Diễn đàn
Tham nhũng được kiềm chế sao còn diễn biến phức tạp, tinh vi?
Tổng thanh tra Chính Phủ Lê Minh Khái. nguồn ảnh Quochoi.vn
Tại Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-9, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: "Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm".[1]
Đây không phải lần đầu tiên, cơ quan chức năng đánh giá “tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm".
Tám năm trước, ngày 22/10/2012, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, cũng đã khẳng định “công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế”.[2]
Từ đó đến nay, cụm từ “tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn” cứ xuất hiện đều đặn trong các báo cáo hàng năm về công tác phòng, chống tham nhũng. Thế nhưng hàng loạt vụ án tham nhũng bị phanh phui trong những năm qua đang chứng minh ngược lại điều đó. Các vụ đại án đều diễn ra trong giai đoạn khoảng 10 năm lại nay, từ khi công tác phòng, chống tham nhũng được Thanh tra Chính phủ đánh giá là “đã có những chuyển biến tích cực” và tham nhũng “từng bước được kiềm chế”.
Ở góc độ từ vựng-ngữ nghĩa, “kiềm chế” có nghĩa là dùng mọi cách (kể cả sức mạnh) để giữ (trị) ở một chừng mực nhất định không cho (đối tượng) tự do hoạt động, tự do phát triển.
Kiềm chế được tham nhũng cũng có nghĩa là đã kiểm soát được nó, không để nó tự tung tự tác. Nhưng nói vậy mà không phải vậy.
Bởi thế, mặc dù đã đánh giá “có những chuyển biến tích cực” và tham nhũng “được kiềm chế, thuyên giảm”, nhưng báo cáo của Thanh tra lại không thể không “thòng” thêm câu: “Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành”. Quả là mâu thuẫn.
Vì sao vậy? Phải chăng, vế trước (“đã có những chuyển biến tích cực” và “được kiềm chế”) để nói thành tích, còn vế sau (“Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp”) biện minh cho việc chống tham nhũng không hiệu quả vì nó cực kỳ khó?
Một khi đánh giá sự việc không xác đáng sẽ dẫn đến hoạch định chủ trương không phù hợp với thực tiễn. Nói “tham nhũng được kiềm chế” thì thật khó để dân đồng thuận khi các ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch Hà Nội) và một loạt cán bộ cao cấp khác bị khởi tố, bắt tạm giam lúc đương chức; khi giữa đại dịch Covid-19 những kẻ táng tận lương tâm như ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội) thổi giá máy xét nghiệm virus để đút túi hàng tỷ đồng. Thậm chí cán bộ thanh tra như bà Nguyễn Thị Kim Anh (Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, Bộ Xây dựng) lại chủ mưu nhận hối lộ. Và bao nhiêu vụ tham nhũng khác bị phanh phui vẫn xuất hiện hàng ngày trên mặt báo.
Cổ nhân có câu “Trông mặt mà bắt hình dong”, cũng là một cách răn dạy kinh nghiệm nhìn nhận, đánh giá đối tượng (không chỉ là con người mà còn cả sự việc, từ hình thức đến nội dung). Hy vọng TTCP sẽ có con mắt tinh đời hơn khi đánh giá về tham nhũng và chống tham nhũng sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn để từ đó có được giải pháp phòng chống hiệu quả; chấm dứt tình trạng “được kiềm chế” nhưng “vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp”.
Nguồn tham khảo:
[1]. https://tuoitre.vn/tong-thanh-tra-chinh-phu-tham-nhung-duoc-kiem-che-20200914132808685.htm
[2]. http://www.thanhtra.gov.vn/ct/news/Lists/TinNongMoi/View_Detail.aspx?ItemID=88
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511026
225
2359
21400
217899
121356
114511026