Văn hoá học đường

Tôi học Văn ở trường phổ thông

Thời còn học trung học phổ thông, tôi học không lấy gì làm xuất sắc, thành tích khi lên khi xuống. Khi tôi lên 6, lên 7 tuổi thì cuộc kháng chiến chống Pháp khốc liệt bắt đầu. Gia đình tôi tản cư lên chiến khu Ba Lòng, Quảng Trị. Ba tôi thoát li làm Chủ tịch huyện Vĩnh Linh. Mẹ tôi lo tần tảo nuôi 6 anh chị em chúng tôi. Tôi học vỡ lòng do mẹ dạy. Chả là thời trẻ, mẹ tôi đã từng là cô giáo tiểu học trường Thanh Dương ở Huế, bây giờ dạy các con cũng tiện. Tôi nhớ trước khi đi Vĩnh Linh công tác cha tôi đã kịp thuê người đóng cho anh em tôi một cái bàn dài và hai cái băng để ngồi học.

Khi trường tiểu học Triệu Nguyên mở ra thì tôi vào học lớp 3 và 4. Học trò gồm đủ các lứa tuổi. Tôi, anh tôi, em tôi cùng vào học một lớp. Trong lớp còn có các anh chị lớn tuổi học. Nghe đâu thầy giáo còn yêu các chị lớn tuổi nữa. Năm 1951, tôi học xong lớp 4, được Tỉnh ủy Quảng Trị cho ra Trại thiếu sinh Quảng Trị ở Hà Tĩnh để học tiếp. Lúc ấy, trại đã chuyển về xã Yên Hồ, thôn Bến Xưởng A, bên bở sông La, huyện Đức Thọ. Do đi bộ từ Quảng Trị, qua Quảng Bình ra cho nên khi đến Hà Tĩnh thì kì thi vào lớp 5 trường Phan Đình Phùng đã thi xong, tôi đành xin vào học ở trường Nguyễn Biểu ở lớp gọi là lớp 4 bổ túc, danh nghĩa là lớp 4, nhưng nội dung là lớp 5. Năm sau, do học xuất sắc, tôi được lên lớp 6, học ở trường Tây Hồ. Lớp này tôi cũng học xuất sắc, được bằng khen của Trưởng Ty giáo dục Hà Tĩnh Trần Hậu Toàn. Sau đó thầy Toàn bị quy thành phần địa chủ, phải thôi chức. Lúc này là hòa bình lập lại năm 1954, có chuyện, đất nước chia làm hai miền, con em cán bộ miền Nam được tập kết ra Bắc. Tôi được coi thuộc diện con em tập kết, được chuyển sang trường học sinh miền Nam. Lúc đầu sang Diễn Châu, sau chuyển ra trường học sinh miền Nam số 8 tại Dương Liễu, Đan Phượng, Hoài Đức; sau chuyển sang trường miền Nam số 24 tại xã Thượng Cát, Hà Nội bây giờ. Học sinh bấy giờ không gọi thầy bằng thầy mà gọi bằng chú, xưng là cháu, theo tình cảm gia đình. Sang trường miền Nam tôi học lớp 7. Thời này tôi học chẳng lấy gì là xuất sắc. Trong học bạ, các thầy đều ghi thông minh, tiếp thu nhanh, nhưng còn thiếu thực tế, phải cố gằng nhiều hơn nữa. Nói chung tôi học các môn tự nhiên đều khá, chỉ riêng môn Văn là không sao tiếp thu được tốt. Tôi rất phục các bạn học văn giỏi.

Học hết lớp 7 coi như lớp cao nhất của trường miền Nam. Chúng tôi được vào học cấp 3 tại phân hiệu HSMN tại trường Phổ thông cấp 3, tức trường Lí Thường Kiệt (Việt Đức bây giờ). Chúng tôi trọ ở gác ba ngôi nhà sát đường Lí Thường Kiệt, còn lớp học ở tầng 1 tại ngôi nhà trong bên trái nhìn từ phía cửa trường vào. Hiệu trưởng là thầy Phạm Quang Hiểu. Có điều lạ là chúng tôi đều yêu thích văn. Hễ có tác phẩm văn học nào mới ra là chúng tôi tranh nhau đọc, thế nhưng môn Văn trong nhà trường thì lại không lấy gì làm hứng thú. Nhiều bạn bây giờ, nhắc lại bộ SGK do các vị trưởng lão ở Ban tu thư biên soạn đều khen nức nở, riêng tôi, lại cảm thấy không để lại ấn tượng gì thật sâu sắc cả. Có thể tôi là cá biệt chăng?

Thầy dạy Văn lớp 8 của tôi hồi ấy là thầy Lê Ngọc Cầu, từ khu V tập kết ra Bắc. Sau này thầy nghiên cứu Tuồng, có sách viết chung với nhà nghiên cứu Phan Ngọc. SGK lớp 8 có bài thư của Tiểu Kính Tâm để lại. Chúng tôi đều phải học thuộc lòng. Khi đọc thuộc lòng tôi thấy bài văn rất hay, nhưng khi thầy giảng bài, thú thật không làm cho chúng tôi thấy hay thêm gì cả. Tôi có cảm tưởng các thầy khi ấy chưa biết dạy văn. Ngoài mấy điều có trong tiểu dẫn mà thầy nói lại hầu như thầy không có gì gây ấn tượng cho đám học trò chúng tôi. Nhiều bài văn thầy Cầu chúng tôi có vẻ như  không biết giảng gì, và thầy tìm ra một cách để giết thì giờ, ấy là thầy đem truyện Thủy Hử vào lớp rồi đọc cho chúng tôi nghe. Thầy chọn đoạn Võ Tòng đả hổ đọc cho học sinh nghe rồi bình về Thủy Hử. Thầy Cầu như sau này tôi biết là người có tính nghệ sĩ, có thể vì thế mà thầy chán dạy văn chăng?

Hết lớp tám, sang lớp 9 phân hiệu chúng tôi chuyển sang trường Nguyễn Trãi 3 tại 67 Cửa Bắc, 30 Phan Đình Phùng. Thầy dạy văn lớp 9 của chúng tôi là thầy Long, thầy vốn dạy ở thành nội.Khidạy mấy bài thơ của Hồ Xuân Hương, cứ thấy thầy tấm tắc khen bài thơ hay lắm, các em đọc kĩ xem, hay quá, chúng tôi chờ đợi, nhưng thầy chẳng có gì nói thêm. Xong thầy có mang theo cây đàn violin, thầy lấy đàn ra rồi bảo, còn ít thì giờ tôi kéo đàn cho anh chị nghe nhé. Thế là thầy kéo bài Dạ khúc, tiếng đàn nhẹ nhàng, êm ái, rồi khi trống đánh thầy nhắc chúng tôi về nhà học bài.Lên lớp 10 chúng tôi học văn với thầy Thiệp. Sau này mới biết thầy có họ hàng với GS Nguyễn Đănng Mạnh, gọi là Nguyễn Đăng Thiệp. Thầy Thiệp có đặc điểm là lên lớp thầy chỉ đứng một vị trí, nhìn một phía lớp, đầu ngoẹo một bên, và cứ thế giảng cho hết bài. Nếu thầy có lên bảng viết vài chữ thì rồi thầy vẫn đứng ở chỗ cũ và không thay đổi tư thế dạy cho hết giờ. Chúng tôi cảm thấy rất đơn điệu.
Đến giờ làm văn tôi mới thấy hết cái khổ. Tôi rất vất vả để tìm ra ý. Tôi để ý thấy một số bạn trong lớp viết văn rất hay, lời văn réo rắt, có hình ảnh, được thầy khen và thường được đem đọc cho cả lớp cùng nghe trong giờ trả bài. Tôi thèm được như các bạn mà không sao cải thiện được tình hình.

Nhưng phải nói là chúng tôi rất yêu văn chương. Từ khi lên lớp 9 rồi lớp 10, tôi cùng các bạn Huỳnh Phan Lê (con trai GS Huỳnh Lý), Nguyễn Quang Hồng (GS, TSKH ngôn ngữ học bây giờ), Phan Kỳ Nam (đã mất), Đặng Trọng Khánh vừa viết văn vừa làm thơ và làm tờ tập san với tên gọi Tập viết, in bằng bột nếp. Tôi ngoài viết truyện ngắn, còn phụ trách vẽ bìa và minh họa. Chúng tôi lấy bột nếp, trộn với dầu hỏa,  nhào nhuyễn, dàn ra cho phẳng, dùng mực polycorby viết trên giấy, chờ cho mực khô rồi đem úp lên mặt phẳng bột nếp, lấy tay là đi là lại nhiều lần, sau đó lột tờ giấy ấy ra, chữ viết còn ở lại trên bột dưới dạng chữ trái. Sau đó đem giấy trắng úp lên, lại là đi là lại mấy lần rồi lột ra, thế là chữ viết đã in vào giấy. Mỗi bản như thế có thể in được khoảng 20 chục bản. Ngoài bìa tạp chí tôi vẽ một cậu bé lực lưỡng, vai vác cây bút đi về phía mặt trời, sau lưng cái bóng đổ dài rất xa. Vẽ bằng mực polycorby có thể dùng mực đậm nhạt, khi in ra giấy vẫn có màu đậm nhạt rất thích. Chúng tôi làm được độ ba bốn số gì đó thì chán. Hồi đó các lớp thi nhau làm báo tường, báo lớp tôi thường có văn, họa, tôi phụ trách trình bày. Nhớ lại điều ấy chỉ để muốn nói rằng, chúng tôi thực sự yêu văn học từ trên ghế nhà trường, nhưng lạ thật, môn Văn vẫn không hấp dẫn tôi và tôi học không lấy gì làm khá. Tôi khá nhất là môn Vật lý, môn Sử. Cuộc thi tốt nghiệp năm 1959,hình như tôi được bỉểu dương vì điểm khá. Điều thú vị là tôi cùng Nguyễn Quang Hồng, Phan Kỳ Nam đều thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên ngành Trung văn, với suy nghĩ rằng: chúng mình thích văn, mà muốn giỏi văn thì phải học ngoại ngữ. Hồng viết văn rất hay. Còn tại sao lại học Trung văn thì vẫn cái câu của nhân vật Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao: tiểu thuyết thì nhất thằng Tàu. Chỉ một chuyện ấy cũng đủ biết là tôi thiếu thực tế biết chừng nào. Chúng tôi thi vào khoa Trung văn với số điểm rất cao. Vào rồi, Nguyễn Quang Hồng và Phan Kỳ Nam và tôi đều được gọi đi học chuyên tu để ranước ngoàihọc. Nhưng học được mấy tuần thì tôi bị trả về trường, vì nhà tôi đã có một người anh được đi rồi, mỗi gia đình chỉ được một người đi, thế là tôi ở lại. May sao khoá ấy tôi đỗ thủ khoa, được khoa giữ lại và sau một năm thì tôi lại được cử sang Trung Quốc học tiếp.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515347

Hôm nay

225

Hôm qua

2367

Tuần này

2948

Tháng này

213286

Tháng qua

121009

Tất cả

114515347