Diễn đàn

Về mối quan hệ giữa trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh) và trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng

 TRONG một bài báo đăng  trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 186 năm 2010 dưới tiêu đề: Có đúng tiền thân trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng là trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh)? tác giả, ông Nguyễn Phương Thoan, sau khi đã nêu mối quan hệ giữa trường Quốc học Vinh (1920 - 1945) với trường Nguyễn Công Trứ, trường Nguyễn Công Trứ từ sau năm 1945 đến 1950, rồi trường trung học Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng từ thời kỳ đầu kháng chiến (ông Thoan không nói rõ năm nào) cho đến nay và kết luận: giữa trường Quốc học Vinh xưa với trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng hiện nay hoàn toàn chẳng có quan hệ dính dáng gì đến nhau (chúng tôi nhấn mạnh). Nếu như chỉ đọc qua những điều ông Nguyễn Phương Thoan trình bày thì kết luận trên có thể là không sai. Nhưng “ở trong còn lắm điều hay” mà ông Thoan chưa biết hoặc bỏ qua. Tuy nhiên trước khi trình bày những ý kiến của chúng tôi để khẳng định: có mối quan hệ thực sự giữa trường Quốc học Vinh và trường Huỳnh Thúc Kháng hiện nay, chúng tôi xin đính chính, một vài sử liệu chưa chính xác mà ông Thoan đã trình bày.

Mở đầu tác giả viết: Trường Quốc học Vinh... được thành lập năm 1920 do một người Pháp có tên là Sarrugue làm Hiệu trưởng đầu tiên. Trường tồn tại cho đến tháng 9- 1945 Nhà nước VNDCCH ra đời thì đổi tên thành trường trung học Nguyễn Công Trứ do thầy Nguyễn Ngọc Cầu làm Hiệu trưởng kiêm dạy tiếng Pháp... Trường Trung học Nguyễn Công Trứ bị quân Tưởng Giới Thạch chiếm đóng khi vào Nghệ An (24 - 9 - 45)... và biến thành trại lính của chúng rồi bị dày xéo tan nát - coi như xóa sổ từ đó(1) (những đoạn in nghiêng là của chúng tôi nhấn mạnh).

ở đây có 3 điểm cần trao đổi:

- Những thầy Hiệu trưởng đầu tiên của trường Quốc học Vinh và trường Nguyễn Công Trứ.

- Thời gian đổi tên trường Quốc học Vinh thành trường Nguyễn Công Trứ.

- Trường bị xóa sổ sau khi quân Tàu Tưởng rút đi.

Theo ông Thoan thì Hiệu trưởng đầu tiên của Quốc học Vinh là ông Surrugue. Không phải, theo thống kê của phụ lục 3 trong Mái trường xứng danh anh hùng thì Hiệu trưởng đầu tiên của Quốc học Vinh là ông Pihet, ông giữ nhiệm vụ này từ 1920 đến 1922, còn ông Surrugue là Hiệu trưởng từ 1922 đến 1924(2). Sau cách mạng tháng Tám 1945 thầy Nguyễn Ngọc Cầu chưa làm hiệu trưởng ngay mà các thầy sau đây thay nhau giữ nhiệm vụ đó:

Từ tháng 3/1945 - 8/1945 thầy Vũ Đức Thận

Từ tháng 01/1945 - 01/1946 thầy Nguyễn Thiện Biên

Từ tháng 01/1946 - 9/1948 thầy Đào Đăng Hy

Từ tháng 9/1948 - 9/1949 thầy Lê Xuân Phương

Từ tháng 9/1949 - 9/1950 thầy Nguyễn Ngọc Cầu(3)

ở đây cũng xin nói thêm là khi trường Nguyễn Công Trứ sơ tán về nông thôn trong kháng chiến chống Pháp thì được chia làm hai bộ phận, một về huyện Nam Đàn do thầy Đào Đăng Hy làm Hiệu trưởng, một về huyện Yên Thành do thầy Nguyễn Sĩ Xán phụ trách. Sang niên khóa 1947 - 1948 hai bộ phận hợp làm một về xã Tân Hợp (nay là xã Nam Trung) huyện Nam Đàn, thầy Đào Đăng Hy vẫn làm Hiệu trưởng cho đến niên khóa 1947 - 1948 mới bàn giao cho thầy Lê Xuân Phương. Còn thầy Nguyễn Ngọc Cầu thì mãi tới niên khóa 1949 - 1950, sau thầy Lê Xuân Phương, mới làm Hiệu trưởng.

Về việc đổi tên trường Quốc học Vinh thành trường Nguyễn Công Trứ thì không phải như ông Thoan đã viết là tháng 9 - 1945 đâu. Điều này không chỉ riêng ông Thoan mà một số người khác cũng cho là như vậy. Riêng chúng tôi “nói có sách mách có chứng” như sau: Ông Nguyễn Đăng Giáp trong bài “Trường Quốc học Vinh mang tên Nguyễn Công Trứ từ năm nào ?”(4) thì khẳng định là năm học 1943 - 1944, vì ông Giáp còn giữ lại được 4 tờ thông báo của trường về kết quả học và thi năm học đệ nhị niên, niên khóa 1943 - 1944 của hai anh em ông. Vậy trường Quốc học Vinh được đổi tên là trường Nguyễn Công Trứ vào năm học 1943 - 1944 là có cơ sở hơn những đoán định của ông Thoan và một số người khác(5).

Còn việc trường bị “xóa sổ” sau khi quân của Tưởng Giới Thạch (thường gọi là Tàu vàng) rút đi, chúng tôi xin có ý kiến như sau. “Xóa sổ” theo ông Thoan có nghĩa là trường bị đập phá hoàn toàn và không thể dùng để cho thầy trò dạy và học được. Sự thật như thế nào ? Trong mục Trường trung học Nguyễn Công Trứ trong năm học đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám (1945 - 1946) viết: Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9 - 3- 1945), trường nghỉ một thời gian rồi lại tiếp tục học cho đến ngày giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám (1945) ... Quân Trung Quốc Quốc dân đảng lấy trường Nguyễn Công Trứ làm nơi đóng quân nên đầu năm học 1945 - 1946 học sinh phải học ở dinh Đốc học trong thành Vinh. Sau khi ta và Pháp ký tạm ước 6 - 3 - 1946 quân Trung Quốc QDĐ rút về nước... học sinh lại trở về trường cũ học cho đến hết năm học 1945 - 1946(6). Như vậy là không có chuyện trường Nguyễn Công Trứ bị “xóa sổ” như ông Thoan viết, chỉ có năm học 1946 - 1947 được vài tháng thì toàn quốc kháng chiến bùng nổ, trường di chuyển về Nam Đàn và Yên Thành rồi sau đó tập trung tất cả về xã Tân Hợp huyện Nam Đàn như ta đã biết, lúc này trường mới bị phá hủy hoàn toàn, nhưng đó là chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của Đảng và Nhà nước. Quân Tàu Tưởng không đập phá gì nhiều ngoài sự ăn ở mất vệ sinh của một đội quân ô hợp, bôi bẩn tường nhà, phóng uế bữa bài, lấy một số cánh cửa, đồ gỗ làm củi đun... ta phải mất một thời gian làm tổng vệ sinh mới dùng được. Và rõ ràng là bàn ghế học sinh, bảng đen và cả thư viện, phòng thí nghiệm đều còn hầu như nguyên vẹn mà sau đó ta đã di chuyển về địa điểm mới. 

Trở lại vấn đề về mối quan hệ giữa trường Quốc học Vinh với trường Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:

1- Trường Quốc học Vinh là tiền thân của trường Nguyễn Công Trứ điều đó đã rõ không phải trình bày thêm.

2- Có mối quan hệ chặt chẽ giữa trường trung học Nguyễn Công Trứ với trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng.

Trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng vốn là trường trung học Khải Định, Huế (Lycée Khải Định, Huế) thành lập năm 1936. Sau cách mạng tháng Tám 1945 trường vẫn giữ tên là trường trung học Khải Định do thầy Phạm Đình ái làm Hiệu trưởng.

Năm học 1945 - 1946, trường tổ chức tuyển sinh cho các tỉnh liên khu 4 và bắc liên khu 5 cũ, gồm 3 ban Văn - Sinh ngữ, Sinh - Hóa (còn gọi là Vạn vật, khoa học A) Toán - Lý - Hóa (khoa học B)(7). Cuối năm học trường tổ chức thi tú tài bằng tiếng Việt, trừ 2 môn sinh ngữ Anh, Pháp văn. Năm học 1946 - 1947, trường tuyển sinh vào năm đệ nhất cho các ban nói trên và đang học dở dang thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Một bộ phận của trường có cả một số học sinh ban tú tài (chuyên khoa năm thứ 3) đi theo đã tản cư ra vùng Lệ Thủy, Ba Đồn định tiếp tục hoạt động nhưng mặt trận Huế bị vỡ, giặc đánh rộng ra, uy hiếp vùng tự do, bộ phận này tiếp tục di chuyển ra phía bắc và đến tháng 7 - 1947 thì dừng lại ở xã Châu Phong, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Để chuẩn bị lâu dài cho cuộc kháng chiến và kiến quốc ủy ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu 4 đã quyết định thành lập trường Chuyên khoa mà nòng cốt là bộ phận của trường Trung học Khải Định tản cư ra Hà Tĩnh, lấy tên nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng Huỳnh Thúc Kháng đặt tên cho trường. Tháng 9 - 1947 trường khai giảng khóa đầu tiên, lúc này thầy Phạm Đình ái lên làm Giám đốc Giáo dục liên khu 4, thầy Hoàng Ngọc Cang lên thay làm Hiệu trưởng.

Để tránh máy bay địch, trường đã phải đi sơ tán nhiều nơi: năm học đầu tiên (1947 - 1948) trường phải di chuyển 2 địa điểm: học kỳ I ở xã Châu Phong huyện Đức Thọ, học kỳ II chuyển sang Thái Yên (xã Đức Bình, huyện Đức Thọ); năm học 1948 - 1949 dời lên Chợ Bộng (Đức Lĩnh - Vũ Quang); năm học 1949 - 1950 trường lại trở về Châu Phong. Kết thúc năm học đó trường dời lên Bạch Ngọc (xã Lam Sơn, Bồi Sơn huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An)(8) sáp nhập với trường Nguyễn Công Trứ thành trường cấp II, III Huỳnh Thúc Kháng. Trường ở Bạch Ngọc được 5 năm đến mùa hè năm 1955, sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc thì chuyển về Vinh. Khi trường mới chuyển lên Bạch Ngọc cũng là lúc ta bắt đầu thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950) nhằm xóa bỏ những tàn tích của nền giáo dục thực dân, phong kiến, xây dựng một nền giáo dục mới, cách mạng với phương châm dân tộc, khoa học đại chúng, học kết hợp với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, phục vụ cho công cuộc kháng chiến.Trường chuyên khoa không còn nữa mà lúc này chỉ có trường cấp II, III Huỳnh Thúc Kháng (9) theo hệ phổ thông từ lớp 1 lên lớp 9 chia thành 3 cấp (cấp I gồm các lớp 1, 2, 3, 4; cấp II có các lớp 5, 6, 7 và cấp III là 2 lớp 8, 9). Như vậy trường Nguyễn Công Trứ có tiền thân là trường Quốc học Vinh, khi trường Nguyễn Công Trứ sáp nhập với trường Huỳnh Thúc Kháng thì mối quan hệ có thể hình dung Quốc học Vinh - Nguyễn Công Trứ - Huỳnh Thúc Kháng. Cho nên nếu chỉ lướt qua thì đúng là trường Quốc học Vinh không phải là tiền thân trực tiếp của trường Huỳnh Thúc Kháng (như lời nói đầu của VHNA), nhưng nếu phân tích quá trình hình thành và phát triển của trường Huỳnh Thúc Kháng qua các thời kỳ thì phải nhắc đến trường Quốc học Vinh vốn có mối quan hệ thực sự của nó chứ không phải “hoàn toàn chẳng có quan hệ dính dáng gì đến nhau” như ông Nguyễn Phương Thoan đã nói đâu, và rõ ràng những nhân chứng vật chứng vẫn tồn tại rất phong phú trên xứ Nghệ cũng như khắp đất nước chúng ta cũng có thể chứng minh cho mối quan hệ khăng khít đó (10).

 

(1) VHNA số 186 tr.39

(2) Ông Thoan viết Sarrugue là sai, chúng tôi đã tra cứu các sách 70 năm Quốc học Vinh - Huỳnh Thúc Kháng (1920 - 1990) tr.9; Mái trường xứng danh anh hùng Nghệ An, 2010, tr. 291 và trên mạng Quốc học Vinh, vi wi kipedia org./ thì đúng là Surrugue, u chứ không phải là a).

(3) Phụ lục 3 - Các hiệu trưởng của trường - Sđd tr.291

(4) Có một mái trường - Nghệ An, 2005, tr 49.

(5) Bùi Đình Kế và một số người khác cho là sau đảo chính Nhật (9 - 3 - 45) hoặc sau Cách mạng tháng Tám 1945. Hồ Khải Đại trong bài Mùa hạ cuối cùng, đặc san kỷ niệm 70 năm Quốc học Vinh - Huỳnh Thúc Khánglại cho là năm 1947 (trang 91).

(6) Mái trường xứng danh anh hùng đã dẫn, tr 74.

(7) Ông Nguyễn Phương Thoan đã nhầm khi nói là 3 ban của trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng và Văn - Sử; Toán - Lý; và Hóa - Vạn (về sau gọi là khoa Sinh) (VHNA tr 40).

(8) Mái trường xứng danh anh hùng, tr 88.

 Về việc di chuyển địa điểm không phải như ông Thoan nói: từ Châu Phong lên “xã bồng Giang (nay là Đức Bồng huyện Vũ Quang) một thời gian rồi chuyển ra Bạch Ngọc, Nghệ An...” mà trường đã phải di chuyển qua khá nhiều địa điểm như đã trình bày. Còn xã Bồng Giang như ông Thoan nói thì không phải là xã Đức Bồng huyện Vũ Quang mà là xã Đức Giang và Đức Lĩnh huyện Vũ Quang (Theo Bùi Thiết, Từ điển Hà Tĩnh, trang 48) còn Đức Bồng huyện Vũ Quang thì trước năm 1945 là làng Thượng Bồng, tổng Thượng Bồng, sau năm 1945 đặt làm xã Liên Bồng, năm 1954 mới gọi là Đức Bồng. Từ điển Hà Tĩnh, trang 205).

(9) Theo giáo sư Nguyễn Đình Chú.

Sau khi về Vinh, trường còn gọi là trường cấp III Vinh một thời gian rồi mới gọi chính thức là trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng.

(10) Xin tham khảo thêm Phần thứ hai Từ trường Quốc học Vinh đến trường phổ thông cấp III Huỳnh Thúc Kháng trong Mái trường xứng danh anh hùng. Nghệ An, 2010, tr 71 - 112.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511350

Hôm nay

213

Hôm qua

2336

Tuần này

21724

Tháng này

218223

Tháng qua

121356

Tất cả

114511350