Đất và người xứ Nghệ

Ba nhà folklore xứ Nghệ

Đó là Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao và Thái Kim Đỉnh.

Nhưng nghiên cứu folklore xứ Nghệ trong thời hiện đại không chỉ có ba ông mà còn có rất nhiều người khác nữa. Lớp đi trước ngoài ba ông còn có Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Chung Anh, Trần Hữu Thung,…; Lớp sau có Lê Hàm, Vi Phong, Thanh Lưu, Sầm Nga Di, Quán Vi Miên, Nguyễn Xuân Đức… Lớp sau nữa có Nguyễn Hũng Vỹ, Trần Hữu Đức, Sầm Văn Bình… Song hơn 100 năm trước các ông đã có Hoàng giáp Bùi Dương Lịch tiên phong và có nhiều thành tựu trong lĩnh vực này mặc dù thời đó folklore vẫn dính chặt với sử học trong Nghệ An ký của ông.

“Ba nhà folklore xứ Nghệ” là hiểu theo nghĩa nghiên cứu về folklore xứ Nghệ.

Về ba ông, theo chúng tôi nghĩ, đó là những người kiên trì nhất, miệt mài nhất và có nhiều thành tựu nhất trong nghiên cứu folklore xứ Nghệ. Một điều nữa, ba ông có mối liên hệ gắn bó trong cuộc sống và làm việc. Họ luôn coi nhau là bạn và Nguyễn Đổng Chi luôn được ông Giao, ông Đỉnh suy tôn là bậc thầy, đối đãi như thầy. Mà cũng đúng thôi, Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) đã bước vào con đường văn chương, học thuật và folklore trước Thái Kim Đỉnh (1926-2017) và Ninh Viết Giao (1933-2014) hai chục năm có lẻ.

Nguyễn Đổng Chi quê ở Can Lộc, khởi nghiệp cầm bút khi mới 17 tuổi với các tập truyện thiếu nhi Chí quả quyết, Tài trẻ nước Nam, Một nhà tan họp, Vườn xuân bạn trẻ, Tìm ra châu Mỹ. Ông lập thư viện Mộng thương thư trai ở quê cho dân làng đọc sách; viết cho báo Thanh-Nghệ-Tĩnh tuần báo,Tiểu thuyết thứ Hai,Bạn trẻ.Năm 20 tuổi ông được giải Nhì của báo Bạn Trẻ cho tác phẩm Yêu Đời. Tiếp đó ông có tập phóng sự Túp lều nát lên án chế độ cường hào từ thực tế nông thôn ở Nghệ Tĩnh. Hai năm sau, năm 1937, ông cùng anh trai Nguyễn Kinh Chi cho xuất bản Mọi Kon Tum là công trình khảo cứu đầu tiên về người Ba Na. Năm 1941, 26 tuổi, Nguyễn Đổng Chi hoàn thành công trình Việt nam cổ văn học sử.Có lẽ ông là một trong các nhà nghiên cứu hiện đại đầu tiên khẳng định những tác phẩm viết bằng chữ Hán của các tác giả cổ đại là một bộ phận tinh túy của văn học dân tộc ta. Ông cũng là người phát hiện ra ngọn nguồn của văn học dân tộc là lòng yêu nước và ý chí chống giặc giữ nước.

Mấy năm trước Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đổng Chi còn viết một số công trình khác như Hát dặm Nghệ Tĩnh, nghiên cứu tổng hợp từ đặc trưng đến hình thức diễn xướng, cho đến việc điều tra tiểu sử, sinh hoạt, giao du... của các nghệ nhân dân gian, xung quanh loại hình dân ca cổ truyền “hát giặm” của vùng Nghệ-Tĩnh; Đào Duy Từ, nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của nhà quân sự, nhà thơ, nhà văn hóa thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Sau đó ông trở về Hà Tĩnh gặp gỡ các bạn trong phong trào Mặt trận Dân chủ, tổ chức ra “Phường Tập phúc” - một hình thức “hội kín” biến tướng. Bị mật thám đe dọa ông vẫn không lùi bước, lại cùng một số bạn thanh niên yêu nước ra Hà Nội (1942), lấy cớ đi đọc sách ở Trường Viễn Đông bác cổ, để bắt liên lạc với Việt minh. Năm 1943, các ông trở về Hà Tĩnh tổ chức cơ sở đầu tiên của Mặt trận Việt Minh ở tỉnh. Khi có lệnh Tổng khởi nghĩa, ông đã chủ động cùng tổ chức Việt Minh ở quê lãnh đạo cướp chính quyền huyện Can Lộc sớm nhất trong tỉnh: 15-8-1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đổng Chi ra Vinh nhận công tác văn hóa, tuyên truyền.Ông làm Trợ bút báo Kháng địch (1945),Chủ bút báo Truyền thanh (1946) rồi Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc Nghệ An (1946). Ông còn lập Nhà xuất bản Ngàn Hống, viết và xuất bản các cuốn Phạm Hồng TháiLược sử các cuộc cách mạng trên thế giới (mới ra được 3 tập).

Năm 1955, sau biến cố cải cách ruộng đất, ông rời quê ra Hà Nội làm việc tại Ban Văn Sử Địa. Từ đây, ông chính thức bước vào giai đoạn hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp. Phạm vinghiên cứu của ông rất rộngtừ khảo cổ học, sử học, văn học, Hán Nôm học, folklore và hầu hết ở lĩnh vực nào ông cũng có vai trò tiên phong và đạt thành tựu đỉnh cao.

Về văn học, như đã nói, ông là tác giả của 2 tiểu thuyết Túp lều nátGặp lại một người bạn trẻ. Về nghiên cứu, sau Việt Nam cổ văn học sử, ông là đồng tác giả của bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (5 tập).

Về Hán Nôm họcông có: Thư tịch cổ nhiệm vụ mới (Chủ biên, 1977), Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm (Chủ biên, 1983). Với tư cách Viện trưởng Viện Hán Nôm, ông đã chủ trì, xây dụng hai công trình lớn: Bộ Từ điển thư tịch Hán Nôm Việt Nam  Lược thuật sách Hán Nôm.

Về sử học, đó là các công trìnhThời đại Hùng Vương (đồng tác giả, 1973), Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Việt Nam trong lịch sử xã hội phong kiến (1968-1978), Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút (1977), Nghề nông cổ truyền Việt Nam qua thư tịch Hán Nôm (Chủ biên, 1979-1980, in 1985). Một công lao lớn đối với sử học của ông là xây dựngkho tư liệu rất cơ bản cho thư viện Viện Sử học.

Nhưng sự nghiệp quan trọng nhất của ông là nghiên cứu folklore bao gồm cả sưu tầm và nghiên cứu. Ở địa hạt này ông đã có rất nhiều công trình lớn như: Lược khảo thần thoại Việt Nam; Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam; Từ điển thuật ngữ văn hóa dân gian; Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh; Hát giặm Nghệ Tĩnh; Vè Nghệ Tĩnh; Ca dao Nghệ Tĩnh.

Để thúc đẩy sưu tầm, nghiên cứu folklore và lịch sử, phổ biến phương pháp nghiên cứu cho cộng, đồng nhất là những người trực tiếp làm công việc này, ông viết:Vấn đề viết xã chí trên toàn miền Bắc, một yêu cầu cấp bách của công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa địaphương (1961), Phương pháp sưu tầm văn học dân gian ở nông thôn (cùng với Cao Huy Đỉnh và Đặng Nghiêm Vạn, 1966).

Thành tựu lớn nhất ở địa hạt này là trong 25 năm, ông đã sưu tầm, biên soạn Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 200 truyện, có cả chú giải, khảo dị công phu, tỷ mỷcác cốt truyện tương đồng không chỉ của người Việt mà còn của các tộc người thiểu số trong nước và của các dân tộc khác trên thế giới. Bộ sách gồm năm tập, 2.740 trang, đã được tái bản nhiều lần và dịch ra nhiều thứ tiếng. Với bộ sách này, ông hoàn toàn xứng đáng để được vinh danh như anh em nhà Grimm của người Đức, Pourra người Pháp hay A.N. Afanassiev của người Nga.

Một điều cần khẳng định nữa, rằng ông là người đi đầu và dành nhiều tâm huyết và công sức cho việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian Xứ Nghệ. Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh có thể nói là công trình lớn nhất, khái quát nhất, toàn diện nhất về folklore xứ Nghệ, không chỉ của người Việt/Kinh mà còn của các tộc người thiểu số trên địa bàn. Bộ công trình này còn đặt nền móng, chỉ ra các hướng nghiên cứu lâu dài cho các thế hệ tương lai.

Ông hoàn toàn xứng đáng với vị thế của một nhà văn hóa, nhà folklore hàng đầu của Việt Nam và Xứ Nghệ.

Ninh Viết Giao quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa nhưng lập nghiệp ở Nghệ An. Năm 1956, tốt nghiệp Đại học Sư phạm văn khoa, ông về dạy học ở trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Ngay từ khi bước chân vào Xứ Nghệ ông đã vừa dạy học ông vừa thực hiện sưu tầm, nghiên cứu folklore. Thành công đầu tiên của ông là Câu đố Việt Nam - xuất bản năm 1958. Tiếp đó là hàng chục năm ông miệt mài đi khắp Nghệ An, sang cả Hà Tĩnh để sưu tầm văn học dân gian. Có quãng thời gian từ 1966 đến 1970, trong lúc chiến tranh bom đạn loạn lạc ông vẫn một mình một xe đạp rong ruổi điền dã khắp các làng xã.

Đam mê, kiên trì, lại có phương pháp nghiên cứu, ông đã thành công. Lần lượt nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu về folklore của ông, và các cộng sự, đã ra đời. Đó là: Hát phường vải; Hát giặm Nghệ Tĩnh; truyện cổ Thái, Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, Kho tàng ca dao xứ Nghệ, Kho tàng vè xứ Nghệ, Ẩm thực xứ Nghệ, Trò chơi dân gian Xứ Nghệ, Nghề truyền thống, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An. Các công trình của Ninh Viết Giao (và cộng sự) đúng là một “kho tàng” lớn nhất về văn hóa dân gian xứ Nghệ đã được sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn và công bố. Đây còn là nền tảng vốn liếng cho các nghiên cứu lâu dài của các thế hệ mai sau.

Không dừng lại ở folklore, Ninh viết Giao còn dành công sức cho các lĩnh vực khác như văn học sử, lịch sử, địa chí…Về thể loại địa chí ông là chủ biên của nhiều tập sách như: Nam Đàn quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tân Kỳ truyền thống và làng xã, Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu, Địa chí văn hóa Quỳ Hợp, Địa chí văn hóa Diễn Châu, Địa chí huyện Tương Dương, Địa chí văn hóa huyện Hưng Nguyên, Địa chí huyện Nghi Lộc. Ông cũng là đồng tác giả Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh do Nguyễn Đổng Chi chủ biên.

Về nghiên cứu lịch sử ông là tác giả hoặc đồng tác giả của: Từ điển nhân vật xứ Nghệ, Giáo dục Nghệ An, Làng xã Nghệ An, Hương ước Nghệ An.

Về nghiên cứu văn học ông có: Văn bia Nghệ An, Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh, Thơ văn nhà Nho xứ Nghệ.

Những năm cuối đời, mặc dù mang trọngbệnh ông vẫn chủ trương, tổ chức biên soạn, và chủ biên bộ sách Nghệ An toàn chí 22 tập, 20.000 trang in. Là công trình tập thể nhưng thể hiện rất rõ quan điểm, tư duy học thuật, dấu ấn tác phẩm và vai trò tổ chức của Ninh Viết Giao.

Ông còn là tác giả của nhiều bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, nhiều tham luận ở các hội thảo khoa học về văn hóa dân gian, văn học, sử học.

Thái Kim Đỉnh quê Đức Thọ, là một nhà folklore kỳ cựu của Hà Tĩnh - Xứ Nghệ. Bắt đầu từ làm thơ (1945) nhưng từ cuối những năm 1960, với những vốn liếng tích lũy trong nhiều năm, ông chuyển sang sưu tầm nghiên cứu folklore. Cũng làm folklore ở trên đất Nghệ nhưng ông Đỉnh kín tiếng, âm thầm và đơn độc hơn trong các mối quan hệ quan phương. Ông Đỉnh lầm lũi tự học. Ông học trong công việc, trong bạn bè, đồng nghiệp, tự trao cho mình kiến thức và kỹ năng nghiên cứu. Tự học, tự mày mò nhưng ông đã sớm có những công trình của riêng mình. Đó là Cá gáy hóa rồng (1972) gồm 30 truyện dân gian sưu tầm ở Hà Tĩnh (tập I). Ở phần giới thiệu, sau khi phân loại thần thoại, truyền thuyết và cổ tích, ông nhận định, truyền thuyết có 3 tiểu loại là: Truyền thuyết lịch sử, truyển thuyết hoang đường và truyền thuyết anh hùng; Có ba tiểu loại cổ tích là: Cổ tích hoang đường, cổ tích thế sự và cổ tích lịch sử. Sau khi phân tích các tác phẩm ông cho rằng, truyện dân gian ở Hà Tĩnh phản ánh rất rõ, rất sát, rất thực đời sống của người nông dân Việt Nam ở vùng núi Hồng sông Lam.

Năm (1975), ông xuất bản tiếp tập II với tên gọi Sự tích núi Thiên Cầm gồm 40 truyện. Năm 1976, ông lại xuất bản tiếp Núi Hồng 99 ngọn kể về sự tích núi Hồng Lĩnh. Liên tiếp các năm 1981 và 1985, với sự cộng tác của các cộng sự, ông xuất bản 2 tập Truyện dân gian Nghệ Tĩnh, tổng cộng có 58 truyện, trong đó có 23 truyện của các dân tộc Thái, Thổ, Khơ mú. Cũng trên dòng nghiên cứu folklore ông còn có công trình nghiên cứu Hội lễ dân gian Hà Tĩnh (2005).

Bắt đầu từ thơ, định danh ở folklore, Thái Kim Đỉnh mở rộng địa hạt nghiên cứu sang lịch sử, văn học, địa chí, từ điển và có nhiều công trình có giá trị. Về văn học, ông có 20 tiểu luận về Bùi Dương Lịch, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Khản, Nguyễn Du, Phan Huy Thực, Đặng Dung, Thiệu Trị… về Bốn nhà thơ mới Hà Tĩnh (Huy Cận, Thái Can, Quỳnh Dao, Xuân Diệu)… Ông là dịch giả của hàng trăm bài thơ chữ Hán của các tác gia kim - cổ. Ông sưu tầm và phiên dịch Truyện Kiều (sưu tầm ở Tiên Điền). Ông là đồng tác giả với Trần Hữu Thung trong công trình Từ điển tiếng Nghệ (1998). Về sử học ông có nhiều bài nghiên cứu về các nhân vật, sự kiện lịch sử của/ở Hà Tĩnh.

Khoảng hơn 20 năm trở về sau, Thái Kim Đỉnh còn dồn sức cho việc biên soạn địa chí các địa phương trong tỉnh. Bắt đầu từ Thành Sen 160 năm (1991), 130 năm huyện Kỳ Anh (1996) đến Địa chí Đức Thọ, Địa chí Can Lộc, Địa chí Thạch Hà, Địa chí Hương Sơn, Đất và Người Vũ Quang… Mỗi tập sách đều từ 700-900 trang đã chứng tỏ nguồn tư liệu mà ông và các cộng sự dồn vào đây là rất lớn, công sức là rất nhiều.

Nói về sự nghiệp của Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Thái Kim Đỉnh ngoài các công trình đã xuất bản không thể nói đến vai trò tổ chức khoa học. Nếu Nguyễn Đổng Chi là người tổ chức nhà xuất bản Ngàn Hống, xây dựng hệ thống tư liệu cho thư viện của Viện Sử học, người đặt nền móng cho Viện nghiên cứu Hán Nôm để thực hiện các công trình nghiên cứu có phạm vi toàn quốc; Ninh Viết Giao là người sáng lập Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An thì Thái Kim Đỉnh cũng là sáng lập viên của Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh. Ba ông còn là những người có công xây dựng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ba ông cũng có công lớn trong việc đào tạo, rèn luyện kiến thức, kĩ năng và khích lệ rất nhiều đi vào con đường nghiên cứu folklore.

Xứ Nghệ đã may mắn có nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ công sức, nghị lực và tâm huyết để sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến folklore vào/cho cuộc sống, góp phần quan trọng bảo tồn truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao và Thái Kim Đỉnh là ba người đi đầu, có công bậc nhất trong công việc khó khăn này ở Xứ Nghệ.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522787

Hôm nay

237

Hôm qua

2282

Tuần này

21561

Tháng này

220726

Tháng qua

121009

Tất cả

114522787