Văn hoá học đường

Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An - Nơi đào tạo cán bộ nguồn cho các huyệnmiền núi

 Được thành lập vào ngày 15/10/1984, với tên gọi là Trường Thanh thiếu niên dân tộc vùng cao Nghệ Tĩnh và từ ngày 09/9/1991 được đổi tên thành Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An, 25 năm qua, với mục tiêu Đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc cho các huyện miền núi, Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp “trồng người”, xứng đáng là con chim đầu đàn trong hệ thống các trường DTNT của tỉnh, nằm trong tốp đầu về chất lượng đào tạo của hệ thống các trường PT DTNT cả nước.

Trường học đặc biệt

Nói Trường THPT DTNT Nghệ An là trường học đặc biệt bởi đây là trường THPT phảt thực hiện đồng thời 2 chức năng: nuôi và dạy. Thầy cô giáo không chỉ làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn là những người cha, người mẹ hướng dẫn, chăm sóc, giúp đỡ các em từ chuyện ăn, ở, sinh hoạt nội trú lẫn nề nếp học tập hàng ngày.
Cứ đều đặn 15 phút trước giờ lên lớp, dù ngày có tiết cũng như ngày không có, cô giáo Bùi Thị Toàn - Tổ trưởng tổ Văn đều có mặt tại phòng ở của các em học sinh lớp cô chủ nhiệm để kiểm tra, nhắc nhở các em xếp chăn màn, quần áo, vệ sinh phòng ở ngăn nắp, sạch sẽ. Tối thứ 7 tuần nào cũng vậy, cô đều dành thời gian vào khu nội trú ân cần thăm hỏi, động viên các em. Cứ mỗi tháng 1 lần, cô đều tổ chức sinh nhật cho các em sinh trong tháng tại khu nội trú… “ …để các em vơi đi nỗi nhớ nhà, sống vui vẻ, hòa đồng, quan tâm tới nhau, động viên nhau học tập tốt hơn…” - cô bảo thế. Cô cũng không quên tặng quà cho các em dịp sinh nhật, khi là một cái kẹp tóc xinh xinh, khi một bình hoa nhỏ, khi là một quyển sách mà các em thích. Đầu năm mới, em nào cũng có quà mừng tuổi của cô… Giá trị vật chất những món quà không đáng là bao nhưng tấm lòng, tình cảm của cô đối với học sinh thật lớn lao. Không riêng gì cô Toàn mà tất cả các thầy, cô giáo ở mái trường này đều coi các em học sinh như con, em ruột thịt của mình. Học sinh từ các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa xuống thành phố, lạ nước, lạ khí hậu nên rất dễ ốm đau, nhất là bệnh sốt rét ác tính luôn đe dọa. Có lúc, xe cấp cứu của bệnh viện đã phải đưa 4 - 5 em đi cấp cứu trong một đêm. Có những đêm, thầy cô giáo phải thức trắng bên giường bệnh học sinh, chờ các em tỉnh dậy sau ca mổ mà lo thắt ruột. Nhiều thầy, cô giáo như thầy Hoàn, thầy Long, cô Toàn đã sẵn lòng đón các em có hoàn cảnh éo le về chung sống cùng gia đình. Các thầy cô ở tổ quản sinh thì không kể ngày giờ, sớm trưa, chiều tối thường xuyên gần gũi, nhắc nhở học sinh thực hiện nề nếp ăn ở, sinh hoạt, học tập. Rồi các mẹ, các chị phục vụ ở nhà bếp đã không quản ngại khó khăn, lo cho các em ngày 3 bữa ăn đúng giờ giấc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hợp khẩu vị để các em ăn hết tiêu chuẩn. Lo việc học hành, lo nơi ăn, chốn ở của các em đã khó nhưng chưa hết, thầy cô còn quan tâm đến những niềm vui nho nhỏ của các em học sinh nữa. Có những năm các thầy, cô đã miệt mài gói bánh chưng để các em đem về quê làm quà Tết. Gói quà thì nhỏ nhưng tấm lòng của thầy cô thật bao la… Và cũng chỉ có ở mái trường này, học trò gọi thầy, cô, xưng con, nghe sao mà thân thương, ấm áp.
Nét đặc biệt của mái trường này còn ở sự đa dạng thành phần dân tộc của học sinh. Thái, Thổ, Mông, Khơ mú, Ơ đu, Mường, Dao, Chăm … đều có cả, sau này còn có thêm học sinh người Kinh nữa. Mỗi em, mỗi miền quê mà chỉ nghe thôi cũng thấy trắc trở, xa xôi: từ Mường ải, Mường Típ, Mỹ Lý, Keng Đu, đến Tri Lễ, Đồng Văn, Quang Phong, Hạnh Dịch; từ Tam Hợp, Kim Đa, Hữu Khuông, Yên Thắng, đến Diên Lãm, Châu Nga, Châu Hội, Châu Bình, rồi Khe Khặng, Thạch Ngàn, Môn Sơn, Bình Chuẩn… Tạm biệt núi rừng với nhiều phong tục, tập quán riêng, xuống thành phố học, tất cả các em đều rất bỡ ngỡ lạ lùng - “đường bằng khó đi”. Mỗi em, mỗi hoàn cảnh, nhưng điểm xuất phát chung của các em là cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, mặt bằng kiến thức của các em còn thấp, vốn kiến thức trung học cơ sở ở các em bị hổng rất nhiều. Nhiều em sống thu mình, sau một thời gian dài mới hòa nhập được với bạn bè, mới quen dần với nề nếp ăn ở, sinh hoạt, học tập nội trú.
 Hoa rừng đua nhau khoe sắc.
Từ những cái đặc biệt nêu trên, việc dạy và học ở Trường THPT DTNT Nghệ An khó khăn hơn rất nhiều so với các trường THPT khác. Nhưng các thế hệ thầy và trò ở đây đã cùng nhau cố gắng, cùng nhau phấn đấu để nhà trường thắm mãi những mùa hoa. 100% giáo viên của trường đều đạt chuẩn, 23/56 giáo viên đứng lớp có trình độ trên chuẩn (23 Ths và 01 nghiên cứu sinh), 23 lượt giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 20 cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Năng lực chuyên môn giỏi cùng với đạo đức nghề nghiệp “Tất cả vì học sinh thân yêu” của thầy cô giáo, của cán bộ quản sinh, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được cải thiện và nâng cao. Hàng năm tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt từ 97-100%. Nhiều năm liên tục, trường có số lượng lớn học sinh (HS) đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh với nhiều giải nhất, nhì. Riêng năm học 2007-2008, trường có 25/26 thi đậu HSG cấp tỉnh (chiếm tỷ lệ 96%, xếp thứ 4 toàn tỉnh) với nhiều giải nhất. Mấy năm gần đây, chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên rõ rệt: 100% HS được lên lớp, trong đó 75% đạt học lực khá, giỏi. Hằng năm, từ mái trường này, có đến 80% học sinh thi đỗ vào các trường đại học chính quy và dự bị đại học. Mỗi kỳ tham gia Hội thi văn hoá thể thao các trường THPT dân tộc nội trú toàn quốc, trường đều đạt thứ hạng cao, dành nhiều huy chương. 25 năm qua, trên 3.000 HS đã trưởng thành từ chiếc nôi giáo dục này, trong đó, trên 2.000 HS vào đại học. Nhiều em tiếp tục phấn đấu đạt kết quả xuất sắc trong các trường Đại học, như: Lang Thị Trúc Quỳnh (quê Quỳ Châu) đạt giải “Hoa trạng nguyên” của Trường ĐH Kinh tế quốc dân; Mùa Bá Chày (quê Kỳ Sơn) từng được nhận học bổng “Vừ A Dính” đang là sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Tây Bắc; Võ Anh Hiếu (quê Đô Lương) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, thi đậu Học viện quân sự với số điểm 28,5, là một trong 20 học viên xuất sắc được chọn đi du học ở Học viện quân sự Nga. Đặc biệt, trong kỳ thi đại học vừa rồi, em Xồng Bá Dìa (Mường Lống, Kỳ Sơn) đậu thủ khoa ĐH Sư phạm I Hà Nội với 30 điểm và Đậu ĐH Y khoa Hà Nội với 26,5 điểm. Hiện Dìa đang học ĐH Y Hà Nội với ước mơ trở thành một bác sỹ giỏi để sau này về chữa bệnh cho bà con dân bản. Có rất nhiều tấm gương HS đã vượt khó, học tập tốt và trở thành những cán bộ cốt cán của các huyện miền núi trong tỉnh. Đó là Cụt Thị Nguyệt (HS khóa 1, dân tộc Khơ mú, quê Mường Xén, Kỳ Sơn), từng đoạt giải Nhất giảng viên lý luận chính trị giỏi miền Bắc, giải nhì toàn quốc, hiện là Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn. Vừ Bá Tu (HS khóa IV, dân tộc Mông, quê Mường Lống, Kỳ Sơn) hiện là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn, Moong Công Hải (HS khóa I, người dân tộc Khơ mú, quê Kim Đa, Tương Dương) hiện là Thẩm phán TAND huyện Tương Dương. Lô Thanh Sơn (Khóa I, dân tộc Thái quê Châu Bình, Quỳ Châu) hiện là Phó phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu. Lương Mạnh Cầm (HS khóa I, quê Quỳ Hợp) hiện là Phó trưởng phòng Tài chính huyện Quỳ Hợp… và rất nhiều HS của trường này đang là những kỹ sư, bác sỹ, giáo viên… tình nguyện về quê công tác, góp sức xây dựng bản, làng ngày càng giàu đẹp hơn.
25 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT DTNT Nghệ An vinh dự được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba; được công nhận đạt chuẩn quốc gia; nhiều tập thể và cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD & ĐT, UBND tỉnh tặng bằng khen. “Mái trường nội trú đã cho em tình thương, niềm tin, tri thức và ước mơ” - tâm sự đó của Xồng Bá Dìa cũng là tâm sự của biết bao lớp học trò trưởng thành từ mái trường này. Tuổi 25 - tuổi thanh xuân căng tràn nhựa sống, Trường THPT DTNT Nghệ An sẽ mãi như dòng suối mát của bản làng, lặng lẽ chảy theo thời gian, vượt mọi thác ghềnh để tưới cho những mầm xanh đang vươn chồi, nảy lộc, cho những cánh hoa rừng thắm mãi với thời gian.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446217

Hôm nay

2148

Hôm qua

2284

Tuần này

21826

Tháng này

212476

Tháng qua

120141

Tất cả

114446217