Nhìn ra thế giới

Phục hồi ngôn ngữ bên bờ tiêu vong: kinh nghiệm từ tiếng Sámi ở Phần Lan

Người Sámi ở Phần Lan

Theo Liên hiệp Quốc, “các cộng đồng người và dân tộc bản địa là những cộng đồng, có sự liên tục lịch sử với các xã hội tiền xâm lược và tiền thuộc địa đã phát triển trên lãnh thổ của họ, tự coi mình là khác biệt với các khu vực khác của xã hội hiện đang chiếm ưu thế trong các lãnh thổ đó, hoặc ở một phần của chúng. Họ tạo thành những thành phần không thống trị trong xã hội hiện tại và quyết tâm bảo tồn, phát triển và truyền lại cho các thế hệ tương lai lãnh thổ tổ tiên và bản sắc dân tộc của họ, như là cơ sở để họ tiếp tục tồn tại với tư cách là con người, phù hợp với các mẫu văn hóa xã hội, thể chế và hệ thống luật pháp của riêng họ[1].

Địa bàn phân bố các ngôn ngữ Sámi 

Người Sámi (cũng viết Sami, Saami) là dân tộc bản địa duy nhất ở Liên minh châu Âu, với dân số ước tính khoảng 75.000 người, trong đó khoảng 40.000 người ở Na Uy, 15-20.000 người ở Thụy Điển, khoảng 10.000 người ở Phần Lan và khoảng 2.000 người ở Nga. Địa bàn cư trú của người Sámi tập trung ở phía bắc, dọc theo biên giới của các nước. Ở Phần Lan hiện nay chỉ có khoảng 34% người Sámi sống ở quê hương Sámi, gồm các địa phương (kunta): Enontekiö, Inari, Utsjoki nói chung và phần phía bắc của Sodankylä, tức là vùng Lapland (khu vực làng Vuotso). Số còn lại sống sống bên ngoài khu vực quê hương của họ, chủ yếu ở vùng thủ đô Helsinki (khoảng 7 000 người).

 

Ngôn ngữ Sámi

Có khoảng 9 -10 ngôn ngữ Sámi (South Sámi, North Sámi, Ume Sámi, Pite Sámi, Lule Sámi, Kildin Sámi, Ter Sámi, Bắc Sámi, Inari Sámi, Skolt Sámi và Akkala Sámi) tùy thuộc vào việc tiếng Akkala Sámi trên lãnh thổ Nga có bị coi là đã tuyệt chủng hay không[2]. Trong số đó có ba ngôn ngữ được biết đến nhiều nhất là tiếng Bắc Sámi, tiếng Inari Sámi và Skolt Sámi. Cả ba ngôn ngữ này đều có người sống trên địa bàn của Phần Lan ngày nay.

Tiếng Bắc Sámi là ngôn ngữ Sámi lớn nhất về địa bàn và số lượng người nói, với khoảng 2 000-2.500 người ở Phần Lan, và hơn 25.000 người khác trên khắp Na Uy và Thụy Điển. Chữ viết hay chính tả, của tiếng Bắc Sámi đã được thống nhất giữa người Sámi ở các nước Bắc Âu vào năm 1978.

Skolt Sámi và Inari Sámi có số lượng người nói ít hơn. Theo một nghiên cứu[3], vào năm 1994, có 545 người Skolt Sámi sống ở vùng Inari của Phần Lan. Đến đầu những năm 2000 còn lại chưa đầy 200 người, trong khi trước Thế chiến thứ hai, theo ước tính có khoảng vài nghìn người. Ở Nga, vào năm 2005 có khoảng 1 820 người Sámi, trong đó chỉ khoảng vài chục người được coi nói tiếng Skolt Sámi. Còn ở Na Uy có chưa đầy 30 người[4].

Inari Sámi là nhóm Sámi duy nhất có truyền thống chỉ sống ở Phần Lan, tập trung ở địa phương (kunta) Inari. Hiện nay có khoảng 700-900 người Inari Sámi, trong đó có khoảng 400 người nói tiếng Inari Sámi như tiếng mẹ đẻ.

Theo các chuyên gia của UNESCO, tất cả các ngôn ngữ Sámi đều nằm trong số những ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, trong đó có tiếng Inari và Skolt Sámi được xếp vào loại ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng. Ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng là ngôn ngữ đang bị đe dọa khi nó không còn được truyền lại như một ngôn ngữ tích cực hàng ngày cho các thế hệ mới hoặc việc truyền sang các thế hệ mới bị suy yếu. Vào những năm 1980, chỉ có bốn người nói tiếng mẹ đẻ là Inari Sámi và dưới 30 tuổi.

Địa vị của người Sámi đã được khẳng định trong Hiến pháp Phần Lan năm 1995. Người Sámi, với tư cách là người bản địa, có quyền duy trì và phát triển ngôn ngữ và văn hóa, cũng như sinh kế truyền thống của họ. Luật ngôn ngữ Sámi đầu tiên được ban hành vào năm 1992, được sửa đổi vào năm 2003, đảm bảo việc sử dụng ngôn ngữ Sámi, đặc biệt là trong các cơ quan có thẩm quyền ở vùng đất Sámi. Kể từ năm 1973, người Sámi đã có một cơ quan tự quản về ngôn ngữ và văn hóa của mình theo hiến pháp tại khu vực quê hương của họ gọi là Hội đồng Sámi (Sámediggi-The Sámi Parliament) được bầu bốn năm một lần.

Việc phục hồi ngôn ngữ Sámi được xúc tiến ở nhiều cấp độ và bình diện

Một trong những việc trọng tâm và trở thành mục tiêu rõ ràng nhất của Hội đồng Sámi là phục hồi các ngôn ngữ Sámi đang bên bờ tiêu vong trong sự liên kết với Hội đồng Sámi của Na Uy (thành lập năm 1989), Thụy Điển (thành lập năm 1993), một số trường đại học, học giả và các nhà ngôn ngữ, những người đã mất ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Hội đồng Sámi thúc đẩy việc giảng dạy các ngôn ngữ Sámi và văn hóa Sámi. Ban Giáo dục và Học liệu của Hội đồng Sámi và Văn phòng Giáo dục và Học liệu hợp tác với các địa phương của người Sámi, các nhà cung cấp giáo dục khác, các cơ quan Bắc Âu và cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Theo Báo cáo của Hội đồng Sámi năm 2016, rất nhiều dự án, phương pháp hoạt động ở các cấp độ, bình diện khác nhau đã được thực hiện trong hàng chục năm qua để phục hồi các ngôn ngữ Sámi.

 

1. Lập các nhóm trẻ tiếng Sámi ở nhà trẻ

Đây là hình thức được áp dụng theo mô hình phục hồi ngôn ngữ do người bản địa Maori ở New Zealand phát triển, được gọi là Tổ ngôn ngữ (Language Net) Sámi. Tổ ngôn ngữ Sámi đầu tiên - Inari Sámi (Kielâpiervâl), do Hội ngôn ngữ Inari Sámi (thành lập năm 1986) bắt đầu hoạt động vào năm 1997 tại làng nhà thờ Inari, đến nay đã có thêm hai tổ ngôn ngữ Inari Sámi mới. Tổ ngôn ngữ (Kielipesä, language nest) là nhà trẻ dành cho trẻ em Sámi dưới độ tuổi đi học, nơi ngôn ngữ Sámi được chuyển giao tự nhiên cho trẻ em, dù người giữ trẻ không phải là người Sámi. Ngay từ đầu, chỉ có ngôn ngữ Sámi được sử dụng trong tổ ngôn ngữ. Trong tổ ngôn ngữ, trẻ em có được các kỹ năng ngôn ngữ mẹ đẻ, lớn lên thành song ngữ và có thể học bằng tiếng Sámi ở trường cơ sở, sau giáo dục mầm non.

Cho đến năm 2018 có 13 Tổ ngôn ngữ Sámi được hình thành ở Phần Lan, trong đó 8 tổ ở quê hương Sámi, 3 tổ ở các thành phố (Helsinki, Oulu và Rovaniemi) và gần đây nhất là một vườn ươm ngôn ngữ Bắc Sámi ở làng nhà thờ Sodankylä. Trong số các tổ ngôn ngữ, hai tổ tiếng Skolt Sámi, ba tổ tiếng Inari Sámi và chín tổ tiếng Bắc Sámi. Kết quả hoạt động của Tổ ngôn ngữ đã chứng tỏ hình thức này rất hứa hẹn.

 

2. Dạy và học tiếng Sámi ở trường học

Việc giảng dạy tiếng Sámi bắt đầu ở Utsjoki và Inari vào giữa những năm 1970. Tất cả các trường tiểu học và trung học phổ thông ở quê hương Sámi hiện nay đều dạy tiếng Sámi. Việc giảng dạy bằng tiếng Sámi chủ yếu được cung cấp ở các lớp 1-6 của giáo dục cơ sở. Trong các trường học của Inari, cả ba ngôn ngữ Sámi của Phần Lan, Inari, Skolt và Bắc Sámi, đều là ngôn ngữ được học và dùng để dạy/học các môn. Trong các trường học của Utsjoki, tiếng Bắc Sámi là ngôn ngữ giảng dạy cùng với tiếng Phần Lan, nhưng môn học theo chủ đề cũng được cung cấp ở Skolt Sámi ngoài tiếng Bắc Sámi. Tại các địa phương khác như Enontekiö và Sodankylä, ngôn ngữ Sámi được dạy là Bắc Sámi.

Vào năm học 2018, Hội đồng Sámi và chính quyền Utsjoki đã khởi động một dự án do Bộ Giáo dục và Văn hóa tài trợ, nhằm dạy ngôn ngữ Sámi từ xa bên ngoài các địa phương quê hương của người Sámi. Từ năm học 2018-19, tiếng Sámi bắt đầu được học trong lớp học song ngữ tiếng Bắc Sámi - Phần Lan tại Trường Tiểu học Pasila ở Helsinki. Việc giảng dạy ngôn ngữ Sámi cũng được lên kế hoạch tại Làng Nhà thờ Oulu, Rovaniemi và Sodankylä.

Những nơi có các lớp học tiếng Sámi năm 2010 và 2020 

Chữ viết và chính tả của tiếng Inari Sámi được áp dụng vào năm 1992. Giáo dục cơ sở bằng tiếng Inari Sámi được bắt đầu vào đầu những năm 2000 là nhờ thành công của các tổ ngôn ngữ. Trong những năm 2010, việc học tiếng Inari Sámi đã được thực hiện ở các lớp trên của giáo dục cơ sở (7-9), và các lớp học bằng tiếng Inari Sámi đã có trong các trường ở Inari và Ivalo. Sự hồi sinh của ngôn ngữ Inari Sámi đã thu hút các nhà nghiên cứu song ngữ, các nhà dân tộc học quốc tế quan tâm. Số lượng người nói, đọc cũng như nghe, ví dụ: trong các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng bằng tiếng Sámi đã tăng nhanh. Ước tính hiện có khoảng 450 người nói.

Một thể nghiệm đặc biệt khác trong giáo dục mới được thực hiện gần đây góp phần hỗ trợ, làm phong phú và trau dồi việc sử dụng tiếng Sámi của trẻ nói tiếng mẹ đẻ đã được thực hiện với sự hợp tác giữa các trường học ở Utsjokisuu (Phần Lan) và Sirma (Na Uy). Sự hợp tác bắt đầu với các chuyến đi và tham gia các sự kiện chung, dần dần dẫn đến những ngày học chung giữa các trường. Học sinh trong các lớp học tiếng Sámi tại trường Utsjokisuu tham gia lớp học mỗi ngày một tuần tại Sirma, một trường dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Sámi. Đổi lại, các học sinh trường Sirma đến học mỗi ngày một tuần tại trường Utsjokisuu, một trường song ngữ Sámi-Phần Lan. Kết quả của việc hợp tác dẫn đến việc đề xuất thành lập một trường tư thục vùng biên giới nói tiếng Sámi trong năm nay và một kế hoạch cho chương trình giảng dạy tiếng Sámi ở Tenonlaakso, với “trái tim và linh hồn là ngôn ngữ Sámi”. Hợp tác xuyên biên giới hỗ trợ và củng cố ngôn ngữ Sámi, vì nó là ngôn ngữ chung duy nhất. Hợp tác ngôn ngữ xuyên biên giới cũng được tổ chức ở các vùng phía nam Sámi của Thụy Điển và Na Uy.

Ở trường trung học, Sámi cũng có thể được học như tiếng mẹ đẻ và như ngoại ngữ. Cả ba ngôn ngữ Sámi đều có thể là môn thi tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học.

Ở cấp độ cao hơn, Viện Giellagas của Đại học Oulu có nhiệm vụ quốc gia đặc biệt về nghiên cứu và giáo dục bằng các ngôn ngữ Sámi. Đây là đại học duy nhất ở Phần Lan có ngành đào tạo chuyên ngành ngôn ngữ Sámi, nơi có thể học cả ba ngôn ngữ Sámi nói ở Phần Lan như một ngôn ngữ chính hoặc phụ. Còn ngôn ngữ Northern Sámi có thể học tại các trường đại học Helsinki và Lapland. Đặc biệt, ở Na Uy có trường đại học Sámi Alaskuvla, chuyên cung cấp giáo viên tiếng Sámi. Ngôn ngữ chính để giảng dạy, quản lý và các hoạt động khác của trường là ngôn ngữ Sámi. Đây cũng là một nguồn cung cấp giáo viên tiếng Sámi của Phần Lan.

 

3. Mở các trung tâm dạy tiếng Sámi

Cùng với các trường học, còn có Trung tâm Giáo dục Sámi giúp cho việc học tiếng Sámi và thủ công mỹ nghệ truyền thống. Ngôn ngữ giảng dạy chính thức của trung tâm là tiếng Sámi và tiếng Phần Lan. Hàng năm Trung tâm có các lớp học chuyên sâu cho cả ba ngôn ngữ Sámi. Với sự trợ giúp của công nghệ mới, trung tâm tổ chức các khóa học ngôn ngữ Sámi trực tuyến bằng cả ba thứ tiếng Sámi cho người lớn với số lượng mỗi năm một nhiều hơn. Các khóa học qua mạng này giúp cho nhiều người có cơ hội tham gia vì hơn 70% người Sámi hiện không sống nơi quê hương của họ. Trong 15 năm qua các khóa học của Trung tâm đã đến được với khoảng 700 người trên khắp Phần Lan.

 

4. Phát thanh, truyền hình, âm nhạc, điện ảnh bằng tiếng Sámi

Cơ quan Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Phần Lan (Yle) có bộ phận tiếng Sámi, Yle Sápmi, cung cấp nội dung bằng cả ba thứ tiếng Sámi, phát cả các phim truyền hình dành cho trẻ em nói ba thứ tiếng Sámi, cũng như các chương trình radio, chương trình truyền hình tin tức và tin tức trực tuyến. Ngoài ra còn có một dịch vụ kiểu Netflix có tên là Sápmifilm phát trực tuyến phim bằng ngôn ngữ Sámi với phụ đề tiếng Anh. Ngoài ra, nó còn sản xuất tin tức truyền hình bằng tiếng Sámi trên kênh của Yle (Yle ođđasat) và hợp tác với đài Sámi của Thụy Điển và Na Uy, vd: bằng cách sản xuất bản tin truyền hình nói tiếng Sámi Bắc Âu (Ođđasat) và các chương trình phát thanh chung. Mô hình giao tiếp Sámi đa dạng không chỉ nâng cao việc sử dụng một tiếng Sámi nào đó mà tăng thêm hiểu biết về tiếng Sámi khác, vì những người nói các tiếng Sámi khác nhau học cách hiểu ngôn ngữ của nhau. Nó giúp giảm sự bất bình đẳng về ngôn ngữ và ảnh hưởng đến việc sử dụng, đồng thời làm cho các ngôn ngữ Sámi dễ nhìn và dễ nghe hơn.

Cùng với phát thanh và truyền hình, văn hóa, nghệ thuật cũng góp phần vào việc phục hồi tiếng Sámi và văn hóa Sámi. Một liên hoan phim bản địa hàng năm mang tên Skábmagovat (Ánh phản của đêm vô tận), đã được tổ chức ở Inari vào mùa đông từ năm 1999 và từ năm 2004 có thêm liên hoan âm nhạc bản địa hàng năm mang tên Ijahis Idja (Đêm trắng). Inari là nơi có Sajos, một trung tâm văn hóa Sámi mở cửa vào năm 2012 và Siida, một trung tâm thiên nhiên và bảo tàng Sámi mở cửa vào năm 1998.

 

Kết luận

Sau khoảng 30 năm, với sự cố gắng không ngừng nghỉ, bằng nhiều hình thức hoạt động khác nhau cộng đồng người Sámi ở Phần Lan đã dần dần phục hồi lại ngôn ngữ và văn hóa cũng như lối sống truyền thống của mình. Họ đã vượt qua những thách thức mà các dân tộc yếu thế gặp phải trong thời hiện đại để khẳng định sức sống và vị thế của mình như một dân tộc bản địa ở châu Âu, khiến cho hình ảnh của họ ngày càng được biết đến rộng rãi hơn trên thế giới. Cuộc chiến đó của người Sámi vẫn còn tiếp tục và cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía, song quyết định vẫn là người Sami, như Pirita Näkkäläjärvi, thành viên mới được bầu của Hội đồng Sámi nhiệm kỳ 2020–23, cố vấn về thống nhất và ủng hộ quyền của người Sámi nói: “Để giữ cho một ngôn ngữ tồn tại, cần có sự hỗ trợ một cách đồng bộ và chính thức. Nhưng cuối cùng, điều quyết định phụ thuộc vào chính chúng ta, những người sử dụng ngôn ngữ.” Những kinh nghiệm của người Sami cũng như của người Hawaii trong việc phục hồi ngôn ngữ của họ rất đáng được các dân tộc mà ngôn ngữ đang có nguy cơ bị tiêu vong trên thế giới tham khảo.

 

 

 Nguồn tham khảo

1. Hội đồng Sámi (https://www.samediggi.fi/?lang=en)

2. Skábmagovat indigenous film festival, Inari (https://www.skabmagovat.fi/)

3. Siida, Sámi museum and nature centre (https://siida.fi/en/)

4. Unna Junná, children’s television series in Sámi languages (https://areena.yle.fi/1-3430621)

5. Yle Sámi radio (https://areena.yle.fi/audio/ohjelmat/yle-Sámi-radio)

6. Yle Sámi online news (https://yle.fi/uutiset/osasto/sapmi/)

7. Xem phim Sámi online (https://www.sapmifilm.com/)

8. Nói tiếng Sámi (http://sayitinsaami.yle.fi/)

 


[1]https://www.un.org/esa/socdev/unpfii/documents/SOWIP/en/SOWIP_web.pdf

[2]Vào năm 1994 có khoảng 7 người nói tiếng Akkala, năm 2000, chỉ còn một người. Nhưng năm 2003 người nói cuối cùng này đã qua đời. Theo Neil Kent, The Sámi Peoples of the North – A Social and Cultural History, Hurst & Company, London 2018, tr.45, tr.66

[3]N. Kent, sđd. tr. 44

[4]N. Kent, sđd, tr.73

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503704

Hôm nay

2107

Hôm qua

2319

Tuần này

21174

Tháng này

221097

Tháng qua

120308

Tất cả

114503704