Diễn đàn
Bàn thêm về phân tầng xã hội ở nước ta trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945
Báo Văn hóa Nghệ An (bản điện tử) gần đây đăng nhiều kỳ công trình nghiên cứu của Đỗ Thiên Kính - cán bộ Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lầm KHXH Việt Nam. Các bài này là sự cô gọn nội dung cuốn sách “Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay” của ông đã được Nxb. KHXH ấn hành năm 2018.
Tôi đã đọc cuốn sách này và có dẫn lại một số luận điểm để so sánh với những suy nghĩ của mình khi thực hiện một đề tài “Phân hóa xã hội nông thôn ở Bắc Bộ, truyền thống và biến đổi” (bản thảo của đề tài đang được một Nhà xuất bản biên tập, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay).
Tôi sẽ không nói về những ưu điểm, những giá trị của những luận điểm trong sách của Đỗ Thiên Kính mà chỉ bàn luận thêm một số luận điểm và tư liệu trong bài biết của ông trên Văn hóa Nghệ An. Bài viết này đề cập đến bài của ông đăng kỳ 3, ra ngày 27/8/2020.
1. Sự không rõ ràng về khái niệm khi phân định thành phần xã hội
Sự không rõ ràng này tập trung nhiều nhất ở Bảng 1. 5. Những nét đại cương về phân tầng xã hội ở Việt Nam từ truyền thống đến trước đổi mới. Nếu như ở hàng ngang “Tiêu chí phân chia” (của mô hình phân tầng xã hội) qua các thời kỳ phong kiến, thuộc địa và xã hội chủ nghĩa (ở các cột dọc) có thể chia sẻ với tác giả thì ở hàng ngang bên dưới “Các giai tầng và thứ bậc cao thấp” lại có nhiều điểm cần bàn, rõ nhất là nhầm lẫn giữa giai cấp và đẳng cấp xã hội. Dưới đây là một số điểm cụ thể:
Ở cột mô hình đẳng cấp - giai cấp trong xã hội phong kiến, tác giả chia thành 6 thành phần hay 6 thang bậc xã hội là: Vua - quan và địa chủ; Nho sĩ, sĩ phu; Nông dân tự canh (trung nông); Nông dân nghèo; Thợ thủ công và Thương nhân. Sự không rõ ràng trong phân định thể hiện trước hết ở thang bậc đầu tiên là “Vua - quan và địa chủ”. Sự phân chia này rất khác và mới so với cách chia từ trước đến nay, coi xã hội phong kiến gồm ba thành phần liên quan đến quyền lực xã hội, quyền lực chính trị, dựa trên quan niệm của tư tưởng Nho giáo là “Vua - Quan - Dân”, trong đó Vua là “Thiên tử”, thay trời trị dân; Quan là những người thực hiện các chức trách của vua giao trong bộ máy quyền lực, là đại diện cho vua, cho nhà nước cai trị dân ở một địa phương, là “cha mẹ dân” (dân chi phụ mẫu); còn Dân là tầng lớp bị cai trị, có trách nhiệm đóng thuế để nuôi xã hội, nuôi bộ máy nhà nước. Có thể tôi chưa đọc được nhiều sách về quyền lực chính trị - xã hội, nhưng trong số sách đã đọc, tôi chưa gặp cuốn nào chia quyền lực của Nhà nước ở Việt Nam và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa chính trị Trung Hoa theo ba thành phần Vua - Quan và Địa chủ. Đành rằng, Vua là địa chủ lớn nhất đất nước, vì trên danh nghĩa, vua nắm trong tay gần như toàn bộ ruộng đất của cả nước (”Đất vua, chùa bụt”), nhưng không thể xếp “Địa chủ” vào bậc ngang hàng với vua quan được; bởi khái niệm “Địa chủ” có lẽ chỉ mới xuất hiện (hay phổ biến) ở nông thôn nước ta khi thực hiện Cải cách ruộng đất (1953 - 1956). Trước kia, thời phong kiến, trong nông thôn chỉ có khái niệm “người giàu” và “người nghèo”, tức chia người làm ruộng hay sống bằng nông nghiệp dựa trên mức độ sở hữu ruộng đất, nhà cửa, thóc lúa, tiền bạc tích lũy (nếu có)… Gọi là “Giàu” hay “Nghèo” nhưng không có mức độ định lượng cụ thể cho các tiêu chí vì không có cuộc điều tra xã hội học hay cuộc thống kê nào và cũng rất “mơ hồ” theo nhận thức của từng người và ở từng địa phương, từng thời kỳ. Đại để người rất giàu thì gọi là “giàu nứt đố đổ vách”; còn người rất nghèo thì là “nghèo rớt mồng tơi”. Đến khi thực hiện Cải cách ruộng đất mới phân thành 5 giai tầng: “Địa chủ” (người có nhiều ruộng đất và dùng ruộng đất để phát canh thu tô, phần tô thu về bị coi là “bóc lột”), “Phú nông” (có nhiều ruộng đất, nhưng ít hơn “địa chủ” và thuê mướn nhân công làm trên phần ruộng đất của mình, nên cũng bị coi là thành phần “bóc lột”), “Trung nông” (có vừa đủ ruộng đất để cày cấy, tự làm ăn, không bóc lột ai và không bị ai bóc lột, có Trung nông lớp trên và Trung nông lớp dưới), “Bần nông” (nông dân nghèo, có ít ruộng đất, phải nhận làm tô hay lĩnh canh thêm ruộng của “địa chủ”), “Cố nông” (người “tứ cố vô thân”, không người ruột thịt thân thiết, không nhà cửa, ruộng đất, quanh năm đi làm thuê kiếm sống mà nhân vật “Chí Phèo” là điển hình). Quan hệ “Địa chủ - Bần nông”, “Phú nông - Cố nông” là hai trục chủ đạo xét trên phương diện bóc lột kinh tế của nông thôn trước Cải cách ruộng đất. Về bản chất, “địa chủ” chỉ là người làm kinh tế và là người dân, không có chức quyền, không nằm trong bộ máy quyền lực nhà nước, vì không qua học hành, thi cử đỗ đạt để được bổ làm quan (nhiều “địa chủ” rất giàu có nhưng vẫn bị coi là “trọc phú” vì không có hoặc có ít chữ nghĩa). Họ chỉ có thể thoát khỏi thân phận “bạch đinh” bằng việc dùng sức mạnh kinh tế để “nhảy” vào bộ máy quyền lực ở làng xã, như tranh chức lý trưởng, phó lý, vì vậy, một bộ phận đông lý trưởng là các địa chủ, trong đó nhiều người chỉ biết ký tên mình vào văn bản; hoặc “mua” một chức trách/ ngôi thứ nào đó ở đình làng; một số người bỏ khoản lớn tiền và thóc vào việc công ích, được triều đình ghi nhận và phong thưởng cho hàm “cửu phẩm”, nếu có biết một chút chút chữ nghĩa thì phong là “Cửu phẩm văn giai”, còn mù chữ thì phong “Cửu phẩm bá hộ”. Vả lại, khái niệm “địa chủ” dùng để gọi người có nhiều ruộng đất và dùng để phát canh thu tô của Cải cách ruộng đất rất không rõ ràng, vì theo nguyên nghĩa chữ Hán, “địa chủ” (地主) chỉ là chủ sở hữu một diện tích nào đó đất (trên thực tế là ruộng để cấy lúa và trồng các loại hoa màu), không phản ánh mức độ sở hữu và cách thức sử dụng số ruộng đất đó (ở miền Nam trước đây gọi là điền chủ 田主có nghĩa là “chủ ruộng, dù chưa thật chuẩn, vẫn hợp lývà sát nghĩahơn).
Như vậy, ở Cột 1, nếu chính xác, phải phân các giai tầng xã hội theo 3 dạng (hay theo tiêu chí):
- Theo quyền lực chính trị, địa vị chính trị - xã hội có Vua - Quan - Dân.
- Theo thành phần cư dân, địa vị xã hội kết hợp với nghề nghiệp của cư dân, ngoài vua và quan, có “tứ dân” (Sĩ - Nông - Công - Thương), trong đó, Sĩ (kẻ sĩ) là chỉ tầng lớp trí thức, những người có học có hiểu biết về chữ nghĩa, có thể làm quan hay chỉ là một thầy đồ, thầy thuốc, học trò ở làng; nhìn chung có cuộc sống nhàn nhã, suốt ngày chỉ đọc sách thánh hiền, làm văn, ngâm thơ. Còn “Nông - Công - Thương” là các thành phần được phân tích ở bên dưới.
- Theo nghề nghiệp kết hợp với đẳng cấp kinh tế, chủ yếu ở ba thành phần “Nông - Công - Thương”. Nông là nông dân chuyên làm ruộng, có người giàu và người nghèo, Cải cách ruộng đất mới phân thành 5 thành phần giai cấp như đã nêu ở trên, Công là người làm thủ công nghiệp, phần đông là người “tự sản tự tiêu”, chỉ có một số ít là các chủ cơ sơ sở sản xuất lớn, thuê thợ làm, điển hình là các xưởng kết hợp với cửa hiệu ở các thành phố; còn ở nông thôn là các chủ xưởng, như ở làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, một số làng dệt ở Hà Đông, nay đều thuộc Thành phố Hà Nội. Thương là những người buôn bán, chủ yếu là buôn bán nhỏ vặt, mua chợ nọ bán chợ kia, chỉ có số ít buôn bán lớn, theo đường dài, có cơ sở đặt ở các đô thị.
Suốt thời phong kiến, muộn nhất cũng từ đầu thế kỷ XI khi nhà Lý định đô ở Thăng Long (chứ không phải đến thế kỷ XVI như xác định của Đỗ Thiên Kinh), các giai tầng xã hội theo cách phân chia như trên đã được hình thành và được duy trì ổn định, ít có đột biến, vì vậy, xã hội Việt Nam dường như “dậm chân tại chỗ”.
Sau khi đặt được ách đô hộ lên đất nước ta, thực dân Pháp chủ trương duy trì những mặt lạc hậu của nền chính trị - kinh tế - xã hội phong kiến để áp bức bóc lột nhân dân ta, biến nước ta trở thành thuộc địa của chúng. Mặc dầu vậy, dưới ảnh hưởng khách quan của các chính sách cai trị của thực dân Pháp, các thành phần cư dân - kinh tế - xã hội trên đây có những thay đổi nhất định. Đỗ ThiênKính đã chia mô hình giai cấp thời kỳ này thành các thành phần:
- Tư sản và địa chủ (vua bù nhìn)
- Tiểu tư sản (trí thức, công chức, tiểu thương, tiểu chủ và phú nông)
- Nông dân tự canh (trung nông) và công nhân
- Bần nông và cố nông.
Nhìn tổng thể, cách phân chia các giai tầng này không hợp lý, vì “nhập cục” các thành phần xã hội của nông thôn và thành thị với nhau, không thấy rõ những nét đặc thù của hai khu vực. Như đã trình bày, suốt quá trình đô hộ đất nước ta, thực dân Pháp chủ trương duy trì phương thức sản xuất phong kiến với đặc trưng cơ bản là bóc lột địa tô của tầng lớp có nhiều ruộng đất ở nông thôn; chúng không có nhiều hỗ trợ cho nông thôn, nông nghiệp và người nông dân để có thể thay đổi được nền sản xuất. Do vậy suốt 60 năm (1884 - 1945) ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, kinh tế - xã hội nông thôn hầu như không thay đổi. Sự phân chia người giàu - người nghèo vẫn tiếp diễn như cũ, cho đến Cải cách ruộng đất thì phân thành 5 thành phần giai cấp như đã trình bày ở trên. Với thủ công nghiệp và thương nghiệp, cũng trong tình trạng như vậy, hầu như không có sự đột biến nào. Có thể nói, sự phân chia theo nghề nghiệp kết hợp với đẳng cấp kinh tế của chế độ phong kiến vẫn tiếp diễn trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ. Bên cạnh đó, sự phân chia xã hội theo quyền lực chính trị, địa vị chính trị - xã hội (Vua - Quan - Dân) và theo thành phần cư dân, địa vị xã hội kết hợp với nghề nghiệp của cư dân (“tứ dân”) vẫn tồn tại, tuy đã ít nhiều bị “phai nhạt”, do yếu tố “thực dân”, tức các chính sách của thực dân Pháp áp đặt và tác động.
Trong khi đó, tại các đô thị, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã tác động rất mạnh mẽ đến cơ cấu kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến cơ cấu xã hội. Trước hết là hình thành giai cấp tư sản dân tộc (một bộ phận lớn trong số họ xuất thân từ nông thôn, hay từ nông thôn “chạy” ra đô thị mưu sinh mà tích lũy được nguồn vốn kha khá cùng kinh nghiệm làm ăn, từ đó cạnh tranh ngang ngửa với tư bản Pháp và tư bản người Hoa, chẳng hạn Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà... Đối lập với họ, xét về quan hệ kinh tế là công nhân thông qua “dấu nối” là bóc lột lợi nhuận (giá trị thặng dư).
Như vậy, thành phần xã hội đầu tiên xét về phương diện kinh tế ở đô thị thời kỳ thực dân Pháp đô hộ là giai cấp tư sản (trong đó tư sản dân tộc là chủ yếu, tư sản mại bản, tức tư sản có quyền lợi chính trị - kinh tế gắn chặt với thực dân Pháp không nhiều) với đối tượng bóc lột là công nhân, chứ không phải là tư sản và địa chủ, như phân chia của Đỗ Thiên Kính. Họ càng không phải là vua bù nhìn, vì vua chỉ có một người, trong khi tư sản và địa chủ thì gồm nhiều người lắm.
Bên cạnh giai cấp tư sản, ở các đô thị thời Pháp thuộc có tầng lớp tiểu tư sản như Đỗ Thiên Kính viết (song theo tôi “phú nông” không thuộc thành phần này, chỉ gồm công chức, tiểu thương, tiểu chủ, trí thức). Ngoài ra có thể có “Nông dân tự canh (trung nông) - Bần nông và cố nông” (chủ yếu ở các làng nông nghiệp ven đô, chẳng hạn vùng “Thập tam trại”), song thực chất đó là nông dân với các thân phận kinh tế- xã hội khác nhau như ở nông thôn). Ở các đô thị thời Pháp thuộc còn có hai thành phần xã hội khác mà Đỗ Thiên Kính “quên” không liệt kê. Một là, tầng lớp quan chức trong bộ máy nhà nước các cấp (không phải là công chức, viên chức bình thường), trong đó một bộ phận đông gắn chặt quyền lợi với thực dân và phong kiến tay sai. Hai là, dân nghèo thành thị gồm những người làm các nghề, các công việc lao động chân tay khác nhau, có cuộc sống rất bấp bênh.
Tóm lại, mô hình giai cấp thời kỳ Pháp thuộc cần được phân định rõ ràng như sau:
Mô hình chung cho cả nước:
- Theo quyền lực chính trị, địa vị chính trị - xã hội có Vua - Quan - Dân.
- Theo thành phần cư dân, địa vị xã hội kết hợp với nghề nghiệp của cư dân, ngoài vua và quan, có “tứ dân” (Sĩ - Nông - Công - Thương).
Mô hình riêng cho vùng nông thôn:
- Theo nghề nghiệp kết hợp với đẳng cấp kinh tế, chủ yếu ở ba thành phần “Nông - Công - Thương” với các thang bậc giàu - nghèo khác nhau.
Mô hình riêng cho vùng đô thị:
- Theo quyền lực chính trị, địa vị chính trị xã hội có quan chức các cấp cùng số đông công chức trong các cơ quan nhà nước các cấp.
- Tư sản (tư sản công nghiệp và tư sản thương nghiệp)
- Tiểu tư sản
- Các hạng bậc trong nghề nông ở các làng nông nghiệp của các đô thị
- Dân nghèo thành thị.
Tóm lại, để hiểu được phân tầng xã hội trong xã hội Việt Nam trước khi thực hiện Cải cách ruộng đất cần phân định rõ các khái niệm, các thành phần cư dân, thành phần kinh tế- xã hội ở nông thôn và đô thị.
2. Đính chính một số tư liệu của bài viết kỳ 3
Bài viết của Đỗ Thiên Kính sử dụng tài liệu về làng Yên Sở của cụ Nguyễn Văn Huyên để minh họa cho luận điểm về phân tầng xã hội thời phong kiến của mình. Tác giả đọc bản dịch, được in trong cuốn Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam” - Tập I. Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội; song nếu đọc được bản gốc tiếng Pháp “Contribution à l’ étude d’ un genie tutélaire annammite Ly Phuc Man” (Góp phần vào việc nghiên cứu vị thành hoàng An Nam Lý Phục Man) đăng trong tạp chí của Viện Viễn Đông Bác cổ ( BEFEO), năm 1938 kết hợp với một số công bố gần đây, như Kẻ Giá - tên đất, tên người, Hành trình về làng Việt cổ (tập 1, Nxb. Từ điển Bách khoa, Viện Văn hóa, 2008) hay Địa chí Hoài Đức, tập II (Nxb. Chính trị Quốc gia, 2018) sẽ rõ vấn đề hơn. Ở đây, tôi chỉ nêu 2 vấn đề.
Quán Giá, nơi thờ thần, sinh hoạt chung, nơi thể hiện “đẳng cấp xã hội” của dân hai làng Yên Sở và Đắc Sở (Ảnh: Thạch Thiết Hà).
Một là, lịch sử làng Giá Yên Sở - Đắc Sở: cách đây hơn 80 năm, có lẽ do chưa đủ tư liệu hay vì lý do nào khác mà cụ Nguyễn Văn Huyên chỉ giả thiết rằng “Đắc Sở phải chăng chỉ là một số xóm tách khỏi Yên Sở vào một thời điểm nhất định lúc làng ban đầu đã trở thành quá lớn?”. Các công trình công bố gần đây (đã nêu ở trên) khẳng định, xã Yên Sở ngày nay (cùng với xã Đắc Sở và thôn Yên Thái của xã Tiền Yên) vốn là làng Cổ Sở, có tên Nôm là làng Giá, có địa dư khá rộng. Khoảng cuối thế kỷ XV, làng Giá- xã Cổ Sở được chia thành 2 làng - cũng là 2 xã là Yên Sở (làng Giá Lụa do có nghề dệt lụa, hay Giá Trên, Giá Thượng) và Đắc Sở (làng Giá Dưới, Giá Hạ, hay Giá Lở, do hay bị lở sau mỗi mùa lũ). Việc chia làng Cổ Sở thành hai làng Yên Sở và Đắc Sở có thể diễn ra sau khi có Chỉ dụ của Vua Lê Thánh Tông ban bố vào năm Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức (năm 1490), cho phép các xã có trên 500 hộ mà số dư có trên 100 hộ thì cho số hộ dư đó được lập thành xã mới(Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Văn hóa Thông tin, năm 2004, trang 418).Hai làng vẫn thờ chung thành hoàng (Lý Phục Man), chung quán (quán Giá, nơi thờ chính của thần) và chung đình (đình Giá). Làng Đắc Sở lúc đầu tách khỏi làng Cổ Sở gồm 3 xóm: Yên Thái, Diễm Xá và Đại Đồng. Xóm Yên Thái kề cận làng Tiền Lệ, cách biệt với hai xóm Diễm Xá và Đại Đồngbởi một cánh đồng, nên ngày càng có nhiều nét khác biệt, có đình riêng, chùa riêng, phe giáp riêng, như một làng biệt lập(sau Cải cách ruộng đất, xóm này được cắt về xã Tiền Yên, cùng thuộc huyện Hoài Đức với hai xã Yên Sở, Đắc Sở). Chính vì thế, dân gian thường gọi vùng này có “Ba làng Giá”. Trên thực tế, cả ba cụm dân cư Yên Thái, Diễm Xá, Đại Đồng vẫn có chung hội đồng kỳ mục, bộ máy chức dịch và các lệ tục.Tuy nhiên, trên văn bản Hán Nôm xưa kia, từ “xóm” (âm Hán - Việt là “hạng”, chữ viết là巷),thường được viết là “thôn” (村), chẳng hạn, xóm Đình phải viết là 亭巷(Đình hạng), xóm Chợ phải viết là 市巷 (Thị hạng); song người viết và khắc chữ đã dùng 亭 村(Đình thôn) và 市村(Thị thôn). Có lẽ, người ta không dùng chữ 巷vì không muốn người đọc hiểu là “hạng nọ, hạng kia”. Vì vậy, nhiều người hiểu nhầm xóm thành thôn, trong trường hợp làng/xã Đắc Sở, bị hiểu nhầm gồm 3 thôn (“Nhất xã tam thôn”) là không đúng, từ đó hiểu sai vấn đề tổ chức xã hội và phân tầng xã hội ở làng này trước tháng 8 - 1945.
Hai là, nơi thể hiện vị trí đẳng cấp xã hội của hai làng Yên Sở và Đắc Sở không phải là đình mà là quán Giá. Như đã trình bày, từ làng Cổ Sở tách ra, hai làng Yên Sở và Đắc Sở vẫn chung đình và chung quán. Trước khi đình bị lính Pháp đốt cháy năm 1947, người làng Yên Sở chỉ xuống đây vào dịp hội mồng 10 tháng Ba, rước kiệu từ quán Giá xuống đây để bái vọng, rồi lại rước lên quán. Đình không có bát hương thờ thần (vì thần được thờ chính ở quán Giá). Thường ngày, đình để họp chợ (chợ Giá, họp 12 phiên một tháng, các ngày 3, 5, 8, 10, nên làng Đắc Sở còn gọi là Giá Chợ). Đây là điểm “dị biệt” nổi bật của đình Giá, cùng với điểm dị biệt khác là không có một cái xà nào, nên dân gian đúc kết, Cổ Sở “Đình không xà, làng 73 cái giếng” (73 giếng này có ở cả Yên Sở và Đắc Sở, hiện vẫn còn nhiều giếng đang sử dụng). Quán Giá (nay vẫn còn - xem ảnh) mới là nơi hội họp chính, nơi tế lễ, tổ chức trò “Nghiềm quân” trong hội tháng Ba của dân hai làng. Hai dãy hành lang của quán, mỗi dãy có 11 gian là vị trí chỗ ngồi của các giai tầng của hai làng - như cụ Nguyễn Văn Huyên đã nêu, Đỗ Thiên Kính dẫn lại, song có lẽ bản dịch không chuẩn, đã gọi quán là đình.
Điều thứ ba, xin được bàn thêm là, vị trí ngôi thứ được sắp xếp trong các đình làng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ không thể hiện kết cấu giai cấp, không phản ánh trực tiếp điều kiện kinh tế của các giai tầng, vì có người rất nghèo cũng có thể được xếp vào đó (nhờ tuổi tác theo tục “trọng xỉ” của người Việt), hoặc phải cố bỏ tiền ra mua để có cái danh trước dân làng, cho khỏi “tủi hổ” với con cháu. Vấn đề này đã được nhiều người bàn đến.
Mấy lời bàn thêm với tác giả Đỗ Thiên Kính về bài viết đăng kỳ 3 trên Văn hóa Nghệ An. Có điều gì chưa đúng, xin tác giả trao đổi lại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Xuân Đính (2008), Hành trình về làng Việt cổ, Nxb. Từ điển Bách khoa, Viện Văn hóa, tập 1 (Các làng quê tiêu biểu của Xứ Đoài).
2. Nguyễn Bá Hân (2005), Kẻ Giá - tên đất tên người, Nxb. Lao động, Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Huyên (1938), Contribution à l’ étude d’ un genie tutélaire annammite Ly Phuc Man”, BEFEO, 1938.
4. Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức (2018), Địa chỉ Hoài Đức, Nxb. Chính trị Quốc gia.
5. Ngô Sĩ Liên và các sử gia nhà Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tập 1.
tin tức liên quan
Videos
HĐND tỉnh Nghệ An: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511038
237
2359
21412
217911
121356
114511038