Văn hoá học đường
Cần hiểu đúng bản chất của vấn đề "Xã hội hóa giáo dục"
1. “Xã hội hóa giáo dục” không thể là “đào tạo và cấp bằng theo nhu cầu xã hội”
Vấn đề “xã hội hóa giáo dục” theo kiểu ồ ạt mở trường đại học thời gian qua đã bị dư luận lên tiếng rất nhiều, bài viết này chúng tôi xin không nhắc lại. Ở đây xin đề cập đến một vấn đề khác, ở góc độ nào đó cũng cho thấy những cách nghĩ méo mó của không ít người về bản chất của vấn đề “xã hội háo giáo dục” ở nước ta hiện nay.
Có một thời gian, khi dư luận phản ánh vấn đề tỉ lệ sinh viên ra trường không xin được việc làm, không có việc làm hay phải làm việc trái ngành, trái nghề quá nhiều lập tức có người lên tiếng cho rằng đó là hậu quả từ việc các trường đại học trong khi đào tạo đã không có cái nhìn “dự báo” để “mở ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Và thế là cách nói, cách suy nghĩ phải “đào tạo theo nhu cầu xã hội” ấy vô tình trở thành “triết lý giáo dục” - “cứu cánh” của không ít trường đại học ở ta hiện nay. Điều này thể hiện rất rõ qua việc hàng năm mỗi khi đến mùa tuyển sinh đại học, trên các phương tiện truyền thông chúng ta lại bắt gặp những lời “tiếp thị” rất rầm rộ và “hoành tráng” về việc trường đại học A, đại học B, đại học C… vừa được phép mở thêm các “ngành học mới” (từ trung cấp đến cao đẳng, đại học) cùng với đa dạng các loại hình đào tạo (chính quy, từ xa, tại chức…) cũng như các phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển…).
Thật ra, nếu ai đó tinh ý sẽ thấy “ngành học mới” chỉ là cách nói “lập lờ đánh lận con đen” của một số “ông chủ” trường đại học khi “triệt để” và máy móc áp dụng “triết lý giáo dục” “đào tạo theo nhu cầu xã hội” với mục đích “thương mại hóa bằng cấp”, “thương mại hóa giáo dục” mà thôi. Trên thực tế, phần nhiều việc mở “các ngành học mới” ở các trường đại học hiện nay chỉ đơn giản là thay đổi tên gọi các ngành học trước đây cho phù hợp với “nhu cầu thực tế” còn thực chất khung chương trình và tên môn học của các “ngành học mới” này hay vấn đề giảng viên đảm nhận việc giảng dạy thì chẳng mới lên được bao nhiêu. Bởi bản chất của việc “mở ngành mới” là ít nhất các trường phải có vài chuyên gia có uy tín trên cả hai phương diện nghiên cứu lý thuyết lẫn thực tiễn ứng dụng về ngành, nghề đó. Cho nên, nếu tinh ý nhìn vào tỉ lệ giảng viên có trình độ từ Thạc sĩ trở lên (được phép dạy ở đại học theo quy định của Bộ Giáo dục) cũng như những điều kiện về cơ sở vật chất ở một số trường đại học hiện nay thì thực chất của vấn đề “mở ngành mới” chỉ là một cách “lách luật” và… nói cho “oai” mà thôi!
Ai cũng biết, xã hội vốn luôn vận động và biến đổi không ngừng, còn giáo dục suy cho cùng là nhằm hướng đến việc hoàn thiện về tri thức và nhân cách cho con người. Vì thế giáo dục rất cần sự “ổn định” và “bền vững” chứ không phải lúc nào cũng “chạy” theo “nhu cầu” nhất thời nào đó (vì ai dám chắc rằng sau 4 năm các em sinh viên ngồi trên giảng đường đại học khi ra trường những “dự báo” về nghề nghiệp trước đây không thay đổi?). Cho nên, mới hôm qua anh còn đang “chạy” theo nhu cầu của chị này, ngày mai anh lại phải thay đổi để “chạy” theo nhu cầu của cô khác chắc chắn cuối cùng anh sẽ không bao giờ tới cái đích là sự hoàn thiện về tri thức và nhân cách cho con người – mục tiêu cuối cùng của việc giáo dục. Cho nên, “xã hội hóa giáo dục” mà chỉ biết mở trường “đào tạo theo nhu cầu xã hội” ở mức độ nào đó nó phản ánh tư duy làm việc theo kiểu “ăn xổi ở thì” của không ít người. Nguy hại hơn, điều này còn vô tình cổ vũ cho thói quen “trọng bằng cấp” trong xã hội ngày một thêm trầm trọng hơn.
Vì lẽ đó, “xã hội hóa giáo dục” theo tôi, cần phải hiểu trước hết là phải tạo ra một cơ chế “cạnh tranh về chất lượng giáo dục” giữa các cơ sở đào tạo. Cơ chế này phải được mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần xã hội tham gia giám sát và thẩm định (gia đình, các tổ chức xã hội, Đảng và Nhà nước… chứ không phải chỉ có cơ quan kiểm định giáo dục của Bộ Giáo dục lâu lâu đi thanh, kiểm tra một lần). Khi đã tạo ra cơ chế “cạnh tranh về chất lượng” xã hội sẽ tự động xác lập nên những “thương hiệu” giáo dục có uy tín đồng thời sẽ đào thải những “thương hiệu” giáo dục lôm côm (vốn chỉ mượn danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục” để “kinh doanh bằng cấp”). Và như thế “xã hội hóa giáo dục” chính là làm cho mọi người, mọi thành phần trong xã hội có một ý thức tự giác hơn trong việc tự hoàn hiện bản thân mình thông qua hoạt động học tập và nghiên cứu; các cơ sở đào tạo có trách nhiệm hơn trong việc cạnh tranh nhằm tạo ra “sản phẩm giáo dục” có chất lượng (nếu không muốn bị xã hội đào thải); các cơ quan quản lý giáo dục, các tổ chức xã hội có trách nhiệm hơn trong việc thực thi chức năng giám sát và quản lý giáo dục của mình…
2. “Xã hội hóa giáo dục” không chỉ là “nâng cao mặt bằng dân trí” mà quan trọng hơn là phải biết hướng đến những cái “tinh hoa”
Người xưa thường nói “trăm quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”. Nhìn rộng vấn đề này ra trong cuộc sống nói chung, đó là lời khuyên rất bổ ích cho chúng ta trong việc nhìn nhận, đánh giá và tôn vinh các cá nhân ưu tú, kiệt xuất trong xã hội. Bởi các cá nhân ưu tú và kiệt xuất này chính là “hiền tài”, là “nguyên khí của quốc gia”. Mà “hiền tài” thì thời nào cũng vậy vốn rất hiếm, vì thế, chúng ta phải đặc biệt chú trọng việc tìm kiếm, tạo điều kiện và môi trường tốt nhất để nâng đỡ và nuôi dưỡng “hiền tài”.
Từ vấn đề trên, soi chiếu vào sự nghiệp giáo dục nước nhà, có thể nói, hiện nay nhiều người hay nói về “xã hội hóa giáo dục” thế nhưng thật sự vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn và thấu đáo về bản chất của “xã hội hóa giáo dục” là như thế nào. Nói cách khác, trong suy nghĩ của nhiều người hiện nay, khi nói đến “xã hội hóa giáo dục” gần như chỉ nhằm hướng đến việc“nâng cao mặt bằng dân trí” mà ít chú ý đến đầu tư cho một hay một vài cá nhân ưu tú, tinh hoa trong giáo dục. Đây phải chăng là hệ quả của lối tư duy lỗi thời; một cách nghĩ phiến diện và sai lầm: chỉ xem “tập thể và cộng đồng” là trên hết hay mọi chuyện đều được quy ra và đánh giá thông qua cái “bình quân” (chủ nghĩa bình quân) mà xem nhẹ hoặc không nhận thức đầy đủ vai trò và tầm ảnh hưởng của con người cá nhân – cá thể (đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và giáo dục). Bởi lẽ, khi anh chỉ chú trọng đến cái “bình quân” cũng có nghĩa là anh chỉ mới quan tâm đến cái “mặt bằng chung”, cái số đông mang tính đại trà (rất dễ rơi vào “hình thức”) mà vô tình bỏ quên những cái tinh hoa, tinh túy. Hẳn chúng ta đều nhớ, năm 2010, sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu - người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Fields toán học danh giá đã dấy lên một niềm tự hào về trí tuệ Việt trong mọi tầng lớp xã hội như thế nào. Có thể nói, qua sự kiện trên, tuy không nói ra nhưng chắc chắn giáo sư Ngô Bảo Châu chính là tấm gương, là động lực cho rất nhiều các bạn trẻ từ đó “soi” vào và ra sức phấn đấu học tập, nghiên cứu. Hãy nhìn cảnh giới trẻ nói chung và người dân nói riêng chen chút nhau đến dự lễ tôn vinh giáo sư Ngô Bảo Châu cũng như đến tham gia chương trình giao lưu với giáo sư Châu mỗi khi ông về Việt Nam thì biết. Đây là một bằng chứng tiêu biểu nhất cho vấn đề “xã hội hóa giáo dục” phải hướng đến những cái tinh hoa, những cá nhân ưu tú - cách làm của những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Nói điều này để thấy, hiện nay tuy nói về “xã hội hóa giáo dục” nhưng chúng ta nhìn chung vẫn chỉ quanh quẩn xung quanh những bảng “kế hoạch” cùng với những “chỉ tiêu” rất chung chung nhằm lập “thành tích” để báo cáo về trên. (Kiểu như năm nay, “địa phương ta” phải đạt tỉ lệ bình quân học sinh đậu tốt nghiệp phổ thông trung học là bao nhiêu phần trăm; năm nay phải đạt chỉ tiêu phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là bao nhiêu; phấn đấu đến năm… “địa phương ta” phải đạt chỉ tiêu về tỉ lệ bình quân những người có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ là…; những người mang học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư là…). Thử hỏi, cả một hệ thống giáo dục (từ lãnh đạo chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các em học sinh….) chỉ tập trung sức lực cho việc hoàn thành những “chỉ tiêu rất chung chung” ấy của đơn vị mình, địa phương mình thì giáo dục làm sao có những đột phá cho được? Đó là chưa nói, đây cũng chính là nguyên nhân của cái “bệnh thành tích” mà nhiều năm qua mọi người rất vất vả và khổ sở để “chống” lại nó!
Cụ thể hơn, một ví dụ tiêu biểu cho thấy cái tư duy giáo dục lạc hậu này ở ta hiện nay đó là, việc ban hành bộ sách“Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng” (chúng tôi xin tạm gọi vắn tắt là “chuẩn kiến thức, kỹ năng”) dành cho các em học sinh lớp 12 của Bộ giáo dục trong vài năm gần đây mà dư luận ít nhiều đã lên tiếng. Thử hỏi, đã có bộ sách giáo khoa, sách hướng dẫn dạy học dành cho giáo viên (hai loại sách này vốn cũng là “chuẩn” rồi) lại còn có thêm “chuẩn kiến thức, kỹ năng” kèm theo nữa là sao? Rõ ràng đây chính là tư duy giáo dục chỉ chăm chăm đi tìm một “cái chuẩn”, một cái “mặt bằng” chung trong khi ai cũng biết là sự học của con người vốn rất khôn cùng. Tài liệu “chuẩn kiến thức, kỹ năng” này một lần nữa cho thấy, chúng ta chỉ chú trọng vào “mặt bằng” về tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh phổ thông sao cho “đẹp” mà thôi. Ở góc độ nào đó điều này chẳng khác gì chúng ta bảo “chuẩn của học sinh phổ thông chỉ nên bao nhiêu đó là đủ”! Thử hỏi tư duy về giáo dục như thế này trách sao chất lượng “sản phẩm giáo dục” của chúng ta không thấp cho được. Bởi suy cho cùng cả một thế hệ học sinh phổ thông của chúng ta suốt 12 năm đào tạo lại chỉ là những “bản sao”, là thế hệ “F1” của sách giáo khoa và “chuẩn kiến thức, kỹ năng”. Vấn đề này phải chăng cũng chính là sự khác biệt cơ bản trong tư duy về giáo dục của ta so với các nước tiên tiến trên thế giới về “xã hội hóa giáo dục”. Xin mượn lời của Giáo sư Ngô Bảo Châu trong buổi trả lời giao lưu với các em học sinh ngày 11/3 tại đại học quốc gia TP. HCM để làm rõ hơn vấn đề này như sau:
“Lúc học xong phổ thông và qua Pháp học, thời gian đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ở Việt Nam đào tạo theo hướng làm sao phải giải bài tập thật nhanh và chính xác. Nhưng khi tôi sang Pháp lại không như vậy. Bên cạnh đào tạo kỹ năng làm bài tập nhanh, giải bài khó, giáo viên còn tạo ra môi trường giúp học sinh cảm nhận được cái đẹp của môn học và từ đó yêu thích, theo đuổi.”
***
Tóm lại, một nền giáo dục muốn phát triển theo hướng hiện đại theo tôi, chúng ta phải tập làm quen với việc “hi sinh” những “chỉ tiêu” vốn chỉ nhằm làm “đẹp mắt” một vài người nào đó. Nói cách khác, cần phải thay đổi cách tư duy và triết lý giáo dục vốn chỉ chăm chăm hướng đến cái “mặt bằng chung” nhiều khi rất đại trà và “hình thức” mà vô tình bỏ qua hoặc không chú ý đến cái số ít nhưng lại là những cái tinh hoa, những cái ưu tú của xã hội và đất nước.
Vĩnh Long, 12/3/2011
[1]: Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 11/3/2011
Nguồn: Viet-studies.info
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Nghĩa gốc của chữ Hán lang 郎 vốn là làng
Thống kê truy cập
114515464
Hôm nay
2142
Hôm qua
2367
Tuần này
21065
Tháng này
213403
Tháng qua
121009
Tất cả
114515464