Nhìn ra thế giới
Kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa từ Nhật Bản
Lâu đài Matsumoto - Một trong những lâu đài lâu đời nhất tại Nhật Bản, ảnh Soha
Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống di sản văn hóa phong phú hàng đầu thế giới. Mặc dù phải đối mặt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, gánh chịu rất nhiều thiên tai và áp lực mạnh từ sự phát triển, hiện đại hóa kinh tế - xã hội song quốc gia này vẫn luôn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử lâu đời. Những kinh nghiệm quý báu trong bảo tồn di sản văn hóa của Nhật Bản có giá trị lớn để các quốc gia, trong đó có Việt Nam học hỏi.
Trước hết, điều làm nên thành công của Nhật Bản trong công tác bảo tồn di sản chính là ở nhận thức và quyết tâm của Chính phủ cũng như Nhân dân Nhật Bản trong gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Xác định văn hóa và các di sản văn hóa là yếu tố quan trọng, là động lực của sự phát triển, Nhật Bản đã sớm có những chính sách bảo tồn di sản văn hóa. Ý chí này được thể hiện mạnh mẽ và thực tế qua hệ thống pháp luật chặt chẽ, tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ. Việc quan tâm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đã được quan tâm từ thế kỷ XIX. Đến những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, Nhật Bản bắt đầu ban hành hệ thống văn bản, đạo luật về bảo tồn các di tích, danh thắng, bảo vật quốc gia. Năm 1950, Luật Bảo vệ di sản văn hóa được thông qua và là cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động bảo tồn. Điều đặc biệt đáng chú ý là Luật Bảo vệ di sản ra đời sau khi thế chiến thứ II kết thúc không lâu và đất nước Nhật Bản phải gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề. Điều đó cho thấy sự quan tâm của chính quyền đối với văn hóa và các di sản. Hệ thống các văn bản pháp luật dần được hoàn thiện cho đến hôm nay. Ngoài các luật trên, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn phải đảm bảo theo các luật khác như Luật Du lịch, Luật Kiểm soát ô nhiễm, Luật Bảo tồn thiên nhiên,...
Việc quản lý, bảo tồn di sản được phân cấp một cách rõ ràng và hiệu quả. Vai trò của cộng đồng được đặc biệt nhấn mạnh. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong quản lý, ban hành luật lệ, phân bổ nguồn vốn và đặc biệt là bảo vệ di sản trước nguy cơ thiên tai song các hoạt động bảo tồn di sản chủ yếu được thực hiện ở cấp địa phương. Chính phủ có vai trò hướng dẫn chính quyền các cấp thực hiện những biện pháp này. Chính quyền địa phương đóng vai trò trung gian, kết nối liên lạc giữa Nhà nước và người thực hiện, cung cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức tư nhân, cá nhân sở hữu di sản, người dân địa phương tham gia vào công tác bảo tồn. Xác định rõ Nhân dân là chủ thể quan trọng của công tác bảo tồn, Nhà nước luôn quan tâm, hướng dẫn, tăng cường phổ biến luật pháp, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ di sản.
Là quốc gia hứng chịu rất nhiều thiên tai và điều kiện thời tiết khắc nghiệt như động đất, sóng thần, bão, lụt,… Nhật Bản luôn chú trọng các phương án bảo vệ di sản, thiết lập hệ thống quản lý rủi ro từ thiên tai, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến ngăn chặn và chuẩn bị tốt để ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Hệ thống này được xây dựng một cách bài bản, chi tiết, vận dụng các kiến thức địa phương và thực tiễn ứng phó thiên tai của Nhân dân. Ngoài các biện pháp cứng như xây dựng hệ thống phòng cháy, chống lụt,…, chính quyền còn chú trọng các biện pháp mềm như phát hành các sách hướng dẫn, phổ biến kiến thức cho cộng đồng trong chuẩn bị và đối phó với thiên tai. Ngoài các biện pháp chuẩn bị, ngăn ngừa, Nhật Bản cũng hoàn thiện hệ thống các biện pháp khắc phục tức thời và phục hồi sau thảm họa. Các sáng kiến, cách làm hay của địa phương sẽ được ghi lại và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Trong công tác bảo tồn di sản, Nhật Bản đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người. Các nghệ nhân được xem là “quốc bảo”, được quan tâm đãi ngộ xứng đáng. Những người này được chu cấp kinh phí hàng tháng, hưởng một số chính sách ưu đãi về thuế,... Bên cạnh đề cao và quan tâm tới những người gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, chính quyền còn chú trọng đến công tác đào tạo, tìm kiếm người kế thừa. Điều này giúp những giá trị văn hóa phi vật thể được giữ gìn, trở thành một dòng chảy xuyên suốt, không bị đứt gãy, không bị mai một hay biến mất. Việc tôn trọng các nghệ nhân và thể hiện sự tôn trọng bằng những chính sách, hành động thiết thực không chỉ giúp bảo tồn các di sản mà còn giúp các thế hệ sau có niềm tin, có động lực để sẵn sàng trở thành những người kế cận tiếp nhận và lưu giữ chúng.
Ẩm thực Nhật Bản luôn được quảng bá rộng rãi trong nước và quốc tế ở nhiều sự kiện khác nhau. Nguồn ảnh Pinterest
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Nhật Bản luôn phải đối mặt với áp lực từ thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội. Cùng với sự thay đổi đó là nhiều giá trị văn hóa có khả năng bị mai một. Để thích nghi và đối phó với thực trạng trên, quốc gia này luôn tìm tòi nhiều phương thức để đưa các phong tục, nghi thức, ẩm thực,…truyền thống vào đời sống hiện đại một cách linh hoạt, phù hợp. Ví dụ như tăng cường quảng bá sản phẩm, ẩm thực truyền thống trên các phương tiện truyền thông; đưa hình ảnh món ăn, trang phục truyền thống,…vào các bộ phim, quảng cáo, các lễ hội, triển lãm để người dân, đặc biệt là giới trẻ biết đến và trải nghiệm. Các biện pháp được triển khai đa dạng, sáng tạo, phù hợp với xu thế hiện đại nên thu hút được sự quan tâm không chỉ của giới trẻ trong nước mà còn cả với du khách quốc tế.
Song song với công tác bảo tồn, Nhật Bản chú trọng đến các hoạt động khai thác, phát huy giá trị của di sản. Từ những năm 70 của thế kỷ XX, việc khai thác di sản cho hoạt động du lịch đã được quan tâm thực hiện. Chính quyền đã mạnh dạn cải tạo, chuyển đổi hình thức sử dụng một số tòa nhà cổ, ví như cải tạo thành bảo tàng, đón khách tham quan và trải nghiệm. Yếu tố bảo tồn giá trị luôn được coi trọng nhưng không có nghĩa là bảo vệ một cách xơ cứng. Điều này đã giúp các di sản thực sự được bảo tồn bền vững và sống trong đời sống hiện đại. Các hoạt động này luôn được đảm bảo bởi Luật Du lịch và Luật Bảo vệ di sản cùng các văn bản pháp lý liên quan để quá trình khai thác không làm mai một, xâm phạm đến giá trị di sản.
Nhắc đến Nhật Bản người ta không chỉ biết đến một đất nước văn minh với trình độ kỹ thuật hiện đại, tính kỷ luật cao mà còn là đất nước có truyền thống văn hóa đặc sắc. Có được điều đó là nhờ vào nỗ lực thống nhất, xuyên suốt của Chính phủ và Nhân dân nơi đây. Thời gian qua, Nhật Bản cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản thông qua một số dự án. Hy vọng, ngoài những kinh nghiệm, kiến thức trực tiếp được hướng dẫn, chúng ta hãy tích cực tìm hiểu những biện pháp, cách làm hay của quốc gia này để áp dụng hoặc điều chỉnh những gì còn bất cập trong công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay tại Việt Nam.
tin tức liên quan
Videos
“Cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết …”
Điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi)
Chợ quê giữ lại hồn quê những gì?
Ngành Văn hóa Nghệ An - 79 năm đồng hành cùng đất nước
Học Bác tấm lòng nhân ái để chăm lo tốt chính sách đối với người có công
Thống kê truy cập
114504832
2255
2287
22302
211705
121356
114504832