Những góc nhìn Văn hoá

Người Hà Nội thanh lịch - một ít nhận dạng về nó

Hà Nội thanh lịch. Từ lúc nào có khái niệm đó? Nó xuất hiện cùng lúc, hoặc có trước câu thơ:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Tràng An là một địa danh của Trung Quốc ở Thiểm Tây - thủ đô đời Hán. Sao lại phải mượn địa danh đó? Chắc chỉ để ngụ ý đây là đất Kinh. Là Kinh đô. Kinh đô ở bất cứ nơi nào, nước nào cũng là nơi hội tụ tinh hoa của nước ấy. Xét trên đặc trưng và chức năng của một Thủ đô, dĩ nhiên, thanh lịch hoặc bất cứ một mỹ từ nào khác, cũng đều có thể vận vào được.

Nhưng cũng như mọi sự vật, mọi hiện tượng của thế gian, không có gì là vĩnh cửu theo thời gian, mà là biến động theo lịch sử. Hàng nghìn năm trong xã hội phong kiến, dẫu có lạc hậu, đình trệ, với con trâu đi trước cái cày theo sau; cũng hàng nghìn năm trong văn học trung đại, là sự ổn định, bền vững của ca dao, truyện thơ lục bát, thơ luật Đường, và hịch - cáo - phú - chiếu - biểu; thế nhưng cuộc sống Kinh kỳ lại không phải là bất động, mà biến động. Chỉ riêng chiến tranh cũng đã làm cho mất ứng nghiệm câu sấm “Thăng Long phi chiến địa”... Trăm năm trong xã hội hiện đại, nếu tính từ khi chủ nghĩa thực dân đặt nền thống trị trên cả nước ta, để biến xã hội phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến, cho đến Cách mạng tháng Tám với sự thiết lập chế độ Dân chủ Cộng hòa; rồi trên 30 năm chiến tranh; - và sau chiến tranh đang đi vào những kiếm tìm nhằm xác định một mô hình xã hội chủ nghĩa thích hợp, đến thời Đổi mới, với mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sự biến động càng là một gia tốc lớn, chưa từng có trong lịch sử, khiến cho mọi bất động và đứng yên là điều không thể hình dung nổi.

Chữ thanh lịch, trong khởi nguyên của nó và chữ thanh lịch theo cách hiểu bây giờ, hẳn không thể là một.

x x x

Gần 50 năm sống ở Hà Nội, với bất cứ cộng đồng dân cư nào, tôi cũng có chủ ý quan sát xem họ và mình có mang được một chất lượng sống gì mới, để được gọi là cư dân Hà Nội không? Bởi từ các môi trường sống quen thuộc là cơ quan, trường học, phố xá, nhà ga, vườn hoa, bến xe, bệnh viện, cửa hàng, nhà máy, doanh trại quân đội... tôi thấy nhân quần ở tất cả những nơi đó đều mang dáng vẻ “ngụ cư”. Họ đều là những người ở khắp các vùng miền trên cả nước về thủ đô rồi lập nghiệp. Vậy ngụ cư và cư dân bản địa - biết thế nào mà phân biệt? Nhưng cũng không phải là không phân biệt được. Cái truyện ngắn nổi tiếng Khách ở quê ra của Nguyễn Minh Châu là nói về cái bộ phận dân xứ Nghệ ra cư trú ở Hà Nội và mang theo trọn vẹn thói quen của họ. Chắc chắn với số khá đông cư dân “ngụ cư”, là người ở khắp nơi đến cư ngụ ở Hà Nội rồi trở thành dân Hà Nội - thì bất cứ khái niệm nào, mỹ từ nào dành cho Hà Nội cũng đều mang theo một nghĩa mới, cho thích hợp với hoàn cảnh sống bỗng trở nên thay đổi gấp rút trong cả một thế kỷ XX cực kỳ sôi động này. Như vậy là Hà Nội đã làm thay đổi họ và họ cũng góp phần làm thay đổi Hà Nội, để có Hà Nội trong thời chiến và Hà Nội trong thời bình; Hà Nội nơi công sở và Hà Nội ở ngõ chợ; Hà Nội trung tâm và Hà Nội ngoại ô; Hà Nội tôn nghiêm và Hà Nội lam lũ; Hà Nội ở hẻm sâu và Hà Nội mặt tiền... Mỗi nơi là một diện mạo riêng, và vấn đề là làm thế nào để tìm được một mẫu số chung cho tất cả?Hãy tìm về cái gọi là phố cổ - nơi cư ngụ của lớp dân cư đã sống ở đây qua rất nhiều đời: Hàng Chiếu, Hàng Mành, Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Hàng Điếu, Hàng Đường, Hàng Chĩnh, Hàng Mắm, Hàng Rươi, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Cót, Hàng Hài, Hàng Giày, Hàng Khay, Hàng Mã, Hàng Hòm, Hàng Khoai, Hàng Đậu, Hàng Bè, Hàng Thùng, Hàng Bún, Hàng Trống, Hàng Lọng, Hàng Lược, Hàng Tre, Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng Gà, Hàng Da, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bài, Hàng Bông và Hàng Bông Thợ Nhuộm... Nhiều đời cũng có nghĩa là có cái đầu đời - họ từ nông thôn mà ra, từ sự phân hóa chậm chạp nghề nông và nghề thủ công, để có một lớp người thủ công - lành nghề, chọn Kẻ Chợ làm nơi sinh sống, để thoát khỏi sự cản trở và phong bế của kinh tế làng. Nơi đó bây giờ được gọi là trung tâm, là phố cổ, và từ mấy năm nay, chính quyền thành phố đã chọn làm khu đi bộ, phục vụ cho nhu cầu du lịch. Đến từ nhiều nơi để thành cư dân Hà Nội, họ vừa mang theo dấu ấn của quê gốc, lại được Hà Nội hóa theo thời gian - để có những nét mới; và việc quan sát, ghi nhận cung cách sinh hoạt của họ có thể cho ta nhận ra nét dáng gọi là thanh lịch chăng? Tôi hy vọng ở sự tìm kiếm này, và tìm ra lý do cho sự thích thú xem ngắm cảnh quan và con người phố cổ, chẳng phải riêng khách du lịch nước ngoài, mà cả cư dân nội địa khắp các vùng miền, mỗi lúc có cơ hội về thăm thủ đô - thế nào cũng phải về cho được Bờ Hồ và Chợ Đồng Xuân. Nhưng nếu cách đây một thế kỷ, qua các bức ảnh cũ, qua những ghi chép trong thư tịch, qua văn chương trên Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí ... khi các thiếu nữ và phụ nữ Hàng Đào bỗng từ răng đen chuyển sang răng trắng, từ áo tứ thân chuyển sang áo Lemur, từ khăn vuông mỏ quạ chuyển sang tóc vấn trần hoặc bỏ lõi... được xem như là nét dáng thanh lịch; thì từ bấy đến nay, Hà Nội đã có quá nhiều thay đổi, để chẳng còn chút dấu tích gì của một thời xưa. Và đó là nguyên cớ khiến cho tôi băn khoăn. Vậy cái gọi là thanh lịch trong sinh hoạt có giữ được nét ổn định của nó không, trong biến động của thời cuộc?
Và nếu Hà Nội xưa có một nơi, để bây giờ gọi là phố cổ, thu gọn trong phạm vi 36 phố phường thì Hà Nội trong hơn một thế kỷ nay luôn luôn có một ngoại ô, một ven đô mỗi ngày một nới rộng ra, rồi chuyển thành nội đô, khắp cả bốn phía, tỏa ra khắp năm cửa ô, để từ dăm chục vạn dân mà lên đến ba bốn triệu người; rồi từ khi sát nhập thêm Hà Tây, để có Hà Nội 1 và Hà Nội 2 thì cả diện tích và dân số bỗng vọt lên một con số không ngờ. Vậy cái ngoại ô ấy, cùng với cái Hà Nội mới ấy ăn nhập ra sao, và nói gì với cái Hà Nội thanh lịch ta đang bàn? Riêng cái ngoại ô, và các ngõ hẻm, thì đã rất sớm có diện mạo của nó trong văn học, từ khi xã hội thuộc địa chính thức được hình thành - cùng thời với ngày khánh thành cầu Paul Doumer (tức cầu Long Biên) và Nhà hát lớn Hà Nội; cùng lúc với sự thay thế chữ Hán và Nôm bằng chữ Quốc ngữ, để làm nên một nền văn học hiện đại xuất hiện từ đầu thế kỷ XX trong phong trào báo chí, xuất bản, mà Hà Nội là một trong hai trung tâm lớn nhất của cả nước, và nhanh chóng có gương mặt hoàn thiện của nó trong những năm 1930-1945. Những cái ngoại ô, với đủ mọi dáng nét, hình thù của nó đã sớm có mặt trong phóng sự của Nguyễn Đình Lạp, trong tiểu thuyết của Nam Cao, trong tùy bút của Thạch Lam, Vũ Bằng, trong hồi nhớ và truyện ngắn của Tô Hoài..
                                                       xx    x
Xin được tiếp tục cuộc tìm kiếm trong văn chương- nghệ thuật gắn với hoạt động nghề nghiệp của giới trí thức. Thanh lịch - nếu là dấu ấn tiềm tàng có ở một tầng lớp cư dân, thì, nét nổi trội của nó, có lẽ cần được tìm ở giới trí thức. Người trí thức Hà Nội trong lịch sử, từng có tên gọi chung là sỹ phu Thăng Long, hoặc sỹ phu Bắc Hà, đã làm nên cốt cách và tinh hoa của đất nước. Chuyển sang thời hiện đại, cũng người trí thức trong chiều dài một thế kỷ, kể từ “Vĩnh - Quỳnh - Tố - Tốn” được gọi là “Tứ hổ Tràng An”, làm nên gương mặt tinh thần cho một chuyển đổi lớn của lịch sử. Trên mọi lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật và khoa học, người trí thức trong điểm đến là Cách mạng tháng Tám 1945 gần như tất cả đều quy tụ xung quanh Chính phủ Hồ Chí Minh, để cùng toàn dân làm nên một cuộc đổi đời của dân tộc và góp phần tạo nên gương mặt của dân tộc sau 1945. Làm giàu cho vốn văn hóa dân tộc, trên nhiều lĩnh vực - ở đây không kể các lĩnh vực khoa học xã hội và tự nhiên, đó là những tên tuổi đứng ở hàng đầu nền văn học hiện đại, như Nguyễn Tuân hay Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng hoặc Tô Hoài..., rồi tiếp đến là cả mấy thế hệ viết nối tiếp nhau sau 1945, chính họ là những người, qua tác phẩm, đã góp công phát hiện, đồng thời cũng là người lưu giữ một biểu tượng rõ nét thế nào là giá trị, là phẩm chất, là tinh hoa - gồm cả nét thanh lịch của người Hà Nội.
Nhưng là nghệ sĩ - họ lại là những con người rất khác nhau, và do khác nhau, nên sự sống mới hiện lên đa dạng đến thế. Và xét về nguồn gốc thì dường như số lớn trong họ là “ngụ cư”, không phải có gốc gác lâu đời ở Hà Nội. Họ đến Hà Nội, rồi trở thành người Hà Nội, bởi nghề nghiệp của họ chỉ có thể phát triển và thành tài ở Hà Nội. Bởi nếu không ở Hà nội, nếu không có bầu không khí và môi trường văn hóa ở Hà Nội, không có bè bạn và đồng nghiệp ở Hà Nội, không có những đam mê và quyến rũ ở Hà Nội, và không có toàn bộ cảnh và người Hà Nội... như một đối tượng để quan sát và nghĩ ngẫm sẽ không có những trang viết nói với ta vừa là cái thanh lịch, vừa là những gì chung quanh nó, làm nên nó, bồi đắp cho nó, hoặc khác biệt với nó, để đem lại một dấu ấn riêng, đặc trưng riêng của Hà Nội, trong so sánh với nhiều nơi.
Vậy là, sự thanh lịch, cũng như bất cứ phẩm chất nào khác là một khái niệm động. Bởi Hà Nội đang phát triển và mở rộng trên mọi mặt, mọi quy mô của sự sống vật chất và tinh thần. Bởi Hà Nội hội đủ tất cả những gì có trong cả nước. Khó có một nội hàm xác định. Và khó có sự xác định cho một lần. Ở góc nhìn của khoa học, cần những dữ liệu, những điều tra theo kiểu xã hội học; cần những đối chiếu, phân tích, bác bỏ hoặc xác minh. Ở góc nhìn của nghệ thuật, cần tìm đến sự kết tinh của nó trong các thành tựu và tên tuổi của văn chương, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh... Mở rộng ra thì thật là mênh mông. Khi đi vào hội họa của Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên... Khi đi vào âm nhạc của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đức Toàn... Khi đi vào sân khấu, với Thế Lữ...; vào kiến trúc với Nguyễn Cao Luyện...; vào nhiếp ảnh với Võ An Ninh... Trong bài này tôi chỉ có thể rút ra một ít gợi ý từ văn chương. Bởi lẽ trong văn chương, hầu như tất cả các tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại, đều gắn với Hà Nội. Cho đến bây giờ, trên tổng số ngót 850 hội viên Hội nhà văn Việt Nam thì có đến hơn một nửa sống và viết ở Hà Nội. Không thể không gọi họ là cư dân của Hà Nội; những người đã được hưởng những gì Hà Nội có, và có đóng góp ít nhiều cho Hà Nội.
x
x   x
Cuối cùng, xin được trở về với hai chữ thanh lịch, với cách hiểu như thế nào về nó. Chiết tự ra thì thanh gợi nghĩ sự thanh tú, thanh nhã, thanh cao, thanh tao, thanh đạm, thanh khiết... Còn lịch là kinh lịch, là lịch thiệp, lịch duyệt, lịch lãm... Đúc kết, trừu xuất cho đến cùng thì đúng là như thế. Nhưng trong thực tiễn của sự sống muôn vẻ, như sự sống thế kỷ XX này thì lại quá nhiều đổi thay, xáo trộn. Chỉ cần nhìn vào cách thức ăn, mặc, ở, đi lại, làm lụng, chơi bời... thấy chẳng có gì là... như cũ.
Tôi muốn đi tìm một phẩm chất gì khác để nói lên được nét cơ bản gắn với Hà Nội, trong phân biệt với nhiều nơi. Và cảm thấy khó khi chỉ dùng một khái niệm, kể cả nhiều khái niệm. Với Người Hà Nội, trong tổng hòa tất cả các thành phần của nó, đó là cách ứng xử bao dung và lịch thiệp; không địa phương, không cục bộ, không gây mặc cảm, không tỏ ra kỳ thị; là sự coi trọng các giá trị văn hóa và tinh thần, và rộng ra là coi trọng con người; là một quan niệm rộng rãi cho tự do và chính kiến cá nhân... Nếu không có những cái đó sẽ không có Hà Nội với nhiều thời hưng thịnh rực rỡ như xưa nay đã có. Chính với cách ứng xử như thế mà ai được sống ở Hà Nội, ai trở thành cư dân Hà Nội cũng đều tìm được một khí hậu thuận cho sự sinh tồn; và trong bươn chải của muôn mặt đời thường, có cực khổ đến mấy, con người vẫn có thể sống với nhau trong một không gian đáng tự hào là không gian Hà Nội.
Những gì cả nước có Hà Nội cũng đều có. Hà Nội không cô lập mà gắn bó với cả nước. Người Hà Nội không phải là một loại đặc chủng, đứng riêng, hoặc đứng ra ngoài cộng đồng người Việt Nam. Nhưng do khả năng tiếp nhận và gạn lọc tuyệt vời của nó, những ai được sinh ra, được sống và lập nghiệp ở Hà Nội vẫn có một gương mặt riêng, để được gọi là NGƯỜI HÀ NỘI./.
 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444140

Hôm nay

282

Hôm qua

2309

Tuần này

21953

Tháng này

219314

Tháng qua

112676

Tất cả

114444140