Diễn đàn
ĐÚNG! NGƯỜI ĐỜI MẶC ÁO GẤM CHO LỊCH SỬ (Trao đổi lại với bác Nguyễn Hoàn về làng Tiến sĩ Bích La Đông)
Thưa bác Nguyễn Hoàn!
Lời đầu tiên, qua website của tạp chí Văn hóa Nghệ An, tôi xin gửi lời kính thăm và chúc sức khỏe bác cùng quý quyến.
Tôi là Khải Mông, tác giả bài viết “Có làng tiến sĩ Bích La Đông không hay người đời đã mặc áo gấm cho lịch sử”.
Anh em bạn bè cho tôi biết bài trả lời của bác đã lâu[Làng khoa bảng, “lò sinh quan” Bích La Đông: Không có chuyện “mặc áo gấm cho lịch sử”], nhưng rồi tôi cũng chưa có thời gian xem. Thú thực là tôi rất bận nên không dám để chuyện cá nhân cỏn con của mình ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan. Đến khi có chút thời gian xem bài của bác, lại không có điều kiện trả lời bác ngay. Mong bác đại xá cho.
Bác Nguyễn Hoàn ạ, đọc xong bài của bác, nói thật là tôi rất buồn, và rất giận. Bác viết: “Cụ thể, Khải Mông đã sai khi phủ nhận hay hoài nghi sự có thật của tiến sĩ Hán học, của nhân vật lịch sử người Bích La Đông. Thậm chí, Khải Mông lại còn có những lời lẽ đụng chạm đến danh dự của một làng Việt nổi tiếng, nếu không nói là xúc phạm”. Tôi đã định viết một bài trả lời bác với cả những bực giận của mình. Nhưng rồi nghĩ lại, tôi thấy mình không được phép viết như vậy. Xét về mọi mặt, từ tuổi tác, địa vị xã hội, cho đến học thức… bác đều là bề trên của tôi. Tôi không dám xấc xược mà coi mình ngang hàng với bác được.
Tôi xin trả lời ngay rằng, đây là lời suy diễn, quy kết vô căn cứ, lối chụp mũ, trì triết, mạt sát của bác đối với tôi. Tôi chưa bao giờ có những lời lẽ đụng chạm đến danh dự của một làng Việt nổi tiếng, nếu không nói là xúc phạm. Bác đọc thật kĩ lại toàn bài viết của tôi đi ạ.
Vì sao?
Vì tôi biết, Bích La Đông là quê hương của cố Tổng bí thư Lê Duẩn!
Vì tôi biết, Bích La Đông là quê hương của họa sĩ tài danh Lê Bá Đảng!
Vì tôi biết, Bích La Đông là quê hương của nhiều nhà khoa học hiện nay đang góp công sức xây dựng đất nước.
Vì tôi biết, với những “bậc ngoại hạng” thì sự nghiệp không chỉ phụ thuộc vào những tấm bằng. Cụ Cao Xuân Dục (1842-1923) mà bác dẫn sách của cụ trong bài, là người chỉ đỗ Cử nhân nhưng làm quan tới Cơ mật viện đại thần, Đông các Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Học, Tổng tài Quốc sử quán, Tế tửu Quốc Tử Giám...
Tất cả những điều nêu trên khiến tôi thành kính với mọi vùng đất trên Tổ quốc Việt Nam này – không riêng gì làng Bích La Đông.
Còn chuyện người đời “mặc áo gấm cho lịch sử” là chuyện có thật! Tôi đã viết trong bài trước, nay không dẫn lại. Tranh thủ một chút thời gian rảnh, tôi viết bài này trao đổi lại với bác, và tôi cũng xin phép bác là chấm dứt cuộc tranh luận tại đây, vì tôi rất ngại chuyện Hòn đất ném đi thì những hòn gì gì đó ném lại, mà những hòn đó lại toàn đi chệch ra khỏi vấn đề cần bàn.
Sau đây, tôi xin đi vào trao đổi cụ thể từng vấn đề giúp bác rõ hơn nhé.
1. Thứ nhất, bác viết: “Vì xuất phát điểm vấn đề Khải Mông nêu là từ… bài báo của Ngọc Quang, nên hãy bắt đầu vấn đề chính từ bài báo đó”. Bác nhầm rồi, tôi dẫn bài của Ngọc Quang là bài báo gần nhất với thời điểm tôi viết bài này. Trong bài tôi còn dẫn thêm bài viết: “Làng Bích La - Quảng Trị: Làng nổi tiếng “Nôi sinh sĩ tử” (http://www.phahe.vn/Knowledge_Detail.aspx?ContentID=5265) của tác giả Minh Tứ(được chú thích dẫn nguồn là theo báo Văn nghệ).
Bác viết: “Ngọc Quang không hề dùng đến cụm từ “làng tiến sĩ Bích La Đông”. Điều này là đúng. Còn chuyện tôi dùng cụm từ “Làng Tiến sĩ Bích la Đông” làm tít bài thì không phải tôi bịa ra được thuật ngữ này đâu. Nó có lịch sử vấn đề đấy. Thưa bác, Sài Gòn giải phóng đặc san Dương lịch 2004, trang 14, mục Điểm sáng, tác giả Lam Khanh có bài viết: “Bích La Đông – làng Tiến sĩ”. Sau đó, trên tạp chí Xưa và Nay số 211, tháng 5-2004, trang 22, tác giả Nghiêm Kiến An viết: “Có thật Bích La Đông – làng Tiến sĩ” dẫn như sau:
“Sài Gòn giải phóng đặc san Dương lịch 2004, trang 14, mục Điểm sáng, bài “Bích La Đông – làng Tiến sĩ” của Lam Khanh viết… kể ra một loạt Tiến sĩ bắt đầu từ hai vị Lê Cảnh Diệu và Lê Cảnh Phiên và hai vị đỗ Phó bảng và Tiến sĩ tại khoa thi cuối cùng (1919) là Lê Văn Tăng và Lê Văn Lương tổng cộng Bích La Đông có 13 Tiến sĩ.
Tham khảo bộ sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” – nhà xuất bản Văn hóa 1993 đã cung cấp 2898 vị đại khoa. Thứ nhất là Lê Văn Thịnh, Phó bảng cuối cùng là Hoàng Yến.
Đi sâu vào họ Lê tuyệt nhiên không có tên một vị nào như Lam Khanh dẫn trong bài. Có cụ Lê Cảnh Trịnh chẳng những khác quê hương (Cẩm Bình – Hải Hưng) lại cách xa năm thi đậu (1484).
Tóm lại, bài báo do tác giả Lam Khanh cung cấp coi Bích La Đông là “lò sinh quan, nôi sinh tử” thì lại là chuyện cần xem kỹ lại”.
Như thế là bác đã rõ rồi nhé, từ 7 năm trước khi tôi viết bài này, hai tác giả Lam Khanh và Nghiêm Kiến An đã nêu thuật ngữ “Làng Tiến sĩ Bích La Đông”.
2. Thứ hai, bác viết: “Tác giả Khải Mông đã chỉ ra một số thông tin không chính xác trong bài báo của Ngọc Quang, cụ thể là thông tin về một số tiến sĩ ở làng Bích La Đông là không có thật. Điều đó là đúng và cho thấy tác giả Khải Mông đã tìm hiểu vấn đề khá kỹ”. Tôi cám ơn bác rất nhiều vì đã ghi nhận kết quả nghiên cứu của tôi. Tuy nhiên, bác đã đẩy vấn đề đi quá xa khi cho rằng tôi “lại “phóng bút” quá đà… phủ nhận hay hoài nghi sự có thật của tiến sĩ Hán học, của nhân vật lịch sử người Bích La Đông”. Rồi bác dẫn ra danh sách các vị khoa bảng làng Bích La Đông được tổng hợp từ cuốn sách: “Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam” của Bùi Hạnh Cẩn, Minh Nghĩa, Việt Anh biên soạn, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, hay cuốn “Quốc triều hương khoa lục” của cụ Cao Xuân Dục.
Thưa bác Nguyễn Hoàn, bác đã nhầm về đối tượng nghiên cứu rồi. Trong bài của tôi, tôi chỉ viết về các vị Tiến sĩ, Phó bảng mà các tác giả Ngọc Quang, Minh Tứ hay Lam Khanh đã viết. Ngoài ra, tôi không có bàn đến bất kì đối tượng nào khác. Bác dẫn ra danh sách các vị khoa bảng làng Bích La Đông dưới học vị Tiến sĩ, Phó bảng [Thi Hương, Cử nhân – KM] chỉ là chuyện đi lạc đề mà thôi, thậm chí là đánh tráo khái niệm và đối tượng tôi đang bàn đến.
3. Thứ ba, bác dẫn hành trạng và sự nghiệp của cụ Lê Đăng Doanh qua các sử sách triều Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện. Tôi chưa có điều kiện đọc những sách này, và tôi ghi nhận tư liệu bác dẫn ra. Nhưng tôi vẫn xin khẳng định với bác rằng chuyện ông Lê Đăng Doanh dạy 4 đời vua (tôi nhấn mạnh – KM) triều Nguyễn là “chuyện không thể xảy ra”(tôi nhấn mạnh – KM). Bác cứ tra lại trong sử sách mà bác đã dẫn ra giúp tôi đi.
4. Thứ tư, bác viết: “Khi viết, Khải Mông chỉ dựa vào có mỗi cuốn sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, không đọc rộng ra các sách khác mà đã vội kết luận vấn đề là không đầy đủ, không khoa học, phiến diện và khó tránh khỏi sai lầm”. Thưa bác, nếu chỉ đọc có mỗi cuốn “Các nhà khoa bảng Việt Nam” thì chắc tôi không dám cầm bút viết bài này đâu ạ. Cảm phiền bác đọc lại những tư liệu đã trích dẫn trong bài của Khải Mông giúp tôi với!
Bác lại chua thêm cái dấu ngoặc đơn rằng: (cũng không rõ cuốn sách này [“Các nhà khoa bảng Việt Nam” – KM] có được Khải Mông đọc kỹ không, nếu sách này viết đầy đủ, trong sách phải có tên tiến sĩ Lê Thụy, tức Lê Bá Thoại, người Bích La Đông). Tôi có đọc kỹ chứ ạ. Nhưng nhờ bác, hôm nay tôi mới biết tiến sĩ Lê Thụy, tức Lê Bá Thoại, người Bích La Đông [và tôi chắc là các nhà soạn sách cũng mới được biết thêm] Xin cảm ơn bác đã cho được mở rộng tầm mắt của kẻ áo vải ở chốn thôn quê này!
Bác dẫn câu của Mạnh Tử: “Tận tín thư bất như vô thư”nghĩa là “đọc sách mà tin sách đến cùng thì không bằng không đọc sách”. Tôi đa tạ bác đã dạy bảo. Nhưng tôi e rằng bác khinh người quá đáng. Vì nếu như tôi đọc sách mà chỉ biết tin vào sách thì tôi chẳng cần phải viết bài này. Thậm chí tôi chả việc gì phải hỏi lại PGS.TS Ngô Đức Thọ người chủ biên cuốn “Các nhà khoa bảng Việt Nam” rằng liệu khi làm sách những người biên soạn có lỡ may bỏ quên vài vị Tiến sĩ trong cả nước hay không? Tôi cứ tin vào những điều các tác giả Ngọc Quang, Minh Tứ và Lam Khanh đưa ra bác ạ!
5. Bác lại viết tiếp để dạy bảo tôi “huống hồ là chỉ đọc có ít sách chứ không đọc rộng ra nhiều sách, để rộng đường tra cứu, luận bàn xác đáng, tránh sa vào vu khoát, lộng ngôn”. Tôi có thiếu sót là đọc ít sách thật, nhưng đời người ngắn ngủi, mấy ai đọc nổi thiên kinh vạn quyển, trong bụng đầy bồ kinh luân, tôi là kẻ ít chữ, học mót và ăn mày được dăm ba chữ của các thầy tôi cũng như của xã hội nên chỉ dám chọn lọc đọc những sách tiêu biểu, thuộc dòng sách công cụ mà thế hệ chúng tôi cần nhất vừa nhanh vừa gọn lại phổ biến, dễ tìm, ai cũng biết. Còn nói tôi “vu khoát, lộng ngôn” thì e rằng bác hơi quá lời. Bác bắt tôi không được phép nghi ngờ trong khi những người viết bài dẫn ra một loạt Tiến sĩ, Phó bảng chẳng phải trên trời rơi xuống, cũng không phải dưới đất chui lên, thử hỏi tôi không nghi ngờ sao được? Nếu bác gặp trường hợp như vậy, bác hành xử ra sao? Có điều, cái nghi ngờ của tôi là hoài nghi khoa học, chứ không phải suy diễn vô căn cứ, chụp mũ, mạt sát người khác. Trong khoa học không tránh khỏi có những sai lầm. Có điều cái sai lầm của hôm nay, sẽ là tiền đề, là điều kiện cho cái đúng ngày sau. Bác chắc cũng rõ rằng, lịch sử khoa học vốn dĩ là một hành trình đi từ cái sai này đến cái sai khác hợp lí hơn, đúng không ạ?
6. Thưa bác Nguyễn Hoàn, trao đổi với bác đến đây cũng đã dài. Thư bất tận ngôn. Tôi chỉ đi vào vấn đề khoa học, không có đi ra ngoài vấn đề bàn luận. Vì vậy, tôi chủ động chấm dứt câu chuyện, không muốn tranh luận thêm, mất thời gian, vô ích. Nguyễn Du có viết: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Tôi bất tài nên chỉ biết làm việc theo cái Tâm của mình, với phương pháp luận khoa học, không có vu khoát, lộng ngôn như lời bác áp đặt cho tôi.
7. Cuối thư, tôi xin dẫn câu chuyện trao đổi qua điện thoại giữa tôi và một người con của quê hương Bích La Đông – bác N.H (0905. 217. 1xx) – ngay sau khi đọc bài viết của tôi vào ngày Rằm tháng Giêng tức ngày 17-2-2011, 9h15 sáng hôm đó, bác đã điện thoại cho tôi. Tuy chỉ có hơn 4 phút ngắn ngủi, nhưng tôi vẫn ghi lại điều bác N.H trao đổi với tôi rằng:
1. Khải Mông nêu về những vị Tiến sĩ, Phó bảng không có là đúng. Tôi [N.H] nhất trí vì chúng tôi đã biết điều này. Trong làng không phải không biết đâu. Con em làng Bích La Đông hiện nay có điều kiện ra ngoài học hành đều biết. Chúng tôi [bác N.H] xin sửa chữa dần dần, vì đây là niềm tự hào rất lớn, nếu sửa ngay một lúc thì e rằng các cụ già trong làng bị sốc. Các cụ cứ truyền miệng lại với nhau thế thôi, chứ các cụ không có điều kiện để biết đến thư tịch với sách vở gì đâu.
2. Còn với nhân vật Lê Bá Thoại: (bác Nguyễn Hùng đọc nguyên văn đoạn tôi viết) thì Khải Mông sai (tôi nhấn mạnh – KM). Trường hợp này là có thật. Có lẽ anh Khải Mông chưa có điều kiện đọc (bác N.H cho tôi biết là xem trong Quốc triều Khoa bảng lục, Lê Bá Thoại tức Lê Thụy, thi đỗ Phó bảng năm Ất Hợi 1875, từng làm Tuần phủ Thanh Hóa, Tham tri Bộ Hình) ….. Khi nào có điều kiện, anh Khải Mông xem lại (Bác N.H còn kể thêm cho tôi biết về Phó bảng Lê Trinh tức Lê Đăng Trinh là người gỡ tội cho Phan Chu Trinh).
Vâng, tôi ghi nhận lời góp ý của bác N. H và cách hành xử của bác!
Nghênh phong các, tiết quý xuân năm Tân Mão,
Tết Hàn thực
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511414
Hôm nay
277
Hôm qua
2336
Tuần này
21788
Tháng này
218287
Tháng qua
121356
Tất cả
114511414