Nhìn ra thế giới
Guzel Yakhina: "Để chấp nhận quá khứ, cần có tình yêu"
Nữ nhà văn Guzel Yakhina
Guzel Yakhina là một trong những nữ văn sĩ người Tatar nổi tiếng nhất hiện nay ở Nga. Bà sinh năm 1977 ở thành phố Kazan trong một gia đình bác sĩ và kỹ sư. Guzel Yakhina tốt nghiệp khoa ngoại ngữ Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Kazan. Từ năm 1999, bà sống ở Moskva, làm việc trong lĩnh vực PR, quảng cáo, tiếp thị và tốt nghiệp khoa kịch bản Trường Điện ảnh Moskva. Guzel Yakhina công bố tác phẩm của mình trên các tạp chí Neva, Tháng Mười, Ngọn lửa Sibir. Năm 2015, tiểu thuyết đầu tay của bà Zuleykha mở mắtra đời và thu được nhiều thành công. Tác phẩm này được trao một số giải thưởng văn học danh giá như giải Cuốn sách lớn, giải Yasnaya Polyana, giải Sách của năm. Zuleykha mở mắt đã được dịch ra 20 ngôn ngữ trên thế giới. Tháng 12 năm 2019, Guzel Yakhina lần thứ hai đoạt giải Cuốn sách lớnvới tiểu thuyết Những đứa con của tôi.
Ngày 13/4/2020, kênh truyền hình Nga Rossia-1lần đầu tiên giới thiệu bộ phim truyền hình nhiều tập Zuleykha mở mắt chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của bà. Nhân dịp này, phóng viên báoFrankfurter Rundschaucủa Đức có cuộc trò chuyện với nữ văn sĩ. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
- Thưa bà Guzel Yakhina, 5 năm trước, khi cuốn Zuleykha mở mắt của bà được xuất bản, bà tới tấp nập nhận được những lời khen ngợi. Nhưng cũng có những lời chỉ trích. Mới đây, các phương tiện truyền thông Nga lại xôn xao - lần này là về bộ phim truyền hình nhiều tập dựa theo tiểu thuyết của bà. Cuốn sách này viết về đề tài tập thể hóa dưới thời Stalin, về các cuộc trục xuất, thông qua câu chuyện của một cô gái trẻ người Tatar. Xin bà cho biết vì sao có sự ồn ào như vậy?
- Thực chất, đấy không phải là những lời chỉ trích về mặt chuyên môn, mà là các phát biểu mang màu sắc chính trị. Về vấn đề này đã xuất hiện nhiều tiếng nói khác nhau, trong chừng mực nào đó mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, có những nhận xét mang tính dân tộc chủ nghĩa, tôn giáo từ nước Cộng hòa Tatarstan. Tác giả của chúng khẳng định rằng nữ nhân vật chính của cuốn sách đã lựa chọn có lợi cho người đàn ông Nga, quên mất người đàn ông Tatar, rằng cô ấy đang nuôi dạy con trai mình không theo luật Sharia của Hồi giáo, cho phép con bỏ gia đình đến Leningrad, thực chất là đến một thế giới hoàn toàn khác - thế giới của nền văn minh châu Âu. Vâng, đã có những nhận xét như vậy. Nhưng tôi cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ Tatarstan, tôi cảm nhận được sự ủng hộ, lòng yêu mến và biết ơn vì những gì tôi đã kể về khía cạnh này của lịch sử Tatarstan.
Một số người trách tôi đã bôi nhọ và vu khống quá khứ tốt đẹp của chúng tôi. Ngược lại, có những nhận xét, ở đó tác giả lại chê trách tôi viết quá hời hợt về các vụ đàn áp, chỉ chủ yếu tập trung vào các cuộc phiêu lưu của nữ nhân vật chính, người thậm chí đã tìm thấy hạnh phúc của mình. Và bằng cách đó dường như tôi biện minh cho những tội ác của Stalin.
- Bà đối phó với những lời chỉ trích này như thế nào?
-Tôi hiểu ra rằng phần lớn những lời chỉ trích nói về chính tác giả của chúng, chứ không phải về cuốn sách của tôi, và tôi trở nên bình thản. Hiện nay, phản ứng thậm chí còn gay gắt hơn trước, vì khán giả truyền hình nhiều hơn so với độc giả của cuốn sách. Nhưng không loại trừ rằng sự cách ly trong đại dịch Covid-19 cũng đóng một vai trò nhất định. Nước Nga áp dụng các biện pháp phòng dịch rất nghiêm ngặt. Có thể, nỗi sợ hãi của mọi người về việc phải ngồi một chỗ trong thời gian dài, thực tế là bị quản thúc tại gia, đã đóng một vai trò nào đó.
Tuy nhiên, các nhận xét không chỉ mang tính tiêu cực. Vâng, đã có những lời xúc phạm và những ý kiến rất cay nghiệt, nhưng cũng có những lời cảm ơn. Mọi người nói rằng cuối cùng họ cũng có thể bàn luận công khai về chuyện gia đình mình. Làn sóng ủng hộ ý kiến này lớn hơn nhiều. Tôi đã nhận được hàng nghìn đánh giá tích cực trên mạng xã hội.
- Nếu cuốn sách của bà cho phép người dân Nga nói về "mặt tối" trong lịch sử, kể cả lịch sử gia đình mình, thì bà đánh giá thế nào về những lời ca ngợi thời Stalin rộ lên gần đây? Đại bộ phận dân Nga đánh giá tích cực vai trò của ông trong lịch sử.
- Tôi không muốn đánh giá thái độ chung của giới chính trị về thời kỳ đầu của Liên Xô. Tôi chỉ có thể nói với tư cách tác giả những cuốn sách của mình. Cuốn sách đầu tiên viết về đề tài tập thể hóa cưỡng bức, cuốn thứ hai - về số phận của người Đức ở vùng ven sông Volga. Cả hai đều nhận được những nhận xét tích cực, được trao giải và dịch ra các ngôn ngữ khác nhau. Các bản dịch được thực hiện với sự hỗ trợ của chính quyền các quốc gia tương ứng. Và việc cuốn sách đầu tiên được một kênh truyền hình quốc gia chuyển thể thành phim là rất quan trọng. Vâng, tôi thực sự lo lắng rằng một số vấn đề gai góc có thể bị làm dịu đi trong quá trình chuyển thể tác phẩm. Nhưng cuối cùng, các tác giả của bộ phim đã xử lý văn bản tác phẩm rất cẩn thận và tôn trọng các giai đoạn đó.
- Cụ thể, bà sợ điều gì?
- Đối với tôi quan trọng nhất là những số liệu được đề cập trong tập đầu tiên của bộ phim: bốn triệu người dân đã trở thành nạn nhân của công cuộc tập thể hóa cưỡng bức. Hai triệu rưỡi người bị trục xuất. Như vậy câu chuyện về một người phụ nữ riêng lẻ đã mang lại một chiều kích hoàn toàn khác.
- Tiểu thuyết Những đứa con của tôi cũng viết về thời đại Stalin. Lần này nhân vật chính là một giáo viên lớn tuổi, người Đức vùng Volga. Thời đại này có gì hấp dẫn bà?
- Đó là những giai đoạn rất khác thường. Một mặt, chúng đầy bi kịch, hàng triệu người đã chết. Đầu tiên là trong Cách mạng Tháng Mười, tiếp theo là trong thời Nội chiến, sau đó là vì nạn đói vào đầu những năm 1920 và đầu những năm 1930, rồi vì Cuộc đại khủng bố năm 1937-1938. Và cuối cùng là cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và sự trục xuất hàng loạt dân tộc... Nhưng mặt khác, đó là một thời đại đầy cảm hứng, đặc biệt là vào những năm 1920. Nhiều người thực sự tin tưởng rằng họ đang xây dựng một tương lai tươi sáng.
Sự pha trộn giữa bi kịch và thịnh vượng này (ví dụ, trong lĩnh vực văn hóa) thật hấp dẫn, khiến tôi rất khâm phục. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi viết về điều này. Năm 1927 là năm bản lề - đối với tôi đó là cả một thời đại. Trước năm 1927, mọi người tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Sau đó, một bước ngoặt nào đó xảy ra, và dần dần người ta hiểu rằng câu chuyện cổ tích Xô viết sẽ không trở thành hiện thực. Câu chuyện của tiểu thuyết cũng phát triển như vậy.
- Các cuốn tiểu thuyết của bà liên quan tới cuộc đời bà như thế nào?
- Bà tôi là người truyền cảm hứng cho tôi viết cuốn tiểu thuyết thứ nhất. Năm 1930, khi bà lên 7 tuổi, gia đình bà bị trục xuất. 16 năm tiếp theo, bà sống ở Sibir. Tôi đã viết về một số giai đoạn nào đó trong cuộc sống của bà tôi trong cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết thứ hai không liên quan trực tiếp đến câu chuyện của gia đình tôi, trong dòng họ chúng tôi không có người Đức. Nhưng một người ông của tôi là giáo viên dạy tiếng Đức đã truyền lại cho tôi tình yêu đối với ngôn ngữ này. Ngoài ra, ở Kazan có nhiều người Đức sinh sống, thậm chí có những thời điểm họ chiếm đến 1% dân số thành thị. Câu chuyện của họ rất thú vị đối với tôi, vì vậy từ khi còn bé, tôi đã gắn bó với người Đức.
- Như vậy là hơn một phần ba giai đoạn lịch sử Liên Xô gắn liền với trải nghiệm đau đớn của hàng triệu công dân đất nước. Trong khi đó, các nhà tâm lý học khẳng định rằng loại chấn thương này có tính di truyền. Bà có nghĩ rằng trải nghiệm của những năm đó ảnh hưởng đến nước Nga hiện nay, cụ thể là những người phê phán bà, không?
- Chắc chắn như vậy. Tôi không thể giải thích điều này trên quan điểm khoa học, nhưng tôi biết các kết quả nghiên cứu tâm lý xã hội, theo đó quá khứ quyết định hiện tại. Và trải nghiệm những năm đó ảnh hưởng đến quan điểm chính trị hiện nay, đến hành động của chúng tôi. Đối với một cá nhân, điều này ảnh hưởng tới nỗi sợ hãi của anh ta, thái độ của anh ta đối với nhà nước. Và ngược lại, trải nghiệm này ảnh hưởng tới thái độ của nhà nước đối với các công dân của mình. Đã từng trải qua thời kỳ trục xuất, bà tôi là một người rất nghiêm khắc. Và tính nghiêm khắc của bà được hình thành chính trong những năm sống lưu đày. Vì vậy bà tiếp nhận nó như một quà tặng của thời kỳ đó.
- Từ "quà tặng" nghe có vẻ tích cực...
- Nó cũng có thể là tiêu cực, có thể là thú vị - như một tiền đề của quá khứ. Suốt đời, tôi suy ngẫm về tính cách của bà tôi và hiểu ra rằng điều này quyết định cả tính cách của thế hệ mẹ tôi, các anh chị em của mẹ, và cả tính cách của tôi nữa. Đó là âm thanh của quá khứ vọng lại trong chúng tôi.
- Trải nghiệm mà Zuleykha vượt qua và giúp cô phát triển thường gắn liền với những khoảnh khắc rất đau đớn. Bà có hy vọng rằng nước Nga có thể vượt qua những thời điểm "đen tối" trong lịch sử của mình không?
- Vâng, tôi hy vọng như vậy. Tôi tin rằng điều này sẽ xảy ra. Đó chính là những gì tôi cố gắng nói với độc giả của mình. Không phải nói về việc lúc đó mọi người sẽ trở nên dễ dàng hơn, mà về việc chấp nhận quá khứ của mình.
Nhưng để vượt qua tất cả những cái đó phải mất rất nhiều thời gian. Những nhận xét khắt khe về cuốn sách chỉ xác nhận rằng nỗi đau còn nằm rất sâu. Tôi rất đồng cảm với những người đã từng sống và làm việc tại thời điểm đó. Tôi không thể nói tôi có thể hành động như thế nào - không ai nói được điều đó. Vì vậy tôi tin rằng vấn đề quan trọng hơn là thể hiện lòng trắc ẩn và chấp nhận câu chuyện này, chứ không phải giả vờ rằng nó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Để chấp nhận quá khứ của mình, cần có tình yêu. Và nếu những cuốn sách của tôi có thể giúp được điều gì đó, tôi sẽ rất hạnh phúc.
Trần Hậu dịch (Theo Inosmi.ru)
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511568
2231
2336
21942
218441
121356
114511568