Văn hóa và đời sống
Để trở thành người tài phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc hiệu quả cao nhất, tốt nhất
Muốn trở thành người tài, có nhiều con đường và biện pháp khác nhau, nhưng vẫn có những điểm chung. Cá nhân học tập, làm theo những lời dạy và tấm gương của Bác, cùng với một bộ máy tốt, cơ chế khoa học, cơ bản nhất là nền dân chủ, và những người đứng đầu chính quyền, cấp ủy các cấp tử tế, sẽ có cơ hội trở thành người tài. Bài viết chỉ bàn vế thứ nhất về việc học tập, rèn luyện của mỗi cá nhân.
Để trở thành người tài phải trui rèn những điều sau đây
Trước hết và xuyên suốt, người tài phải là những người chỉ có một tấm lòng vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào, vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Có người (có thể) sẽ không đồng tình với quan điểm này. Không sao! Đây chỉ là một khía cạnh, khía cạnh trước hết và xuyên suốt. Nhưng nó là gốc, nền tảng, là linh hồn của người tài. Chuyên môn giỏi mà không có đức thì như cái xác không hồn.
Tài không phải để khoe mẽ, để “ta đây”, giống như “cua cậy càng, cá cậy vây”. Nếu như vậy, “tài” rất dễ đi liền với chữ “tai” một vần. Trong thời đại của cuộc cách mạng khoa học và công nghiệp, có xu hướng nhấn mạnh 4.0. Đúng thôi! Nhưng đừng xem nhẹ vế sau, 4.0 “để làm gì”? Tại sao có tướng lĩnh giỏi công nghệ, lãnh đạo chống tội phạm công nghệ cao lại trở thành tội phạm, có tội với nước, với dân? Vì không trả lời được vế sau hoặc trả lời nhưng theo một hướng khác: vì tôi, vì danh lợi cá nhân.
Có tấm lòng vì nước, vì dân, sẽ đi tới chỗ chí công vô tư. Có chí công vô tư thì lòng dạ mới trong trẻo, đầu óc mới sáng suốt, cái tâm mới chính, để học tập, tu dưỡng, chăm làm những việc ích nước lợi dân. Trong quá trình đó có thể trở thành người tài. Ngược lại, người có tài - ví dụ giỏi công nghiệp 4.0 - nhưng cái tâm không chính, thì cái tài đó sớm hay muộn sẽ bị dùng vào những việc xấu xa, gây tác hại không lường được cho cách mạng, phá hoại đất nước, hủy hoại dân tộc. Có tài mà không chí công vô tư thì cái tài đó thành công cụ của cái bậy, cái ác.
Cả cuộc đời, từ lúc ra nước ngoài với khát vọng, hoài bão cứu nước, cứu dân đến tận cuối đời, Bác Hồ dạy và nêu tấm gương chí công vô tư, phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân, không dính líu gì tới vòng danh lợi. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt đó làm Bác trở thành người tài. Thời Bác và nay đều phải luôn luôn như vậy.
Hai là, người tài phải có hiểu biết và luôn luôn có tư duy phản biện. Người mà nghe ai nói gì cũng “Ô kê!”, cứ ghi vào sổ mà không hiểu; đọc tài liệu gì cũng không có ý thức và tinh thần phản biện, “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi” như Bác nhiều lần phê bình, thậm chí “theo gió bẻ buồm”, không có khí khái, không có chính kiến, ba phải, điều hòa, thì không thể gọi là người tài. Người mà lúc thì phạm chủ nghĩa giáo điều, lúc thì phạm chủ nghĩa xét lại cũng không thể là người tài. Người mà không thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, không bổ sung lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động, không thể coi là người tài. Người học lý luận Mác - Lênin không nắm chắc tinh thần, lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng vào giải quyết tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta, mà học thuộc lòng các luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin để trang trí, để lòe thiên hạ, thì không thể trở thành người tài. Học lý luận Mác-Lênin mà không khiêm tốn, thật thà, đào sâu, suy nghĩ, liên hệ lý luận với thực tế, lại kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn thì không những không bao giờ trở thành người tài mà còn là kẻ thù số một của học tập.
Không có một lý luận nào là kinh thánh cả. Lý luận cách mạng không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam, chỉ phương hướng cho hành động cách mạng. “Chủ nghĩa Mác-Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.120).
Bác Hồ dạy như thế. Bác dạy rằng “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.88-89).
Đặt câu hỏi “vì sao?” xem có thật đúng lý không, thể hiện duy phản biện khoa học. Một cách tiếp cận khác, người tài cần có sự hoài nghi, tuyệt đối không nhắm mắt tin một cách xuôi chiều. Phải xét rõ hoàn cảnh thực tế để tìm đáp án đúng, câu trả lời chính xác. Chỉ duy nhất Bác Hồ đặt vấn đề bàn luận dân chủ và khuyên cán bộ cãi. Tổ chức lấy ý kiến về việc làm và xuất bản sách “người tốt việc tốt”, Người nói muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi. Không nên Bác nói gì, các chú cũng cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ.
Cả cuộc đời Hồ Chí Minh tỏ rõ điều này. Trước lúc ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Người biết đến và vô cùng khâm phục những con người và hành động đầy nghĩa khí của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám. Người cũng biết đến một nước Nhật Bản đang lên, có sức thu hút manh mẽ nhiều thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ. Phan Bội Châu muốn đưa Người sang Nhật. Khâm phục các bậc cha chú nhưng Người không “Đông du”. Người tự quyết định con đường nên đi cho mình.
Bác Hồ cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Hoàn và Hoàng Văn Diện -- Thường vụ Khu ủy Khu IV đến dự cuộc mít tinh của Đại biểu cán bộ, đảng viên và đoàn thanh niên các cơ quan
Liên khu IV và tỉnh Nghệ An trong dịp Người về thăm quê hương lần thứ nhất, 6/1957. Ảnh tư liệu
Ngày trạc 13 tuổi, ngồi trong lớp học Pháp - Việt, Người biết đến khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” từ nền chính trị nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, một cuộc đại cách mạng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của nhân loại. Nhưng Người hoài nghi và quyết định đi sang nước Pháp tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau các khẩu hiệu ấy. Trên đường sang nước Pháp và các nước phương Tây, với Tất Thành tất cả đều mới lạ; tất cả đều đem lại cho anh những suy nghĩ mới, những hoài nghi và câu hỏi “vì sao?”. Tất Thành nói với các bạn rằng “cũng có những người Pháp tốt!”; “Ở pháp, cũng có người nghèo khổ như bên ta!”. “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta? “Người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương”, v.v...
Không phải chỉ hoài nghi nền văn minh Pháp và khẳng định cách mạng Pháp và Mỹ là những cuộc cách mạng không đến nơi. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người vẫn luôn luôn suy nghĩ hợp với thực tế Việt Nam thuộc địa, không bao giờ một mực bắt chước làm theo một cách xuôi chiều. Người nói “nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”. Khẳng định “học chủ nghĩa Mác-Lênin không phải nhắc như con vẹt “Vô sản thế giới liên hợp lại!”, mà phải thống nhất chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người khẳng định “chủ nghĩa Mác - Lênin không phải ở đâu người ta cũng làm cộng sản, cũng làm Xôviết” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.369). Điểu này đã được thực hiện ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công với việc thiết lập chính phủ dân chủ cộng hòa. Chính phủ dân chủ cộng hòa thì không phải là công nông liên hiệp theo kiểu chính quyền Xôviết mà là toàn thể nhân dân liên hợp.
Ba là, người tài phải có dũng khí và bản lĩnh phê phán những cái không hợp thời, hợp thực tế, không đúng lý, những gì chướng tai gai mắt, những kiểu ăn theo nói leo. Tính phát hiện và phê phán là những đức tính cần có của người tài. Người tài không thể nói dựa, nói theo, phát biểu có tính chất gom các ý kiến thành “phát ngôn ấn tượng” nhưng rỗng. Người tài càng không thể ngậm miệng ăn tiền, dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười. Người tài không bao giờ “đi” bằng đầu gối mà phải “đi” bằng óc, tim.
Trong một xã hội thiếu dân chủ hay dân chủ hình thức, dân chủ trang trí, dân chủ nửa vời, một xã hội chưa phát triển, thì người tài rất dễ bị diệt hoặc xếp cuối bảng, thậm chí không được đếm xỉa đến. Không phải ngẫu nhiên mà khi triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta đau xót nhắc lại ca dao, hò vè của nhân dân về công tác cán bộ: “Thứ nhất là quan hệ, thứ nhì là tiền tệ, thứ ba là hậu duệ, thứ tư là trí tuệ”. Ông đặt câu hỏi: “Nó là cái gì?”.
Trở lại những lời dạy và tấm gương của Bác. Ngay sau khi tin theo Lênin (năm 1920), 30 tuổi đời, một tuổi đảng, Người đã lao vào các cuộc chiến đấu, hăng hái bàn cãi, tiến công mạnh mẽ những kẻ chống lại Lênin và Quốc tế thứ ba. Người công khai đứng về phía đa số trong Đại hội Đảng Xã hội Pháp, bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba. Tại các chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, Người nêu câu hỏi: “Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các đồng chí không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, thì các đồng chí làm thứ cách mạng gì?” Người phát biểu một cách mạnh bạo rằng sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có cảm tưởng các đồng chí muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Trên diễn đàn Quốc tế Cộng sản, Người lấy làm tiếc phải nói rằng Đảng Cộng Pháp chúng tôi làm rất và rất ít cho các thuộc địa. Người phê bình các Đảng Cộng sản Anh, Hà Lan, Bỉ và các đảng cộng sản mà có giai cấp tư sản chiếm thuộc địa, mặc dù chấp nhận bản luận cương của Lênin nhưng hầu như chưa làm gì cả. Người đề nghị Quốc tế Cộng sản thứ lỗi cho sự mạnh bạo của mình.
Dũng khí và bản lĩnh phê phán cái sai là tố chất của người tài. Biểu hiện ngược lại theo kiểu xu nịnh a dua, xoa tay, gật đầu, cúi đầu, “đi nặng về nặng”, “đi nhẹ, nói khẽ, hay cười, chuyện đâu để đó” là những kẻ có tội với dân, với nước, chứ chưa nói gì là người tài.
Bốn là, người tài là những người biết tin dân, hiểu dân, gần dân, học dân, hỏi dân, bàn bạc với dân, dám tự phê bình, nhận trách nhiệm trước dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Đây là một chân lý giản đơn, dễ hiểu, vì dân rất tốt. Họ trăm tai nghìn mắt, thông minh, trí tuệ, sáng tạo, kinh nghiệm, sáng kiến, cái gì cũng nghe, cũng thấy. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Họ biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra.
Bác Hồ là con người sinh ra từ nhân dân, sống, làm việc, hoạt động giữa lòng dân, cuối đời lại muốn về với nhân dân, làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ chăn trâu. Người từng nói không có nhân dân thì không có Bác. Người coi nhân dân, lịch sử và thực tiễn là những người thầy vĩ đại. Người dạy rằng chúng ta không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình chưa đủ để thành người tài và sự lãnh đạo đúng đắn. Muốn trở thành người tài, hay người lãnh đạo đúng phải dùng kinh nghiệm của nhân dân để thêm cho kinh nghiệm của mình. Phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của đảng viên thường, của nhân dân, của những người “không quan trọng”. Một người không có tố chất dân, không bao giờ trở thành người tài đúng nghĩa, càng không bao giờ trở thành người lãnh đạo chân chính.
Có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cho nhân dân là những người không quan trọng, không hiểu biết chính trị, lý luận cao xa như mình; “dân ngu khu đen”. Đúng là hồ đồ, tầm bậy. Họ nghĩ vậy nên không bao giờ trở thành người tài, người lãnh đạo đúng đắn, chân chính.
Lời tạm kết
Như đã nói trên, Bác Hồ tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và trở thành huyền thoại ngay khi còn sống; một nhân vật đặc biệt, kỳ lạ của thời đại này. Khi đã thành con người hoàn chỉnh với đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, đạo đức của Khổng Tử, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lênin, hình ảnh của con người tương lai, Bác lại trọng dụng người tài. Bài viết chỉ dừng ở phần đầu, tức là để trở thành người tài thì phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện, làm theo lời dạy và tấm gương của Bác như thế nào. Xin được nhắc lại và nhấn mạnh, duy chỉ có Bác mới có bản lĩnh, niềm tin khuyến khích, động viên cán bộ cãi Bác, bàn luận dân chủ với Bác, đọc tài liệu phải đặt câu hỏi “vì sao?”, xem nó có thật là đúng lý không, có hợp với thực tế không, tuyệt đối không nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Nói theo ngôn ngữ bình dân, hay đặt trong ngoặc, thì đó là những lời khuyên “làm ngược”, đi “đường ngược chiều”, dám và biết “hoài nghi”. Phải có những “trải nghiệm” như thế mới có thể trở thành người tài. Còn Bác sử dụng người tài như thế nào, hẹn bạn đọc dịp khác.
Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh lại một điểm. Xét đến cùng, để thành người tài, cần có hai điều căn cốt: Một là, sự trui rèn của bản thân theo gương Bác Hồ vĩ đại như bài viết đã trình bày; Hai là, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải là những người tử tế, có tư cách chân chính. Cùng với nhân cách văn hóa của người đứng đầu, phải tạo dựng, đắp bồi một nền dân chủ thật sự và cơ chế, bộ máy khoa học. Không có điều thứ hai, để trở thành người tốt, người tài rất khó, thậm chí không bao giờ. Nhưng không có điều thứ nhất thì trăm phần trăm là không bao giờ trở thành người tài.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511627
2290
2336
22001
218500
121356
114511627