Văn hóa và đời sống

Tính cách Nghệ, gia đình Nghệ và sự bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống trong thời kỳ hội nhập

Tỉnh Nghệ An đất rộng, người đông và giàu truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là trong giáo dục gia đình.Việc hiểu thấu đáo tính cách người Nghệ, những đặc điểm nổi bật trong gia đình người Nghệ sẽ giúp chúng ta tìm ra những giải pháp quan trọng để xây dựng lối sống lành mạnh trong điều kiện hiện nay.

 

Tính cách của người Nghệ được hình thành và phát triển trong những gia đình truyền thống của người Nghệ

Đã từ lâu, tính cách của người Nghệ đã trở thành đề tài nghiên cứu của các học giả.Trải qua hàng trăm năm nghiên cứu, các học giả chỉ ra rằng,tính cách người Nghệ có nhiều nét khác biệt so với những người vùng miền khác. Thật ra, sự khác biệt tuy khá rõ ràng nhưng lại khó “cân đong đo đếm” chính xác. Nhìn vào thực tế cuộc sống, chúng ta có thể nhận ra điều này: Người Nghệ cũng có những phẩm chất như người ở các vùng miền khác nhưng cái gì ở người Nghệ (cả cái tốt lẫn cái xấu, cả cái tích cực cũng như cái tiêu cực) cũng được đẩy cao hơn một chút. Chính “một chút” này là nhân tố quan trọng tạo nên tính cách, nhân cách và những phẩm chất đạo đức của người Nghệ; chúng khác biệt đôi chút so với tính cách của những người xứ khác. Điều này khiến người ta tìm hiểu và nếu có kết luận người Nghệ cực đoan thì cũng không cần tranh luận, dù vẫn chưa hài lòng.

Đầu Xuân hàng năm, các gia đình ở Nghệ An thường tổ chức Mừng Thọ cho cha mẹ. 

Dựa vào những kết quả nghiên cứu của các học giả, căn cứ vào thực tế cuộc sống, chúng ta có thể đưa ra đánh giá tính cách của con người xứ Nghệ một cách khái quát. Những ưu điểm: Thông minh, ham hiểu biết, học giỏi, có nhiều cống hiến cho đất nước; Chăm làm, nhẫn nại, chịu khổ, chịu khó; Khẳng khái, trọng danh dự, đàng hoàng, dũng cảm, có bản lĩnh; Hào sảng, hài hước, lạc quan; Yêu nước, yêu quê, mộc mạc, chân thành, tình nghĩa, có tinh thần đoàn kết bảo vệ lẫn nhau; Cởi mở, cầu tiến, hướng ngoại; Coi trọng nề nếp gia đình, cần kiệm, chắt chiu, biết lo toan nên luôn luôn vượt qua gian khó… Những nhược điểm: Tự kiêu, tự mãn đến xem thường tất cả; Hẹp hòi, bảo thủ đến mù quáng; Cục bộ, địa phương đến mức khi nào “xứ Nghệ cũng nhất”; Có “tâm lý bầy đàn” nên thường kéo bè, kéo cánh; Keo kiệt, bủn xỉn đến quẫn trí; Thích khoa trương đến mức nhịn ăn, nhịn mặc để xây nhà, sắm xe;... Hơn thế nữa, một số ưu điểm bị lạm dụng cũng trở thành nhược điểm. Đó là thẳng thắn, cứng rắn đến thô lỗ, bạo ngược; Hăng hái, nhiệt tình tới mức mất tỉnh táo; Dũng cảm, táo bạo đến mức liều lĩnh;...

Ngoài ra, hầu như người Nghệ nào cũng được “phong tặng” cho phẩm chất “gàn”. Không biết nên xem “gàn” là ưu điểm hay nhược điểm trong tính cách người Nghệ đây? Định nghĩa hay giải thích khúc chiết về từ “gàn” hơi khó; song, có thể hiểu “gàn” là khi một người nào đó có những suy nghĩ, hành động không giống với phần lớn những người xung quanh, không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại nhưng những suy nghĩ và hành động đó đúng đắn và thánh thiệnvề bản chất. Lấy ví dụđể làm rõ điều này. Một người đang công tác ở một cơ quan nhà nước, đang có cơ hội thăng tiến nhưng cương quyết bỏ việc ra làm ngoài vì “công việc hiện tại không phù hợp với năng lực, sở trường”. Người này được gắn cho từ“gàn”. Một người khác được bố trí chỗ ở trong trụ sở cơ quan. Sau đó anh có chỗ ở riêng bên ngoài. Một thời gian sau, người ta đập trụ sở để xây cao ốc. Anh ta được gọi đến để nhận tiền đến bù nhưng anh không nhận với lý do “Tôi có nhà ở rồi, tiền đấy nên dành cho người khác”. Anh này cũng được cho là “gàn”.

Ai cũng biết gia đình là cái nôi, là trường học đầu tiên và quan trọng nhất với tất cả mọi người. Do vậy, dẫu gia đình là một thiết chế phổ quát nhưng gia đình của người Nghệ cũng có những đặc điểm riêng nên mới tạo ra tính cách người Nghệ như vậy. Gia đình của người Nghệ cũng có những nét khác biệt trong tổ chức cuộc sống, trong sinh hoạt hàng ngày, trong giáo dục và hình thành những phẩm chất đạo đức của con người.

Từ xa xưa, đất Nghệ là đất học nên tư tưởng Nho giáo ăn sâu trong nề nếp sinh hoạt gia đình. Biểu hiện rõ nhất ở đây là gia huấn, gia đạo, gia phong được duy trì nghiêm ngặt, các thành viên hiểu rõ vai trò của mình và tự giác thực hiện. Đó là ông bà, cha mẹ phải gương mẫu, giàu đức hi sinh; Con cháu phải ngoan hiền, hiếu thảo, vâng lời cha mẹ, ông bà. Đây chính là những giá trị quý báu mà người Nghệ luôn luôn bảo tồn và phát huy trong gia đình truyền thông của mình. Trong nề nếp như vậy, người chủ gia đình thường có tính gia trưởng.

Cần phải nói thêm thế này: Ngày nay tính gia trưởng bị phê phán và dần dần bị loại bỏ; song, trong tiến trình lịch sử hàng trăm năm, tính gia trưởng của người chủ gia đình ở xứ Nghệ cũng đã tạo nên những giá trị đạo đức, văn hóa rất lớn. Hầu hết các ông chủ gia đình người Nghệ đều sùng bái chuyện học hành nên những gì liên quan đến học hành là ưu tiên số một. Vào những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước - khi chuyện đỗ đại học đang rất khó khăn thì chuyện bán nhà cho con ra Hà Nội ôn thi đại học không phải là chuyện hiếm. Nghèo mà học giỏi luôn được xem là một niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Chuyện học giỏi, đỗ đạt cao tạo điều kiện cho người Nghệ công tác và lập nghiệp ở nhiều vùng miền khác nhau. Điều này cho phép họ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, tạo nên tên tuổi, sự nghiệp và có điều kiện giúp đỡ gia đình ở quê khi cần thiết.

Năm 1985, một cơn bão lớn quét qua Nghệ An, ở thành phố Vinh có rất nhiều nhà bị đổ; trong đó có nhà của một đôi vợ chồng nghèo và đã cao tuổi, họ có 10 người con thì cả 10 tốt nghiệp và đang học đại học. Trong khi các nhà khác đã được dựng lại thì nhà của đôi vợ chồng già này nguyên trạng. Nhưng hơn một tuần sau, cả 10 người con đều đồng loạt trở về và mang theo tiền, gạo, vải vóc... Chẳng mấy chốc, ngôi nhà của đôi vợ chồng già được xây dựng khang trang khiến hàng xóm, láng giềng tròn mắt khâm phục.

Chuyện này được xem là một chuyện điển hình trong giáo dục truyền thống gia đình; nó thể hiện được ý nghĩa, sức mạnh của việc học hành, đoàn kết, yêu thương gắn bó trong cuộc sống của người Nghệ.

 

Gia đình đang trong quá trình biến đổi mạnh mẽ

Gia đình của người Việt nói chung, gia đình của người Nghệ nói riêng đang biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của thời đại. Sự biến đổi này mạnh mẽ đến nỗi những  đặc trưng cơ bản của gia đình mà trước đây chúng ta công nhận đã trở nên lạc hậu hoàn toàn. Cụ thể, quan niệm gia đình là một nhóm xã hội phải có từ 2 người trở lên đã không còn phù hợp với thực tế nữa, bởi vì hiện nay có rất nhiều người chọn lối sống độc thân; Việc cho rằng, quan hệ trong gia đình phải là quan hệ ruột thịt huyết thống cũng không còn đúng nữa, bởi vì nhiều đôi vợ chồng không có khả năng sinh con, họ nhận và nuôi con nuôi; Việc khẳng định trong gia đình phải có giới tính (nam, nữ) cũng sai vì hiện nay nhiều nước đã công nhận hôn nhân đồng tính; Cho rằng, các thành viên trong gia đình phải gắn bó với nhau về đặc điểm tâm sinh lý – cũng không đúng  vì “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”; Cách nghĩ, gia đình phải có ngân sách chung cũng đã lỗi thời vì nhiều gia đình mỗi người có tài khoản riêng;  Việc cho rằng, gia đình phải sống chung một nhà cũng sai nốt - hiện nay, những người trong một gia đình có thể sống ở hai, ba nơi khác nhau.

Bố hướng dẫn con gái gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh An Thư

Những thay đổi trên kéo theo việc các loại hình gia đình cũng biến động. Theo chúng tôi, hiện nay ở Việt Nam có 9 loại hình gia đình khác nhau. Sở dĩ có nhiều loại hình như vậy vì có 2 lý do:1. Trên thực tế, cuộc sống của con người có nhiều biến động, trở nên phong phú đa dạng hơn rất nhiều so với trước đây, nhất là trong việc tổ chức sinh hoạt hàng ngày; 2. Quan niệm về sự phát triển và hình thành của gia đình trở nên rộng mở hơn, cụ thể và chặt chẽ hơn.

Cách phân chia này dựa trên tình hình thực tế, tôn trọng quyền con người của từng cá nhân, đánh giá đúng những đóng góp của họ vào sự phát triển của cộng đồng. Dù đã phân chia thành 9 loại hình gia đình nhưng có thể chưa bao quát hết, chưa chỉ rõ các đặc điểm được của các loại hình gia đình vì hiện nay sự biến đổi diễn ra rất nhanh, rất mạnh. 9 loại hình gia đình cụ thể như sau: 1.Gia đình hạt nhân:  Các thành viên bao gồm vợ chồng và các con; 2. Gia đình ba, bốn thế hệ: Các thành viên bao gồm vợ chồng, con, cháu, ông bà; 3. Gia đình không đầy đủ: Các thành viên bao gồm mẹ, hoặc bố và các con; 4. Gia đình hỗn hợp: Các thành viên bao gồm bố mẹ, con riêng, con chung; 5. Gia đình cách biệt thế hệ: Thành viên gồm ông, bà, cháu; 6. Gia đình liền thế hệ: Thành viên bao gồm anh em; 7. Gia đình chỉ có hai người: Các thành viên gồm vợ và chồng; 8. Gia đình độc thân - chỉ có 1 thành viên; 9. Gia đình có yếu tố nước ngoài.

Nhìn vào cách phân chia gia đình ra 9 loại hình khác nhau, chắc không ít người băn khoăn. Chúng ta thường chỉ mong muốn có những loại hình gia đình hạt nhân, gia đình 3, 4 thế hệ chứ không mong có những loại gia đình khác nữa. Song, cuộc sống vốn phong phú, đa dạng, phức tạp hơn rất nhiều so với mong muốn của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải biết được sự tồn tại và phát triển của tất cả các loại hình gia đình để có các phương án ứng xử phù hợp. Phải công nhận một nhận định gần như đã thành nguyên lý: Cái gì hợp lý sẽ tồn tại và cái gì đã tồn tại là hợp lý. Trong 9 loại hình gia đình, có những loại hình có vẻ khá “lạ” những chúng đã, đang tồn tại và phát triển trong xã hội của chúng ta.

 

Xây dựng văn hóa, lối sống lành mạnh trong điều kiện hiện nay

Cần nhắc lại và khẳng định điều này: Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội; đồng thời, cũng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; Gia đình Việt được hình thành và phát triểnhàng ngàn năm với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp đã, đang và sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng văn hóa, lối sống lành mạnh của người Việt Nam.

Khi tiến hành đổi mới, thu được những thành tựu kinh tế đầu tiên và bước vào hội nhập, Đảng ta đã lường trước được những cơ hội và thách thức đang chờ đón chúng ta. Do đó, để bảo đảm sự phát triển bền vững, cần phát huy sức mạnh của văn hóa (Nhiều học giả cho rằng, Việt Nam giữ được độc lập, tự chủ trong hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử là do có nền văn hóa đầy bản sắc riêng). Để bảo tồn và phát huy sức mạnh văn hóa, tinh thần thì phải dựa vào gia đình.

Điều đáng mừng là chúng ta đã xây dựng được Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nó rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. Bộ tiêu chí này được xây dựng khá khoa học, rõ ràng, dễ hiểu, vừa đáp ứng được đòi hỏi của thời đại hội nhập, vừa thể hiện được những giá trị truyền thống.

Trước hết, những tiêu chí ứng xử chung đã được xác định. Đó là:1.Tôn trọng: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau; 2. Bình đẳng: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình; 3. Yêu thương: Có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau; 4. Chia sẻ: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn.

Sau đó là những tiêu chí ứng xử cơ bản trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.  Giữa vợ và chồng là hai phẩm chất: Chung thủy, Nghĩa tình; Giữa cha mẹ với con,ông bà với các cháu là hai phẩm chất: Gương mẫu, Yêu thương; Giữa con với cha mẹ,cháu với ông bà là hai phẩm chất: Hiếu thảo, Lễ phép; Giữa anh, chị, em là hai phẩm chất: Hòa thuận, Chia sẻ.

Tiêu chí ứng xử giữa vợ chồng tỏ ra thiết thực và được vận dụng nhiều nhất vì đây là mối quan hệ bản lề trong gia đình. Nếu cả người vợ lẫn người chồng đều trân trọng chung thủy, nghĩa tình thì gia đình sẽ hạnh phúc và bền vững. Đây chính là nền tảng của một quốc gia thịnh vượng.

Khi nghiên cứu và khám phá những thành công của các quốc gia được xem là “Rồng châu Á”, các học giả đã chỉ ra bí quyết: Các quốc gia này vừa đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, vừa trân trọng, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, đặc biệt coi trọng những phẩm chất đạo đức được hình thành, lưu giữ và củng cố trong gia đình. Họ cũng chỉ ra rằng, châu Á là nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hệ tư tưởng Nho giáo, nhưng để phát triển và vươn tới văn minh, những người châu Á đã biết loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu; phát huy những yếu tố tích cực trong việc phát triển nhân cách của Nho giáo. Chính điều này đã giúp “Rồng châu Á” phát triển nhanh, bền vững, ổn định.

Xứ Nghệ được xem là “đất học” nên tư tưởng Nho giáo ở đây đã từng phát triển mạnh và ngấm sâu trong cách nghĩ, cách cảm, cách ứng xử của người dân. Chắc chăn Nghệ An cũng quan tâm đến kinh nghiệm của những quốc gia châu Á đã thành “Rồng”, thành “Hổ”. Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng đang khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội. Trong tiến trình này, cần đặc biệt chú ý tới việc xây dựng văn hóa, lối sống, những chuẩn mực về đạo đức, nhân cách trong gia đình.

                                                                    

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511629

Hôm nay

2292

Hôm qua

2336

Tuần này

22003

Tháng này

218502

Tháng qua

121356

Tất cả

114511629