Đất Nghệ

Độc đáo lễ hội đền Quả Sơn

Đền Quả Sơn là một trong 4 ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của xứ Nghệ “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền được xây dựng ở tổng Bạch Ngọc xưa (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương), thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang - vị tri châu Nghệ An, người có nhiều công lao xây dựng quê hương xứ Nghệ và mở mang bảo vệ bờ cõi cho Quốc gia Đại Việt dưới triều đại nhà Lý. Lễ hội đền Quả Sơn là một trong những lễ hội có quy mô lớn, độc đáo, giàu bản sắc nhất Nghệ An hiện nay và đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Lễ hội đền Quả Sơn.

“Quốc tạo, Quốc tế”

Đền Quả Sơn và lễ hội đền Quả là do “Quốc tạo, Quốc tế” (Nhà nước xây dựng, Nhà nước cúng tế). Các triều đại phong kiến từ Lý, Trần đến Lê, Nguyễn đều quan tâm và điều đó được thể hiện qua nhiều văn bản, khế ước của làng, của tổng.

Là “Quốc tế” nên từ xưa, lễ hội đền Quả Sơn được tổ chức mang tính chất và quy mô rộng lớn với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân cũng như quan lại từ trung ương đến địa phương. Lễ hội được giao cho 7 làng (Thanh Xuân, Trạc Thanh, Tập Phúc, Nhân Bồi, Phúc Hậu, Nhân Trung và Phúc Yên thuộc xã Bạch Ngọc xưa, nay thuộc 3 xã Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn) tổ chức. Hai địa điểm chính diễn ra lễ hội đó là nơi khai hội tại đền Quả Sơn (làng Tập Phúc - xã Bồi Sơn) và nơi dâng hương, tạ ơn Bà Bụt tại chùa Bà Bụt (làng Trạc Thanh - xã Lam Sơn). Không gian văn hóa của lễ hội còn mở rộng tới các làng dọc đường liên hương và đoạn sông Lam từ đền Quả Sơn ngược lên chùa Bà Bụt. Tất cả các điểm đình, chùa, đền miếu (chùa Nhân Bồi, đình Tập Phúc, đình Phúc Hậu, đình Nhân Trung, đình Trạch Thanh, chùa Bà Bụt… thuộc các xã Ngọc Sơn, Bồi Sơn và Lam Sơn) có lực lượng tham gia đều dựng cờ hội, lập đàn bái tạ và tập trung lực lượng để đón đoàn rước đi qua.

Lễ hội diễn ra trong hai ngày 20 và 21 tháng Giêng âm lịch, tuy nhiên các công đoạn chuẩn bị được tiến hành từ trước đó nhiều tháng và được chính quyền phân công chi tiết cho các làng để chuẩn bị nhân lực, cũng như các lễ vật cần thiết như: cờ, kiệu, quần áo, sửa sang đồ tế khí, kiểm tra lại thuyền rước,… Hai làng Thanh Xuân và Trạc Thanh chuyên lo việc rước kiệu bằng đường thủy. Làng Thanh Xuân đặc trách hai chiếc thuyền bơi, làng Trạc Thanh bốn chiếc thuyền chèo có tên Giáp, Ất, Bính, Đinh. Thuyền bơi lưu giữ tại đền Quả Sơn, thuyền chèo cất giữ tại chùa Bà Bụt. Trước tiên, chức dịch hai làng phải kiểm tra lại các thuyền, cho xảm kỹ, sơn và vẽ lại đầu rồng ở mũi và đuôi rồng ở lái. Sau đó họ lên danh sách và duyệt danh sách thủy thủ, lựa chọn rồi cai mũi và cai lái. Năm làng trên bộ còn lại là Tập Phúc, Nhân Bồi, Phúc Hậu, Nhân Trung và Phúc Yên chịu trách nhiệm rước kiệu trên đường bộ. Trước ngày tổ chức lễ rước, các chức dịch các làng và Nhân dân phải sửa sang đường sá để chuẩn bị đón đoàn rước và đón khách xa về dự lễ hội. Gần ngày lễ hội, quan viên chức sắc xã mở đợt khám đường, có trao thưởng cho làng nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Việc lớn và quan trọng của năm làng này là lên danh sách rồi tuyển chọn trai tráng của làng lập thành hai đội quân trang bị áo, mũ chỉnh tề tượng trưng cho “chính binh” và “dân binh”. Chính binh có tập luyện thử, chia làm tả quân và hữu quân, có hai viên suất đội đứng đầu, tiến hành “lộn quân”, tức duyệt binh. “Dân binh” (phù giá) đặc trách cầm cờ, quạt, tàn, lọng, kéo xe… hộ tống đám rước. Tất cả mọi thành viên từ thủy thủ chính binh, dân binh đến cai đội đều không có tang trở, khỏe mạnh, phải trai giới kể từ ngày vào lễ hội. Mọi công việc chuẩn bị kể trên phải hoàn thành trước ngày 17 tháng Giêng âm lịch và được tập duyệt chu đáo.

Sáng ngày 17 tháng Giêng, trước chính hội 3 ngày, các đồ nghi trượng như thuyền rồng, binh đao, giáo mác, cờ, trống,.. được đưa xuống bến thuyền và kiểm tra đội quân thủy. Đội chiến thuyền gồm 6 chiếc (2 chiếc thuyền bơi gọi là thuyền đạo dẫn đường, 4 chiếc thuyền chèo xung quanh) không kể cai mũi, cai lái, một chiếc có 24 tay chèo. Các viên cai mặc võ phục xưa, đầu đội mũ trụ, chân đi hia, tay cầm cờ lệnh. Các thành viên của đoàn rước thủy mặc áo nẹp, đầu quấn khăn xanh, quần nịt xà cạp. Trên bốn chiếc thuyền chèo còn đặt giá chiêng và giá trống ở mũi và lái. Sau khi tề tựu trên mặt sông Lam, trước cửa đền, đội chiến thuyền chuẩn bị vào cuộc bơi thử, nhằm khích lệ cho đội rước thủy các đợt bơi thử đều tổ chức trao giải thưởng. Giải thưởng thông thường do quan viên địa phương, chức sắc xã đặt giải, có khi viên Tri phủ Anh Sơn về dự và đặt giải thưởng.

Sáng ngày 18 tháng Giêng, đoàn quân bộ tề tựu tại sân đền để nhận các tư trang và phân công nhiệm vụ cụ thể và tập duyệt binh chuẩn bị cho lễ rước: Kẻ cầm cờ, người khiêng võng hay kéo xe, rung đạc ngựa hay đánh trống chiêng… Hai đội “chính binh” nhận đủ trang bị như quần áo vũ khí và tập dượt “lộn quân” lần cuối.

Ngày 19 tháng Giêng, tổ chức lễ rước tượng Thánh vào kiệu, Nhân dân gọi là lễ “trồng kiệu”, sau đó chờ đến giờ Tý, tổ chức an vị tượng Lý Nhật Quang và các tượng khác tại lầu ca vũ để chuẩn bị sáng hôm sau xuất phát. Sau khi an vị tượng thì tổ chức phân công các phường bát âm khác thay nhau túc trực tại lầu ca vũ của Đền Quả Sơn để hát chầu văn để tán dương công lao của các vị thần.

Độc đáo phần lễ

 

Lộn quân trước sân đền. Ảnh: Anh Tuấn

Rạng sáng ngày 20 tháng Giêng, sau ba hồi chín tiếng trống và chiêng tại lầu chiêng, đám rước cũng được bắt đầu với nghi lễ đầu tiên là lộn quân trước sân đền. Tương truyền, đây là nghi lễ diễn lại tích trò đánh trận và mở mang bờ cõi của Uy Minh vương Lý Nhật Quang. Diễn trình lễ lộn quân như sau: Sau khi tập kết, hai đội “chính binh” tượng trưng cho hai cánh quân bộ triển khai hai hàng dài hai bên lầu ca vũ, mặt hướng vào chính điện chờ lệnh. Đứng đầu mỗi đội là viên suất đội, mình mặc võ phục, đầu đội mũ võ quan, lưng đeo kiếm bạc, chân đi hia, trên cổ đeo một cái tù và bằng sừng sơn dương nạm bạc, tay cầm chiếc trống tiểu, tức là trống lệnh. Sau viên suất đội là 9 thị vệ mặc áo lính nỉ đỏ, cạp xanh, lưng thắt khăn đỏ, quần trắng cuốn xà cạp, chia nhau vác giáo, mác, gươm đao, phạng, dùi đồng, phủ việt, côn, bạt xà mâu và nhiều thứ binh khí cổ khác. Mỗi đội còn có một người mang ống loa đồng lớn để chỉ đạo quân binh thực hiện các nghi thức trong buổi lễ.

Khi có lệnh duyệt binh, cánh tả tiến sang phía hữu thành một vòng ngoài, khép kín từ cửa chính điện đến tam quan. Cùng lúc, cánh hữu tiến sang phía tả thành một vòng tròn khép kín ngược chiều với cánh tả. Khởi đầu hai cánh đều tiến từ từ, sau nhanh dần vòng quanh chu vi tòa đền. Giáo mác, gươm, phạng, dùi đồng, phủ việt… nhấp nhô trên vai, tiếng bước chân rầm rập, tiếng trống lệnh nhặt khoan, tiếng tung hô vang dội…từ hàng quân cùng với tiếng hô vang dậy đất của hàng ngàn người dân tham dự, náo động cả một vùng như làm sống dậy khí thế hùng tráng xuất quân thủơ nào của Lý Tướng quân. Khi đã lộn đủ 3 vòng thuận thì cánh tả quay đầu lại 180 độ đi vào vòng trong, đồng thời cánh hữu cũng quay lại để vượt ra vòng ngoài tiếp tục lộn ba vòng nghịch mới kết thúc. Sau đó cánh quân tả tiến ra cửa tả quan, cánh quân hữu kéo ra cửa hữu quan, làm thành hai hàng dọc hòa vào đội “dân binh” đang dàn nghi trượng dọc đường để chuẩn bị cho nghi lễ rước thần.

Kết thúc duyệt bộ binh, kiệu Đức Thánh được rước theo cửa chính ra sân ngoài, dừng lại chốc lát để quan viên chức sắc làng Tập Phúc làm lễ bái hạ (lạy mừng). Tiếp đến đám rước cả trên bộ và dưới sông nhất loạt lên đường rước Kiệu đến chùa Bà Bụt. Dẫn đầu là đội cờ rồng (tương truyền, cuối thể kỷ XIX, vua Hàm Nghi xuất bôn, bà vợ lặn lội tìm chồng. Bà đã đến đền Quả Sơn xin phù trợ và bà đã gặp nhà Vua. Sau đó, bà tiến cúng những lá cờ rồng này) dàn thành hàng đôi, tiếp đến là cây cờ đại ngũ sắc, lá cờ hình vuông mỗi cạnh độ 3,5m, xung quanh có các đường diềm vàng, trắng, đỏ, ngoài có rìa xanh, chính giữa thêu bốn chữ vàng “Thượng, thượng, thượng đẳng” ở giữa. Cột cờ bằng gỗ gõ cao khoảng 5m cắm giữa một cỗ xe bánh lăn, có sáu dân phu bận quần áo rước kéo và đẩy. Sau cỗ xe cờ đại là cỗ xe chở đôi hạc gỗ, mang bành thêu bằng kim tuyến, cổ đeo lục lạc bằng đồng. Hạc đứng trên lưng rùa đặt trên cỗ xe có 4 bánh lăn, có người kéo và đẩy, 2 bên có người che lọng xanh và lắc lục lạc. Tiếp nối là chiếc chiêng đồng lớn treo trên giá có bánh xe lăn, 4 người thay nhau kéo và đẩy, 1 người cầm dùi điểm nhịp. Tiếp theo là đôi ngựa chiến được Nhân dân gọi là con Bạch và con Tía, trên lưng có yên cương, dưới cổ đeo đạc đồng cũng đặt trên bánh xe lăn, có bốn người kéo và đẩy, một người che lọng vàng và một người rung đạc ngựa. Chiếc trống đại đặt trên giá có bánh lăn 4 người kéo và đẩy, một người cầm dùi điểm nhịp nối chân ngựa chiến. Đôi hạc đồng lớn cũng được trang bị như hạc gỗ, có lọng che tiến trước chiếc hương án lớn chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng, phía trên đặt thất sự, ngũ sự, hai bên che bằng lọng vàng. Tiếp sau hương án là một lá cờ đại, có cột cao đặt trên xe có bánh lăn, lá cờ bằng nỉ đỏ dày viền chỉ vàng, hai mặt nổi lên hai câu “Bảo quốc hộ dân” và “Tham thiên toản hóa”. Chiếc sập ngự có hậu bành, trên đặt đài trản và các đồ ngũ sự, thất sự do tám người khiêng và bốn người luân phiên nhau cầm hai cây tàn che sập ngự tiến sát lá cờ. Tiếp theo là phường bát âm và kiệu Long Đình chạm rồng trổ phượng, phía trong đặt tượng mặc áo bào, đặt trong kiệu ở tư thế ngồi. Đội thị vệ gồm có 15 người thay nhau khiêng kiệu. Xung quanh kiệu là tàn vàng quạt tía vây kín. Sau kiệu là hai chiếc cáng võng điều, đòn chạm rồng phủ mui, trên mỗi cáng đặt một chiếc tráp (hộp) sơn son có họa tiết tinh vi. Hai bên đoàn rước là hai binh đội đã tham gia “lộn quân” (duyệt binh) dàn thành hai hàng với đầy đủ với đầy đủ khí giới trong tay, hộ vệ đám rước.

Đường hành quân từ đền Quả Sơn đến chùa Bà Bụt dài độ 3km. Khi đi qua các đình làng Thanh Xuân, Nhân Bồi, Phúc Hậu, Nhân Trung, Trạc Thanh, kiệu Đức Thánh đều dừng lại để quan viên chức sắc và dân các làng đó làm lễ bái tạ. Vì ở xa, làng Phúc Yên thiết lễ ngay tại đoạn đường rẽ vào chùa.

Đoàn rước bộ về chùa Bà Bụt. Ảnh: Anh Tuấn

Đoàn rước bộ đến điểm đã định ở bờ sông Lam dừng lại để duyệt thủy quân. Sáu chiếc thuyền rồng (hai thuyền bơi, bốn thuyền chèo) rẽ sóng xếp hàng chữ nhất quay mặt về phía kiệu Long Đình đang chờ trên bờ. Khi tiếng pháo nổ báo hiệu lệnh, đội thuyền chiến quay vòng trên quãng sông rộng ba vòng thuận, ba vòng nghịch ngược chiều nhau. Lễ duyệt thủy quân kết thúc, đoàn thuyền rồng dàn theo hàng dọc ngược dòng lên bến chùa Bà Bụt. Đến đầu giờ Ngọ, hai đoàn thủy bộ đều cùng một lúc đến chùa Bà Bụt, Ban lễ nghi bắt đầu tiến hành nghi lễ tạ ơn.

Rạng sáng ngày 21, đoàn rước bộ và thủy lại tiến hành nghi thức “lộn quân” để rước kiệu trở về đền Quả Sơn. Đoàn quân diễu hành ba vòng thuận và ba vòng nghịch, trên sân, dưới bến lại náo nức sôi động. “Lộn quân” kết thúc, nghi trượng hành quân đã sắp sẵn, kiệu Đức Thánh được rước trở về đền Quả Sơn. Khoảng gần trưa, kiệu được rước vào chính điện, tiến hành nghi lễ đại tế. Chiều ngày 21, tiến hành lễ tạ, lễ hội hoàn tất.

Ngày nay, lễ hội được tổ chức vào hai ngày 19 và 20 tháng Giêng âm lịch, về cơ bản vẫn giữ được những lễ nghi như lễ hội xưa, tuy nhiên có sự lược giản và một số thay đổi để phù hợp với thời hiện đại. Diễn trình phần lễ gồm:

Lễ “khai quang, tẩy uế” được tổ chức vào sáng ngày 19 tháng Giêng âm lịch. Lễ này mang ý nghĩa dọn dẹp, vệ sinh trong, ngoài khu di tích, lau chùi đồ tế khí.

Lễ “Yết cáo” được tổ chức vào đêm 19 tháng Giêng âm lịch để báo cáo với các vị thần linh, kính thỉnh chư vị thần linh về dự lễ hội. Các nghi thức tế lễ khá nghiêm trang với đầy đủ các bước từ sơ hiến lễ, á hiến lễ, chung hiến lễ, mỗi diễn trình bao gồm một tuần hương, tuần rượu, tuần trầu,....

Lễ “Chính tế” (tức là lễ tế thần Uy Minh vương Lý Nhật Quang) được tổ chức vào đúng giờ Tý đêm 19 rạng ngày 20 tháng Giêng tại di tích đền Quả Sơn. Nội dung lễ chính tế được tổ chức khá công phu và không có nhiều thay đổi so với lễ hội xưa. Nhân dân địa phương còn gọi là lễ “xuất thần” (tức là sau khi tế, người dân đưa di tượng của Lý Nhật Quang ra kiệu để chuẩn bị cho lễ rước lên chùa Bà Bụt để làm lễ tạ ơn vào sáng ngày hôm sau). Lễ chính tế được được tổ chức với đầy đủ các bước từ á hiến lễ, đến chung hiến lễ, có dâng hương 3 tuần, dâng rượu 3 tuần, dâng trầu 3 tuần, đọc chúc,…

 

Đám rước theo đường thủy về chùa Bà Bụt. Ảnh: Anh Tuấn

Lễ rước thần về tạ ơn Bà Bụt được tổ chức vào sáng ngày 20 tháng Giêng. Trước khi làm lễ rước, các đoàn người tập trung về sân đền với xe kiệu, áo quần chỉnh tề để làm lễ khai hội. Sau khi tiến hành xong phần tân lễ, mọi người nhanh chóng tập trung về trước sân đền để tiến hành nghi lễ (duyệt binh) lộn quân và hội rước. Đây là nghi thức đặc biệt quan trọng và làm nên sự độc đáo của lễ hội Đền Quả Sơn. Nghi Thức lộn quân có sự tham gia của hơn 300 người dân của 3 xã: Bồi Sơn, Lam Sơn và Ngọc Sơn, cùng biểu dương lực lượng theo trận đồ bát quái. Thông qua nghi thức này nhằm thể hiện sức mạnh của các binh sỹ thời Lý, với các vũ khí binh đao, giáo mác dàn quân ra trận, tái hiện lại việc Uy Minh Vương Lý Nhật Quang chỉ huy đánh đuổi giặc Chiêm Thành. Lễ rước hiện nay, không có nhiều khác biệt so với đám rước xưa, có chăng chỉ là một số phương tiện để phục vụ đám rước tốt hơn. Lực lượng tham gia rước thủy gồm Nhân dân câc xã Đặng Sơn, Bắc Sơn và Tràng Sơn với 6 thuyền rồng, mỗi thuyền bố trí 1 người cầm cờ chỉ huy, 16 người cầm chèo. Đội chèo bơi mặc áo lính lụa đỏ, chân quấn xà cạp. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn bố trí thuyền cứu hộ, phao cứu sinh, do lực lượng chức năng đảm nhiệm. Thuyền của dân cổ vũ cho việc lộn quân phải xếp hàng trật tự dọc ở bờ sông, trên cắm cờ hội, cờ Tổ quốc.

Lễ tạ ơn Bà Bụt tại chùa được tổ chức theo lối truyền thống với tuần tự các bước như lễ chính tế tại đền, chỉ khác chăng là các vật hiến tế đều là cỗ chay, kết thúc phần lễ, Ban lễ nghi tiến hành nghi thức đọc bài cúng tế lễ tạ ơn Bà Bụt, ca ngợi công ơn của Bà đã có công giúp Tướng quân Lý Nhật Quang.

Đến chính giờ Ngọ, sau khi hoàn thành lễ tạ ơn, đoàn rước lại khẩn trương tổ chức rước Đức thánh quay về đền Quả Sơn. Hai đoàn quân thủy và quân bộ tổ chức lễ duyệt quân. Trình tự đội hình hành quân cũng được tổ chức như lễ rước ngược, cũng dồn dập khẩn trương như ngày ra quân. Sau khi có tiếng pháo lệnh, tất cả đoàn quân thủy và bộ quay về hướng đền Quả Sơn cùng tiến, tuy nhiên trên đường về đoàn rước không dừng lại ở các di tích như lúc xuất phát mà tiến thẳng về đền để tổ chức lễ an vị và lễ tạ, kết thúc diễn trình buổi rước.  

Giàu bản sắc trong phần hội

 Biểu diễn nghệ thuật trong lễ hội. Ảnh: Anh Tuấn

Ở lễ hội xưa, sau lễ tạ ơn Bà Bụt, cả buổi chiều 20 tháng Giêng, trên sân, dưới bến chùa Bà bụt hội tụ hàng vạn người dự lễ hội tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn, như: đánh đu, vật, cờ người, bơi trải... Đêm đến, trong Chùa Bà Bụt thì tụng kinh niệm Phật, trong cung thì hát chầu văn, ca trù. Ngoài sân, các phường chèo, tuồng cổ biểu diễn những vở chèo Quan Âm Thị Kinh, Từ Thức gặp Tiên hay vở tuồng Trưng Trắc, Trưng Nhị… Cuộc vui kéo dài tận đêm khuya.

Thi đấu bóng chuyền lễ hội đền Quả Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Ngày nay, về hội đền Quả Sơn, mọi người được hòa mình vào nhiều hoạt động văn hóa thể thao và các trò chơi dân gian cả truyền thống lẫn hiện đại: Nào chơi đu, chọi gà, cờ tướng, thi đấu vật dân tộc, đập niêu, kéo co...; Nào thi hát dân ca Ví, Giặm, thi đấu bóng chuyền, bóng đá thanh thiếu niên,… Các trò chơi dù cổ truyền hay hiện đại đều thu hút rất đông Nhân dân cũng như du khách thập phương tham gia. Ví như, chơi đu trong lễ hội đền Quả Sơn hàng năm phổ biến là chơi đơn và chơi đu đôi. Cây đu truyền thống được dựng ở sân hội với phần trụ được làm bằng hai cây tre bắt chéo nhau, phần trên đỉnh ngọn buộc một lá cờ Tổ quốc. Tham gia chơi đu chủ yếu là thanh niên nam nữ. Khi các đôi đu, khán giả đứng hai bên cổ vũ rất nhiệt tình. Đây là một trò chơi thể hiện sự khéo léo, sự khỏe mạnh, dẻo dai, không lệ thuộc nhiều vào luật chơi, không phân biệt nam nữ, lứa tuổi… nên thu hút rất đông người đến dự hội tham gia, tạo cho người chơi một tinh thần sảng khoái, vui vẻ. Kéo co là trò chơi tập thể được cả người lớn và trẻ em yêu thích. Để chơi trò này, người ta kẻ một vạch vôi ở giữa, hai đội chơi có quân số bằng nhau đứng ở hai bên vạch kẻ. Tất cả các thành viên của hai đội đều cầm chung một sợi dây thừng dài. Khi trọng tài ra hiệu lệnh, cả hai bên đều ra sức kéo sợi dây. Khi người đứng đầu của một đội bị kéo chân dẫm lên vạch vôi ở giữa là thua cuộc. Còn đánh cờ ở hội đền Quả Sơn, ngoài chơi cờ trên bàn gỗ, người ta còn tổ chức chơi cờ bỏi. Cờ tướng là một môn nghệ thuật trang nhã, thể hiện một thú chơi thanh tao, nó còn là một bộ môn thể thao rèn luyện trí tuệ của con người một cách bổ ích. Vì thế mà hội chơi cờ cũng thu hút đông đảo người dân tham gia chơi và cổ vũ. 

Lễ hội đền Quả Sơn được coi là lễ hội trang trọng, giàu ý nghĩa vào loại bậc nhất ở Nghệ An. Các hoạt động trong lễ hội đều thể hiện lòng biết ơn, tôn vinh những nhân vật lịch sử có công với nhân dân, đất nước trong cuộc trấn trị, bảo vệ khai phá mở mang bờ cõi của quốc gia Đại Việt mà nhân vật chính là Lý Nhật Quang với khí phách anh hùng, mưu cơ thao lược, và những chính sách cải cách làm cho vùng đất từ chỗ “viễn trấn” trở thành “phên dậu”, là “trọng trấn” của Quốc gia quân chủ Đại Việt thời bấy giờ. Đồng thời, phản ánh phong tục tập quán, truyền thống trọng đạo nghĩa của người dân xứ Nghệ. Đây cũng là dịp để kho tàng văn hóa dân gian xứ Nghệ được bộc lộ rõ nét nhất tính đa dạng, phong phú về thể loại với nội dung lành mạnh, chất phác và hồn hậu nhưng không giảm đi tinh thần thượng võ của một địa phương nằm kề sông nước. Các hoạt động trong lễ hội mang giá trị văn hóa đặc sắc, vừa kế thừa những nét truyền thống của lễ hội vừa gắn kết cộng đồng trong xu thế hiện đại ngày nay góp phần thu hút không nhỏ du khách ở khắp mọi nơi về với lễ hội. Lễ hội đền Quả Sơn được tổ chức góp phần không nhỏ trong việc cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, dân tộc…Thông qua đó các nhà nghiên cứu có cái nhìn rõ hơn về lịch sử, văn hóa của cả một giai đoạn lịch sử, của một vùng đất “phên dậu”, tài thao lược, những chính sách của Lý Nhật Quang và những giáo lý từ bi, bác ái của nhà Phật làm tín điều răn dạy mọi người, việc nghiên cứu từ đó mà có thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn.

Lễ hội đền Quả Sơn hiện nay đã trở thành một lễ hội lớn, quen thuộc với Nhân dân huyện Đô Lương nói riêng và Nhân dân tỉnh Nghệ An nói chung. Hàng năm cứ đến ngày 19, 20 tháng Giêng, người dân trong tỉnh đều nô nức về dự hội. Những năm chẵn, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, quy tụ đông đảo Nhân dân các xã trong huyện về tham gia các phần lễ rước, các phần thi hội

Lễ hội đền Quả Sơn đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ. Sau 20 năm khôi phục lại, năm 2018, Lễ hội đền Quả Sơn đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đây, những yếu tố bản sắc của Lễ hội đền Quả Sơn sẽ được bảo tồn và phát huy tốt hơn để giá trị nhân văn của Lễ hội lan tỏa, thấm đẫm trong cộng đồng.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114510959

Hôm nay

2317

Hôm qua

2347

Tuần này

21333

Tháng này

217832

Tháng qua

121356

Tất cả

114510959