Nhìn ra thế giới

Những nhà văn Nga nào nổi tiếng ở nước ngoài?

Viết về tình hình văn học Nga hiện nay ở nước ngoài, tờ báo Nga “Gazeta.ru”nhận xét: Tác phẩm của Lev Tolstoy và Fyodor Dostoyevsky được đọc khắp nơi trên thế giới, Trung Quốc là thị trường thuận lợi nhất đối với các nhà văn đương đại Nga, còn chính trị có ảnh hưởng trực tiếp tới thành công của những cuốn sách. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Lev Tolstoy

Đức

Văn học Nga xuất hiện ở Đức vào thế kỷ XIX, sau khi giành được sự nổi tiếng nhờ các tác phẩm của Fyodor Dostoyevsky, Lev Tolstoy, Turgenev và Maksim Gorky (đầu thế kỷ XX). Turgenev đã sống một thời gian dài trên lãnh thổ nước Đức và là người Nga đầu tiên có ảnh hưởng thực sự đối với các đồng nghiệp Đức.

Sau thời kỳ trì trệ dài gắn với giai đoạn cầm quyền của Adolf Hitler, các nhà văn Nga lại bắt đầu được xuất bản thường xuyên ở Đức: Cộng hòa Liên bang Đức xuất bản  tác phẩm của các nhà văn ly khai Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức - các nhà văn “đúng đắn” về hệ tư tưởng. Hiện nay, nổi tiếng nhất đối với độc giả Đức vẫn là các nhà văn cổ  điển Nga Tolstoy, Dostoyevsky, Turgenev và (ở mức độ ít hơn) Mikhail Bulgakov với Nikolay Gogol.

Trong số các tác giả đương đại, được độc giả ái mộ nhất là Svetlana Alexievich (giải thưởng Nobel văn học người Belarus rất nổi tiếng ở nước ngoài, không riêng gì nước Đức), Viktor Erofeev, Vladimir Sorokin và Dmitry Glukhovsky. Theo tác giả Pyotr Vlasov, nhà sáng lập bộ sách “Universe of Metro 2033” (Dmitry Glukhovsky) đã bán được trên lãnh thổ Đức gần 20.000 bản tác phẩm của mình, đây là một kết quả tốt.

Đồng thời, theo ghi nhận của người đại diện văn học Anastassia Lester và nhà văn nổi tiếng Yury Polyakov, hiện tại có thể coi nước Đức là thị trường phương Tây dễ tiếp cận nhất đối với các tác giả Nga (mặc dù trong những năm gần đây, tình hình có phần xấu đi do nhu cầu chung về tác phẩm của họ ở châu Âu và Mỹ bị giảm sút). Đáng lưu ý là có thể tìm thấy trên các giá sách ở đây tác phẩm của Aleksandra Marinina và Darya Dontsova (hai nhà văn trinh thám nổi tiếng Nga).

Trung Quốc

Theo các nhà văn Vlasov và Polyakov, Trung Quốc là thị trường nước ngoài thuận lợi nhất đối với các nhà văn Nga (trước hết là các tác giả đương đại) nhờ quy mô và tốc độ phát triển của nước này (năm 2018, tổng doanh thu bán sách văn học ở nước CHND Trung Hoa đạt 55 tỷ USD, nhiều hơn Mỹ; ở Nga, theo Pyotr Vlasov, chỉ số này xấp xỉ 1 tỷ USD), cũng như quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà nước, so với phương Tây. Ngoài ra, thành công ở Trung Quốc có thể giúp các nhà văn vươn tới những khu vực khác của châu Á (ví dụ, Malaysia), tiếp theo là châu Âu.

Trong số các nhà văn cổ điển Nga, được đánh giá cao ở đây có Tolstoy (có lẽ, Tolstoy là nhà văn Nga nổi tiếng nhất ở Trung Quốc), Nikolay Gogol, Maxim Gorky, Aleksandr Pushkin, Mikhail Lermontov, Nikolay Nekrasov, Anna Akhmatova, Anton Chekhov và Aleksandr Ostrovsky.

Tác phẩm của các nhà văn Nga đương đại cũng được dịch sang tiếng Trung: cụ thể là Viktor Pelevin, Ludmila Ulitskaya, Sergey Lukyanenko, Polyakov, Aleksandr Bushkov và những người khác.

“Người Trung Quốc có mối quan tâm chân thành và sâu rộng  đối với văn học Nga, - Polyakov nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng cuốn sách Tôi định chạy trốn của ông được tái bản ba lần ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, và tổng số lượng in xấp xỉ 100 000 bản”: “Đối với Trung Quốc đó chưa phải là nhiều. Còn đối với chúng ta hiện nay đó là những con số cao ngất trời”.

Tây Ban Nha

Chính trị đã và đang tiếp tục có ảnh hưởng thực sự tới số phận của văn học Nga ở Tây Ban Nha.Theo ông Abel Soriano, giám đốc Viện Cervantes, trước năm 1936, tác phẩm của các nhà văn Nga được xuất bản nhiều ở nước này, nhưng sau đó, trong suốt gần 40 năm, khi  Francisco  Franco lên cầm quyền, chỉ các nhà văn cổ điển nổi tiếng nhất mới được xuất bản, đồng thời nhiều tác phẩm được dịch không phải từ tiếng Nga, mà từ tiếng nước ngoài, điều này, tất nhiên, không có tác dụng đối với việc quảng bá văn học nói chung. Với sự bất đồng đang diễn ra giữa Madrid và Catalonia, ở những khu vực khác nhau của đất nước, thái độ đối với văn học Nga có phần khác nhau.

Theo nữ văn sĩ Darya Gavrilova, hiện nay “tại bất kỳ hiệu sách nào ở Barcelona, bạn cũng có thể tìm được một khối lượng lớn tác phẩm của các nhà văn Nga”, kể cả Dostoyevsky, Tolstoy và Chekhov, cũng như Sergey Dovlatov và Aleksandr Solzhenitsyn.

Trong số các nhà văn đương đại, tác phẩm của Ludmila Petrushevskaya và Svetlana Alexievich cũng được xuất bản ở đây (bằng tiếng Catalan). Gavrilova lý giải “sự quan tâm khổng lồ” của cư dân Catalonia đối với văn học Nga bằng mối quan hệ tốt đẹp của họ đối với nhân dân Nga nói chung, điều này gắn liền với lịch sử: Barcelona đã chiến đấu đến cùng chống lại chính quyền Franco, sau đó trong nước đã bắt đầu xuất hiện “tấm màn sắt”. Kết quả là trong con mắt của đại đa số những người Catalonia, cho đến nay, chủ nghĩa xã hội được liên tưởng với nước Nga, “không bị mất uy tín, vẫn là một ước mơ, lý tưởng”.

Nhật Bản

Theo nhà Nhật Bản học Aleksandra Tsirefman, ở “Đất nước Mặt trời mọc”, văn học cổ điển Nga “được biết và nói đến một cách đầy hào hứng”, đặc biệt về Dostoyevsky và Tolstoy. Hơn nữa, luận đề này cũng liên quan tới các nhà văn cổ điển Nhật, những người được truyền cảm hứng một phần từ tác phẩm của các nhà văn Nga vĩ đại.

Giáo sư ngành Xlavơ học của Đại học Tokyo Mitsuyoshi Numanocũng nói về sự nổi tiếng vô điều kiện của các tác giả Tội ác và hình phạtAnna Karenina. Ông nhận xét rằng khác với các nhà văn Nga nổi tiếng khác,  Dostoyevsky và Tolstoy “đã được dịch trọn bộ” ra tiếng Nhật từ lâu rồi.

Theo người đại diện văn học Akiko Kashiwamure, chất lượng bản dịch đóng vai trò lớn trong thành công của văn học Nga đối với người Nhật. Ví dụ điển hình là vào giữa thập kỷ trước, cuốn Anh em nhà Karamazov ở Nhật trở thành sách bestseller là vì tác phẩm cuối cùng này của nhà văn Nga vĩ đại được chuyển ngữ tốt hơn nhiều so với những lần xuất bản trước.

Anh

Theo thông báo của nhà sách London Thế giới Nga, ở thủ đô nước Anh, trong số các nhà văn cổ điển Nga, Dostoyevsky, Tolstoy và Bulgakov là những nhà văn có sách bán chạy, còn trong danh sách các tác giả đương đại có Marinina, Dontsova, Dina Rubina và Boris Akunin. Đến lượt mình, nhà văn Vlasov nhấn mạnh rằng Anh là nước có “văn hóa đọc khác”: nhiều người Anh viết và đọc lẫn nhau, đồng thời cứ khoảng mười người dân Anh thì có một người là tác giả tối thiểu một cuốn sách.

Bàn về sự tham gia của các nhà văn Nga trên thị trường phương Tây nói chung, ông nhận xét rằng để thực hiện điều đó có hai cách: hoặc là cần đoạt một trong những giải thưởng văn học có uy tín ở trong nước, hoặc “nắm bắt nhu cầu thị trường”, nghĩa là viết về những đề tài liên quan tới chính trị.

Đồng thời, Vlasov cho rằng ở phương Tây đang diễn ra “sự chọn lọc giá trị”: “Dostoyevsky được độc giả ngưỡng mộ, họ tìm thấy ở ông tâm hồn Nga. Còn trong văn học đương đại, độc giả chỉ đánh giá cao những gì dễ hiểu và gần gũi với họ. Chủ nghĩa nước lớn, sự khác biệt khiến họ phản cảm. Tolstoy, Dostoyevsky và Chekhov đối với độc giả là thần tượng, chuẩn mực, được đọc và tái bản nhiều. Trong khi đó, các nhà văn đương đại được họ quan tâm chủ yếu trên quan điểm tham gia vào các quá trình chính trị-xã hội”.

Về cơ bản, nhà văn Polyakov cũng tán thành ý kiến đó. Theo ông, sự suy giảm mối quan tâm đối với các nhà văn Nga ở phương Tây có liên quan trực tiếp tới “sự biến mất của Liên bang Xô viết như một đối thủ địa chính trị”:

“Chủ yếu ở đấy người ta xuất bản các tác phẩm văn học thuộc xu hướng ly khai, nhờ đó chúng ta được quảng bá rộng rãi. Khi Liên Xô không còn là mối đe dọa nữa, sự quan tâm giảm sút. Tôi nghĩ rằng với sự phát triển của nước Nga và ảnh hưởng của nó trên trường quốc tế, văn học bài Nga lại bắt đầu được xuất bản. Chỉ là chính trị. Văn học rất ít được quan tâm”, - ông nói.

Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ

Sự tiếp nhận văn học Nga (chứ không phải văn học nước ngoài nói chung) ở Anh và Mỹ có phần giống nhau: ở đây chính trị đóng vai trò quan trọng. Nằm trong số các nhà văn Nga nổi tiếng nhất lại là Tolstoy, Dostoyevsky, Chekhov, Turgenev và Solzhenitsyn. Theo Julian Henry Lowenfeld,dịch giả các tác phẩm của Pushkin xuất sắc nhất hiện nay ở Mỹ, người Mỹ biết Aleksandr Pushkin “khá kém” (trước hết, vì thơ rất khó dịch ra ngôn ngữ nước khác), và Gogol, vì “tác phẩm của ông gần gũi với thơ ca, cộng với chất hài rất khó dịch”.

Điều thú vị là những nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng không nhỏ tới thị hiếu độc giả ở Mỹ, ví dụ, hướng dẫn viên truyền hình huyền thoại Orpah Gail Winfrey đương thời gọi Anna Karenina là “câu chuyện tình hấp dẫn nhất” khiến cho trong nháy mắt cuốn sách này từ một tác phẩm cổ điển nổi tiếng bình thường trở thành cuốn bestseller tuyệt đối.

Cũng theo dịch giả Lowenfeld, trong số các nhà văn Nga đương đại, Ulitskaya và Tatyana Tolstaya giành được thành công nhất định ở Mỹ.Đồng thời ông nhấn mạnh rằng người Mỹ nói chung sống “trong thế giới ngôn ngữ của mình”, họ không đặc biệt quan tâm tới tác phẩm của những nhà văn không viết bằng tiếng Anh.

Pháp

Vlasov cho rằng Pháp là thị trường phương Tây trung thành nhất đối với các tác giả Nga đương đại.Tuy nhiên chủ xuất bản và người đại diện văn học Anastassia Lester  hết sức phản bác ý kiến này, gọi nó là “thị trường rất phức tạp”. Theo bà, những nhà văn cổ điển Nga nổi tiếng nhất đối với người Pháp là Dostoyevsky, Bulgakov, Solzhenitsyn, còn trong số tác giả đương đại, được ưa chuộng nhất là Ulitskaya, Sorokin, Prilepin, Glukhovsky và Akunin.

Trả lời câu hỏi loại văn học mới nào của Nga được ưa chuộng ở Pháp, bà nhấn mạnh rằng “văn học Nga nói chung là không phổ biến, giống như bất cứ loại văn học dịch nào khác - trừ văn học viết bằng tiếng Anh”.

“Không cần xây dựng ảo tưởng: người Pháp đọc sách rất ngẫu nhiên, nếu nói rằng họ có đọc sách. Chủ yếu họ đọc tác phẩm của các nhà văn Pháp, văn học dịch từ tiếng Anh, văn học Scandinavia thời thượng, văn học Nhật và văn học cổ điển. Còn lại thì được chăng hay chớ. Tuy vậy, Pháp vẫn là một dân tộc có thiện cảm với người Nga”, - bà Lester giải thích.

Bà chobiếtsốlượngincủacácnhà vănđươngđạiNgaởPháphiệnnay“ítỏi”, 2000-3000 bản: “Nóichungcác  nhà văncổđiểncó thểđượcinnhiềuhơn5 lần. Đểsosánh: mộttácgiảvănhọcthươngmạiPhápcó sốlượnginbanđầuởtrongnướclà 100.000 bản. Còntácgiảphithươngmại3.000-5.000 bản”.

 

TrầnHậu(TheoGazeta.ru)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511019

Hôm nay

218

Hôm qua

2359

Tuần này

21393

Tháng này

217892

Tháng qua

121356

Tất cả

114511019