Du lịch xứ Nghệ
Chiều tà thành Vinh
Chiều xuống. Công chức già, trẻ, trai, gái ùa ra sân cầu lông, bóng chuyền. Lũ thanh thiếu niên kéo nhau ra sân bóng đá. Mấy ông bà trung niên hoặc về hưu xỏ giày ba ta, hướng Quảng trường, đi bộ. Một bộ phận khác bao gồm các doanh nghiệp và công chức có vẻ thành đạt hơn thì cầm vô lăng, vặn tay ga đến mấy câu lạc bộ quần vợt mới mở. Cũng là lúc mấy quán bia hơi dần nêm chặt người; những bà mẹ trẻ tất tả đi đón con, hoặc tranh thủ tạt qua chợ; còn bọn trẻ thì hối hả đạp xe đến…lớp học thêm…Đã thành nếp trên dưới chục năm như vậy. Dân gian gọi đó là chiều tà, chiều tà Thành Vinh, còn các nhà xã hội học văn hóa thì quy nó về những khái niệm thú vị: thì giờ rỗi và hứng thú sử dụng thì giờ rỗi.
Thì giờ rỗi và hoạt động rỗi là một nội dung lý thú trong xã hội học, nhất là xã hội học văn hoá. Khảo cứu vấn đề này cũng cho thấy sự khác biệt lớn giữa đô thị và nông thôn. Về mặt kinh tế xã hội thì thì giờ rỗi là khoảng thì giờ trong đó con người không bị ràng buộc bởi các nhu cầu sinh tồn sơ đẳng. Đó là khoảng thì giờ gần như tự do cho sự lựa chọn của mỗi người, mà chủ yếu là để thoả mãn các nhu cầu tinh thần. Vì vậy sử dụng thì giờ rỗi như thế nào cũng là một chỉ báo quan trọng về đặc điểm và đẳng cấp xã hội – văn hoá của mỗi người. Mặt khác, về thể chất cũng như tinh thần thì, con người dù tinh vi đến mấy cũng cần được nghỉ ngơi như một cỗ máy. Thời gian nghỉ này chính là thời gian căn chỉnh và tái tạo lại năng lượng. Chính vì vậy, về mặt tinh thần thì thì giờ rỗi chính là quãng thời gian cần cho sự sáng tạo. Không có thì giờ rỗi thì không có sáng tạo.
Ở nông thôn, cũng như ở đô thị nhịp thì giờ rỗi có thể giống nhau ở cấp độ ngày, thường là vào giữa trưa và cuối ngày. Ngoài điều đó ra, do điều kiện lao động, nghề nghiệp khác nhau nên thì giờ rỗi cũng có kết cấu khác nhau. Ở nông thôn, thì giờ rỗi ngoài nhịp ngày ra, còn có nhịp mùa vụ với khái niệm nông nhàn. Ở đô thị không có khái niệm mùa, nhưng có nhịp rỗi vào cuối tuần, trước đây là một, nay là hai ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài ra, nếu là công chức còn có một nhịp rỗi theo chu kỳ năm, đó là nghỉ phép. Tuy nhiên, nhịp nghỉ của người nông dân chủ yếu do thiên nhiên, tự nhiên quy định. Mệt thì nghỉ, gặt mùa xong thì nghỉ chẳng hạn. Với người đô thị, thì giờ rỗi được quy định bởi pháp luật hoặc thị trường, khó có thể tuỳ tiện. Ngay cả với một nhịp rỗi dài nhất, chung nhất cho mọi người, đó là nhịp rỗi cuối đời, thì thị dân và nông dân cũng có sự khác biệt khá rõ. Với thị dân, nhất là công chức tuổi nghỉ hưu hoặc thôi làm việc đã được thể chế hoá, hoặc được thực hiện khá rõ ràng, còn người nông dân, hầu như chỉ thôi làm việc khi không còn đủ sức. Dù điều kiện sống đã có nhiều thay đổi, nhưng tình hình đó cũng chưa phải đã đảo ngược.
Thế nhưng, sự khác biệt quan trọng nhất giữa đô thị và nông thôn là ở việc người ta đã sử dụng thì giờ rỗi như thế nào. Người ta chia hoạt động rỗi làm hai dạng: nghỉ ngơi và vui chơi, giải trí. Nghỉ ngơi được hiểu là hoạt động nghiêng về sinh lý, đơn thuần là cơ thể cần được ngừng làm việc để lấy lại sự cân bằng về vật chất và sức lực. Còn vui chơi, giải trí là hoạt động nghiêng về tinh thần, nhằm tạo lập sự cân bằng, hứng thú về tâm lý, hoặc kích thích sự sáng tạo. Riêng về vui chơi giải trí cũng được chia ra theo các cấp độ cao thấp như sau: hoạt động cơ thể(vui chơi, thể thao, du lịch); hoạt động thực hành (mỹ nghệ, thủ công…); hoạt động tâm hồn (văn chương nghệ thuật); hoạt động trí tuệ (tìm tòi, hoạt động khoa học nghiệp dư); hoạt động xã hội (giao lưu các nhóm bạn…)
Theo đó, tuy không thể nói một cách đơn giản: nông thôn thì nghỉ ngơi, đô thị thì vui chơi giải trí, nhưng hầu như mọi sự đo đếm đều cho thấy đó đang là hai xu hướng chính trong sử dụng thì giờ rỗi của hai khu vực. Hiện nay, đời sống tinh thần, vật chất của nông thôn cũng đã tăng lên, nhưng dù sao so với đô thị vẫn còn một khoảng cách khá xa. Bởi vậy, dù hàm lượng vui chơi giải trí trong sử dụng thì giờ rỗi ở nông thôn có tăng lên thì về mức độ, về sự đa dạng, phong phú, về đẳng cấp cũng chưa thể sánh với đô thị.
Mặc dù có trên hai trăm năm tuổi nhưng Vinh vẫn được coi là đô thị trẻ, với đặc trưng là chưa cắt rời được với nông thôn, vẫn còn nhiều dan díu với văn hoá làng xã. Trong sử dụng thì giờ rỗi cũng có tình hình tương tự. Rất tiếc, chúng tôi chưa có điều kiện để tổ chức các cuộc điều tra một cách chính xác về thì giờ rỗi và sử dụng thì giờ rỗi của các tầng lớp cư dân Vinh hiện nay. Thế nhưng, bằng các quan sát và quan sát thể nghiệm cũng có thể cảm nhận được đôi điều.
Những hiện tượng trên đây cho thấy hứng thú sử dụng thì giờ rỗi của cư dân Vinh đang có xu hướng thiên về các hoạt động thân thể, các thú vui bình dân, thị dân. Các hoạt động văn hóa nhằm di dưỡng tâm hồn, tái tạo khả năng sáng tạo còn chưa phổ biến. Phải chăng điều này cũng phản ánh dân trí chung, phản ánh đẳng cấp văn hóa của đô thị Vinh? Vì vậy cùng với việc nâng cao dân trí nói chung, cần phải từng bước nâng cao thị hiếu và nhu cầu hưởng thụ văn hóa một cách lành mạnh và ở trình độ ngày càng cao. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi người dân đều có thể tham gia vào các sinh hoạt văn hóa thể thao, vui chơi giải trí mà mình yêu thích và phù hợp với điều kiện công tác, sinh hoạt và thu nhập của mình. Hình thành nhiều sân chơi, bãi tập cho người già và trẻ nhỏ. Tạo môi trường và khuyến khích hình thành nhiều câu lạc bộ, điểm vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm từng loại người và lứa tuổi. Phát triển các dịch vụ văn hóa, tạo điều kiện cho người dân Vinh được tiếp cận và hưởng thụ những loại hình văn hóa mới, hiện đại. Đặc biệt cần có sự phối hợp giữa đoàn thanh niên, ngành giáo dục, hội văn học nghệ thuật, các cơ quan doanh nghiệp phát hành sách thực hiện các giải pháp đồng bộ để khơi dậy, khôi phục thói quen đọc sách nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Hạn chế những hình thức sử dụng thì giờ rỗi thiếu lành mạnh như rượu bia bê tha, bài bạc sát phạt nhau, hoặc các trò tiêu khiển vô bổ khác. Tin rằng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu hưởng thụ và khả năng, điều kiện hưởng thụ văn hóa của người dân cũng tăng lên.
tin tức liên quan
Videos
Chung tay phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
Trung tâm Văn hóa tỉnh trưng bày chuyên đề ảnh “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử trong trường học" tại thị xã Hoàng Mai
Huyện Quỳnh Lưu đón Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà thờ Thượng thư Hồ Trọn Đĩnh và Nhà thờ Hồ Sỹ Tư.
Mùa xuân về Huế ngắm hoa ngô đồng
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114553175

235

2276

2871

220718

122920

114553175