Những góc nhìn Văn hoá

Đền Khai Long thờ ai?

Biển gỗ  khắc niên đại trùng tu đền Khai Long, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh Trần Hữu

Đền Khai Long tọa lạc dưới chân Rú Đền (tên chữ Hán là “Chi Long sơn), làng Đông Bích, xã Thuần Trung, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn (nay là xóm 1, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương) là một ngôi đền linh thiêng có tiếng trong vùng. Hiện nay chưa xác định được chính xác niên đại xây dựng đền. Tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu Hán Nôm[1] thì đạo sắc phong sớm nhất cho thần Khai Long Sứ Quân là sắc phong niên hiệu Đức Long năm thứ 5 (1633). Như vậy, có thể khẳng định rằng đền Khai Long phải có trước năm 1633. Việc thờ phụng thần ở đây phải diễn ra một thời gian khá dài rồi mới được triều đình sắc phong.

Trải qua thời gian, đền đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Trong đó có hai lần trùng tu lớn vào cuối thời Nguyễn được ghi chép lại là năm Tự Đức thứ 25 (1872) và năm Thành Thái thứ 13 (1901). Theo tài liệu biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872) cho biết, đền Khai Long được gọi là “Thượng Đẳng Khai Long Linh Từ”. Mặc dầu trong sắc phong thần của triều đình chỉ giao cho xã Thuần Trung phụng sự nhưng trên thực tế thì cả 20 làng của 5 xã (Thuần Trung, Phật Kệ, Trường Mỹ, Phượng Nghi, La Sơn) thuộc tổng Thuần Trung cùng phụng sự. Đền có kiến trúc gồm 3 tòa: Thượng đường, Trung đường, Hạ đường và Nghi môn. Mỗi hạng mục công trình giao cho mỗi xã có trách nhiệm trùng tu: “Thượng đường, Hạ đường do xã Thuần Trung; Trung đường do xã Phật Kệ, Trường Mỹ; Hạ đường do xã Phượng Nghi; Nghi môn do xã Sơn La”[2]. Không chỉ cả tổng cùng phụng sự mà ngôi đền này còn được phủ đường Anh Sơn rất quan tâm. Trong biển ký cho biết “đền bị hư hỏng lâu ngày, tổng ta đã nhiều phen hội họp bàn bạc việc tu sửa, mọi người cũng đã nói nhiều nhưng đều chưa thỏa mãn. Nay nhân vâng theo ngài (họ) Tôn Thất là Tri phủ của phủ ta quyên tiền để cúng vào đền và sức trát việc trùng tu đền”[3]. Sau khi trùng tu xong, tổng Thuần Trung đã làm 5 bản “giao từ”[4] trình lên phủ đường xem xét và phê bút ký vào văn bản rồi giao lại cho mỗi xã giữ một bản để lưu làm bằng cứ[5]. Như vậy có thể thấy đây là một ngôi đền có tầm ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn.

Trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, đền Khai Long cũng như nhiều ngôi đền khác trong vùng bị phá dỡ để phục vụ kháng chiến và làm các công trình dân sinh. Đền xưa trở thành phế tích. Đồ tế khí và các tài liệu của đền bị thất lạc đi nhiều nơi, một số được gửi ở đền Linh Kiếm (xã Thuận Sơn). Năm 2022, đền được phục dựng trên nền cũ và đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều ý kiến liên quan đến việc xác định nhân vật thờ chính tại đền là ai? Có người cho rằng đền Khai Long chỉ thờ thần Khai Long Sứ Quân. Nhưng cũng có người cho rằng đền Khai Long thờ Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Có ý kiến lại cho rằng đền Khai Long thờ cả hai vị thần này. Nhưng vị thần nào là chính thờ? Vị thần nào là phối thờ? Hay cả hai vị ngang hàng nhau. Vậy đền Khai Long thờ ai?

I. Các tài liệu để xác minh

Để xác minh nhân vật thờ tại đền Khai Long chúng ta hãy xem xét các tài liệu thành văn (chữ Hán Nôm, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ) hiện còn lưu giữ được tại địa phương cũng như các trung tâm lưu trữ, gồm: sắc phong, sổ làng, biển ký, Đồng Khánh Dư địa chí, bản điều tra của Trường Viễn Đông Bác Cổ đồng thời điền dã, khảo sát thực địa và đối chiếu với ký ức dân gian của Nhân dân trong vùng.

          1. Sắc phong thần:

Sắc phong thần là văn bản của triều đình ban tặng mỹ tự, phẩm trật cho thần linh và giao cho làng, xã thờ phụng vị thần đó. Trong sắc phong ghi rõ duệ hiệu của thần, địa chỉ nơi nhận, ngày tháng năm ban sắc và đóng dấu triện của nhà vua. Vì vậy đây là văn bản gốc cấp 1, đáng tin cậy nhất. Hiện nay, tại đền Linh Kiếm (xã Thuận Sơn) còn lưu giữu được 43 đạo sắc phong thần của nhiều làng trong vùng tập hợp về. Trong số đó có sắc phong cho Khai Long Sứ QuânTấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, cụ thể như sau:

- 22 đạo sắc phong riêng cho thần 使 Khai Long Sứ Quân” (chiếm 52,2%), gồm những niên hiệu: Phúc Thái 5 (1647), Phúc Thái 7 (1649), Thịnh Đức 4 (1656), Thịnh Đức 5 (1657), Vĩnh Thọ 3 (1660), Cảnh Trị 8 (1670), Dương Đức 3 (1674), Chính Hòa 5 (1684), Vĩnh Thịnh 6 (1710), Vĩnh Khánh 2 (1730), Long Đức 5 (1736), Cảnh Hưng 1 (1740), Cảnh Hưng 28 (1767), Cảnh Hưng 44 (1783), Cảnh Thịnh 4 (1796), Minh Mệnh 5 (1824), Thiệu Trị 3 (1843), Thiệu Trị 3 (1843), Tự Đức 3 (1850), Thành Thái 6 (1894), Khải Định 9 (1924) và một đạo thời Lê bị mất niên hiệu.

Trích dịch 01 đạo sắc phong thời Lê cho Khai Long Sứ Quân

Phiên âm:

Sắc Khai Long Sứ Quân Hiển ứng Chiêu linh, Hoằng phúc Quảng nhân, Bác trí Trợ thuận, Phù vận Bảo nghiệp, Huy vũ Hậu đức, Chí nhân Tuy phúc, Hùng lược Hoằng nghị, Trạch vật Hiển hựu, Phổ hóa Phù tộ, Triệu mưu Đại vương. Tư kiêm chính hữu, đức đại thông minh. Khí phát dương thê sảng huân cao, nhân giai kính phụng; quốc bảo hộ linh trường du cửu, thế điện tôn yên. Lượng thực đa tương trợ chi công, tín nghi cử bao phong chi điển. Vi mặc phù vương thất, hiệp tương hoàng đồ, đản sinh hoàng tử, tăng long quốc bản. Khả gia phong Khai Long Sứ Quân Hiển ứng Chiêu linh, Hoằng phúc Quảng nhân, Bác trí Trợ thuận, Phù vận Bảo nghiệp, Huy vũ Hậu đức, Chí nhân Tuy phúc, Hùng lược Hoằng nghị, Trạch vật Hiển hựu, Phổ hóa Phù tộ, Triệu mưu Diên huống, Thùy hưu Đại vương.

Cố sắc!

Phúc Thái thất niên nhị nguyệt nhị thập bát nhật.

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho Khai Long Sứ Quân Hiển ứng Chiêu linh, Hoằng phúc Quảng nhân, Bác trí Trợ thuận, Phù vận Bảo nghiệp, Huy vũ Hậu đức, Chí nhân Tuy phúc, Hùng lược Hoằng nghị, Trạch vật Hiển hựu, Phổ hóa Phù tộ, Triệu mưu Đại vương. Tư chất ngay thẳng, đức lớn thông minh. Khí phát ngút mênh mang cao vời, người người kính phụng; bảo hộ quốc gia trường tồn lâu dài, thế nước bền vững. Thiết nghĩ thực là nhiều công phù trợ, nên đáng được bao phong thịnh điển. Vì đã ngầm giúp vương thất, phò hộ hoàng đồ, sinh được hoàng tử, gốc nước thêm vững bền. Đáng phong thêm là Khai Long Sứ Quân Hiển ứng Chiêu linh, Hoằng phúc Quảng nhân, Bác trí Trợ thuận, Phù vận Bảo nghiệp, Huy vũ Hậu đức, Chí nhân Tuy phúc, Hùng lược Hoằng nghị, Trạch vật Hiển hựu, Phổ hóa Phù tộ, Triệu mưu Diên huống, Thùy hưu Đại vương.

Cho nên ban sắc!

Ngày 28 tháng 2 năm Phúc Thái thứ 7 (1649)

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Sắc phong cho Khai Long Sứ Quân đời Lê được biên soạn năm Phúc Thái thứ 7 (1649). Trần Hữu

Trích dịch 01 đạo sắc thời Nguyễn cho Khai Long Sứ Quân:

Phiên âm:

Sắc Nghệ An tỉnh, Anh Sơn phủ, Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Huyền hỗ Thuần hi, Diệu cảm Thuần chính, Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Khai Long Sứ quân Thượng đẳng thần. Hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự. Dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho xã Thuần Trung, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An theo như trước thờ phụng vị thần vốn được tặng là Huyền hỗ Thuần hi, Diệu cảm Thuần chính, Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Khai Long Sứ quân Thượng đẳng thần. Thần phù giúp đất nước, che chở nhân dân, linh ứng từ lâu, đã nhiều lần được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Cho nên nay đúng dịp đại lễ mừng thọ 40 tuổi của trẫm, đã ban chiếu báu, tỏ rõ ân sâu, lễ lớn tăng thêm phẩm trật. Đặc chuẩn cho thờ phụng như cũ. Dùng để ghi nhớ ngày mừng của đất nước mà tỏ rõ điển thờ.

Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Sắc phong cho Khai Long Sứ Quân đời Nguyễn được biên soạn năm Khải Định thứ 9 (1924). Trần Hữu

- 6 đạo sắc phong riêng cho Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (chiếm 13,9%), gồm những niên hiệu: Cảnh Hưng 44 (1783), Thiệu Trị 6 (1846), Tự Đức 3 (1850), Thành Thái 2 (1890), Khải Định 9 (1924) và 01 đạo thời Nguyễn bị mất niên hiệu.

Trích dịch 01 đạo sắc phong thời Lê cho Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan:

Phiên âm:

Sắc Bản huyện Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Thượng thư, Thái phó, Tấn Quốc công, thụy Khiêm Cẩn phủ quân, gia phong Triệu tường Tuy phúc, Hùng tài Đại lược, Tu đạo Địch quả, Dực vận Hiếu đức, Đăng tích Trạch dân, Long trạch Phổ huệ, Gia huống Thuần hỗ, Thiện mỹ Thuần túy Đại vương. Sơn nhạc trữ anh, hà hải tiêu dị. Huân cao thê sảng, bẩm nhị khí chi lương năng; chính trực thông minh, dữ bách thần nhi tịnh liệt. Khắc tương ký chương, huyền huống bao phong, hà cận ký chương. Vi Tự vương tiến phong vương vị, lâm cư chính phủ, phụng chuẩn gia triêm, ứng gia phong mỹ tự tam tự. Khả bao phong Bản huyện Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Thượng thư, Thái phó, Tấn Quốc công, thụy Khiêm Cẩn phủ quân, gia phong Triệu tường Tuy phúc, Hùng tài Đại lược, Tu đạo Địch quả, Dực vận Hiếu đức, Đăng tích Trạch dân, Long trạch Phổ huệ, Gia huống Thuần hỗ, Thiện mỹ Thuần túy, Thông mẫn Trung lượng, Chính trực Đại vương.

Cố sắc!

Cảnh Hưng tứ thập tứ niên thất nguyệt nhị thập lục nhật.

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc ban cho Bản huyện Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Thượng thư, Thái phó, Tấn Quốc công, thụy Khiêm Cẩn phủ quân, gia phong Triệu tường Tuy phúc, Hùng tài Đại lược, Tu đạo Địch quả, Dực vận Hiếu đức, Đăng tích Trạch dân, Long trạch Phổ huệ, Gia huống Thuần hỗ, Thiện mỹ Thuần túy Đại vương. Núi non hun đúc tinh anh, sông bể nêu cao khí tiết. Cao xa vời vợi, bẩm chất tốt đẹp của hai khí âm dương; chính trực thông minh, cùng với bách thần đều trung liệt. Đã tỏ rõ công lao như vậy, đáng được bao phong, sao lại chẳng ban điển. Vì Tự vương tiến phong vương vị, ngự ngôi chính phủ, phụng chuẩn ban ơn, nên bao phong ba chữ mỹ tự. Đáng phong là Bản huyện Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Thượng thư, Thái phó, Tấn Quốc công, thụy Khiêm Cẩn phủ quân, gia phong Triệu tường Tuy phúc, Hùng tài Đại lược, Tu đạo Địch quả, Dực vận Hiếu đức, Đăng tích Trạch dân, Long trạch Phổ huệ, Gia huống Thuần hỗ, Thiện mỹ Thuần túy, Thông mẫn Trung lượng, Chính trực Đại vương.

Cho nên ban sắc!

Ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783)

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Sắc phong cho Thái phó- Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đời Lê được biên soạn năm Cảnh Hưng  thứ 44 (1783). Trần Hữu

 

Trích dịch 01 đạo sắc phong thời Nguyễn cho Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan:

Phiên âm:

Sắc Nghệ An tỉnh, Anh Sơn phủ, Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Anh mại Cương trung, Đoan lượng Quang ý, Trác vĩ, Dực bảo Trung hưng, Lê triều công thần, Binh bộ Thượng thư, Thái phó Tấn Quận công, thụy Khiêm Cẩn Thượng đẳng thần. Hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự. Dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho xã Thuần Trung, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An theo như trước thờ phụng vị thần vốn được tặng là Anh mại Cương trung, Đoan lượng Quang ý, Trác vĩ, Dực bảo Trung hưng, Lê triều công thần, Binh bộ Thượng thư, Thái phó Tấn Quận công, thụy Khiêm Cẩn Thượng đẳng thần. Thần phù giúp đất nước, che chở nhân dân, linh ứng từ lâu, đã nhiều lần được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Cho nên nay đúng dịp đại lễ mừng thọ 40 tuổi của trẫm, đã ban chiếu báu, tỏ rõ ân sâu, lễ lớn tăng thêm phẩm trật. Đặc chuẩn cho thờ phụng như cũ. Dùng để ghi nhớ ngày mừng của đất nước mà tỏ rõ điển thờ.

Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

- 3 đạo phong chung cho Khai Long Sứ Quân và Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (chiếm 7%), gồm: Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909).

Sắc phong cho Thái phó- Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đời Nguyễn được biên soạn năm Khải Định  năm thứ 9 (1924). Trần Hữu

 

Sắc phong cho Thái phó - Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đời Nguyễn được biên soạn năm Duy Tân năm thứ 3 (1909). Trần Hữu

Trích dịch 01 đạo sắc phong chung cho Khai Long Sứ Quân và Tấn Quốc Công:

Phiên âm:

Sắc chỉ Nghệ An tỉnh, Lương Sơn huyện, Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, Khai Long Sứ Quân Thượng đẳng thần; Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, Lê trung hưng công thần, Thái phó Tấn Quận công Nguyễn thượng đẳng thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong, chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự. Dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật.

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An theo như trước thờ phụng Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, Khai Long Sứ Quân Thượng đẳng thần; Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, Lê trung hưng công thần, Thái phó Tấn Quận công Nguyễn thượng đẳng thần. Các thần đã lần lượt được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Năm Duy Tân thứ nhất, đại lễ đăng quang, đã ban chiếu báu tỏ rõ ân sâu, lễ lớn nâng thêm phẩm trật. Đặc chuẩn cho thờ phụng như cũ. Dùng để ghi nhớ ngày mừng của đất nước mà tỏ rõ điển thờ.

Kính thay!

Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909)

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

- Còn lại 12 đạo sắc phong cho các vị thần khác (chiếm 27%).

 

Trong số 43 đạo sắc phong đó thì sắc phong cho thần Khai Long Sứ Quân là sớm nhất và nhiều nhất, liên tục nhất, trải dài từ triều Lê trung hưng đến triều Nguyễn. Điều đó khẳng định rằng, thần Khai Long Sứ Quân là một vị thần rất linh thiêng, được Nhân dân kính mộ và triều đình ban thịnh điển.

2. Tài liệu “Thượng miếu sắc sao”上廟do chức sắc xã Thuần Trung lập vào ngày 20/4 năm Thành Thái 13 (1901)

Tài liệu này hiện nay đang được lưu giữ tại đền Linh Kiếm, gồm có 74 trang, viết tay bằng chữ Hán viết trên giấy gió, bìa màu vàng sẫm, khổ giấy 13,5cm x 17cm, vẫn còn nguyên vẹn. Cuối tài liệu này còn có bản tường trình xin cải phong cho thần “Khai Long Sứ Quân” có đóng dấu và ký tên của Lý trưởng 9 làng thuộc xã Thuần Trung (Đông Bích, Thuần Hậu, Trung Thượng, Mỹ Trung, Tiên Cung, Thuận Lý, Dinh Chu, Phú Văn, Hiếu Thiện).

Trang thứ 3, 4,5 viết “ngày tốt tháng Dậu (tháng 8) năm Bính Tuất Thiên tử vạn niên năm thứ 2 (1886), dân xã kính sao sắc phong các triều đại ban cho 02 tòa đền thiêng, gồm 32 tờ, giao cho làng Đông Bích gìn giữ. Nay ghi lại.

Ngày 20/4 năm Thành Thái 13 (1901), toàn xã Thuần Trung kính biên chép. Nay nhân bản tổng sơn thếp tòa chính vị, bèn kiểm tra lại sắc phong của các triều đại ban tặng cho. Bắt đầu từ đời Lê Thần Tông niên hiệu Đức Long ban một đạo, đến triều Nguyễn niên hiệu Thành Thái năm thứ 6 (1894) ban một đạo, tổng cộng là 21 đạo. Phần phụng sao này có 28 tờ, niên hiệu, thứ tư tra cứu rõ ràng, có đánh dấu ở mép giấy, từ nay về sau tiếp tục chép vào không sai.

Ngày 26/4 năm nay (tức năm Thành Thái 13), xã Thuần Trung mời ông Nguyễn Tài Đôn làm chức Tri phủ phủ Thuận Thành, người làng Thượng Thọ, xã Đại Đồng (nay là xã Đại Đồng, Thanh Chương) viết bài vị cho thần là “Thánh Thượng Khai Long Sứ Quân, tiền triều sắc phong Hiển ứng Chiêu linh, Hoằng phúc Quảng nhân, Bác trí Trợ thuận, Phù vận Bảo nghiệp, Huy vũ Hậu đức, Chí nhân Tuy phúc, Bảo hựu Hùng lược, Hoằng nghị Trạch vật, Hiển hựu Phổ hóa, Phù tộ Đôn thông, Dũng trí Triệu mưu, Diên huống Thùy hưu, Hộ quốc Dực vận, Tán trị Đôn nhân, Phấn vũ Bố uy, Dũng đạt Minh quang, Linh trí Cương nghị, Phong niên Nhân dân, Uy dũng Anh công, Vĩ lược Thạc đức, Phù vận Khuông tích, Hưng bình Thuần nghĩa, Hoành mô Đạt lược, Vĩ tích Tứ hi, Tập khánh Đốc hỗ, Lệnh văn Linh dự, Chương khánh Đốc hưu, Đôn hoành Tuy thổ, Diên huống Anh nghị, Quả quyết Phổ bác, Khoan du Đoan túc, Thân hưu Dực chính, Diên hi Thượng đẳng Tôn thần; Hoàng triều sắc phong Huyền hỗ Thuần hi, Diệu cảm Thuần chính, Trác vĩ, Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng Tôn thần, Chính thần vị”.

 

Một trang trong " Thượng miếu sắc sao" ghi vị hiệu của Khai Long sứ quân được lập vào năm Thành Thái thứ 13 (1901). Ảnh Trần Hữu

Tiếp đến là phần phụng sao 21 đạo sắc phong, gồm: Đức Long 5 (1633), Phúc Thái 3 (1645), Phúc Thái 5 (1647), Phúc Thái 7 (1649), Thịnh Đức 4 (1656), Thịnh Đức 5 (1657), Vĩnh Thọ 3 (1660), Cảnh Trị 8 (1670), Dương Đức 3 (1674), Chính Hòa 5 (1684), Vĩnh Thịnh 6 (1710), Vĩnh Khánh 2 (1730), Cảnh Hưng 1 (1740), Cảnh Hưng 28 (1767), Cảnh Hưng 44 (1783), Cảnh Thịnh 4 (1796), Minh Mệnh 5 (1824), Thiệu Trị 3 (1843), Thiệu Trị 3 (1843), Tự Đức 3 (1850), Thành Thái 6 (1894). Phần phụng sao sắc phong này gồm có 28 tờ được đánh số bằng chữ Hán ở mép bên trái tờ giấy, khớp với số tờ ghi ở đầu quyển sổ.

Những sắc phong này hiện nay đa số vẫn còn bản gốc (lưu ở đền Linh Kiếm), trong đó có 02 đạo sắc đã bị mất bản gốc, gồm: sắc phong niên hiệu Phúc Thái 3 (1646) và Cảnh Hưng 44 (1783, ngày 26/7).

Như vậy tổng cộng cả số sắc phong hiện còn lưu giữ được và số sắc phong được sao chép trong sổ sách thì thần “Khai Long Sứ Quân” có ít nhất là 24 đạo sắc phong riêng (chưa tính 03 đạo sắc phong chung với Tấn Quốc công).

3. Tài liệu “Si Sơn linh từ sắc sao” (tập sao sắc phong của đền Rú Si)

Tài liệu này viết bằng chữ Hán trên giấy gió, gồm có 7 tờ (14 trang), không ghi niên hiệu phụng sao, đã bị mất chỉ khâu sách, tuy nhiên chữ vẫn còn rất rõ. Trong tập tài liệu này sao chép lại 05 đạo sắc phong cho Thái Phó, Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, gồm: Sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783), Thiệu Trị năm thứ 6 (ngày 27/3/1846), Thiệu Trị năm thứ 6 (ngày 26/4/1846), Tự Đức năm thứ 3 (1850), Thành Thái năm thứ 2 (1890).

4. Biển ký

Biển ký bằng gỗ, khắc chữ Hán (dài 1,35m, rộng 0,65m). Đây là biển ký khắc nội dung về hai lần trùng tu đền Khai Long vào cuối triều Nguyễn. Lần thứ nhất khắc ngày 19 tháng 8 năm Tự Đức thứ 25 (1872) và lần hai khắc ngày 20 tháng 7 năm Thành Thái thứ 13 (1901). Chúng tôi đã đề cập đến một số nội dung của biển ký ở phần đầu bài viết.

Lần trùng tu năm 1872, ghi rõ tên đền là “Thượng Đẳng Khai Long Linh Từ”, tọa lạc tại Chi Long sơn,làng Đông Bích, xã Thuần Trung, do 20 làng thuộc 5 xã của tổng Thuần Trung phụng sự. Đền có kiến trúc 3 tòa (thượng, trung, hạ) và Nghi môn, phân chia trách nhiệm trùng tu các hạng mục công trình cho 5 xã. Đồng thời khắc ký tích của quan viên, thân hào, chức sắc tổng Thuần Trung, tiêu biểu như: Hàn Lâm viện Trứ tác, lĩnh Thừa chỉ, sung Tương Dương phủ Tri phủ Nguyễn Trọng Tựu; Cử nhân Nguyễn Đình Sĩ; Quỳ Châu phủ Tri phủ Nguyễn Trọng Vĩnh[6]; Tú tài sung Bang biện Nguyễn Văn Trí; Tú tài bổ thụ Hàn Lâm viện Thị chiếu Nguyễn Trọng Thông; Tú tài sung Bang biện Vương Viết Dự; Tú tài Vương Viết Diễn, Đông Bích thôn Lý trưởng Vương Viết Thanh[7]

Lần trùng tu thứ 2 (1901), ghi việc sơn thếp lại “linh từ chính vị” và đồ tế khí tổng cộng hết 300 quan tiền. Đồng thời ghi rõ số tiền đóng góp cả các làng, xã, phường, hội và các cá nhân.

5. Sách “Đồng Khánh dư địa chí”

Sách “Đồng Khánh dư địa chí” là một hồ sơ quan trọng của triều Nguyễn. Đây là tài liệu do Quốc sử quán của triều đình biên soạn. Sau khi biên soạn xong thì dâng lên vua ngự lãm. So với những bộ địa chí được soạn trước đó thì “Đồng Khánh dư địa chí” có phương pháp biên soạn chặt chẽ hơn, chi tiết hơn, mức độ bao phủ từ cấp tỉnh xuống cấp phủ, cấp huyện (châu). Mỗi phủ, huyện đều có đầy đủ các tiểu mục: địa giới, hình thế, thành trì, binh, dân, thuế, đền miếu, phong tục, sản vật, khí hậu, sông núi, đường đi… Chính vì thế trong những mục này ghi khá chi tiết về các địa phương.

Trong phần viết về huyện Lương Sơn (thuộc phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), mục “Đền miếu” cho biết: Huyện Lương Sơn có đền Quả Sơn (Quả Sơn linh từ) (ở thôn Nhân Bồi xã Bạch Đường), miếu Khai Long Sứ Quân (ở thôn Đông Bích xã Thuần Trung), miếu vua Lê Trang Tông Dụ Hoàng đế (ở thôn Yên Tứ xã Văn Trường)”. Như vậy có thể thấy, đền Khai Long Sứ Quân là một trong ba ngôi đền lớn của huyện Lương Sơn, được liệt kê vào sách địa chí của quốc gia. Trong này cũng ghi rõ địa chỉ của đền Khai Long Sứ Quân thuộc làng Đông Bích, xã Thuần Trung (tức làng Đông Bích, xã Trung Sơn ngày nay).  

6. Tài liệu của Trường Viễn Đông bác cổ “Trả lời các câu hỏi về hội Đông Dương, Mã số FQ 4018/38”

Tài liệu này nguyên văn bằng chữ Pháp, do ông Chu Văn Yêng (21 tuổi) giáo viên trường Việt Pháp ở Hiến Lãng, Thanh Chương thực hiện năm 1938, hiện nay đang lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội (Hà Nội) và đã được phiên dịch sang tiếng Việt. Theo tài liệu này cho biết, xã Thuần Trung, tổng Thuần Trung, phủ Anh Sơn có đền thờ Thánh Thái Phó (tức Nguyễn Cảnh Hoan). Đền thờ Ngài tọa lạc dưới chân đồi, có đường nội tỉnh đi qua, gồm hai tòa xây bằng gạch. Ngày lễ chính là vào rằm tháng 2 và rằm tháng 8 âm lịch. Trong tài liệu này không đề cập đến thần “Khai Long Sứ Quân”.

7. Tài liệu kiểm kê di tích của Ty Văn hóa Nghệ An năm 1964

Hiện nay tại kho tài liệu của Ban Quản lý Di tích Nghệ An còn lưu giữ hồ sơ kiểm kê di tích năm 1964 do Ty Văn hóa Nghệ An thực hiện. Phiếu kiểm kê di sản Đền Khai Long đề ngày 8/5/1964, do ông Phan Văn Tú và Nguyễn Cao Xuân lập, có xác nhận của Ủy ban Hành chính xã Trung Sơn. Theo tài liệu này cho biết: Đền Khai Long còn có tên gọi là đền Cả, địa chỉ tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương (xưa là xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn). Đền thờ thần “Khai Long Sứ Quân”, kiến trúc gồm 3 tòa hình chữ Tam và Nghi Môn. Trước kháng chiến đền còn nguyên vẹn. Trong kháng chiến do bom đạn nên đền bị hư hỏng ngói và cổng Nghi Môn. Sau đó nhà Hạ điện bị tháo dỡ, chỉ còn nền móng. Tại thời điểm năm 1964, nhà Trung điện được làm văn phòng của trường cấp 2 xã Trung Sơn, cũng bị hư hỏng nhiều. Nhà Thượng điện đã bị mối mọt, không còn tường. Đồ tế khí của đền lúc này chỉ còn: 1 bộ kiệu thời Lê, một chiếc áo rồng có mũ và đai, bốn bộ áo của ông từ, 16 đồng tiền đồng đề hiệu “Khai Long thông bảo”, một hộp sắc phong còn nguyên vẹn. Trước kháng chiến, đền có hai lễ lớn là 5/3 và 15/3 âm lịch.  

8. Khảo sát điền dã thực tế tại địa phương

Qua khảo sát của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn xóm Thuận Minh, xã Thuận Sơn (xưa là làng Phú Văn - một trong chín làng thuộc xã Thuần Trung) còn một ngôi đền, có người gọi là đền Côi, có người gọi là đền Truông, tọa lạc tại Rú Si, đền tựa lưng vào núi, mặt hướng ra Quốc lộ 46 (nguyên xưa là đường nội tỉnh). Theo cụ thủ từ Phan Bá Minh (93 tuổi) hiện nay vẫn còn rất minh mẫn kể lại thì đây là đền thờ Đức Thánh Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Xưa kia đền có quy mô khá lớn, do hàng xã phụng sự. Trong tiêu thổ kháng chiến (thời chống Pháp), đền bị phá dỡ và rước các đồ tế khí xuống gửi ở đền Khai Long. Sau khi đền Khai Long bị hoang tàn lại tiếp tục rước ngài về đền Linh Kiếm để thờ phụng. Sau này khu vực đất đền được giao lại cho đơn vị quân đội CK2 đóng quân và chia cho Nhân dân làm đất thổ cư. Nhà cụ Minh ở ngay trên khuôn viên của đền xưa nên cụ đã tự nguyện xây dựng một ngôi đền nhỏ trong vườn để thờ phụng đức Đức Thánh Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Ngôi đền có quy mô khá khiêm tốn (khoảng 9m2) gồm 01 gian 2 hồi, phía trước có sân, có cổng và đường lên đền, bên cạnh đền còn có cây Si cổ thụ. Đền tuy nhỏ nhưng khá ấm cúng, ngày rằm, mồng một, Nhân dân địa phương vẫn thường xuyên đến hương khói. Cụ Minh còn cung cấp cho chúng tôi một bài thơ dài nói về ngôi đền và Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Theo lời cụ Minh, bài thơ này do cụ Nguyễn Cảnh Em đọc cho chép lại. Trong bài thơ có những câu:

“…Đức Thái Phó xưa còn thơ ấu

Mười bốn xuân đã đậu Cử nhân

Trên vì nước, dưới vì dân

Theo cha đánh giặc mười lăm tuổi đầu

Ngài rước vua đi đầu hộ giá

Về tỉnh Thanh đóng giữa Tây đô

Lập công đuổi giặc, phò vua

Được phong Thái Phó chức to đương triều…”

II. Những điều rút ra từ những tài liệu trên:

1. Thần Khai Long Sứ Quân là vị thần được thờ tại xã Thuần Trung từ trước năm 1633, trước cả Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Sắc phong sớm nhất cho Khai Long Sứ Quân là năm 1633, trong khi đó sắc phong sớm nhất cho Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan là năm 1783, cách nhau 150 năm.

2. Theo sắc phong thì cả thần Khai Long Sứ Quân và Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đều được giao cho xã Thuần Trung phụng sự. Đa số sắc phong là phong riêng cho hai vị thần này. Chỉ có một số sắc phong cuối triều Nguyễn là phong chung cho cả hai vị trong một đạo sắc. Tuy nhiên việc phong chung trong một đạo sắc không thể khẳng định hai vị đó được thờ chung trong một đền.

Thực tế, cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp lần lượt đặt ách đô hộ lên nước ta, triều đình nhà Nguyễn chỉ còn hư danh, đất nước lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Sau khi vua Tự Đức băng hà, các vị vua kế tiếp đều chỉ là quân bài trong tay người Pháp và các vị đình thần, vua lên ngôi trong tình trạng ngân khố trống rỗng. Do điều kiện khó khăn về kinh tế, để cắt giảm chi tiêu, trong việc ban tặng cho bách thần, triều đình đã gộp chung nhiều vị thần trong cùng một làng hoăc một xã vào chung một sắc phong. Những sắc này phổ biển ở cuối niên hiệu Tự Đức, Duy Tân, Thành Thái… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, những sắc phong chung cho các vị thần còn rất nhiều.

          3. Đền Khai Long tại làng Đông Bích xã Thuần Trung xưa (nay là xã Trung Sơn) nguyên bản chỉ thờ thần Khai Long Sứ Quân. Tên đền và địa chỉ của đền được ghi trong các tài liệu của địa phương (biển ký) và của triều đình (Đồng Khánh dư địa chí) trùng với tên thần được ghi trong sắc phong và vị hiệu. Đền Khai Long là ngôi đền chính (đền Cả) của tổng Thuần Trung, thần Khai Long Sứ Quân là vị thần chính của hàng tổng.

          4. Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan được thờ ở một ngôi đền khác, không phải là đền Khai Long. Theo tài liệu chữ Pháp của Trường Viễn Đông Bác Cổ thì ngôi đền đó được gọi là đền Thánh Thái Phó (gọi theo chức được truy phong cho Nguyễn Cảnh Hoan).

          5. Đền Khai Long và đền Thánh Thái phó có kiến trúc và quy mô khác nhau. Đối chiếu tài liệu chữ Pháp của Trường Viễn Đông Bác Cổ và tài liệu biển ký bằng chữ Hán, tài liệu kiểm kê di tích thì hai đền này có kiến trúc khác nhau. Đền Khai Long có kiến trúc 03 tòa và Nghi môn. Trong khi đó đền Thánh Thái Phó chỉ có kiến trúc 02 tòa.

          6. Mặc dầu cả hai đền này đều giao cho xã Thuần Trung phụng sự. Nhưng đền Khai Long được toàn thể 20 làng thuộc 05 xã của tổng Thuần Trung đồng phụng sự, được xếp vào một trong ba ngôi đền lớn tiêu biểu của huyện Lương Sơn (ghi nhận trong Đồng Khánh dư địa chí). Còn đền Thánh Thái Phó thì chỉ riêng xã Thuần Trung phụng sự.

          7. Đối chiếu tài liệu chữ Pháp của Trường Viễn Đông Bác Cổ, tập sao sắc phong đền Rú Si và thực tế hiện nay ở tại địa phương thì có thể ngôi đền được ghi lại trong văn bản mã số FQ 4018/38 (đền Thánh Thái Phó) chính là đền Côi (đền Truông) ở rú Si, xóm Thuận Minh, xã Thuận Sơn (xưa là làng Phú Văn - một trong chín làng thuộc xã Thuần Trung).

     

   Đền Rú Si, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh Trần Hữu

           III. Đề xuất kiến nghị

          Từ những tài liệu trên đã giúp chúng ta hình dung được phần nào quy mô kiến trúc của đền Khai Long xưa. Đây là cơ sở cho việc phục hồi, phục dựng di tích. Đặc biệt đã khẳng định được đền Khai Long chỉ thờ thần Khai Long Sứ Quân. Vì vậy, sau khi phục dựng xong đền thì việc bài trí thờ tự tại đây cũng nên tuân theo quy định của người xưa. Đồng thời cũng qua đó chúng ta thấy được tầm ảnh hưởng của thần Khai Long Sứ Quân đối với Nhân dân trong vùng. Vì vậy việc phục hồi di tích, ngoài kêu gọi con em xã Trung Sơn nên mở rộng phạm vi kêu gọi các xã trong tổng Thuần Trung cũ (nay là các xã Trung Sơn, Thuận Sơn, Đà Sơn, Xuân Sơn, Lạc Sơn, Tân Sơn, Minh Sơn…). Đây cũng là một việc làm có ý nghĩa sâu sắc nhằm noi gương người xưa trong công tác xã hội hóa bảo tồn, tôn tạo di tích.

          Đề nghị cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương sưu tầm các đồ tế khí, tài liệu liên quan đến đền Khai Long hiện nay đang được cất giữ trong Nhân dân hoặc tại các di tích trên địa bàn, đưa về lưu giữ tại đền. Đồng thời tổ chức phiên dịch sang tiếng Việt để giới thiệu, quảng bá cho Nhân dân và du khách hiểu biết hơn về lịch sử, tầm vóc của di tích. Đây là cơ sở khoa học cho việc phục hồi lại các sinh hoạt văn hóa từng diễn ra tại đền.

          Các sắc phong cho thần Khai Long Sứ Quân và các tài liệu liên quan hiện đang lưu tại đền Linh Kiếm đa số đã bị rách nát, hư hỏng nghiêm trọng. Nên sau khi làm các thủ tục bàn giao về đền Khai Long cần phải được tu bổ, phục chế kịp thời, tránh để tài liệu tiếp tục bị phân hủy.

          Hi vọng đền Khai Long sẽ sớm được hoàn thiện, đáp ứng nguyện vọng thiết thực của người dân. Đồng thời trong thời gian tới, nhiều di tích trên địa bàn xã Trung Sơn nói riêng, huyện Đô Lương nói chung được phục hồi, phục dựng và bảo tồn tôn tạo tốt hơn nữa.

 


[1]“Bản thổ miếu sắc sao” chức sắc xã Thuần Trung lập vào ngày tốt tháng 8 năm Bính Tuất (1886) và tục biên ngày 20/4 năm Thành Thái 13 (1901).

[2]Biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872).

[3]Biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872)

[4] Giao từ: kiểu tương tự như biển bản giao kết giữa các bên.

[5]Biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872)

[6] Các cụ Nguyễn Trọng Tựu, Nguyễn Trọng Vĩnh thuộc họ Nguyễn Trọng ở xã Minh Sơn.

[7] Các cụ Vương Viết Dự, Vương Viết Diễn, Vương Viết Thanh thuộc họ Vương Đình ở làng Đông Bích, xã Trung Sơn.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445534

Hôm nay

234

Hôm qua

2237

Tuần này

21143

Tháng này

211793

Tháng qua

120141

Tất cả

114445534