Nhìn ra thế giới
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Mikhail Afanasyevich Bulgakov (1891-1940) là nhà văn, nhà viết kịch Nga nổi tiếng. Các tác phẩm chính của ông gồm: Cổ họng bằng thép (truyện vừa, 1919), Bạch vệ (tiểu thuyết, 1922-1924), Ghi chép trên ống tay áo (truyện vừa, 1923), Ổ quỷ (truyện vừa, 1923), Những quả trứng định mệnh (truyện vừa, 1924), Trái tim chó (truyện vừa, 1925, xuất bản 1968), Nghệ nhân và Margarita (tiểu thuyết, 1928-1940), Chạy trốn (kịch, 1926-1928), Những ngày tháng của anh em Turbin (kịch, 1926), Những ngày cuối cùng (kịch, 1935)...
Nhà văn Mikhail Bulgakov (1891-1940)
Nhà văn Mikhail Bulgakov có nhiều thói quen kỳ lạ. Một trong số đó là quan sát mọi người. Ông thích đến các khách sạn, tại đấy nhà văn tìm thấy một người mà ông cảm thấy thích thú và chăm chú nhìn anh ta, cố tìm hiểu xem anh ta là người như thế nào và làm gì trong cuộc sống bình thường. Mọi người xung quanh có cảm giác là Bulgakov nhìn xuyên thấu những người lạ mặt. Khi Mikhail Bulgakov lần đầu tiên gặp Elena Shilovskaya, ngay từ cái nhìn đầu tiên ông hiểu rằng trước mặt ông không chỉ là một người phụ nữ bình thường, mà là số phận của ông. Ngày 4 tháng 10 năm 1932, họ trở thành vợ chồng hợp pháp, thế nhưng họ buộc phải xây dựng hạnh phúc của mình trên nỗi bất hạnh của những người khác.
Cuộc sống nhàm chán
Thời thiếu nữ, Elena Shilovskaya tên là Nurenberg, bà thuộc loại phụ nữ hiếm hoi luôn được mọi người chú ý dù xuất hiện bất cứ đâu. Tuy nhiên, mặc dù có rất nhiều ưu điểm: xinh đẹp, duyên dáng, thông minh và có học, trước 25 tuổi bà vẫn độc thân. Năm Elena 19 tuổi, trung úy Bokshansky đã ngỏ lời cầu hôn bà, nhưng Nurenberg khuyên anh ta lấy chị gái Olga của mình, mãi đến năm 1918, “bà mối mát tay” mới được làm vợ. Bà gặp chàng sĩ quan quân đội Yury Neyolov tại lễ tang của bố anh ta, diễn viên nổi tiếng Mamont Dalsky. Yury kể cho cô bạn gái mới của mình câu chuyện bi thảm và khủng khiếp về cái chết của người diễn viên – ông ta ngã vào bánh xe tàu điện. Về sau tình tiết này xuất hiện trong tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita”. Còn Elena trở thành nguyên mẫu của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này.
Cuối năm 1918, Neyolov và Nurenberg kết hôn, nhưng cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài mấy năm rồi tan vỡ. Cuộc hôn nhân thứ hai với Evgeny Shilovsky, một sĩ quan quân đội, hạnh phúc hơn nhiều, họ có hai con trai. Elena được chồng quan tâm, cuộc sống gia đình sung túc. Nhiều người thời đó ghen tỵ với họ. Nhưng giống như nhân vật Margarita của Bulgakov, cả người chồng yêu thương, cả con cái lẫn sự giàu sang không đem lại niềm vui cho Shilovskaya. Bà thường viết thư cho chị gái kể về tâm trạng của mình, về nỗi khổ tâm và sự nhàm chán. Ông chồng rất ít khi ở nhà, con cái do nhũ mẫu nuôi dạy, công việc nội trợ giao cho bà quản gia, còn Elena không biết làm gì cho khuây khỏa. Cuộc sống gia đình bình lặng và những trò giải trí của xã hội thượng lưu khiến bà muốn hóa điên.
Quá khứ nặng nề
Trước khi gặp Elena, Mikhail Bulgakov đã có hai đời vợ. Người vợ đầu tiên của ông tên là Tatyana Lappa.Đó là một cặp đôi lý tưởng. Cả hai đều xuất thân từ những gia đình gia giáo, được học hành tử tế. Nhưng mẹ của Tatyana không mơ ước về một chàng rể như vậy. Đến lượt mình, gia đình Bulgakov cũng không muốn con trai của họ bê trễ việc học hành vì cô bạn mới của mình. Bất chấp sự phản đối của gia đình, ngày 26 tháng 4 năm 1913, họ làm lễ cưới. Nhưng bi kịch đầu tiên đã xảy ra trong cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ:Tatyana có thai, trong khi nhà văn chưa sẵn sàng làm bố nên ông đã khuyên vợ phá thai.
Tatyana đã cùng chồng trải qua một chặng đường đời đầy khó khăn: giai đoạn ông làm bác sĩ quân y, quãng thời gian ông bị nghiện moocphin và cuộc sống hết sức nghèo khổ. Tháng 4 năm 1924, hai vợ chồng ly hôn, khi Mikhail Bulgakov gặp người tình mới Lyubov Belozyorskaya.
Không như Tatyana, Lyubov Belozyorskaya là một phụ nữ thời thượng, tinh tế, quen biết nhiều nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ. Một thời gian bà sống ở nước ngoài với chồng là nhà báo nổi tiếng Ilya Vasilevsky. Nhưng khi trở về nước Nga, bà đã hoàn toàn tự do. Lúc đầu Bulgakov thậm chí đề nghị vợ cũ của mình sống chung với người tình mới của ông. Đương nhiên, Tatyana không chấp nhận lời đề nghị đó, và thế là ông gói gém đồ đạc đến sống với Lyubov Belozyorskaya.
Cuối tháng 4 năm 1925, Bulgakov và Belozyorskaya đăng ký kết hôn. Thời gian này Bulgakov dần dần trở nên nổi tiếng. Lyubov Belozyorskaya thường làm công việc thư ký. Bulgakov đọc cho bà chép các phẩm của mình. Một lần, họ cùng sáng tác vở hài kịch “Cao lanh trắng”, nhưng sau đó bỏ đi. Mikhail Bulgakov đề tặng người vợ thứ hai truyện vừa “Trái tim chó” và vở kịch “Molière”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính Belozyorskaya đã khuyên ông đưa nữ nhân vật chính vào tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita”.
Tuy nhiên, cuộc sống của họ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Lyubov Belozyorskaya không quan tâm công việc nội trợ. Ngoài cưỡi ngựa và thú đam mê xe hơi, bà rất hay gọi điện thoại với bạn gái. Mà máy điện thoại đặt trên bàn làm việc của Bulgakov, nên những câu chuyện phiếm không có hồi kết nhiều lần đã trở thành nguyên nhân của các cuộc cãi cọ vặt. Một trong số đó đã đâm vào chính trái tim của nhà văn. Một lần Mikhail Bulgakov nhắc nhở vợ:
- Lyuba, không thể như thế được, anh đang làm việc.
Và bà trả lời:
- Không sao, anh không phải là Dostoyevsky.
Hạnh phúc của học được xây dựng trên mảnh vỡ của cuộc hôn nhân đầu. Có một thời, Lyubov Belozyorskaya đã cướp nhà văn từ tay của Tatyana Lappa, và 7 năm sau chính bà lặp lại số phận đó. Tháng 10 năm 1932, họ quyết định chia tay.
Không thể sống thiếu nhau
Elena Shilovskaya bắt đầu để ý đến Bulgakov sau khi đọc các tác phẩm “Những quả trứng định mệnh” và “Bạch vệ”. Tháng giêng năm 1929, những người quen mời bà đến ăn bánh xèo tại lễ Tiễn mùa đông. Bà không muốn đến, nhưng khi nhìn thấy trong danh sách khách mời có tên nhà văn, bà đã thay đổi ý kiến. Ở đấy họ gặp nhau. Ngay lập tức Elena Shilovskaya thu hút sự chú ý của Mikhai Bulgakov: duyên dáng, ăn mặc sang trọng, phong cách ứng xử lịch lãm. Nhà văn bao giờ cũng ngưỡng mộ những phụ nữ như vậy.
Ban đầu họ chỉ định kết bạn với nhau theo kiểu gia đình. Vợ chồng Bulgakov đến chơi nhà vợ chồng Shilovsky và ngược lại. Elena Shilovskaya và Lyubov Bulgakova vốn là bạn thân. Thế nhưng, chẳng bao lâu cặp uyên ương hiểu rằng tình cảm giữa họ hoàn toàn không phải là tình bạn. Mikhail Bulgakov sẵn sàng đặt dấu chấm trên chữ “i”, lại bỏ gia đình. Nhưng Shilovskaya không thể cực đoan như vậy. Bà biết rằng bà có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của chồng. Từ bỏ gia đình nghĩa là làm tổn thương người ruột thịt.
Một lần, sau khi nhận được ít tiền tạm ứng nhuận bút, Mikhail Bulgakov mời Elena Shilovskaya đi uống bia với đồ nhắm chỉ là một quả trứng luộc. Ngay lúc bấy giờ, Elena hiểu rằng bên cạnh con người này một cuộc đời hoàn toàn khác đang chờ đợi bà, buộc phải quên đi áo lông chồn, nước hoa Pháp và bánh mỳ kẹp trứng cá. Nhưng bà không sợ điều đó, bà thấy thích thú và vui vẻ.
Elena Shilovskaya chia tay với chồng cũ không dễ dàng. Ông ấy là một con người cao thượng và rất yêu vợ. Một thời gian thậm chí bà muốn từ chối liên hệ với Bulgakov, hứa với chồng rằng sẽ không nhận một bức thư nào của ông, không bắt máy nếu nhà văn gọi điện thoại tới, và không đi ra phố một mình để không tình cờ gặp ông.
Cuộc chia tay kéo dài được 20 tháng. Nhưng khi gặp lại, nhà văn nói với bà: “Anh không thể sống thiếu em”. Sau đó ông còn nói thêm: “Hãy hứa với anh rằng anh sẽ chết trong vòng tay em”. Elena thề sẽ thực hiện lời đề nghị đó, mặc dù lúc bấy giờ bà cảm thấy nó vội vã và không hiện thực – năm ấy Bulgakov chưa đầy 40 tuổi. Đúng ngày hôm đó, Shilovskaya nói lời chia tay với chồng.
Nguyện vọng cuối cùng
Mấy năm sau, Bulgakov thường hay nhắc lại lời thề của Shilovskaya. Còn năm 1939, ông bắt đầu nói về cái chết của mình với bạn bè, quả thật theo cách hài hước: “Thế là năm cuối cùng của tớ đã đến” hoặc “Các bạn sướng nhé, các bạn sẽ sống lâu, còn tớ sắp chết”. Bình thường mọi người vẫn coi đó là chuyện đùa, bởi nhà văn trông vẫn còn rất khỏe và tràn đầy năng lượng.
Nhưng đúng là vào năm 1939, Bulgakov bị bệnh xơ cứng thận. Tất nhiên, là một bác sĩ ông hiểu rất rõ kết cục nào đang đợi ông, hơn nữa các bác sĩ giỏi ở Moskva xác nhận sự lo lắng của ông. Tuy nhiên, sau mỗi lần viếng thăm của một danh y nào đó, vợ ông đều tìm cách an ủi rằng ông sẽ chiến thắng bệnh tật, vì Bulgakov rất yêu cuộc sống và không muốn chết.
Trên gường bệnh, nhà văn đọc cho Shilovskaya chép và cùng bà sửa chữa “Nghệ nhân và Margarita”. Vào giai đoạn cuối của bệnh tật, Mikhail Bulgakov hầu như mất khả năng nói. Mấy ngày trước lúc qua đời, khi Elena ngồi bên giường bệnh, nhà văn ra hiệu cho bà hiểu rằng ông muốn nói điều gì đấy. Bà đưa thuốc, nước cho ông, nhưng sau đó đoán ra rằng chồng hỏi về “Nghệ nhân và Margarita”. Khi họ hiểu ý nhau, Mikhail Bulgakov rất vui mừng, và khó khăn lắm ông mới thốt lên được mấy lời: “Để mọi người biết, để mọi người biết”. Shilovskaya đã làm tất cả để tác phẩm này và các tác phẩm khác chưa xuất bản trước đây của chồng được ra mắt bạn đọc. Sau khi Bulgakov mất, bà đã đích thân viết thư cho Stalin, nhưng lúc bấy giờ điều đó không giúp ích gì.
Tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” được xuất bản sau rất nhiều nỗ lực của bà. Elena vô cùng phấn khởi vì sợ mình mất đi mà chưa kịp thực hiện nguyện vọng của chồng. Bà qua đời sau ông 30 năm và được an táng bên cạnh ông tại nghĩa trang Novodevichy ở Moskva.
(Theo Aif.ru)
tin tức liên quan
Videos
Ngô Bảo Châu viết Tiểu thuyết toán hiệp
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511002
21
2359
21376
217875
121356
114511002