Người xứ Nghệ

Hai tác giả của Đại Đồng khoa lục trường biên

ĐẠI Đồng khoa lục trường biên (ĐĐKL), cuốn sách ghi chép đầy đủ danh tính, gia thế, quê quán, hành trạng cùng các khoa thi và thứ hạng trúng tuyển của các vị khoa bảng (từ sinh đồ, tú tài trở lên) của tổng Đại Đồng, từ các triều đại từ trước tới khoa thi Hương cuối cùng của triều Nguyễn, Kỷ Mùi, Khải Định 4 (1924), nhằm: “Một là để biểu dương văn hóa nước nhà; hai là để bồi đắp thanh phong bờ cõi bằng những hình ảnh đẹp, những truyền thống tốt để lại cho người sau này mà làm thịnh quê hương”.

Ấy là thịnh tình là thiện chí của hai Nho sĩ Đại Đồng Trần, Nguyễn vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, khi “Hội văn minh tiến hóa đang có sự đua tranh về lợi thế giữa tân và cựu học”, mong sao “nền danh giá quê hương Đại Đồng không ngừng phát triển luôn được tôn vinh”. Từ chí nguyện ấy, nơi đây, cũng như nhiều nơi khác vốn là đất học, trước xu thế “Nho giáo và chữ Hán mất địa vị độc tôn lâu đời của nó”, họ đã ngộ ra cái lợi thế của chữ quốc ngữ để cùng nhau theo và khuyến khích con cháu theo học, tạo nên lớp tri thức mới tiếp thu được cả văn hóa phương Đông, phương Tây, có kiến thức, có nhân cách. Khi được giác ngộ nhiều người trong số đó đã trở thành lớp trí thức mới có ý thức có nhiệt tình cách mạng dốc tâm trí phụng sự Tổ quốc phục vụ nhân dân, góp phần đáng kể vào công cuộc kháng chiến kiến quốc, ngay trước và từ những ngày đầu cách mạng tháng Tám thành công.
Đối với Thanh Chương, cùng với hai cuốn Huyện chí và các cụm bia Văn chỉ ở 2 tổng Cát Ngạn và Võ Liệt hiện còn, ĐĐKL đã góp vào di sản Hán Nôm Xứ Nghệ một nguồn tư liệu đáng tin cậy về địa chí lịch sử và truyền thống hiếu học của một vùng văn hiến.
Xin trích dịch và giới thiệu tóm tắt những trang phả và văn bia tưởng niệm cùng hai lời tựa của cuốn sách vừa nêu để chúng ta hiểu thêm về hai tác giả ĐĐKL.
1. Hiến phong Trần Văn Quán (1869 – 1925)
Trần tiên sinh, tên húy là Khiêm, tự Văn Tiến, sau đổi Văn Quán, sinh vào giờ Sửu ngày 2 tháng 9, năm Kỷ Tỵ, Tự Đức 22 (1869), người thôn Thọ Sơn, xã Hiến Lãng, tổng Đại Đồng (nay thuộc xã Thanh Hưng, Thanh Chương).
Vốn con nhà dòng dõi, thời trẻ thấm nhuần lời dạy bảo của cha mẹ, chăm việc học hành, hiểu biết sâu rộng, văn chương lưu hoạt. Năm Tân Mão, 23 tuổi, dự thi lần đầu, vào Đệ nhất trường. Tới khoa Giáp Ngọ, 1894, do có tang cha nên không ứng thí; ở nhà theo học cụ Cử Đại Định, sức học ngày càng tấn tới. Tháng giêng năm Đinh Dậu, Thành Thái thứ 9, 1897, bản xã tổ chức thi thử, rước các vị quan thân của tổng làm chánh chủ khảo, sơ hạch theo quy tắc Tam trường, ông đứng đầu. Tháng 6 năm ấy, thi Hương, ông trúng Cử nhân vào hàng 22.
Ngày vinh quy, xã cử người về tỉnh đón, thân hào chức sắc bản xã, bản thôn cùng phu dịch mang cờ trống tới Sa Nam rước về, lấy đình làng làm nơi yết lễ.
Khoa Mậu Tuất Thành Thái thứ 10, 1898, ông vào Kinh thi Hội; thi xong, ông nộp đơn xin ra làm việc. Tháng 11 năm sau, bộ Lễ chuẩn cho vào học ở trường Quốc học, học thêm tiếng Pháp. Ngày 23 tháng 1 Tân Sửu (1901), được bổ làm lục ký ở Tòa khâm sứ, tháng 6 bà Ngô Thị, chính thất, vào kinh chung sống. Tháng 11 năm ấy, được chuẩn Hàn lâm viện Kiểm thảo (hàm tòng thất phẩm); Ngày 24/3/Quý Mão, 1903, đổi về Đồn điền Củng Sơn thuộc huyện Sơn Hòa, Phú Yên giữ chức Ký lục Đại lý. Nơi đây, rừng sâu núi hiểm đầy lam chướng. Không chịu nổi, ông xin chuyển về nơi khác. Tháng 2 năm Giáp Thìn, lại đổi về Tòa sứ Lũng Cầu, với nghề ký lục như bấy lâu nay một viên chức nhỏ trong vòng ràng buộc của người Tây, “không dễ chịu chút nào” với một nhà Nho mô phạm. Cũng vì vậy mà chúng chỉ dùng cái vốn hiểu biết cả hai ngoại ngữ của ông mà không trọng dụng. Mãi tới tháng 11 năm Đinh Mùi, Duy Tân nguyên niên, 1907, 34 tuổi, ông mới thăng Tu soạn, lĩnh chức giáo thụ phủ Tuy Hòa.
Tháng 3 năm Canh Tuất, 1910, thi Hội, đạt tới Tứ trường, thiếu nửa điểm nên không trúng cách. Tháng 5 về lị sở làm việc. Ngày 22/6, được chuẩn thăng Đốc học Quảng Bình, một học quan hợp sở năng sở nguyện.
Mùa đông năm Tân Hợi, Duy Tân 5, 1911, Hiến phong Trần Văn Quán biên soạn “Đại Đồng Khoa lục trường biên”, cẩn trọng đề tựa :
..."Tra cứu khoa mục từ thời trước tới nay để thuật lại tính danh, niên quán, khoa thứ và hành trạng của các vị thuộc tổng ta, thành một cuốn, lấy nhan đề “Đại Đồng khoa lục trường biên”. Một là để biểu dương văn hóa nước nhà; Hai là để bồi đắp thanh phong bờ cõi bằng những hình ảnh đẹp, những truyền thống tốt để lại cho người sau noi theo mà làm thịnh văn khí quê hương.”
Trần tiên sinh không chỉ lo lau sáng gương xưa bằng việc biên soạn khoa lục hàng tổng mà ông còn chăm sóc tới sự học của con cháu mình và đồng thời cũng rất quan tâm tới sự học của con em trong xã như lập văn hội, dựng văn miếu, tu chỉnh án cầu khoa. Tháng giêng năm Giáp Tý, ông cáo quan về làm giỗ tiên khảo, nhân dịp này, ông cùng Hội đồng, thân hào bản xã bản định, lập đơn xin, quyên tiền của, dựng 3 phòng học đầu tiên của xã Hiến Lãng.
Ngày nay, với Thanh Hưng, có thể lấy tháng Giêng năm Giáp Tý (tức tháng 2 năm 1924) làm mốc để tính tuổi của Trường tiểu học xã nhà, mốc lịch sử của một ngôi trường ra đời vào tốp đầu của huyện Thanh Chương hiếu học.
2. Vĩnh am Kính Trai Nguyễn Cát (1855 – 1937)
Ông người Giáp Đinh Chu, xã Đại Đồng. Sinh giờ Ngọ, ngày 11 tháng 9 năm Ất Mão. Cử nhân khoa Mậu Dần, Tự Đức (1878), năm 30 tuổi. Là con của Tú tài Văn Kiều; Cha của Cử nhân Nguyễn Đôn Tín. Trải 3 kỳ thi Hội. Buổi đầu giữ chức Huấn đạo Thanh Chương. Nhân tỉnh thành hữu sự, về; Sau đó bổ Huấn đạo Can Lộc. Lại vào kinh thi Hội. Đổi giữ chức Điển tịch tùng Lại bộ hành tẩu. Thăng Biên tu trứ tác. Đổi về giữ chức Giáo thụ phủ Thọ Xuân. Có tang cáo về. Mãn tang hậu bổ. Đến tuổi 60, chuẩn thăng Hàn lâm viện thị độc, hưu trí. Tới năm 62 tuổi, ông cùng hội đồng thân sĩ của tổng gồm 13 vị tham gia biên tập, khảo đính, hiệu duyệt trước khi tàng bản ĐĐKL.
Đệ tử của ông nhiều người thành đạt: Song nguyên Đồng Tiến sỹ Vương Hữu Phú, Phó bảng Vương Đình Trân, Vân Sơn (Vân Diên); Phó bảng Lê Trọng Phan, Xuân Liễu; Phó bảng Tạ Thúc Đỉnh, Thừa Thiên; Cử nhân Nguyễn Tài Thiện, Lưu Sỹ Chương, bản xã; Cử nhân Võ Văn Tộ, La Mạc; Giải nguyên Lê Dục Hinh, Xuân Hồ; Giải nguyên Trần Trinh Hợp, Thừa Thiên; Cử nhân Võ Thiếu Trinh, Quảng Ngãi; Cử nhân Lê Văn Diệu, Đô Lương; Cử nhân Nguyễn Phượng Lãm, Đức Nhuận; Cử nhân Phạm Đình Giáp, xã Hoàng La, Đồng Thành và nhiều Tú tài là môn đệ.
Sau khi Vĩnh Am tiên sinh qua đời, để tưởng nhớ ân đức, thầy giáo đã dạy dỗ mình nên người, môn sinh dựng bia Tư Hiền tại từ đường họ Nguyễn - Đồng Dinh (nay thuộc xã Thanh Tường, Thanh Chương) Văn bia có đoạn viết:
...Đất trời mãi còn, đạo nghĩa chưa mất, cứ xem như ở Tiên sinh là thấy rõ. Triết nhân đã đi xa, danh vọng ngày càng cao, tuổi tác đức hạnh đều lớn, người hiền như Tiên sinh quả là hiếm vậy.
Kính xin chắp tay làm bài minh dâng Tiên sinh. Minh rằng:
Kính trông Tiên sinh/Đức hạnh bậc thầy
Châu ngọc sáng láng/Phượng hoàng uy nghi
Như Hán Ấu An/Như Đường Tử Chi
Một lòng hành đạo/Bao đời đồng quy
Núi Nhẫn cao thay/Sông Lam trong thay
Giấc tiên muôn đời/Bia đại hiền đây
Hoàng Triều Bảo Đại thứ 13, mùa đông Mậu Dần
                Ngày 15 tháng 11 (1938)
Tử chấp: Lễ Bộ thượng thư trí sự, Phó bảng Mai Khê
             Nguyễn Thúc Dinh bái thư
Nhị giáp Tiến sỹ tham tri trí sự An Kim Đinh Văn Chấp tham đính
Bạn đồng niên ân giải đại phu thị giảng hưu trí thọ quan
Chu Đình Tùng Trai phụng nhuận
(Giáo sư tiến sĩ NGUYỄN TÀI CẨN dịch.
Hậu sinh BÙI VĂN CHẤT phụngnhuận)


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445835

Hôm nay

250

Hôm qua

2285

Tuần này

21444

Tháng này

212094

Tháng qua

120141

Tất cả

114445835