Nhìn ra thế giới

Chuyên gia: Sẽ rất sai lầm nếu không thấy sức mạnh chính trị tuyệt vời của Donald Trump

Trong bài phỏng vấn dành riêng cho Le Figaro, nhà nghiên cứu Walter Russel Mead đã đặt trở lại sự xuất hiện đột ngột của cá nhân Donald Trump trong lĩnh vực chính trị, trong bối cảnh rộng lớn hơn của ‘‘các biến đổi dữ dội mang tính cách mạng’’ của giai đoạn hiện nay. Theo ông, doanh nhân New York chỉ là một ‘‘dấu hiệu báo trước’’ cho một giai đoạn nguy hiểm trong lịch sử Hoa Kỳ và thế giới’’, mà chúng ta đang bước vào. Tác giả đặc biệt lưu ý đến việc đại dịch và biến đổi khí hậu là các thách thức lớn mà nhân loại đang phải đối mặt, mà theo tác giả, hiện chưa có lực lượng nào biết cách để có được phương thức đối phó hiệu quả. Walter Russel Mead cũng nhấn mạnh đến sự mất phương hướng của một giai tầng chính trị, đối mặt với một người ‘‘không hoạt động trên cùng một sân chơi’’ với các chính trị gia khác, một con người đại diện cho sự trở lại với một hình thức chính trị trần trụi, theo cái cách thức của thế kỷ 19, trước khi bộ máy hành chính Nhà nước mang tính kỹ trị ra đời. Tác giả ghi nhận: ‘‘Những ai đánh giá thấp Donald Trump đã sai lầm nghiêm trọng’’. Walter Russel Mead mời độc giả chú ý đến sự ủng hộ dai dẳng mà Donald Trump nhận được trong xã hội Mỹ, bất chấp dịch bệnh và suy thoái kinh tế, như một hệ quả.

 

Vài nét về tác giả Walter Russell Mead và chủ nghĩa dân túy Mỹ

Nhà địa chính trị học Walter Russell Mead, sinh năm 1952, theo truyền thống tư tưởng bảo thủ, là một trong số ít tác giả được coi là chuyên gia về chủ nghĩa dân túy Mỹ. Walter Russell Mead giảng dạy về chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Yale. Ông là tác giả cuốn ‘‘Special Providence’’ (2001), cuốn sách được cho là có thể giúp giải mã chính sách đối ngoại của ông Donald Trump. Trong tác phẩm này, tác giả cố gắng làm sáng tỏ ảnh hưởng của tư tưởng dân túy của Andrew Jackson (tổng thống Mỹ từ 1829 đến 1837) đến Donald Trump. Trong phòng Bầu dục của Nhà trắng, ông Trump đã chọn đặt chân dung của Andrew Jackson, bên cạnh các chính trị gia lỗi lạc của nước Mỹ, George Washington và Thomas Jefferson. Đối với nhà địa chính trị học Walter Russelle Mead, quan điểm chủ đạo trong tư tưởng Jackson là Hoa Kỳ không hề có sứ mạng mang tính nhân loại, theo truyền thống của các nhà Khai sáng, điều quan trọng là ‘‘Nước Mỹ trên hết’’. Chủ nghĩa dân túy theo truyền thống Jackson, được Donald Trump tiếp nối, nghi ngờ cao độ nguy cơ’ ‘tầng lớp trí thức tinh hoa’’ phản bội lại nước Mỹ.

Bầu cử Tổng thống Mỹ đang ở vào những giờ phút cuối

 

Le Figaro: Ông Donald Trump có tài gây ra thù ghét hoặc say mê cuồng nhiệt của người hâm mộ. Sau bốn năm quan sát, ông có nhận xét thế nào?

Walter Russel Mead: Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Tôi chỉ biết Donald Trump qua truyền thông, và tính cách của ông có thể tạo ra cách tiếp cận đầy cảm xúc. Trump là một người hành động trên cơ sở trực giác thay vì lý trí. Đó là điều khác biệt so với Ronald Reagan.

Khi Reagan qua đời, người ta tìm thấy trong các tài liệu lưu trữ của ông ấy cả một bộ sưu tập báo đầy những ghi chú đã được nghiền ngẫm. Tôi không nghĩ rằng sau khi ông Trump mất, chúng ta có thể tìm được những cuốn số ghi chép như vậy! Ông ấy hoàn toàn theo bản năng, với một dạng cơ hội chủ nghĩa.

Cứ tha hồ trình bày với Donald Trump những lý lẽ logic, để nói với ông là để đi đến C cần phải qua A và B, nhưng Trump chưa hẳn đã nghe theo. Những người không có cùng quan điểm kết luận rằng đó là một con tàu không có bánh lái. Nhưng nếu nhìn vào các quyết định của Trump, ta sẽ thấy ít nhất là một biểu đồ dựa trên hai yếu tố.

Trước hết là cách nhìn của ông về phương thức hoạt động của thế giới, và như vậy nước Mỹ phải phản ứng ra sao. Yếu tố thứ hai tập trung vào những gì mà những người bầu cho ông mong muốn. Nếu hai yếu tố này xung đột với nhau, thường thì Donald Trump chọn cơ sở thứ hai. Duy trì quyền lực là mục đích chủ yếu, để có thể làm lay chuyển mọi sự.

Nhưng phải chăng chính trị đều như thế cả?

Vâng tất nhiên. Nhưng đa số chính khách đều có một chương trình hành động cụ thể. Với ông Trump thì không rõ ràng, ông sống trong khoảnh khắc và hành động theo cảm nhận của mình về cơ may và nguy hiểm. Vị tổng thống này không «chơi trên cùng một sân» như các chính khách khác.

Sự tính toán của Trump dựa trên một dạng dân tộc và dân túy kiểu Mỹ. Donald Trump nghĩ rằng ông thấu hiểu lợi ích quốc gia hơn những người khác. Cách nhìn của ông về hệ thống quốc tế vô cùng khác biệt với mọi lý thuyết chính trị. Điều mà Trump hiểu sớm hơn hẳn tất cả những người khác, đó là liên minh Cộng Hòa vốn có ưu thế từ 1981 cho đến cuối nhiệm kỳ của George W.Bush không còn có thể hoạt động theo kiểu cũ.

Sự kiện Liên Xô sụp đổ cùng với việc kinh tế Mỹ hồi phục đã khiến những người Cộng Hòa chủ trương tự do mậu dịch toàn cầu, và phe tân bảo thủ chủ trương can thiệp, liên kết với nhau trong suốt ba mươi năm. Reagan được lớp cử tri dân tộc chủ nghĩa theo kiểu Andrew Jackson ủng hộ. Tuy nhiên những người theo trường phái Jackson chưa bao giờ muốn chi tiền thuế của người dân Mỹ để cải cách những quốc gia xa xôi như Kazakhstan.

Đại dịch Covid và Donald Trump giúp châu Âu thức tỉnh trước Bắc Kinh
Vỡ mộng trước các hiệp định tự do mậu dịch, nhận ra rằng Trung Quốc lợi dụng sự ngây thơ của Mỹ, thu nhập thực tế sút giảm, tất cả đã khiến người ta nhìn nhận lại.

Các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín đã giúp duy trì mối quan hệ giữa phe dân tộc chủ nghĩa và tân bảo thủ, nhưng ngay từ năm 2008, người Mỹ đã hoàn toàn mất đi lòng tin về khả năng dân chủ hóa thế giới của họ.

Điều đáng ngạc nhiên là phải cần có một Donald Trump để đánh một đòn quyết định vào niềm tin thiêng liêng này.

Bản năng của Trump cho thấy những gì mà các nhà lãnh đạo Cộng Hòa và Dân Chủ không nhìn ra, do suy nghĩ giáo điều của họ và do từ chối chủ nghĩa thực dụng đã làm nên sức mạnh Mỹ. Đó là vì các nhà lãnh đạo chính trị trải qua 25 năm đầu của cuộc đời trên ghế nhà trường. Thế nhưng ngồi nghe một giáo sư giảng bài chưa hẳn là cách tốt nhất để chuẩn bị bước vào chính trường và đóng vai trò lãnh đạo.

Ở cánh tả, họ không lượng định được sự đồng thuận do Clinton xác định đã mất đi sự thu hút. Nếu thêm vào số phiếu bầu cho Trump và Sanders, chúng ta sẽ thấy đa số người Mỹ đã chia tay với những tư tưởng chính thống của các thế hệ trước.

Sự kiện ông Trump vẫn tiếp tục tập hợp được 42 đến 43% người ủng hộ, bất chấp những gì diễn ra trong bốn năm qua, chứng tỏ trực giác của ông là đúng. Trump đã xác định đúng thực tế. Khả năng giữ được số người ủng hộ trong những năm đầy xáo trộn, bất chấp đại dịch dẫn đến sa sút kinh tế, cho thấy những người đánh giá thấp Donald Trump đã sai lầm trầm trọng. Điều này không có nghĩa là Trump sẽ thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, nhưng sẽ hoàn toàn sai nếu không nhìn thấy ở Donald Trump một sức mạnh chính trị tuyệt vời.

Ông nghĩ gì về việc khăng khăng coi Donald Trump là ác quỷ và phe đối thủ của ông là đại diện cho sự thiện lương?

Thái độ này do ở Mỹ cũng như châu Âu, nhiều người gắn bó với ý tưởng một sự chuyên nghiệp hóa chính phủ và hệ thống hành chính. Giới tinh hoa của chúng ta tin rằng đứng đầu chính phủ phải là các nhà quản lý cấp tiến, khôn khéo, quyết định dựa trên những tính toán hợp lý và các nguyên tắc đã được xác định chu đáo. Nhưng Donald Trump không tin như thế.

Trump chưa bao giờ làm việc trong một guồng máy hành chính quan liêu. Ông là chủ nhân một tập đoàn gia đình, không có những tính cách mà xưa nay người ta cho là khuôn mẫu đạo đức lãnh đạo. Phong cách của Trump gợi nhớ lại bộ máy chính trị ở các thành phố lớn thế kỷ 19.

Vào thời đó, các chính khách của Tammany Hall (tổ chức Dân Chủ kiểm soát tòa thị chính New York) không quan tâm đến những gì mình nói có đúng hay không, chỉ tìm cách khiến người dân bỏ phiếu cho mình. Như vậy Donald Trump là một sự quay lại với dạng chính trị thế kỷ 19, tiền thân của Nhà nước hành chính.

Ông có chắc rằng cần phải quay lại với thế kỷ 19? Những tiêu chí của «chính trị đường hoàng» thời Nixon chẳng hạn thì sao?

Nixon thô bạo trong riêng tư, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ của mình thì ông ấy biết rằng phải sơ mi & cà vạt, phải là một gentleman. Cũng có thể vì vậy mà ông đã thất bại. Nếu ở vào vị trí của Nixon, thì Trump rất có thể đã đốt hết các băng cassette Watergate ngay trên bãi cỏ Nhà Trắng! Nixon đã làm những điều không hợp pháp, nhưng khi tự vệ sau đó, ông lại thuận theo các luật lệ của hệ thống. Trump chẳng thèm quan tâm đến những quy định này.

Theo ông thì Donald Trump có thể đi xa đến đâu trong việc coi thường những lề thói cũ? Ông ấy có làm ảnh hưởng đến vai trò Tổng thống?

Tôi nghĩ rằng chúng ta đang trong thời điểm nguy hiểm của lịch sử nước Mỹ và thế giới, nhưng Trump không phải là nguyên nhân mà chỉ là triệu chứng. Nếu không có những vấn đề trầm trọng hiện hữu trước đó, thì Donald Trump đã không thể trở thành tổng thống! Vâng, tôi khá lo ngại về những tiền lệ mà Trump đã đặt ra, việc không tuân thủ những quy chuẩn có thể làm nặng nề thêm tình hình. Nhưng vấn đề là xã hội đang thay đổi sâu sắc.

Cuộc cách mạng thông tin đã làm thay đổi hẳn, như cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19. Tất cả đều đổi khác: Nhà nước, gia đình, các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp. Sự chuyển đổi này đã không diễn ra một cách nhẹ nhàng và ôn hòa. Những gì mà chúng ta đã biết từ năm 1945 là một xã hội công nghiệp đã trưởng thành, xử lý được những áp lực và các vấn đề. Nhưng cuộc cách mạng thông tin đã đưa chúng ta quay lại với tình hình những năm 1850-1860.

Hy vọng trải qua sự chuyển đổi khổng lồ này mà không chịu những cú sốc chỉ là hão huyền. Chúng ta đã rời khỏi một kỷ nguyên bình lặng để bước vào thời kỳ bão tố. Trump là dấu hiệu báo trước cơn bão.

Ông có coi Donald Trump là người kỳ thị chủng tộc?

Từ kỳ thị chủng tộc mang lại xúc động lớn lao, nhưng lại không có một định nghĩa được tất cả mọi người chấp nhận, nên tôi sử dụng rất thận trọng. Trump có thuộc về phong trào chống kỳ thị chủng tộc mới nổi lên không? Rõ ràng là không. Khi ông Trump nói về một người da đen có chuyên môn, ông có coi người ấy thấp hơn một người da trắng hay không? Tôi cũng không tin như thế! Không một ai có thái độ như vậy có thể sống sót ở New York, và Trump cũng như bao người khác.

Bầu cử tổng thống: Nước Mỹ trên thùng thuốc súng.

Nhưng bản sắc luôn mang tầm vóc quan trọng tại Hoa Kỳ. Cách đây 100 năm, khi được hỏi vì sao không có chủ nghĩa xã hội ở Mỹ, câu trả lời là vì bản sắc quan trọng hơn giai cấp xã hội tại Hoa Kỳ. Điều này đến nay vẫn đúng.

Tầng lớp người nghèo da trắng của ông Trump và tầng lớp người Mỹ da đen có nhiều điểm chung về lợi ích hơn những nhóm khác, nhưng lại khác xa về chính trị. Tôi không đồng ý với những ai nói rằng lớp người ủng hộ Donald Trump là người da trắng tự coi mình thượng đẳng, tuy nhiên cội rễ có từ thời sự phân biệt được cho là bình thường. Bây giờ thì không thế, nhưng rõ ràng Trump có khả năng dùng đến lá bài chủng tộc nếu cần. Và cũng đừng quên phe Dân Chủ cũng xài lá bài chủng tộc khi thấy có lợi. Việc huy động cử tri thông qua bản sắc là trò chơi dân chủ ở Mỹ.

Nhưng Donald Trump cũng đã cố gắng cởi mở với cử tri da đen để hủy bỏ nền chính trị bản sắc này?

Trump không tin vào các quy chụp về chủng tộc. Ông ấy không nghĩ rằng tất cả những người Ả Rập đều cực đoan chống Do Thái. Trump không cho rằng người Mỹ được xác định qua da đen hay da trắng, không nghĩ rằng màu da nói lên tất cả về một con người. Theo Trump, sự đam mê có thể huy động được những nhóm người, nhưng cá nhân vẫn là cá nhân. Tôi thấy một cuộc thăm dò mới đây cho biết 23% người da đen ủng hộ Donald Trump.

Hồi năm 2016, Trump đã đạt kết quả tốt hơn Romney trong số cử tri da đen, và cử tri Mỹ la-tinh lại càng nhiều hơn. Tâm lý chống nhập cư vẫn mạnh mẽ ở giới bình dân phải cạnh tranh với di dân. Vào lúc chúng ta đang trao đổi, Donald Trump rõ ràng không chiếm được ưu thế, nhưng cũng không loại trừ khả năng trực giác đưa ông đến chiến thắng.

Khi nói về Donald Trump, người ta luôn nêu ra sự chối từ toàn cầu hóa. Nhưng những lá phiếu bầu cho Trump còn mang phương diện văn hóa là sự bác bỏ chính trị phải đạo đang tràn ngập các trường đại học và truyền thông…

Yếu tố này liên quan đến đấu tranh giai cấp giữa giới quản lý có học thức và người dân bình thường. Có một sự nổi dậy chống lại quyền lực hành chính. Một mặt, toàn cầu hóa không dễ gì giới tinh hoa quản nổi, mặt khác, người dân đen ngày càng khó chấp nhận bị lớp tinh hoa lãnh đạo.

Cách đây vài thập niên, di dân Ba Lan không nói được tiếng Anh, hay nông dân miền trung tây đến thành phố sinh sống chấp nhận bị cai trị trong một thế giới mà họ cảm thấy mình yếu kém. Ngày nay mỗi người có thể tham khảo Google thay vì bác sĩ, giáo sư, chính quyền. Họ cho rằng không cần đến giới tinh hoa có những chủ đích riêng.

Nhưng các nhà quản lý không ngồi yên. Bản sắc, cách sống, niềm tin sâu sắc khiến họ nghĩ rằng không có mình thì thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn. Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch và biến đổi khí hậu có thể gây ra thảm họa, họ sẽ chiến đấu đến cùng cho điều mà họ thật sự tin rằng là phương cách duy nhất để lãnh đạo thế giới.

Trong trường hợp cánh tả, không chỉ là lãnh đạo chính phủ, mà còn để thanh lọc quá khứ sai lầm của Mỹ, một cuộc thập tự chinh ý thức hệ để tái xác định cơ sở của nền cộng hòa. Trump có thể đóng vai thành lũy của các giá trị Mỹ?

Ông ấy có cố gắng và chúng ta chờ xem kết quả ra sao. Rõ ràng là phe Dân Chủ rất lo ngại về hậu quả chính trị của các vụ nổi dậy chủng tộc. Nhưng mọi sự thay đổi nhanh chóng. Đã hẳn vấn đề bản sắc và ý nghĩa của nền văn minh phương Tây hiện diện trong cuộc bầu cử này, nhưng đừng quên rằng nếu kinh tế được vực dậy, tranh cãi sẽ không còn trên đường phố. Ước đoán quá cao nguy cơ bạo động sau bầu cử thì rất dễ. Tôi hy vọng có một kết quả rõ ràng dù người chiến thắng là ai, vì sẽ hạn chế những phản đối, cho dù rất nhiều phẫn nộ.

Biden và Harris có phải là câu trả lời thuyết phục cho trận bão mà ông mô tả?

Tôi không biết, và họ cũng không biết. Làm thế nào đáp trả những tấn công của ông Trump? Các sự kiện bên ngoài đóng vai trò cỡ nào? Trung Quốc có tiến đánh Đài Loan hay không? Con virus corona có biến thể thành chủng mới độc hại chết người hơn hay không? Tất cả những câu hỏi này cho thấy bầu cử Tổng thống Mỹ lần này là bất định nhất so với tất cả các cuộc bầu cử trước đây trong lịch sử.

 

(Theo RFI)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434652

Hôm nay

2272

Hôm qua

2310

Tuần này

21302

Tháng này

211700

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434652