Văn hoá học đường

Dọn sạch nhà mới thấy luận văn

Vẫn mê kịch nên tôi chọn đề tài luận văn tốt nghiệp là “Xung đột bi kịch trong Hăm let và Ô ten lô của Secxpia”. Tác giả quá nổi tiếng trên thế giới, là biểu tượng của văn hóa Anh Quốc, xứ sở sương mù, là thần tượng bao thế hệ, là nhà văn, nhà viết kịch qua mọi thời đại. Tác giả đã lớn lại quá nhiều người nghiên cứu. Vậy mới là sinh viên năm cuối như tôi, trong điều kiện quá thiếu thốn, khó khăn mọi mặt thì làm sao kham nổi. Đấy là tóm lược những ý kiến can ngăn của bạn bè khi tôi nhận đề tài. Đăng ký xong thì tôi biết là được thầy Nguyễn Văn Khỏa hướng dẫn. Các anh chị quen thân ở lớp trên lắc đầu lè lưỡi: “Thầy nghiêm khắc lắm đấy”. Có một chị ở lớp trên nữa (xin được dấu tên) mặt mày cau có bổ luôn: “Tớ bị thầy hướng dẫn rồi. Chỉ một từ thôi, chị xin tặng cậu em là “HÃI”.

Lần đầu xin ý kiến về luận văn, thầy không nhìn tôi, nhăm nhăm vào gáy mấy cuốn sách tiếng Pháp đang tìm kiếm, nói một thôi một hồi như lúc giảng “Promete bị xiềng”, vẫn chất giọng khàn khàn. Tôi chỉ nghe, không hỏi thêm. Thầy bảo: “Về làm đề cương đi. Tuần sau đưa tôi xem”. Tôi viết đề cương khái quát tràn 4 trang giấy học trò. Xem qua, thầy không nhận xét, chỉ nói ngắn gọn: “Dài quá. Làm lại 2 trang thôi”. Tôi rút gọn lại 2 trang rồi làm đề cương chi tiết, nộp cho thầy luôn thể. Lần này thầy xem lâu hơn, rồi hỏi: “Em đã cố gắng hết mức chưa?” “Dạ, thưa thầy em suy nghĩ nhiều rồi ạ.” “Thế thì 2 điểm”. Tôi hoảng quá. Xem kỹ những chỗ thầy đánh dấu hỏi (?), đọc thêm tài liệu, vắt óc suy nghĩ, thêm chương này, bớt phần kia. Cuối cùng tôi nộp cho thầy bản đề cương chi tiết mới kèm bản cũ có nhiều dấu hỏi của thầy. Xem qua, thầy cười. Lần đầu tiên tôi thấy thầy vui. “Được rồi. Về viết đi nhé.” Vui như mở cờ. Tôi vừa đi vừa chạy, vừa ngoái nhìn thầy. Nhỡ ra thầy gọi lại, đổi ý thì nguy. Tôi tranh thủ viết. 

Không nghiện thuốc lá nên tôi ít bị cuốn vào những cuộc hội ý bất đắc dĩ. Tỷ như Phạm Xuân, Bế Kiến Quốc, Lê Thông, Lưu Quốc Sỹ,… lúc nào cũng phì phèo trên đôi môi thâm đen những điếu thuốc rẻ tiền, rẻ đến mức: rê, thuốc vụn, thuốc cám cuốn giấy báo. Khét lẹt. Nói thật, ngồi gần những ống khói di động ấy khó thở lắm. Thế nhưng, chúng họ vẫn coi là đẳng cấp và không ngớt lời chê cánh “đối lập” là đàn bà, là váy đụp. Trần Viết Huân đốp chát: “Thì - thì - thì… đàn bà, nhưng mà thơm”. Nhưng có một đêm đông, khuya lắm lắm, đọc xong “Tuyển tập kịch Sech pia”, tôi mệt nhoài, thả bộ xuống nhà dưới, nghe tiếng cười rinh rích. Thì ra các “ống khói di động” sau khi thải hết khí độc, vứt mẩu thuốc cuối cùng ra sau cửa sổ. Học khuya, buồn ngủ, có anh nghiện mò ra sau hè nhặt mẩu thuốc, tỷ mẩn gom từng sợi vụn, hút lại. Có phải một anh thông minh đâu mà vài ba anh cùng nảy ra sáng kiến nên gặp nhau dưới cửa sổ. Cảnh huống này mà chào nhau thì kỳ quá, nên bèn hỏi: “Ông làm gì đấy?”. Bên kia thì thào: “Tớ bắt cào cào”. Chao ôi, có ai đi bắt cào cào, châu chấu vào nửa đêm về sáng kia chứ. Thêm một từ mới để chỉ mấy anh nghiện “cào cào”. Tôi đem chuyện này kể cho Huân và Bính nghe. Chúng hắn sướng quá, vỗ tay đen đét.

Đã nghiện thuốc lá thì ai cũng giống ai, chỉ khác cách hút thôi. Riêng thầy, Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn có cách hút thuốc rất lạ. Dù điếu thuốc to nhỏ, ngắn dài, rẻ tiền hay thượng hảo hạng thầy đều cho vào hộp màu vàng sang trọng. Bên trong có sợi giây thun kẹp chặt và manh xơ lam. Mỗi lần hút, thầy cẩn thận cắt điếu thuốc làm đôi, đều chằn chặn. Hút hết nửa điếu này, nghỉ ngơi mới đến nửa điếu khác. Rất tiết kiệm. Có lần, về Hà Nội, thầy đến mua sắm ở cửa hàng Bách hóa Bờ Hồ. Hôm sau thầy lại đến, cô mậu dịch viên trẻ măng, đứng quầy “Thanh niên làm theo lời Bác” dõi theo ánh mắt của thầy giáo già hỏi: 

- Thưa bác, có phải bác tìm cái này không ạ? 

Nhìn nửa điếu thuốc lá gói cẩn thận trong phần tư trang giấy poluya, thầy gật đầu khen: 

- Thanh niên xã hội chủ nghĩa có khác. Thật thà lắm. Tốt lắm. Cảm ơn hỷ.

Thi vấn đáp:  “Lịch sử Văn học Nga” của thầy, giáo sư Hoàng Xuân Nhị là môn cuối cùng. Tôi nhăm nhăm nhìn vào nửa điếu thuốc lá đặt ngay ngắn trên nắp hộp vàng để tập trung trả lời. 4 điểm. Thở phào nhẹ nhõm, tôi lao vào viết luận văn. 

Chuyển về La Khê, Hà Đông cả tháng trời, tôi mới viết xong lần thứ nhất. 120 trang giấy học trò kín chữ theo tôi ra phố Trần Hưng Đạo nộp cho thầy Nguyễn Văn Khỏa. 

-​ Xong rồi hả. Em để trên bàn. À mà không, để cuối giường. 

Thầy bảo mười ngày sau đến, vào đầu giờ chiều. Đến hẹn, thầy nói ngay: 

- ​Em đã cố gắng hết mức chưa?

-​ Dạ thưa thầy, em gắng sức rồi đấy ạ

-​ Tôi biết, vì vậy nên quá dài. Anh viết lại còn 80 trang thôi nhé.

-​ Thưa thầy, em nên cắt ngắn phần nào ạ?

-​ Ơ hay, em phải tự hỏi mình chứ?. 

Cắt phần nào cũng tiếc. Tháng sau tôi nộp quyển 80 trang, chữ viết sin sít, chừa lề be bé. Thầy cười, cũng khàn khàn như giọng nói. Linh tính chẳng lành, tôi cố gặp thầy để thăm dò, xin ý kiến, nhưng không thành. Tuần sau, thầy không gọi tôi đến nhà lấy bản thảo luận văn mà nói ngay. 

-​ Nếu em bằng lòng với điểm 3 thì để đấy, muốn hơn thì lấy về chữa lại, nhưng mà chỉ 60 trang thôi nhé. Nhớ viết rộng rãi, cho chữ nó thở nữa chứ?

Tôi bắt đầu hoảng.

Nghiệm lại, các anh các chị đi trước nói quá đúng. Thầy khó tính thật. Chả thế mà rất ít bạn nữ nhận làm luận văn với thầy. Để có thêm dũng khí, tôi rủ Lương Kỳ đến nhà thầy Khỏa trước là thăm sức khỏe thầy, sau là thăm dò số phận bản luận văn đã được chỉnh sửa. Lần này tôi thề là cuối, đúng 60 trang, chữ khoáng đạt, dễ thở. Thầy vẫn như mọi lần, không mời ngồi, không cười, lẳng lặng ngồi vào bàn. Lương Kỳ từ tốn: 

- Thưa, hôm nay thầy không được khỏe ạ? 

- Thầy hăt xì hơi thay câu trả lời rồi bảo tôi: 

-​ Xong rồi đấy. Hình như tôi cất trên nóc tủ. 

Tôi và Lương Kỳ tìm mãi không thấy. Thầy bảo các em sắp xếp sách báo gọn gàng cho thầy, khắc thấy. Xếp hết cả tủ sách, vẫn chưa thấy luận văn, tôi bắt đầu lo. Chao ôi, phải viết lại thì khốn khổ biết chừng nào. Bỗng thầy kêu lên như “Ơ rê ca”. “Trên giường”. Chao ôi, nhìn cái giường của thầy Khỏa mà tôi và Lương Kỳ cùng ngao ngán. Nào báo, sách, tiểu thuyết, nghiên cứu, phê bình, giáo trình, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, cả những bản in roneo trên giấy ố vàng, chữ tỏ, chữ mờ. Hai chúng tôi giải phóng mặt giường ra khỏi đống sách báo ngồn ngộn, nhưng vẫn không thấy bản luận văn. Thầy phán đoán: “Hay là rơi xuống gầm giường?” Lương Kỳ nhanh nhẩu bò vào gầm giường. Anh chàng to, cao, gầm giường lại thấp nên chui vào thì dễ, thoát ra thì khó. Lương Kỳ như dội cả chiếc giường lên để chạy thoát mùi hôi, khắm cực kỳ khó chịu. Kỳ rỉ tai tôi: “Mùi cóc chết”. Thì ra thủ phạm là đôi giày bộ đội, cao cổ lấm bùn và đôi tất ướt nhèm, lâu ngày lên meo, không biết có từ tuần nào, tháng nào. Thầy bịt mũi bảo tôi: 

-​ Em mang ra vòi nước giặt cho thầy. 

Tôi kiếm được chiếc chậu tráng men hoen rỉ, méo mó ở góc nhà ngâm “đôi cóc chết”. Tranh thủ thời gian, hai đứa lại lụi cụi tìm được bản luận văn bị kẹp giữa hai thanh dát giường. Lần này thầy Khỏa cười thật sự, to và khàn: 

-​ Ổn rồi. Muốn điểm cao thì em phải bảo vệ tốt. Muốn bảo vệ tốt thì em phải đạt hai điều: Một là trả lời tốt câu hỏi phản biện, hai là cách trình bày tóm tắt luận văn phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và sáng tạo, có nghĩa là phải có cái gì mới. Hiểu chưa? 

Hôm nay thầy nói nhiều. Tôi biết có hỏi thêm thầy cũng không trả lời nên cùng Lương Kỳ xin phép ra về.

Tôi được bảo vệ luận văn tốt nghiệp tại tòa nhà ngoài cùng khu Thanh xuân, nay là Trường Đại học Ngoại ngữ.

Xin nói thêm là để được học ở khu nhà 4 tầng này, chúng tôi cùng khoa Sử đấu tranh quyết liệt với Bộ Nội thương mới được một phần. 

Số là, từ nơi sơ tán về, nhiều đơn vị muốn chiếm khu nhà này. Mặc dù bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, nhưng vẫn còn nhiều nhà sử dụng được. Cuộc tranh giành nhiều ngày bất phân thắng bại, cuối cùng thầy Hoàng Hữu Yên, Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn cầm đầu hai khoa Văn và Sử đàm phán với Nội thương. Theo đúng ý đồ,trong khi thầy thương lượng thì chúng tôi vào từng phòng kê giường, bàn ghế như sự đã rồi. Một số nhân viên, cô giáo của Trường Ngoại ngữ có con nhỏ vào cố thủ trong những phòng lành lặn nhất. Khi hai bên thỏa thuận ai ở đâu nguyên vị trí đấy thì bên Nội thương vô cùng ngạc nhiên là nhiều phòng đã bị sinh viên Văn chiếm giữ. Sinh viên khoa Sử được chia phần ở khu nhà bên kia đường bị đổ nát nhiều. Nhưng ở đó lại có nhà ăn chung của hai khoa nên sinh viên Văn, Sử thường gặp nhau, lời qua tiếng lại về chia nhà không đều có lúc lên cao độ. Các bạn nữ ít để ý, nhưng sinh viên nam từng tham gia “đánh chiếm” nhà có nhiều ấm ách. Chả thế mà trận bóng đá giao hữu hai khoa Văn, Sử về cuối “đá bóng thì ít, đá đít thì nhiều”. Ấy vậy mà về sau, nhiều đôi Văn - Sử vẫn nên duyên chồng vợ.  

Một thời lạ thật. Ghét nhau đó, rồi thương yêu nhau liền.

Tôi được thầy Đỗ Ngoạn, giảng dạy văn học phương Tây phản biện luận văn. Thầy trẻ, béo trắng, thư sinh, nói ít, nhỏ nhẹ nên tôi bớt hồi hộp. Thầy Khỏa đặt tay lên vai tôi: “Cố gắng nhé.” Lần đầu tiên thầy có cử chỉ thân mật như vậy. Tôi mừng thầm, nhưng vẫn lo. Các thầy, các cô trong Hội đồng bảo vệ luận văn tốt nghiệp ngạc nhiên khi tôi xin phép treo lên tường tấm sơ đồ vẽ chằng chịt những mũi tên, đường chéo. Một bên là sơ đồ thể hiện xung đột trong bi kịch Hăm lét và Ô ten lô, một bên là xung đột xã hội nước Anh cùng thời. Tôi không đọc bản báo cáo tóm tắt mà theo từng chỉ dẫn sơ đồ trình bày diễn biến từ thấp lên cao của xung đột bi kịch, thể hiện mâu thuẫn cao độ của xã hội. Tính cách nhân vật được hình thành, phát triển và khẳng định qua xung đột kịch và chính xung đột kịch tạo điều kiện cho tính cách nhân vật hoàn thiện. Nói xong, tôi cũng bất ngờ là bản tóm tắt vẫn nằm im trên bàn. Thầy Khỏa không nói gì thêm. Thầy Ngoạn bảo lần đầu tiên thấy sinh viên khoa Văn trình bày tóm tắt luận văn bằng sơ đồ. Thầy phản biện cho điểm 5/5. Thầy hướng dẫn cho 4 (cộng)/5. Điểm cuối cùng là 5 (trừ). Rất tiếc là thời gian qua lâu, gần nửa thế kỷ, nhà trường lại di chuyển nhiều lần nên tôi đã cố công mà chưa tìm lại được bản luận văn tốt nghiệp. 

Khi tôi viết những dòng hồi ức này thì nhiều người thầy kính yêu của tôi đã về với tổ tiên. Thế hệ chúng tôi thật sự may mắn được học với các thầy, các cô giáo hàng đầu về mọi mặt. Đó là Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh, Hoàng Hữu Yên, Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, Nguyễn Văn Khỏa, Nguyễn Trường Lịch, Hà Minh Đức, Nguyễn Tài Cẩn, Chu Xuân Diên, Nguyễn Liên, Bạch Năng Thi, Nguyễn Lộc, Nguyễn Kim Đính, Trần Đình Hượu, Nguyễn Ngọc Sơn, Đặng Thị Hạnh, Hồng Sâm. 

Gần nửa thế kỷ sinh viên đi qua, nhưng trong tôi, vẫn còn đó, một Đinh Gia Khánh nói nhanh, cười chậm, chú tâm dạy cho học trò biết và thấm nhuần phương pháp luận khi ra đời. Thầy bảo: Phải có bản lĩnh nghiên cứu, phải có con mắt nhìn phản biện. Một Hoàng Như Mai hào hoa, khoan thai với lời căn dặn là phải biết góc tiếp cận hiện thực cũng như sách vở, biết phân tích từ những gì cụ thể dù là nhỏ ly ty để nói lên cái đẹp, cái lớn lao, hàm chứa triết lý sống. Một Nguyễn Văn Khỏa giản dị, đơn giản trong cuộc sống, nhưng nghiêm khắc đến nghiệt ngã trong công việc, lúc nào cũng bắt học trò phải tự suy nghĩ, không dựa dẫm vào thầy, bắt phải sáng tạo. Thầy bảo “có lúc tôi gây áp lực cho em, em thấy khó chịu, nhưng sau đó em làm việc tốt hơn, đúng không?” 

Làm việc phải thế. Ở đâu cũng vậy thôi. Người thầy luôn luôn đòi hỏi học trò của mình ngày hôm nay phải khác hơn ngày hôm qua. Riêng thầy Nguyễn Văn Khỏa rất nhàm chán với sự lặp lại. Vậy nên thầy thích thơ của Blôc. Trong một câu không lặp lại từ, dù chỉ là một.

Sau này có dịp giảng dạy cho sinh viên Học viện Báo chí, tôi thường dùng sơ đồ dắt dẫn bài giảng. Tôi thường nói với phóng viên dưới quyền rằng phải có góc nhìn đúng, tìm cách tiếp cận để đi thẳng vào hiện thực, phải chọn những chi tiết đắt để nói lên cái lớn hơn, phổ quát hơn. Phải không ngừng sáng tạo, biết làm mới một bản tin khi phát lại.

Những gì có được, nói được, tôi thụ hưởng từ những người thầy yêu quý./.

Vĩnh Trà

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515345

Hôm nay

223

Hôm qua

2367

Tuần này

2946

Tháng này

213284

Tháng qua

121009

Tất cả

114515345