Văn hoá học đường

Học thêm

Con tôi, học lớp 4, mếu máo nói: Bố cho con nghỉ học, con không đi học nữa  đâu.

Con phải đi học. Tôi bảo.

Bố không đủ tiền cho con học đâu. Một buổi 50 000đồng.

Bố có tiền cho con đi học là được chứ gì.

Nhưng mà bố lấy đâu ra tiền?

Đó là đoạn đối thoại của cha con tôi trước một buổi học thêm của con tôi. Tôi vẫn quyết tâm cho con theo học. Trách nhiệm làm cha bắt buộc tôi phải làm điều đó. Không cho con học có khi lo mà ốm ra thì còn nguy hơn! Hơn nữa trong nhà có hai con, đã cho chị học chẳng nhẽ không cho em học. Em chỉ học thêm có 1 môn. Chị học đến 4 môn. Học phí mỗi buổi học/ 2 tiết của chị cũng từ 20 – 30 000đồng. Mỗi tuần tiền học thêm của chị tối thiểu cũng 200 000 đồng. Cộng với em 100.000 đồng/2 buổi, vị chi là mỗi tháng tôi phải có 1000 000đồng mới đủ tiền học phí “thêm” cho các con. Lương tôi được gần 2 triệu đồng/tháng, cộng với lương công nhân của vợ tôi chừng hơn triệu rưỡi, vị chi cả nhà được gần 3 triệu rưỡi đồng/tháng. Vậy là riêng khoản học phí học thêm của con đã chiếm đến hơn 1/4 “GDP” của gia đình. Non 3/4 còn lại là tất cả chi tiêu của gia đình trong 1 tháng, kể cả các khoản tiền học chính khoá, và học thêm(!) ở trường, của 2 đứa con. Tôi thường mong nhất là cả nhà đừng ai ốm đau gì. Và, nói ra thật xấu hổ, mong đừng nhận được thiếp mời đám cưới! Thôi thì, con mình phải lo. Phải cố “bóp hầu bóp cổ” cho con nó học hành để may chi nó kiếm được công ăn việc làm tử tế, đỡ khổ hơn cha mẹ nó. Đó là tâm sự, là tình thế, là “triết lý” của những người làm cha mẹ “chưa nghèo” như chúng tôi.( Bởi theo quy định mới nhất muốn là nghèo thì mỗi người phải ở mức dưới 390 000đồng/người/tháng ở thành phố).

Lâu nay, nhiều người, nhiều sách báo nói/bàn về chuyện này. Thậm chí đã có những công trình khoa học nghiên cứu về chuyện/hiện tượng này, phân  tích rất nhiều khía cạnh, tiếp cận từ nhiều hướng, sử dùng rất nhiều phương pháp/công cụ khoa học khác nhau. Cuối cùng cũng có một vài kiến nghị nhưng hầu như những kiến nghị đó cũng vô hiệu quả, như đấm vào bịch bông. Tôi không dám bàn những điều cao xa. Tôi xin nói những điều thiết thực mà tôi thấy và cảm nhận được.

1; Chuyện dạy thêm, học thêm là có thật 100% ở các địa phương, trừ vùng sâu, vùng xa, vùng quá nghèo.

2; Có cầu mới có cung. Cung thiếu mới có cầu. Nếu chương trình chính khoá dạy và học cho thật tử tế, dạy ra dạy, học ra học thì cơ bản không thể có  tình trạng dạy và học thêm phổ biến như hiện nay. Tại sao cũng thầy ấy, cô ấy, hết dạy học trò  ở trường vào buổi sáng rồi lại dạy học trò ấy, môn học ấy, bài học ấy, vào buổi chiều hoặc buổi tối? Dạy ở nhà tốt hơn chăng? Dành chương trình, kiến thức cho dạy thêm chăng?

Tôi cũng có cảm nhận mơ hồ rằng, phải chăng việc dạy học ở nhà trường đã cơ bản đáp ứng được các quy định của ngành giáo dục nhưng một số người đã tung hoả mù, làm nhiễu loạn đánh giá về việc dạy và học ở nhà trường gây nên áp lực tâm lý lo sợ cho phụ huynh về việc học của con em để làm “phổ biến” hơn việc “giáo dục” ngoài nhà trường.

3; Nếu cứ tiếp tục tình trạng dạy thêm, học thêm như hiện nay sẽ góp phần làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng xã hội. Nhà nghèo, thậm chí chưa nghèo,  như các gia đình công chức, viên chức không có “phong bì”, sẽ khó có điều kiện cho con được học hành như con các nhà giàu lắm tiền.(Trong số những người  lắm tiền, ngoài các doanh nhân, còn có không ít công/viên chức có bổng lộc. Vậy là ‘Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Tiếc là có một số “vua” cũng chỉ thành vua từ những con đường không mấy sạch sẽ, thậm chí là do một cái “nháy mắt” của thời cuộc chứ chẳng phải do tài cán gì). Chính những nhà giàu này đã “phá giá” thị trường học thêm. 50 000đồng/2 tiết chứ hơn nữa họ cũng đồng ý. Nếu thế thì rất khó cho con nhà nghèo. Họ đã đẩy xa hơn khoảng cách bình đẳng cơ hội học tập giữa con em  những người có tiền và con em những người ít tiền.

4; Tất nhiên là thuận mua vừa bán. Giá cả học phí là thoả thuận. Nhưng ngẫm thấy xã hội ta cũng lắm trò, trong số các nhà giáo cũng có “cai”, có “thầu”. Thầy cô có học vị cao, có chuyên môn cao thì đương nhiên là được thu học phí cao một cách “vô tư”. Nhưng đáng tiếc là các thầy, cô này lại đứng tên nhận trò, nhận tiền rồi sang tên cho người khác dạy, đứng giữa treo danh ăn tiền. Không biết các thầy có nghĩ cho, nhớ cho là phần lớn dân mình còn nghèo lắm, cố lắm mới được mấy đồng mồ hôi nước mắt cho con học thêm vì sợ các cô các thầy dạy chưa hết ở trường, mà lại lấy giá cao đến vậy và lại sang tên, bán “khách” như mấy anh lơ xe đò ở các đầu đường, đầu bãi. Ngay trên địa bàn thành phố Vinh, có không ít nhà giáo có thể nói là có thu nhập siêu cao, đứng vào câu lạc bộ 50 triệu - 70 triệu đồng/tháng. Tiếc cho mấy ông giáo sư xịn cả đời thực sự làm khoa học cũng chỉ được khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng

5; Dẫu biết là cơ chế thị trường,( cả nước ta cũng đang phấn đấu để được công nhận là có thị trường đầy đủ), nhưng mà tôi vẫn thấy có cái gì đó không được bình thường cho lắm. Là thị trường, cũng cần có bình đẳng, sòng phẳng, và những cảm thông người với người. Trong lĩnh vực giáo dục, thiết nghĩ càng cần phải có điều đó. Không nên và không thể chấp nhận mãi tình trạng  “đục nước béo cò” của một thời buổi nhộm nhoạm.

Tôi là dân nghèo, chắc là cái nhìn, cái nghĩ, cái cảm còn nông cạn lắm, nghèo lắm. Mong được mọi người cảm thông và đoái nhìn cho sự học thêm, đúng hơn là mua chữ của con nhà nghèo, và gần nghèo, nếu theo chuẩn mới của tổ chức xoá đói giảm nghèo.

                                                   

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515349

Hôm nay

227

Hôm qua

2367

Tuần này

2950

Tháng này

213288

Tháng qua

121009

Tất cả

114515349