Văn hoá học đường
Căn phòng xưa vẫn sáng
GS - NGND Lê Đình Kỵ
Ngày 24 tháng 10/2009, từ thành phố Hồ Chí Minh, cái tin GS. Lê Đình Kỵ qua đời bay ra miền Bắc như một cơn gió lạnh. Vậy là anh linh một danh sư, một trong 100 chân dung của Đại học Quốc gia Hà Nội đang lùi về thiên cổ. Nghe tin buồn, chúng tôi, đám học trò - đồng nghiệp của Giáo sư những năm 70 tất thảy đều nín lặng. Nén tiếng thở dài, trong lòng mỗi người chúng tôi lại xôn xao thức dậy những hình ảnh kỉ niệm về người Thầy yêu quý của mình.
Năm 1969, khi cuốn sách Đường vào thơ của Lê Đình Kỵ đến tay đám học trò yêu thơ thế hệ chúng tôi, đọc xong, chúng tôi cứ hình dung tác giả cuốn sách theo mẫu chân dung nhà thơ Xuân Diệu: một mái tóc bồng, một đôi mắt đầy ma lực thi nhân… Vào đại học, chúng tôi sung sướng báo cho nhau tin vui: tác giả chính là thầy sẽ dạy môn Lý luận văn học cho 2 lớp Văn - Ngữ đại học Tổng hợp HN khóa 15. Ngay trong buổi học đầu tiên, lớp tôi điểm danh thấy vắng hẳn 5 người. Thật vô kỷ luật, anh lớp trưởng tức tối. Nhưng rồi 5 phút sau, 5 người vắng mặt nọ chạy ào vào như cơn lốc, mặt người nào trông cũng hả hê. Một người trong bọn kêu lên, tỏ vẻ hơn đời: Đã mục kích một thi nhân!
Cả giảng đường ngơ ngác, lát sau mới vỡ lẽ: nhóm 5 người nọ đã nấp quanh bể nước máy ký túc xá, chờ thầy Lê Đình Kỵ xuống rửa mặt để được nhìn thầy tận mắt. Chả là vì Thầy Kỵ hay đọc sách khuya, dậy muộn, ban ngày Thầy “cố thủ” nghiên cứu, viết lách trong bốn bức tường, nên chỉ kiên trì mai phục ở bể nước tập thể mới bắt gặp được Thầy.
Quả thực, Giáo sư Lê Đình Kỵ ngày ấy khi xuất hiện đã “chấn chỉnh lại” trí tưởng tượng lãng mạn của đám sinh viên năm thứ nhất chúng tôi. Thầy hoàn toàn không có phong độ hào hoa, tinh tế như văn phong của Thầy. Dáng người Thầy thấp, đậm, khuôn mặt khắc khổ, giọng nói nặng nhọc, không dễ nghe. Ngồi lâu bên Thầy, người ta mới giật mình vì cặp mắt của Thầy khác lạ. Thầy nhìn lúc nào cũng như nhìn về miền viễn xứ, nhìn vào mênh mông. Nhìn người nói chuyện với mình mà đôi mắt ấy như đang sống với người của phương trời nào đó. Mãi sau này chúng tôi mới biết: ánh mắt khác lạ ấy chính là “di sản động” của một cuộc kháng chiến và ẩn chứa nỗi niềm hoài hương: Thầy đã từng là Tiểu đoàn phó một tiểu đoàn quân báo, chiến đấu bị thương hỏng mắt, tập kết ra Bắc, Thầy đưa theo 2 con trai, để lại người vợ hiền đất Quảng đang mòn mỏi chờ mong.
Năm 1971, chưa kịp vào năm thứ 2, khoảng hai chục sinh viên khóa 15 chúng tôi vào lính. Chưa được học Thầy, vào chiến trường, chúng tôi vẫn thấp thỏm mong ngày kết thúc chiến tranh, sống sót khỏe mạnh trở về để được thụ giáo Thầy. Năm 1975, khi đã “chiến thắng trở về”, có dịp được gần Thầy, chúng tôi có lần hào hứng kể chuyện chiến trường, với hy vọng sẽ được thầy chia sẻ, đồng cảm như một cựu binh. Nhưng lạ một điều, gần như Thầy không xúc động. Đất nước đã hòa bình rồi. Thầy coi chuyện chúng tôi ra chiến trường cũng là chuyện tự nhiên, là bổn phận của “đàn ông thời loạn”. Câu chuyện chiến đấu của người chỉ huy quân báo chống Pháp khi xưa, như đã bị Thầy gói gọn, niêm phong, đẩy sâu vào kí ức, đặng mà toàn tâm toàn ý cho những vấn đề khoa học và đào tạo trước mắt.
Thầy Kỵ nổi tiếng trong các trang sách, trang báo bao nhiêu thì lại chìm tiếng bấy nhiêu trên bục giảng. Học trò của Thầy trên lớp nếu không kiên nhẫn theo dõi, đuổi bắt tư duy của Thầy, sẽ thấy bài giảng của Thầy khô khan, rời rạc. Thầy giảng theo kiểu độc thoại của một triết gia, không mấy để ý tới người nghe, nhìn vào lòng mình mà nói. Có lần Thầy ra đề thi chuyên đề cho lớp sinh viên năm thứ 4 chúng tôi cực khó. Đề đã khó, lại còn thêm lời dặn dò, khuyến cáo thế này: “Bài viết 120 phút, nếu viết quá 3 trang, không chấm!” Kết quả là Thầy chấm bài, cho nửa lớp thi lại. Mấy năm sau, có dịp thuận lợi, tôi hỏi vì sao Thầy khống chế, chỉ cho viết 3 trang, Thầy cười trả lời: “Học đến năm thứ 4 rồi, quan trọng là trình bày vấn đề, lập luận, không cần làm văn làm vẻ. Tớ ra đề khó, bắt viết ngắn còn để mình chấm cho nhanh. Đánh bẫy một tý trong đề thì rất dễ chấm, vì biết ngay cô cậu nào lười học, lười suy nghĩ. Đề thi yêu cầu viết ngắn gọn 3 trang như vậy sẽ phân hóa ngay ra hai loại: đúng và sai, không có văn vẻ loanh quanh, nửa vời. Khi đó chấm bài chỉ cần chấm chéo”. Tôi hỏi: Thế nào là “chấm chéo”. Thầy bảo: Là không đọc ngang, lần lượt từng dòng, mà đọc mấy chữ góc trên kéo xuống mấy chữ góc dưới trang giấy, theo đường chéo hình tứ giác. Chấm chính xác mà không mất mấy thời gian. “Ngửi” qua là biết ngay trò có hiểu đề thầy ra không. Không hiểu thì cho hai điểm, thi lại, chứ đọc làm gì cho mất thời gian…”
Sau chiến tranh, lúc chúng tôi học Thầy, Thầy đã cho in các giáo trình Lý luận văn học, chuyên luận Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, tuyển tập phê bình “Đường vào thơ”…, cùng cả một pho kinh nghiệm lịch duyệt trong giảng dạy và nghiên cứu văn học. Vào cuối những năm 60, khi chiến trường miền Nam vẫn tuần tự qua các chiến dịch 2 mùa khô ướt, chiến tranh chưa biết đến khi nào “hạ hồi phân giải”, đó đây trên các giảng đường và các cuộc hội thảo, người ta nhắc đến nhà phê bình Lê Đình Kỵ vẫn phải có chút hạ giọng, thì thào. Chả là, những quan niệm có phần cởi mở, đổi mới trước thời của Thầy xung quanh vấn đề tính người trong văn học đã đẩy bút danh Thầy vào khu vực những cây bút thiếu kiên định trên lập trường giai cấp. Nhưng đối với Thầy, nỗi oan khuất này không có gì đáng bận tâm nhiều. Sau bài viết Mấy đính chính cần thiết, in trong Tạp chí Văn học tháng 2, năm 1963, Thầy không trở lại vấn đề. Trước cuộc đời, văn học còn nhiều nẻo đường tiếp cận, còn hàng trăm vấn đề nặng nợ. Chân lý rồi sẽ được thực tiễn kiểm chứng, đúng như dự cảm của Thầy.
Năm nọ, anh Trần Khánh Thành - một môn đệ yêu của Thầy hỏi lại câu chuyện quan điểm - lập trường nhân tính cũ, Thầy cười hiền lành, trả lời: “… may mà hồi đó các anh ấy nể mình là cán bộ miền Nam tập kết nên đã nhẹ tay!”
Chỉ chú trọng vào hiệu quả công việc, quá dễ dãi trước các nhu cầu ăn ở, trang phục, quan tâm tới cái đại cục, biết cảm thông, đại xá, tôn trọng học trò, công bằng, chính xác khi đánh giá đồng nghiệp - những điều ấy đã thành lẽ ứng xử tự nhiên của Thầy.
Tôi nhớ có lần Thầy đang bận thu xếp giấy tờ, hành lý, chuyển vào Nam làm việc, nhưng lại cần hoàn chỉnh gấp bản thảo công trình “Thơ Tố Hữu” để bàn giao cho nhà xuất bản. Thấy tôi rỗi rãi, chưa phải lên lớp, Thầy nhờ tôi soát dăm chục trang mo-rát. Tôi đọc, mê quá, cứ giữ lại, nghiền ngẫm, chữa ngữ pháp, tu từ dăm bảy chỗ. Thầy dục hai lần tôi mới trả lại Thầy. Mấy ngày sau, trước khi ra tầu vào Nam, Thầy gọi tôi vào phòng, cho tôi nải chuối rất to, nhưng lại cười, bảo: “Tớ nhờ cậu chữa chính tả, cậu lại chữa cả văn, làm tớ nhớ mãi mới khôi phục được chữ cũ”. Tôi cầm nải chuối về, chia cho bạn bè, nhưng riêng mình thì nuốt không nổi. Đúng là ngựa non háu đá, tôi đã không giúp được, lại còn làm khổ Thầy. Vậy mà ít lâu sau, khi đã ổn định công việc tại Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, trở ra Hà Nội, Thầy vẫn cho tôi sách, ký tặng, cám ơn tôi như không có chuyện gì xảy ra.
Thấy Thầy vất vả, nặng gánh gia đình khi hồi hương, khi cầm cuốn “Thơ Tố Hữu” được tặng, còn thơm mùi mực in, tôi tần ngần nghĩ về nó như một phương tiện tìm kiếm sự giúp đỡ, bảo trợ cho Thầy. Tôi thắc mắc, hỏi Thầy: vì sao Thầy không không đem sách đến nhà, tặng tận tay nhà thơ Tố Hữu, người sắp thành Phó Thủ tướng, hay chí ít cũng viết đề tặng rồi gửi ai đó cho nhà thơ biết sớm có một chuyên luận đầu tiên, dày tới 600 trang nghiên cứu về mình? Thầy cười: “Tớ không biết nhà, mà đằng nào anh ấy chả biết, tìm đọc”. Tôi hăng hái định mách cho Thầy địa chỉ gia đình nhà thơ, nhưng đã kìm miệng kịp, không lộ sự “ngu lâu” của mình. Tôi lặng lẽ nhìn Thầy: Trong cái nhìn xa xăm của Thầy vẫn long lanh cái tiết tháo của kẻ sĩ.
Thầy Kỵ của chúng tôi có rất nhiều giai thoại. Nhiều học trò tài hoa (nhưng nhiều tật đáng yêu) và là những nhà thơ có tiếng sau này đã được mọi người gắn tên tuổi với địa chỉ căn phòng Thầy Kỵ. Căn phòng đó nổi tiếng như một vương quốc riêng của giáo sư - thi sỹ. Căn phòng còn mang ý nghĩa biểu tượng cho một nơi kiểm nghiệm sức bền chịu đựng của con người. Mỗi sinh viên có một cách kể riêng về căn phòng. Chẳng hạn: Thầy Kỵ chỉ mắc màn một lần, tháo màn một lần, vào dịp Tết đến hoặc khi cần vứt bỏ… Phòng Thầy có hàng chục chỗ để chè, khi cần pha chè, tìm đâu cũng có… Thầy có hai chục bát ăn cơm, tuy không đánh số, nhưng ăn lần lượt đến chiếc 20, cuối tuần mới “rửa một thể”… Căn phòng cổ tích đó chứa đựng dấu vết một thời hậu chiến gian khó và nỗi gian truân của người đàn ông độc thân. Mỗi câu chuyện học trò thời đó đều có sự phóng đại, hư cấu nhiều tình tiết. Có điều, xuyên suốt trong các giai thoại về Thầy vẫn đọng lại một tư tưởng bất biến. Đó là tình yêu, sự kính trọng và niềm tự hào được làm học trò nhỏ của Thầy.
Thầy làm việc lặng lẽ và công bố các công trình của mình cũng rất thận trọng, lặng lẽ. Riêng tôi, tôi thực sự yêu Truyện Kiều khi đọc chuyên luận “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du” - một tác phẩm tâm đắc của Thầy. Khi xưa, Thầy là một trong hai Tú tài miền Nam đỗ hàng thủ khoa, được Nam Phương Hoàng hậu tặng thưởng. Thầy dùng tiếng Pháp thuần thục, đặc biệt là ngôn ngữ văn bản. Vì đã từng phiên dịch, thường xuyên hỏi cung tù binh bằng tiếng Pháp, Thầy chuyển sang tự học và sử dụng tiếng Nga không mất mấy thời gian và rất hiệu quả. Tuy vậy, có lần thấy chúng tôi - các giảng viên trẻ, cặm cụi đọc sách tiếng Nga, Thầy dặn ngay: “Luyện ngoại ngữ nhưng cũng cần đọc chọn lọc và có phương pháp. Nhiều vị giáo sư nước ngoài viết cũng nhạt lắm, sa vào mà đọc cả cuốn, mất hết thời gian, nếu để thời gian đó mà chủ động nghiền ngẫm, thì mình viết cũng chả kém giáo sư Tây”. Thực lòng, khi nghe Thầy nói vậy, chúng tôi vẫn còn bán tín bán nghi. Chúng tôi chỉ thực sự thấm thía lời Thầy khi đã trải qua hàng chục năm nghiên cứu, tiếp xúc với tài liệu nước ngoài. Cùng với chuyên luận về Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, tập bài phê bình “Đường vào thơ” của Thầy đã chứng minh điều đó, và thực sự dẫn dắt chúng tôi vào sâu trong thế giới văn chương. Cho đến hôm nay, đọc lại bài “Những biển cồn hãy mang đến trong thơ” Thầy viết, ta có thể dễ nhận ra cái cấu trúc tự nhiên “3 trong 1”, ba phẩm chất trong cây bút Lê Đình Kỵ: nhà khoa học - người lính và một nhà thơ.
*
Tôi viết những dòng tản mạn này tại ký túc xá Mễ Trì, khi nghe tin Thầy mất. Chúng tôi nhận tin buồn về Thầy một cách bình tĩnh. Gần đến tuổi 90, Thầy nằm mệt đã lâu nên học trò, đồng nghiệp đã được chuẩn bị trước về tâm lý để chịu đựng nỗi đau mất mát. Trong đêm khuya, tôi lang thang trên sân trường, hướng nhìn lên căn phòng thuộc nhà C2, xưa Thầy ở. Căn phòng vẫn còn đó, rực rỡ ánh đèn và vang tiếng nhạc Jazz. Căn phòng đã được nâng cấp khang trang cho sinh viên thuê trọ. Chắc chắn là các sinh viên trên ấy không hề biết thầy Kỵ đã ra đi. Chắc gì họ đã biết tên Thầy. Nếu có biết, chắc gì họ thích đọc sách Thầy hơn chơi game điện tử. Thời gian sao mà phũ phàng. Nhìn đám sinh viên vô tư đi lại trên hành lang căn phòng trong tiếng nhạc buồn, tôi chợt nhớ câu thơ Nga một thời mình vẫn nhẩm: “Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo”. Trong tôi chợt trào lên một ao ước lớn: có một ngày căn phòng giai thoại ấy sẽ được gắn tấm biển đề: Đây là căn phòng người viết ĐƯỜNG VÀO THƠ - Giáo sư LÊ ĐÌNH KỴ.
Mễ Trì, 25/10/09
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Nguồn gốc truyện kể dưới sự soi sáng của loại hình học
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Thống kê truy cập
114515346
224
2367
2947
213285
121009
114515346