Văn hoá học đường

Báo động nhân lực của ngành giáo dục

Một cán bộ quản lý ngành Giáo dục đã tâm sự cùng tôi: “Bây giờ học sinh giỏi không thi vào trường sư phạm, tương lai của ngành giáo dục rồi sẽ ra sao?”.

Tôi nói: “Thì người giỏi làm ở lĩnh vực nào cũng tốt chứ”; anh đáp: “Đã đành là vậy, nhưng nếu người giỏi làm giáo dục thì sẽ có ích nhiều hơn cho xã hội, đào tạo được nhiều HS giỏi cho thế hệ tương lai”.

Mùa tuyển sinh năm nay, hai xu hướng đã có ở nhiều năm gần đây, càng rõ nét hơn: đó là có rất ít HS đăng ký thi vào khối C và các trường sư phạm. Năm 2010, cả nước chỉ có khoảng 5% thí sinh thi vào khối C, tình hình năm nay cũng tương tự. Thầy Phan Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật cho biết: “Chỉ những HS không theo học được các khối khác mới học khối C”. Những HS thi khối C chủ yếu thi vào các ngành Luật, Báo chí. Còn HS khá giỏi học khối A,B,D…hầu như không lựa chọn ngành sư phạm. Năm học 2010, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chỉ có một bộ hồ sơ nộp vào trường sư phạm. Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, năm 2011, có 343 HS thi ĐH chỉ có 41 em đăng ký thi vào khối C và chỉ có hơn 10 hồ sơ đăng ký thi vào trường sư phạm. Điểm trúng tuyển của một số khoa các trường sư phạm chỉ ở mức điểm sàn. Năm 2010, điểm chuẩn các ngành sư phạm của trường ĐH Vinh thấp đến mức đáng báo động: Toán : 15 điểm; Vật lý: 13 điểm; Hoá: 14,5 điểm; Sinh: 14 điểm; Văn: 17 điểm; Sử: 15 điểm…Trong điều kiện đề thi tuyển sinh ĐH có khoảng 70% là kiến thức cơ bản trong chương trình, một số môn thi theo hình thức trắc nghiệm, với mức điểm đó, ngành sư phạm chỉ “vớt vát” được những HS học lực trung bình.
Vốn được coi là nghề "cao quý” nhưng hiện nay, ngành sư phạm đang bị "tẩy chay" bởi cơ hội việc làm khó khăn, chế độ đãi ngộ thấp, môi trường làm việc không tốt và cơ hội thăng tiến không cao. Một nguyên nhân nữa là vị thế xã hội của nhà giáo trong xã hội đang ngày càng không được coi trọng.
Theo thông tin của Sở Nội vụ, hiện nay, ngành Giáo dục Nghệ An đang dôi dư 1.863 cán bộ, GV, nhân viên (717 GV tiểu học, hơn 1.100 cán bộ, nhân viên, GV THCS). Bậc THPT cũng đã bão hòa GV, nhiều trường đã dôi dư. Có môn GV chỉ dạy khoảng 10 tiết/tuần, so với định mức tiêu chuẩn 17 tiết/tuần. GV dôi dư khiến cho những SV sư phạm mới ra trường không còn cơ hội tìm việc làm trong tỉnh. Hầu hết SV sư phạm đều muốn có việc làm ở gần nhà, vì sẽ tận dụng được sự giúp đỡ của gia đình. Còn đi lập nghiệp ở các địa phương khác là điều bất đắc dĩ.
Thu nhập của GV nói chung, và GV mới ra trường rất thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay. Lương GV mới ra trường chỉ ở mức từ 1,5 đến dưới 2 triệu đồng/tháng, nếu không có các nguồn thu nhập khác thì không đủ sống. Đời sống GV ở các vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn. Lương GV được trả theo thâm niên, yếu tố năng lực, hiệu quả công tác không được tính đến. GV buộc phải dạy thêm, làm thêm để tăng thu nhập. Chỉ có một số GV các môn Toán, Lý, Hoá, Ngoại ngữ…mới có HS đăng ký học thêm. Còn việc làm thêm khác sẽ ảnh hưởng không tốt đến công tác giảng dạy. Trong khi đó, học những ngành KHTN - KT, Ngoại ngữ ra trường làm việc ở các công ty, doanh nghiệp có thể có mức lưng cao hơn nhiều lần.
Môi trường của ngành giáo dục, mặc dù đã được cải thiện, song vẫn còn không ít những bất cập. Một số cán bộ quản lý chưa thực sự có sức thuyết phục về đức lẫn tài, những tiêu cực trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá GV vẫn còn. Những yếu tố tiêu cực của cơ chế thị trường tác động đến nhà trường làm một bộ phận HS xuống cấp về đạo đức, vị thế của nhà giáo không được đề cao. Những yếu tố ấy khiến cho ngành sư phạm không còn sức hấp dẫn. Các GV cũng không định hướng cho con cái nối nghiệp. Một GV giỏi ở TP Vinh chia sẻ: “Tôi cũng tâm sự thật với HS là tốt nghiệp xong cố tìm việc gì đó mà làm, chứ đừng theo nghề sư phạm”. Còn thầy Vương Đình Đông, GV Ngữ văn ở Diễn Châu thì trăn trở: “Một bộ phận không nhỏ GV thiếu ý thức cầu thị, chủ yếu là đối phó với các thủ tục thanh tra, kiểm tra của trường, của Phòng, của Sở. Các phong trào trong nhà trường như thao giảng dự giờ, viết sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy… thường rơi vào hình thức, khuôn sáo. Vào biên chế rồi, lương cứ “đến hẹn lại lên”, nên nhiều GV không có động lực phấn đấu. Nhiều GV Ngữ văn mà hầu như không đọc thêm sách báo gì, kiến thức cứ ngày một teo lại, rồi rơi vào lạc hậu, bảo thủ”. Không ít cuộc họp tổ chuyên môn nhưng lại không bàn đến chuyên môn. Việc các GV trao đổi, tranh luận say sưa về chuyên môn đang ngày càng trở nên hiếm hoi. Như vậy, chất lượng đội ngũ GV đang trong tình trạng báo động bởi hai nguyên nhân: đội ngũ hiện tại thiếu động lực phấn đấu và thiếu hụt nguồn bổ sung có chất lượng cao.
 Nhân lực ngành sư phạm nói chung và nhân lực ngành sư phạm các môn KHXH nói riêng đang ở trong một giai đoạn rất khó khăn. Và hệ quả tất yếu sẽ đến: chất lượng đầu vào các trường sư phạm thấp thì chất lượng đầu ra cũng không thể cao, cho dù môi trường đào tạo tốt. Mấy năm gần đây, không ít GV kì cựu phàn nàn về chất lượng của đội ngũ sinh viên thực tập và những GV mới ra trường. Có những GV ngành KHXH nhưng viết một văn bản còn sai cả chính tả, ngữ pháp. GV yếu kém thì cũng khó mà đổi mới phương pháp giảng dạy. Và không có đội ngũ GV giỏi thì cũng không thể có HS giỏi. Không có HS giỏi, tương lai giáo dục, tương lai đất nước sẽ ra sao, đó là một trăn trở lớn của những người có tâm huyết. Bài toán nan giải này, chỉ mỗi ngành giáo dục không giải được, mà cần có những quyết sách, chiến lược của Nhà nước.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450196

Hôm nay

2228

Hôm qua

2274

Tuần này

21741

Tháng này

216455

Tháng qua

120141

Tất cả

114450196