Người xứ Nghệ

Hoàng Ngọc Hiến - Bạn tôi

Ở đời, người ta đánh bạn với nhau hình như cũng có duyên số gì đó, “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, Vô duyên đối diện bất tương phùng” – Các cụ xưa đã nói thế! Trường hợp tôi và Hoàng Ngọc Hiến đúng là như vậy. Hoàn cảnh cũng như đường đời của chúng tôi, có nhiều chỗ rất khác nhau, rất xa cách. Vậy mà luôn luôn có những cuộc gặp gỡ chỉ có thể giải thích bằng duyên số.

Hiến người Hà Tĩnh, tôi người Bắc Ninh. Cuộc kháng chiến chống pháp bùng nổ, tôi chạy giặc lên Thái Nguyên. Hiến thì “trốn” cải cách ruộng đất cũng vọt lên đây (ông thân sinh Hiến bị quy địa chủ phải ngồi tù). Hiến dạy trường Lương Ngọc Quyến. Tôi làm cán bộ ở sở giáo dục Việt Bắc thường phải đến đấy làm việc vì trường Lương Ngọc Quyến là trường trọng điểm của khu. Thế là gặp nhau.
Ở Thái Nguyên, Hiến được gọi về Hà Nội dạy Đại học và từ đó được cử đi làm phó tiến sĩ ở Liên Xô, học toàn những ông ốp ông ép sang trọng. Tôi thì chả đi đâu cả. Vài năm sau được cử về Hà Nội học Đại Học Sư Phạm. Nam nhân lại dạy nam nhân, cơm chấm cơm, có người gọi là phổ thông cấp bốn.
Hiến làm xong Phó Tiến Sĩ, trở về nước, lẽ ra được ở Hà Nội, nơi cử anh đi, nhưng lại bị tống vào Đại học sư phạm Vinh vì bị chụp cái mũ “Xét lại khrút xốp”. Tôi tốt nghiệp đại học được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, nhưng cũng bị điều vào Đại học sư phạm Vinh. Thế là lại gặp nhau.
Thời chống Mỹ, Trường Vinh có thời gian sơ tán ở Thạch Thành, một huyện miền núi, tỉnh Thanh Hóa. Lệnh của ban chủ nhiệm khoa: cán bộ cùng một bộ môn phải ở với nhau (nhà dân) để tiện sinh hoạt. Tôi và Hiến không dạy cùng bộ môn, tôi dạy Văn học Việt Nam, Hiến dạy Văn học Nga Xô Viết. Nhưng Hiến cứ nhất định đến ở với tôi, tối tối cùng nhau xách đèn đi bắt ốc sên về cải thiện…
Từ Vinh, tôi được chuyển ra Hà Nội trước (Đại học sư phạm Hà Nội). Hiến được chuyển ra sau, nhưng lại xoay xỏa chạy sang Bộ Văn hóa. Nhưng rồi chúng tôi lại gặp nhau ở Trường viết văn Nguyễn Du. Hiến là người phụ trách trường ấy, còn tôi thì được mời đến dạy ngay từ khóa đầu.
Tôi có một người học trò cũ là Phan Ngọc Thu, lúc đầu công tác ở đại học Huế, sau ở đại học Đà Nẵng. Anh thường tổ chức những lớp học tại chức bồi dưỡng giáo viên phổ thông cơ sở lên trình độ đại học, và hàng năm, tổ chức những trại tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên PTTH chuyên văn ở các tỉnh Miền Trung, Miền Nam. Anh thường mời tôi và Hiến vào giúp. Thế là chúng tôi luôn luôn gặp nhau, khi ở Huế , khi ở Đà Nẵng, khi ở Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Long Xuyên, Bến Tre, Cà Mau…..
Ở Hà Nội, tôi thường mời Hiến làm phản biện luận án cho nghiên cứu sinh của tôi. Mời, Hiến không bao giờ từ chối…
Tôi và Hiến thế là đánh bạn với nhau, tính đến hôm nay đã gần nửa thế kỷ. Không biết Hiến thế nào, riêng tôi cứ mỗi lần nghĩ đến sự có mặt của anh trên đời là tự nhiên cảm thấy yên tâm. Hóa ra mình không đến nỗi cô đơn.
***
Tôi và Hoàng Ngọc Hiến tất nhiên có nhiều chỗ hợp tính nhau. Tuy vậy cũng có những chỗ rất khác biệt.
Hiến là người có ý chí, có nghị lực. Tôi chịu thua anh về điều đó. Tám mươi tuổi rồi mà suốt ngày vẫn ôm cái máy vi tính để cập nhật các thông tin khoa học trong nước, ngoài nước, đồng thời ôn luyện ngoại ngữ;, vẫn tiếp tục khai phá những lĩnh vực khoa học mới: lý thuyết văn học hậu hiện đại, sáng tác của những cây bút trẻ, dịch Francois Jullien và cùng F. fullien lao vào nghiên cứu triết Đông, triết Tây và gần đây say sưa tìm hiểu và viết về minh triết: minh triết Phương Đông, minh triết Việt Nam, minh triết Hồ Chí Minh………...Tôi thì cảm thấy mình già rồi không còn hơi sức đâu mà lao vào những chân trời khoa học mới, đành chỉ trở đi trở lại nghĩ tiếp, viết tiếp về những gì mình đã nghiên cứu, đã thành thạo.
Ý chí và nghị lực của Hiến không chỉ thể hiện trong hoạt động khoa học. Trong sinh hoạt đời thường cũng rất nghị lực: hàng ngày tập thể dục, luyện khí công rất đều đặn và công phu; nghiện cả thuốc lào, thuốc lá mà bỏ hẳn hàng chục năm nay. Điều đặc biệt ở Hiến là tuy bỏ lâu rồi mà vẫn thích – anh nói với tôi như thế : “khi nào sắp chết sẽ hút lại”. Thích mà quyết bỏ, sức mạnh tự kiềm chế như thế, phải nói là phi thường. Tôi thì vẫn hút, chẳng bỏ được cái gì, tuy biết là hút có hại.
Sự khác nhau như thế tôi cho vì Hiến là dân Nghệ. Tôi là dân Bắc kỳ vốn rất phục dân Nghệ về ý chí và nghị lực. Như thế là trong huyết quản của Hiến, máu Nghệ rất đậm đặc.
Nhưng con người Hiến không đơn giản có thế. Tính cách anh có chỗ lại chẳng Nghệ một tý nào. Hồi trường Vinh sơ tán ở Nghi Lộc, Hiến có kể với tôi chuyện này: những người Việt học với anh ở Liên Xô hồi ấy, gồm 2 loại. Một là loại cán bộ được cử sang, hai là loại học sinh được tuyển sang vì thi Đại học đạt điểm cao. Loại hai không thích giao du với loại một, vì tuổi tác chênh lệch cũng có, nhưng chủ yếu vì không ưa, coi khinh (lọai ưu tiên, đặc cách). Hiến thuộc loại một. Phan Hồng Giang thuộc loại hai. Vậy mà họ lại chơi với nhau. Hiến cho biết, vì có lần trò chuyện, cả hai tay đều là dân Nghệ mà lại không ưa tính cách Nghệ.
Hiến định nghĩa gọn lỏn và chắc nịch: “Dân Nghệ cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”. Hiến là dân Nghệ mà tôi thấy anh không hề từ chối một thú vui trần tục, trần thế nào. Đúng là một tín đồ của “thần” khoái lạc.
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh này của Hiến hồi trường Vinh sơ tán ở Thạch Thành. Đời sống của chúng tôi những ngày ấy vô cùng thiếu thốn, cực khổ. Một lần, không biết anh em xoay đâu được một đĩa thịt. Hiến vừa ăn vừa xụt xịt mũi: “An thịt ngon thật!”
Một lần, nhân có một anh bạn Việt Kiều về nước, Ngô Thảo mời tôi, Hoàng Cầm và Hiến đánh chén ở một nhà hàng Hà Nội. Xe đón tôi trước, đón Hiến sau. Trên xe, tôi điện cho Hiến, nhắc ra ngõ đón xe. Chị Tố Nga, vợ Hiến, cầm máy, nói: “Lão ấy bảo đi họp thì chậm chạp lắm, nhưng bảo đi ăn thì rất nhanh nhảu. Lão đã ra ngõ rồi!”
Hiến là tay “vui đâu chầu đấy”. Về mặt này, anh rất dễ tính. Tôi cho rằng những người làm khoa học, làm nghệ thuật chân chính, càng khó tính trong chuyên môn bao nhiêu thì lại càng dễ tính trong sinh hoạt đời thường bấy nhiêu.
Nhớ có lần anh Vũ Văn Viết ở Việt Trì mở một trường phổ thông dân lập. Ngày khai trường, anh đưa xe về Hà Nội nhờ tôi đón một số người quen lên dự cho long trọng. Không may, số người trong danh sách mời, hoặc bận việc, hoặc đi vắng nhiều quá. Tôi bèn gọi điện cho Hiến rủ đi. Hiến nhận lời ngay, tuy Vũ Văn Viết không quen biết Hiến và cũng không hề mời Hiến. Không cần biết đi đâu, không cần biết ai mời, cứ gọi đi chơi, đi đánh chén là đi luôn. Mà cứ hồn nhiên, tự nhiên như không.
Một trong những biểu hiện hồn nhiên, tự nhiên của Hiến là thích bịa ra những trò đùa vui thoải mái. Con người chuyên suy lý lô -gíc trong học thuật, lại thích bầy ra những trò vô nghĩa lý để cười cợt. Làm khoa học là luôn luôn tìm tòi phát hiện những điều có nghĩa lý – làm mãi thế cũng mệt, có lẽ vì vậy mà phải bịa ra những trò vô nghĩa lý để thư giãn chăng?
Như hồi trường Vinh sơ tán ở Thanh Chương, Hiến bỗng nghĩ ra cái trò phân loại cán bộ giảng dạy của khoa văn làm hai loại: ăn cắp và ăn cướp. Hoàn toàn không hiểu theo nghĩa đen. Tay nào trông bộ dạng lùi xùi thì gọi là ăn cắp. Tay nào trông tướng mạo có vẻ hiên ngang đường hoàng thì gọi là ăn cướp. Ăn cướp tất nhiên sang trọng, oai phong hơn ăn cắp. Hiến và tôi ngồi phân chia toàn bộ cán bộ khoa văn ra làm hai loại như thế. Đúng là một việc làm vô nghĩa lý.
Trò đùa này đến tai chi bộ Đảng, thế là thành to chuyện. Người ta hiểu theo nghĩa đen, nên cho là một vấn đề tư tưởng hết sức nghiêm trọng
Anh Huỳnh Lý vừa là chủ nhiệm khoa vừa là chi ủy viên, đại diện khoa và chi bộ đến gặp chúng tôi để tìm hiểu và uốn nắn kịp thời. Bước vào ngõ nhà chúng tôi ở, anh lên tiếng: “Nào các cậu!chuyện ăn cắp, ăn cướp thế nào đấy?” Hiến trả lời ngay: “Chúng tôi phân loại anh ăn cướp là danh giá cho anh lắm rồi, anh còn thắc mắc gì nữa!”
Thế là hòa cả làng….
***
Hoàng Ngọc Hiến là người đặc biệt rất tự tin và lạc quan. Đây cũng là chỗ tôi không giống anh. Tôi hay bi quan. Chẳng hạn như có lúc bỗng dưng thấy công việc của mình (nghiên cứu và phê bình văn học) là vô nghĩa. Đâm ra chán hết, chẳng thiết làm gì nữa. Có lúc lại thấy mình bất tài một cách thảm hại và chán đời kinh khủng! Tôi cũng hay có những cái buồn không đâu, rất vu vơ. Lắm lúc lẩn thẩn ngồi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa với người này người khác. Giờ này họ đang ở đâu? Số phận ra sao? Còn sống hay đã chết cả rồi? “Hồn ở đâu bây giờ” (Vũ Đình Liên) – cứ nghĩ thế và buồn thương vơ vẩn…
Còn Hiến? Cuộc đời anh nào có suôn sẻ gì ! Cải cách ruộng đất, gia đình gặp tai họa lớn. Có thực tài, chuyên môn giỏi, có uy tín rộng rãi trong giới khoa học, ai cũng biết thế, vậy mà chẳng được phong một chức vụ khoa học nào, Hà Nội cử đi học nước ngoài, về nước lại bị đẩy vào Vinh, một tọa độ lửa của máy bay Mỹ, trong khi vợ con vẫn ở Hà Nội. Viết lách thì hay bị quy chụp đánh đấm. Lớn nhất là vụ “hiện thực phải đạo”. Người ta đánh trên báo chí chưa đủ, lại còn tổ chức hội nghị toàn quốc, tập trung toàn những tay đối lập với Hiến để phê phán… Cuộc đời như thế, ở người khác khó có thể vui vẻ được. Vậy mà tôi thấy Hiến chẳng hề bi quan chút nào.
Nhớ ngày giáp tết năm ấy, Khái Vinh mời Xuân Diệu, Hiến và tôi ăn thịt chó ở Hàng Lược. Không khí cuối năm, Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân mới. Đào Nhật Tân đã bầy bán ngay gần quán thịt chó. Khái Vinh cám cảnh nỗi khổ của Hiến trong vụ “hiện thực phải đạo”. Anh nói: “Hiến là người có tài mà cứ bị đánh đấm rất khổ” Xuân Diệu thì an ủi : “Ấy ở đời có trải qua đau khổ mới nên người”. Nhưng Hiến lại tỏ ra rất đắc ý: “Trong vụ này, cái tôi được nhiều hơn cái tôi mất”. Rồi anh chứng minh: Tôi có đứa con gái vào Sài Gòn, giáp Tết ra không được vì giao thông khó khăn. Một phi công cho lên ngồi ghế phụ bay ra luôn, vì biết là con ông “hiện thực phải đạo”. Cũng con bé đó sắp thi đại học, cần người luyện cho môn tóan. Một cô giáo tự nguyện giúp miễn phí, vì cũng biết là con ông “hiện thực phải đạo”. Ngoài ra nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khóat còn đem hoa đến tặng tại nhà riêng…
Có lẽ Hiến tuy vấp váp nhiều nhưng cũng hay gặp may chăng? Mỗi lần gặp nạn, lại thấy anh thoát hiểm một cách rất nhẹ nhàng như có quý nhân phù trợ vậy. Và càng bị đánh đấm lại càng nổi tiếng và được nhiều người mến mộ. Rồi có những giúp đỡ bất ngờ nên vẫn đi Pháp, đi Mỹ luôn luôn…
Tôi ví anh giống như nhân vật Pie Bêdukhốp trong “Chiến tranh và hòa bình” của L.Tôilxtôi: người to lớn lại vụng về, đi nghênh ngang giữa chiến trường mà tên đạn cứ tránh hết. Không biết dùng súng mà lại hạ được một tay thiện xạ trong một cuộc thách đấu….
Tôi giải thích tinh thần lạc quan của Hoàng Ngọc Hiến là do luôn luôn gặp được những cái may mắn lạ như thế…
                                                      ***
Tôi chưa có điều kiện và cũng chưa có ý định nghiên cứu để đánh giá sự nghiệp trước tác của Hoàng Ngọc Hiến. Nhưng gần gũi anh lâu ngày, tôi thấy anh có đủ phẩm chất của một người làm khoa học thứ thiệt.
Một là rất trung thực. Trung thực với mình, trung thực với người. Hồi mới được giữ lại làm cán bộ giảng dạy đại học, bắt đầu tập tọng làm khoa học, tôi thường tìm đến các bậc đàn anh để hỏi về những điều mình chưa hiểu. Nhiều vị chẳng biết gì đến nơi đến chốn cũng cứ trả lời huyên thuyên xích đế chả đâu vào đâu. Hiến không thế. Không biết nói không biết. Biết chưa đến nơi, nói biết chưa đến nơi. Anh rất ghét những thằng dấu dốt và khoe mẽ. Những tay khoa học rởm mà anh giễu là “xúng xính chuyên môn”, “xúng xính khoa học”
Hiến nghiên cứu cái gì cũng tìm hiểu đến nơi đến chốn. Có khi cuối cùng anh từ bỏ nó, quẳng nó đi. Nhưng quẳng đi vì sau khi nghiên cứu, biết đích xác nó là vớ vẩn, vô nghĩa. Tôi biết anh có thời gian say mê nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa để rồi cuối cùng vất bỏ nó đi như thế.
Trung thực là bản chất con người Hiến. Trong học thuật cũng như trong đời thường. Sự trung thực có khi rất hồn nhiên đến mức dại dột. Nghĩa là không che dấu cả những điều nói ra chẳng có lợi gì cho mình mà cũng không cần phải nói ra (xin miễn dẫn chứng về điều này).
Hai là tinh thần suy nghĩ độc lập. Không phải anh không biết coi trọng người này người khác, nhưng không bao giờ để cho một uy tín nào khống chế mình. Đọc các bài viết của Hiến, thấy anh trích dẫn với thái độ trân trọng như nhau, từ ý kiến của những bậc thánh hiền, những nhà văn lớn, đến ý kiến những cây bút chưa có tên tuổi gì, thậm chí vốn là học trị của anh. Người xưa nói : “Bất sỉ hạ vấn” (chẳng hổ hỏi kẻ dưới). Tôi cho đấy là một bản lĩnh khoa học rất đáng quý, coi mọi người đều bình đẳng trước chân lý.
Ở Hiến, mọi điều đọc được, học được đều được nhào nặn lại trong đầu óc để trở thành ý kiến riêng, chủ kiến riêng trên cơ sở quan điểm và nghiệm sinh của mình.
Tôi không cho rằng mọi ý kiến của anh đều đúng đắn, đều thỏa đáng cả. Nhưng Hiến không bao giờ có những phát ngôn vô thường vô phạt, chẳng có ích gì cho khoa học. Dù không thỏa đáng, ý kiến của anh cũng khêu gợi người ta suy nghĩ, kích thích tranh luận để tìm đến chân lý.
Ba là gắn khoa học với đời sống. Khoa học phải soi sáng đời sống, đồng thời phải từ yêu cầu của thực tế đời sống mà đọc sách viết sách . Anh nghiên cứu Mạnh Tử vì “trong tình hình đạo đức hiện nay của xã hội ta, có nhiều điều trong đạo đức học của Mạnh Tử rất đáng quý để chúng ta suy nghĩ “(4) anh tìm hiểu văn hóa- chân lý và văn hóa- địa lý, nêu lên hai mô hình đổi mới khác nhau của Nga và Trung Hoa, cũng là mong muốn cuộc đổi mới của ta hiện nay kết hợp được một cách thông minh cả hai khuynh hướng triết Đông và triết Tây kia để có thể phát triển hanh thông đẩy đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trên đường văn minh, hiện đại làm cho nước mạnh, dân giàu(4) ….vv…
Hiện nay đất nước ta đang ở trong xu thế tất yếu hội nhập với thế giới. Yêu cầu đặt ra là phải tiếp thu được những yếu tố tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc. Trước yêu cầu đó, Hiến viết một loạt bài góp phần giải quyết. Anh bàn về vấn đề cộng sinh văn hóa giữa văn hóa nước ngoài và văn hóa nước Việt, đề xuất hướng khai thác sao cho có thể dẫn đến những sáng tạo có giá trị. Anh nghiên cứu những gì làm nên nội dung của bản sắc dân tộc: phân tích truyền thống tình và lý, nhân và nghĩa, truyền thống khoan dung văn hóa thể hiện ở tinh thần tam giáo đồng nguyên có từ đời Lý, đời Trần…(5).v.v…Hiện nay nhiều người than phiền về tình trang xuống cấp nghiêm trọng cảu việc giảng dạy môn văn ở các trường học. Hiến liền đóng góp mấy bài giúp bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên một cách thiết thực, như bàn về phương pháp giảng văn, về sự cảm nhận giọng điệu, tiết tấu của văn chương và về đặc trưng của các thể loại văn học như bi kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tùy bút…(6)
 
Bốn là quan điểm toàn diện trong nghiên cứu , tránh cái nhìn thiên lệch một chiều. Ở Hiến, tư duy cặp đôi, tư duy biện chứng dường như đã thành thói quen.
Anh thường nhìn các đối tượng nghiên cứu qua các cặp phạm trù vừa mâu thuẫn vừa thống nhất. Anh tìm hiểu truyền thống tư tưởng của dân tộc qua các cặp phạm trù tình và lý, nhân và nghĩa, về vấn đề an sinh của dân tộc, anh nhấn mạnh an sinh vật chất (cơm no, áo ấm), đồng thời coi trọng an sinh phần hồn (tôn giáo tín ngưỡng); về nhận thức của con người , anh đề cao trí tuệ của trí tuệ nhưng không quên tầm quan trọng của trí tuệ- cảm xúc( trí tuệ của trái tim); trong tư duy khoa học, anh đòi hỏi phải phát huy cả hai năng lực: suy lý lôgíc và nhận thức trực giác; về giáo dục nhân cách, đạo đức con người, anh coi trọng quan hệ đạo đức với cộng đồng( đất nước, nhân dân) đồng thời hết sức nhấn mạnh quan hệ đạo đức của cá nhân với bản thân mình ( biết tự ái, tự trọng)(7) …...v.v……….
Đọc Hoàng Ngọc Hiến, thấy anh có thiên hướng về lý luận rất rõ: Lý luận văn học, lý luận văn hóa, lý luận triết học. Đây cũng là chỗ tôi khác anh. Tôi không phải không coi trọng lý luận nhưng tự thấy không phải chỗ mạnh của mình. Trước sau tôi chỉ là người nghiên cứu lịch sử văn học và viết phê bình. Hiến cũng viết phê bình và viết không ít. Anh nói đúng: “ Cảm hứng phê bình nẩy sinh khi chủ kiến của nhà phê bình ngẫu nhiên cộng hưởng đâu đó với tác giả, tác phẩm nào đó(8). Nhưng theo tôi, ở Hiến, sự “Cộng hưởng” chủ yếu là lý luận hơn là về nội dung cảm xúc thẩm mỹ của hình tượng văn học, nghĩa là tác phẩm và nhà phê bình gặp nhau ở chỗ thấy sáng lên một khái niệm lý thuyết, một quy luật nào đó về văn học. Thí dụ, anh chọn bình giảng bài thơ Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh, vì bắt gặp ở tác phẩm tính hiện đại trong sự so sánh thiên nhiên với con người “ Tiếng suối trong như tiếng hát xa” (trong khi văn chương cổ điển ví von con người với thiên nhiên).
Anh dẫn lý luận của Maiakốpki: “ Nhà thơ cổ điển viết: Chiếc xe ôtô buýt nặng nề như đám mây đen; nhà thơ hiện đại viết: “Đám mây đen nặng nề như chiếc xe ôtô buýt”, Anh phân tích bài thơ Hỏi tội cũng của Hồ Chí Minh vì thấy tác phẩm là sự minh chứng cho phương thức văn học phản ánh hiện thực bằng mô hình; anh viết về Số đỏ của Vũ Trọng Phụng vì thấy cái nhìn trao phúng của tác giả rất ứng với khái niệm “Đại trí” “Tiểu trí” học được của Trang tử trong Nam Hoa Kinh, anh tán dương cuốn phim Người Mỹ trầm lặng của đạo diễn Philip Noyce vì cho rằng tác phẩm đã làm sáng tỏ lý thuyết “Nghệ thuật lớn” thường là ở sự giao cắt giữa hiện thực và tuyệt đối” (6).
Như trên đã nói, Hoàng Ngọc Hiến, trong tư duy khoa học, có ý thức coi trọng cả suy lý logic và nhận thức trực giác. Nhưng xem ra chỗ mạnh hơn, trội hơn của anh vẫn là suy lý logic, tư duy lý luận. Là một nhà lý luận, trong mọi trường hợp, Hiến đều muốn đào sâu vào bản chất các sự kiện, các hiện tượng. Anh có hứng thú đặc biệt ném ra được những định nghĩa, những khái quát như muốn đụng tới gan ruột của đối tượng nghiên cứu.
Ay thế mà có một điều lạ la- lại một sự bất ngờ nữa ở Hoàng Ngọc Hiến- có lúc anh tỏ ra rất nông nổi, hết sức nhẹ dạ cả tin, đến nỗi mắc vào những lầm lẫn dại dột và nguy hiểm. Một nhà văn nữ, bạn của chúng tôi, biết chuyện này. Chị nói “Ông Hiến mà là đàn bà thì phải chửa hoang đến tỷ lần”
* **
Trong bài “ Kể lại nội dung và viết nội dung”, Hoàng Ngọc Hiến đề cao rất mực sự viết. Theo anh, có đầy đủ ý từ rồi, cũng chưa là gì cả. Phải viết ra thành chữ, thành câu, thành bài – cái đó mới quyết định. Vì viết không chỉ là diễn đạt nội dung mà là sáng tạo nội dung.
Vì thế Hiến rất chịu khó học cách đặt câu, học từ và cách dùng từ sao cho thật đích đáng. Anh không chỉ lo lắng tạo văn bản mà còn coi trọng chuẩn bị ngôn bản nữa, nghĩa là bài nói, bài phát biểu miệng. Cho nên trong giảng dạy, anh chuẩn bị bài giảng rất kỹ. Tôi đã dự một số giờ lên lớp của anh nên thấy như thế, hóa ra Hiến còn là một nhà sư phạm mẫu mực.
 Anh cố gắng giảng dạy cho sinh viên hiểu được chính xác những điều mình hiểu, dù đó là những vấn đề học thuật phức tạp. Tôi và anh còn có nhiều lần được mời đi nói chuyện nơi này, nơi khác. Bao giờ anh cũng nhường tôi nói trước để có thời gian chuẩn bị. Nhớ có lần chúng tôi cùng dự một cuộc Hội thảo khoa học ở Hà Nội. Hiến phát biểu rất hùng hồn, khẩu chiến rất đanh thép với những người từng “đánh” bài “hiện thực phải đạo” của anh. Buổi trưa, anh rủ tôi về nhà anh ăn cơm. Anh hỏi: “Sao, cậu thấy mình phát biểu có được không?”. Tôi khen: “Khá lắm!”. Chị Tố Nga nói: “Lẩm bẩm suốt đêm, làm gì mà không khá”. Hóa ra Hiến không chỉ chuẩn bị ý, chuẩn bị lời, mà còn luyện nói nữa.
Hiến rất chăm chỉ học chữ ở sách vở. Anh lấy làm thích thú học được chữ “hương nguyện” trong sách Mạng Tử, học được khái niệm “đại trí”, “tiểu trí” của Trang Tử trong Nam Hoa Kinh, khái niệm “địa nguc mang trong đầu” đối lập với “địa ngục ngoài đời” ở kinh A di đà, học được chữ “cơm ngữ” của Tô Hoài…. Anh rất khoái chí khi hiểu được đúng nghĩa chữ “bất nhẫn” mà nhiều trí thức, văn nghệ sĩ hiểu sai, dùng sai. Anh tâm sự “Tiếng Việt là một nguồn sướng thường xuyên của tôi. Nghe một câu tiếng Việt dí dỏm, sướng; đọc một trang tiếng Việt ngon lành, sướng; tìm được một từ Việt đích đáng, sướng”(1)
Hiến không chỉ học chữ ở sách vở thánh hiền hay ở những nhà văn lớn. Anh học bất cứ ai, kể cả đứa con nít.
Hồi chiến tranh, anh chở con gái lúc ấy còn ở tuổi thiếu nhi đi sơ tán. Cô bé đang ở với bà. Bố con từ biệt bà lên đường. Anh hỏi con: “Con đi thế này, bà vui hay buồn?”. Bé trả lời: “Bà mừng bố ạ!”. Hóa ra mừng và vui khác nhau. Trong vốn từ của anh lúc bấy giờ chỉ có hai chữ đối nghĩa: vui và buồn. Không buồn là vui, không vui là buồn. Còn mừng và vui thì anh tưởng là cùng một nghĩa.
 
Sau 1975, anh vào Sài Gòn thăm một bà chị họ. Bà chị một lần nữa lại giúp anh phân biệt hai từ ấy: “Đất nước giải phóng rồi, chị mừng nhưng không vui” (mừng vì hết bom đạn, nhưng không vui vì gia đình ly tán)(2)
Đọc Hoàng Ngọc Hiến, tôi thấy chữ nghĩa của anh có hai nét riêng này rất Hoàng Ngọc Hiến. Một là những từ có sắc thái giễu cợt, gợi lên được hình ảnh rất hài hước của đối tượng châm biếm. Thí dụ như từ “xúng xính” anh dùng để giễu những “nhà” khoa học rởm: “xúng xính chuyên môn”, “xúng xính” khoa học, “xúng xính mũ cao áo dài”…. Trong một bài bút chiến với một nhà phê bình hải ngoại bắt lỗi một bài viết của anh, nhưng bắt không trúng, bắt trượt, anh dùng chữ “vồ hụt”. “Vồ hụt”, chữ rất hay, như vẽ ra được hình ảnh chưng hửng rất buồn cười của nhà phê bình nọ…. Hai là những câu, những chữ có sức diễn tả mạnh mẽ. Nếu là câu thì thường là những đinh nghĩa, những khái quát, những mệnh đề đúc kết quy luật này khác, ngắn gọn, chắc nịch như đinh đóng cột. Thí dụ: “Dân nghệ cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”; “Tay này (một giáo sư Đại học sư phạm Vinh người thấp lùn) chỉ cần cao hơn năm phân, số phận khác hẳn”….. Những khẳng định xanh rờn như thế mà quàng vào nhân vật nào thì thật tai hại cho nhân vật ấy. Vì ý kiến của anh tuy cực đoan, nhưng căn bản là đúng. Thí dụ: “Tay này (một cán bộ giảng dạy lịch sử người Nghệ An) kết tinh mọi cặn bã của dân Nghệ”; Tay nọ (một giáo sư danh tiếng của Đại học sư phạm Hà Nội) chỉ là một giáo viên cấp III giỏi”; “Lão ấy (một “lưỡng quốc tiến sĩ” dạy Đại học tổng hợp Hà Nội) không nên đánh giá là giỏi hay dốt. Hắn là người không có trí khôn”…..
Về từ cũng vậy, Hiến rất thích dùng những từ có sức diễn đạt thật mạnh mẽ. Lại nhớ hồi trường Đại học sư phạm sơ tán ở Thạch Thành, tôi và Hiến cùng ở chung một nhà dân. Ông chủ nhà là người dân tộc Mường, tên là Ông Cò Lửa. Ông là một thầy cúng. Đối với dân tộc Mường, thầy cúng được xem là người có chữ nghĩa, có văn hóa, có tri thức cao nhất trong làng bản. Hiến rất sướng học được ở ông từ “bõ hờn”. “Bõ hờn” nghĩa tương tự như thỏa thích, thỏa thuê, đã đời. Nhưng “bõ hờn” vẫn có nghĩa mạnh hơn. Anh sử dụng luôn từ này trong nhiều bài viết của mình và rất lấy làm đắc ý.
Hồi ấy, hoàn cảnh sơ tán rỗi việc. Tôi với Hiến suốt ngày chỉ đọc sách hoặc viết bài này bài khác cho các báo (nếu không đi bắt ốc sên hay ngồi tán phét). Tôi nhớ lúc ấy Hiến viết bài “Triết lý truyện Kiều”, còn tôi viết bài “Con đường Nguyễn Tuân đi đến bút ký chống Mỹ”. Chúng tôi vừa viết vừa trao đổi góp ý cho nhau. Hiến đã cấp cho tôi một chữ tuy rất thông thường thôi mà tôi rất thích. Nguyên là trong bài viết về Nguyễn Tuân, tôi có đề cập đến nét phong cách này của nhà văn: nhìn sự vật nghiêng về phía văn hóa, mỹ thuật, nhìn con người nghiêng về phía tài hoa, nghệ sĩ. Thời chống Mỹ, đi vào vùng tuyến lửa Quảng Bình, ông ngạc nhiên một cách đầy thích thú thấy các anh chị dân quân đuổi biệt kích địch dưới những rặng hoàng mai hoa nở vàng, và các cán bộ chỉ huy thì ngồi bàn việc quân bên những gốc hoàng mai lớn, xòe tán đầy hoa. Vậy là ở ngay chiến địa nóng bỏng này, cuộc chiến đấu vẫn diễn ra trong một khung cảnh rất mỹ thuật và người chiến sĩ, trong giờ phút căng thẳng nhất, vẫn ung dung thưởng thức cái đẹp, nghĩa là tâm hồn rất đỗi tài hoa nghệ sĩ. Còn đối với Nguyễn Tuân thì hoa đẹp, phong cảnh đẹp vốn là người bạn chí thiết từ xưa, càng trở nên tuyệt vời hơn bao giờ ở nơi khói lửa ác liệt này.
Tôi viết: “Mùa xuân năm 1965, về thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh, trong lửa đạn ông mừng rỡ được gặp lại một người bạn cũ. Hóa ra, ở ngay chốn này đây, người bạn thiên nhiên năm nào vẫn hào hoa phong nhã, nụ cười “hoa” như thách thức với bom đạn, như hòa vui trong chiến thắng của con người”.
Đọc đoạn văn này, Hiến đề nghị tôi đổi hai chữ “hóa ra” thành “té ra”. “Té ra” quả là hay hơn, nghĩa mạnh hơn, diễn tả cảm giác đột ngột hơn. Càng nghĩ càng thích thú. Từ đó tôi hay dùng hai chữ này trong những văn cảnh thích hợp.
Hoàng Ngọc Hiến định nghĩa “Dân Nghệ cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”. Hiến là dân Nghệ mà té ra chẵng Nghệ một tí nào, một con người đích thị của “tứ khoái”.
Hiến tưởng cả đời chỉ chuyên tâm tìm tòi, lý giải nghĩa lý của văn chương, triết học, té ra lại thích bày những trò vô nghĩa lý một cách rất hồn nhiên.
Hiến là một nhà lý luận sắc sảo, lúc nào cũng đòi hỏi khám phá chiều sâu, từng than phiền về tình trạng phê bình văn học của ta còn hời hợt, thiếu cảm hứng triết học, té ra lại là một anh chàng, có lúc hết sức nông nổi, nhẹ dạ cả tin “Nếu là đàn bà thì phải chữa hoang đến tỷ lần”.
Đúng, nói như thế quả là “bõ hờn”!
 
                                                            Tp. Hồ Chí Minh, Ngày 20 Tháng 06 Năm 2010  
 
1, Văn hóa chân lý và văn hóa địa lý .VHVM…….;
2, Xem các bài: Sức mạnh văn hóa và sự phát triển của văn minh và hướng phát triển của quan niệm truyền thống tình- lý trong cuộc sống hiện đại , Đạo đức học Mạnh Tử tinh hoa nho giáo nguyên thủy. “Văn hóa, văn minh, văn hóa chân lý, văn hóa địa lý”, NXB Đà nẵng 2007.;
3, Những ngả đường vào văn học (LVNĐ)NXB giáo dục 2006
4.Xem các bài sức mạnh của văn hóa và tự phát triển của văn minh và hướng phát triển của quan niệm truyền thống tình lý …(VHVN).
5.Tản mạn về nghiên cứu và phê bình văn học…(NNĐ)
6.Đọc các bài các đoạn phê bình tác phẩm trong “Những ngả đường…”
(7)       Người không có rể, nó có hai bàn chân (NNĐ….)
(8)       Người không có rể, nó có hai bàn chân (NNĐ….)
 
 
 
 
                    

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114507903

Hôm nay

259

Hôm qua

2343

Tuần này

2757

Tháng này

214776

Tháng qua

121356

Tất cả

114507903