Diễn đàn

Nghĩ về một triết lý của trò chơi ô ăn quan

Tôi nhớ những trưa mùa Hè khi những cơn gió Nam khô khốc thổi mạnh, đất bụi bay mù mịt trong vườn, cỏ cây chực sẵn mồi lửa để bốc cháy, hay khi những cơn gió Nồm hiếm hoi thổi từ biển vào mang theo hơi nước mát rượi là lúc mấy đứa trẻ chúng tôi tụ tập ở sau hồi nhà ngồi nói chuyện rì rầm và rủ nhau chơi đồ hàng, chơi Ô ăn quan.

Ô ăn quan là trò chơi dân gian quen thuộc với tuổi thơ thuộc thế hệ 8x chúng tôi trở về trước. Ô ăn quan thường dành cho hai người chơi, nhưng nếu có thêm vài ba người nữa thì chia ra hai phe để cùng nhau chơi. Ở hai phe số người chơi phải bằng nhau. Trò chơi không cầu kỳ nhưng lại có sức hấp dẫn rất lớn và lâu bị chán so với các trò chơi khác. Ô ăn quan là một hình chữ nhật lớn bên ngoài, được chia thành mười ô nhỏ bên trong. Mỗi bên có năm ô. Hai bên đầu hình chữ nhật là hai hình bán nguyệt. Mỗi ô nhỏ có năm quân/dân. Quân là những viên sỏi nhỏ hoặc là những trái xoan đâu. Hai quan ở hai hình bán nguyệt là hai hòn đá cỡ bằng quả chanh. Kích thước của Ô ăn quan thì linh hoạt, miễn sao cho người ngồi chơi thấy thoải mái, thấy vừa với sải tay của mình. Sau màn oẳn tù tì để biết ai bốc quân đi trước là bước vào trò chơi. Trò Ô ăn quan chơi rất hay, đòi hỏi chiến thuật lựa chọn ô nào đi trước và khả năng tính nhẩm để sao cho ăn được nhiều quân. Lượt đi đầu tiên thường chỉ cần bốc quân ở một ô bất kỳ và rải đều các ô còn lại theo thứ tự (có thể chọn hướng đi theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược lại) cho đến khi quân cuối cùng trên tay cách một ô trống với ô kế tiếp thì người chơi được "ăn" số quân ở ô kế tiếp ô trống đó và dừng lại để nhường cho đối phương chơi. Nếu ô trống kia kế tiếp với ô quan thì người chơi sẽ "ăn" được quan. Còn nếu quân cuối cùng giáp với ô quan thì bị tịt. Khi chơi nếu quan ở hai đầu bị "ăn" sớm thì kết thúc cuộc chơi sớm. Nhưng thường thì phải chơi một hồi lâu trò chơi mới kết thúc. Người giành chiến thắng là người thu được nhiều quân nhất. 

Một điều thú vị của trò chơi Ô ăn quan này là các câu "nguyền". Sở dĩ tôi gọi nó là những câu "nguyền" vì khi chơi, đối phương đọc câu chú đó lên thì người chơi bị phân tán tâm lý. Kiểu như đang bị kẻ thù nguyền rủa nên thấy ruột gan nóng bừng và chỉ mong sao có chiến thắng càng nhanh càng tốt. Khi đang rải quân, đối phương sẽ liên tục đọc: "đi rông đi dài mười hai đường tịt", "đi rông đi dài mười hai đường tịt". Người chơi vì sợ mà cứ bảo "mày im đi, để yên tao chơi". Nhưng càng thế thì đối phương lại càng đọc nhiều hơn nữa: "đi rông đi dài mười hai đường tịt". Thật đúng với trò chơi này, khi chơi nếu cứ phải rải quân hết vòng này sang vòng khác thường sẽ bị tịt. Nghĩa là không ăn được ô quân cũng như ô quan nào. Chỉ bõ công sức và tốn thời gian làm giàu cho đối phương ở lượt đi kế tiếp. Còn về phần người đang rải quân, như một cách để trấn an tinh thần, để chống lại lời nguyền rủa của đối phương nên miệng liên tục đọc: "hết quan hoàn dân", "hết quan hoàn dân". 

Cho đến giờ tôi vẫn tự hỏi, không biết trò Ô ăn quan này có phải là do người lớn nghĩ ra chơi rồi truyền lại cho trẻ con không. Chứ những đứa trẻ chín mười tuổi sao lại có thể vừa chơi vừa nói ra được những câu nói mang tính triết lý sâu xa như vậy!? "Đi rông đi dài mười hai đường tịt" chẳng phải là thật gần với "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lắm ru?

Nếu để ý trò chơi ta sẽ thấy, dân thì nhiều nhưng quan thì chỉ có  hai "vị" đứng ở hai đầu. Và vì là quan lớn, đức cao vọng trọng nên quan phải to hơn dân, là một viên đá hẳn hoi chứ không phải là viên sỏi bé xíu như những phận dân đen thấp cổ bé họng. Thế nhưng, đừng có coi thường dân. "Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân". Quan dẫu có chức có quyền, nhưng khi đã bị dân "ăn", bị dân lật đổ thì quan cũng chỉ là phận dân đen như bao người. "Hết quan hoàn dân"! Đó chính là cái lẽ ở đời mà dân gian đã đúc kết được: "bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa"!

Quan là từ dân mà ra, chỉ khác là quan được dân giao trọng trách để an dân, để lãnh đạo nhân dân khiến cho đời sống của dân được tốt đẹp, được hưng thịnh. Cởi bỏ áo mũ thì quan và dân đều như nhau. Mọi chức tước, địa vị chỉ là tạm thời, chỉ có dân với nước mới là mãi mãi. "Hết quan hoàn dân", "quan nhất thời dân vạn đại" là những lời răn dạy sâu sắc, nhắc nhở những người làm quan ý thức được trách nhiệm, ý thức được vị trí của mình để từ đó hoàn thành tốt bổn phận của mình với dân với nước. Tiếc thay, những người làm quan thời nay lại không ý thức được điều đó. Họ lo sợ rằng "hết quan" sẽ chẳng còn lợi lộc nữa cho nên khi làm quan, nhất là vào "buổi hoàng hôn nhiệm kỳ" thì càng cố sức tranh thủ vơ vét thật nhiều của cải, tranh thủ quyền lực bổ nhiệm cho con cháu có được vị trí ngon lành để dễ bề thăng tiến trước khi về quê làm "người tử tế"...

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511766

Hôm nay

292

Hôm qua

2337

Tuần này

22140

Tháng này

218639

Tháng qua

121356

Tất cả

114511766