Người xứ Nghệ
Thầy Hiếu vẽ
Thầy Nguyễn Trung Hiếu cầm bút vẽ từ lúc nào? Thầy có quan niệm, “đúc kết” riêng gì về hội họa hay không? Đó là những câu hỏi mà giờ đây, tôi nghĩ khó có lời đáp thỏa đáng, ngoại trừ việc suy đoán. Về phần tôi – một học trò và là con một người bạn gần gũi của thầy – tôi chỉ biết thầy đã dành không ít thời gian để chơi với sắc màu, đường nét và tạo nên những bức vẽ độc đáo, sống động, khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò… mãi đến giờ vẫn còn nhắc nhở, trong niềm cảm phục xen lẫn tiếc nuối.
Nguyễn Trung Hiếu - chân dung tự họa (sơn dầu, trên Carton, 1967)
Nói đến thầy Nguyễn Trung Hiếu, người ta thường nghĩ ngay đến nết ăn nết ở có vẻ lập dị; sự khí khái, thẳng băng, rạch ròi trong hành xử; những nhận xét ghim chặt một số đối tượng khó ưa vào mấy chữ “chết người”; nhiều kiến giải sâu sắc, lạ lùng, mới mẻ về văn chương; lối giảng bài coi khinh các khuôn thước tẻ nhạt… Quả thật, toàn bộ những điều nói trên đã làm nên một hình tượng “thầy Hiếu” đặc dị, vừa gợi tò mò, vừa gieo thái độ kính trọng ở những người từng có dịp tiếp xúc với thầy hay đơn giản chỉ biết thầy qua các lời kể. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì đã tạo nên sức hút của thầy với xung quanh. Nhìn sâu vào tình cảm mà mình đã dành cho thầy, chúng tôi – đám học trò đồng thời là lớp cán bộ trẻ của khoa Văn thuở ấy – nhận thấy bên cạnh sự kính nể còn có sự mê thích nữa. Không có gì khác, chính tố chất nghệ sĩ phóng khoáng ở thầy đã tạo nên điều này và tố chất đó bộc lộ trước hết (chứ không phải duy nhất) qua những bức vẽ đã được thầy thực hiện với rất nhiều cảm hứng.
Khi đến thăm thầy tại căn phòng tập thể nứa lá ngay trong trường, hay sau này, tại căn hộ nhà C2 khu Quang Trung (tất cả đều chật chội, khá luộm thuộm và luôn được tẩm ướp bởi mùi ẩm mốc lưu cữu, mùi giày, mùi thuốc lá hoi hoi, nặng nặng), thật hạnh phúc cho đứa nào được thầy ngoắt tay gọi vào phòng làm việc tranh tối tranh sáng, được xem những bức vẽ của thầy, vốn được xếp loi thoi trên giá sách. Ai có chút năng khiếu hội họa, biết đưa ra những lời phẩm bình có lý, thì hiển nhiên được thầy vui miệng kể cho nghe lai lịch một số bức tranh thầy vẽ trong khoảng thời gian đầu thập niên sáu mươi (thế kỷ XX). Trong bối cảnh thời bao cấp khổ nghèo, thiếu thốn, do ít có điều kiện giao lưu tiếp xúc với giới nghệ sĩ, những anh chàng khổ học như chúng tôi, khi tiếp xúc với con người nghệ sĩ của thầy, hình như có được ý niệm rõ hơn về kẻ sáng tác và tự nhiên, lòng dậy lên những mơ tưởng, ước vọng xa xôi.
Thực ra, số lượng các bức vẽ mà thầy Hiếu đã thực hiện và để lại không hề nhiều. Thì thầy là một họa sĩ “tay ngang” mà. Thầy thường vẽ khi thực sự có hứng, đặc biệt là khi có được màu vẽ, giấy vẽ tàm tạm chấp nhận được. Có lẽ, năng khiếu vẽ của thầy được phát lộ trong thời kỳ thầy tham gia công tác thanh niên, tuyên truyền ở quê thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được phát triển thêm lúc thầy có những mối giao lưu bạn bè với một số văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Rõ ràng, về hội họa, thầy là người tự học: nhìn tranh của các họa sĩ “chuyên nghiệp” để ngầm đoán những thao tác, kỹ thuật mà họ đã sử dụng khi phác thảo, dựng bố cục, phối màu, sau đó đọc thêm vài tài liệu chuyên môn để củng cố điều đã ghi nhận được. Thế rồi thầy thực hành, mãi thành quen, mỗi lúc một nhuyễn hơn. Đề tài, ý tưởng thì có sẵn, thậm chí bao giờ cũng đầy, vì thầy đã sống một cuộc đời phong phú, quyết giữ cá tính, lại có vốn văn hóa, văn học thâm sâu, rất cần được bộc lộ theo một cách nào đó, nếu không bằng bài nghiên cứu, lời giảng thì bằng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình.
Trên đường sơ tán (Chì, màu nước trên giấy)
Khi vẽ, thầy Hiếu không quá câu nệ vào việc chọn công cụ và chất liệu, vì muốn kỹ tính cũng chả được. Đến các họa sĩ thực thụ còn gặp muôn vàn khó khăn trên vấn đề này nữa là. Bút lông [cùn], bút chì, bút mực, bút bi, giấy vở học sinh, giấy roki, bìa carton…, có cái gì dùng cái ấy. Tuy nhiên, yếu tố cảm xúc thì không thể “tùy tiện”, nó phải là một cái gì hết sức chân thực, không chút màu mè, dù được thể hiện bằng màu. Đầy ắp trong tranh thầy một tình cảm yêu thương, gắn bó với làng quê, người thân và nhất là với Kiều – một nhân vật văn học quen thuộc mà thầy yêu và am hiểu sâu sắc. Đứng trước tranh thầy, người xem như nghe được tiếng gọi bồn chồn, từ lèn Hai Vai hiện ra ở hậu cảnh, từ vòng sóng tỏa lan nơi chiếc thùng chạm mặt giếng làng, từ vệt nắng sớm nhuộm vàng tươi bờ dậu trong ngõ xóm, từ dáng cây đu dựng giữa cỏ xanh một tết xưa đợi người đến nhún, từ đường lượn huyền ảo của khói nhang trên bàn thờ thân phụ… Có lẽ chính cường độ mạnh của cảm xúc là điều kiện quan trọng hàng đầu làm nên sức hút của những bức vẽ. Tất nhiên, các hình tượng trong tranh cũng đã được thầy diễn tả khá cô đọng, chuẩn xác; người nào, động tác nào, cảnh nào, đâu ra đấy phân minh nhưng hòa quyện, thống nhất. Tôi đặc biệt thích hai bức thầy vẽ người đi xe đạp. Những chuyển động nhanh của đối tượng đã được nắm bắt và truyền đạt rất thanh thoát. Từ tranh như vẳng ra tiếng reo vui. Một số tranh của thầy, màu có chỗ hơi đậm đặc, xỉn, tối, nhưng đặt trong tổng thể, xem ra nó lại giúp biểu đạt được một cái gì như là sự tích đọng, u uẩn trong cái nhìn của người vẽ. Tôi đã thử kiểm tra ấn tượng của mình khi xem lại những bức vẽ xưa của thầy. Niềm xúc động vẫn còn nguyên, như ngày tôi lần đầu được thấy. Có lẽ, trường hấp dẫn bao quanh thầy quá mạnh, khiến tôi có thể bỏ qua một cách dễ dàng đôi điều “nhôm nhoam” thuộc phần kỹ thuật (như các nghi thức dù quan trọng nhưng cũng khá phiền toái trong giao tiếp đời thường) để bước thẳng vào điều thầy muốn biểu đạt và để đồng cảm với thầy chăng? Đó là thực tế đã diễn ra trong sự tiếp nhận của chính tôi đối với tranh thầy Nguyễn Trung Hiếu. Tôi nghĩ thêm, ở thầy, bẩm tính nghệ sĩ, bản năng nghệ sĩ là điều không thể nghi ngờ. Nó luôn trồi lên, đòi được cất tiếng, bất kể hoàn cảnh bó buộc ngặt nghèo như thế nào.
Tranh của thầy Hiếu hầu như không có tên. Nếu được đặt, thì thường đó là những cái tên khá “văn học”, như Một đời người, Nhớ làng, Tết ngày xưa. Có trường hợp, tên tranh được thay thế bằng mấy dòng thơ, kiểu Nhà tôi lối xóm đơn sơ ấy/ Thương thấm mai xanh, nhớ đượm chiều. Điều này cho thấy thầy đã vẽ bằng tâm thức thi ca, và tâm thức ấy tự tìm cách thỏa thuận với sự mẫn cảm tự nhiên về bố cục, hình và sắc để chúng cùng phối hợp làm nên tranh. Không biết có thể xem đây là một điểm độc đáo trong hành động vẽ của thầy chăng?
Không có chút ngẫu nhiên nào khi phần lớn tranh tâm đắc của thầy Nguyễn Trung Hiếu lấy đề tài từ văn học, cụ thể là từ Kiều Loan (một vở kịch thơ của Hoàng Cầm) và Truyện Kiều. Bức Kiều Loan có bố cục thật đẹp: một người đàn bà điên (hay giả điên), tay cầm quạt đang ngao hát giữa cỏ lau và đền đài nhà Tây Sơn. Tranh vẽ theo góc nhìn từ dưới hắt lên. Đầu nhân vật tuy đặt thấp, ở khoảng giữa tranh, nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ về một chuyển động hướng lên trên. Hai cánh tay nhân vật múa như sóng và chính thực là đang tạo sóng. Đường đưa lướt của cỏ lau, dáng đầu nghiêng phía ngược lại của nhân vật, động tác phẩy mạnh của tay trái cầm quạt, thế [dường như] xiêu đổ của cổng thành, tất cả phối hợp với nhau chặt chẽ, làm cho tranh có một nhịp điệu thống nhất, trùm lên những chuyển động nghịch chiều, tạo cho người xem niềm xúc động sâu xa. Lần đầu tiên thấy bức tranh này, tôi chưa được đọc Kiều Loan. Tôi đã thực sự sững sờ trước cái thế giới rất khác biệt của người vẽ mà tôi chưa thể nắm bắt, hiểu thấu. Buổi xem tranh ấy, tất nhiên, tôi chỉ là một đồ đệ đứng ngoài rìa. Nhưng tôi cảm thấy thật may mắn khi chứng kiến cuộc chuyện trò tương đắc quanh bức tranh, giữa thầy với một số bạn bè văn nghệ. Tôi không nhớ rõ lúc đó nhà thơ Thạch Quỳ đã ngâm nga đọc những câu gì và ai đó (hình như nhà điêu khắc Đào Phương thì phải) đã thốt lên những lời bình phẩm thế nào, nhưng tôi biết, giữa họ và thầy có những chia sẻ sâu xa về nỗi đời, nỗi người, về kiếp sống.
So dần dây vũ dây văn/Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương (Bột màu trên giấy)
Thầy Hiếu hiện còn để lại 12 bức minh họa Truyện Kiều. Qua những gì thầy đã vẽ, không khó nhận ra thầy đặc biệt rung động với mối tình Kim - Kiều, với cuộc gặp gỡ giữa người dương với người âm trong chiều thanh minh hiu hiu gió thổi, với bước chân bơ vơ, hãi hùng của Kiều trên “lối mòn cỏ nhợt màu sương”, với tâm trạng giằng xé của một đệ nhất phu nhân vừa rơi vào bi kịch “giết chồng mà lại lấy chồng”, phải hầu rượu kẻ lừa lọc trong tiệc hạ công hay chạm mặt với sông Tiền Đường đang đùng đùng nổi sóng… Tôi cho rằng thầy đã thể hiện được những gì thầy thấy cần phải thể hiện trong các bức vẽ, để khi chúng hoàn thành, thầy có thể thoải mái ghi nguyên cả đoạn thơ trong Truyện Kiều phía dưới hoặc trên góc trái bức vẽ làm chú thích. Có lẽ thầy tự thấy hài lòng, vì đối với người họa sĩ tài tử, vẽ thực ra cũng chỉ là việc chọn một cách biểu đạt thuận tiện về con người mình, trong một bối cảnh cụ thể nào đó, thế thôi. Nhưng dù hiểu vậy, tôi vẫn rất phục thầy ở khả năng tưởng tượng, ở cách xử lý ánh sáng tinh tế khi vẽ cảnh đêm, thể hiện bước chân “xăm xăm băng lối vườn khuya” của Thúy Kiều trong ánh “nhặt thưa gương giọi đầu cành”, rồi cuộc tình tự dưới trăng của Thúy Kiều và Kim Trọng, cuộc cất mình ra đi của một nô tì bất đắc dĩ giữa “mịt mù dặm cát đồi cây”. Hòa sắc xanh xám của các bức tranh không gây cảm giác tối tăm, chết lặng mà được làm chuyển động với những vệt vàng, những đốm trắng gợi các vật thể đang bắt nhạy ánh trăng để lấp lánh. Thầy vẽ tranh bằng màu bột, quét nhiều lớp lên giấy nhưng về cơ bản vẫn không làm nền tranh tối đục, theo đó, thầy diễn tả khá thần tình độ trong của “màu” đêm – nơi bao chứa tiếng nói của muôn vật lặng thầm, bé mọn, như ngọn cỏ, chiếc lá, viên ngói, chấn song thưa...
Có lẽ, hai bức vẽ nói lên được nhiều nhất những chiêm nghiệm về đời sống của thầy là Tự họa và Một đời người. Bức Tự họa vẽ bằng sơn dầu trên bìa carton – một chất liệu hầu như chỉ được thầy dùng một lần duy nhất. Về tranh này, tôi không cho rằng bàn tay phải với hai ngón kẹp điếu thuốc đang đưa lên miệng ở tiền cảnh hay chiếc cổ áo đã được vẽ tự nhiên, cũng không cho rằng nền tranh phía sau đã được xử lý tốt để làm nổi khối hình tượng chính, nhưng tôi rất thích vẻ biểu cảm của ánh nhìn đã được “gọi tên” một cách đích đáng, ở sự phối hợp các vệt màu nâu, cam, vàng, xanh xám dùng để thể hiện độ tối sáng chuyển hóa tự nhiên trên khuôn mặt nhìn thẳng. Nhìn tranh chính thực cũng là đối diện với thầy. Những quanh co hay suy tính vẩn vơ, tầm thường dường như đã bị triệt tiêu. Quả là một bức chân dung có chiều sâu tâm lý, đã nói được những điều cần nói bằng ngôn ngữ tạo hình. Bức Một đời người được vẽ bằng bột màu trên giấy, có hai gam màu chủ đạo là đỏ và đen. Hình tượng khái quát và có phần cường điệu nhưng có khả năng làm nổi rõ nỗi cô đơn, cứng cỏi của thân mẫu thầy – một người mẹ hẳn nhiên thầy rất kính trọng và biết ơn, vì những hy sinh thầm lặng khi phải thay chồng gánh vác cả gia đình giữa bao biến động khôn lường của thời cuộc. Chẳng hiểu sao trần nhà nơi đặt bàn thờ lại có màu đỏ sẫm và bài vị cùng cả không gian thờ tự lại sáng rỡ như thế trong ánh nến. Người thiếu phụ thắp hương đứng sấp bóng và để bóng đen đổ dài kéo tận tới mép dưới của bức tranh. Tôi nghĩ thầy đã không ngần ngại sắp xếp lại những chi tiết có thực của hiện thực, miễn sao bức tranh biểu lộ được mạnh mẽ nhất suy nghiệm của thầy, không chỉ về một cuộc đời, một con người cụ thể, mà còn về một cách sống, bản lĩnh sống và những nghịch lý trong cõi nhân gian này (chữ nghịch lý rất hay được thầy nhắc đến trong những bài giảng, bài viết về văn học) . Vậy là, dù không được học hội họa chính quy, thầy vẫn biết tạo ra sự phá cách riêng, hết sức có ý nghĩa, trong hành trình vẽ của mình.
Xin cho tiện thổ một doi... (Kiều, Nguyễn Du (Bột màu trên giấy)]
Thầy Nguyễn Trung Hiếu rời bỏ thế gian từ năm 1995, ở tuổi 70. Kể từ thời gian đó đến gần đây, lòng tôi luôn thắc thỏm không biết những tranh thầy đã vẽ có còn được giữ gìn cẩn thận không, bởi thầy mất khi hai đứa con còn quá nhỏ, gia đình lại gặp nhiều khó khăn và nơi ở thì chật chội, tù túng. Những bức vẽ có thể chưa hoàn hảo xét theo tiêu chuẩn nghệ thuật nghiêm túc, nhưng chúng là chứng tích sống động của một đời người sống thẳng, sống đẹp, gai góc mà nhân hậu, luôn chối từ sự tầm thường để theo đuổi giấc mơ nghệ thuật trong lành. Ngắm chúng, người ta có thể hiểu được thêm nhiều điều về tình thế sống của một thế hệ vốn cắm rễ sâu vào văn hóa truyền thống, có khát vọng tự do, đổi mới nhưng gặp quá nhiều gian nan khi quyết giữ cái tôi đầy bản sắc, giữa một thời dường như chỉ khuyến khích sự đồng phục. Thật may, trước ngày tổ chức lễ Kỷ niệm 60 năm khoa Văn trường Đại học Sư phạm Vinh, khi chúng tôi lên nhà thầy để tìm lại các bức vẽ xưa mong bày một cuộc triển lãm, thì được con trai cả của thầy cho biết số tranh thầy để lại gần như còn nguyên vẹn. Chính những bức tranh ấy đã được chúng tôi bày trang trọng trong một không gian đẹp của lễ Kỷ niệm. Bao nhiêu người đã đến xem và chụp ảnh. Xúc động nhất là vợ thầy cùng các con cháu cũng có mặt ở đó, suốt thời gian buổi lễ diễn ra. Ngắm bức Tự họa của thầy, lòng không khỏi bồi hồi: Tưởng người nên lại thấy người về đây…
Thầy Hiếu đã vẽ, như thầy đã sống. Các bức vẽ, cũng như các trang viết của thầy đã thay thầy ở lại với đời, để nhắn nhủ những điều sâu xa với bao lớp học trò đến sau.
tin tức liên quan
Videos
Đôi điều ngộ nhận về Phan Yên báo và Gia Định báo
Yếu tố thiêng trong văn hóa của người Việt
Tỉnh Nghệ An tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Nhà nước thuộc địa Pháp, xã hội dân sự Việt Nam: Hội Ánh Sáng và cải cách nhà ở tại Hà Nội 1937-1941 (Kỳ 1)
Xoài Tương Dương và hành trình xây dựng thương hiệu
Thống kê truy cập
114524525
2303
2309
21227
211221
0
114524525