Góc nhìn văn hóa
Cảnh quan nông thôn mới
Cảnh quan nông thôn được hiểu là không gian vật chất gắn liền với các hoạt động sản xuất và hoạt động văn hóa của người dân ở nông thôn. Thường thì có thể phân chia thành cảnh quan trong làng và cảnh quan ngoài làng. Cảnh quan nông thôn luôn biến đổi để phù hợp với cuộc sống của người dân và các hoạt động sống của người dân cũng là nhân tố quan trọng làm thay đổi cảnh quan. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới một thập kỷ qua, cảnh quan nông thôn đã biến đổi mạnh mẽ.
Cảnh quan trong làng
Trong xã hội truyền thống, người ta gắn cảnh quan trong làng với các cấu trúc cây đa-bến nước-mái đình để phân tích khi nói về các làng ở nông thôn. Đương nhiên, thực tế đa dạng hơn các cấu trúc nhiều. Không phải làng nào cũng có cấu trúc cảnh quan như vậy. Cùng với sự phát triển ngày một đa dạng, và tác động của cuộc cách mạng văn hóa những năm 1960 đến đầu những năm 1990 làm cho cấu trúc làng xã thay đổi, đình làng ở nhiều nơi bị phá hoại, các sinh hoạt văn hóa cũng thay đổi nhiều. Nhiều không gian văn hóa của thời bao cấp xuất hiện như sân kho, cửa hàng mậu dịch, sân bóng gắn liền với đời sống người dân. Rồi một thời người dân nông thôn rạo rực xây dựng mô hình VAC (Vườn-Ao-Chuồng) cùng tạo ra một cảnh quan khác dù tồn tại không quá lâu. Gần đây, dưới tác động của nhiều yếu tố, trong đó có quá trình xây dựng nông thôn mới, cảnh quan trong làng cũng thay đổi nhanh chóng. Cái dễ thấy nhất là cơ sở vật chất hạ tầng ở nông thôn đã thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại hóa. Kết cấu vật chất được nói đến nhiều nhất và đầu tư nhiều nhất là điện - đường - trường-trạm. Từ nông thôn vùng đồng bằng, trung du đến miền núi, vùng sâu, vùng xa đều được đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất theo cấu trúc này.
Thực ra trước khi thực hiện chương trình nông thôn mới thì vấn đề đầu tư cơ sở vật chất để hiện đại hóa nông thôn đã được đẩy mạnh. Nhưng xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy quá trình này một cách nhanh chóng hơn với tốc độ đầu tư và kinh phí đầu tư lớn hơn. Nó làm cho cảnh quan trong làng ở nông thôn thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc.
Điện là nhân tố được đầu tư. Mạng lưới điện ở nông thôn được phát triển lên đến tận miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hầu hết các xã đều đã có đường điện. Điện là cơ sở vật chất quan trọng để hiện đại hóa nông thôn. Có điện thì không chỉ diện mạo làng xã thay đổi mà đặc biệt là các sinh hoạt văn hóa trong gia đình cũng thay đổi. Hàng loạt các trang thiết bị, công cụ sản xuất được vận hành bằng điện xuất hiện và làm thay đổi sâu sắc đời sống sinh hoạt cũng như đời sống sản xuất của người dân ở nông thôn. Lượng điện tiêu dùng ở nông thôn đang tăng lên hàng ngày và tăng gấp nhiều lần vì nhu cầu sử dụng điện ngày một lớn hơn. Nếu ngày trước chỉ thắp sáng thì nay còn là nguồn năng lượng chính để vận hàng các trang bị như tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, nấu cơm, chạy các máy sản xuất,….
Đường là cơ sở vật chất ở nông thôn thay đổi nhanh chóng nhất. Trước đây, đường ở nông thôn chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp, một số làng có đường đá. Đường đất hay đá thì cũng khó khăn cho việc di chuyển vào mùa mưa bão. Nhưng hiện nay, chỉ trong một thập kỷ xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm hầu hết đều được bê tông hóa. Các đường lớn của xã, liên xã, liên huyện, liên tỉnh đều được đổ nhựa và mở rộng để xe có trọng tải khá lớn có thể luân chuyển được. Nhưng quan trọng nhất là đường làng ngõ xóm được bê tông hóa nhanh chóng. Theo nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm là cơ sở để bê tông hóa đường sá nông thôn. Có người đã đưa ra ý kiến rằng vấn đề quan trọng nhất trong chương trình xây dựng nồn thôn mới thập kỷ qua là bê tông hóa, là các hoạt động gắn với xi măng. Họ cho rằng xi măng là nhân tố quan trọng nhất, chi phối nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trường hay trạm cũng là xây mới lại kiên cố hơn, sạch đẹp hơn còn trang thiết bị thì vẫn hạn chế và đặc biệt nhân lực làm việc trong đó cũng không nâng cao lên bao nhiêu. Tức là chỉ thay đổi bề ngoài nhờ vào xi măng. Đặc biệt là đường. Hàng tỷ tấn xi măng được đầu tư vào việc làm đường. Đường sá sạch đẹp hơn là điều kiện để các phương tiện hiện đại như xe gắn máy, xe ô tô xuất hiện ngày càng nhiều ở nông thôn. Đường không ngừng được hoàn thiện cũng làm cho giao thông giao thương giữa các địa phương, các vùng miền trở nên đơn giản hơn, dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thị trường cũng như đẩy mạnh tiếp xúc, giao lưu văn hóa.
Bê tông hóa đường giao thông đang phủ khắp các vùng nông thôn ở Nghệ An
Bên cạnh đó, trường học và trạm y tế ở các xã thôn cũng được xây dựng khang trang hơn, đầu tư hiện đại hơn. Vào xã nào người ta cũng nhận ra được những ngôi trường cao tầng hay các trạm xã hai ba tầng rộng lớn và sạch đẹp. Ngoài ra cũng phải nói đến các cảnh quan khác như nhà văn hóa, sân vận động, sân bóng đá, bóng chuyền không ngừng xuất hiện và hiện đại hơn. Các thôn xóm, làng bản đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa kiên cố, dựng sân bóng để sinh hoạt. Đó là những yêu cầu cứng để đạt chuẩn nông thôn mới.
Cảnh quan ngoài làng
Nếu cảnh quan chung của làng xã thay đổi nhanh chóng, thì cảnh quan riêng ở các gia đình càng thay đổi nhanh chóng hơn. Không gian nhà cửa thay đổi hoàn toàn so với trước. Những ngôi nhà xây kiên cố rộng lớn hơn, được ngăn thành các phòng với các trang bị hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Tỷ lệ nhà cao tầng, nhà nhiều căn phòng ngày càng cao hơn. Kết cấu một thời được ưu chuộng là vườn-ao-chuồng gần như không còn tồn tại. Nhiều nhà trước đây có ao thì cũng đắp lại hết. Chuồng để chăn nuôi cũng giảm dần vì chăn nuôi hộ gia đình cũng ít đi. Từ trong nhà, ngoài sân và cổng đều được lát gạch hoặc bê tông hóa. Các bờ rào ngăn giữa vườn của các gia đình trước đây hoặc bằng hàng cây (chè tàu, râm bụt…) hoặc được làm bằng tre nứa thì nay được xây bằng bờ rào gạch kiên cố và kín hơn. Các cánh cổng sắt chắc chắn cũng thay thế cho những cánh cổng bằng tre nứa hoặc để trống ở các gia đình. Nói chung là cảnh quan “kín cổng cao tường” ngày một phổ biến ở các gia đình nông thôn. Nhưng nổi bật nhất có lẽ là mái tôn. Trong mười năm qua, diện tích mái tôn ở nông thôn tăng nhanh chóng. Gần như gia đình nào cũng có mái tôn để che phần sân, làm mái nhà, mái bếp hay các công trình khác. Nhà nào cũng vài ba trăm mét vuông mái tôn chứ không ít. Nếu từ trên cao nhìn xuống thì cả làng, cả xóm như một kết cấu được lợp bằng mái tôn lớn. Nếu cảnh quan chung của nông thôn gắn với bê tông hóa, xi măng hóa thì cảnh quan trong gia đình gắn với mái tôn hóa.
Mái tôn đang ngày càng phổ biến ở bản Phồng của người Tày Poọng xã biên giới Tam Hiệp (Tương Dương, Nghệ An)
Nếu cảnh quan trong làng thay đổi theo hướng cơ giới, cơ khí hóa như vậy thì cảnh quan ngoài làng cũng thay đổi nhanh chóng dưới tác động của hóa học hóa. Cảnh quan ngoài làng là cảnh quan bao quanh làng, chủ yếu là đồng ruộng, ao hồ, sông ngòi, đồi núi và cũng là cảnh quan sản xuất của người dân trong làng. Một điều dễ nhận thấy là hàng loạt các ao hồ xung quanh các làng xã đã bị biến mất. Ngày trước, hầu hết các làng xã đều có nhiều ao hồ bao quanh. Đó là những khu vực chứa nước trong làng. Vì nhiều điều kiện mà người dân chưa thể khai thác hết các ao hồ để trồng trọt. Nhưng gần đây thì ao hồ đã được đắp lên một mặt phục vụ canh tác, mặt khác để lấy đất thổ cư do sức ép của tăng dân số. Sự biến mất của hệ thống ao hồ cũng gây nên nhiều hệ lụy khác nhau. Các sông ngòi thì ô nhiễm nặng hơn. Trước đây, người dân có thể sử dụng nước ở các sông ngòi từ tắm giặt thậm chí để ăn uống. Nhưng hiện nay hầu hết các con sông đều bị ô nhiễm nên không sử dụng được. Chế độ nước ở các sông ngòi cũng thay đổi, không còn theo mùa như trước kia. Các đồng ruộng nhìn qua thì vẫn canh tác bình thường. Nhưng để ý kỹ hơn thì thay đổi nhiều, nhất là hệ sinh thái trong đó. Hàng triệu tấn hóa chất đã được người dân sản xuất nông nghiệp đưa vào môi trường đất, môi trường nước khiến cho nhiều loài động vật bị tiêu diệt.
Cảnh quan và môi trường
Cảnh quan nông thôn đang biến đổi nhanh chóng dưới tác động của quá trình xây dựng nông thôn mới. Làng xã được bê tông hóa mạnh mẽ. Các gia đình cũng mái tôn hóa nhanh chóng hơn, hiện đại hơn. Sự thay đổi của làng xã theo hướng hiện đại hơn với những kết cấu đồng bộ theo các tiêu chuẩn Nhà nước đặt ra. Tuy nhiên, cũng vì bê tông hóa, xi măng hóa, mái tôn hóa quá nhanh chóng nên môi trường nông thôn cũng bị ô nhiễm nặng nề hơn và đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Sự thay đổi nhanh chóng của cảnh quan nông thôn cũng đặt ra nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường. Chúng ta hãy hình dung môi trường nông thôn sẽ như thế nào khi bề mặt nông thôn được bao phủ bởi bê tông và mái tôn. Trước hết, hàng tỷ khối bê tông được rải lên bề mặt nông thôn, mà rộng hơn là bề mặt Trái Đất gây nên một sức nặng lên cơ thể vốn đã nặng nề của nó. Sức ép đó có thể tạo ra những đứt gãy trong lòng đất và gây nên những hiểm họa mà loài người sẽ phải hứng chịu. Khi trọng lượng Trái Đất tăng lên thì cũng gây nên nhiều điều bất thường. Diện tích bê tông tăng lên nhanh chóng thì cũng đồng nghĩa diện tích đất nước, đặc biệt là cây xanh cũng sẽ giảm đi tương đương. Điều này ảnh hưởng đến khí hậu của địa phương, của khu vực và thế giới. Hơn nữa, những mái tôn ở nông thôn, vốn đang tăng lên nhanh chóng biến cả vùng nông thôn rộng lớn thành một đại mái tôn, là những lò hấp thụ nhiệt vô cùng lớn. Cùng với bê tông thì mái tôn hấp thụ nhiệt và tạo ra sức nóng. Nếu con người có những máy quạt điện, máy điều hòa để trốn tránh khi nắng nóng thì Trái Đất không có. Nhiệt độ tăng lên làm khí hậu nóng hơn, hiệu ứng nhà kính cũng tăng thêm. Tất cả những điều đó làm cho biến đổi khí hậu thêm nhanh chóng và tác hại của nó thì không thể lường được.
Nhìn chung, quá trình xây dựng nông thôn mới làm thay đổi nhanh chóng cảnh quan nông thôn và qua đó tác động mạnh mẽ đến môi trường nông thôn. Nhiều vấn đề nghiêm trong liên quan đến ô nhiễm môi trường được đặt ra từ sự biến đổi cảnh quan. Điều đó cũng đặt ra vấn đề quan trọng là bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới như thế nào cho phù hợp. Chúng ta không thể không đầu tư phát triển nông thôn, nhưng cũng không thể không tính toán đến vấn đề bảo vệ môi trường nếu không sẽ nhận lại những tác động tiêu cực lớn hơn nhiều lần./.
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511958
2284
2337
22332
218831
121356
114511958