Diễn đàn
Một cách viết sử của Giáo sư Lê Thành Khôi
GS Lê Thành Khôi. nguồn ảnh vietnamnet.vn
Tôi mua được cuốn sách của Giáo sư Lê Thành Khôi "LỊCH SỬ VIỆT NAM, Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX" ở một gian hàng Hội chợ sách tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) năm 2014. Sách được viết bằng tiếng Pháp. Sách xuất bản ở Việt Nam do Nguyễn Nghị dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính.
Sách do Nhà xuất bản Thế giới cùng Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản, nộp lưu chiểu năm 2014. Nó gồm 600 trang (đầy đặc chữ, mỗi trang có khoảng 615 words), chưa kể thêm 64 trang gồm phụ lục 100 ảnh; niên biểu lịch sử Việt Nam; bản đồ.
Đọc tin trên báo thì thấy rằng, đây là một trong ba cuốn sách được bán chạy nhất trong mấy ngày Hội chợ sách Hoàng Thành Thăng Long những ngày Thu nhưng nóng bức năm 2014 của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Giáo sư Phan Huy Lê viết Lời giới thiệu cuốn sách xuất bản ở Việt Nam. Trong Lời giới thiệu này, thầy Phan Huy Lê cho hay: "Giáo sư Lê Thành Khôi… sau khi tốt nghiệp Trường Lycée Albert Sarraut năm 1947 ở Hà Nội ở tuổi 24, sang Pháp du học. Sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ về kinh tế học (1949) ở Pari, ông lại tiếp tục học và tốt nghiệp Học viện Luật pháp Quốc tế tại Den Haag, Hà Lan, rồi lại học lấy bằng cử nhân văn chương ở Trường Đại học Sorbonne, học Hán ngữ tại Trường Ngoại ngữ phương Đông ở Pari. Năm 1968, ông hoàn thành luận án tiến sĩ về công nghệ giáo dục và bảo vệ lấy học vị tiến sĩ nhà nước về văn khoa và khoa học xã hội. Thời trẻ, Giáo sư Lê Thành Khôi được đào tạo một cách căn bản theo hướng đa ngành".
Ông Lê Thành Khôi học nhiều lĩnh vực, đa ngành, đa lĩnh vực. GS Lê Thành Khôi sinh ngày 3-5-1923 tại Hà Nội. Năm 1992, ông nghỉ hưu. Nghỉ hưu rồi mà vẫn không ngừng học tập và lao động sáng tạo. Thầy Phan Huy Lê cho biết: năm 2011, ông bà Lê Thành Khôi về Việt Nam thăm quê hương, có lưu lại Hà Nội 3 tháng để khảo sát một số di tích lịch sử, văn hóa, chuẩn bị cho một công trình nghiên cứu về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Ông tặng GS Phan Huy Lê cuốn sách "Un désir de beauté" (Ước ao cái đẹp, Paris, 2000) với những tấm ảnh nghệ thuật rất đẹp. GS Lê Thành Khôi đã từng dành ra 6 tháng trời để học lớp chụp ảnh nghệ thuật và rất thích thú sử dụng những tấm ảnh tự tay chụp trong tác phẩm của mình.
Thật là một tấm gương sáng về ý chí học tập và tinh thần vươn lên trong lao động sáng tạo khoa học, văn hóa - nghệ thuật, trong hoạt động xã hội và sư phạm.
Tiếp theo, thầy Phan Huy Lê giới thiệu:
"Giáo sư Lê Thành Khôi hoạt động trên nhiều lĩnh vực, qua nhiều ngành và tổ chức khoa học. Ông đã giảng dạy tại Đại học Pari (Khoa Luật và Kinh tế học), Viện Khoa học Kinh tế ứng dụng, Đại học Caen, Đại học Nanterre, Trường Cao đẳng Thực hành (École Pratique des Hautes Etudes), nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Xã hội (IEDES). Từ năm 1963, ông được mời làm tư vấn cho một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), Phòng Quốc tế Lao động (BIT, Geneve), Cục Hợp tác Văn hóa và Kỹ thuật các nước Pháp ngữ (ACCT), Trường Đại học của Liên hiệp quốc ở Tokyo, Chương trình UNDP. Năm 1971, ông được bầu làm Giáo sư Đại học Pari V (René Descartes). Cùng với công tác giảng dạy, ông vẫn tiếp tục làm tư vấn cho các tổ chức quốc tế và thỉnh giảng tại nhiều trường đại học trên thế giới" (Lời giới thiệu của GS Phan Huy Lê trong cuốn của Lê Thành Khôi: Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb Nhã Nam và Nxb Thế giới, Hà Nội, 2014, tr.9).
Chưa hết, thầy Phan Huy Lê còn chú thích là "Về hành trạng và thư mục của GS Lê Thành Khôi, xin tham khảo "Từ Đông sang Tây",Nxb Đà Nẵng, 2005".
GS Lê Thành Khôi học nhiều trường, nhiều ngành, mà làm việc cũng nhiều nơi, toàn những nơi rất quan trọng, danh giá, nổi tiếng về văn hóa và khoa học.
Điều mà tôi quan tâm bậc nhất ở đây là GS Lê Thành Khôi có học sử không, làm tiến sĩ sử không, có dạy sử không? Không thấy. Thế còn về công trình khoa học, có cuốn sử nào nữa không, ngoài cuốn mà tôi đã mua về đây?
Hãy đọc xem thầy Phan Huy Lê viết giới thiệu tiếp:
"GS Lê Thành Khôi để lại một di sản khoa học đồ sộ. Ông có 25 công trình nghiên cứu khoa học với tư cách tác giả, 33 công trình là đồng tác giả đã xuất bản. Ngoài ra, ông còn viết hàng trăm luận văn khoa học đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Pháp và quốc tế. Đó là những công trình vừa chuyên sâu vừa đa ngành. Tất cả nói lên một tư duy, một phong cách nghiên cứu rất nghiêm túc, hiện đại, một trí tuệ đầy tính sáng tạo, một con người trung thực, thẳng thắn… Trong di sản đồ sộ của GS Lê Thành Khôi, có hai chuyên khảo về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đó là cuốn "Le Viêt-Nam, Histoire et Civilisation" (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh, Nxb Minuit, Paris, 1955) và "Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858" (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, Nxb Sud Est Asia, Paris, 1982)"
Cuốn sách mà tôi có trên tay do mua từ Hội chợ sách Hoàng Thành Thăng Long năm 2014 là cuốn mà Ban Biên tập - được sự đồng ý của tác giả - lấy cuốn "Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858" (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858) làm nền và thêm mục V "La conquête francaise" (Pháp chiếm Việt Nam) chương VIII và cả chương IX "La colonisation francaise" (Thực dân Pháp khai thác thuộc địa) của cuốn "Le Viêt-Nam, Histoires et Civilisation" (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh) để thành bộ Lịch sử Việt Nam trọn vẹn từ nguồn gốc đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Như vậy, về sử thì GS Lê Thành Khôi chỉ có 2 cuốn trong số những công trình đồ sộ về khoa học, văn hóa, nghệ thuật… mà ông có. Tôi chưa biết rõ trong hàng trăm luận văn khoa học đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Pháp và quốc tế (tôi chưa đọc được cuốn "Từ Đông sang Tây", Nxb Đà Nẵng, 2005 để biết điều này), có những luận văn nào về sử không. Chắc là có. Và chắc là cũng không nhiều so với các lĩnh vực khác.
Viết đến đây, tôi muốn nhấn mạnh một ý rằng, trong thực tế của cuộc sống, số lượng không nói lên tất cả điều gì đó. Hai trong số nhiều, nhưng vẫn là một "hiện tượng" trong giới sử học, có tiếng vang và đã có, như GS Phan Huy Lê cho biết, nhiều nhà "Việt Nam học" đã coi hai tác phẩm này của GS Lê Thành Khôi là sách kinh điển về văn hóa và lịch sử Việt Nam.
So sánh bao giờ cũng khập khiễng.
Trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chúng ta đã thấy có những người như thế rồi. Nhiều người đa tài. Bác học mà. Trường hợp như ông Hoàng Xuân Hãn là toán nhưng để lại một số tác phẩm sử Việt Nam, ít thôi, nhưng có tiếng vang. Trên từng lĩnh vực cụ thể một thì người đa tài có thể để lại ít tác phẩm, nhưng đó là những tác phẩm để đời. Chúng ta thấy như Nguyễn Đình Thi, nhạc thì ít nhưng chỉ cần "Người Hà Nội" là đủ thấy tầm cao về âm nhạc của ông. Ở Việt Nam không hiếm những người như thế.
GS Lê Thành Khôi đa tài. Những công trình khoa học của GS Lê Thành Khôi phản ánh tính vừa chuyên sâu, vừa đa ngành. Nhưng "Trong một thời gian dài gần như cả nửa sau thế kỷ XX, giới Việt Nam học thế giới coi đây là hai công trình mang tính kinh điển về văn hóa và lịch sử Việt Nam được sử dụng phổ biến trong các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam" như GS Phan Huy Lê đánh giá thì tôi cho là họ (giới "Việt Nam học" thế giới) đánh giá quá cao. Có người còn cho rằng, cuốn "LỊCH SỬ VIỆT NAM, Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX" là "kiệt tác" nữa.
Thực sự là hai cuốn sử của Giáo sư Lê Thành Khôi đã đến tầm kinh điển, là kiệt tác chưa? Tôi cho là chưa.
Nhiều nhà nghiên cứu "Việt Nam học" người ngoại quốc khi tiếp xúc với các nguồn tài liệu thì ít khi tiếp xúc văn bản tiếng Việt, có thể do nhiều người không biết tiếng Việt. Nhiều nhà "Việt Nam học" người Pháp xưa nay có khá nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam nhưng không rành tiếng Việt. Ông David Marr thì giỏi tiếng Việt. Bà Lady Borton người Mỹ giỏi tiếng Việt. Nhưng ông Hoàng Tranh người tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc có khá nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam, về Hồ Chí Minh nhưng lại không biết tiếng Việt.
Do vậy, tôi cho rằng, có thể họ muốn hiểu lịch sử Việt Nam thì những năm tháng nửa sau thế kỷ XX chủ yếu có hai cuốn bằng tiếng Pháp của ông Lê Thành Khôi thôi. Có thể họ hiểu lịch sử Việt Nam qua các bản tiếng Pháp của ông Khôi là chủ yếu, vì hai cuốn sách của ông là sách về lịch sử Việt Nam có hệ thống từ khởi nguồn dân tộc Việt Nam đến thời hiện đại, ít nhất là cho đến khi ra đời một nước Việt Nam mới năm 1945, chứ không đọc được nhiều tác phẩm sử học viết bằng tiếng Việt của người Việt Nam. Sách về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác cũng có nhưng ít cuốn viết có hệ thống từ nguồn gốc đến tận sau này như sách của GS Lê Thành Khôi. Vì vậy, có khi như thế, người nào muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam một cách tóm tắt, "trọn bộ" thì chắc là đọc sách của GS Lê Thành Khôi là thích hợp nhất.
Ngay như tác giả của cuốn sách này - GS Lê Thành Khôi - chắc chắn là biết chữ Hán cổ vì ông đã học Hán ngữ tại Trường Ngoại ngữ phương Đông ở Pari, nhưng xem trong sách thì thấy ông đọc các tài liệu cổ của Trung Quốc chủ yếu qua các bản đã dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh.
Cái điều như GS Phan Huy Lê viết trong Lời giới thiệu là hai cuốn sách sử của GS Lê Thành Khôi "được sử dụng phổ biến trong các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam" cũng là nằm trong hoàn cảnh đó.
Cuốn sách này thuộc loại sách kén người đọc. Nó không phải là đồ ăn nhanh (fast food). Cả cuốn thì đã đành. Một chương, một mục cũng vậy. Thậm chí có khi một trang cũng chẳng phải fast food. Để phân tích thì phải đọc thật kỹ. Đọc đi đọc lại nhiều lần. Phải tra cứu, đối chiếu với nhiều tư liệu khác nữa.
Cuốn sách "LỊCH SỬ VIỆT NAM, Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX" của GS Lê Thành Khôi. nguồn ảnh daibieunhandan.vn
Tôi chỉ nêu một số cảm nhận khi đọc xong lần thứ nhất, như là ghi chép ban đầu khi đọc xong một vấn đề gì đó, chủ yếu là về phương pháp, chứ không đi vào đánh giá sự kiện này miêu tả đúng hay sai, nhận định này hợp hay không hợp với thực tế khách quan. Tôi bỏ qua không bình luận gì về những lỗi của người dịch, vì không thuộc chủ đề của bài viết này.
1. GS Lê Thành Khôi viết sử Việt Nam đề cập một cách hầu như toàn diện các mặt hiện hữu trong lịch sử Việt Nam, nghĩa là hầu như bao quát toàn bộ quá trình lịch sử Việt Nam, từ diện mạo địa chất đến chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật… Hình như ông không ưu tiên viết về các cuộc chiến.
Xem mục lục 12 chương chứa trong đó 51 tiết (mục) thì thấy rất rõ. Những trang viết có đầu có cuối, tỏ rõ nguồn cội của tôn giáo có mặt tại Việt Nam thật hay. Điều này thật khác với nhiều cuốn sử Việt Nam của không ít tác giả trong nước viết chỉ nặng về, lệch về một số mặt, thậm chí có một số vấn đề, không ai bảo nhưng tự mình đeo vào đầu mình cái vòng kim cô rồi cảm thấy "nhạy cảm chính trị" thì họ cố tình lờ đi. Nhiều cuốn sử Việt Nam do người trong nước viết (thông sử, chứ không phải là chuyên đề) thậm chí viết quá đậm về những cuộc kháng chiến, những chiến dịch chiến tranh, những cuộc chiến đấu. Sẽ là hợp lý khi bên cạnh đó, những mặt khác trong xã hội Việt Nam cũng được viết như thế. Việt Nam tuy có nhiều giặc giã, nhiều cuộc chiến đấu, nhưng đâu có phải dày đặc như thế, mà lịch sử còn phải kể đến những mặt khác của đời sống xã hội nữa. GS Lê Thành Khôi viết về ba lần kháng Nguyên Mông thế kỷ XIII của Đại Việt thì: cuộc thứ nhất (1257-1258) chỉ chưa đầy 1 trang; cuộc thứ hai (1285) 3 trang; cuộc thứ ba (1287-1289) 1 trang rưỡi; nguyên nhân thắng lợi 4 trang.
GS Lê Thành Khôi viết lịch sử Việt Nam là theo đại thể cương vực nước Việt Nam hiện nay. Cương vực này từ thời xưa bao gồm cả Chămpa - Lâm Ấp, Phù Nam. Đây cũng là một cách để cho độc giả thấy rõ sự biến thiên của lịch sử.
2. Phần dẫn luận "Đất nước và con người" 47 trang được viết rất đặc sắc, đọc thấy thú vị.
Nó khác với nhiều cuốn sử trong nước thường thấy có phần đầu hoặc chương mở đầu viết về đất nước và con người, mảnh đất và con người, hay kể lể "bốc thơm" lên vị trí rất quan trọng của vùng đất mà mình viết là như thế này, truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người như thế kia. Đến nỗi mà đọc phần này của cuốn lịch sử địa phương nào cũng có những miêu tả và nhận định na ná giống nhau là: (1) Vùng này có vị trí rất quan trọng về chiến lược kinh tế, quốc phòng, an ninh. (2) Vùng này có truyền thống yêu nước và cách mạng; thậm chí không ít vùng là "địa linh nhân kiệt", là "đất học"; (3) Nhân dân có truyền thống đoàn kết từ bao đời, có truyền thống văn hóa…, đặc biệt là truyền thống chống giặc ngoại xâm.
Viết đến đây, tôi thấy rất lạ nhiều cuốn tiểu sử cứ viết người này người nọ là "học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Sao cụ Hồ có lắm học trò xuất sắc đến vậy!
Trong cuốn sách này, GS Lê Thành Khôi không viết theo kiểu như vậy. Bằng nhiều tri thức đa ngành, liên ngành đã tích lũy qua bao nhiêu năm tháng, ông mô tả và nhận định về khung cảnh thiên nhiên; sự hình thành đất đai; địa hình và sông ngòi; khí hậu; thực vật; dân cư, trong đó viết về con người - từ dân tộc Kinh, sự gia tăng dân số, đến các dân tộc ít người. Đọc 47 trang này thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh, tính phong phú của tự nhiên, xã hội đất nước chứ không có một lời nào về khẳng định một cách chủ quan, quá sớm, thậm chí quá đà, về đất nước Việt Nam như trong không ít cuốn sử do người Việt Nam ở trong nước viết.
Cách viết phản ánh trong hàng loạt sách sử trong nước hay viết mở đầu, có tính chất như là cứ cố tình định sẵn cho người đọc một hướng khám phá. Rất chủ quan. Viết thế là viết kiểu áp đặt. Yêu nước thì hầu như dân nước nào cũng yêu nước, chứ có phải chỉ dân Việt Nam có đâu. Họ yêu nước theo kiểu của họ, mặc dù có một số trường hợp đất nước họ trong lịch sử không có hoặc ít có giặc ngoại xâm. Đoàn kết cộng đồng cũng vậy, v.v… Có chăng là ở Việt Nam những truyền thống này có những biểu hiện đặc biệt hơn. Lại còn tự nhận rằng, người Việt Nam thông minh, sáng tạo… nữa chứ. Kiêu! Hãy cứ để bản thân lịch sử lên tiếng chứ đừng nói thay!
3. Đọc những chương đầu của cuốn sách, điều mà tôi quan tâm hàng đầu là vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam cũng như nhà nước đầu tiên ở đây.
Ở trong nước, những người nghiên cứu tranh luận với nhau chưa ngã ngũ về vấn đề này. Thậm chí, trong tranh luận, một số vị còn ghè nhau, dùng lời lẽ khó chịu. Tạp chí Văn hóa Nghệ An, tuy là một tạp chí ở một tỉnh, nhưng tầm lan tỏa của nó rất rộng, không phải vì số lượng phát hành mà là nội dung mà tạp chí đăng và tạp chí còn có online (tạp chí điện tử). Những cuộc tranh luận của nhiều nhà nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc Việt Nam lại rộ lên năm 2015 được bày trên mặt tạp chí Văn hóa Nghệ An, cả tạp chí giấy và tạp chí online. Bạn đọc có khi chưa tiếp xúc được với những tác phẩm khoa học của họ nhưng lại biết được một phần qua những cuộc tranh luận đó.
Đọc sách của GS Lê Thành Khôi về vấn đề này, tôi thất vọng. Thất vọng vì chưa giải đáp được cho rõ ràng. Đúng là GS Lê Thành Khôi dựa trên nhiều kết quả nghiên cứu đa ngành, liên ngành, từ khảo cổ học, dân tộc học/nhân học, địa lý-địa chất đến sử liệu thành văn; có dùng phương pháp so sánh (so sánh lịch đại, so sánh tư liệu văn bản, so sánh với những vùng chung quanh, v.v...), nhưng rốt cuộc lại thì dân tộc Việt Nam ở đâu mà ra, tức là cái gốc, nó biến thiên thế nào, thì chưa thật sáng rõ. GS Lê Thành Khôi phần nào cũng sa vào cái bệnh dựa vào truyền thuyết - rõ nhất là truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết về Hùng Vương, trong đó có Sơn Tinh - Thủy Tinh (trong cuốn sách của ông có nhiều khi các từ "truyền thuyết" ông dùng trẹo đi là "truyền thống" - hay là vì dịch thuật?). Thời gian mở đầu của nhà nước Việt Nam cũng vậy. Có cái gì đấy chưa ổn lắm, tất nhiên vẫn dựa vào tư liệu đa ngành, liên ngành.
Tôi cho rằng, để xác định niên đại trong vấn đề xa xưa như thời Hùng Vương (cho dù cộng trừ 100 năm đi chăng nữa), thì cũng không nên dùng tài liệu thành văn, vì chắc chắn là những trang ghi chép ở trong nước cũng như ở nước láng giềng là Trung Quốc, nơi có chữ viết sớm, rất sớm trên thế giới, là những trang viết, ghi chép tận sau này. Những "Lĩnh nam chích quái", "Đại Việt sử ký toàn thư", "Việt sử thông giám cương mục", "An Nam chí lược"… thì toàn là những tài liệu xuất hiện sau thế kỷ thứ X (sau CN). Những tài liệu thành văn đó không ra đời cùng niên đại hay cùng thời với những sự kiện lịch sử mà người nghiên cứu định dựng lại.
Không chắc chắn thì thôi, đành để ngỏ vậy. Để ngỏ không phải là vì đó là những vấn đề "nhạy cảm" như về sau nhiều người hay vơ vào, mà là vì chưa có tài liệu nào chứng tỏ được cho rõ. Đừng dựa vào truyền thuyết. Thêm một lần nữa, đây là một điều tôi rút ra về phương pháp sau khi đọc mấy chương đầu liên cuốn sách của GS Lê Thành Khôi liên quan tới nguốn gốc dân tộc Việt Nam và nhà nước đầu tiên của Việt Nam.
4. Sáng tạo, đó là một yêu cầu bắt buộc có tính nguyên tắc của nghiên cứu khoa học. GS Lê Thành Khôi có nhiều điều sáng tạo (cái mới) trong cuốn sách của mình.
GS Lê Thành Khôi mạnh dạn nêu những những nhận định từ sự nghiên cứu dày công của mình, khác với nhiều người. Đây là một phương pháp nên học. Còn chuyện cái mới đó có đúng không thì lại là một vấn đề khác.
Chẳng hạn, tôi dẫn ra hai vấn đề:
4.1. GS Lê Thành Khôi cho rằng trong lịch sử thế giới, không có chế độ phong kiến.
Ông phân tích một chặp dài, lý lẽ này nọ rồi nhận định rằng: "Tóm lại, đặc điểm của chế độ phong kiến là sự hiện hữu của các đất phong và sự ràng buộc nối đích thân chư hầu với lãnh chúa hay đích thân nông nô với chủ của mình. Nền tảng của quan hệ sản xuất trong chế độ này là quyền sở hữu của lãnh chúa trên đất đai và quyền sở hữu có giới hạn của lãnh chúa trên nông nô vốn vẫn làm chủ các công cụ sản xuất của họ" (tr.146 sách của GS Lê Thành Khôi).
Đối với Việt Nam, GS Lê Thành Khôi viết rằng, người ta cũng thấy có những thái ấp tương tự như đất phong với các nông nô sống trong đó, nhưng con số các nông nô này không lớn để làm thành đặc điểm của chế độ phong kiến. Do đó, GS Lê Thành Khôi kết luận:
"Nói tóm lại, nước Việt Nam xưa, theo chúng tôi, không thể được gọi là "phong kiến" do không có các chế độ chư hầu và đất phong, không có tổ chức xã hội và chính trị đặt nền tảng trên hệ thống các ràng buộc con người và sự phân chia quyền hành giữa một số đông các lãnh chúa lớn" (tr. 149-150 sách của GS Lê Thành Khôi).
GS Lê Thành Khôi không đồng ý với một số tác giả khi các tác giả đó quy chế độ phong kiến vào việc giai cấp thống trị chiếm đoạt số giá trị thặng dư của lao động của các nông dân do có quyền tư hữu ruộng đất và do việc kiểm soát bản thân những người sản xuất. Ông cho rằng, như thế là gạt bỏ chính các đặc trưng của chế độ phong kiến.
(Xin nói thêm: nhận định rằng, ở Việt Nam không có chế độ phong kiến còn là ý kiến của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường).
4.2. GS Lê Thành Khôi không tán thành quan niệm về "Phương thức sản xuất châu Á" mà C.Mác đã nêu lên.
Sau khi phân tích kỹ vấn đề này ở rất nhiều khía cạnh, GS Lê Thành Khôi viết: "Để kết luận, khái niệm "phương thức sản xuất châu Á" có quá nhiều điều phải chỉnh sửa và các chỉnh sửa này quá căn bản đến độ, theo ý kiến chúng tôi, tốt hơn là nên loại bỏ và triển khai một khái niệm khác, trong chừng mực cho phép việc đào sâu phân tích các xã hội không phải là châu Âu" (tr.159 sách GS Lê Thành Khôi). Nhưng rất tiếc, việc "triển khai một khái niệm khác" ở trong cuốn sách này thì không thấy rõ.
GS Lê Thành Khôi cho rằng, ở Việt Nam, nhà nước ra đời và được củng cố dưới ảnh hưởng của hai nhân tố: cuộc chiến đấu chống lại sự đô hộ của ngoại bang và sự cần thiết phải có các công trình thủy lợi lớn. Do đó, điều này không theo đúng như quan niệm của C.Mác về phương thức sản xuất châu Á.
Tôi cho rằng, thế thì, không phải là chế độ phong kiến, thì ở Việt Nam mấy nghìn năm tồn tại trước chính thể Cộng hòa Dân chủ (trước năm 1945) thì là chế độ gì? GS Lê Thành Khôi gọi đó là "NỀN QUÂN CHỦ TẬP TRUNG" như ông đã gọi triều Lý và lấy tên đó đặt cho một tiết, tiết III của Chương III, cũng như ông gọi "NỀN QUÂN CHỦ QUAN LIÊU", "QUÂN CHỦ CHUYÊN CHẾ", "QUÂN CHỦ TẬP QUYỀN" để chỉ triều nhà Hậu Lê. Lập luận của GS Lê Thành Khôi là như thế, nhưng tôi thấy trong một số lần hiếm hoi trong cuốn sách này, ông lại cứ gọi là chế độ phong kiến Việt Nam. Điều này, ít nhất là tôi thấy cuối trang 149 khi ông viết về sự chấm dứt của triều Lý.
Còn vấn đề "phương thức sản xuất châu Á"? GS Lê Thành Khôi vẫn còn để ngỏ cho những nghiên cứu của mình và cho những ai quan tâm, như ông muốn "triển khai một khái niệm khác".
5. Một điều mà tôi thấy lạ là GS Lê Thành Khôi không trình bày thuần nhất theo phương pháp lịch đại.
Thứ tự theo lịch đại là một phương pháp bắt buộc khi người ta biên soạn lịch sử (thông sử), nếu đó không phải là trình bày theo chuyên đề. Trong cuốn sách của mình, GS Lê Thành Khôi trong khi chủ yếu viết theo thứ tự lịch đại, còn viết một số mục xen vào như là chuyên đề, có tính khái quát. Điều đó tôi thấy ở những chuyên mục như nêu đặc tính dân tộc Việt Nam, đặc điểm nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, v.v…
Tôi cho rằng, đây là cách trình bày mới và thú vị đối với người đọc, cho phép người đọc, sau khi trải nghiệm ở các trang thông sử, thì có dịp dừng lại "nhâm nhi", khái quát lại một số nét đặc sắc trong lịch sử Việt Nam. Nó khác hoàn toàn với các "tiểu kết" mà nhiều người nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong nước hay viết sau mỗi chương, đặc biệt nó khác với công thức cứng đờ quy định cho nghiên cứu sinh hay viết sau mỗi chương của luận án tiến sĩ sử học, mà tôi đọc thấy ở rất nhiều luận án thấy nó vô vị, vô thưởng vô phạt; ngay cả phần kết luận mà nhiều nghiên cứu sinh cũng không viết cho ra hồn.
6. Phần viết về những năm 20 trở đi, GS Lê Thành Khôi viết khác với rất nhiều cuốn sử do người trong nước viết.
Tôi không bàn tới việc viết sự kiện và nhận định có đúng hay không đúng, có phù hợp hay không phù hợp (Có một số sự kiện, GS Lê Thành Khôi viết không chính xác, chỉ tin vào tài liệu của nước ngoài, không tin vào tài liệu trong nước, ngay cả những sự kiện cho đến nay đã hiển hiện rõ mười mươi, không ai bàn cãi gì nữa cả, chẳng hạn đó là địa điểm họp Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941, khi cụ Hồ mới về nước được khoảng 4 tháng họp ở Pác Bó, Cao Bằng chứ không phải tận bên Tĩnh Tây của Trung Quốc như GS Lê Thành Khôi viết).
GS Lê Thành Khôi viết về tất cả các phong trào yêu nước, thậm chí không viết đậm lắm phong trào cộng sản. Những trang viết về phong trào quốc gia từ trang 543 cũng như những trang viết về mối quan hệ đan chéo gài nhau giữa tình hình trong nước Việt Nam với tình hình quốc tế rất được. Nhưng, theo tôi nghĩ, nếu có thể được mà tôi ưng ý nhất là có kiểu viết kết hợp cả hai, cả cách viết của GS Lê Thành Khôi và cách viết các thời kỳ này của những người nghiên cứu ở trong nước. Hai cách viết cần điều chỉnh thì tôi tin sẽ thành những trang sử đúng hơn.
7. Sau cùng, mốc thời gian kết thúc của cuốn sách theo tên cuốn sách là "đến giữa thế kỷ XX" là cái mốc rất không rõ.
Tôi cứ tưởng GS Lê Thành Khôi sẽ dừng lại ở sự kiện ngày 2-9-1945. Nhưng không phải. Những trang viết về lịch sử Việt Nam sau ngày 2-9-1945 vừa không đặc sắc, không rõ nét về việc chính yếu, vừa không rõ mốc kết thúc đến đâu cả. Tôi nghĩ rằng, nếu dựng lại bức tranh lịch sử Việt Nam sau ngày 2-9-1945 thì phải liền mạch và phải dừng thời đoạn lịch sử đến hết cuộc kháng Pháp (năm 1954). Đằng này, không rõ dừng ở đoạn nào. Hơn nữa cuốn sử này của GS Lê Thành Khôi đã có phần Dẫn luận, tôi nghĩ rằng, tất phải có phần kết luận. Nhưng không có. Cuốn sách, do đó, viết bị hẫng.
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511765
291
2337
22139
218638
121356
114511765