Diễn đàn

Đức thủy tổ họ Hồ Việt Nam: Mấy vấn đề then chốt cần làm rõ

Đã có một số nghiên cứu về Đức Thủy Tổ họ Hồ Việt Nam Hồ Hưng Dật, không chỉ nhằm làm rõ thân thế sự nghiệp của Đức Thủy Tổ  mà còn làm rõ gốc Tổ họ Hồ Việt Nam, nhưng hiện nay vẫn còn những khía cạnh chính còn ý kiến khác nhau và tranh luận.

1- Đó là Hồ Hưng Dật sang Giao Châu (tỉnh Hải quân), tức nước ta thời đó khoảng thời gian nào? Trước thời Ngô Quyền hay sau hay thời Ngô Quyền?

2- Sự nghiệp làm quan và làm chủ trại của ông cụ thể thế nào, trong thời gian bao lâu?

3- Ông và gia đình sống đầu tiên ở đâu và lâu dài ở đâu? Bào Đột là những nơi nào? Cuối đời ông ở đâu, mất ở đâu, mộ chí ở đâu? Tại sao sau ông Hồ Hưng Dật không thấy nói về con cái, các thế hệ nối tiếp. Dấu ấn trong dân như thế nào, trong chốn quan trường ra sao?

Ba nhóm vấn đề trên liên quan mật thiết với nhau. Hầu hết nội dung vấn đề thứ hai, thứ ba là hệ quả của vấn đề thứ nhất, cần được tiếp tục nghiên cứu.

Và từ đó để làm rõ phải giải mã một số sự kiện như: thời Hậu Hán, Hương Bào Đột, Lỵ sở Châu Diễn, thời gian cụ Hồ Hưng Dật làm quan và làm trại chủ, nơi ở và làm việc của cụ...

Đó là những câu hỏi và vấn đề không dễ trả lời và có các quan điểm nhận thức trái ngược nhau, vì tư liệu và sự kiện về ông quá ít lại mờ nhạt, không nhất quán; Các sự kiện diễn ra quá lâu, gia phả thất truyền. Vậy có cách nào làm căn cứ để tìm ra câu trả lời, dù là gợi ý hay giả thuyết?

Phương pháp của chúng tôi là nghiên cứu tìm logic chung trong sự nghiệp và cuộc đời của ông với dư âm và dấu tích có thể, liên kết lại mà có thể tìm lối ra tránh được mâu thuẫn phi lý, không phù hợp với tiến trình và bối cảnh lịch sử đất nước và của ông Hồ Hưng Dật?

Chúng tôi đã có bài viết nêu vấn đề, có bài nêu các tư liệu và ý kiến nhận định khác nhau với lý giải tranh luận khá dài, ở đây xin trình bày vắn tắt và tập trung chỉ ra những điểm bất hợp lý trong quan niệm lâu nay mà Ban Sử họ Hồ Việt Nam thường công bố cũng như khá nhiều bài viết đã đăng trên mạng Internet... bối cảnh lịch sử, phủ nhận thời kỳ làm quan và công lao của ông với Triều Ngô - Đinh... Và cũng từ đó đánh giá sai về nơi phát tích họ Hồ Việt Nam cũng như sai lạc logic gắn với các đời hậu thế. Chúng tôi cho là không phải như vậy. Chúng tôi thấy rằng Hồ Hưng Dật sang vào những năm Tiền Ngô Vương, tức 923 -937 là phù hợp với ngữ cảnh lịch sử (thời nhà Nam Hán, một loại Hậu Hán), cuộc đời, sự nghiệp, nơi phát tích họ Hồ Việt Nam cũng như các thế hệ nối tiếp của ông về sau... 

Sau đây là một số vấn đề cần nghiên cứu cụ thể

1- Cần xác định Trạng nguyên Hồ Hưng Dật sang nước ta vào khoảng năm nào và tại sao? Trước thời Ngô Quyền hay sau thời Ngô Quyền, hay lúc Ngô Quyền tại vị?

+ Từ năm Quý Mùi 923 nhà Lương mất, vua Hán có ý đồ bắt đầu đem quân xâm lược Tỉnh Hải quân, tức Việt Nam lúc đó. Khúc Thừa Mỹ thất thủ (10/930, hay 923?). Sau này Tướng Dương Đình Nghệ (trong thời gian từ 931 - 937) đánh bại quân Hán sau một năm (931). Lần sau chúng lại xâm lược khi Dương Đình Nghệ mất. Ngô Quyền lại đánh bại quân Nam Hán lần hai (938) cũng sau một năm.

+ Nên Trạng nguyên Hồ Hưng Dật có thể sang Giao Châu, tức Tỉnh Hải quân trước thời Ngô Vương, tức cuối thời Khúc Thừa Mỹ hoặc khi vua Nam Hán xâm lược nước ta lần thứ nhất (Thời Lý Khắc Chính làm Tiết Độ sứ). Bên phương Bắc thời vua Nam Hán là Lưu Nham (917) và Lưu Nghiễm (926 - 941). Hồ Sỹ Dương (1621-1681) cho rằng Hồ Hưng Dật sang năm 923-936 hậu Hán (cụ thể Hậu Nam Hán - HBT), trước năm 937 là trước đời Hậu Tấn (Ninh Viết Giao gọi là Hậu Đường và nhiều người nghiên cứu cũng đồng ý những quan điểm này của Hồ Sỹ Dương). Chỉ có Hồ Sỹ Giàng là cho rằng, Hồ Hưng Dật sang năm 947-950.[1]

+ Nếu cho rằng cụ Hồ Hưng Dật tự sang năm 947- 950[2] thì sẽ khó giải thích nhiều điều sau đây:

i) Cụ tự sang tìm đường sinh sống, làm ăn mà từ nơi loạn bên Tàu đến nơi loạn bên Việt Nam ư? Hay trạng nguyên đi tìm nơi lập nghiệp. Cụ mới sang từ phương Bắc trong bối cảnh phương Bắc hay xâm lược VN, nên rất cảnh gíác, vậy sao bên ta dễ dàng sử dụng ngay cụ Hồ Hưng Dật vào vị trí quan trọng đứng đầu một châu (quận) như thế, liệu có hợp lý không?

ii) Hậu Hán (Ngũ Quỹ) chỉ có 4 năm, lại thời loạn nữa sao đủ thời gian tổ chức thi trạng nguyên? Cụ Hồ Hưng Dật sinh khoảng năm 907, thì năm 950 cũng 43 tuổi rồi. Tuổi đã có gia đình sao cụ sang một mình đi tìm đường sinh sống?

iii) Cụ và cụ Đinh Công Trứ là đồng liêu mà Đinh Công Trứ đã mất năm 940?

“Khi lên ngôi Ngô Quyền còn khen cụ Hồ Hưng Dật là đã giữ vững vùng trọng yếu nơi ông trị vì”, mà Ngô quyền thì đã mất năm 944, sao lại bảo cụ Hồ Hưng Dật sang Việt Nam năm 947-950?

iv) Vì sau thời Ngô Vương, Nghệ An lúc đó gọi là Hoan Châu, còn trước đó là Châu Diễn. Nếu nóiHồ Hưng Dật sang năm 947-950 rồi ở ẩn hay làm trại chủ ở hương Bào Đột Quỳnh Lưu nay là phủ nhận thời Hồ Hưng Dật làm Thái thú Châu Diễn.

v) Vậy cụ Hồ Hưng Dật làm Thái thú Châu Diễn hay không[3] hay mấy năm, vài ba năm thôi ư? Và cũng không làm gì cho nhà Đinh sao Cụ có uy tín với triều đình vậy. Cụ được vua Đinh trọng dụng và là một trong 267 tướng tài nổi danh của nhà Đinh? Nếu mới từ nơi loạn lạc đến đây (hiểu được gì) mà dám góp ý kế sách dẹp loạn với Đinh Bộ Lĩnh? Hơn nữa loạn 12 sứ quân chủ yếu ở ngoài Bắc, vùng xứ Nghệ không liên quan.

vi) Nếu chỉ là chủ trại sao cụ được phong Tướng quân Hồ Hưng Dật, Trung đẳng thần quân Nhị thần Hồ Hưng Dật và được nhà Đinh tôn vinh là một trong số 267 tướng quân nhà Đinh? Phải chăng vì ông có tư vấn hay chủ yếu ông đã làm Trấn thủ quan Hoan Diễn?

vii) Đó là chưa kể, có vị tướng Hồ Thông, con của Hồ Minh, vị tướng Hồ Thông cũng là tướng nổi tiếng nhà Đinh. Khi mất ông được phong Thánh (bậc thánh Đại vương[4]).

Nếu hai đời họ Hồ này khoảng ít nhất cũng 45 năm hơn. Vậy cụ Hồ Hưng Dật sinh ra con cháu khi sang VN năm nào? Nếu năm 947 thì đến 968 mới 21 năm...    

viii) Đều cho rằng cụ Hồ Hưng Dật thời Hậu Hán,nhưng người thì ghi năm 947-950 (Hồ Sĩ Giàng), người thì ghi 923-936 (Hồ Sĩ Tăng, theo Hồ Sĩ Dương), là thế nào, quả không rõ đời nào, Hậu Hán nào, Nam Hán hay Bắc Hán (dù là vương quốc tự phong)? Sao lại nói vào năm thứ hai Hán Ẩn đế?

Lưu Ẩn (Nam Việt) đã mất năm 911.Sau đó, 912, Lưu Nham lên thay,sau này đổi tên Nam Việt thành Nam Hán, năm 917 (Hán phương Nam phân biệt với Bắc Hán là Lưu Mân tức Lưu Sùng 951- 979[5] thời Ngũ Đại, xem Nam Hán - Wikipedia tiếng Việt). So với nhà Hán trước công nguyên thì Đông Hán, Nam Hán hay Bắc Hán cũng là Hậu Hán. Nên khi nói Hậu Hán là phải cụ thể, Nam Hán hay Bắc Hán, đời nào, nếu không rất dễ nhầm.

+ Quan niệm khác cho rằng Hồ Hưng Dật sang khi Ngô Quyền còn tại vị

Có tài liệu như Gia phả thực lục, nghĩa là ghi chép sự thật về Gia phả họ Hồ, viết rằng Hồ Hưng Dật sang “khi vua Nam Hán Lưu Ẩn đang  ở ngôi, và vua Ngô Quyền đang trị vì” (939-944- HBT), Hồ Hưng Dật là Nho gia được cử sang (phụng mệnh đi sứ phương Nam - theo Hồ gia phả ký) làm Thái thú ở Diễn Châu, hay sang ở ẩn ở Bào Đột, hoặc sau loạn 12 sứ quân thì Hồ Hưng Dật về cư ngụ ở Hương Bào Đột (xã Bào Giang sau này)[6]. Rồi ở trang 2016, Một Hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ VN, Nxb. Đại học quốc gia TPHCM, 2019, theo Nguyễn Hữu Tâm, trong Hồ gia phả ký, mục Hồ gia phả tấn, Hồ Sỹ Thực viết, Tộc họ ta ở Ấp Quỳ Trạch, nguyên quán ở làng (hương) Tiên Sinh sau di cư đến Hoan Hậu, cư ngụ ở Thổ Đôi, theo tôi là nói về Hồ Kha, chứ không phải Hồ Hưng Dật.

Nội dung trên cũng mâu thuẫn: i) Hồ Hưng Dật đi sứ (ngoại giao hay làm việc có định kỳ? - HBT) phương Nam và lúc này VN đã độc lập tại sao lại Hồ Hưng Dật làm quan Thái thú Châu Diễn? ii) Và vua Nam Hán là Lưu Ẩn đã mất năm 911 (sau Lưu Nham lập ra Nam Hán năm 917) sao lại cùng thời Ngô Quyền tại vị? (Chứng tỏ người xưa ghi phả hệ cũng đáng nghi ngờ, vì không chính xác, do vậy không nên lấy người xưa nói viết cái gì, kể cả trong quốc sử hay gia phả khuôn vàng thước ngọc).

Lúc này chỉ là Lưu Nham (Lưu Nghiễm) mới đúng. Ông này đã cng cố chế độ thi cử làm quan và Nam Hán Lưu Nham, tức Lưu Nghiễm cũng là Lưu Trác (trị vì từ năm 912 đến 942) này liên quan tới xâm lược Việt Nam Tỉnh Hải quân hồi đó (năm 930). Phải chăng có sự nhầm Lưu Ẩn với Hán Ẩn đế? (mà nếu Hán Ấn đế là Lưu Thừa Hựu thì là năm 950 kia mà. Thật khổng tí nào?).

Sao lại không phải Hồ Hưng Dật được cử sang làm quan Thái thú Châu Diễn[7] (Thứ sử)? (“Phụng mệnh đi sứ phương Nam làm thái thú đất Châu Diễn”- Hồ gia phả ký - Hồ Sỹ Thực)

Điều này cho thấy chỉ có một khả năng hợp lý nhất là cụ Hồ Hưng Dật sang trước thời Ngô Quyền xưng vương!

+ Ai phong chức cho cụ Hồ Hưng Dật? Sao Ngô Quyền không phong chức thứ sử (thái thú) cho Hồ Hưng Dật, ví ông cùng thời hoặc trước cả khi Ngô Quyến làm Thứ sử Ái Châu năm 931 và cũng không thấy Dương Đình Nghệ phong chức này cho Hồ Hưng Dật. Dương Tam Kha đang rối bởi cũng không thể nói phong chức cho cụ Hồ Hưng Dật, và cũng vì cụ Hồ Hưng Dật không ủng hộ chính quyền hậu Ngô Vương, tức Dương Tam Kha. Còn sau này Đinh Tiên Hoàng phong chức Trấn thủ quan cho cụ Hồ Hưng Dật thì đã rõ.

Chỉ có phương Bắc vua Nam Hán (đã chiếm vương quốc Ngô Việt) sau thời kỳ Khúc Thừa Mỹ bị bắt có thể đã phong chức và cử cụ sang làm Thứ sử Diễn Châu, trấn giữ một vùng đất phên dậu trọng yếu là hợp lý hơn cả chăng. Nhưng cụ Hồ Hưng Dật sau đó đã không theo ý phương Bắc mà phụng sự theo ý dân và chính quyền yêu nước Việt Nam, ở lại làm dân Việt Nam.  Có trường hợp gần tương tự không? Có!

Chẳng hạn để lung lạc Dương Đình Nghệ, chính “vua Nam Hán là Lưu Cung sai người phong ông làm Thứ sử Ái châu. Nhưng chẳng bao lâu sau, tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ[8] ra quân từ Ái châu, đánh bại Lý Khắc Chính, đánh đuổi Thứ sử Lý Tiến của Nam Hán” (Việt Nam thời tự chủ, Wiki).

Như vậy, phải chăng cụ Hồ Hưng Dật “Phụng mệnh đi sứ phương Nam làm thái thú đất Châu Diễn”? (Hồ gia phả ký - Hồ Sỹ Thực).

2- Sự nghiệp làm quan và làm chủ trại. Nơi ở cuối đời và nơi nào chính xác là nơi ở, sinh sống của cụ và gia đình?

Hiện nay có một quan niệm sự nghiệp chính của Hồ Hưng Dật chủ yếu là làm chủ trại, còn làm quan chỉ mấy năm, thậm chí vài năm (khi cho rằng Hồ Hưng Dật sang VN lúc đó là thời Hậu Hán năm 947-950 nói trên). Vùng Yên Thành chỉ là Hồ Hưng Dật đi qua trên con đường lập nghiệp, còn Bào Đột Quỳnh Lưu mới là nơi lập nghiệp, sống cả đời. Có thật sự vậy không?

Quan điểm thứ hai là Hồ Hưng Dật sang VN năm 923-937, có thời gian làm quan và làm chủ trại tương đối lâu dài và nơi làm quan và lập nghiệp chính là vùng Kẻ Sừng xưa ở Yên Thành.

Chúng ta hãy xem thực tế sau đây

i) Sự nghiệp làm quan thứ sử/tri châu

Ông Hồ Hưng Dật sang Việt Nam ta thời đó là trước thời Ngô Quyền, 939, khoảng từ 924 - 937. Làm quan Thái thú (tức Tri châu) Châu Diễn có thể đến khi Ngô Quyền mất 944, anh em họ Ngô tranh giành nhau nên ông từ quan về làm chủ trại. Thời làm quan Châu Diễn sống ở vùng Quỳ Lăng, tức Lăng Thành nay. Và cả thời kỳ sau làm Trấn thủ quan Hoan Diễn[9] thì hầu như ông cũng ở đây, không thể ở vùng Nghĩa Liệt - Nghĩa Đàn hay Ngọc Sơn - Quỳnh Lưu nay. 

Ông được vua nhà Đinh chọn làm Trấn thủ quan có lẽ vì ông từng làm Thái thú Châu Diễn, lại quen với cha của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Công Trứ và Đinh Bộ Lĩnh hiểu rõ, tin ông Hồ Hưng Dật nên giao cho trấn thủ vùng phên dậu phía Nam đất nước lúc đó. Có thể ông làm mấy năm rồi về hưu, vì năm 968 ông đã 61 tuổi.

ii) Tướng công

Chăm lo dân ưu nông dân ư binh, lập trại tập luyện quân binh, dân binh, giữ yên bờ cõi quê hương. Chính vì có công lao về quân sự, an ninh mà ông được phong là Tướng công Hồ Hưng Dật và được ghi vào danh sách 268 (hay 274)[10] danh tướng thời nhà Đinh và được nhắc tới trong sử sách.

Nên nếu cho rằng ông không ra làm quan mà về ở ẩn khi Đinh Bộ Lĩnh mời là không đúng. Thực tế là ông đã làm quan Trấn thủ Hoan Diễn thời nhà Đinh!

Như vậy ông Hồ Hưng Dật có hơn chục năm làm quan chứ không phải vài ba năm, trong thời gian ngắn!

iii) Sự nghiệp làm chủ trại, mở mang làng ấp

Có thể là thời kỳ từ năm 945 đến 968 là thời kỳ hơn 20 năm chính ông làm chủ trại (tuy khi làm quan ông vẫn có trang trại). Còn sau khi làm Trấn Thủquan về hưu thì tuổi đã cao. Lúc này con cháu làm trang trại chứ ông chắc là nghỉ ngơi là chính.

Trang trại của gia đình ông chắc nhiều nơi nhưng chủ yếu vùng Yên Thành, Nghĩa Đànvà vùng giáp Quỳnh Lưu nay. Hâu như ý kiến cho rằng làm chủ trại chỉ có ở vùng Bào Đột thuộc Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn nay là quá hẹp, cực đoan, ngộ nhận. Vì vùng đất phì nhiêu ở Yên Thành, Nghĩa Đàn nhiều hơn, thuận lợi hơn, nhất là khi ông ở khá lâu tại vùng Kẻ Sừng, Kẻ Cuồi, Ngũ Bàu nói chung, tạo nên thương hiệu Tiên Sinh Ồ Ồ (Tiên Sinh Họ Hồ).

iv) Về tư tưởng và nhân cách

Cụ không phải là nhà tư tưởng mà là một nhà hoạt động thực tiễn, làm nhiệm vụ quản lý hành chính và là tướng công, rồi chủ trại. Nhưng ta thấy cụ Trạng nguyên có tư tưởng Vạn đại vi dân; khổ cùng chịu, sướng cùng hưởng, (tức một tư tưởng có truyền thống trong văn hóa nhân văn phương Đông nói chung và Trung Quốc, Việt Nam xưa); ghét cảnh binh đao.Và dù là quan thời phong kiến xưa nhưng thông qua tâm thức tôn trọng của nhân dân và của nhà Ngô, nhà Đinh ta thấy cụ là bậc quan đại thần có nhân cách. Tất nhiên cụ là nhân vật lịch sử nên cần nhìn nhận như vốn có cho đúng tránh đề cao quá, hiện đại hóa cụ.

Có lẽ chủ yếu, cụ không phải là tự đi tìm phương trời mới để sinh sống và lập nghiệp, hay tránh Hán hóa, hay chạy loạn trôi dạt sang Tỉnh Hải quân, hay đi tìm nơi thực hiện lý tưởng sống của cụ mà là cụ được cử sang Tỉnh Hải quân làm quan nhưng vốn là người được đào tạo và tự đào tạo bài bản, được tu luyện trong tinh hoa văn hóa phương Đông và có nhân cách, lại khi gặp khi sống với người Việt giàu lòng nhân ái, đoàn kết vì nghiã lớn mà cụ đã ở lại với quê hương Châu Diễn, Việt Nam. Cụ cũng đã thể hiện và trở thành một nhân vật được nhà nước và nhân dân kính trọng, tôn vinh, bậc “Tiên sinh họ Hồ”!

v) Cụ Hồ Hưng Dật và gia đình sống đầu tiên ở đâu và lâu dài ở đâu? Bào Đột là những nơi nào? Cuối đời ông ở đâu, mất ở đâu, mộ chí ở đâu?

Như đã nói ở trên, khi từ quan ông có thể sống lâu nhất cùng đại gia đình ở vùng Lăng Thành - Mã Thành. Nhà thờ họ Hồ sớm nhất còn lại cũng ở vùng Kẻ Cuồi. Nhưng gần đây họ Họ Tam Công phát hiện ở Mã Thành còn có dấu tích nhà thờ họ Hồ xưa. Vùng đất Mã Thành, Tân Thành, Thọ Thành xưa là xã Thái Trạch. Nhưng Thọ Thành có sau Mã Thành và bước tiếp nối Mã Thành từ những năm 1314 về sau. Và ngay cụ Hồ Kha cũng sinh ra ở vùng Mã Thành. Và 10 đời thất phả có thể sống ở vùng Lăng Thành, Mã Thành sau đi các nơi sinh sống.

Vùng Lăng Thành, Mã Thành, Thọ Thành... gắn với vùng Ngũ Bàu.

Tiến sỹ Trần Đinh Phong thời nhà Nguyễn thì “Sau khi thôi quan, Ngài về đất Ngũ Bàu: Bàu Gia, Bàu Canh, Bàu Sàng, Bàu Sừng và Bàu Diệu Ốc, là trị sở làm việc của Ngài”.

Với lập luận, cụ sang năm 947- 950, vài năm làm quan nên mới cho rằng cụ có ghé làm quan ở Quỳ Lăng, rồi về Bào Đột Quỳnh Lưu là trại chủ nên mới là quê hương là không đúng thực tế lịch sử? Nói vậy sẽ phủ nhận cụ làm Thái thú Châu Diễn gần chục năm và làm quan Trấn thủ Hoan Diễn mấy năm nữa. Sử cũ ghi cụ từ quan đưa vợ con về Hương Bào Đột[11], nghĩa là cụ đã có gia đình sinh sống ở Quỳ Lăng, lấy đó làm quê hương. Và cụ sống với gia đình ở vùng Kẻ Cuồi, một phần của Hương Bào Đột xưa rộng lớn (gồm khoảng nhiều xã, vì mỗi xã khoảng 40 - 60 hộ)[12]. Nên nói Bào Đột Quỳnh Lưu mới là nơi lập nghiệp là không thuyết phục, thậm chí sai lệch.

Cũng cần nói thêm, đơn thuần cho rằng cụ Hồ Hưng Dật nếu chỉ sang Giao Châu tìm nơi lập nghiệp thì cụ trước hết phải làm trang trại, dần dần có uy tín mới được mời làm quan chứ không phải sang ngay là làm quan Thái thú được! Nên cụ được cử sang là có cơ sở hơn, sự thật dù trần trụi vẫn là sự thật! Làm quan cũng có nhân cách khác nhau, không nên quá mặc cảm điều này!

Và cũng cần nêu thêm câu hỏi và trả lời rõ ràng. Sao Hồ Hưng Dật lại từ loạn phương Bắc sang nơi loạn phương Nam lập nghiệp và mới sang sao Đinh Bộ Lĩnh lại biết mà hỏi kế sách dẹp loạn và Hồ Hưng Dật mới sang Việt Nam thì biết gì vùng đất mới mà tư vấn.Lại nói Hồ Hưng Dật không nhận làm tướng cho Đinh Bộ Lĩnh. Trong khi đó,thực tế Đinh Bộ Lĩnh biết cụ Thái thú Hồ Hưng Dật khi theo cha Đinh Công Trứ  vào Châu Hoan làm phụ tá. Và sau này khi lên ngôi Đinh Bộ Lĩnh mời Hồ Hưng Dật làm trấn thủ quan Hoan Diễn, là một trong số 274 danh tướng nhà Đinh.

Vậy cuối cùng là cuối đời ông ở đâu, mất ở đâu, mộ chí ở đâu?

Ta biết sau năm 968 ông Hồ Hưng Dật được nhà Đinh tín nhiệm mời và cử làm Trấn thủ quan Hoan Diễn, lúc đó ông khoảng 61 tuổi. Làm việc mấy năm ông xin nghỉ. Lúc đó cũng đã cao tuổi vậy lẽ nào ông lại về nơi rừng sâu như vùng Thượng Đột xã Ngọc Sơn nay để ở ẩn hay an hưu? Vô lý vì khu Thượng Đột xã Ngọc Sơn nay hơn nghìn năm trước là rừng núi sâu, có thể là rừng thiêng nước độc. Nhưng năm 60 thế kỷ 20 mà còn có thú dữ kia mà (như người Quỳnh Lâm vẫn kể). Vùng này sau những năm 70 thế kỷ 20 mới có người ở. Thời năm 1400 một vương quốc bí ẩn của vua và Thái thựợng hoàng Hồ Quý Ly cùng vua Hồ Hán Thương. Tuổi già mà ở nơi này ư? Không đúng!

Ông về ở vùng Mã Thành ngày nay (xưa thuộc Quỳ Lăng) là hợp lý hơn (hiện nay đã phát hiện thấy vùng Mã Thành có nhà thờ họ Hồ xưa có trước nhà thờ Tam Công bị hoang phế và từ lâu đã biết có khu vực Mả Tô nữa). Nên có tài liệu ghi lại rằng, cuối đời ông Hồ Hưng Dật đã mất ở đây, chôn ở vùng này, “mộ táng ở Bắc làng Quỳ Lăng” (bà con ta quen gọi xứ Tiên sinh Ồ Ồ), nay là xã Lăng Thành, Hậu Thành, Phúc Thành [13]. Tuy vậy, mộ Tổ Hồ Hưng Dật thì theo một số nhà nghiên cứu thì có thể phải tìm ở nhiều nơi, cần nghiên cứu thêm.

Ta biết rằng từ Lăng Thành, Mã Thành lên Nghĩa Đàn còn vài ba chục mộ Tổ họ Hồ chỉ là một đống đất đá, có nơi tu tập nghĩa trang có nơi nằm cô đơn rải rác góc vườn bìa rừng. Ngoài các anh họ Hồ Thọ Thành, Quỳnh đôi mỗi năm một hai lần đi dâng hương còn Hội đồng họ Hồ Việt Nam ít người biết đến. Chúng tôi đã vài lần đề nghị Hội đồng họ Hồ quan tâm làm cái bia, xây cái hàng rào để khỏi bị lấn chiếm hoặc san ủi, nhưng các vị chưa nghe ra. 

Còn tại sao sau ông Hồ Hưng Dật không thấy hay ít thấy có tài liệu nói rõ về con cái, các thế hệ nối tiếp, cũng như những dấu ấn trong dân như thế nào, trong chốn quan trường ra sao? Đây là một bí ẩn mà hiện nay chưa có tài liệu nào ghi lại cũng như chưa có sự nghiên cứu nào ngoài khởi thảo 10 hay 11 đời thất phả mới đây của Nhóm nghiên cứu.

Từ những phân tích trên đây nếu coi Bào Đột Quỳnh Lưu là gốc tổ duy nhất sẽ khó hay không thể lý giải nhiều điều sau đây:

i) Nói cụ Hồ Hưng Dật sang VN để tránh Hán hóa và kiếm sống lập nghiệp khai cơ ở vùng Quỳnh Lâm xưa hay Ngọc Sơn nay, vậy sao từ bên phương Bắc mà biết Bào Đột - Ngọc Sơn là đất phong thủy mà đến, lại nói quá đi?Thực tế là không có dấu vết gì về Hồ Hưng Dật ở vùng Ngọc Sơn hay Quỳnh Lâm nay, không dấu tích dòng họ, Thành hoàng làng, mộ chí... và không nên cố tìm...

ii) ĐVSKTT cũng chỉ nói Hồ Hán Thương xây miếu thờ tổ tiên chung chung, không nói lập đền thờ Hồ Hưng Dật... Một số người nói rằng vua Hồ HánThương lập đền thờ Hồ Hưng Dật là suy luận không đúng.

iii) Hương Bào Đột, Ngũ Bàu xưa không hạn hẹp ở Quỳnh Lâm hay Ngọc Sơn, hơn nghìn năm xưa là vùng còn núi non rậm rạp, rừng thiêng nước độc. Nói Ngũ Bàu là nói vùng xứ Tiên sinh Ồ Ồ ở Qùy Lăng xưa (thuộc huyện Yên Thành nay. Hình như có sự nhầm lẫn với làng Ngũ Bào ở Quỳnh Lưu nay).

Trong khi đó:

i) Ở vùng Quỳ Lăng, Kẻ Sừng Ngũ Bàu có nhiều dấu tích vật thể có dấu ấn về thời Hồ Hưng Dật và hậu duệ (Hương hay xứ Tiên sinh Ồ Ồ, rú Quan, Khe, Bàu Hồ, có vùng, xứ Ngũ Bàu...)

Trong Khoa biên hàng Tổng, Tiến sỹ  Trần Đình Phong, viết “Sau khi thôi quan, Ngài về đất Ngũ Bàu: Bàu  Gia, Bàu Canh, Bàu Sàng, Bàu  Sừng và Bàu Diệu Ốc, là trị sở làm việc của Ngài, tất cả những nơi này đều có miếu thờ Ngài.... Đặc biệt,ở ngôi đền Nhà Ông có ngôi đền Cận được hai tổng kiến thiết để thờ Đức Thành Hoàng của hai tổng. Ngài có công lập ra hai tổng”[14]. Nên không thể nhầm lẫn ngũ Bàu Yên Thành với Ngũ Bào (5 thôn bào) Quỳnh Lưu.

Căn cứ vào dấu ấn thực tế và ý kiến của Tiến sỹ Trần Đình Phong thì cụ Hồ Hưng Dật định cư ở Ngũ Bàu, Hương Bàu Đột vùng Yên Thành chứ chưa bao giờ (hoặc không phải là chủ yếu) ở Bào Đột Quỳnh Lưu mới đúng!

ii) Kẻ Sừng là nơi thờ phụng Hồ Hưng Dật và hình ảnh Trung Đẳng Thần, Nhị thần Hồ Hưng Dật...

iii)  Có đền thờ, nhà thờ có ngày cúng giỗ 25, 26/3 âm lịch

iv) Có nhà thờ lâu đời, dòng họ Hồ lâu đời nhất còn lại (Nhà thờ Tam Công)

v) Trước khi từ quan đã có vợ con sinh sống ở đây, và nói về Hương Bàu Đột tức Bàu Giang là thuộc một phần của Yên Thành (một phần Hương Bàu Đột thời Đường và hậu Đường, tức tương đương thời tự chủ và thời độc lập của VN (mà Hồ Hưng Dật lập nghiệp sinh sống ở VN, từ đầu thế kỷ 10).

vi) Xin nói thêm rằng, gần đây Họ Hồ Tam Công tìm hiểu thêm thấy rằng, xã Thái Trạch xưa cũng là thủ phủ An Định quận được ghi nhiều gia phả nhiều nơi trong nước ta. Đây có AnĐịnh quận là lỵ sở tổng Quỳ Trạch, xã Thái Trạch xưa nay là địa danh nhiều xã. Địa danh xã Thái Trạch gồm Lăng Thành, ThọThành, Tân Thành, Mã Thành. Ở Mã Thành có một tổ họ Hồ. Tổ Hồ tập trung nhiều đời từ Thủy tổ Hồ Hưgng Dật đến tổ Hồ Kha đều có con cháu ở xã Thái Trạch.

Ở xã Mã Thành có chi họ Hồ rất đông. Thời xưa khi ông Hồ Sỹ Tuần về xử vụ chia nhà thờ Tam Công. Ông Tuần không vào nhà thờ Tam Công mà ông đi thẳng về nhà thờ họ Hồ Thanh Đà xã Mã Thành. Nay chi họ Hồ Làng Thanh Đà không còn mấy hộ nữa. Có ông Hồ Sỹ Niên là trưởng tộc họ Hồ làng Thanh Đà. (Làng này có cụ Trạng nguyên Bạch Liêu). Nhưng nhà thờ Thanh Đà cũng không thấy có tư liệu nào để lại nói rõ về nhà thờ này, dù gia phả họ Hồ Tam Công có nhắc tới (Theo Hồ Hoàng)!

Họ Hồ Tam Công, Thọ Thành đang tìm hiểu sưu tập chứng cứ nhà thờ Tổ họ Hồ từ đời thứ 2 đến đời thứ 12 mới phát lộ ở Mộng Sơn, xã Mã Thành tại Rú Họ còn di vật cổ voi ngựa đá bị gãy do vùi lấp (gần mộ cụ Hồ Đình Trung cách Thọ Thành 1 km). Và chính cụ Hồ Kha sinh ở Trang Mộng Sơn, ấp Quỳ Trạch, huyện Đông Thành. Đến đời thứ 13 cụ Hồ Kha khai phá Làng Cuồi và đi chuyển đại gia quyến về Làng Cuồi và xây nhà thờ phụng thờ Tổ Tiên. Anh Hồ Sỹ Minh cần tìm kỹ hơn tư liệu và sẽ chụp ảnh nguyên trạng, các đi vật và tìm hiểu truyền thuyết dân gian từ các cụ bô lão... Đây là thông tin ban đầu, nếu có đúng như vậy thì quý giá biết bao, càng có thêm bằng chứng mới khẳng định gốc Tổ  họ Hồ Việt Nam ở Yên Thành (Theo Hồ Sỹ Minh, Hồ Sĩ Tăng, Hồ Hoàng, Hồ Minh Hiệu).

Như vậy Họ Hồ Tam Công là tiếp nối gốc Tổ, thế Tổ họ Hồ Việt Nam, chứ không nên nói “Đại tộc họ Hồ Tam Công là gốc Tổ họ Hồ Việt Nam”, vì trước họ Hồ Tam Công còn có dòng họ Hồ từ 10 đời thất phả; và cụ Hồ Hưng Dật cũng chưa hề sinh sống ở vùng đất Thọ Thành ngày nay (trước thế kỷ thứ 10 chưa được khai phá lập làng), nơi gắn với họ Hồ Tam Công, dù họ Hồ Tam công có gốc từ Mã Thành và họ Hồ Tam Công không chỉ là ở Thọ Thành. Gốc Tổ họ Hồ Việt Nam là ở vùng Lăng Thành, Mã Thành, xưa là Quỳ Lăng (Quy Lăng), tiếp theo là Thọ Thành.

3- Hồ Hưng Dật trong tâm thức nhân dân

Những người có công với dân làng và với quê hương đất nước sử sách hay phả hệ có thể ghi lại ít nhiều nhưng trong tâm thức nhân dân và góc nhìn từ đất đai còn mãi những dấu ấn không phai mờ!

Nơi mà tiền nhân từng sinh sống, làm việc, người có ảnh hưởng lớn đến dân làng đến quê hương đất nước thường để lại dấu ấn sâu đậm làm nên một nét lịch sử và văn hóa bất thành văn khá trung thực, nên khi nghiên cứu lịch sử danh nhân, lịch sử dòng họ, thì không thể không chú ý đến phương diện lịch sử văn hóa này. Vì đó là một loại nhân chứng lịch sử sống động nhất, sâu đậm nhất, trung thực nhất!

Nhân vật Hồ Hưng Dật, Trạng nguyên, Tướng công, Trấn thủ quan là một trong những trường hợp như vậy.

i)- Vậy nơi nào, vùng đất nào, quê hương làng xóm nào ghi lại nhiều nhất, đậm nhất dấu ấn Hồ Hưng Dật, du ấn họ Hồ Việt Nam? 

Ta biết rằng, nhân vật Trạng nguyên Hồ Hưng Dật từ phương Bắc sang Châu Diễn và làm quan sống cả đời ở đó là điều chắc chắn. Nhưng ông làm việc và sống chính thức và ghi dấu ấn ở nơi cụ thể nào?

Tìm hiểu vùng Ngọc Sơn huyện Quỳnh Lưu, vùng Nghĩa Liệt huyện Nghĩa Đàn, vùng Lăng Thành - Mã Thành huyện Yên Thành thì chỉ vùng Yên Thành, thể là Lăng Thành - Mã Thành... là nhiều dấu ấn Hồ Hưng Dật và gốc tổ họ Hồ nhất.

 Nào là Rú Quan, Động Quan, Trại Cày, Bãi Tập, đất Tiên Sinh Ồ Ồ, Mã Tổ, Mộ Tổ, Khe Hồ, Nghĩa Trang họ Hồ…;nào Đền Trung Đẳng, Đền Thượng (khu Đình Sừng), tôn vinh, thờ cúng Thành Hoàng Hồ Hưng Dật từ xa xưa, nào Nhà thờ Tam Công có ít nhất từ năm 1314 và trước nhà thờ Tam Công là đã có nhà thờ họ Hồ Thanh Đà (bị hoang phế) ở vùng Mã Thành…

Còn ở vùng Nghĩa Đàn có trại Tiên Sinh…Và Bàu Đột - Ngọc Sơn huyện Quỳnh Lưu thì ngoài Miếu thờ Tổ tiên xưa do các con Hồ Quý Ly dựng nên và sau gọi là Đền Vua Hồ thì không có dấu tích gì về Hồ Hưng Dật. Chi phái họ Hồ ở đây thì về sau này mới có và thưa thớt. Nói mộ Hồ Hưng Dật chôn ở đây và sau dời đi nơi khác cũng vô lý.

Tuy nhiên,ở Ngọc Sơn hiện nay có Đền thờ Hồ Hưng Dật (từ 2014) khang trang rộng lớn là rất đáng hoan nghênh và trở thành một địa chỉ trung tâm cho con cháu họ Hồ VN làm nơi thờ cúng Nguyên Tổ tuy về pháp lý là đền thì thờ Thành hoàng làng! Không thể phủ nhận thực tế này, dù Hồ Quý Ly gọi là miếu thờ Tiên Tổ chứ không gọi chính danh thờ Hồ Hưng Dật. Và trong tâm thức dân gian nơi này lại nhớ Vua Hồ chứ ít thấy nhắc nhớ Hồ Hưng Dật.

Trong khi đó ở Lăng Thành chính quyền và nhân dân nhiều đời nay lại nhớ Hồ Tiên Sinh, nhớ quan Hồ Hưng Dật, thờ Thành làng Hồ Hưng Dật (từ 7 tháng Giêng). Và nhà thờ Tam Công là cúng Hồ Hưng Dật cùng các bậc tiên liệt (dù khi làm di tích thì chọn nhận vật tiêu biểu, nổi tiếng rõ ràng nhất về hồ sơ lý lịch là Trạng nguyên Hồ Tông Thốc để cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nên gọi là nhà thờ Hồ Tông Thốc, thực chất là thờ Hồ Hưng Dật, nhà thờ vì làm ít nhất là từ năm 1314).

 ii)- Còn khi sử sách ghi rằng, khi từ quan cụ Hồ Hưng Dật đưa vợ con về sinh sống làm trại chủ ở Hương Bàu Đột thì điều đó có nghĩa là, trước đó Hồ Hưng Dật đã có vợ con, tức là có gia đình mà như thế thì nơi trước đó là quê hương nơi phát tích họ Hồ Việt Nam rồi! Vậy đó là nơi nào? Đó là Quỳ Lăng xưa, Lăng Thành, Mã Thành  nay. Và cần hiểu rằng Hương Bàu Đột xưa là cấp trên xã dưới huyện là ngang một tổng (liên xã kế cận nhau). Do đó không thề bó hẹp trong vùng Ngọc Sơn hay Quỳnh Lâm huyện Quỳnh Lưu ngày nay được. Hương Bàu Đột (Bào Giang, Bào Trạch) là địa chỉ rộng lớn bao hàm một số xã Yên Thành (Mã Thành chẳng hạn) và Nghĩa Đàn (Nghĩa Liệt), Quỳnh Lưu (Ngọc Sơn, Quỳnh Lâm) ngày nay mới đúng!

Nhiều sách vở sau này chỉ giải,chú thích là Bàu Đột ở Quỳnh Lưu là một cách nhìn hẹp, thiên kiến và không hiểu nội hàm Hương Bàu Đột!

Mặt khác, nơi Lỵ sở Châu Diễn thời Hồ Hưng Dật vẫn ở Lăng Thành chứ không phải ở Nghĩa Đàn. Nghĩa Đàn chưa bao giờ là Lỵ sở Châu Diễn cả (Sách lịch sử huyện Nghĩa Đàn cũng không nói điều này). Trong khi đó sách Lịch sử huyện Yên Thành (Lăng Thành, Mã Thành nói rất rõ điều này).

 Iii)- Dù ngày nay con cháu họ Hồ Việt Nam chính thức có Đền thờ Hồ Hưng Dật ở xã Ngọc Sơn hoành tráng và nhà nước đã cấp bằng Di tích quốc gia, nhưng không nên quên, coi nhẹ vùng đất Lăng Thành -ThọThành, nơi xưa là đất phát Tổ họ Hồ Việt Nam, Vùng đất cổ họ Hồ Việt Nam.

Hay nói rộng ra là Lăng Thành, Mã Thành, Thọ Thành cùng với Hương Bàu Đột xưa là vùng đất Tổ họ Hồ Việt Nam, do vậy không nên khu biệt ở Ngọc Sơn là nơi duy nhất đất Tổ họ Hồ Việt Nam như một quan niệm khá hẹp hòi xưa nay.

Chúng ta vui mừng khi con cháu họ Hồ phát tài quan chức hay đại gia và có lòng xây dựng đền thờ hay nhà thờ thờ tiên tổ nhất là với Hồ Hưng Dật Nguyên Tổ. Nhưng không nên coi nhẹ những nơi khó khăn, ít có điều kiện xây dựng lớn. Dù nơi thờ lớn hay nhỏ, cao hay thấp thấp, trước hay sau thì đều thiêng liêng cả chứ không nên coi nhẹ, bên trọng bên khinh. Con cháu họ thờ Tiên Tổ là quý nhưng người làng khác họ mà thờ ông Tổ họ mình như một Thành hoàng càng quý hơn chứ sao, sao lại cho rằng không vinh bằng mình thờ Tổ họ mình!

Xét về đền thờ thì Đền Thượng (trong Đình Sừng) thờ Thành hoàng trong đó có Hồ Hưng Dật và Đền thờ Hồ Hưng Dật ở Ngọc Sơn thờ một Thành hoàng Hồ Hưng Dật thì đều có giá trị Thành hoàng như nhau! Và tôi cũng biết rằng Đền thờ Hồ Hưng Dật ở Ngọc Sơn có thể đồng thời làm nơi từ đường họ Hồ Việt Nam thì điều đó cũng không thể coi nhẹ Nhà thờ Tam Công và Đền Thượng, cả Đền Trung đẳng (thờ Hồ Hưng Dật) dù đã bị phá một cách vô ý thức (nay UBND xã đặt Bàn thờ thờ tạm trong Nhà văn hóa Lăng Thành và con cháu Họ Hồ đã làm bàn thờ mới).

Do vậy, khó mà chấp nhận kết luận của Ban liên lạc họ Hồ khóa 4 khi hội thảo về cụ Hồ Hưng Dật cho rằng, đất Bào Đột - Ngọc Sơn “là linh địa duy nhất” của họ Hồ Việt Nam chứ không phải nơi nào khác!

 

 


[1] Xem, Hồ Sĩ Tăng, Hiểu về họ Hồ VN, Nxb Tổng hợp TPHCM, tái bản 2018, tr 13-14.  Hồ Duy Diễm, Hồ Minh Châu, Hồ Bá Thâm, Hồ Minh Hiệu, Hồ Cảnh Sơn, Một Hướg tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam,Nxb Đại học quốc gia TPHCM, 2019, tr 29-30.

[2] Có ý kiến, Hồ Hưng Dật đã nam tiến ngay sau khi đỗ Trạng nguyên, sang Giao Châu, chính sau cuộc cướp quyền của Dương Tam Kha (945 - 950) và đối đầu với cuộc nổi loạn Thập nhị sứ quân (945 - 967). Ông tìm nơi lánh nạn và kiếm kế sinh sống tại hương Bào Đột (xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Đến Hoan Châu, ông quen với Đinh Công Trứ, thân sinh Đinh Bộ Lĩnh. Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy quân dẹp loạn 12 sứ quân, có đến gặp ông, thăm dò xem ông có tham gia dấy quân không. Ông có góp ý với Đinh Bộ Lĩnh về kế hoạch dẹp loạn sứ quân. Còn việc tham gia dấy binh thì ông thổ lộ với Đinh Bộ Lĩnh là mới lưu lạc đến đây, chỉ xin “vạn đại vi dân” (theo Hồ tộc phả ký của Hồ Sĩ Phôi). Thế là sau một cuộc Nam tiến từ đất Chiết Giang xưa là Ngô Việt nằm trong địa bàn Bách Việt, để tránh Hán hóa, ông đã đến xứ sở Lạc Việt, hòanhập với cộng đồng. Sách cũ còn ghi triết lý “phúc bất năng hưởng tận” của ông để con cháu đời đời chia sẻ với cộng đồng niềm vui, hạnh phúc/ https://vi.wikipedia.org/wiki/

Tạp chí Xưa và Nay, số 81, tháng 11/2000. Bài viết này có nhiều nội dung không chính xác vì ngayviệc  nói Hồ Hưng Dật sang VN năm 947-950 và là bạn của Đinh Công Trứ, trong khi đó cụ Đinh Công Trứ mất năm 940 rồi!  Ví dụ: Hồ Hưng Dật đã nam tiến ngay sau khi đỗ Trạng nguyên, sang Giao Châu, chính sau cuộc cướp quyền của Dương Tam Kha (945 - 950) và đối đầu với cuộc nổi loạn Thập nhị sứ quân (945 - 967). Ông tìm nơi lánh nạn và kiếm kế sinh sống tại hương Bào Đột (xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An)? Đến Hoan Châu, ông quen với Đinh Công Trứ)???/ http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/Ho-Hung-Dat-nguyen-to-ho-Ho-Viet-Nam-1011

[3] Xứ Nghệ An xưa từ năm 627 bắt đầu có tên là Châu Diễn (Hoan Châu cũ thành Diễn Châu).Từ thời độc lập Ngô -  Đinh và Tiền Lê thì gọi là  Hoan Châu. Như vậy, trước năm 939 gọi là Châu Diễn. Vậy Thái thú Châu Diễn Hồ Hưng Dật là trước thời Ngô Vương.

[4] Hồ Thông là con trai Hồ Minh, mẹ là Nguyễn Thị Thái quê quán ở xã Đồng Lạc huyện Chương Mỹ. Sinh thời ông là người văn võ toàn tài, thông minh, trí tuệ được phong làm chỉ huy phó sứ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Ông có công lao rất lớn trong việc đánh dẹp loạn 12 sứ quân. Khi mất được tặng phong là: “Quảng Hóa hà hải linh thông thiện thánh đại vương” và được thờ cùng các vị thánh khác tại đình Yên Nhân. Nếu tính theo năm và dấu mốc lịch sử thì cụ có thể là cháu nội cụ Hồ Hưng Dật được tính đời thứ 3./https://images.app.goo.gl/xzUMnMokyzZmpWrG6

[5]. Lưu Ẩn (lên ngôi năm 905, mất 911). Lưu Nham lên thay. Nam Hán thành lập năm 917... Khác Bắc Hán do Lưu Sùng lập ra năm 951.Cho nên vì sự phức tạp này mà các nhà sử Việt khi nói Hồ Hưng Dật sang VN lúc đó vào thời “Hậu Hán” rất dễ nhầm lẫn là “Hậu Hán”phương Nam  hay “Hậu Hán” phương Bắc?

[6] Theo Tíến sĩ Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc thư viện, Viện Sửhọc, Viện Hàn lâm KHXHVN, trong sách Hồ Duy Diễm, Hồ Minh Châu, Hồ Bá Thâm, Hồ Minh Hiệu, Hồ Cảnh Sơn,  Một Hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ VN,Nxb Đại học quốc gia TPHCM, 2019, tr.216- 217

[7] Theo Tíến sĩ Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc thư viện, Viện sử học, Viện Hàn lâm KHXHVN, trong sách Hồ Duy diễm, Hồ Minh Châu, Hồ Bá Thâm, Hồ Minh Hiệu, Hồ Cảnh Sơn,  Một Hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ VN,Nxb Đại học quốc gia TPHCM, 2019, tr.216

[8] Khúc Thừa Mỹ (917-923) thay cha nhậm chức Tiết độ sứ của nhà Lương, chứ không phục nhà Nam Hán. Năm 923, vua Nam Hán sai tướng là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh và bắt được Khúc Thừa Mỹ, rồi sai Lý Tiến sang cùng với Lý Khắc Chính làm thứ sử Giao Châu (Wiki).

Một tướng cũ của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ, người Ái Châu (Thanh Hóa) không thần phục Nam Hán. Ông tập hợp lực lượng ở quê nhà để chống lại. Dương Đình Nghệ có hơn 3000 "con nuôi" làm vây cánh tại lò võ ở làng Giàng, Tư Phố (nay là đất các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa), dùng Ngô Quyền, Đinh Công Trứ (thân sinh của Đinh Bộ Lĩnh), Kiều Công Tiễn... làm nha tướng. Để lung lạc ông, vua Nam Hán là Lưu Cung sai người phong ông làm Thứ sử Ái châu. Nhưng chẳng bao lâu sau, tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ ra quân từ Ái châu, đánh bại Lý Khắc Chính, đánh đuổi Thứ sử Lý Tiến của Nam Hán. Lý Tiến bỏ chạy, Dương Đình Nghệ giải phóng thành Đại La. Lưu Cung sai Trần Bảo mang quân sang tiếp viện. Dương Đình Nghệ chủ động mở cửa thành nghênh đón địch, tiêu diệt viện binh Nam Hán, chém chết Trần Bảo. Dương Đình Nghệ làm chủ Tĩnh Hải quân, ông tự lập làm Tiết độ sứ. Ông là Tiết độ sứ thứ 4 trong thời Tự chủ. Sử sách không nói về việc cai trị của ông (Wiki).

[9] Mà từ thế kỷ X trở về trước, Hoan Châu luôn được coi là vùng đất trọng yếu phía Nam đất nước, là “thành đồng, ao nóng và là then khóa của các triều đại...” như lời khẳng định của sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, tập I (Nxb Giáo dục, Hà Nội 2007)/ Trích theo PGS.TS, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Vinh/ /component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/13966-vi-tri-cua-hoan-chau-trong-danh-xung-nghe-an

[10] Mới cập nhật, là 274 tướng nhà Đinh

[11] Đơn vị Hương dưới cấp huyện thời Đường, lớn thì 160- 540 hộ, nhỏ thì 70-150 hộ. Xã lớn từ 40-60 hộ (Xem dân số VN qua các thời kỳ, Wiki). Thời Lê Sơ, 1490 Lê Thánh Tông (cải cách hành chính) toàn quốc có 20 hương (13 xứ, 51 phù, 176 huyện, 50 châu, 20 hương,  37 phường, 6851 xã, 322 thôn, 637 trang, 49 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trương, mỗi xã không quá 500 hộ)

[12]Thời nhà Lê sơ,

[13] Hồ Sĩ Tăng, Hiểu về họ Hồ Việt Nam, Nxb Tổng hợp TPHCM tái bản 2018, tr. 24; Hồ Duy Diễm, Hồ Minh Châu, Hồ Bá Thâm, Hồ Minh Hiệu, Hồ Cảnh Sơn,  Một Hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ VN,Nxb Đại học quốc gia TPHCM, 2019,  tr.28

[14] Cụ Trần Đình Phong là Tiến sỹ, chức Tổng tài (Hiệu trưởng) Trường Quốc Tử Giám thời Nguyễn. Ông là lớp thầy học cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cụ quê Mã Thành,Yên Thành. Xem thêm Hồ Duy Diệm, Hồ Minh Châu, Hồ Bá Thâm, Hồ Minh Hiệu, Hồ Cảnh Sơn,  Một Hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ VN, Nxb Đại học quốc gia TPHCM, 2019, tr.143.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511752

Hôm nay

278

Hôm qua

2337

Tuần này

22126

Tháng này

218625

Tháng qua

121356

Tất cả

114511752