Văn hoá học đường
Ấn tượng về một người thầy
PGS Lê Bá Hán
Tôi được tiếp xúc và được theo học thầy Lê Bá Hán từ năm 1977. Năm đó tôi bước vào lớp cuối cấp phổ thông (hệ mười năm), chuẩn bị thi vào đại học. Bố tôi cùng hai phụ huynh nữa, vốn quan tâm tới việc học của con cái, đã tổ chức một lớp học bồi dưỡng kiến thức văn sử địa cho mấy học sinh chọn thi khối C. Thầy Hán là một trong hai người thầy dạy văn được mời.
Ấn tượng đầu tiên về thầy Hán mà tôi còn nhớ được vào những ngày đó là giọng nói. Tôi cứ lạ lùng: nghe bảo thầy người Hà Tĩnh mà sao giọng nói lại là “giọng Hà Nội”, cứ như đài, chuẩn mực, âm vang, ngắt câu, ngắt đoạn như phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam! Lại thêm, mỗi khi đọc một đoạn văn mẫu, giữa chừng thầy thường ngẩng đầu lên, ánh mắt quét một cái rất nhanh bao quát cả lớp học, ý chừng để quan sát sự chú ý của học trò và để tự cân đo mức độ tác động của những lời mình giảng, mình đọc đối với chúng.
Ít lâu sau đó, khi đã trở thành sinh viên của khoa Ngữ văn ĐHSP Vinh, tôi được học môn Lý luận văn học với thầy và có dịp đến nhà thầy chơi. Ấn tượng của lần tiếp xúc mới, trên tư cách mới này, lại vẫn là giọng nói. Một giọng nói đúng của quê Hà Tĩnh, không “như đài” nữa mà như... thường, gần gũi và dung dị. Tuy thế, tôi không thích. Tôi đã trót quen với giọng nói, cách nói của thầy khi lên lớp, khi thầy đứng trước “ba quân thiên hạ” để giảng giải và thuyết phục. Nhưng cho dù tôi không thích thì thầy vẫn thế, mà thầy cũng có biết đâu cái sự không thích rất buồn cười, rất con trẻ của tôi.
Khi đã trưởng thành hơn, hiểu thầy hơn, đã được nghe thầy tâm sự một đôi điều, tôi chợt hiểu: có nhiều con người trong một thầy Hán của tôi. Con người có giọng Bắc sang cả, vang ấm, khúc chiết, rành rẽ kia tạm gọi là con người xã hội. Còn con người có giọng quê đầy những “ôông, mình, rứa ri” này đích thực là con người của riêng tư. Do nguồn gốc xuất thân, do thời thế mà một thời không ít người (nhất là trí thức) phải cùng lúc vào vai này, vai nọ. Đó là cái khổ của sự thích ứng. Và chính cái tình thế buộc phải thích ứng ít nhiều để lại những di lụy không hay, những hiểu nhầm, những sự thiếu thông cảm của người đời, của bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng tôi biết một điều chắc chắn: ở vai nào, thầy Hán cũng tận tụy, hết mình. Thầy biết thầy cần phải làm gì khi đứng trên bục giảng để nói về những nguyên lý lý luận văn học của chủ nghĩa Mác - Lênin, để nói với người ta về thái độ trách nhiệm đối với nghề, đối với thế hệ trẻ, đối với cuộc đời, xã hội. Thầy thấy cần phải rèn mình, luyện lại mình, từ giọng nói, cách nói đến dáng dấp, phong độ ứng xử. Xét ở góc độ này, thầy đã rất thành công. Những ai đã từng mê giọng nói, cách giảng của thầy hãy cứ yên tâm. Trong sâu thẳm, thầy không làm xiếc. Thầy cũng thực lòng tin vào những điều mình nói. Một bằng chứng: vào dịp thầy sắp nghỉ hưu, thầy đã được tặng một bằng khen của Bộ Nội vụ cho những đóng góp của mình trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, chế độ; thầy đã hồn nhiên khoe với nhiều người, trong đó có tôi. Khi được nghe thầy khoe, tôi đã thầm kêu: Trời! Sao dại thế thầy ơi! Vào thời buổi này mà kể ra những thành tích kiểu kia rất dễ bị người ta “đánh giá”... Nhưng, ý định muốn khoe thì đã được thể hiện ra rồi. Chắc thầy hoàn toàn không thấy hối tiếc. Dù sao, thầy cũng đã cống hiến trọn một đời cho ngành, cho chế độ. Trong vòng trời đất vô cùng này, nói chuyện khôn dại đúng sai biết thế nào cho tận. Thầy đã “nhập” khá hoàn hảo cái vai mà xã hội cần ở thầy, bao lớp học sinh sinh viên đòi hỏi ở thầy và chính thầy cũng thấy cần cho mình. Xin kể thêm một đặc điểm này của thầy - đặc điểm cho thấy thầy rất chú ý tự điều chỉnh. Thỉnh thoảng, gặp những người gần gũi, lúc đã có sự chan hòa cần thiết, thầy thường trầm giọng hỏi: “Này, ông có nghe người ta nói về mình như thế nào không?”. Tôi dám nghĩ rằng nhiều người khi được hỏi câu đó đã tìm cách nói dối thầy hoặc tìm cách tránh trớ, “đánh tháo”. Riêng tôi, tôi không thế. Tôi đã trực diện thuật lại cho thầy nghe nhiều lời lẽ có khi không được thuận tai về thầy. Tôi tin thầy cần biết thực điều đó chứ không phải thầy chỉ muốn nghe những lời phỉnh nịnh. Sau những lần nói thẳng ấy, tôi hoàn toàn không sợ thầy cảnh giác mình, “trù” mình. Và sự thực, đôi lần thầy đã cảm ơn tôi về những thông tin mà tôi nói cho thầy hay. Dĩ nhiên, tôi không nói thì thầy cũng biết - biết từ nhiều nguồn khác, biết theo kiểu cảm thấy (thầy rất tinh) - nhưng khi nghe từ một cái miệng khách quan (lại vô tư nữa) thì điều đó hẳn gây tác động nhiều hơn chứ. Thật đến khổ cho một đời người, một kiếp sống, một thân phận trí thức! Có một cái gì cứ nôn nao, cựa quậy không yên trong mình, khiến mình dù đã rất thành công trên “bình diện xã hội” vẫn cứ khắc khoải kiếm tìm không thôi và vẫn không ngừng khao khát được người đời hiểu đúng và cảm thông. Con người xã hội và con người riêng tư không thể chồng khít lên nhau. Mà đã thế thì...
Từ khi ngộ ra được điều trên, tôi không còn có cảm giác bực mình lúc chứng kiến thầy, chỉ trong khoảnh khắc, chuyển từ giọng Bắc sang giọng Nghệ hoặc ngược lại (cần lưu ý là thầy chỉ chuyển giọng chứ không pha giọng, tùy vào đối tượng chuyện trò, và giọng nào cũng cứ ra giọng ấy, phân minh, rành rẽ - thầy rất tỉnh táo và “lý trí”!). Nào ai thấu hết chiều sâu tâm hồn một con người, nhất là người đã phải chịu nhiều sự tổn thương về mặt tinh thần, lại sống gần trọn tuổi nghề trong không gian Nghệ Tĩnh đặc quánh những... những... Tôi đồ rằng nhiều lúc thầy đã thấy mệt mỏi, muốn sống tự nhiên hơn với bản tính của mình, không muốn “hào hùng” nữa trong mắt thiên hạ. Nhưng kể cũng thật khó. Dù sao, trước đây là trong cái ràng buộc của thời bao cấp, và bây giờ là trong cái nhốn nháo của “cơ chế thị trường”, cái hồn hậu, tự nhiên xem ra vẫn còn phải loay hoay tìm chỗ đứng dài dài. Tôi thấy thương thầy dù tính sổ cuộc đời thì thấy gần như thầy “cái gì cũng được”. Thầy có “bi kịch” không? Tôi không nghĩ là thầy không có. Mà thế mới là đời, mới là sự trần ai của kiếp sống nhân gian.
Thầy Hán là một người quá hiểu mình cũng như hiểu đời. Thầy không hề chịu lép vế trong mọi cương vị, mọi quan hệ. Thầy biết mình đã đóng góp được gì cho xã hội, mà nói gần hơn là cho những đơn vị mà thầy đã công tác ở đó. Chính vì vậy, thầy cũng biết đòi hỏi cho mình, trước hết là đòi hỏi một sự đánh giá đúng, thỏa đáng, công bằng trên phương diện tinh thần. Còn về những sự “tri ân” mang tính vật chất, hình như thầy không “lấy làm điều” lắm. Thầy thường tự hào: cơ ngơi nhà cửa ở Hà Nội hay ở Sài Gòn đều là do tự thầy, tự con cái thầy gây dựng nên. Các chuyến đi nước ngoài của thầy, của cô thì chẳng phải do ai, do cơ quan nào ngoài chính... cái túi của thầy “đài thọ”. Ai dám bảo thầy ăn nhờ vào cái vai thầy dã diễn một cách tận tình, hết lòng, bằng cả mồ hôi và nước mắt của mình? Thôi thì cứ xem đó như là cái “tình cho không, biếu không” đối với cuộc đời. Giả sử thầy muốn, thầy có thể và hoàn toàn có quyền “ngông” được chứ! Nhưng thầy đã không “ngông”, chỉ thi thoảng hơi làm mặt dỗi một tí (một tí thôi) với những người thân thuộc... Chứng kiến những lúc thầy dỗi, bản thân tôi thấy thầy thật đáng yêu. Thầy đã cởi bỏ được vẻ quan phương vốn rất cần cho một cương vị, và một thời. Đúng là khi đã tới cõi, người ta mới có thể để những “cái xấu” kiểu trẻ con kia lòi ra như vậy.
28/9/2006
Phan Huy Dũng
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Nguồn gốc truyện kể dưới sự soi sáng của loại hình học
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Thống kê truy cập
114515347
225
2367
2948
213286
121009
114515347