Góc nhìn văn hóa

Giáng Vân, những đóa sen của nàng rừng rực đỏ

Nhà thơ Giáng Vân. nguồn ảnh thivien.net

Giáng Vân là một trong những tiếng nói quan trọng của thơ Việt thời hậu chiến, với một ngôn ngữ nhiều hình ảnh, trong những câu thơ trữ tình hàm chứa ý thức xã hội. Được chiếu sáng bởi suy nghĩ lý tính, tứ thơ của chị mạnh mẽ, sắc sảo, đầy tính phản biện, thông minh. Phía sau một phong cách có phần lãng mạn, là một tình cảm sâu sắc, sự quả quyết đầy nữ tính, sự phẫn nộ xã hội, sự tỉnh thức.

Không thể nhìn thấy

Không thể nghe thấy

Những đứa con đang kêu cứu

Không ai cứu con của chúng ta

Và ta chìm xuống

Chìm xuống sớm mai này

Một sớm mai không còn mặt trời

Chúng ta - Những kẻ chưa chết nhưng không còn sống

Không thở, không thể cả vật vã

Kiếp này sang kiếp khác

Đớn hèn,

Tội lỗi,

Nhục nhã

Ăn và uống

Và đói và khát…

Thời gian và không gian trong thơ kết hợp với nhau thành một thứ không thời gian. Không thời gian không phải chỉ là một phép tu từ mà là một cảm hứng, sự vận động của hình ảnh. Có một liên hệ giữa không thời gian và ý niệm tự do trong thơ Giáng Vân. Trong một xã hội bị kiểm soát, ngay những trí thức dũng cảm cũng khó cất lời: bức hại tự do là bức hại lớn nhất đối với giá trị con người. Tuy vậy chính chúng ta đôi khi cũng sợ hãi tự do, sợ hãi được trở thành chính mình, vì tự do là chấp nhận hiểm nguy, một số phận không thể đoán định trước, những nhầm lẫn có thể xảy ra. Tin tức về chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, tội ác, muốn làm bạn suy sụp tinh thần. Trong khi đó, cuộc đời chuyển động theo cách riêng của nó, thản nhiên: trẻ con sinh ra trong tiếng khóc hạnh phúc của người mẹ, đám cưới diễn ra hằng ngày nơi cô dâu bước trên cỏ về phía người đàn ông, ngập ngừng hay mạnh mẽ.

Lòng nhớ nắng và nhớ gió
Nhớ đường làng tháng ba đưa hương bưởi
Hoa xoan ngát trời như mơ
Có một tuổi thơ của ta
Chân người ngập ngừng ngoài ngõ
Mắt người đa tình
Chiều bỗng gió
Câu hát lửng lơ, ơi câu hát lửng lơ

Tôi thích đọc những bài thơ trong đó nhân vật là tác giả. Bài thơ của Giáng Vân bắt nguồn từ ý thơ khá cổ điển nhưng chị làm mới cấu trúc bài thơ ấy. Đó là nỗi nhớ riêng tư về những đề tài không xa lạ: mùa Xuân, mùa Thu, tình yêu. Chính quyền lực của nhạc điệu, nỗi sầu muộn choáng váng, làm người đọc trở lại với thơ chị. Nhưng thơ là một ngôn ngữ chính xác. Trong bài, mỗi chữ đều có một ý nghĩa riêng. Đó là những chữ được tác giả chọn để mang một hình ảnh hay ý tưởng. Đôi khi người làm thơ phải chờ đợi, họ lặn sâu xuống đời sống bên trong của sự vật, cho đến khi tìm thấy một chữ, một chi tiết. Chi tiết ấy phải cụ thể, riêng tư. Riêng tư với nghĩa là đã xảy ra trong một hoàn cảnh, nhưng có thể tiêu biểu cho trường hợp khác. Cho cái khả thể. Chỉ có sự rung cảm chân thực mới làm được điều này: độc đáo mà chia sẻ. Có lẽ đó là công việc quan trọng nhất của thơ, nhưng tôi không chắc mọi nhà thơ hiện nay đều ý thức về điều đó.

Mang mang

Những ký ức buồn

Những mảnh vụn đã không thể chắp lại

ĐẸP đã vỡ, đã khóc, đã bay hơi

Than khóc là một hình thức của ca tụng. Thơ Giáng Vân nói nhiều về cái đẹp. Chị nói một cách mới mẻ. Trong thơ, mới tức là sự tưởng tượng mới, tức là một hiện thực mới trước đó chưa từng có.

Một thiên nhiên mới. Tìnhyêu thiên nhiên trong thơ chị không phải là sự trang trí mà là một phần của cấu trúc bài thơ. Thiên nhiên ấy thể hiện trong những hình ảnh khá chọn lọc, tươi tắn, bâng khuâng, được làm mới với những liên kết sâu xa giữa các ý tưởng, không phải chỉ là giữa các chữ, sự liên kết giữa thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài, không phải chỉ là ở các chi tiết.

Nhưng trong vô vàn thời khắc

Luân chuyển những vẻ đẹp nàng đuổi theo không sao bắt kịp

Nàng vẽ hay nàng tuyệt vọng

Hay nàng phiêu du đã quá xa không sao trở về

Trong ánh sáng huyền bí của những đóa hoa, mà không chỉ là hoa, cả thân cành, rễ, lá

Có một thứ âm nhạc ngầm xuyên suốt các câu thơ tự do không đều, một thứ nhạc điệu bên dưới các chữ, liên kết chúng với nhau và với tiếng nói vô thức của tác giả. Các bài thơ của chị có một hình ảnh trung tâm, nhiều người gọi là tứ thơ, giản dị nguyên sơ như mối tình đầu, hoang dại, dữ dội. Chị là một trong những người chịu ảnh hưởng của khuynh hướng hậu lãng mạn; một nỗi buồn ngấm ngầm đằng sau vẻ đẹp mùa màng, một nỗi thương nhớ không nguôi đối với cái cao quý đã mất, trật tự nguyên thủy ngày nay không còn ai biết. Một lý tưởng.

Sen

Tháng Mười

Trên đầm chỉ còn những cọng sen khô

Đen thẫm dưới trăng

 

Nhưng trong vô vàn thời khắc

Luân chuyển những vẻ đẹp nàng đuổi theo không sao bắt kịp

Nàng vẽ hay nàng tuyệt vọng

Hay nàng phiêu du đã quá xa không sao trở về

Trong ánh sáng huyền bí của những đóa hoa, mà không chỉ là hoa, cả thân cành, rễ, lá

Và nàng cất lên bài hát của những phù thủy

Để những đóa hoa, không chỉ hoa, cả thân cành rễ lá

Cùng nhảy múa

Những điệu múa của thần linh

Đêm trăng này sao quá đẹp

Vẻ đẹp này sao vĩnh cửu

Màu xám bạc  trộn từ màu của đêm và trăng, từ niềm thương đau phong kín

Ô những bài hát bi thương ta chưa từng nghe thấy

 

Nhưng nàng không phải là phù thủy, nàng là một đàn bà,

Những đóa sen của nàng rừng rực đỏ

Những đóa sen của nàng xanh thẳm xanh

Những đóa sen của nàng tan chảy

Và rụng xuống

Như những sớm mai

Trơ lại cuộng sen gẫy gục

 

Trong những tấm toan của nàng

Miên man không dứt

Những nốt nhạc lặng im

Rùng rùng những cọng sen vươn lên trời

Ô, những cọng sen lớn mạnh như một rừng cổ thụ

Của những thân cành đã chết hôm qua

Vì sao chết

Và vì sao sống dậy?

 

Ngút ngàn sen và ngút ngàn trăng…

(Tặng họa sĩ Lan Hương)

Lâu lắm mới thấy chữ nàng. Tôi tưởng chữ này đã biến mất. Thơ Giáng Vân điềm đạm, ít chữ, nhưng không kém phần diễm lệ. Bài thơ bắt đầu bằng câu đơn giản và nhanh chóng chuyển thành hình ảnh. Phép ẩn dụ đưa bài thơ về hướng xúc cảm; trong những câu thơ kế tiếp, mạch suy tưởng lại mở, giữa khoảng cách của hai câu thơ là những gián đoạn, im lặng, tạo ra sức mạnh liên tưởng. Bài thơ trở thành sự kết nối thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài. Hình ảnh chuyển động về hai hướng: mùa sen lớn mạnh trong câu chuyện hạnh phúc; và mùa sen tàn.

Các chiều của thời gian

Đi ngược nhau

Quá khứ tôi là tương lai kẻ khác

Mùa đã chết trở mình trong những cơ thể khác

Thơ như gió ngang trời...

Trong ngôn ngữ, có một tương tác không ngừng giữa trật tự và hỗn loạn, khi sự tương tác ấy đặt đến mức cân bằng, bài thơ xuất hiện. Nói cách khác, khi thi sĩ đứng vào ngưỡng cửa giữa đời sống bên ngoài và đời sống bên trong, giữa sự tầm thường và thanh cao, thơ là hiện tại. Chúng ta sống giây phút này, nhưng giây phút này cũng không có nghĩa, nó chỉ có nghĩa khi mang theo quá khứ và dự phóng. Tất nhiên có nhiều đời sống tốt đẹp hơn đời sống khác, nhiều số phận may mắn hơn số phận khác, nhưng bạn phải sống số phận của mình. Bạn phải hạnh phúc với chính số phận ấy. Giáng Vân tạo ra được một thế giới của chị, những kết hợp chữ mới, cô đọng, kéo dài, phối hợp lại, làm cho chữ trở nên linh động. Mặc dù thơ chị không phải là thơ ngôn ngữ, ở chị cũng có ý định  tìm kiếm những chữ sáng tạo, đẹp, mới. Muốn làm ngôn ngữ trở nên mới thì trước hết phải làm mới tình cảm và kiến thức. Thơ không phải chỉ là những liên kết ký hiệu máy móc, không phải chỉ là các biện pháp tu từ, ngắt câu, xuống dòng, thơ còn là, và chính ra là, cảm xúc và suy tưởng.

Không cất được tảng đá

Nó ở đấy

Trên ngực

Thường trực, từng giây

Trong thơ tự do, nhà thơ không có khuôn phép vần điệu nào để theo đuổi, nhưng vì vậy mà sự kết hợp của chữ là một đòi hỏi khó khăn. Đọc bài thơ tự do có thể mất nhiều thời gian hơn một bài thơ có vần vì ở đó có những khoảng im lặng, sự chuẩn bị vô thức. Trong quan niệm của nhiều người viết hôm nay, thơ không nhất thiết phải được hiểu rõ, và trong bài thơ có nhiều khoảng tối. Nhà thơ chỉ là người ra hiệu, người đọc đi theo sự hướng dẫn, họ phải đi một đoạn trước khi tự mình tìm lối đi riêng. Một bài thơ thành công tạo ra những không gian rộng rãi cho các ý nghĩa diễn dịch, sự vận động tâm trí của người đọc.

Để tuyệt giao với nhơ bẩn

Chúng ta chỉ có một nỗi buồn rất nặng

Để thanh lọc

Thơ Giáng Vân không giản dị, nhưng nếu thơ ấy khó đọc, thì đó không phải là sự cố ý mà vì cuộc đời vốn khó hiểu hơn chúng ta tưởng. Người đàn bà đắm mình trong tình yêu thơ mộng, đôi khi điên rồ, nhưng nhân vật ấy cũng có khả năng ngoái nhìn trở lại, với cái nhìn thấu suốt, cảm thông mà nghiêm khắc, đắng cay mà hy vọng. Thân xác trong thơ phụ nữ là một đề tài khác, nhưng thật ra cũng là một phần hữu cơ của tình yêu, là nơi hợp nhất giữa tình yêu và dục vọng, giữa những giấc mơ và hối hận, giữa nhu cầu trần tục và nghi lễ huy hoàng.

Một trăm cây rơm yên ngủ

Một trăm hơi thở khẽ

Rung động tâm hồn này

 

Hai mươi năm có lẻ

Tưởng gì mà quay về

Tính dũng cảm của một nhà thơ làm cho đề tài và các vật liệu của thơ ca trở nên phong phú, làm cho giọng điệu thay đổi. Lòng dũng cảm trong sáng tạo không nói về kết quả của nó, của tác phẩm, ví dụ sau khi xuất bản một cuốn sách, ảnh hưởng của nó ra sao, tác giả có bị liên lụy gì không, mà nói về mối quan hệ giữa nhà thơ và người đọc, giữa nhà thơ và đối tượng miêu tả.

Thơ ơi

Người có thể giúp người ta sống lại?

Không, nhưng tôi có thể làm sống lại những linh hồn đã chết!

 

Bọn tàn độc, tham lam người có làm gì được họ?

Bạn hỡi, tôi chỉ có làn nước tinh khôi

Đòi hỏi sự tuyệt đối là một trong những cá tính của nghệ sĩ, ở một số người cá tính ấy rất mạnh.Tính tuyệt đối thể hiện ở chỗ yêu thích cái đẹp đến tận cùng, không chấp nhận kìm hãm hay thỏa hiệp. Có một sự khác nhau giữa tính yêu cầu cao trong sáng tạo và sự buông lơi ở Giáng Vân. Tính chất thế sự, thời sự trong thơ chị ít rõ ràng nhưng vẫn bàng bạc. Những bài thơ của chị rung lên vì xúc động của con người, lòng thương xót trước nghịch cảnh. Tính xúc động đầy sức mạnh của chúng làm ta dừng lại, bối rối.

Và tôi mơ
Tôi mơ
Ngay sau ô cửa sổ bé xíu
Một chân trời màu lam sáng
Hiện lên một gương mặt thiếu nữ đẹp tới mức
Tôi không th
diễn tả
Thậm chí không thể tin nổi
Tôi dụi mắt. Mơ chăng?
Nhưng không
Mỗi một chớp mắt
Nàng đã mang một vẻ đẹp khác

Sự dừng lại gây ra áp lực ở người đọc, làm họ ngạc nhiên, bất an. Tâm trí của họ hoạt động mạnh ở những đoạn đứt gãy. Có một nhu cầu muốn được ghép lại những mảnh vỡ, nối kết. Có một sự cân bằng, đôi khi đạt được đôi khi không, giữa tiếng nói và im lặng trong thơ Giáng Vân. Thơ chị ngắn, tiến độ thường không gấp gáp như ở nhiều nhà thơ hiện nay, mà thong thả, trầm lặng. Đó không phải là một loại thơ tạo ra các bước ngoặt thách thức. Chị có ý thức về dấu phẩy và dấu chấm trong các câu thơ, sự ngắt đoạn, ngắt câu của chị được tính toán đúng lúc. Tuy vậy chị còn thiếu sự phóng khoáng, tính ngẫu hứng, gần với nổi loạn, trong việc buông các câu thơ xuống mặt giấy. Bài thơ tác động lên hạ ý thức, bên trong một bài thơ giống như một căn nhà có cấu trúc khác nhau. Chữ được dàn xếp sao cho cảm xúc và ý tưởng mang lại những liên kết có ý nghĩa nhất. Nếu các câu thơ quá dài, dồn dập, bài thơ cũng như một căn nhà chất đầy bàn ghế. Nếu một bài thơ rời rạc, các khoảng trống quá lớn, bài thơ biến thành các gợi ý, minh họa. Giáng Vân tránh được hai điều ấy trong môt số bài thơ, như bài sau đây.

Yên Tĩnh

Mặt trời trưa đã quá đỉnh đầu
Vách đá chắn ngang điều muốn nói
Em ru gì cho đá núi
Đá núi trụi trần vết tạc của thời gian

Em ru gì cho dòng sông
Dòng sông chẳng khi nào ngừng lặng
Sóng cuộn lên nỗi khát khao vô bờ
Sóng rất biết nơi mình đi và đến

Em ru gì cho anh
Mặt trời linh thiêng mặt trời giông tố
Đã mệt mỏi rồi đã bao nỗi âu lo
Trên gương mặt anh hằn lên nỗi khổ
Khiến câu hát cất lên bỗng tắt nửa chừng

Em yêu anh như yêu cuộc đời cực nhọc
Có tuổi thơ em buồn bã dịu dàng
Sáng lung linh vầng ánh sáng thiên thần
Niềm hạnh phúc muôn đời có thật

Xin đừng trách em nhiều
Cũng xin đừng day dứt
Cây lá có rơi nhiều xin đừng hỏi mùa Thu
Lặng nghe anh
Yên tĩnh - lời ru

Giọng điệu của bài thơ không phải là chủ đề, không phải là hoạt động. Đó thực ra là một hình thức của nội dung, sự nhận thức. Giọng điệu là một phong cách của tác giả, và trong từng trường hợp là phong cách của bài thơ. Bằng giọng điệu chúng ta nhận ra sự tiếp cận của bài thơ đối với thế giới, dịu dàng hay nghiêm khắc, can dự hay lãnh đạm, triết lý hoặc hài hước. Giọng điệu chính là ngôn ngữ của một bài thơ, một ngôn ngữ không lời. Chúng ta sống trong thời đại cởi mở hơn trước nhưng bộc lộ mình xưa nay vẫn khó, tự tha thứ càng khó. Cảm kích đối với số phận, bất kể số phận ấy nghiệt ngã ra sao, không phải là việc dễ dàng. Nhân vật của chị cố gắng sống trọn vẹn ý thức của mình, không phải là không kèm theo nhầm lẫn, nhưng sẽ vượt qua. Vì vậy mà nghệ thuật trở nên có giá trị, chúng chỉ đường cho lương tâm ở người đọc. Miễn là chúng ta không để cuộc sống làm nản lòng. Thời gian: cảm giác về sự trôi chảy không quay ngược lại là một trong những giọng điệu của Giáng Vân. Nhưng đó không phải là sự chán nản của Xuân Diệu trong thơ mới:

Em, em ơi, tình non sắp già rồi

Mà là giọng hiểu biết, tiếc nuối nhưng không giận hờn. Cảm giác ly biệt, tan vỡ, được vùi trong một cảm xúc lớn của tình yêu. Như vậy thời gian đối với Giáng Vân tuy vẫn là hoài niệm nhưng nhà thơ chấp nhận nó như cuộc đời hiện thực, một phần của nữ tính Đông phương. Nhờ nữ tính này, thơ chị có vị ấm áp chứ không lạnh lẽo, có suy tư mà không quá sắc bén, bên trong quyết liệt mà bên ngoài dung dị. Dòng chảy thời gian tạo ra nỗi cô đơn, đó chỉ là một khía cạnh. Không gian của Giáng Vân cũng chứa nỗi cô đơn ấy. Nó đến từ những giác quan sắc bén, tuy đẫm vị trần gian vẫn phảng phất siêu hình:

Không sở hữu điều gì

Tất cả những cảm xúc từng có thì đã đi qua, đã không còn nữa, đã lạ xa như không hề in dấu gì.

Trong mơ tôi hỏi người vì sao còn trở lại?

Không sở hữu điều gì

Nhẹ thênh như mây bay

Con gái ơi con có đời sống riêng của con

Có tình yêu con dành cho mẹ

Nhưng mẹ chỉ xem con như niềm hạnh phúc trời ban chứ mẹ không trói chặt con như cái cách nhiều bà mẹ khác vẫn làm.

Tình yêu cũng giống như đôi cánh của con tim, của tâm hồn, của cuộc đời ta

Mẹ cũng không dại gì nhốt hạnh phúc trong lồng để hoài công canh giữ.

Giáng Vân là sự tiếp nối, nhưng một cách riêng biệt, khác, đối với các nhà thơ nữ đi trước, ví dụ Nhã Ca, Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ý Nhi. Thơ tình Giáng Vân là sự thất bại của tình yêu. Phải đến một tuổi nào đó, khi tâm hồn đã chín, khi sức nghỉ, sức cảm đã đạt đến một chừng mực, con người mới đối diện các lỗi lầm trong tình yêu. Phải từ bỏ sự cưỡng lại các niềm tin đối kháng. Giáng Vân tự đánh giá lại con đường của mình, các cảm xúc và hy vọng của mình, những niềm hứng khởi và bước ngoặt, chịu trách nhiệm về mình. Bất chấp những nhầm lẫn của người khác có lớn đến đâu, điều chính yếu là bạn nhận ra khuôn mặt mình trong gương: một khuôn mặt vừa xinh đẹp vừa khiếm khuyết, chấp nhận nó, yêu lấy nó, mang nó đi. Chị có nhiều bài thơ khiến tôi ngạc nhiên thú vị, nhưng cũng có những bài rơi vào tình trạng ước lệ:

Và em quỳ trên cát mịn êm
Lòng thắt lại trước điều bí ẩn
Nghe vị biển trên môi mình mặn chát
Mong con thuyền đi xa nghe thương nhớ quay về

Hoặc rời rạc như văn xuôi:

Những chiếc lá mục rất dễ được dịnh giá

Thậm chí có thể trả giá cao

Bởi việc đó định được giá của người trả giá cho nó

Dù chiếc lá mục tôi chẳng đáng giá một xu

Nhiều người đã nói về cái mới và cái hay trong thơ. Trong giới phê bình, cái hay ngày càng ít được nói tới, nhường cho các bàn luận lý thuyết đôi khi có ích đôi khi giả tạo. Hai khái niệm này gần nhau, phụ thuộc vào nhau nhưng vẫn là hai khái niệm độc lập. Một bài thơ hay thì không được cũ quá, mặc dù có thể không mới lắm, một bài thơ mới thì không được dở quá, dù có thể không hay lắm. Bài thơ Sen, trên đây, là một bài thơ mới và hay.

Không thể lường được

Đường đi của gió

Không thể lường được

Những cơn bất thường của sông

Dù ngày mai sông cạn

Những bi kịch ẩn giấu dưới vẻ xinh tươi mùa Xuân, những hài kịch được che giấu sau chân dung hiền hòa. Thơ chính là các ẩn dụ, mà ẩn dụ là hóa trang. Tại sao tâm hồn gần với các ẩn dụ, tại sao chúng ta thích thú trước những so sánh, là câu hỏi tâm lý học khó trả lời. Sức mạnh của hình ảnh chính là vì chúng là tấm gương phản ảnh tâm hồn chúng ta, huyền thoại, những câu chuyện không bao giờ được kể lại, sự mờ đục của tình duyên, sự bôi xóa, tiếng gọi vô sở xứ. Những hình ảnh thấp thoáng như thế trong thơ Giáng Vân tạo ra mời gọi liên tục về một phía của tâm hồn.

Thơ ơi

Người sẽ đến cánh đồng cạn khô nhân tình này chứ?

Vâng, tôi sẽ tới đó, tới đó

Khuôn mặt tráng lệ của tình yêu ẩn sâu phía sau một thế giới ly biệt. Thơ Giáng Vân gây ra lòng trân trọng, cảm giác muốn đánh giá lại, đặt sự vật vào đúng chỗ, sắp xếp lại một đời sống từ bên trong, hoạch định. Trong những bài thành công, thơ chị hồi phục trí nhớ, sự toàn vẹn của đời sống, cội rễ của tình yêu, mùa hè với sen đỏ.

Tất cả chúng ta đã gắng gỏi biết bao

Để đi đến cái chết này

Trước khi đến được sớm mai

Bài thơ trữ tình không giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan, trả lời  câu hỏi thực tế. Thơ không tạo ra các sự kiện, không làm thay đổi dòng chảy thời gian. Ngôn ngữ đa nghĩa, nhưng ngôn ngữ thơ sở hữu một thứ quyền lực riêng. Các ý tưởng tinh tế, các hình ảnh sống động trong thơ giúp người đọc thoát khỏi định kiến, tình trạng nhận thức hẹp hòi, khuôn khổ, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội ao tù. Ở nơi mà có sự phân biệt trắng đen, phải trái, đúng sai, bạn và thù, cái ta và cái chúng nó, cái ta và cái khác, ngôn ngữ thơ có khả năng đi xuyên qua, kiến tạo lối thoát cho người mắc kẹt.

Ngạc nhiên

Tôi đứng ngắm nhìn

Từ trong trái tim sâu có nhiều phiền muộn

Này, phiền muộn người bạn trung thành của ta ơi

Con người kia có là ta không?

Con người kia so với ta có gì hơn không

Một đời sống không được thử thách, sẽ trở thành buồn chán, dừng lại. Một xã hội vắng tự do tạo nên những nô lệ mới, kẻ hoàn toàn sung sướng lặp lại chính họ, chống lại thay đổi. Một bài thơ thành công cất giữ ở đó những kinh nghiệm, kiến thức, cảm xúc không được bày tỏ bằng phương thức nào khác. Ngôn ngữ thơ không dừng lại ở một lớp ý nghĩa, bao giờ cũng vượt qua các định nghĩa, sự diễn dịch bằng một ngôn ngữ khác. Giáng Vân là tiếng nói khác, và cho đến bây giờ sau nhiều năm từ khi chúng được viết ra, thơ ấy vẫn khác. Khuynh hướng ca tụng, sử thi đã bị thay chỗ. Giáng Vân có khả năng mô tả những yếu tố tâm lý tinh tế, những góc khuất bí ẩn phụ nữ, những câu chuyện mà chỉ tình yêu mới biết. Tôi ước gì chị có thể nói nhiều hơn nữa về điều này, triết lý hơn nữa nếu cần, mô tả hơn nữa nếu thích hợp. Giáng Vân gần với thế tục, đời sống cụ thể. Trong thơ thành thực có thể là một đức tính, nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Thành thực quá hóa ra chất phác, giản dị quá có thể thành dễ dãi. Bởi vì thơ là một ngôn ngữ mang tính ký hiệu. Độc giả đọc các câu thơ như những ẩn dụ, không phải lời kể chuyện. Họ muốn tìm thấy ở đó những hình ảnh khiến ta lảo đảo, những cảm xúc làm ta bừng tỉnh, các chiều kích không thời gian bị xáo trộn để mô tả sự thay đổi dòng đời, sự tan rã tình người. Trong thơ chị, có sự liên thông giữa người này và người khác, và bằng cách ấy, thơ chị biểu đạt tính toàn vẹn của thế giới, tính bất nhị trong Phật giáo. Ngôn ngữ thơ thuyết phục người đọc không phải ở những lời rao giảng mà ở tính thân mật, tức khoảng cách giữa người viết và người đọc.

Ta nhớ đời sống và ta làm ra những nghĩa lí

Giống như những bức vẽ của con, nó đẹp bởi ánh sáng đựơc tạo ra nhờ bóng tối

Nó giống những điệu nhảy của con

Không ngừng biến đổi

Con gái yêu của mẹ ơi, con hãy nhìn, hãy nghe, và hãy lắng

Những tia chớp vụt lên

Rồi tắt

Huyền thoại không phải là không có thật, chúng từng có mặt nhưng biến mất. Giáng Vân không rời bỏ thế giới vật thể, nhưng theo đuổi những cơn mơ. Thơ là cái khả thể của thế giới, là những điều đã từng có thể xảy ra. Ngôn ngữ của cơn mơ là ngôn ngữ siêu thực, điều mà, theo quan sát của tôi, hiếm gặp ở các nhà thơ nữ của chúng ta.

Công việc khó khăn nhất của thơ là gì?

Thơ ơi

Người có thể rửa sạch ô nhục chất chồng?

Có, tôi có thể làm được việc đó

Giáng Vân chống lại tội ác, thói bi quan. Tất cả điều bạn cần là lòng kiên nhẫn, sự lắng nghe. Như là tình yêu với con gái, với mẹ hay là với một người đàn ông, bao giờ thơ chị cũng làm lòng chúng ta ấm lại. Thơ chống lại thói ích kỷ, vong thân, dung tục, hướng về sự vượt qua, về sự giàu có của đời sống tâm hồn dân tộc, một tương lai không sợ hãi nhưng tự tin, quyến rũ.

Cửa phòng anh vắng lặng
Mùa Hạ đi qua không chờ
Lá táo cũ rơi đầy dưới gốc
Trên những cành hoa trắng đơm đầy

Tôi tin rằng có một sự giao tiếp mạnh mẽ hơn, bí ẩn hơn giữa phụ nữ và hoa lá cỏ cây, thời tiết, nhiều hơn ở nam giới. Khi Giáng Vân nhìn vào thiên nhiên, thiên nhiên cũng nhìn lại chị, không phải như một đối tượng nghiên cứu, mà như một người bạn. Tại sao thơ hình thành rất sớm trong lịch sử loài người? Mặc dù phép tu từ là phổ biến trong thơ, mặc dù ngôn ngữ thơ ca là một ngôn ngữ chắt lọc, nhà thơ tìm đến những khoảng trống hơn là lời nói, sự phản chiếu hơn là ánh sáng. Tuy vậy chất giọng của chị đôi khi cũng có tính phê phán, châm biếm:

Cánh tôi gẫy

Ngay khi vừa ra khỏi nhà

Chỉ vì chạm phải một cành cây vớ vẩn

Thơ vốn nói nhiều về cái cụ thể, nhưng ở Giáng Vân nhiều câu thơ được nâng lên đến mức khái quát. Nỗi buồn của chị là nhìn thấy sự giả dối khắp nơi, những tội ác, một đời sống văn hóa ngày càng nông cạn, tan vỡ.

Mẹ ơi,

Đường đi nào dẫn dắt mẹ con ta

Đức Phật từ bi có quá nhiều sinh linh phải cứu vớt

Mẹ con ta có đủ sức tự đi về phía người?

Thơ trữ tình hôm nay cho phép bày tỏ cảm xúc một cách trực tiếp nhưng cũng tiếp nhận khái niệm khách quan ở mức độ thích hợp. Mối quan hệ giữa nhà thơ và chất liệu, xét từ quan điểm của chủ nghĩa hiện đại, là có tính ý thức và lương tri. Những yếu tố siêu thực hay vô thức ít khi được xem là cái tôi của tác giả. Thơ chị không có những bài hoàn toàn thế sự hay chính trị, nhưng ý thức về xã hội gặp bàng bạc ở nhiều bài. Chị là một người tham dự, với những hiểu biết từng trải của trái tim nhạy cảm. Dù đôi khi chán nản, với lời tự thú, nhưng hầu hết thơ chị hướng về cái tốt đẹp mà dân tộc đánh mất nhiều năm.

Bao bọc ngôi nhà mẹ

Những cơn mưa dài hằng đêm

Vách đất nhà mình ẩm lạnh

Ếch kêu vang đồng ngoài

Hoạt động sáng tạo của các nhà thơ nữ những năm gần đây là một trong những yếu tố quan trọng làm nên diện mạo văn học Việt Nam, trong thơ cũng như trong văn xuôi. Các nhà thơ nữ có tiếng nói chung với những quan tâm của dân tộc, vừa riêng biệt của nữ giới: xã hội, môi trường, gia đình, số phận, nữ quyền.

Con có thấy những cái cây con đang tỏa những cái rễ non

trong đất

Chúng đang tự kiếm tìm thức ăn để tự nuôi lớn mình, và

Trong cuộc kiếm tìm đó chúng học hòa thuận với tất cả

Trong tình yêu đôi khi cũng nặng nhọc xiết bao

Giáng Vân không rơi vào tình trạng cực đoan, cái nhìn siêu thực của chị không đến mức hoàn toàn tách rời cuộc sống, trở nên lý tính. Ý thức phản kháng vẫn là một ý thức về cái tốt đẹp. Tôi không rõ lắm Giáng Vân có chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa nữ quyền hay không. Sự quan tâm đến các giá trị vĩnh hằng của tình yêu được làm cân bằng với nguyên lý vui thú trong nghệ thuật (pleasure principle).

Tôi có một chút mặn mòi

Để có khát vọng, để không nhạt nhẽo

Ai cũng biết rằng một câu thơ không thể sắp xếp lại và các chữ trong một câu không thể thay thế nhau. Sở dĩ như thế là vì tính âm nhạc. Một bài thơ không phải là các ý tưởng được diễn tả và tất nhiên cũng không phải chỉ là các chữ, vốn không có khả năng tự tạo ra nghĩa cho chúng. Trong một bài thơ đề “viết tặng họa sỹ Trần Trọng Vũ”:

Ngay cả nỗi buồn cũng ấm và rất trong

Cả những bùn đen cùng rách nát

Ước muốn được tắm mặt trời

Để được sáng lên

Tư duy thơ hiện đại. Không ai muốn đau khổ và tan vỡ, nhưng chỉ trong những điều kiện ấy tâm hồn mới có dịp bộc lộ như một căn nhà bị hỏng mái để ánh trăng chiếu rọi vào. Một khi chúng ta tin rằng con người xứng đáng được yêu thương, bạn sẽ sung sướng mà nhận ra rằng những cơ hội đối với trái tim là nhiều hơn bạn tưởng. Những tổn thương của con người trở thành chất liệu sáng tạo. Những tình đời ấm lạnh, những nhầm lẫn tuổi trẻ, tạo ra xúc cảm mạnh mẽ. Dù mơ mộng đến đâu, dù có nhiều năm hình như Giáng Vân không làm thơ nữa, thơ của chị vẫn gắn bó với cuộc đời. Bài thơ mời người đọc đi tìm những ý nghĩa khác nhau của sự chia sẻ, cá nhân và cộng đồng. Những người chỉ quan tâm đến bản thân mình, ít chú ý đến người khác, sẽ là những người đau khổ nhất. Sự chia sẻ, khả năng giao cảm làm thay đổi các mối quan hệ. Thơ Giáng Vân cũng có giọng điệu của một bài ru, giao cảm.

Một ngày

Tôi thấy mình sáng dịu

Như những tơ trời lắc thắc giăng giăng

Tôi thấy tôi không quá độ buồn

Người thấm vào tôi

Cũng theo cái cách không khí thấm vào tôi

Điệu ru xuất phát từ chủ nghĩa lãng mạn. Điệu ru buồn nhưng lại nói về sự khổ đau có thể chấp nhận được, niềm vui hy vọng về tình yêu. Ngôn ngữ mềm mại của nó làm cho bài thơ như hát ru được quần chúng yêu thích.Tình yêu của chị càng về sau càng dung chứa nhiều suy tưởng, trong khi chị biết chọn lựa những chữ giản dị, những tình cảm chất phác, làm cho bài thơ thoạt có một vẻ đẹp chân phương.

Không có mặt trời
Không có mặt trăng
Không có anh và con đường bão lốc
Mưa ngoài kia như lời ru của số phận muộn phiền
Tôi ngủ
Không biết mình đang khóc

Ý tinh tế, cấu trúc chặt chẽ. Tâm trí của người đọc dừng lại lâu ở những hình ảnh được mô tả với cảm xúc tiết chế. Bài thơ của chị có kết thúc (ending) gọn ghẽ, chứ không bỏ lửng. Sự vận động của các câu thơ có khi trở nên ngẫu hứng tự do, đôi khi rời rạc, thực ra vẫn là một cấu trúc được chọn lựa kỹ, với chi tiết đắt, tương tự kỹ thuật phim ảnh.Giáng Vân không tránh khỏi sự lặp lại chính mình qua một số bài thơ, làm cho chúng trở nên dễ tiên đoán. Tuy nhiên so với nhiều nhà thơ cùng thời, chị là một trong những người biết tránh sự lặp lại, tránh sự sáo rỗng. Rất khó khăn để theo dõi quá trình sáng tác của Giáng Vân. Có những giây phút sáng lên trong thơ, chuyển thể, nhận thức.

Thơ ơi

Người sẽ đến cánh đồng cạn khô nhân tình này chứ?

Vâng, tôi sẽ tới đó, tới đó

Lòng biết ơn không dựa vào tài năng, sức mạnh, ưu thế. Nó dựa vào nguyên lý không toàn hảo. Chúng ta không toàn hảo và chúng ta không che giấu điều ấy. Đó là khả năng thưởng thức cái đẹp, yêu quý những khoảnh khắc đời sống, sự giúp đỡ, sự may mắn. Lòng tri ân làm cho tâm hồn thanh thản, làm nên nhịp điệu của câu thơ. Thơ tự do, trong khi mở rộng biên giới của câu, cho phép bộc lộ không những tính cách của một cá nhân mà còn đặc tính của một ngôn ngữ.

Giọng cao của gió

Giọng trầm của sông

Khi du ca khi trầm mặc

Đừng đổi chác điều gì

Kẻo điều thiêng đi mất

 

Chảy tuôn

Theo những ánh sáng đẹp

Theo mưa rây ngày xuân

Theo hoa hồng mới nở

Những hồn hoa trong ngần

Nếu một ngày ta chết

Hồn ta vương vấn ngàn hương

Khi viết một bài thơ, bạn nên buông nó ra, thản nhiên để nó chuyển động về hướng chính bạn cũng không biết. Bạn không thể đoán trước ý nghĩa của nó đối với người đọc. Một khi nó mở được cánh cửa của người đọc, nó sẽ nói gì, bạn không biết. Đó không phải là trò đánh bạc may rủi, đó là niềm tin bạn đặt vào ngôn ngữ. Trong khi bạn làm một bài thơ, bạn tìm thấy cảm xúc của mình, không phải trước đó. Bạn ở vào vị trí dễ bị thương tổn, khi không biết bài thơ dẫn đến đâu. Chúng tôi hy vọng bạn sẽ tới một nơi nào đó, trên đường đi tìm cái đẹp hay một điều gì khác. Tìm trong ánh sáng, trong bóng tối, khi còn trẻ, khi đã già, trong chung thủy, trong chia lìa, trong cái còn lại. Cái đẹp cũng như sự thật sẽ làm chúng ta thay đổi. Nhưng đời sống trong văn học không phải là đời sống thực tế mà là cái nhìn của tác giả, ký ức, quan điểm, ấn tượng. Đó là một người phụ nữ sống hết lòng, có lý tưởng, cao thượng. Đôi khi tuyệt đối hóa, đã từng trải qua hạnh phúc và thất bại cay đắng. Đó là con người của thời đại hôm nay, mất lòng tin nhưng vẫn đầy bao dung, nghiêm khắc nhưng tha thứ. Dù có thể sử dụng phương pháp nghệ thuật lãng mạn hay tượng trưng, hiện thực hay siêu thực, thơ Giáng Vân đi sát đời sống, đem lại hương vị mới cho ngôn ngữ thơ, những rung động của trái tim chân thật, ảo tưởng bị đập vỡ, sự phản tỉnh.

Thơ ơi

Người có thể rửa sạch ô nhục chất chồng?

Có, tôi có thể làm được việc đó

Nhân vật nữ trong thơ Giáng Vân không quá sầu thương, cũng không bần hàn khổ cực. Trong thơ chị, họ cao sang và đơn độc, chạm tay vào đời sống nhưng vẫn là hình ảnh của hồi tưởng. Thơ chị đầy những những ám ảnh dai dẳng; chúng chuyển động. Thơ chị ra khỏi khuynh hướng phản ảnh hiện thực, trở thành ký ức của thế giới khác. Chị không triết lý nhiều trong thơ nhưng hình ảnh của chị có tác dụng dẫn đường cho người đọc đến một thế giới mà chị sáng tạo ra. Giáng Vân cũng không có nhiều những liên tưởng lạ, quá bất ngờ, nhưng hình ảnh trong thơ thuyết phục. Những cá thể dựa vào nhau. Cảm giác ràng buộc, trong những mối liên kết chằng chịt của đời sống, làm cho tâm hồn một người trở nên yên tĩnh, vững vàng.

Suốt đời mơ sự công bằng

Đó là cảm giác nâng đỡ và được nâng đỡ. Trong khi đơn độc mang lại tự do, thì cảm giác liên kết mang lại an ủi, tình yêu dịu dàng, cái đẹp của tan rã. Sự cô đơn và sự nối kết, tự do và sở hữu, tuy là những khía cạnh đối lập, lại bổ sung cho nhau ở thơ Giáng Vân, làm cho đời sống cân bằng, càng về sau càng an tĩnh.

Sự an tĩnh dũng cảm.

An tĩnh sinh ra từ lòng tin cậy, tin cậy vào sự thật, sự cao quý. Bạn tin vào một người: đó là quà tặng của bạn mang tới cho người ấy. Bạn tin vào tình yêu: quà tặng của bạn cho chính mình, và do đó, cho những tình nhân. Thơ Giáng Vân là sự tưởng tượng mới, nơi vô thức được phép lên tiếng. Trong thơ chị một số hình ảnh siêu thực chính là yếu tố vô thức. Những giọng thơ trữ tình như thế vượt ra khỏi tiếng nói của trái tim, trở thành ý thức xã hội. Hình ảnh trong thơ Giáng Vân là sự kết hợp giữa quan sát hiện thực và trí tưởng tượng huyễn mộng, làm cho nhân vật trở thành tượng trưng. Thơ chị vượt qua hoàn cảnh riêng tư, giúp người đọc phát hiện rằng cuộc sống là đáng sống, đáng quan tâm hơn nữa.

Rất nhiều hạt mầm gieo không mọc

Rất nhiều cây tôi trồng đã chết

Rất nhiều gió

Những cơn gió ngang tàng đã buồn

Đã đến, đã đi, và quay trở lại

Vì những cái cây, những hạt mầm đã chết

Hay vì khu vườn tôi?

 

Tôi có một chút mặn mòi

Để có khát vọng, để không nhạt nhẽo

Tôi thả tôi vào nước hy vọng sẻ chia

Tụ vào tôi

Giọt nước ngày một lớn

Thời gian trong thơ tình không có nhiệm vụ hàn gắn các vết thương, mà chính là sự nhận ra bản chất của tình yêu, tấm lòng nhân hậu và các xung đột. Ít có một đề tài nào mà sự xung đột lại lớn như trong thơ tình. Chị đứng từ nhiều phía trong bài thơ của mình, làm cho khuôn mặt của một người làm ta đau khổ trở thành khuôn mặt thân yêu, tốt và xấu lẫn lộn, như chính cuộc đời, và đó là điều khó khăn. Chúng ta dành nhiều thời gian để đi tìm người bạn đời của mình, hay đi tìm lại một người mà ta đánh mất. Chúng ta bỏ rơi những người đi tìm chúng ta và đuổi theo những người chúng ta không cần tới. Một người nào đó đang chờ bạn phía sau khúc quanh, như đóa sen hồng rực rỡ, nhưng chúng ta không thấy. Một người nào đó chiếu sáng khuôn mặt đau khổ của chúng ta, nhưng bạn không biết. Nhiệm vụ của thơ ca không phải là giúp người đọc đi tìm một người như thế trong đời, nhưng nhiệm vụ ấy khó khăn hơn, đó là chỉ ra cho tâm hồn bạn cái bóng của chính mình, chân dung thực sự của tình yêu của mình, cho chúng ta biết điều đang theo đuổi đôi khi không phải là điều tâm hồn chúng ta cần tới. Một khi bạn tin rằng bạn xứng đáng với tình yêu ấy và nó cũng xứng đáng với sự tìm kiếm gian nan của bạn, chỉ khi ấy thôi bạn sẽ có nhiều cơ hội, chúng chờ đợi bạn đâu đó, trên trang sách này, bên bìa rừng kia, sau một góc phố khi chiều tối.

Tình yêu là món quà tặng.

Có một người nào đó, ở một nơi nào đó, sẽ nhận món quà ấy.

(Đọc Thơ- bài 25)

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511073

Hôm nay

272

Hôm qua

2359

Tuần này

21447

Tháng này

217946

Tháng qua

121356

Tất cả

114511073