Đất và người xứ Nghệ

Rú Hống, dòng Lam trong thơ Trần Mạnh Hảo

Núi Hồng - sông Lam. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Tôi sinh ra ở vùng gió Lào hâm hấp mùa hạ. Mùa đông ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc rét thấu thịt da. Nuôi chúng tôi lớn không chỉ khoai sắn, tương cà mắm nhút mà còn là văn hóa. Điều này nghe ngỡ như lãng mạn nhưng lại là một thực tế. Văn hóa đó là ý chí là sức chịu đựng khó khăn, là mơ ước đổi thay vươn mình ra khỏi lũy tre làng, là niềm lạc quan, nhẫn nại vượt qua gian khó nơi túi mưa rốn bão, chảo lửa, là sự chịu khó học hành để có được kiến thức, chữ nghĩa lập thân, lập nghiệp. Tinh thần văn hóa ấy được hiện diện nổi trội trong tâm trí và trao truyền qua các thế hệ người xứ Nghệ.

 

Hình ảnh biểu trưng cho xứ Nghệ là núi Hồng sông Lam. Sông Lam còn gọi là sông Cả, bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang (Xiêng Khoảng, Lào) với chiều dài chảy trên đất Nghệ An và Hà Tĩnh khoảng 361 km, phần cuối của sông hợp lưu với sông La bên Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới phân đôi Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại cửa Hội. Hai bên dòng sông Lam có không ít làng, xã văn hóa đặc sắc tiêu biểu cho văn hóa xứ Nghệ bao đời nay. Có nhiều bài hát về sông Lam đi vào lòng người, trong đó có bài “Lỡ hẹn với dòng Lam”, ngôn từ lời hát đậm lời ăn tiếng nói dân dã của người xứ Nghệ.

Rú Hống là tên dân gian gọi núi Hồng (nói tắt của Hồng Lĩnh), nằm trọn trên đất Hà Tĩnh. Dãy núi dài khoảng 30 km (theo hướng Tây Bắc - Đông Nam), nơi rộng nhất chừng 15 km, đỉnh cao nhất tới 768m so với mực nước biển. Sườn phía Bắc núi Hồng Lĩnh nằm dọc theo sông Lam. Ngọn núi có nhiều truyền thuyết gắn với quá trình hình thành dân tộc Việt Nam từ thuở xa xưa, là 1 trong 9 địa danh được vua Minh Mạng cho khắc vào Bách khoa thư cửu đỉnh vào năm 1836, hiện cửu đỉnh đang đặt tại Cố đô Huế.

Tên gọi Hồng Lam là hợp thành của núi ấy và sông ấy. Sông núi ấy vời vợi đi vào thơ ca nhạc họa, thăm thẳm sâu, vời vợi cao trong lòng người xứ Nghệ. Một người con xứ Nghệ xa quê từng ngân lên khúc hát: “…Như núi Núi Hồng, sông Lam. Sông cứ chảy trong ta. Núi cứ lớn trong ta. Đi xa càng muốn về, khổ đau càng muốn về” (trích lời bài hát “Hà Tĩnh mình thương”, nhạc sỹ An Thuyên).

Là người học văn, đọc văn nhưng gần đây, nhờ không gian mạng tôi mới biết đến những câu thơ tài hoa của Trần Mạnh Hảo viết về xứ Nghệ trong hai bài thơ “Sông Lam” và “Gió Ngàn Hống”.

“Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh
Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du
Sông đứng thành Hồng Lĩnh
Sông đi thành ví dặm trời xanh

Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát
Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi


Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút
Một củ khoai cũng lấp ló mây trời
Con cò mặc áo tơi đi học
Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi

Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh
Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài


Trời hào phóng mây trắng
Đất tằn tiện ngô khoai

Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa
Đồ Nghệ Sông Lam dạy biển cả học bài


Gió Lào thổi mây dòn bánh đa nướng
Sông Lam nuôi nứt nẻ mỗi hạt vàng
Gió lập ngôn đầu hồi luồng lĩnh xướng
Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang

Sông thao thức sóng tràn bờ Bắc
Sông nằm mơ tĩnh lặng khói bờ Nam
Thúy Kiều đến Tiên Điền tìm họ mạc
Hai trăm năm Tiền Đường mê mẩn nước Lam Giang
Để rú Quyết lặng thầm đi cứu nước
Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng

Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát
Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn
Người giàu có nên đất nghèo khô khát

Kìa gió Lào thổi cong sông Lam…”

                                                                   (Sông Lam)

“Gió Ngàn Hống thổi vênh trời Hà Tĩnh

Chín mươi chín cột kê làm núi đỡ trời

Sông Lam vẫn ú tim cùng Hồng Lĩnh

Bến Giang Đình cát bụi hú mù khơi

Hỡi miền Trung những cồn mây tích bão

Đất nằm nghe đá núi rúc tù và

Câu ví dặm hóa xương rồng níu áo

Nước đêm nào đau khản tiếng Sông La

Nhớ miền Trung tìm Nguyễn Du tôi khát

Sóng Nam Đài trằn trọc cát Thanh Hiên

Ngàn Hống thở hồng trần bay lục bát

Thúy Kiều ơi bầm nát gió Tiên Điền

Hồn Tố Như còn u u Ngàn Hống

Trăng tìm về Hà Tĩnh uống cuồng phong

Núi vẫn gõ lên trời trăm dùi trống

Đất âm âm mời cát ngủ yên lòng...”

                                             (Gió Ngàn Hống)

Qua hai bài thơ Sông Lam và Gió Ngàn Hống, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã vẽ nên nét tính cách Nghệ, thấu hiểu sự nhọc nhằn của vùng đất Nghệ, ghi nhận sự vươn lên của người Nghệ và tôn vinh những giá trị văn hóa xứ Nghệ. Đặc biệt ở đó, ông đã nói lên phẩm chất kiên trì, chịu khó, hiếu học và tính cách có phần “gàn” của người xứ Nghệ qua hình tượng “Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang”. Những nét phẩm chất này được thổ nhưỡng Lam Hồng hun đúc, tạo thành, vừa là điểm mạnh, lại cũng có mặt hạn chế, nhưng nhờ tính cách này người Nghệ trụ vững với thiên nhiên nhắc nghiệt và nuôi dưỡng một tình cảm sâu lắng, nghĩa tình để sống và yêu quê hương mình.

Nhiều bạn đọc người Nghệ bày tỏ thích câu này hoặc câu kia của ông, đặc biệt ở bài “Sông Lam”, nhưng thấy câu nào cũng hay, lời thơ nào cũng ý nghĩa, nên rất khó chọn câu nào hay trong so sánh hơn thua. Cho nên, hay hơn, độc đáo nhất cũng chỉ là tranh luận để thõa mãn cái thú thẩm thơ; cuối cùng, cái hay đó lắng lại trong cảm nhận của cá nhân mỗi người đọc.

Bạn đọc mạng có ý kiến cho rằng, sáng tác nhạc về xứ Nghệ hiếm có nhạc sĩ nào vượt qua Nguyễn Văn Tý, làm thơ về xứ Nghệ khó ai qua được Trần Mạnh Hảo. Đó cũng là một sự ngợi ca, khen tặng đầy hân hạnh đối với người nghệ sĩ sáng tác. Quả thực, đọc thơ Trần Mạnh Hảo, tôi gần như nổi gai trước những lời thơ của ông viết, như chính ông là người con của núi Hồng, sông Lam trút gan ruột, giãi bày với bè bạn muôn phương về vùng đất, con người quê mình vậy.

Chỉ chưa đầy mấy chục câu thơ, đặc biệt với “Sông Lam”, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã thấy tận được ngọn nguồn những vỉa tầng văn hóa mảnh đất Lam Hồng. Qua lăng kính của Trần Mạnh Hảo, dòng sông Lam chảy mạnh hơn, âm hưởng ngọn gió Ngàn Hống trở nên da diết hơn trong lòng người xứ Nghệ. Sông núi ấy, tuy hai mà là một, hợp thành nét văn hóa tiêu biểu của mảnh đất xứ Nghệ nơi dãi đất miền Trung./.

(Bài đã in trong BT Văn hóa - Thể thao Nghệ An số 06/2022)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522785

Hôm nay

235

Hôm qua

2282

Tuần này

21559

Tháng này

220724

Tháng qua

121009

Tất cả

114522785