Khỏi nói tôi đã vui sướng thế nào khi có được bản chụp vi phim cuốn sách. Niềm vui được nhân lên gấp bội, khi tôi thấy, ở trang đầu sách, tên của người vẽ minh họa: Trịnh Hữu Ngọc. Đó là một tên tuổi xuất hiện không chỉ một lần trong nhật ký của cha tôi, và là một bí ẩn đối với tôi suốt một thời gian dài. Cho tới gần đây nhất, tôi mới biết ông từng thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương thời kỳ đầu, vừa học vừa phụ giúp cho họa sĩ Nam Sơn, người trưởng tràng của thày hiệu trưởng Tardieu. Với tư cách nhà kinh doanh, ông từng mở xưởng thiết kế đồ gỗ, nội thất, cả mở trường dạy vẽ ở Hà Nội. Với tư cách người cầm cọ, ông được bè bạn gọi là nhà “thiền họa”. Và giờ thì tôi biết thêm, với không ít tự hào, ông là người vẽ minh họa cho cuốn sách đầu tiên của cha tôi!
Cha tôi và họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc biết nhau từ bao giờ, tôi không được rõ. Chỉ biết lần đầu tiên tên ông Ngọc xuất hiện trong nhật ký của cha tôi là ngày 29-6-1942, khi hai ông gặp nhau trong một buổi cắm trại của Hướng đạo ở Đồ Sơn. Bấy giờ cha tôi còn khá trẻ – ông mới 28 tuổi, và tôi đoán ông Ngọc cũng khoảng ấy. Trong lúc chuyện trò, nhân bàn đến chủ nghĩa cộng sản, đến tình nhân loại, ông Ngọc cho rằng: “Cần phải phấn đấu, không cầu ai cho mình”… Điều ông Ngọc nói không phải mới với cha tôi, nhưng ông cũng đồng tình rằng “cần phải trông vào cuộc đời rõ ràng này mà làm việc, mà phấn đấu, tự mình nâng cao mình”, và nhất là, không đợi ai giúp!...
Hơn mười hai năm sau, cha tôi sẽ gặp lại người bạn họa sĩ này, khi ông về tiếp quản thủ đô. Cho tới khi ấy, hai người đã đi được một chặng đường dài trong sự lập thân. Cha tôi đến với văn chương và tham gia cách mạng, và ở cả hai phương diện đều có những thành tựu. Đi kháng chiến trở về, ông là một người lãnh đạo văn nghệ; với tư cách nhà văn, ông là tác giả của những Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Những người ở lại, Ký sự Cao Lạng… Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc thì đi con đường khác. Toàn quốc kháng chiến, ông bị kẹt lại trong thành, đành ở lại lo việc mưu sinh. Là người đầu tiên khai phá lĩnh vực thiết kế nội thất ở Hà Nội, ông mở xưởng, nhập toàn bộ máy móc, dây chuyền sản xuất đồ gỗ từ Pháp về. Tiếng tăm xưởng thiết kế của ông lớn đến mức, sau 1954, ông còn được mời thiết kế nội thất cho chiếc chuyên cơ AN 24 của Chính phủ cùng nhiều khách sạn du lịch, nhà nghỉ dưới chế độ mới...
Mùng Hai tết Ất Mùi 1955, cha tôi – theo như tôi hiểu từ những dòng nhật ký của ông – lần đầu tiên đến thăm họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc kể từ khi về lại thủ đô. Ông Ngọc cho biết, trước đó, do nghe tuyên truyền của địch nên lắm lúc hoang mang, đã định bán cả mọi thứ để vào Nam. Nhưng đến khi gặp bộ đội ta về tiếp quản, thấy các anh mặt đầy vẻ nhân ái, ông đã bị bị totalement conquis (ông dùng tiếng Pháp, có nghĩa là chinh phục hoàn toàn). Và ông quyết định ở lại, dù để đi đến quyết định ấy, hôm ấy, ông đã khóc! Ông hình dung Hà Nội sẽ không còn những rơm rác nữa và tha hồ xây dựng. Cuộc đời mời, mà không sống là vô lý. Còn nói khó khăn, thì đến thổi nồi cơm còn phải chờ nữa là những việc lớn…
Nhật ký của cha tôi không chỉ ghi lại vẻ chân thành trong lời nói của bạn, mà còn để ý quan sát cung cách của gia đình người họa sĩ mà ông có ý định đưa vào một cuốn tiểu thuyết đang xây dựng. Ông nhận thấy ông Ngọc chú ý “dạy con thành người tử tế”, tức là phải “lao động”. Nhưng mặt khác, ông cũng thấy ở gia đình này có cái gì đó “rất tư sản”.
Nhân đây xin phép được mở ngoặc. Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc có hai vợ. Cả hai bà cùng chung sống với ông (và với nhau) dưới một mái nhà. Hai bà sinh cho ông mười hai người con cả thảy. Họ đều là những người thành đạt, nhiều người trở thành họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn… có tiếng trong giới văn nghệ sĩ, như dịch giả Trịnh Lữ, người đã làm say lòng biết bao độc giả yêu văn chương qua các bản dịch tuyệt vời tác phẩm của Yann Martel, Murakami… Nhưng đó là chuyện sau này, còn khi đó, các con ông đều còn nhỏ, đang ở tuổi ăn học, hoặc còn chưa ra đời. Sinh ra trong gia đình khá giả, có nền nếp, họ được hưởng sự giáo dục toàn diện, cả về văn hóa và nghệ thuật. Nhiều bài viết về họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và gia đình ông thường không bỏ qua chi tiết về tiếng đàn piano vang lên trong ngôi nhà ông ở phố Quan Thánh. Đó là tiếng luyện đàn của một người con ông ở góc phòng này, trong khi ở căn phòng bên, một người con khác đang hí hoáy bên giá vẽ… Vào thời điểm Nguyễn Huy Tưởng vừa từ vùng căn cứ địa Việt Bắc về tiếp quản thủ đô, một cảm nhận như trên, thiết nghĩ, cũng là điều dễ hiểu.
Song sự chân thành của người bạn họa sĩ đã khiến cha tôi trở nên cởi mở. Hơn một tháng sau, ông đi xe ô tô của ông Ngọc về Bắc Ninh, không rõ về việc gì. Cũng không rõ ông đã ngỏ ý với bạn rằng mình muốn đi (hoặc cần đi) Bắc Ninh, hay ông Ngọc là người đưa ra lời mời. Chỉ biết hôm ấy là một ngày chủ nhật, còn xuân. Ngày xuân ở vùng Kinh Bắc, với những lễ lạt, hội hè, với không khí du xuân, trẩy hội rộn rã tiếng nói tiếng cười dễ làm người ta quên mọi sự đời. Thế nhưng, hôm ấy, về viết nhật ký, con người cán bộ ở cha tôi vẫn không quên kiểm điểm những việc trong ngày, và ông tỏ ý tiếc đã “hàm ơn tư sản”.
Đến đây lại xin có một mở ngoặc. Bấy giờ là tháng 4-1955. Việc tiếp quản thủ đô đã diễn ra êm thấm được nửa năm. Với người dân Hà Nội, mọi sự dường như vẫn thế, chưa có biến cải gì lắm trong đời sống xã hội. Nhưng đấy chính là lúc đang chuẩn bị diễn ra những sự kiện rồi sẽ tác động ghê gớm đến tình hình đất nước: cải cách ruộng đất ở nông thôn và cải tạo công thương nghiệp ở thành thị. Ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác, tư sản mại bản sẽ bị tịch biên tài sản, tư sản dân tộc thì đưa vào nhà nước, dưới hình thức công tư hợp doanh. Họ không bị coi là địch, nhưng là thành phần bóc lột, bị xã hội nhìn nhận không mấy thiện cảm. Cha tôi là một đảng viên, đã từng qua các đợt học tập về ý thức hệ, về lập trường giai cấp trong phong trào chỉnh huấn mấy năm trước, lại vừa được “tập huấn” về chính sách đối với văn nghệ sĩ, tư sản trong thành… trước khi về tiếp quản, dễ hiểu vì sao ông có cái ý “tự kiểm điểm” kia. Mà cũng chả đợi đến cha tôi phải tự vấn. Việc cha tôi quan hệ với ông Trịnh Hữu Ngọc, một người thuộc thành phần “bóc lột” đã bị không ít người săm soi. Thậm chí người ta còn đem ra cuộc họp phê bình. Trong một đợt học tập về tình hình và nhiệm vụ kéo dài suốt ba tuần lễ liền của năm 1955, một người mà tôi xin phép không nói tên đã phê bình ông Tưởng là “trông thấy anh em kháng chiến thì vênh mặt lên, không bắt tay, mà đối với Trịnh Hữu Ngọc thì soắn sít”!
Quả là cha tôi thời gian này hay đi với ông Ngọc. Không chỉ đi chơi theo kiểu xã giao giữa hai người bạn cũ, mà thực sự cha tôi quan tâm nhiều đến hoàn cảnh của bạn. Ông mừng khi nghe tin ông Ngọc “bắt đầu lại có commande” (đặt hàng), ông chia sẻ nỗi niềm của bạn khi hay tin ông Ngọc “vừa bán máy cho quân đội” để được vào công tư hợp doanh; đúng là bước đầu có khó khăn thật, nhưng rồi sẽ tổ chức cho con vẽ để làm hàng mỹ nghệ, như thế vừa được làm ăn lương thiện, vừa tránh bị mang tiếng thành phần bóc lột, mà bà con cũng đỡ nghi kỵ…
Không phải cha tôi không nhận thấy ông Ngọc hay phàn nàn về những cái bất cập trong chế độ mới. Nhật ký của ông có ghi lại không ít những lời phê phán của ông Ngọc mà vào thời bấy giờ, có thể bị coi là phản động. Cha tôi tiếp nhận sự tin cậy của bạn, chịu khó nghe bạn giãi bày, nhưng về ghi nhật ký, ông không khỏi hối hận đã “chiều theo anh ta”, hoặc tự trách đã không phân tích cho bạn, mà còn “phụ họa”. Nhưng dần dần ông cũng hiểu bạn hơn. Điều quan trọng ông Ngọc là người “tử tế”. (Trong nhật ký của cha tôi, những đoạn về ông Ngọc rất hay xuất hiện chữ này: người tử tế, chuyện tử tế, sự tử tế. Tháng 6-1960, không lâu trước khi cha tôi qua đời, ông Ngọc có đến thăm ông ở bệnh viện; khi ấy cha tôi đã yếu lắm rồi nhưng còn viết được nhật ký, ông ghi: Trịnh Hữu Ngọc, “anh bạn thích người tử tế”, đến thăm…). Nhưng họa sĩ cũng là người rất sòng phẳng. Nếu như ông luôn tin yêu bộ đội, luôn dành cho họ những tình cảm tốt đẹp nhất, thì đặc biệt, ông rất bất bình với những cán bộ thiếu hiểu biết đã làm xấu, làm bẩn Hà Nội. Một hôm đi chơi với cha tôi bên hồ Hoàn Kiếm, đêm đã khuya mà ông Ngọc còn không hết bức xúc về những cái dở nhan nhản khắp quanh hồ: “Ngọc nói đáng nhẽ hai năm phải đẹp lắm rồi. Nhưng [chỉ thấy] xấu thêm… Chán phè với những hòm rác, những bảng trưng bày hình ảnh các nước bạn, nó làm xấu hồ đi, và chỉ là nơi muỗi ở, xấu mắt và ngượng quá cho thủ đô”. Liên tưởng tới những danh lam thắng cảnh khác của đất nước, ông Ngọc ngao ngán cho cảnh chùa Hương, trước một cái động, người ta làm “một dãy nhà xí”, để “mùi khai lẫn với hương trầm”.
Chuyện miên man, ông Ngọc đi đến kết luận: “Có ba hạng người: một hạng ở đâu xấu đấy, một hạng ở đâu yên đấy và một hạng ở đâu đẹp đấy. Việt Minh là hạng người trên!”
Vâng, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã nói thế với cha tôi, một “cán bộ Việt Minh” thứ thiệt! Song cha tôi hiểu chẳng qua là bạn quá xót xa trước thực trạng đang diễn ra hồi mới tiếp quản, mà nguyên nhân nhiều khi là do sự yếu kém của bộ máy công quyền. Thành phố xấu đi. Con người khô khan. Cuộc sống khắc khổ. Rõ ràng là cần phải chấn chỉnh lại nó, làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Cũng như bạn, ông là người quá yêu chế độ, và như một người yêu, chỉ “muốn cho chế độ phải có quần áo tốt đẹp hơn”. Tình cảm chung đó đã xóa dần đi cái ranh giới vô hình bị dựng giữa hai ông (người đi kháng chiến và người ở lại trong thành, người cán bộ và nhà tư sản…). Thậm chí có thể nói đến một sự “đồng thanh tương ứng, đồng bệnh tương liên” giữa hai người. Ít lâu sau, khi viết tùy bút Một ngày chủ nhật, cha tôi đã đưa nhiều ý trong câu chuyện đêm nào với ông Ngọc bên hồ Hoàn Kiếm vào bài viết của mình. Xin được trích dẫn một đoạn văn của ông, gần như một bản sao (có phần phát triển hơn và cũng ý tứ hơn) từ những lời của ông Ngọc: “Hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức, những biển giới thiệu hình ảnh các nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không mấy khi sạch xác ruồi muỗi. Có cảm tưởng hồ bị bưng kín, và bé lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù lù bên lối đi… Nghĩ tới những đồng chí có trách nhiệm ở đây, vừa giận mà cũng vừa cảm thông. Không nghi ngờ gì cái ý tốt muốn phục vụ, muốn sửa sang, muốn đổi mới. Nhưng cái khổ là chẳng cái gì làm đến nơi đến chốn”…
*
* *
Những lần cha tôi đến thăm ông Ngọc và những lần ông Ngọc đến chơi cha tôi. Nếu như ở gia đình người bạn họa sĩ, cha tôi cảm thấy có vẻ gì đó “rất tư sản”, thì ngược lại, tôi dám chắc, ông Ngọc không khỏi cám cảnh cho gia cảnh người bạn nhà văn của mình. Khi về tiếp quản, cha mẹ tôi thuê một căn buồng trên gác hai một tòa nhà ở ngã tư Bà Triệu - Lý Thường Kiệt. Không thể nói căn buồng đó không rộng – diện tích của nó cũng phải tới 35 mét vuông. Nhưng tất cả chỉ có thế. Không có các diện tích phụ phục vụ sinh hoạt, và nhất là, không có chỗ riêng cho cha tôi ngồi viết văn. Mà cha mẹ tôi có tới sáu người con, tất cả đều còn nhỏ, còn đang đi học hoặc mới ra đời. Chắc chắn cửa nhà suốt ngày phải bề bộn, ầm ĩ lắm. Để có chỗ làm việc, cha tôi dùng cót quây tạm một góc hành lang ngoài nhà, đủ kê một cái bàn giấy và bộ bàn ghế tiếp khách. Bạn bè đến chơi ngồi nói chuyện với nhau, có thể nghe rõ mồn một người qua lại ngoài hành lang. (Tất nhiên, người bên ngoài cũng nghe được hết những gì diễn ra bên trong.) Thế nên, cha tôi thường làm việc về khuya, khi con cái đã ngủ cả và người ta cũng không còn đi lại nhiều bên ngoài. Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, với con mắt nhà thiết kế nội thất, không thể không nhận thấy sự bất tiện trong sinh hoạt của cha tôi. Có nghề mộc trong tay, ông ngỏ ý được thay mấy tấm cót dựng tạm kia bằng một bức vách đàng hoàng, để cha tôi có một cái phòng làm việc gọi là.
Nếu như trước đây, đi ô tô ông Ngọc, cha tôi còn phải ngại là “hàm ơn tư sản”, thì giờ đây, khi đã hiểu nhau, ông sẵn sàng tiếp nhận lòng tốt của bạn. Không, đừng nói là cha tôi không ngại dị nghị. Song thiên hạ nghĩ gì đâu có quan trọng bằng tấm lòng của bạn. Có điều, để đỡ tốn kém cho bạn, ông yêu cầu chỉ làm đơn giản thôi, tóm lại là một bức vách ngăn bằng gỗ cao lưng lửng, có cửa giả để rõ ra một căn phòng, người qua lại bên ngoài cũng biết ý mà tránh làm ảnh hưởng đến người bên trong. Với bức vách ấy, góc hành lang được nâng cấp thành “buồng con”. Tôi còn nhớ được, ở cửa buồng con có một cái lỗ tròn để khi vào, có thể móc ngón tay kéo cánh cửa ra. Hồi nhỏ, tôi và chị tôi vẫn hay tranh nhau nhìn qua cái lỗ đó để được xem cha ngồi làm việc. Sau khi cha tôi qua đời, mẹ tôi phần vì buồn, phần vì cũng chẳng có việc gì sử dụng đến, buồng con mất dần “công năng” sinh hoạt, chỉ còn dùng để chứa đồ hay lấy làm chỗ để làm hàng gia công mỗi khi nhà tôi kiếm được việc làm thêm…
*
* *
Thời bao cấp thiếu thốn đủ mọi thứ, mà người thì cứ đông dần lên. Nhà tôi nhiều người lập gia đình, sinh con đẻ cái, mà chả có chỗ ở riêng, tất cả mấy thế hệ quần tụ trong cái gian phòng mấy chục mét vuông thông thống. Chái buồng con không thể để mãi thế được, phải khai thác nó, phải biến nó thành phòng ngủ, thành gác xép, ngăn chỗ nấu nướng, khu vệ sinh… Tức thì việc đầu tiên là phải phá bức vách ngăn lửng bằng gỗ đi, thay vào đó xây một bức tường gạch, kín hết đến tận trần hành lang. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục cải tạo bên trong…
Giờ đây nghĩ lại, tôi còn nhớ như in cái cảm giác lúc đó, khi chứng kiến việc phá bỏ bức vách ngăn đã bao năm làm nên cái “buồng con” của gia đình chúng tôi. Trong thâm tâm tôi không mấy tiếc nuối nó, mà chỉ băn khoăn sẽ làm gì với mấy thứ gỗ dỡ đi. Điều chiếm đoạt tâm trí tôi nhiều hơn, là còn mải theo dõi việc “thi công” bức tường mới – bức tường xây bằng gạch hẳn hoi cứ mỗi lúc một cao dần, thẳng băng, chắc chắn, khiến tôi khó mà tin khi nghĩ rằng, làm sao mình có thể, suốt bấy năm qua, cứ để mãi bức vách ngăn bằng gỗ ọp ẹp ấy, mà không sớm thay bằng một thứ giản đơn như thế này, giản đơn mà không thể tuyệt vời hơn.
Quả là tôi đã nghĩ thế và yên trí thế, cho đến khi chợt hiểu ra, và biết tiếc, về cái việc mình đã làm. Phải, cái bức vách mà một nhân vật như Trịnh Hữu Ngọc làm cho một tên tuổi như Nguyễn Huy Tưởng để bạn mình có chỗ mà làm việc, mà viết nên những nào là Sống mãi với thủ đô, Lũy Hoa, Lá cờ thêu sáu chữ vàng…, cái bức vách ấy, đáng quá chứ, là một di tích văn hóa mà lẽ ra tôi phải gìn giữ lại cho gia đình, hay rộng ra, cho xã hội. Thế mà tôi đã phá nó đi, vứt bỏ nó, không giữ lại dù chỉ một tấm gỗ, ít ra, tấm gỗ trên có cái lỗ tròn để thò ngón tay vào mà mở cửa, mà ngó xem nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ngồi viết văn! Tôi thậm chí cũng không nghĩ đến việc chụp vài ba bức ảnh ghi lại bức vách ấy, để ít ra con cháu sau này hình dung ra, sau cái vách lửng bằng gỗ ấy, ở về cuối hành lang, là góc làm việc, là bàn giấy, “buy rô”, là nơi tiếp đãi khách của cha, ông mình…
May mắn nào đã cho tôi có được bản chụp vi phim cuốn truyện Cô bé gan dạ của cha tôi, với những trang in minh họa của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Vào thời điểm cuối năm 1940, khi cuốn sách ra đời, kỹ thuật in ấn và yêu cầu về đồ họa đối với sách nói chung còn đơn giản lắm. Thế nên họa sĩ khó có thể vẽ vời gì nhiều ở các trang minh họa cũng như trang bìa. Song tôi nghĩ, cuốn sách ấy vẫn có một ý nghĩa không nhỏ chút nào. Chí ít với tên tuổi của hai ông – Nguyễn Huy Tưởng và Trịnh Hữu Ngọc – hiện diện ở bìa sách, bản thân điều đó cũng đã đủ bảo chứng cho một sản phẩm văn hóa của một thời. Từ đó cũng mở ra một tình bạn thâm trầm đầy vẻ lịch lãm mà hai ông, hai nhà văn hóa đã dành cho nhau. Riêng tôi, việc tìm lại được cuốn sách này nhiều chục năm sau khi hai ông đã thành người thiên cổ, là một cái gì đó vừa tâm linh mà cũng vừa rất thật…