Đất và người xứ Nghệ
Cọn nước vùng cao
Hệ thống cọn nước giữa dòng Chà Hạ, xã Yên Hòa (Tương Dương). Ảnh Công Khang
Giống với đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc của đất nước, xưa nay bà con một số địa phương ở vùng cao Nghệ An dùng cọn nước để dẫn nước tưới mát cho đồng ruộng, giúp mùa màng tươi tốt, bội thu. Vì thế, cọn nước trở thành nét văn hóa độc đáo của cư dân vùng cao và ngày nay đang được khai thác phục vụ cho phát triển du lịch.
Rong ruổi trên các nẻo đường vùng cao Nghệ An, thi thoảng chúng ta lại bắt gặp những cọn nước ngày đêm miệt mài đứng quay dọc các con khe, con suối để đưa nước lên tưới cho đồng lúa, mang đến mùa vàng ấm no cho bản làng. Những cọn nước ấy còn điểm tô thêm vẻ trù phú và nhịp sống bình yên cho bản mường, cũng là nơi trai gái hò hẹn, người già và con trẻ ngồi hóng mát mỗi buổi chiều hè. Nghĩa là, không đơn thuần là phương tiện dẫn nước phục vụ sản xuất, cọn nước còn gắn bó với đời sống, sinh hoạt của bản làng từ đời này qua đời khác.
Để chế tác ra một cọn nước đòi hỏi trải qua nhiều công đoạn và sự công phu, tỉ mỉ của bà con nông dân vùng cao. Nguyên liệu để chế tác cọn nước gồm những thứ gần gũi xung quanh như gỗ, tre, nứa, mây… Việc lựa chọn nguyên liệu đòi hỏi phải có kinh nghiệm như chọn cây gỗ thẳng, nhẹ, mềm để làm trục để tránh bị mài mòn nhanh; chọn loại nứa thẳng, già để làm nan chắc, bền; chọn loại tre dẻo để làm khung cho vững. Xung quanh vành khung là những chiếc quạt được đan từ nứa để cản nước, tạo lực đẩy cho toàn guồng. Những chiếc gàu được gắn quanh khung, khi gàu được quay đến mặt khe, suối nước sẽ tràn vào, đến độ cao nhất định chiếc gàu sẽ nghiêng và toàn bộ nước sẽ chảy vào ống dẫn chảy về ruộng.
Cọn nước có kích thước lớn hay nhỏ tùy thuộc vào địa hình khe, suối; nếu khe, suối rộng và sâu có thể làm những cọn nước lớn, nhưng khe, suối hẹp và cạn nhất định phải làm cọn nhỏ. Tóm lại, cọn nước có chức năng dẫn nước từ khe, suối lên những thửa ruộng có vị trí cao để gieo cấy và chăm bón cho cây lúa, vừa tiết kiệm sức lao động, vừa tạo nên cảnh quan bản làng. Qua đó, thể hiện sự sáng tạo trong lao động, sản xuất của người nông dân vùng cao và phần nào thể hiện nét bản sắc văn hóa, mang đậm dấu ấn nền văn minh lúa nước. Vì vậy, ở một số điểm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, những cọn nước bên suối còn được sử dụng làm điểm check-in, giúp cho khách du lịch có được những bức ảnh ưng ý khi hòa mình với cảnh vật của bản làng, khe suối.
Phụ nữ Thái duyên dáng bên cọn nước. Ảnh Công Khang
Vùng cao Nghệ An có nhiều khe, suối và những cánh đồng nhỏ nằm dọc đôi bờ nên một số nơi bà con nông dân làm cọn nước để dẫn nước lên ruộng. Nổi bật là hệ thống gần 50 cọn nước giữa dòng Chà Hạ ở xã Yên Hòa (Tương Dương), hay hàng chục cọn nước ở cánh đồng Mường Chon thuộc xã Bình Chuẩn (Con Cuông) và cánh đồng bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Qùy Châu). Đây là nơi cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Thái, hệ thống cọn nước đã khiến cảnh quan nơi đây thêm phần tươi đẹp, gợi lên nét cổ kính và nhịp sống ấm no của bản làng. Những địa phương này đã trở thành điểm du lịch cộng đồng hoặc đang được quy hoạch, xây dựng điểm du lịch cộng đồng. Và hệ thống cọn nước được xem là một trong những điểm nhấn để mời gọi, “níu chân” du khách. Đến đây, du khách thường rảo bước ngắm cánh đồng lúa, trải nghiệm cuộc sống lao động của bà con nông dân và không thể bỏ qua việc check-in bên những cọn nước để có những bức ảnh độc đáo. Và những cọn nước xinh đẹp bên dòng suối đã góp phần lan tỏa sức hấp dẫn cho các điểm du lịch cộng đồng, để du khách tìm đến ngày một nhiều hơn.
Ông Lương Duy Doanh - Giám đốc Truyền thông CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết: “Những cọn nước bên khe, suối đã góp phần làm nên vẻ đẹp của của cảnh sắc bản làng vùng cao Nghệ An. Nét độc đáo này có sức cuốn hút du khách đến từ Hà Nội và các thành phố lớn, cũng là điểm để trải nghiệm đời sống lao động, sản xuất cũng như phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa cộng đồng”.
tin tức liên quan
Videos
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522793
243
2282
21567
220732
121009
114522793