Đất và người xứ Nghệ

ĐỒNG CHÍ LÊ HỒNG PHONG - NHÀ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (Nguồn ảnh TL: Laodongthudo)

Được sự giáo dục, đào tạo, rèn luyện, dìu dắt và chỉ đạo thường xuyên của Nguyễn Ái Quốc, kết hợp với phẩm chất đạo đức cao quý, năng lực trí tuệ, bản lĩnh và phương pháp cách mạng sáng tạo, luôn luôn kết hợp lý luận với thực tiễn, Lê Hồng Phong trở thành người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, giải quyết hai mảng vấn đề lớn là khôi phục, tái lập tổ chức đảng và hoạch định đường lối cách mạng trong thập kỷ ba mươi, đặc biệt là những năm đầu khi cách mạng thoái trào.

1. Lãnh đạo khôi phục hệ thống tổ chức đảng, xây dựng đường lối mới

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông[1], Lê Hồng Phong được cử về Đông Dương với tư cách là “cán bộ của Ban Trung ương Chấp ủy của Đảng”[2]; được giao nhiệm vụ “khôi phục tổ chức[3] và xây dựng đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương trong t́nh h́nh mới”[4].

Khoảng tháng 4-1932, tại Nam Ninh (Quảng Tây), Lê Hồng Phong tìm được một số hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên qua đó bắt liên lạc với chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động gần biên giới Việt - Trung do Hoàng Đình Giong làm Bí thư. Trong khoảng một năm (4/1932 - 3/1933), Lê Hồng Phong tích cực khôi phục các cơ sở đảng, giữ chặt mối liên lạc với Quốc tế Cộng sản, mở lớp học bồi dưỡng ở Nam Ninh (Quảng Tây) cho các đồng chí trong nước sang, chỉ đạo củng cố và phát triển nhóm cộng sản ở Cao Bằng do Hoàng Đình Giong đứng đầu, chỉ đạo phát triển cơ sở đảng ở Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai.

Lê Hồng Phong đồng thời đảm trách triển khai việc thực hiện Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương[5]. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, Chương trình hành động có tác dụng to lớn về nhiều mặt như củng cố niềm tin của đảng viên và quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng trước sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù; Tiếp tục Bônsêvích hóa Đảng; Mở rộng phê bình và tự phê bình trong Đảng, uốn nắn tư tưởng lệch lạc, dao động của một bộ phận đảng viên; Giữ vững sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động của Đảng; Củng cố, xây dựng Đảng và kết hợp các hình thức đấu tranh thích hợp.

Những công việc đó được triển khai trong thời kỳ cách mạng thoái trào cho thấy tính tích cực, chủ động của Lê Hồng Phong trong lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là thái độ, chính kiến, cách nhìn đối với Chương trình hành động[6]. Bằng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, các tổ chức cơ sở đảng dần dần được củng cố, phong trào cách mạng Đông Dương dần được phục hồi.

Nhận được chỉ thị của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài (BCHON) của Đảng Cộng sản Đông Dương (giữa năm 1933), Lê Hồng Phong chủ động họp bàn với một số đồng chí để thành lập BCHON.

Đầu năm 1934, được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, BCHON của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập do Lê Hồng Phong đứng đầu[7]. BCHON với “chức năng như Ban Trung ương lâm thời và lãnh đạo toàn Đảng”[8] có nhiệm vụ tập hợp các cơ sở đảng mới gây dựng lại ở trong nước thành hệ thống, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị triệu tập Đại hội của Đảng.

Sau khi được thành lập, BCHON với “vai trò là người lãnh đạo, người tổ chức sẽ tổ chức lại cơ quan lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ nhất vào năm 1935. Với tư cách là người đứng đầu BCHON, nhận rõ yêu cầu khách quan của việc tổ chức Đại hội Đảng, Lê Hồng Phong suy nghĩ nhiều về biện pháp, bước đi phù hợp để Đại hội Đảng thành công.

Để khẳng định những vấn đề có tính nguyên tắc của một tổ chức đảng và tăng cường sức mạnh tổ chức, lãnh đạo của BCHON, tháng 6-1934, Lê Hồng Phongtriệu tập hội nghị các đại biểu tổ chức đảng trong nước họp với BCHON ở Ma Cao nhằm: Thông qua Nghị quyết của Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản về việc thành lập BCHON của Đảng; Công bố nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ của BCHON; Chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ nhất; Yêu cầu đến tháng 1-1935 phải thành lập xong các Xứ ủy và Xứ ủy cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng; Tổ chức lại Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ sau khi thành lập được các chi bộ ở Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai; Giải tán cơ quan Đông Dương viện trợ bộ ở Xiêm, phối hợp với Đảng Cộng sản Xiêm thành lập cơ quan liên lạc giữ hai đảng; Gửi thư cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, Pháp, Thái Lan.

Những chỉ đạo kịp thời của Lê Hồng Phong về tổ chức và triển khai thực hiện những nội dung được BCHON thông qua đã giúp đảng viên và các tổ chức đảng củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, giúp cho cách mạng Việt Nam vượt qua giai đoạn hiểm nghèo, chuẩn bị tiền đề chuyển sang một giai đoạn mới.

Trong bối cảnh nhiều cơ sở đảng bị phá vỡ, nhiều mối liên lạc bị cắt, trên thực tế Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương không còn tồn tại về tổ chức, Lê Hồng Phong biết tận dụng và phát huy tối đa sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản cả về vật chất và tinh thần, nhanh chóng khôi phục cơ quan lãnh đạo. Thực hiện cầu nối, giữ chặt mối liên hệ với Quốc tế Cộng sản trong khi thực hiện một nhiệm vụ đầy khó khăn những năm 1932-1934 là một đóng góp xuất sắc của Lê Hồng Phong trong việc thực hiện chiến lược của Quốc tế Cộng sản ở Đông Dương và đáp ứng khát khao của những người cộng sản Đông Dương.

Báo cáo của BCHON gửi quốc tế Cộng sản về việc chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương cho thấy rất nhiều công việc mới mẻ BCHON phải chuẩn bị và thực hiện cho một Đại hội Đảng lần đầu tiên được tổ chức, như những chỉ thị cụ thể về Đại hội, chuẩn bị các báo cáo và đề cương, chương trình hành động của Đảng;... Thành công của Đại hội là thành công của tổ chức bộ máy Đảng, chứng tỏ sự hồi phục và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản cũng như uy tín của Đảng ta đối với Quốc tế Cộng sản trong điều kiện có sự khủng bố điên cuồng của địch.

Lê Hồng Phong không trực tiếp dự Đại hội Đảng nhưng được Đại hội bầu làm Tổng Thư ký và được Quốc tế ủng hộ. Đại hội chuẩn y Lê Hồng Phong làm trưởng đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, điều đó chứng tỏ uy tín và vai trò quan trọng, to lớn của Lê Hồng Phong.

Đặt trong bối cảnh cách mạng Đông Dương “thoái trào” và trong bầu không khí “tả” khuynh ảnh hưởng từ Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, khi Đại hội VII chưa tiến hành, mới thấy hết tầm vóc và ý nghĩa thành công to lớn của Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương. Kết quả đó gắn liền với với vai trò tổ chức, tư tưởng chỉ đạo của người đứng đầu BCHON là đồng chí Lê Hồng Phong.

2. Chuẩn bị những tiền đề chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc hình thành Mặt trận - từ Mặt trận nhân dân phản đế đến Mặt trận dân chủ - Lê Hồng Phong có vai trò lớn trong việc chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng

Tháng 7-1935, tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương, Lê Hồng Phong có tham luận về phong trào cộng sản, phong trào cách mạng Đông Dương từ khi Đảng ra đời đến năm 1935. Tham luận phản ánh tầm tư duy lý luận sâu rộng, sắc sảo, bản lĩnh của một nhà lãnh đạo.

Thứ nhất, bản tham luận khẳng định ý nghĩa lớn lao của sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Đảng ra đời chấm dứt cuộc khủng hoảng, bế tắc về đường lối, tổ chức và phương pháp cứu nước, đồng thời vạch ra hướng đi đúng cho đất nước, vừa đáp ứng đòi hỏi bức thiết của dân tộc vừa phù hợp xu thế của thời đại.

Thứ hai, bản tham luận nhấn mạnh Đảng Cộng sản Đông Dương là một Đảng bất chấp mọi sự khủng bố tàn bạo của đế quốc Pháp, kiên quyết thực hiện cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản, thực hiện đường lối cách mạng đã được khẳng định từ khi Đảng ra đời, đó là làm cách mạng tư sản dân quyền, đánh đổ đế quốc và phong kiến để giải phóng dân tộc, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, với tinh thần tự chỉ trích của một đảng chân chính cách mạng, bản tham luận nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật những ưu điểm, khuyết điểm của phong trào cộng sản, phong trào cách mạng ở Đông Dương trong cao trào 1930-1931 cho đến năm 1935.

Thứ tư, tham luận đánh giá cao vai trò của chính quyền Xôviết thời kỳ 1930-1931 ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng để lại dấu ấn giá trị của một chính quyền mới, chính quyền của nhân dân.

Đại hội VII Quốc tế Cộng sản đánh giá cao bản tham luận của Đảng ta do Lê Hồng Phong trình bày. Nội dung bản tham luận cho thấy Lê Hồng Phong đã tiếp tục khẳng định, bảo vệ và nêu cao tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc trong những văn kiện đầu tiên của Đảng, thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của các nước thuộc địa như Việt Nam.

Tháng 7-1936, trên đường về nước[9], qua Thượng Hải, Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng[10], để xác định chủ trương mới của Đảng về các vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng ở Đông Dương dưới ánh sáng Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Tại hội nghị này, Lê Hồng Phong tiếp tục có những đóng góp lớn về lý luận và tổ chức.

Một là, Hội nghị quyết định Trung ương Đảng phải chuyển về trong nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào. Kiên quyết không thỏa hiệp với bọn tờrốtxkít.

Hai là, Hội nghị chỉ rõ nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và chống phong kiến để giành độc lập dân tộc, người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội do Đảng ta đề ra từ năm 1930 là không hề thay đổi. Nhưng quán triệt đường lối mới trong Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và xét về trình độ quần chúng lúc đó cả về chính trị và tổ chức, trước mắt Đảng phải điều chỉnh chiến lược và thay đổi sách lược, tìm ra một con đường thích hợp, nhằm củng cố lực lượng cách mạng, chuẩn bị mọi điều kiện hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ. Hội nghị chỉ rõ “hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới bắt buộc Đảng ta phải có con đường chánh trị mới, con đường chánh trị mới lại bắt buộc phải có một đường tổ chức mới”[11]. Cụ thể, nhiệm vụ trước mắt của Đảng và nhân dân Đông Dương là tập trung ngọn lửa vào kẻ thù nguy hiểm nhất là bọn phản động thuộc địa Pháp và tay sai đắc lực của phản động thuộc địa như một bộ phận tư sản mại bản và đại địa chủ; chống chủ nghĩa phátxít và chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, hòa bình.

Ba là, Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế bao gồm các giai cấp, các đảng phái, dân tộc, đoàn thể chính trị - xã hội, tôn giáo ở Đông Dương để cùng nhau đấu tranh đòi những quyền lợi hằng ngày, chống chế độ thuộc địa. Đảng cho rằng “có thể hiệu triệu được toàn dân không kỳ giai cấp nào, đảng phái nào ra cùng tranh đấu chống chế độ thuộc địa phản động. Sự thực đã chứng minh rằng: nhất định sẽ thực hiện được mặt trận nhân dân là cái khí cụ của các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương chống sự tiến công của chủ nghĩa đế quốc”[12]. Hội nghị đề cao tinh thần dân tộc giải phóng mạnh mẽ trong dân chúng. Điều này thể hiện tư duy mới so với nhận thức thời kỳ 1930-1931 và Đại hội lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao, trở về gần với tư tưởng đề cao tinh thần dân tộc, giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp của Nguyễn Ái Quốc từ những năm hai mươi và trong các văn kiện thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.

Bốn là, Hội nghị Thượng Hải đã phân công đồng chí Hà Huy Tập - Thư ký của BCHON “về nước để tổ chức Ban Trung ương và để khôi phục các liên lạc với các tổ chức của Đảng”[13]. Đây là mốc chính thức đánh dấu Đảng Cộng sản Đông Dương chuyển cơ quan đầu não về trong nước, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trước tình hình mới[14].

Tháng 11-1937, Lê Hồng Phong bí mật về hoạt động ở Sài Gòn[15] cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng[16].

Tại Hội nghị Trung ương tổ chức ngày 30-3-1938 ở làng Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định[17], Lê Hồng Phong trong Ban Thường vụ có đóng góp lớn trong việc đề nghị đổi Mặt trận nhân dân phản đế thành Mặt trận Dân chủđể mở rộng khả năng thu nạp các giai tầng xã hội, các giới quần chúng tham gia phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ, hòa bình thích ứng với thời kỳ mới.

3. Nhà lãnh đạo xuất sắc về nhận thức và giải quyết quan hệ quốc tế

Trước tình hình khó khăn của cách mạng trong những năm ba mươi, Lê Hồng Phong nhận rõ đòi hỏi khách quan việc kết hợp cách mạng Việt Nam với cách mạng các nước. Từ đó trở đi, đồng chí là một nhà hoạt động quốc tế sôi nổi, nhiệt thành.

Trong thời gian học ở Trường Quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Phong học kinh nghiệm hồng quân Liên Xô; nghiên cứu Chủ nghĩa Tam dân và ba chính sách “liên Nga, liên cộng, ủng hộ công nông” của Tôn Trung Sơn. Đồng chí tham gia chiến đấu trong Chính phủ cách mạng Quảng Châu khoảng 5-6 tháng chống quân phiệt; Dự mít tinh, tuần hành do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức.

Những năm tháng học ở Liên Xô, đặc biệt ở Trường Đại học Phương Đông, Lê Hồng Phong tham gia hoạt động thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè nhiều nước trên thế giới. Nhờ mối liên hệ quốc tế, Lê Hồng Phong nâng cao tầm hiểu biết, nhãn quan chính trị về tình hình thế giới sâu rộng hơn để giải quyết những vấn đề cách mạng nước ta.

Qua học tập lý luận và hoạt động thực tiễn, Lê Hồng Phong nhuần nhuyễn kết hợp tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế của giai cấp công nhân. Đồng chí tìm thấy ở các nước bạn bè một địa bàn hoạt động, môi trường học tập, rèn luyện thuận lợi, cùng phối hợp, liên kết, ủng hộ khi cách mạng Việt Nam khó khăn. Đặc biệt, Lê Hồng Phong sớm nhận rõ vai trò to lớn, quan trọng của Quốc tế Cộng sản. Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, đồng chí đóng vai trò là cầu nối, giữ vững mạch máu liên lạc giữa Quốc tế Cộng sản với Đảng ta, khai thác, tận dụng tối đa sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản cho cách mạng Việt Nam.

Từ khi trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong cùng Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, vừa tận dụng sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản vừa làm cho thế giới hiểu hơn về Đảng ta và cách mạng Việt Nam. Đó là điều kiện thuận lợi giúp Đảng ta lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện được nhiệm vụ đề ra.

4. Nhà lãnh đạo xuất sắc bằng tấm gương trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân

Khi ra đi tìm đường cứu nước, Lê Hồng Phong mạng theo tâm nguyện “Không làm rạng rỡ non sông, quyết không trở về Tổ quốc, quê hương”. Từ khi bước chân vào con đường cách mạng chuyên nghiệp, Lê Hồng Phong luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên, lên trước lợi ích cá nhân và hạnh phúc gia đình. Bầu nhiệt huyết cách mạng và trái tim cộng sản của Lê Hồng Phong luôn dành cho Đảng, cho dân tộc.

Nhiều lần đồng chí muốn về nước, xây dựng tổ chức đầu não của Đảng ở trong nước để lãnh đạo cách mạng, mặc dù biết kẻ thù rình rập, nguy hiểm. Khi được về trong nước hoạt động, Lê Hồng Phong hai lần bị bắt[18], bị tra tấn, đánh đập, có khi ăn “bát cơm chan máu”, nhưng điều đó không lay chuyển được tinh thần cộng sản Lê Hồng Phong. Đồng chí vẫn nêu quyết tâm “còn sống còn chiến đấu”. Kiệt sức, trước lúc vĩnh biệt anh em[19], đồng chí căn dặn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Sự lãnh đạo xuất sắc của Lê Hồng Phong không chỉ bằng lý luận mà bằng chính sự nêu gương, một tấm gương chiến đấu kiên cường, sự hy sinh lẫm liệt vì độc lập dân tộc, tự do, dân chủ của nhân dân và lý tưởng cộng sản.

Tấm gương Lê Hồng Phong sống mãi trong trái tim, khối óc các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng oanh liệt của Lê Hồng Phong sống mãi với non sông, đất nước, để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là thế hệ trẻ những bài học sáng ngời.

Đó là tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, nêu cao ý chí, tinh thần tiến công cách mạng triệt để, khí phách của người cộng sản; Ý chí phấn đấu không mệt mỏi, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, phương pháp; Kiên trì học tập nâng cao kiến thức, trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn.

Đó là giữ vững ngọn lửa, nhiệt tình, quan điểm cách mạng, lập trường giai cấp công nhân, kiên định mục tiêu và con đường cách mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng sai trái. Bám sát thực tiễn, năng động, sáng tạo trong việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Hiện nay, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh. Phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ và khát vọng của toàn dân tộc xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đồng chí Lê Hồng Phong là một “nhân vật khổng lồ[20] - khổng lồ về ý chí, tư tưởng, nghị lực, về phẩm chất đạo đức cách mạng, về trí tuệ và bản lĩnh; về quyết tâm suốt đời chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Lê Hồng Phong là hiện thân cho câu danh ngôn bất hủ của nhà văn Xôviết nổi tiếng Nhicôlai Ốtxtơrốpxki mà người đứng đầu Đảng ta nhiều lần nhắc tới: “Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người ta chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

* Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: "Đồng chí Lê Hồng Phong - Người chiến sỹ Cộng sản Quốc tế, kiên cường, Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Cách mạng Việt Nam" 


[1] Lê Hồng Phong học khóa 3 năm (1928-1931), tốt nghiệp 5-1931. Tháng 11-1931 về nước.

[2] Tiểu sử tự thuật của Hải An (Lítvinốp - Lê Hồng Phong). Xem Lê Hồng Phong - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.73.

[3] Sau Hội nghị Trung ương 2 (3-1931), các cơ sở đảng tan vỡ. Ngày 18-4-1931, Trần Phú bị bắt. Hầu hết các Ủy viên Trung ương, các xứ ủy viên lần lượt sa lưới địch. Hàng nghìn đảng viên, quần chúng bị bắt. Ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Kông.

[4] Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Lê Hồng Phong - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.73.

[5] Ngày 15-6-1932, Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương được Quốc tế Cộng sản thông qua. Chương trình này được khởi thảo trước tháng 4-1932 với sự chỉ đạo sát sao của Ban phương Đông mà người trực tiếp là Vaxilieva (Trưởng phòng Đông Dương) với sự tham gia của một vài sinh viên đang học ở Trường Đại học phương Đông như Hà Huy Tập, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, được Ủy ban chính trị thuộc Ban Bí thư của Quốc tế Cộng sản thông qua.

[6] Chương trình này là một văn kiện có tính cương lĩnh chỉ đạo hành động của những người cộng sản Đông Dương, được đưa ra thảo luận trước Đại hội Đảng. Chương trình có những điểm chưa sát thực tế Đông Dương, chịu ảnh hưởng tư tưởng “tả” khuynh của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, dẫn tới ý kiến khác nhau về một số vấn đề thuộc sách lược, khẩu hiệu. Các đại biểu Nam Kỳ coi Chương trình thấp hơn trình độ quần chúng; loại ý kiến khác lại rập khuôn, máy móc, cho rẳng chấp hành vô điều kiện kinh nghiệm của Quốc tế Cộng sản, không cãi cọ về đường chính trị chung hay cải tiến các khẩu hiệu.

[7] BCHON (Ban lãnh đạo hải ngoại) gồm 3 người: Lê Hồng Phong (Lítvinốp) - Thư ký; Hà Huy Tập (Xinhitrơkin) - Tổng Biên tập Tạp chí Bônsơvích; Nguyễn Văn Dựt (Svan) - Thanh tra.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.364.

[9] Sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, ngày 4-5-1936, Lê Hồng Phong gửi thư cho Ban Bí thư Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đề nghị cho phép được trở về Đông Dương.

[10] Hội nghị có nhiều tên gọi nhưng thường được nói đến “Hội nghị Thượng Hải ngày 26-7-1936”.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.222.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.144.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.300.

[14] Quyết định này thực hiện lời dặn của Nguyễn Ái Quốc với Lê Hồng Phong khi Người đang hoạt động ở Liên Xô (qua Hoàng Văn Nọn và Nguyễn Thị Minh Khai) khi về Thượng Hải. Sau Hội nghị 7-1936, Lê Hồng Phong được phân công ở lại phụ trách BCHON. Hà Huy Tập về nước lãnh đạo phong trào cách mạng.

[15] Từ sau Hội nghị tháng 3-1937, giữa BCHON do Lê Hồng Phong phụ trách và Ban Trung ương trong nước do Hà Huy Tập phụ trách nảy sinh quan điểm khác nhau về cách thức tổ chức phong trào quần chúng.

[16] Nguyễn Thị Minh Khai cũng đã về nước trước đó, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

[17] Tham dự Hội nghị có: Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ. Hội nghị bầu 11 ủy viên, Ban Thường vụ 5 người: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu, do Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư.

[18] Lần 1 ngày 22-6-1939, lần 2 tháng 1-1940.

[19] Trưa ngày 6-9-1942 tại Xà lim số 5, Banh II.

[20] Câu nói của một nhà hiền triết lỗi lạc Đức.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522794

Hôm nay

244

Hôm qua

2282

Tuần này

21568

Tháng này

220733

Tháng qua

121009

Tất cả

114522794