Từ môi trường này, nhiều gương mặt xuất sắc đã được phát hiện, bồi dưỡng, trở thành những vận động viên chủ chốt đem vinh quang về cho thể thao tỉnh nhà. Thế nhưng, luôn có hai mặt của một vấn đề, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ đó, tính ăn thua thông qua hình thức cá độ ăn tiền đang ngày càng lan rộng trong nhiều môn thể thao, khiến cho ý nghĩa tốt đẹp về hoạt động rèn luyện thân thể lành mạnh của thể thao phong trào đang dần mất đi.
Ngoài bóng đá, có lẽ bóng chuyền là môn thể thao phổ biến nhất hiện nay, hầu hết xã, phường, thị trấn, cơ quan nào cũng có ít nhất một sân bóng chuyền để cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân tập luyện, thi đấu. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc luyện tập cũng diễn ra với một không khí hào hứng, và như để thêm phần sôi nổi, những người tham gia đã tự “treo giải” riêng cho mỗi cuộc chơi, ban đầu chỉ là những chai nước giải khát, vài chai bia sau mỗi trận đấu, nhưng dần dà được thay thế trực tiếp bằng tiền.
Cái cớ chính thức mà dân đánh bóng chuyền đưa ra để giải thích cho mỗi trận đấu cá cược thường là “cho có không khí”, và hiện nay hầu hết mọi người đều quen thuộc với việc đánh cược này nên mỗi khi đánh bóng mà không có ai khởi xướng việc “bắt độ” thì cảm thấy trận đó mất vui. Thực tế, chưa ai đề cập đến vấn đề này như là một sự nghiêm trọng, cho nên bắt đầu từ chỗ một vài trường hợp lẻ tẻ, đến nay chuyện cá độ nhau trong một trận đấu bóng chuyền đã trở nên khá phổ biến, thậm chí còn sản sinh ra một đội chuyên đi đánh độ khắp nơi.
Nhắc đến dân đánh bóng chuyền cá độ ở Nghệ An hiện nay không thể không nhắc đến đội “chiều tà”, đây là tập hợp những người đánh bóng hay, nhưng không nằm trong đội tuyển chính thức nào, và đặc biệt phải có máu hơn thua. Cứ chiều chiều, dân đánh độ trong đội này lại tập trung nhau luyện tập tại sân bóng chuyền gần Nhà Văn hóa Lao động và tỏa đến các sân bóng trên địa bàn TP Vinh, hay các huyện lân cận để “kiếm cạ”. Ở nhiều nơi, khi các tay bóng “chiều tà” này xuất hiện và được họ rủ đánh giao lưu thì ai cũng hào hứng, séc đầu họ chỉ đưa ra đề nghị đánh khoảng 50.000 đồng uống nước cho vui và giả vờ thua để lấy lòng chủ nhà, nhưng đến khi giá của séc đấu được đẩy lên thì chất quái kiệt của họ mới được bộc lộ.
Không chỉ có bóng chuyền, chuyện đánh độ còn lan sang nhiều môn thể thao khác, trong đó Bida là điển hình rõ nét nhất cho việc biến một loại hình thể thao phong trào trở thành thể thao cá độ ăn tiền. Theo chân Nguyễn Bình Trọng (Giáo viên Thể dục của một trường Trung cấp ở TP Vinh), tôi có mặt tại một quán Bida máy lạnh nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh), với mặt bàn chất lượng cao, có nhạc du dương cùng tiếp viên trẻ đẹp xếp bi và phục vụ thuốc, nước. Được “mục sở thị”, tôi mới hiểu rõ hơn về một thế giới giải trí đa chiều theo những đường lăn vào lỗ của những trái bi xanh đỏ trên bàn Bida mà không ít bạn trẻ hằng ngày vẫn tham gia. Tại đây có 8 bàn thì cả 8 bàn đều đã có người đánh, mà không phải đánh vui, với phòng đánh chất lượng cao này thì tùy bi lỗ hay bi phăng, hầu hết người chơi đều có những cá cược nhất định cho mỗi cơ đấu. Trọng bảo: Ở đây đều đánh tiền cả, nếu không thì chẳng ai vào đây, nếu muốn giải trí cho vui thì đến những nơi khác với giá tiền bàn bình dân hơn. Ở đây, mỗi cơ có giá ít nhất cũng 50 nghìn đồng, nếu cao thì có thể lên đến cả triệu bạc, đó là chưa kể đến các khoản phạt nếu bị lỗi trong khi đánh (cháy, oác...).
Tại nhiều quán Bida, không chỉ phục vụ nhu cầu của người chơi theo nghĩa đơn thuần là cho thuê bàn tính giờ và bán lẻ thuốc, nước, nhiều chủ quán Bida còn kiêm luôn cả tay cơ, hoặc nuôi một vài tay cơ giỏi để sẵn sàng tiếp nếu có khách hàng nào muốn giao lưu. Và thậm chí họ còn lân la đến các quán khác “kiếm mồi”, mà theo lý giải của không ít người thì điều này gọi là “có chút tài mà không thể hiện ra bên ngoài thì phí”. Đó là chưa kể đến đội ngũ những tay cơ dạo, có người thì sắm cho mình một cây cơ riêng để chuyên đi đánh độ, có người thì lân la đến các quán Bida đánh giúp, đánh thuê....
Trong chuyện cá độ, sát phạt nhau trên bàn Bida nói riêng và các môn thể thao khác, ngoài luật chơi được quy định sẵn, người chơi còn vẽ ra các luật lệ riêng theo mức độ thỏa thuận kèm theo giá cả trước khi chơi. Các luật này là “bất thành văn” nên nó cũng dễ dàng bị xóa bỏ khi trận đấu kết thúc, nó vừa làm cho việc tranh tài hơn thua trở nên sôi nổi hơn, đồng thời phù hợp với thực tế không có trọng tài.
Có thể thấy rằng, nếu nói việc “cá cược cho vui” trong thể thao nhằm làm cho cuộc đấu trở nên sôi nổi, là không hoàn toàn sai. Nhưng, với việc lạm dụng “không khí sôi nổi” đó một cách thái quá theo cách cá độ ăn tiền như thực tế ở nhiều môn thể thao giải trí là điều khó có thể chấp nhận. Việc cá độ trong thể thao phong trào đang có xu hướng phát triển. Nếu chúng ta không có những giải pháp kịp thời e rằng nó sẽ là tác nhân độc hại ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của thể thao phong trào tỉnh nhà.