Nhìn ra thế giới
12 bài học viết văn của Ernest Hemingway
Ernest Hemingway
Ernest Hemingway là nhà văn, nhà báo Mỹ nổi tiếng, giải thưởng Nobel văn học năm 1954, tác giả các cuốn tiểu thuyết “Vĩnh biệt vũ khí!”, “Chuông nguyện hồn ai”, “Hội hè miên man”, truyện vừa “Ngư ông và biển cả” và nhiều tác phẩm khác. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu mười hai bài học viết văn của ông.
Bài học thứ nhất: Bắt đầu từ nghề báo và thực hiện những nhiệm vụ nhỏ nhất
Năm 1920, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và Canada đang phát triển mạnh mẽ, ở đâu đấy rất xa tận châu Âu, Thế chiến thứ nhất đã im tiếng súng. “The Kansas City Star” là một tờ báo lớn của Mỹ, nơi lần đầu tiên Hemingway đến làm việc.
Ở thành phố Kansas, Ernest đã kinh qua một trường học báo chí quan trọng. Tháng đầu tiên là thời kỳ thử việc, ông có thể nhận bất cứ việc gì và viết về mọi thứ. Các đồng nghiệp nhớ lại: “Hemingway chuẩn bị viết báo như là viết tiểu thuyết. Ông cân nhắc kỹ từng dòng cho đến khi hài lòng về kết quả mới thôi.
Ernest chỉ làm việc 7 tháng ở tờ “The Kansas City Star”, nhưng tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Năm 1940, khi nhớ lại thời kỳ này của cuộc đời, ông nói: “Lúc bấy giờ tôi học được cách viết về những điều bình thường bằng ngôn từ giản dị”. Đây chính là nguyên tắc viết văn và nền tảng sáng tác của ông.
Bài học thứ 2: Bắt đầu từ truyện ngắn
Mặc dù Hemingway bắt đầu cầm bút từ năm 12 tuổi, nhưng tác phẩm văn học lớn, thực sự nghiêm túc, ông chỉ viết vào năm 26 tuổi.
Từ năm 1920 đến 1923, Hemingway sống ở Paris, sau đó trở về Toronto một thời gian ngắn, chia tay với nghề báo và trở lại Paris. Tại đây ông gặp gỡ nhiều nhà văn - thời bấy giờ James Joyce và Gertrude Stein đã nổi tiếng trên văn đàn.Nhưng khác với các đồng nghiệp, Hemingway không nóng vội, mặc dù ông luôn luôn biết rằng sẽ viết “cuốn tiểu thuyết Mỹ vĩ đại”. Nhà văn hoàn thiện kỹ năng sáng tác trên thực tế viết truyện ngắn.
Năm 1924, ông xuất bản tập truyện ngắn “Trong thời đại của chúng ta”, năm 1927 - tập “Đàn ông không đàn bà”.
Bài học thứ 3: Viết những điều mình biết rõ
Nguyên tắc sáng tác chính của Ernest Hemingway là viết về những điều mình biết rõ. Vì lý do này tất cả các cuốn sách của ông rất hiện thực. Ba cuốn sách xuất sắc nhất của ông là “Mặt trời vẫn mọc”, “Giã từ vũ khí!” và “Hội hè miên man” đều dựa trên những sự kiện thực tế, chúng được cải biên thành tác phẩm văn học. Hemingway “nhai lại” các sự kiện của cuộc đời mình, chế biến chúng thành một món ăn dễ tiêu và bổ sung một chút tưởng tượng.
Tảng băng trôi là ẩn dụ Hemingway hay dùng để định nghĩa phương pháp thẩm mỹ của mình. Ông nhiều lần nói về hình tượng này. “Nếu nhà văn biết rõ những gì mình viết, anh ta có thể bỏ đi nhiều điều anh ta biết, và nếu anh ta viết một cách chân thực thì độc giả cảm nhận được tất cả những gì bị bỏ đi như thể chính nhà văn nói về điều đó. Sự kỳ vĩ của tảng băng trôi là ở chỗ chỉ 1/8 của nó nổi lên trên mặt nước”, - Hemingway viết năm 1932.
Bài học thứ 4: Chọn nhà xuất bản và biên tập viên đúng
Hemingway phạm một sai lầm: ký hợp đồng với Nhà Xuất bản “Bonnie and Liveright” xuất bản 3 cuốn sách. Ngay sau khi ký hợp đồng, ông nhận ra sai lầm của mình và buộc phải chấp nhận những điều kiện hoàn toàn bất lợi đối với mình.
Hemingway đã “chữa cháy” bằng cách viết truyện vừa “Con nước bên ngoài” giễu nhại người thầy và người bảo trợ đầu tiêncủa mình, nhà văn Mỹ Sherwood Anderson.Ngay lập tức, Nhà Xuất bản từ chối hợp tác và hủy hợp đồng. Với sự giúp đỡ của nhà văn F. Scott Fitzgerald, ông ký hợp đồng với Nhà Xuất bản “Scribner”. Biên tập viên của Hem làMaxwell Perkins, một trong những người giỏi nhất thời bấy giờ.
Từ thời điểm đó, sự nghiệp văn chương của Hemingway bắt đầu phất lên như diều gặp gió: “Scribner” là một trong những nhà xuất bản lớn nhất, còn sự hợp tác của Hemingway với Perkins là một trong những trường hợp thành công nhất của văn học Mỹ thế kỷ XX.
Bài học thứ 5: Trải nghiệm là ý nghĩa cuộc sống
Cuộc sống của Hem đầy phiêu lưu và thách thức - đó chính là câu chuyện thú vị nhất. Thế chiến thứ nhất bùng nổ ở châu Âu, ở Kansas City, Toronto, ông có cuộc sống dễ chịu và công việc thú vị tại tòa báo, nhưng toàn bộ giới văn chương đổ hết về Paris - cần phải lên đường tới đó.
Cuộc sống ở Paris cũng tốt, nhưng ở A Coruña và Andalucía (Tây Ban Nha) còn tốt hơn, ở đấy có đấu bò. Những năm 1930, ở châu Phi, sarafi (đi săn bằng đường bộ) còn chưa trở thành mốt thời thượng. Hemingway trở thành một trong những người đầu tiên khai phá loại thú chơi này, thậm chí ông đã viết một cuốn sách “Miss Mary’s lion” (tạm dịch: “Sư tử của cô Mary”).
“Nội chiến xảy ra ở Tây Ban Nha - tôi không thể im lặng và cần phải có mặt ở đấy”, - nhà văn viết. Có cảm giác rằng đối với Hemingway điều chủ yếu là có mặt tại trung tâm của các sự kiện để mô tả tất cả một cách chi tiết nhất. Hemingway không thể ngồi yên một chỗ.
Bài học thứ 6: Không viết vì tiền
Suốt đời Hemingway phê phán bạn mình, nhà văn Fitzgerald, sau tiểu thuyết “Gatsby vĩ đại” Fitzgerald đã dành toàn bộ tài năng để viết “những truyện ngắn làng nhàng vì tiền”. Đang ngự trên đỉnh cao của thành công và vinh quang, Fitzgerald trở thành nhà văn thương mại. Các tạp chí tới tấp gửi đơn đặt hàng, và ông, vốn là người thích cuộc sống xa hoa và rất cần tiền, không thể từ chối.
Trớ trêu thay, khi về già Hemingway cũng cần tiền, và ông viết “Ngư ông và biển cả” chủ yếu vì tiền. Rồi điều bất ngờ đã xảy ra. Đầu tiên truyện vừa này được trao giải Pulitzer, sau đó là giải Nobel văn học.
Bài học thứ 7: Viết hồi ký sau 50 tuổi
“Hội hè miên man” là một trong những cuốn sách xuất sắc kết hợp được hai đề tài thú vị nhất. Thứ nhất, sự hình thành của tác giả trẻ. Thứ hai, cuộc sống hạnh phúc.
Sinh thời Hemingway không kịp xuất bản cuốn sách này. Nhưng ông đã viết nó trong những hoàn cảnh rất thú vị. Năm 1956, ông tìm được chiếc vali bị bỏ quên dưới tầng hầm của khách sạn “Ritz” ở Paris nhiều năm trước. Trong vali có cuốn sổ ghi chép của ông về cuộc sống ở Paris. Ông đã chỉnh sửa và sao lại những ghi chép này. Mãi đến năm 1964, sau khi nhà văn qua đời, cuốn sách mới được xuất bản.
Bài học thứ 8: Lắng nghe các câu chuyện
“Ngư ông và biển cả”, “Chuông nguyện hồn ai” là những cuốn sách ra đời từ những câu chuyện Ernest Hemingway đã nghe được. Nhiều nhà văn làm điều đó - lắng tai nghe bất kỳ câu chuyện nào. Khi nghe câu chuyện của một người bạn, Tolstoy hỏi anh ta: “Cậu không phản đối nếu tớ sử dụng câu chuyện này chứ?”. Anh bạn đồng ý, và 10 năm sau thế giới được đọc “Chiến tranh và hòa bình”, cuốn tiểu thuyết đồ sộ cuối cùng của Lev Tolstoy.
Bài học thứ 9: Viết cất vào ngăn bàn
“Hội hè miên man”, “Mùa hè nguy hiểm”, “Sư tử của cô Mary”, “Đảo giữa đại dương”, “Vườn địa đàng”, “Tập truyện ngắn về Nick Adams”, “Tập truyện cực ngắn”. Ngoài ra còn có 2 cuốn tiểu thuyết, 2 cuốn văn xuôi tư liệu và 1 tuyển tập truyện ngắn - tất cả đều được công bố sau khi Ernest Hemingway qua đời.
Nhiều người thắc mắc tại sao số lượng tác phẩm của Hemingway không nhiều? So với Lev Tolstoy, chẳng hạn, tác phẩm của Hemingway ít hơn, mặc dù ông viết nhiều và viết kỹ. Hóa ra, không phải tất cả tác phẩm của nhà văn đều được xuất bản lúc ông còn sống.
Bài học thứ 10: Phải có “cái tôi thứ hai” và viết về anh ta
Nick Adams là “cái tôi thứ hai” của Hemingway, nhân vật của ông, người ông luôn luôn chất vấn, không chịu để yên. Có một số đề tài khiến ông suốt đời trăn trở: công việc viết văn, tình cảm đối với bố mẹ, vụ tự tử của người cha, chiến tranh, quan hệ bạn bè, săn bắn và câu cá.
Ông giao tất cả những đề tài này cho nhân vật và cùng với anh ta suy ngẫm về chúng. Nếu bạn chưa đọc “Những truyện ngắn của Nick Adams”, được xuất bản thành một tập riêng 10 năm sau khi Ernest Hemingway qua đời thì đó là một thiệt thòi lớn đối với bạn. Thật thú vị khi đọc những truyện ngắn này từ góc độ tự truyện của nhân vật chính.
Bài học thứ 11: Viết những điều chưa ai viết trước đó
Hồi trẻ, Hemingway đọc nhiều sách của Tolstoy, Turgenev, Flaubert, Crane (nhà văn Mỹ) không chỉ để học hỏi. Ông muốn tìm kiếm những gì chưa ai viết trước ông.
Và ông có thể làm điều đó trong truyện vừa “Ngư ông và biển cả”. Hemingway kể về chủ ý sáng tác truyện vừa như sau: “Tất cả điều đó đã được các nhà văn khác thực hiện một cách xuất sắc trước đây. Trong văn học bạn bị hạn chế bởi những gì người ta đã làm từ trước. Vì vậy tôi phải cố gắng tìm hiểu thêm điều gì đó. Tôi thử bỏ tất cả những gì không cần thiết để chuyển những trải nghiệm của tôi cho độc giả sao cho sau khi đọc xong điều đó trở thành một phần trải nghiệm của họ và họ thực sự hình dung được những gì đã diễn ra”.
Bài học thứ 12: Đề ra kỷ luật cho bản thân và không ngừng thực hiện nó
Hồi trẻ, Hemingway đã đề ra các nguyên tắc riêng mà suốt đời ông theo đuổi:
1) Dậy sớm và bắt tay vào viết.
2) Viết chừng nào chưa thấy mệt.
3) Dừng viết khi còn cảm hứng để ngày hôm sau không bị hẫng.
4) Viết và cố gắng hết mình.
5) Phần thời gian còn lại trong ngày không nghĩ về tác phẩm và đọc sách.
6) Viết ngắn gọn, cô đọng.
7) Chọn những câu đơn giản, chân thật.
Trần Hậu (Tổng hợp)
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường - Những điều cảm nhận
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511015
214
2359
21389
217888
121356
114511015