Đất Nghệ

Hang Bua - Truyền thuyết và lễ hội

 Lễ hội hang Bua

Hang Bua (tiếng Thái gọi là thẳm Bua) là một thắng cảnh đẹp của miền Tây Nghệ An, trên dãy núi đá vôi “Phà Én” thuộc bản Na Nhàng (Hồng Tiến), xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cách TP Vinh 170 km về phía Tây Bắc. Tên hang được gọi theo tên bản nên có tên là hang Bua. Hang Bua được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng cách đây hàng triệu năm, từ thuở thời đất mới khai thiên lập địa. Xưa kia, nơi đây là vùng đất trù phú, người dân được thần núi che chở nên cuộc sống yên bình, no ấm, hạnh phúc.

Vẻ đẹp kỹ vĩ của Hang Bua

Hang Bua là một thắng cảnh tự nhiên gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của của đồng bào dân tộc Thái xưa và là một trong những di tích khảo cổ ở Nghệ An chứa đựng dấu tích văn hóa của nhiều thời đại. Trong lớp trầm tích tìm thấy ở hai cửa hang trước và sau có hóa thạch các loài động vật giống như hóa thạch động vật đã được phát hiện ở Thẳm Ồm và các hàng động khác trong vùng, đó là: tê giác, hươu nai, lợn rừng, cheo chèo… Đặc biệt, những người dân địa phương còn nhặt được trong hang hai chiếc rìu đá - loại công cụ đặc trưng của con người thời kỳ đồ đá mới hậu kỳ. Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Trong hang còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú, tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí - Nu - Phá - Hủng) và thần nước (Phí - Nặm - Huồi - Hạ) giao tranh. Chuyện tình Tạo Khủn - Tinh và nàng Ni (nàng Ni vào hang tìm và chờ đợi người yêu cho đến khi hóa đá)…

Đến hang Bua, ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi sông, cỏ cây xanh ngát một màu. Cửa chính hang Bua quay mặt về hướng Nam, phía trước là thung lũng Chiềng Ngam rộng lớn, với những bản làng của người Thái sầm uất, yên vui. Đây cũng là nơi gặp nhau của 3 con sông: Sông Quàng, sông Việc và sông Hạt để rồi hợp lưu thành sông Hiếu thơ mộng uốn mình chảy qua các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đổ về sông Lam cùng xuôi ra biển Đông. Khí hậu nơi đây mát mẻ, cây cối tốt tươi muôn sắc, muôn loài muông thú tụ họp về đây. Hang Bua có 3 cửa: Cửa chính, cửa phụ và cửa sau. Cửa chính và cửa phụ có hình bông hoa sen nên còn được gọi là “Boọc Bua”. Diện tích hang rộng, có thể chứa được hàng trăm người nhảy múa, hát hò. Vào sâu trong hang, ta sẽ được chiêm ngưỡng sự kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa: Những hình thù kỳ lạ, những mô đá hình người và những dụng cụ sinh hoạt thời xưa của cư dân Thái như bó lúa, cái liềm…Người xưa kể rằng, trong một trận đại hồng thủy, con người đã vào hang trú ngụ, họ cùng nhau ca hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng, thổi sáo để không ngủ gật, như thế sẽ không bị hóa đá theo lời nguyền. Nhưng sức người có hạn, tất cả đều đã hóa đá, vì thế mà trong hang có những hình thù giống những sinh hoạt của người xưa như ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, cây cổ thụ bằng đá tỏa bóng, thửa ruộng hình bậc thang, v.v… Trong hang còn có giếng tiên với nguồn nước mát lạnh, mùa hè khi trời nóng bức, uống một ngụm nước trong hang, ta sẽ cảm thấy vô cùng khoan khoái, dễ chịu.

Không chỉ là một thắng cảnh đẹp, hang Bua còn nổi tiếng với hoạt động văn hóa lễ hội sôi động vào đầu xuân. Lễ hội hang Bua có từ lâu đời, đến nay, chưa thấy có tài liệu nào cho biết chính xác thời gian ra đời của lễ hội. Nhưng chắc chắn rằng, những nghi thức tín ngưỡng dân gian mà người dân địa phương tiến hành trước hang Bua tạo nên “Hồn cốt” của các lễ nghi sau này, cũng như tục trai gái đầu xuân rủ nhau đi chơi và tình tự trong hang là gốc gác của phần hội. Theo các cụ già kể lại, trước mặt hang Bua có bãi đất bằng phẳng, có cây thị cổ thụ và ngôi đền lớn tên là Tẻn Bò. Hàng năm, vào tháng 1 (lịch Thái), dân bản chọn ngày tốt để cúng tế thần linh, như Thần núi, những người có công khai bản lập mường, những linh hồn người chết trận và hai anh em Cầm Lư, Cầm Lạn là người có công dẫn dắt người Thái đến đây định cư. Năm 1937, vua Bảo Đại đến thăm hang Bua, hội xuân năm đó rất to. Ngoài những trò chơi dân gian có từ trước, người ta còn tổ chức thi người đẹp, thi dệt thổ cẩm.  

Một thời gian dài, hội hang Bua không được tổ chức. Sau khi hang Bua được công nhận là danh thắng Quốc gia, bắt đầu từ năm 1997, lễ hội hang Bua được phục hồi và duy trì cho đến ngày nay. Vào các ngày từ 20-23 tháng giêng ÂL hàng năm, hang Bua lại tưng bừng vào hội. Trước khi khai hội, thầy mo làm lễ cầu xin thần núi, thần hang cho phép mở cửa hang để “trai gái được vào chơi, cầu cho thành đôi hạnh phúc, lúa tốt như rừng gianh đầu bản”, rồi mọi người vào hang quét dọn. Sau này, khi có đền thờ mường Chiềng Ngam, còn có các lễ yết cáo, lễ đại tế và lễ tạ diễn ra tại đền nhằm tưởng nhớ công ơn những người có công khai bản lập mường.

 Khắc luống trong hội hang Bua

Thi người đẹp lễ hội hang Bua

Hội hang Bua mang đậm bản sắc của đồng bào Thái với nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền của cư dân miền sơn cước, như: chơi hang, ném còn, khắc luống, chơi tọ lẹ, biểu diễn cồng chiêng, nhảy sạp, thi bắn nỏ, thi đi cà kheo, thi hát các làn điệu dân ca: nhuôn, xuối, lăm, khắp; thi người đẹp hang Bua, biểu diễn trang phục truyền thống, thi uống rượu cần. Đặc biệt, trong những năm gần đây, lễ hội hang Bua được tổ chức với quy mô ngày càng lớn và có nhiều nét mới trong tổ chức cũng như trong các hoạt động, tạo điều kiện cho Nhân dân, nhất là lớp trẻ tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa, đáp ửng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách gần xa. Nhiều trò chơi mới được đưa vào hội, như thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, đẩy gậy, kéo co, đu quay; chiếu phim; thi văn hóa ẩm thực; thi cuốn hương trầm; thi dệt thổ cẩm; thi cắm trại; thi viết chữ Thái, thi kể chuyện dân gian Thái; thi văn hóa rượu cần; tham quan các di tích lịch sử văn hóa trong vùng. Công tác tổ chức mỗi năm một chu đáo, bài bản hơn. Chất lượng các hoạt động cũng được nâng lên qua từng năm. Từng phần thi, mỗi năm cũng có những nét mới tăng nhằm tính hấp dẫn hơn. Ví dụ như phần thi văn hóa ẩm thực, năm thì thi làm mâm cỗ ngày Tết, năm thì thi chế biến các món ăn đặc sản truyền thống và thuyết trình ý nghĩa các món ăn cũng là nội dung thi không thể thiếu. Phần thi văn hóa rượu cần cũng có nhiều nét mới, như: uống rượu cần trong cưới hỏi, trong lễ mừng nhà mới, trong lễ hội... với các hình thức diễn xướng khác nhau của các thầy mo, của người làm cham; thi trình diễn kỹ thuật chế biến rượu cần… Việc đưa nội dung thi thêu dệt, xe sợi, thi đan lát, thi cuốn hương trầm… vào hoạt động của lễ hội cũng là những nét mới nhằm quảng bá, giới thiệu với du khách về nghề truyền thống của Quỳ Châu.

Xuân đã về, hang Bua đang vào hội. Nếu chưa một lần đến thì bạn hãy về hội hang Bua xuân này để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của hang động, được say trong những điệu khèn, những khúc nhuôn, xuối, lăm tha thiết… bên bãi cỏ, trong lều trại, bên ánh lửa bập bùng của nhà sàn…, và nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc khác.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114510947

Hôm nay

2305

Hôm qua

2347

Tuần này

21321

Tháng này

217820

Tháng qua

121356

Tất cả

114510947