Nhìn ra thế giới

Ký sự Cuba [kỳ cuối]

...

Con người Cuba, Tượng đài ở Cuba

Cưỡi ngựa xem hoa mấy hôm ở đất nước Cuba thì thật khó mà viết kỹ về con người ở đây được. Thôi, thì cứ phác họa mấy nét vậy.

Là cái chất và phong cách Mỹ latinh. Thì đúng như thế rồi. Nhưng cái chất và phong cách ấy là gì? Sôi nổi. Nhiệt tình. Thẳng thắn. Trung thực. Hiền lành.

Còn gì nữa? Có thể còn mang cả cái tính có lúc cảnh giác, hơi rụt rè… Cái này có mâu thuẫn với những đức tính ở trên tôi đã viết không? Có thể là vậy. Và, cũng có thể không phải. Cắt nghĩa thì có lẽ là Cuba theo một chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa nằm ở trong một khu vực khá rộng không xã hội chủ nghĩa (Mỹ latinh). Lại ở sát nách nước Mỹ rất giàu, rất manh, là nước thường xuyên cấm vận Cuba.

Trong lịch sử Cuba, có nhiều nhân vật yêu nước nổi tiếng thời chống ách áp bức của thực dân Tây Ban Nha, rồi của thời xã hội chủ nghĩa từ năm 1959.

Cuba có Alicia Alonso, một nghệ sĩ múa ballet nổi tiếng hàng đầu thế giới, sinh năm 1920 và qua đời lúc 11 giờ sáng ngày 17-10-2019, trước khi chúng tôi sang Cuba khoảng 1 tháng, thọ tới 99 tuổi. Alicia Alonso mà múa “Hồ thiên nga” thì thôi rồi, các nghệ sĩ ballet gạo cội của Liên Xô và Nga hiện nay cũng phải chạy dài. Bà đã nhiều lần từ chối định cư ở nước ngoài, kể cả định cư tại Mỹ. Bà sống ở Cuba, suốt đời hiến dâng cho nền nghệ thuật ballet Cuba và đi biểu diễn rất nhiều nơi thế giới. Nhiều nhà hoạt động chính trị và nghệ thuật thế giới cho rằng, Cuba thật may mắn có được viên ngọc vô cùng quý báu của nhân loại. Năm 1964, bà Alicia Alonso đã cùng Đoàn ballet Cuba sang Việt Nam biểu diễn. Cụ Hồ có tiếp Đoàn. Bà đã nhận được 127 giải thưởng danh giá của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trao tặng. Năm 2017, Alicia Alonso được UNESCO tặng danh hiệu “Đại sứ múa của thế giới”. Tháng 12-2018, Viện Âm nhạc Mỹ latinh, có trụ sở tại Mexico, trao tặng Alicia Alonso danh hiệu "Ngôi sao thế kỷ".

Nổi tiếng nhất ở Cuba là hai nhân vật như là huyền thoại: José Martí và Fidel Alejandro Castro Ruz (người dân Cuba và nhiều nước gọi ngắn gọn là Fidel). José Martí là nhà tư tưởng yêu nước số 1 của Cuba. Tư tưởng của ông được ghi vào cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Cuba.

Còn Fidel, khỏi phải nói.

Con người Fidel như thế nào? Nói chung là có hai luồng nhận xét: ghét và yêu. Lạ thế. Hình như danh nhân nào trên thế giới cũng vậy, đều có cả hai phía: ghét - yêu. Người ghét thì cho rằng Fidel là kẻ độc tài. Cuộc đời riêng của Fidel đúng là một bi kịch, đại bi kịch. Ông có vợ và một số người con bỏ ông, bỏ đất nước Cuba chạy sang Mỹ cư trú. Mỹ coi Cuba là kẻ thù. Đến tận nay cũng thế. Thời Chính phủ của Tổng thống Donald Trump càng ghét Cuba hơn. Tại Thủ đô La Habana có tòa Đại sứ quán Mỹ nằm sát bờ biển, to và đẹp, nhưng nhân viên sứ quán có lúc bị đau đầu chóng mặt không rõ nguyên nhân. Mỹ đổ lỗi cho Cuba bắn tia sóng điện tử gì đấy gây hại sức khỏe các nhân viên sứ quán Mỹ ở Cuba. Cuba thì chối, không chấp nhận lời buộc tội này. Chỉ riêng một chuyện vậy thôi để nói lên quan hệ Cuba và Mỹ rất căng thẳng. Đã bao lần Liên hiệp quốc đưa ra dự thảo nghị quyết để Mỹ bỏ cấm vận đối với Cuba. Lần nào cũng bị Mỹ phủ quyết.

Những người yêu mến Cuba và yêu Fidel thì nói và viết những lời có cánh về Fidel.

Fidel giờ đã nằm trong lòng đất của tỉnh Santiago de Cuba. Không phải là quê hương của ông. không có lăng. Chẳng có quảng trường mang tên ông. Chẳng có một đường phố nào có tên Fidel. Chẳng có nhà thương, trường học, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội mang tên ông. Chẳng có tượng đài ông, dù là tượng để bàn giấy hay để trên bàn làm việc hoặc gác lên tầng giá sách như tượng một số vị khác trên thế giới. Chủ tịch Fidel muốn như thế (chỉ dặn bằng lời thôi, không viết thư, không di chúc). Sinh ra từ cát bụi, ông lại trở về với cát bụi!

Phải chăng, tên ông, tượng đài ông đã tạc trong lòng dân!

Người ta cứ bảo là Fidel độc tài, và gán bao nhiêu thứ xấu xa vào con người ông. Tôi thì thấy con người này đầy cá tính. Trong chuyến thăm khu giải phóng tỉnh Quảng Trị của Việt Nam, tháng 9 năm 1973, Phạm Văn Đồng và Fidel cùng Đoàn trở ra Vĩnh Linh. Đoàn xe vừa lăn bánh sang bờ bắc cầu Hiền Lương thì cách đó chừng 500m, trên cánh đồng xã Vĩnh Thành cạnh quốc lộ 1, nghe một tiếng nổ đanh chát vang lên. Đó là tiếng bom mìn còn sót lại. Có nhiều tiếng la hét. Em gái tên là Nguyễn Thị Hương 16 tuổi, khi ấy đang tham gia công việc lấp hố bom, bị thương ôm bụng lảo đảo chạy tới vệ đường quốc lộ rồi ngã vật ra. Đoàn xe khi đó cũng vừa tới. Fidel chứng kiến cảnh đó, ông đã bật khóc. Các bác sĩ tháp tùng đoàn đã kịp sơ cứu và cho xe đưa về Bệnh viện A của đặc khu Vĩnh Linh. Hương bị đứt 8 đoạn ruột, đứt động mạch, ê kip bác sĩ của bệnh viện vùng tuyến lửa đều là những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm nên đã cứu em thoát chết.

Hiện nay, ở tỉnh Quảng Trị, có một công viên mang tên Fidel. Có lẽ đây là công viên duy nhất  mang tên Fidel - duy nhất ở Việt Nam và cũng là duy nhất trên thế giới.

Tượng bán thân Cố Chủ tịch Cuba Phidel Castro tại Công viên Phidel Castro ở tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. nguồn ảnh thanhnien.vn

Fidel cộng sản, nhưng tôi thấy ông không cực đoan với tôn giáo, đặc biệt là với Thiên chúa giáo. C.Mác nói tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. V.I.Lênin rất ghét tôn giáo. Còn Fidel, vô thần đấy, thì lại không. Tôi đã đọc bài nói chuyện của Fidel về tôn giáo. Đúng là ông có quan điểm rất cấp tiến.

Ở La Habana, chúng tôi đi mấy ngày cũng thấy có một số tượng đài trong các công viên. Đó là tượng của danh nhân yêu nước Cuba. Có cả tượng cụ Hồ của Việt Nam, đẹp, ở một công viên nhỏ, xinh xắn. Nhưng tôi vẫn không thấy có tượng Fidel ở bất cứ công viên nào. Cũng không có tượng bán thân Fidel trong phòng làm việc. Không có tượng Fidel ở trước trụ sở cơ quan, kể cả ở trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, nơi mà ngày cuối của đợt đi, chúng tôi làm việc với một vị Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Cuba tại trụ sở Trung ương Đảng (Vị này nói rằng, việc quan trọng nhất của Cuba lúc này là công tác tư tưởng. Và, khi được hỏi về triển vọng của kinh tế tư nhân Cuba, ông trả lời ngay: Không có triển vọng!). Cuba có những 3 loại tiền giấy: một là đồng “pêsô”, hai là đồng “pêsô chuyển đổi”, ba là tiền “cuc” (tiền cúc dành cho người nước ngoài đến Cuba dùng). Nhưng, điều tôi muốn nói là không hề có một hình ảnh  Fidel trên những đồng tiền ấy.

Fidel là thế! Ai không tin thì tùy. Còn tôi đã chứng kiến tại Cuba, tôi tin điều đó.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, Cuba đã để quốc tang cụ Hồ đến mấy ngày. Và bây giờ Chủ tịch Cuba Fidel qua đời, Việt Nam mình để tang, là đúng lẽ.

 Cuba có đường lối riêng, cách làm riêng. Tôi nghĩ, chúng ta cần tôn trọng  đất nước này. Có người khi đi thăm ở Cuba về có ý chê rằng, sao họ không cho tư nhân làm kinh tế, sao cứ bao cấp mãi, sao họ thiếu thốn hàng tiêu dùng thế, ngay cả xăng dầu, điện cũng thiếu; v.v…? Cuba bị cấm vận khốn khổ hơn 50 năm, nhưng họ vẫn kiên cường. Nếu lấy GDP đầu người mà so thì Việt Nam mình còn thua Cuba. Chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số tuổi thọ, và nói chung những tiêu chí để xếp hạng nước hạnh phúc tôi tin Cuba cũng hơn Việt Nam. Chỉ riêng y tế và giáo dục của Cuba thôi, Việt Nam mình không thể so bằng!

Làm việc, gặp gỡ các bạn Cuba ở nhiều cơ quan, thấy hầu hết người đứng đầu cơ quan là nữ. Nữ quyền đang rất được tôn trọng ở Cuba. Người ta không nói, hoặc nói ít thôi, nhưng làm thì tuyệt. Họ không ra rả nói về quyền bình đẳng của phụ nữ, về giải phóng phụ nữ. Nhưng phụ nữ Việt Nam mình, có lẽ còn lâu mới được “làm chủ” như phụ nữ Cuba.

Cuba, trong tôi, đầy ấn tượng đẹp!

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511003

Hôm nay

22

Hôm qua

2359

Tuần này

21377

Tháng này

217876

Tháng qua

121356

Tất cả

114511003