồn trông phong cảnh quê người/Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa” là nói về Kim Trọng, là nỗi niềm, tình cảnh của Kim trên đường sang Liêu Dương xa xôi ngàn dặm. […].Đối ứng với hai câu tả nỗi niềm Kim Trọng là hai câu tả tâm tư Kiều. Nếu ở hai câu trên Nguyễn Du mở đầu bằng ngữ “buồn trông” thì hai câu tiếp theo, ông mở đầu bằng hai chữ “não người”. […]. Trên đường đi tới nơi đất khách xa xôi Kim vừa nhớ Kiều vừa lạ cảnh, lạ người nên có tâm trạng cô đơn, buồn miên man; còn Kiều thì “đứng tựa hiên Tây” hình dung chặng đường xa xôi Kim phải liên tục chịu cảnh “cữ gió, tuần mưa” mà lo phiền, ray rứt, khắc khoải “chín hồi vấn vít như vầy mối tơ”. Tóm lại, trong 4 câu thơ này tác giả tả tình cảnh, tâm tư của Kim và Kiều một cách khái quát, ước lệ; tả trong sự hình dung của mình và của chính nhân vật. Phải chăng đây là cách lý giải “đoạn nọ xọ đoạn kia”, chưa làm rõ được sự công phu và tinh tế của Nguyễn Du trong việc khám phá bản chất của mối tình Kim - Kiều?

***

Từ biến cố đầu tiên trong mối tình Kim - Kiều, Nguyễn Du đã hóa thân vào mỗi nhân vật để tạo dựng nên mối tình sắt son thuở ban đầu, gợi vô vàn cảm xúc cho độc giả. Qua thử thách về không gian, những dấu hiệu về “bệnh” tương tư của Kim - Kiều bộc lộ rất rõ. Đó là lẽ thường trong tình yêu, rất đáng được trân trọng.

Nhưng để hiểu rõ hơn bản chất tình cảm của đôi tình nhân, ta quay lại hai câu thơ Nguyễn Du dành thêm cho Kiều, như đã nói ở trên:

Còn non, còn nước, còn dài,

Còn về, còn nhớ đến người hôm nay!

Trong 14 chữ của câu lục và bát, tác giả dùng đến 5 chữ còn, một cách để nàng tự khẳng định tình cảm sắt son của mình. Rồi nữa, trong giờ phút chia tay, nàng đã thốt lên, nào là Đã nguyền…, Trăm năm thề…, nghe ra thật to tát (trong lúc đó Kim Trọng biểu lộ giản dị hơn nhiều!). Ta thử kiểm chứng lời Kiều qua phép so sánh sau khi Kim -  Kiều đứng trước thử thách chia li:

Về phía Kim Trọng

Sau khi quay lại tìm Kiều, chàng đã rất đau đớn. Dù bên canh có Thúy Vân, nhưng chàng đang lâm vào bi kịch tâm lí:

Khi ăn ở, lúc ra vào

Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa.

Nỗi nàng nhớ đến bao giờ,

Tuôn châu đòi trận, vò tơ trăm vòng,

Có khi vắng vẻ thư phòng

Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa.

Kể ra cái tâm của Kim Trọng trên bước đường tìm Kiều là không thể chối cãi, nhưng chỉ tiếc cho cái cách của chàng. Bởi thế, Nguyễn Du “Thương” cho “Nỗi chàng Kim Trọng” đang thực sự lo lắng về bước đường lưu lạc của Kiều hay thương cho một “bậc tài danh”, yêu đến cháy lòng nhưng trong xử sự không biết cách, không hợp tình, hợp lẽ nên đã được tác giả dành “tặng” từ “bấy chầy” đầy tính hình tượng đến thế? (Tham khảo thêm bài viết của chúng tôi:Kim Trọng, từ bước đường lưu lạc của Thúy Kiều, trích trong “Truyện Kiều”, chưa xong điều nghĩ…, trang 81).

Về phía Kiều

 Ta cần lưu ý hai điểm sau đây để ta nhìn nhận đúng thái độ sống của con người nàng. Thứ nhất, cái cáchbướm lả, ong lơi nơi lầu xanh đã nói lên rằng nàng chủ động chọn lối sống buông thả. Thứ hai, việc Kiều bên Thúc Sinh và Từ Hải không được coi là bất đắc dĩ, bởi nàng đã sống trọn vẹn với niềm hạnh phúc ấy. Như thế, tình cảm không thay đổi là chàng Kim chứ đâu phải là Kiều. Vậy có nghĩa là lời thề, nguyền của nàng với người yêu năm nào cũng trở nên rỗng tuếch. Điều đáng nói ở đây, một nàng Kiều không hề có ý thức trân trọng tình yêu.

Về cuộc chia tay Kim - Kiều, trái với cách thể hiện sâu sắc trong Truyện Kiều, chi tiết này được Kim Vân Kiều truyện  xây dựng rất đơn giản. Khi thư đồng báo tin, Kim Trọng nghe xong, bảo thư đồng về trước, đoạn vội chui qua giả sơn sang tìm Thúy Kiều. Lúc này Thúy Kiều còn ở sau vườn, Kim Trọng nói: “Thật là không may! Chú tôi mất ở Liêu Dương, cha tôi giục tôi về để đi rước linh cữu. Việc sửa soạn đã đầy đủ, ngay hôm nay phải khởi hành nàng ạ!” Lại dẫm chân và nói: “Chúng ta vừa được gặp nhau, lại xảy ra ngay việc phải xa nhau. Tôi đứt ruột ra mất, biết làm thế nào?”. Thúy Kiều cũng giật mình, nhưng sợ Kim Trọng buồn rầu, nên phải tìm lời an ủi: “Chàng ạ! Trai tài ở chí bốn phương, hà vì cớ nữ nhi mà lần chần, có điều cần đi mau về là chóng phải”. Nói xong, chảy nước mắt ra, Kim Trọng cũng nước mắt dầm dề. Chợt có tiếng thư đồng lại đến gõ cửa, thúc giục, đành phải gạt lệ từ biệt, rồi lật đật về nhà, thì thấy xe ngựa hành lí đã sẵn sàng chờ đợi ngoài cửa. Kim Trọng liền theo cha đi Liêu Dương. Lại nói, Thúy Kiều thấy Kim Trọng đi khỏi, bèn tìm mấy mảnh gỗ nát lấp lỗ hổng qua giả sơn, rồi về phòng thẫn thờ ngồi đợi. Chừng gần trưa, nghe tiếng gọi cửa, vội vàng ra mở thì thấy cha mẹ đã về. Dù chẳngthề, nguyền gì, vậy nhưng khi buộc phải vào nơi lầu xanh, nàng Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân đã sống bằng mối sầu chan chứa, ai biết đều chảy nước mắt, chứ đâu bướm lả,ong lơi như nàng Kiều trong Truyện Kiều. Để thay đổi bản chất cuộc chia tay Kim - Kiều so với nguyên bản một cách công phu như thế, Nguyễn Du đã gửi gắm ý đồ trong việc xây dựng nhân vật chính của mình. Nếu như đến với thiên truyện một cách hời hợt, ta cứ nghĩ  Kim - Kiều có một tình yêu mẫu mực, lí tưởng. Nhưng tìm hiểu tác phẩm một cách nghiêm túc, ta thấy Nguyễn Du đã rất dày công trong việc dẫn dắt người đọc nhận thức về một nàng Kiều luôn bất nhất trong lời nói và việc làm. Đó chính là thể hiện một thái độ không tôn trọng tình yêu của nàng. Rất thống nhất trong việc xây dựng nhân vật chính của mình, Nguyễn Du đã giúp ta nhận thức về một nàng Kiều từ thử thách đầu tiên cho đến ngày gặp lại người yêu, chỉ là một mẫu người sống bằng cảm tính, hời hợt mà thôi. Không chủ quan khi nghe nàng nói, nhìn khách quan vào việc nàng làm cũng là cách giúp ta tiệm cận với cốt lõi vấn đề từ lớp ngôn ngữ đầy tính “đánh đố” của Nguyễn Du. Có như thế ta mới hiểu cái tâm của tác giả trong việc cảnh tỉnh nhận thức của con người về cuộc sống. Hãy đừng vì những hình mẫu bề ngoài chuẩn mực che lấp những phần khiếm khuyết bên trong mà quên đi việc phải khám phá về bản chất của nó. Bởi vậy, khi xây dựng cảm xúc Kim - Kiều khi chia tay đầy tính gợi mở, Nguyễn Duđang thực sự bộc lộ nỗi niềm trăn trở, lo âu của mình trước số phận con người mà Thúy Kiều là một hình tượng nhân vật mang tính chất tiêu biểu. (Tham khảo: Mua vui cũng được một vài trống canh, trích “Truyện Kiều”, chưa xong điều nghĩ, trang 237).

Đến với kiệt tác Truyện Kiều, chớ lầm tưởng có thể đọc đâu hiểu đấy ngôn ngữ kể chuyện của tác giả. Chuyên tâm mày mò, sau mỗi lần vỡ vạc, ta cứ ngờ ngợ, có phải cụ Nguyễn Du luôn mong muốn chúng ta là những độc giả có trách nhiệm hay không?

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511913

Hôm nay

2239

Hôm qua

2337

Tuần này

22287

Tháng này

218786

Tháng qua

121356

Tất cả

114511913